7. Duy Ma Cật: “phẩm Quán chúng sanh”

10/04/20163:40 SA(Xem: 9585)
7. Duy Ma Cật: “phẩm Quán chúng sanh”

CÕI PHẬT ĐÂU XA 
THẤP THOÁNG LỜI KINH DUY MA CẬT 
(Viết về kinh Duy Ma Cật
Nhà xuất bản Văn Học 2016 
Đỗ Hồng Ngọc

7. Duy Ma Cật: “phẩm Quán chúng sanh”

 

Lúc ấy, Bồ-tát Văn-thù hỏi Duy-ma-cật: “Bồ-tát nên quán chúng sanh như thế nào?”
Duy-ma-cật đáp: “Như nhà ảo thuật nhìn thấy ảo vật mình tạo ra. Bồ-tát quán chúng sanh cũng như vậy đó”.

 “Quán” đây không phải là nhìn, là ngó, là quan sát, mà là nhìn xuyên qua, nhìn xuyên thấu, thấy ở bên kia cái trình hiện, cái biểu hiện bên ngoài. “Quán” như vậy không chỉ cái thấy bằng mắt nữa mà bằng trí, bằng huệ. Như người thầy thuốc nhìn bệnh nhân thấy những tế bào, thấy những hệ thống, cơ quan đang vận hành ra sao, chỗ nào đang có vấn đề để can thiệp. Thấy các proteine, enzym, hormone hình thành ra sao, các DNA với các gène thế nào, thấy các phân tử Carbon, Hydrogen, Oxygen, Nitrogen – mà người xưa gọi là đất nước gió lửa- với hơn 60 nguyên tố đồng chì sắt kẽm, calcium, phospho, magan, magné… đã tạo nên con người ra sao… Dù vậy, cái thấy đó của người thầy thuốc chỉ là cái thấy còn hạn chế, cái thấy trong cái gọi là sắc uẩn mà thôi. Một Bồ-tát không chỉ “quán” có vậy. Bồ-tát còn phải thấy toàn bộ cái hình thành, phát triển, sinh trụ dị diệt, thấy cái vô thường, khổ, không, vô ngã, vô tướng ra sao, thấy cái sự duyên sinh chồng chéo lắp ráp trùng trùng duyên khởi ra sao và cuối cùng nhận ra cái chúng sanh đó thực ra là “ảo hóa”. Thú vị là “ảo vật” đó do chính Bồ-tát, một “ảo thuật gia” đã khéo léo vo tròn bóp méo tạo nên. Quán như vậy rồi mà vẫn còn dính mắc, còn ôm lấy ấp lấy phiền não khổ đau thì Bồ-tát chưa phải là Bồ-tát… Bồ-tát mà còn thấy ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì không phải là Bồ-tát vậy (Kim Cang).

Bài học ở đây cho các vị Bồ-tát tương lại là “nhìn đúng”, nhìn “như thật”. Nhìn đúng, thấy đúng (chánh kiến) thì mới suy nghĩ đúng (chánh tư duy) và hành động đúng (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng)… Nhưng để có chánh kiến thì phải có chánh định. Mà để có chánh định thì phải chánh niệm, chánh tinh tấn. Con đường “Bát chánh” tất yếu phải vậy. Nó là giềng mối cơ bản, giới định huệ để đối trị tham sân si. Bồ-tát phải trang bị cho mình đầy đủ, nếu muốn đi trên con đường Bồ-tát một cách chân chánh. Coi thường những bước căn bản sẽ là một sai lầm lớn của các Bồ-tát tại gia tương lai.

 

Duy-ma-cật, “tuy là cư sĩ, nhưng kính giữ luật hạnh thanh tịnh của bậc sa-môn, tuy ở tại nhà, mà chẳng vướng vào ba cõi. Thị hiệnvợ con, mà tu hạnh thanh tịnh; lấy niềm vui hành thiền làm món ăn ngon, thọ học các đạo khác, mà chẳng bỏ chánh tín, kinh doanh làm ăn lợi lộc mà chẳng lấy đó làm vui, dự vào việc chính trị, mà cứu hộ tất cả chúng sanh…”

Duy-ma-cật “thuần thục Lục độ Ba-la-mật, Tứ vô lượng tâm, Tứ pháp thâu nhiếp đến Ba mươi bảy phẩm trợ đạo gồm Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo…”

Cho nên không ngạc nhiên khi ông “ vào chốn lầu xanh để chỉ rõ chỗ tội lỗi của sắc dục, vào quán rượu để hướng thiện cho những người nghiện ngập…”. Khi Bồ-tát Trì Thế lắc đầu không dám nhận các thiên nữ chân dài tuyệt đẹp thì ông bảo đưa đây ông sẵn sàng nhận ngay.

 

Bệnh thường gặp của Bồ-tát là chấp Không. Chấp Không cứng ngắc thì không thấy được diệu hữu nằm trong cái Không đó. Thứ bệnh nữa là “Đại bi” mà còn “ái kiến”, còn phân biệt, chia chẽ. Bồ-tát sơ cơ dễ mắc các bệnh này. Giống như thầy thuốc non tay, ít kinh nghiệm cứ tưởng kháng sinh chữa được mọi thứ bệnh, và khi tiếp xúc với bệnh nhân thì để cho cảm xúc chi phối khiến cho không tỉnh táo, khách quan, công tâm mà chữa bệnh. Bồ-tát thì phải “ hành tánh Không mà vẫn trồng các cội công đức ? hành Vô tướng mà vẫn độ chúng sanh ? Đại bi mà không ái kiến ?”  Nói khác đi, Bồ-tát biết là ảo vật, là giả tướng, là tạm bợ mà cũng thấy cái đẹp của giả tướng, tạm bợ….!

Bản thân Bố-tát cũng biết mình như huyễn, cũng tứ đại ngũ uẩn tạm hiệp. Cũng như nhà ảo thuật, biết ảo vật do mình làm ra, gạt người ta chút chơi thì được chớ chẳng thể tự gạt mình.

Bồ-tát quán chúng sanh như nhà ảo thuật nhìn thấy ảo vật mình tạo ra.  Từ ảo đến ảo! Một nhà văn viết xong cuốn tiểu thuyết rồi ôm ấp lấy nhân vật mình, khổ đau với nhân vật mình thì tội nghiệp nhà văn quá! Ảo thuật gia có thể biến tờ giấy trắng thành tiền, biến chiếc khăn tay thành chim bồ câu… thậm chí cưa người ra ba khúc rồi ráp lại, biến cậu trai thành cô gái, đi xuyên Vạn lý trường thành như chơi, chẳng qua gạt người cho vui thôi chớ đâu gạt được chính mình.
Duy Ma Cật nói rõ thêm. Quán chúng sanh ư? Thì như bậc trí giả nhìn thấy trăng nơi đáy nước.( Lý Bạch đã không từng nhảy ùm xuống nước ôm trăng đó sao?). Quán chúng sanh ư? Đó là một thứ bóng hình trong gương. ( Tự Đức (?) đã không từng đập cổ kính ra tìm lấy bóng đó sao?). Quán chúng sanh ư? Đó là mây nổi giữa bầu trời với thiên hình vạn trạng thoáng chốc đổi thay; đó là dấu chân chim trong hư không; là giấc mộng hoàng lương nồi kê chưa chín… Phật dạy: Quán sắc như đống bọt (tụ mạt), tụ đó rồi tan đó; quán thọ như bong bóng nước, lềnh bềnh nổi trôi, phập phều tan vỡ; quán tưởng như bóng nắng chập chờn lúc có lúc không, quán hành như cây chuối, lột lớp này lớp khác mà chẳng có lõi; quán thức pháp như huyễn… Nhưng đã bao lâu rồi, ta đã hồng hộc chạy theo, bám lấy, giành giật, tin tưởng, khổ đau, hạnh phúc, ta vẫn mơ màng trong giấc chiêm bao, ráng giải thích những hình bóng rời rạc lắp ráp manh mún, gán cho nó một ý nghĩa này ý nghĩa khác để mừng vui lo sợ, ráng gân cổ tranh luận bộn bề với bao nhiêu triết thuyết nọ kia, hý luận không ngớt…

“Đời tôi ngốc dại

Tự làm khô héo tôi đây…” (Trịnh Công Sơn)

Chừng sợ nói vậy vẫn chưa rõ, Duy-ma-cật thêm:“Như hình sắc của cõi Vô sắc, như gieo trồng thứ hạt giống bị hư, như A-la-hán vô sanh mà còn tham, sân, si, như Bồ-tát đắc nhẫn mà còn giận hờn, phạm giới; như người ảo hóa vướng phiền não…!.”

Văn Thù vặn hỏi:

«Bồ-tát quán như thế thì làm sao mà thực hành lòng Từ?»

Từ, Bi, Hỷ, Xả vốn là tứ vô lượng tâm của Bồ-tát, bốn Bồ-tát hạnh. Làm sao thực hành bốn vô lượng tâm này khi biết chúng sanh chỉ là ảo vật do mình tạo ra? Nói khác đi, biết là ảo hóa sao còn có lòng từ được?

Đáp: «Bồ-tát sau khi quán như vậy, lại suy nghĩ: Ta sẽ thuyết pháp như vậy cho chúng sinh. Đó chính là lòng Từ chân thật.”

Nghĩa là biết chúng sanh là “đồ ảo hóa, vật ảo hóa, người ảo hóa”… ta cứ chân thậtnói thẳng ra với họ như vậy! Đó mới là lòng Từ chân thật. Không cần phải quanh co giấu giếm gạt gẫm nhau chi cho thêm vất vả, khổ đau.

Chân thật thì nói thiệt, có sao nói vậy, không sợ mếch lòng! Ảo hóa thì nói ảo hóa. Vô thường thì nói vô thường. Khổ thì nói khổ. Vô ngã thì nói vô ngã. Không thì nói không… Đó mới là lòng Từ chân thật.  Đó là để giúp người ta “sáng mắt” ra. Không cần phải khổ đau nữa. Không cần loay hoay tìm kiếm nữa. Không để cho  bị lường gạt nữa. Nhà ảo thuật bày trò xong, nghe vỗ tay rào rào xong, bèn… nói toạc ra, bộc lộ bí mật, giải thích cho mọi người thấy biết sự thật của trò ảo thuật kia. Nảy giờ làm vầy nè, vầy nè, để mọi người coi cho vui thôi, nay giải thích cho mọi người biết rõ. Vậy mà chẳng phải vậy đâu. Chẳng qua khéo tay “mà mắt” thôi!  Lòng “từ” chân thật là vậy.

Đức từ của Bồ Tát là giúp chúng sanh thấy biết chỗ bất sanh bất diệt, biết cách “phá tan giặc phiền não trói buộc, thấy được tướng chân như, giúp chúng sanh giác ngộ”.  “Nhờ hành Từ phương tiện, nên thị hiện tất cả. Nhờ hành Từ không ẩn khuất, nên lòng dạ được ngay thẳng trong sạch. Nhờ hành Từ tâm trí sâu vững, nên không có những hành động hỗn tạp. Nhờ hành Từ không dối trá, nên không có việc hư giả. Nhờ hành Từ an lạc, nên khiến được cái vui của Phật.”

Văn-thù lại hỏi: “Sao gọi là Bi?”
Đáp: “Bồ Tát tạo được bao nhiêu công đức đều chia sẻ hết thảy với tất cả chúng sinh.”

“Sao gọi là Hỷ?”
Đáp: “Bồ Tát làm lợi ích chúng sinh thì vui vẻ không hối tiếc.” 
“Sao gọi là Xả?”
Đáp: “Bồ-tát làm những việc lợi ích phước đức mà không hề hy vọng nhận được phước báo.”

 

Văn Thù lại hỏi: Sự sanh tử đáng sợ, Bồ tát nên nương vào đâu ?

Duy-ma-cật đáp: “Bồ-tát nên nương vào sức công đức của Như Lai.”

Sức công đức của Như Lai chính là Như Lai thần lực, Như lai thọ lượng (Pháp Hoa)… Phật cũng đã dựa vào sức công đức của Như Laigiáo hóa vô lượng vô biên Bồ-tát “tùng địa dũng xuất”. Dựa vào sức công đức Như Lai là “vào được trong huệ của Như Lai”, ấy là “tất cả các pháp của Như Lai có, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả việc rất sâu của Như Lai” (Pháp Hoa).
Hỏi: “Bồ Tát muốn nương vào sức công đức của Như Lai, nên trụ nơi đâu?”

Đáp: “Bồ Tát muốn nương vào sức công đức của Như Lai, nên trụ ở việc độ thoát tất cả chúng sanh.”. .

Lại hỏi: “Muốn độ thoát chúng sanh, nên trừ bỏ những gì?”
Đáp rằng: “Muốn độ thoát chúng sanh, nên trừ bỏ những phiền não của mình.”

Hóa ra chúng sanh tức là phiền não của mình hay nói khác đi phiền não của mình chính là… chúng sanh “của mình”. Hèn chi chúng sanh nào thì Bồ tát đó, Bồ tát nào thì chúng sanh đó. Kẻ mất dao thì nhìn ai cũng thấy là người ăn cắp dao. Kẻ nuôi lòng căm thù thì nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.
Cho nên Bồ-tát tạo nên cõi nước thanh tịnh cũng là vì chúng sanh, cũng vì để thành tựu cho chúng sanh.

Hỏi: “Muốn trừ bỏ phiền não, nên làm việc gì?”
Đáp: “Nên thực hành chánh niệm”.

Lại hỏi: “Thực hành chánh niệm như thế nào?”
Đáp: “Nên thực hành lẽ chẳng sinh chẳng diệt.”

Lại hỏi: “Pháp nào chẳng sinh? Pháp nào chẳng diệt?”

Đáp rằng: “Pháp bất thiện chẳng sinh. Pháp thiện chẳng diệt.”

Một khi “thực hành lẽ chẳng sinh chẳng diệt” thì dễ rơi vào chấp Không, xoa tay, từ bỏ. Bồ-tát phải xắn tay áo vào đời: hành tánh Không mà vẫn trồng các cội công đức ? hành Vô tướng mà vẫn độ chúng sanh.  Phải phân biệt thiện ác, phải biết nhân quả, luân hồi, nghiệp báo… đâu thể coi thường, nhằm để có được một cõi Phật tại thế, đem hạnh phúc cho mọi người, mọi loài. Duy-ma-cật không ngại làm kinh doanh, không ngại làm chánh trị…, không ngại vào quán rượu, bia ôm, động xì ke ma túy để giúp chúng sanh!
Lại hỏi: “Pháp thiện và pháp bất thiện lấy chi làm gốc?”
Đáp rằng: “Cái thân là gốc.

Phải rồi. Không thể coi khinh cái Sắc. Có Sắc thì mới có Thọ, Tưởng, Hành, Thức !  Dù ở trong diệt thọ tưởng định đi nữa thì cái sắc vẫn còn đó. Vì thế Duy-ma-cật đã tiếp cận vấn đề bằng con đường Sắc: giả bệnh!
Lại hỏi: “Thân lấy chi làm gốc?” -“Tham dục là gốc.” -“Tham dục lấy chi làm gốc?”-“Phân biệt hư vọng là gốc.”- “Phân biệt hư vọng lấy chi làm gốc?”-“Tư tưởng điên đảo là gốc.”- “Tư tưởng điên đảo lấy chi làm gốc?”-“Không có chỗ trụ là gốc.”- “Không có chỗ trụ lấy chi làm gốc?”- “Không có chỗ trụ thì không có gốc. Do nơi gốc là không có chỗ trụ mà tạo ra tất cả các pháp.”

Phải, như trò chơi lắp ráp puzzle của trẻ con, chỉ mấy mảnh rời rạc mà có thể lắp ghép tạo hình đủ thứ nào nhà cửa, ngựa xe, người ngợm… là nhờ không có chỗ trụ !
Pháp khôngtự tánh, không có chỗ trụ, tùy duyênsanh khởi, nên gọi là « vô trụ », do đó mà không phân biệt, không điên đảo.  Huệ Năng cũng nói : “Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc.”

 

 Nghe hai vị thượng thủ tung chiêu, chưởng phong vù vù có vẻ căng thẳng, thiên nữ nãy giờ lấp ló sau rèm rón rén bước ra trong tà áo lụa tha thướt như mây khiến mọi người trố mắt ngẩn ngơ. Duy-ma-cật giới thiệu : “Vị thiên nữ này đã thực hiện được những cuộc dạo chơi thần thông của Bồ Tát, sở nguyện đầy đủ, được đức nhẫn vô sinh, trụ ở địa vị chẳng thối chuyển. Vì bổn nguyện nên tùy ýhiện thân nữ để giáo hóa chúng sanh.”

Thì ra vậy. Cuộc trao đổi giữa Thiên nữ và Xá-lợi-phất, vị đại đệ tử trí huệ bậc nhất của Phật thật là thú vị. Nàng muốn làm một cái test, một trắc nghiệm cho các vị Bồ-tát, các đại đệ tửđặc biệt cho các Bồ tát tại gia tương lai bèn tung hoa trời lên như các fan tung confetti lên thần tượng !

« Hoa chạm đến các đại Bồ Tát  đều rơi xuống hết,  nhưng chạm đến các vị đại đệ tử thì dính chắc vào người chẳng rơi ». Dĩ nhiên, các vị vương tôn công tử, thiếu gia con nhà trưởng giả kia lại càng dính chặt.

Danh là… một trong ngũ dục « Danh, tài, sắc, thực, thụy » mà Phật dạy phải tránh xa. Hám danh, hám tiền, hám sắc… cái món ngũ dục này thiệt là không dễ gỡ !

Thiên nữ hỏi : “Tại sao ông gỡ bỏ hoa?” .
Xá-lợi-phất đáp: “Cái hoa này chẳng đúng theo pháp, nên tôi gỡ bỏ.”
Thiên nữ“Đừng bảo rằng hoa này chẳng đúng theo pháp. Hoa này vốn không có chỗ phân biệt, tự ngài khởi lên phân biệt. … Phiền não trói buộc đã hết thì hoa ấy chẳng dính được vào.

Dĩ nhiên, Xá-lợi-phất đã là bậc bất lai, làm gì có chuyện dính hoa. Kịch thôi !

Hai vị tiếp tục trao đổi về ngôn ngữvăn tự, về vô sở đắc, vô sở trụ, về nhất thừa, về bình đẳng giới, về tướng và tánh…

Hai vị, một đạo cao đức trọng, kham nhẫn tri túc, một kiều nữ nhan sắc tuyệt trần sắm vai tương tác làm cho bài học dễ nhớ dễ hiểu, ôn tập những điều cần thiết làm hành trang cho các vị Bồ-tát tương lai bước trên con đường thực hành Bồ-tát đạo đầy cam go trước mắt.

Buổi học trở nên sinh động… hấp dẫn hơn bao giờ hết !

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/10/2013(Xem: 16151)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.