10. Phật Hương Tích

10/04/20163:51 SA(Xem: 9606)
10. Phật Hương Tích

CÕI PHẬT ĐÂU XA 
THẤP THOÁNG LỜI KINH DUY MA CẬT 
(Viết về kinh Duy Ma Cật
Nhà xuất bản Văn Học 2016 
Đỗ Hồng Ngọc

10. Phật Hương Tích

 

Lúc ấy, Xá-lợi-phất nghĩ bụng: “Sắp đến giờ thọ thực rồi. Các vị Bồ-tát này sẽ ăn thức gì đây?”.

“Các vị Bồ-tát này” dĩ nhiên đó là Bảo Tích và năm trăm vị vương tôn công tử, thiếu gia con nhà viên ngoại, là những Bồ-tát tại gia tương lai, đối tượng đích của buổi huấn luyện đặc biệt tại cái thất trống trơn của Duy-ma-cật ở thành Tỳ-da-ly hôm đó.

Lần nào cũng vậy, cứ đến lúc mọi người đang bay bổng trên chín từng mây với những lý luận cao vời thì Xá-lợi-phất lại kéo ngay xuống mặt đất! Một lần ông đặt câu hỏi hỏi: “Các vị Bồ tát này rồi sẽ ngồi ở đâu?”. Một câu hỏi tưởng chẳng ăn nhập gì vào chuyện lớn đang bàn luận, thế nhưng, đó là một câu hỏi vô cùng quan trọng nhằm để xác định vai trò, vị trí của các Bồ-tát tại gia tương lai này. “Ngồi đâu?” nói lên nhiệm vụ chính của họ. Họ sẽ trở thành các Pháp sư, là “thầy giảng pháp” để giải thoát chúng sinh, để tạo cõi Phật thanh tịnh nơi cõi Ta bà đầy ô trược. Muốn vậy, họ phải “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai” cái đã rồi mới xứng đáng “ngồi tòa Như Lai”! Và Duy-ma-cật đã mang về những “tòa sư tử” nghiêm chỉnh, cao vời để họ… hì hục trèo lên!

 Bây giờ, giữa lúc mọi người đang sôi nổi hào hứng bàn những chuyện “trên trời” nào Hữu lậu với Vô lậu, nào Hữu vi với Vô vi, nào Động nào Niệm, nào Sinh tử Niết bàn… thì Xá-lợi-phất, vị đệ tử trí tuệ bậc nhất của Phật, một lần nữa lại đưa mọi người về “mặt đất”:   “Sắp đến giờ ăn rồi. Các vị Bồ Tát này sẽ ăn thức gì đây?”.

Ăn không phải là chuyện hệ trọng số một sao? Phật tới giờ ăn mà còn phải khoác y, ôm bình bát vào thành khất thực, mang về đạo tràng ăn uống xong xuôi đâu đó rồi mới rửa chân lên ngồi… nhập định trước khi thuyết giảng Kim Cang đó sao?

Thực ra câu hỏi của Xá-lợi-phất “các vị Bồ Tát này sẽ ăn thức gì đây” mang một ý nghĩa khác: các vị Bồ tát tại gia tương lai này sẽ được nuôi dưỡng bằng “thức ăn”gì đây để có thể trưởng thưởng tâm Bồ đềthực hiện tốt các hoạt động của một vị Bồ-tát chân chánh nhằm “thành tựu chúng sanh”. Nếu không được nuôi dưỡng đúng đắn, sau lúc hào hứng bồng bột ban đầu, sẽ rơi rụng dần rất đáng tiếc!

Duy-ma-cật lên tiếng: “ Xin đợi cho giây lát, tôi sẽ khiến quý vị được thứ thức ăn chưa từng có.”.

Thứ thức ăn chưa từng có ư? Với các vị vương tôn công tử, thiếu gia, con nhà trưởng giả  này thì cao lương mỹ vị có gì là lạ, tổ yến hồng sâm, nem công chả phượng có gì là lạ.

Họ háo hức chờ đợi Duy-ma-cật mang lại thứ thức ăn “chưa từng có” là gì đây!

Thì ra… Duy-ma-cật mang đến một mùi hương! Một mùi hương thơm. Thứ “thức ăn” xin được từ cõi Chúng Hương của Phật Hương Tích!

Cõi Chúng Hương? Đó là một nơi mọi thứ đều làm bằng hương thơm, từ lầu gác, đất bằng, hoa viên, thức ăn nước uống… thứ nào cũng thơm lừng…!

Có điều, xa lắm, và không dễ đến!

Duy-ma-cật liền nhập vào Tam-muội, dùng sức thần thông khiến cho đại chúng nhìn thấy về hướng trên, cách đây nhiều cõi Phật liên tiếp nhau như số cát của bốn mươi hai con sông Hằng, có một cõi nước tên là Chúng Hương, hiện có đức Phật hiệu là Hương Tích ngự tại đó. Nước ấy có mùi thơm bậc nhất đối với các mùi thơm của người ta và chư thiên ở các thế giới chư Phật mười phương. Khắp cõi ấy, mùi thơm tạo ra lầu gác. Người ta đi trên đất bằng mùi thơm. Các cảnh hoa viên và vườn tược đều bằng mùi thơm. Từ nơi thức ăn, mùi thơm bay tỏa ra khắp vô lượng thế giới mười phương. Lúc ấy, Phật Hương Tích với chư Bồ Tát vừa ngồi lại với nhau sắp thọ thực. Đại chúng đều nhìn thấy như vậy.
Duy-ma-cật quay sang hỏi các vị Bồ-tát có mặt: “Các nhân giả! Vị nào có thể đến chỗ đang dùng cơm của đức Phật ấy?”. Ai nấy đều lặng thinh.
Duy-ma-cật nói: “Đại chúng các vị ở đây, không có chi phải thẹn!
Văn-thù nhắc nhẹ: “Như Phật có dạy: Đừng khinh người chưa học .”

Đừng khinh người chưa học. Đó là bài học đầu tiên mà Văn Thù và Duy-ma-cật vừa sắm vai (role playing) để truyền đạt. Ấy là lòng Khiêm tốn, sự Tôn trọng, sự không phân biệt.

Que lửa nhỏ có thể làm cháy khu rừng to, con rắn nhỏ có thể là rắn độc!…

 

Phật dạy có bốn loại thức ăn để nuôi dưỡng thân và tâm. Đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực. Đoàn thực, thức ăn nuôi thân được nói trước tiên. Không có thân sao có tâm. Không có sắc sao có thọ tưởng hành thức ? Tứ đại ngũ uẩn quan trọng quá chứ! Nó là một « bảo tháp » để tâm quay về nương tựa! Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện. Nhìn 32 tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật mà coi, chắc chắn khác hẳn cái thời lang thang khổ hạnh, suýt chết, tâm thần lãng đãng, thân thể chỉ còn xương bọc da, sờ tay vào bụng thì đụng phải cột sống ! Nhờ một chén sữa mà tỉnh giấc dưới cội Bồ đề. Từ đó, Thành đạo. Từ đó, Chuyển pháp luân. Nhưng suốt đời Phật, ba y một bát, tiết độ, kham nhẫn, tri túc. Ngày nay người ta dễ chạy theo lợi dưỡng, món ngon vật lạ, để rồi béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút… khổ thân!

Mỗi khi gặp một vị Phật, sau khi cung kính đảnh lễ, thì câu chào hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: “Việc ăn uống thức ngủ của Ngài ra sao ? Ngài ít bệnh ít não chăng? Khí lực được an ổn chăng?” Nghĩa là luôn luôn thăm hỏi một vị Phật, một vị Như Lai về những nhu cầu tồn tại của cuộc sống (physical needs): Ăn, uống, ngủ, nghỉ, bệnh đau, phiền não, hít thở…

Còn xúc thực, tư niệm thực… ngày nay mới thật đáng ngại. Sách báo, phim ảnh, truyền hình, công nghệ thông tin ngày càng phát triển càng mang đến những nguy cơ cao về đời sống tinh thần của con người. Dĩ nhiên không phải lỗi tại sự tiến bộ của khoa học.

 

Trở lại với thứ thức ăn chưa từng có: một mùi hương! Một thứ hương thơm đủ để nuôi cả thân và tâm bất tận. Đó chính là Giới đức. Thứ hương thơm có thể bay cao, bay xa, bay ngược chiều gió! Thứ hương thơm đó thực sự cần thiết cho các vị Bồ-tát tại gia tương lai bấy giờ!

Hương thơm giới đức không thể có trong một ngày một bữa. Phải được huân tập lâu ngày chày tháng. Phải từ bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Giới từ luật nghi mà có nhưng giới cũng từ định, từ huệ. Hương thơm phải tích chứa từ từ mới đầy dần lên, mới sung mãn, tràn trề.

Cho nên Phật Hương Tích xuất hiện. Các vị Phật thật dễ thương. Lúc nào cũng sẵn sàng xuất hiện khi có ai đó cần đến ! Đức Phật Hương Tích lấy cái bát ở cõi Chúng Hương, đơm đầy cơm thơm, trao cho vị hóa Bồ Tát mang về cho Duy-ma-cật làm « Phật sự ». Phải đích thân Phật Hương Tích san sẻ món « cơm thơm » đó trao cho vị hóa Bồ-tát. Một pháp thí.

Phật dạy: “ cõi Phật dùng ánh sáng quang minh của Phật mà làm Phật sự… Có cõi dùng cây Bồ-đề mà làm Phật sự. Có cõi dùng cơm và đồ ăn của Phật mà làm Phật sự.  Có cõi dùng những ví dụ, như: chiêm bao, ảo hóa, bóng dáng, tiếng dội, hình hiện trong gương, mặt trăng dưới nước, bóng nắng… mà làm Phật sự. Có cõi dùng âm thanh, lời nói, văn tựlàm Phật sự. Hoặc có cõi Phật thanh tịnh dùng những việc: tịch mịch, không lời, không thuyết, không chỉ, không ghi, không làm, vô vilàm Phật sự ».

Hương thơm phải được hun đúc. Phải được rèn tập. Phải nhẫn nhục, tinh tấn, phải thiền định. Một hành giả sống trong chánh định thì sẽ có chánh kiến, chánh tư duy, từ đó dẫn tới chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Bát chánh đạo là một vòng tròn ngũ phần Pháp thân : Giới hương, Định hương, Huệ hương, Giải thoát hươngGiải thoát tri kiến hương.

 

Lúc ấy, Duy-ma-cật dặn vị hóa Bồ-tát rằng: “Ông hãy đến phía cõi trên kia, cách đây những cõi Phật liên tiếp nhau nhiều như số cát bốn mươi hai sông Hằng. Có một nước tên là Chúng Hương. Đức Phật hiệu là Hương Tích, với chư Bồ-tát, vừa ngồi lại với nhau sắp thọ thực. Khi ông đến đó rồi, nói: ‘Duy-ma-cật đảnh lễ sát chân Thế Tôn, cung kính vô lượng, hỏi thăm việc ăn uống thức ngủ của ngài. Ngài ít bệnh ít não chăng? Khí lực được an ổn chăng? Duy-ma-cật muốn được chút thức ăn thừa của Thế Tôn để làm Phật sự tại thế giới Ta-bà…”

Mùi thơm của chút cơm được san sẻ từ cõi Chúng Hương đã bay khắp thành Tỳ-da-ly và cõi thế giới tam thiên đại thiên. Lúc ấy, mọi người ở thành Tỳ-da-ly, nghe mùi thơm ấy, lấy làm khoái lạc thân thể và tâm ý, thảy đều khen là việc chưa từng có. Có vị trưởng giả chủ tên là Nguyệt Cái, dẫn theo tám mươi bốn ngàn người cùng đến, vào nhà Duy-ma-cật. Các vị thần đất đai, thần hư không cùng các vị thiên tiên cõi Dục giớiSắc giới, nghe mùi thơm ấy, cũng đều hiện đến, vào nhà Duy-ma-cật… Hương thơm, một thứ Pháp hỷ, đến từ thực hành Giới Định Huệ, thực hành thiền định nên đã mang đến an lạc cho tất cả mọi người: « Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ ».

Duy-ma-cật mời: “Các nhân giả, hãy dùng món cơm cam-lộ của Như Lai, do lòng đại bi hun đúc mà thành”. Thứ « thức ăn chưa từng có” đó không sợ thiếu, luôn đủ cho tất cả mọi người, vì đó là một thứ « vô tận hương » đến từ bên trong của mỗi chúng sanh!
Khi Phật Hương Tích san sẻ chút cơm thơm trao cho vị hóa Bồ-tát, chín triệu vị Bồ-tát ở cõi Chúng Hương đồng nói rằng: “Chúng con muốn đi đến thế giới Ta-bà, cúng dường đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Chúng con cũng muốn viếng thăm Duy-ma-cật và đại chúng Bồ-tát.”

Phật Hương Tích nói: “Có thể đi được, nhưng các ông nên kiềm giữ mùi thơm nơi thân, đừng để cho chúng sinh cõi kia khởi tâm lầm lạc tham trước. Lại nữa, các ông nên xả bỏ hình thể đang có của mình, đừng để những người cầu đạo Bồ Tát ở cõi Ta-bà kia sinh lòng xấu hổ. Lại nữa, đối với họ các ông đừng có lòng khinh chê mà tạo ra tư tưởng trở ngại. Tại sao vậy? Các cõi nước mười phương đều như hư không”.

Che giấu cái đức. Nhũn nhặn khiêm tốn. Nói lời ái ngữ. Không có lòng khinh chê. Xả bỏ hình tướng bên ngoài, hòa đồng với mọi người… Đó là “tứ nhiếp pháp”. Phật Hương Tích dặn dò.

Vị hóa Bồ-tát nhận lấy phần cơm, cùng với chín triệu vị Bồ-tát trong phút chốc vèo đến chỗ Duy-ma-cật.

 

Duy-ma-cật hỏi các vị Bồ-tát đến từ cõi Chúng Hương: “Đức Như Lai Hương Tích thuyết pháp bằng cách nào?”

Đức Như Lai ở cõi chúng tôi chẳng thuyết pháp bằng văn tự. Ngài chỉ dùng các mùi thơm, làm cho chư thiên và người ta đắc nhập luật hạnh. Bồ-tát mỗi vị đều ngồi nơi cội cây thơm, nghe mùi thơm vi diệu kia, liền thành tựu hết thảy các phép Tam-muội Đức tạng. Được các phép Tam-muội ấy rồi thì hết thảy những công đức của hàng Bồ-tát đều tự nhiên đầy đủ.”   

Chẳng cần phải nói năng cho phiền hà, gây tranh cãi, hý luận. Chỉ cần hương thơm của giới đức, tự nó tỏ rạng, dẫn dắt “chư thiên và người ta đắc nhập luật hạnh” không khó.

Rồi họ hỏi lại:“Hiện nay, đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni thuyết pháp bằng cách nào?”
Duy-ma-cật đáp: “Ở cõi này, chúng sanh cang cường khó dạy. Cho nên Phật nói với họ những lời cang cường đặng điều phục họ. Như nói về sáu nẻo luân hồi: địa ngục, súc sinh,  ngạ quỷ… Nói về Nghiệp báo của thân, khẩu, ý; Nói về Nhân quả của Sát sanh, Trộm cắp, Tà dâm, Vọng ngữ; nói về Tham sân si; về keo lận, phá giới, sân nhuế, giải đãi, loạn ý, ngu si…Thế này nên làm, thế này không nên làm. Thế này phạm tội, thế này lìa tội. Thế này trong sạch, thế này dơ nhớp. Thế này phiền não, thế này không có phiền não. Thế này tà đạo, thế này chánh đạo. Thế này hữu vi, thế này vô vi. Thế này thế gian, thế này Niết-bàn v.v…

Duy-ma-cật kết luận: “Bởi chúng sanh cõi này là những kẻ khó dạy, tâm họ như loài khỉ vượn, cho nên Phật phải dùng biết bao phương cáchchế ngự tâm họ, rồi mới điều phục được họ! Phật phải dùng tất cả những lời khổ thiết mới có thể khiến họ vào luật.”

Nghe vậy, các Bồ-tát cõi Chúng Hương đều khen: “Chưa từng có! Như đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni, ngài che khuất cái sức tự tại vô lượng của mình mà độ thoát chúng sinh. Còn chư Bồ-tát đây cũng lao nhọc khiêm nhường lắm, các ngài đem lòng đại bi vô lượng mà sanh nơi cõi Phật này.”

Duy-ma-cật giải thích thêm: “Chư Bồ-tát ở cõi này tuy vậy một đời mà làm việc nhiêu ích cho chúng sanh, còn hơn ở cõi khác trong trăm ngàn kiếp mà làm điều thiện. Tại sao vậy? Ở thế giới Ta-bà này có mười việc thiện mà ở những cõi tịnh độ không có”.

“Những gì là mười? Dùng bố thí mà nhiếp phục kẻ bần cùng. Dùng tịnh giới mà nhiếp phục kẻ hủy cấm. Dùng nhẫn nhục mà nhiếp phục kẻ giận hờn. Dùng tinh tấn mà nhiếp phục kẻ biếng nhác. Dùng thiền định mà nhiếp phục kẻ loạn ý. Dùng trí huệ mà nhiếp phục kẻ ngu si. (Lục độ Ba-la-mật) Nói lẽ trừ nạn mà độ khỏi tám nạn. Dùng pháp Đại thừađộ người. Dùng các thiện căn cứu tế những kẻ không có đức. Thường dùng bốn pháp thâu nhiếp (Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự) mà giúp cho chúng sanh được thành tựu. Đó là mười việc.”

Nói những điều này Duy-ma-cật vừa nhắc lại bài học vừa động viên, khuyến khích các vị Bồ-tát tại gia tương lai kia đừng có thối chí ngã lòng khi gặp khó khăn. Sen chỉ mọc tốt trong bùn.

Các vị Bồ-tát ấy hỏi: “thế giới này, Bồ-tát thành tựu bao nhiêu pháp, đức hạnh mới được không tỳ vết, sinh về tịnh độ?

Duy-ma-cật đáp: “Ở thế giới này, Bồ-tát thành tựu tám pháp, đức hạnh mới được không tỳ vết, sinh về tịnh độ”. Cõi Tịnh độ đây là cõi Phật Asuc, Phật bất động, ở Phương đông.
“Những gì là tám? Làm lợi ích cho chúng sinh mà chẳng mong báo đáp (Từ) . Chịu các khổ não thay cho tất cả chúng sinh (Bi), đem những công đức do mình tạo ra mà thí hết cho chúng sinh (Hỷ). Đem lòng bình đẳngthương yêu các chúng sinh, khiêm cung hạ mình một cách vô ngại (Xả) . Chẳng ganh ghét những kẻ khác khi họ được cúng dường. Không lấy phần lợi nhiều về mình. Thường xét lỗi mình, chẳng nói lỗi người. Hằng quyết một lòng cầu các công đức”.
Các Bồ-tát Chúng Hương khi nghe biết vậy đã hết lòng khâm phục, mong được Phật Thích Ca ban cho một pháp thí và Phật đã thuyết giảng về vai trò của một vị Bồ-tát: “Bất tận hữu vi / Bất trụ vô vi”.

Phật dạy Bảo Tích:“ Bồ-tát vì muốn giúp cho chúng sanh được thành tựu nên nguyện giữ lấy cõi Phật. Nhưng nếu muốn xây cất nơi hư không thì không thể được. Việc nguyện giữ lấy cõi Phật đó, chẳng phải là việc xây cất nơi hư không.”.

Hãy giữ lấy mùi hương như “Giữ thơm quê Mẹ”.

 

Lư hương xạ nhiệt

Pháp giới mông huân…

(Lò hương vừa đốt

Cõi Pháp nức xông…”

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/10/2013(Xem: 16158)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.