Thư Viện Hoa Sen

8. Phật Đạo

10/04/20163:45 SA(Xem: 10694)
8. Phật Đạo

CÕI PHẬT ĐÂU XA 
THẤP THOÁNG LỜI KINH DUY MA CẬT 
(Viết về kinh Duy Ma Cật
Nhà xuất bản Văn Học 2016 
Đỗ Hồng Ngọc

8. Phật Đạo

 

Văn-thù hỏi Duy-ma-cật: Bồ-tát làm cách nào để thông đạt Phật đạo? (Bồ-tát vân hà thông đạt Phật đạo?).

Duy-ma-cật đáp: Nếu Bồ-tát làm những việc trái đạo thì sẽ thông đạt Phật đạo (Nhược Bồ-tát hành ư phi đạo, thị vi thông đạt Phật đạo).

Thiệt là choáng váng! Bồ-tát phải làm những việc “trái đạo” mới thông đạt Phật đạo ư? Mà đúng vậy! “Phật đạo” ở đây không phải là Đạo Phật. Phật-đạo là con đường trở thành Phật. Cũng như Bồ-tát đạo là con đường trở thành Bồ-tát. Do vậy, câu hỏi của Văn Thù đặt ra là “muốn thành Phật thì Bồ-tát phải làm những gì?”. Duy-ma-cật trả lời muốn thành Phật thì Bồ-tát phải làm những việc “trái đạo”, không như người ta vẫn nghĩ,  dám làm những việc ngược thói đời, những việc không giống ai… thì mới hy vọng thành Phật được! Nếu cứ trốn lên núi cao rừng thẳm, chui vào hang đá, ngồi dưới gốc cây, ôm bình bát đi khất thực… thì còn lâu mới thành Phật!

 

 Đây vẫn là buổi thuyết giảng chủ yếu dành cho các vị “Bồ-tát tại gia tương lai” hôm đó tại thành Tỳ-da-li, ở nơi thất “trống trơn” của đại gia Duy-ma-cật. Đối tượng đích vẫn là Bảo Tích và năm trăm vị thiếu gia, vương tôn công tử, xuất thân từ các gia đình quyền quý, từng tranh bá đồ vương, có người tay từng trót nhúng chàm, nhúng máu, và các thiếu gia con nhà trưởng giả, không ít người giàu sang bất chánh, mặc dù nay đều đã “phát tâm Bồ-đề”  nhưng chưa thể cắt ái từ thân vì còn nặng gánh gia đình, xã hội…

Đức Phật và các Đại Bồ-tát, Đại đệ tử “xuống núi” lần này đến tận Tỳ-da-ly nhằm mở rộng con đường Bồ-tát đạo, đưa đạo vào đời, tạo nên một “cõi Phật thanh tịnh” nơi chốn Ta-bà đầy ô trược mà thành Tỳ-da-ly là một điển hình. Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng với tham gia cộng đồng, kỹ thuật học thích hợp… đã được triển khai với các Bồ-tát tại chỗ “tùng địa dũng xuất” như Am-ba-pa-li, Duy-ma-cật… Các buổi thuyết giảng bằng phương pháp giáo dục chủ động với cách hỏi-đáp sinh động, sắm vai (role playing) hào hứng đã mang lại những chuyển biến tích cực không chỉ cho các Bồ tát tại gia tương lai mà cả các đệ tử lâu nay còn nhiều vướng mắc trong cách nghĩ, cách làm.

Huệ Năng từ phương Nam tới Hoàng Mai, lễ bái Ngũ Tổ, Tổ hỏi:

– Ngươi là người phương nào? Đến đây muốn cầu chuyện gì?

Huệ Năng đáp:

Đệ tử là người quê mùa ở đất Lãnh Nam. Từ xa đến bái kiến Đại sư, chỉ cầu làm Phật mà thôi, không cầu chuyện gì khác!

Tổ dạy:

– Ngươi là người đất Lãnh Nam, lại là kẻ quê mùa, sao làm Phật được?

Huệ Năng thưa:

– Bạch Hòa thượng, người có Nam bắc, chứ Phật tánh không có Bắc nam. Thân quê mùa của con không giống với thân Hòa thượng, nhưng Phật tánh nào có khác gì?

(Pháp bảo đàn kinh, Trí Hải dịch).

 

Chỉ muốn làm Phật, không muốn làm gì khác ư? Có tham vọng quá đó không? Không. Phật muốn vậy mà! Phật muốn ai ai cũng thành Phật. Phật chỉ đường dẫn lối. Không giấu giếm điều chi. Sẵn sàng “khai thị” cho tất cả chúng sanh “ngộ nhập” Tri kiến Phật. Nào đây là kho tàng bí mật của Như Lai, nào đây là Như Lai tạng… Phật vẫn nói “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, bởi chúng sanh đều có Phật tánh như Phật, không sai khác.

 

Bồ-tát làm cách nào để thành Phật ư? Bồ-tát phải làm những việc trái đạo (phi đạo), nghĩa là những việc trái với thói thường, thấy vậy mà không phải vậy, thì mới… thành Phật được! Dĩ nhiên để có thể làm được những việc “phi đạo” đó, Bồ-tát phải được trang bị tận răng, phải thực hành đầy đủ “giới định huệ” tới nơi tới chốn, phải hành thâm Bát Nhãchiếu kiến ngũ uẩn giai Không”, thấy biết duyên sinh, vô ngã, thực tướng vô tướng… thấy biết chân không mà diệu hữu, đại bi mà không ái kiến! “nơi sinh tử mà chẳng làm việc ô trược, ở nơi Niết-bàn mà chẳng diệt độ mãi mãi; đi với ma, mà vẫn thị hiện hàng phục chúng ma; hành Vô tướng mà vẫn độ chúng sanh…”.

 

Khi Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề, Ngài nghĩ khó truyền đạt cho ai khác con đường giải thoát khó tin, khó hiểu này, vì nó ngược đời quá… May thay sẵn lòng từ bi rộng lớn Phật nhìn thấy trong đầm sen bùn lầy hôi thối kia những cánh sen vẫn nở đẹp tuyệt vời, và những cánh sen còn hé nụ, lấp ló trong bùn đất. Từ đó mà có con đường “Chuyển pháp luân” suốt 49 năm không mệt mỏi cùng với lớp đệ tử này, lớp đệ tử khác, mong mang an vui hạnh phúc đến cho “Cõi người ta”.

Ngày nào nửa đêm rời bỏ kinh thành, vợ đẹp con ngoan, ngôi vị thái tử, Cồ Đàm quyết chí ra đi tìm con đường giải thoát:

“Dòng Anoma sóng nhấp nhô bờ lau xanh

Nhìn làn nước biếc Thích Ca ngài lòng vững bền

Thôi con hãy về để ta vui ánh vàng

Ta đã quyết tìm đạo sáng cứu chúng sanh…

(Hoàng Trọng Cang).

 

Thiện Tài đồng tử được Bồ tát Văn Thù  khai ngộ, lên đường tìm thầy học đạo, bắt đầu học với Tỳ kheo Đức Vân, Hải Vân, Thiện Trụ để có được những bước đi căn bản của giới, huệ, định, làm hành trang lên đường, dấn thân vào đời, học cùng các thiện tri thức, từ người buôn bán lăn lóc giữa chợ đời đến các trưởng giả giàu sang nứt đố đổ vách, đến các tiên nhân ngoại đạo, các Ưu-bà-di, kỹ nữ lầu xanh, cả vua chúa, thần linh, trời đất trăng sao, cây cỏ… cuối cùng đến với Phổ Hiền. Tri hành hợp nhất, sau khi trải qua 53 chặng đường gian khó đầy cạm bẫy, ở đâu và lúc nào Thiện Tài cũng tìm thấy bài học đã được truyền trao.

 

Đồ tễ buông dao thành Phật. Buông dao là quay đầu lại. Là thay đổi nếp nghĩ nếp làm. Kẻ phạm tôi vô gián như Đề bà đạt đa, A-xà-thế, rồi cũng được độ, một khi đã sám hối, bởi “quay đầu là bờ”.

Bồ-tát đi trên con đường thành Phật bằng những cách riêng của mình. Với lời nguyệnchúng sanh vô biên thệ nguyện độ”… nên nấn ná cõi Ta-bà, thấy sinh tửniết bàn không hai,  phiền não bồ-đề không khác. Tìm thấy trâu, cỡi trâu về, thổi sáo trên lưng trâu, mất cả người lẫn trâu, vẫn chưa xong, còn vác dép xách cá, thõng tay vào chợ.

Duy-ma-cật là một “mô hình” của vị Bồ-tát tại gia đó: Thị hiệnvợ con, mà tu hạnh thanh tịnh; phục sức đồ quý báu nhưng dùng các tướng tốt là để trang nghiêm thân mình, lấy niềm vui hành thiền làm món ăn ngon, đến nơi cờ bạc để hóa độ người. Vẫn thọ học các đạo khác, mà chẳng bỏ chánh tín. Rành sách vở thế gian, mà thường hâm mộ pháp Phật. Tham gia kinh doanh làm ăn lợi lộc mà chẳng lấy đó làm vui. Dự vào việc chính trị, mà cứu hộ tất cả chúng sanh. Thậm chí vào chốn lầu xanh, để chỉ rõ chỗ tội lỗi của sắc dục, vào quán rượu để hướng thiện cho những người nghiện ngập…”.

 

Văn Thù vặn hỏi: “Thế nào là Bồ Tát làm những việc phi đạo?”
Duy-ma-cật đáp: “ Nếu Bồ Tát làm năm tội… vô gián mà chẳng có buồn giận!”

Vô gián là tội sa địa ngục vĩnh viễn mà Bồ-tát vẫn dám làm để được vào… địa ngục. Bồ-tát mà không vào thì ai vào cho? Muốn thành tựu chúng sanh, muốn tịnh Phật quốc độ đâu có cách nào hơn… vào địa ngục, vì ở đó chúng sanh đang nheo nhóc, khổ đau nhất! Khi Duy-ma-cật nói ra điều này, hẳn không ít các vị vương tôn công tử có mặt buổi hôm đó đã thở phào, nhẹ nhõm!

Vào địa ngục mà còn được thì vào các cõi súc sanh, ngạ quỷ, Atula, thiên, nhân, sáu cõi luân hồi rộng mở đâu có khó khăn gì! Thế nhưng,

…đến súc sinhkhông vô minh; đến ngạ quỷ mà đầy đủ công đức. Lên cõi trời sắc giới, vô sắc giới mà chẳng chút kiêu mạn…

… làm như tham dục mà lìa mọi nhiễm trước; làm như sân nhuế mà chẳng chút giận hờn; làm như  ngu si mà dùng trí huệ điều phục tâm mình…

“Làm như” thôi! Giả đò, giả bộ… vậy thôi. Bồ-tát luôn ý thức rõ việc mình làm, biết chỉ là “thị hiện” để “thành tựu chúng sanh”, như người mẹ hiền giả vờ nổi giận đánh mắng con là để dạy con nên người, không phải vì ghét bỏ.

Làm như keo lận mà thí xả hết. Làm như bất tuân giới cấm mà trụ nơi hạnh thanh tịnh. Làm như nóng giận mà từ hòa, nhẫn nhục; làm như giải đãi mà thật siêng tu công đức; làm như động loạn mà thường trụ nơi niệm và định; làm như ngu si mà thông đạt cả trí huệ thế gianxuất thế gian; làm như dua nịnh dối trá mà giỏi về phương tiện…

Làm như kiêu căng ngạo mạn mà như chiếc cầu chịu cho người người giẫm đạp, làm như đầy phiền não mà lòng thường trong sạch…

Làm như già cả, ốm yếu, bệnh hoạn, tàn tật, cùng khổ, hạ tiện…ăn mặc rách rưới, gầy gò, dơ dáy mà thiệt ra không phải vậy, lúc nào cũng ung dung tự tại, đầy đủ công đức, bố thí, trì giới, vượt thoát mọi  sợ hãi, lo âu cái già cái chết cái bệnh cái đau…

Làm bộ như ngu đần, dốt nát mà biện tài vô ngại, tùy cơ ứng biến, vào chốn gian tà, hang hùm nọc rắn mà không sợ hãi…”.

 

Duy Ma Cật hỏi lại Văn Thù để làm rõ tại sao Bồ-tát lại phải hành phi đạo mới mong thông đạt Phật đạo.

Những gì là hạt giống Như Lai?” (Hà đẳng vi Như Lai chủng?)

Văn-thù đáp:  Có thân này là hạt giống Như Lai.

Thì ra vậy! Thân là hạt giống của Như Lai. Không có sắc thì làm gì có thọ, tưởng, hành, thức? Có thân mới có thọ, có thọ mới có tưởng, có tâm mới có pháp. Thân bất tịnh/ thọ thị khổ/ tâm vô thường/ pháp vô ngã. “Vô thân hữu hà hoạn?” Lão Tử nói vậy! Nên Bồ-tát phải hành thâm Bát Nhãchiếu kiến ngũ uẩn giai Không mới xong.

Vô minh với ái là hạt giống Như Lai.

Không có vô minh thì mọi sự đâu có xảy ra! Còn ái dục là gốc của khổ đau. Ái tận thì hết chuyện! Nhưng… còn lâu mới tận! Nghiệp báo oan gia đời này kiếp khác thì có.

Tham, sân, si là hạt giống Như Lai.

Thì ra vậy! Ai bày ra tham sân si? Như Lai chứ ai.

Bốn điên đảo, năm triền cái, sáu nhập, bảy thức xứ, tám tà pháp, chín não xứ, mười bất thiện… đều là hạt giống Như Lai.

Tóm lại, hạt giống của Như Lai toàn thứ… dữ, thứ độc…! Nào điên đảo, nào triền cái, nào tà pháp, não xứ, bất thiện… và trăm ngàn vô số vô lượng vô biên thứ dữ thứ độc khác đều là “hạt giống” của Như Lai cả!

 

Như Lai xấu ác vậy sao? Không, Như Lai chẳng xấu ác, chẳng thánh thiện. Như LaiNhư Lai. Tathagata. Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ. Chẳng từ đâu đến chẳng đi về đâu. Nhưng… nhờ có Như Laichúng sanhphiền não, nhờ có phiền não mà có Bồ-đề. Bồ-đề mọc từ phiền não như sen mọc trong bùn.

Văn Thù kết luận: “…sáu mươi hai kiến với tất cả phiền não đều là hạt giống Như Lai.

 

Hạt “giống” Như Lai như vậy nên nó sẽ “mọc” lên đủ thứ như vậy, buộc Bồ-tát phải thực hành “phi đạo” mới có cách giải quyết. Bố-tát sẵn sàng “…hiện làm dâm nữ/ Dắt dẫn kẻ háo sắc/ Trước lấy dục dụ người/ Sau khiến vào trí Phật”; rồi giả làm mệnh quan, giả làm phú thương… “Vào kiếp có bệnh dịch/ Hiện làm các cây thuốc/ Vào kiếp có đói khát/ Hiện làm đồ uống ăn/ Trước là cứu đói khát/ Sau giảng dạy chính pháp”.

Nhưng oan cho Như Lai quá, bởi Như LaiNhư Lai: chẳng ở bên này, chẳng ở bên kia, chẳng ở giữa dòng. Chẳng phải thế này, chẳng phải thế kia.  Chẳng trí, chẳng ngu. Chẳng thành thật, chẳng dối trá. Chẳng lại, chẳng đi. Chẳng ra, chẳng vào, chẳng thủ, chẳng xả, không vẩn đục, không phiền não, không tác, không khởi, không sanh, không diệt, không sợ, không lo, không mừng, không chán… !

Phật quá biết Như Lai, nhưng vì sao vẫn phải tận lực tìm cách “thành tựu chúng sanh”? Vì: “Chúng sanh trong cõi này cang cường, khó chuyển hóa, nên Phật giảng thuyết bằng ngôn ngữ cứng rắn để điều phục. Phật nói: Đây là địa ngục. Đây là súc sinh…Đây là tà hành của thân; đây là quả báo của tà hành của thân…Đây là hữu lậu, đây là vô lậu. Đây là chánh đạo, đây là tà đạo. Đây là hữu vi, đây là vô vi. Đây là thế gian, đây là Niết-bàn…”. Bày ra mà nói vậy thôi. Với người trí, Phật im lặng.

Văn Thù kết luận.

“ Tất cả phiền não đều là hạt giống Như Lai” (nhất thiết phiền não giai thị Phật chủng). Đúng vậy. Hoa sen phải nảy sinh trong chốn bùn lầy,  cây cối chỉ tốt tươi  nơi đất có nhiều phân.

Đại Ca-Diếp lên tiếng khen Văn Thù: “ Khoái thay những lời ấy! Đúng thật như lẽ mà ông đã nói. Đám trần lao là những hạt giống Như Lai…”.

Lúc ấy, trong Pháp hội, có một vị Bồ-tát tên là Phổ Hiện Sắc Thân hỏi Duy-ma-cật rằng:  “Cha mẹ, vợ con, thân thích quyến thuộc, bạn bè…  của ông là những ai? Tôi trai tớ gái, voi ngựa xe cộ của ông…?”.

Hỏi rất hay. Đại gia Duy-ma-cật – cũng như các “Bồ-tát tại gia tương lai” kia đùm đề gánh nặng cha mẹ, vợ con, nhà cửa, sản nghiệp… “con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo…”  làm sao mà tu hành để thành Bồ-tát cho đặng?

Duy-ma-cật bèn tủm tỉm cười đọc mấy câu kệ:

« Trí Bát Nhã là mẹ

Tùy nghi phương tiện là cha

Pháp hỷ là vợ nhà

Từ bi là con gái

Tâm thiện là con trai

Không tịch là nhà

Trần laođệ tử

Đạo phẩm là bạn hiền

Các pháp độ là bạn

Bốn nhiếp là ca nương

Pháp ngôn là vịnh ngâm

Tổng trì là vườn tược

Đại thừa dùng làm xe

Nhất tâmđiều ngự

Bát chánh đạo dạo chơi…”

 

*    *

*
« Anoma vẫn còn nhớ ghi gương sáng ngời… »

 
Tạo bài viết
09/10/2014(Xem: 13738)
05/07/2020(Xem: 9524)
03/03/2016(Xem: 11832)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: