- Bát chánh đạo 1 - Chánh kiến: Tầm nhìn và giá trị
- Bát chánh đạo 2 - Chánh tư duy
- Bát chánh đạo 3 - Chánh ngữ: Lời nói từ ái và xây dựng
- Bát chánh đạo 4 - Chánh nghiệp: Hành động chân chính và hành động thánh
- Bát chánh đạo 5 - Chánh mạng: Lập nghiệp chân chính
- Bát chánh đạo 6 - Chánh tinh tấn
- Bát chánh đạo 7 - Chánh niệm: Nền tảng các pháp môn
- Bát Chánh Đạo 8: Chánh Định
ỨNG DỤNG BÁT CHÁNH ĐẠO TRONG ĐỜI SỐNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Hồng Đức
Giảng tại Chùa Giác Ngộ, ngày 02-10-2009 Phiên tả: Diệu Tịnh Nguyên Thức
***
TRUYỀN THÔNG QUA LỜI NÓI
Rằm trung thu - tết thiếu nhi của nền văn hóa Trung Quốc và Việt Nam - là ngày mà các bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đối với con em của mình, như một trách nhiệm và đồng thời là một cam kết. Khắp nơi trên thế giới đang than phiền tình trạng lao động trẻ em. Ở tuổi chưa thành niên, lẽ ra các em phải được hưởng quyền chăm sóc thương yêu của cha mẹ, hướng dẫn các em vào các trường học, tiếp thu kiến thức từ thầy cô giáo, huấn luyện đời sống đạo đức để trở thành những người tự lập và hữu dụng cho mình, cho người về sau. Nhưng các em phải bôn ba như người đã trưởng thành, để gầy dựng chén cơm manh áo cho mình và cho gia đình.
Lễ trung thu không nên hiểu đơn thuần chỉ là dịp cha mẹ cho bánh trái, lồng đèn. Công việc đó ta làm thường xuyên mỗi ngày. Các trò chơi dân gian, các hình thức hỗ trợ, các phương tiện rất cần thiết cho sự phát triển tâm sinh lý của trẻ thơ. Giáo huấn của cha mẹ dành cho trẻ thơ rất cần thiết. Phần lớn trẻ em ngày nay không thích người lớn nói xẵng, nói chì chiết, nói nặng nhẹ. Do vậy lời nói như là một nghệ thuật truyền thông. Khi thông suốt được lỗ tai, trái tim sẽ cảm nhận sâu sắc. Trẻ có thể cảm nhận được ở tâm, cha mẹ sẽ khỏe hơn trong vấn đề định hướng giáo dục con em của mình. Chánh ngữ, nghệ thuật truyền thông hạnh phúc. Mỗi chi phần trong Bát Chánh Đạo đều đóng một vai trò quan trọng. Chánh ngữ vừa là truyền thông với chính mình vừa truyền thông với tha nhân.
Truyền thông bao giờ cũng là con đường hai chiều. Ngay trong tình huống một trong hai người mất khả năng ngôn ngữ, tức câm hoặc điếc, sự truyền thông vẫn được diễn tả ra một cách rất bình thường. Ta còn có ngôn ngữ của tay chân, truyền thông không bao giờ lặng tắt.
Trong trường hợp bế tắc giữa người vợ hoặc người chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau, sự truyền thông vẫn tiếp tục diễn ra. Nếu không để ý đến kỷ năng truyền thông, lời nói thương yêu, quan tâm chăm sóc của ta dành cho một người đáng quan tâm nào đó, đôi lúc không trở thành niềm vui mà trở thành nỗi buồn.
Khi phân tích về Chánh Ngữ trong Bát Chánh Đạo, ta có được chìa khóa kinh nghiệm tự giúp cho mình và người tháo gỡ những bế tắc như tảng băng ngầm hay tảng băng nổi trong tương quan xã hội. Chánh ngữ trong Tứ Diệu Đế giống điều đạo đức thứ tư mà tất cả người Phật tử đều khích lệ thực tập, gồm có bốn phương diện.
Thứ nhất, tuyên bố những điều đúng sự thật. Thứ hai, nói những lời xây dựng và đoàn kết. Thứ ba, nói những lời có văn hóa và nhân cách. Thứ tư, nói những lời có lợi ích và giá trị. Phần lớn nếu không để ý ta sẽ tưởng rằng giới thứ tư chỉ là không được nói láo. Nếu bỏ mất đi ba phương diện còn lại quan trọng trong phương tiện truyền thông. Phần tuyên ngôn sự thật là bước đi đầu tiên, ba phương diện còn lại nếu thiếu thì truyền thông được xem là bế tắc.
Trong phần tuyên bố sự thật, đức Phật muốn tất cả mọi người cần phải tôn trọng đối tượng mà ta đang truyền thông trực tiếp hay gián tiếp. Những gì mình nói không bao giờ bịa đặt, những chuyện không có dựng thành có, chuyện có biến thành không, chuyện lông rùa sừng thỏ, chuyện không bao giờ xảy ra... Những thêu dệt hoặc mô tả sự vật không đúng với bản chất của chúng làm cho uy tín của người phát ngôn ngày càng giảm.
Nói giỡn nói chơi dễ mất niềm tin, đến lúc nói thật không ai tin mình. Nhiều người nghĩ đơn giản nói giỡn không hại ai hết. Về phương diện luật ta không có lỗi, về phương diện đạo đức thì không nên, hậu quả của nó cho bản thân mình và tha nhân đôi khi rất lớn.
CÁI GIÁ CỦA NÓI GIỠN
Tham quan Vạn Lý Trường Thành du khách sẽ được kể câu chuyện về vị vua uy lực, sủng ái một mỹ nữ kiều diễm nhưng rất khó nở nụ cười. Muốn cho người yêu cười, nhà vua phải tìm cách. Ông dẫn nàng đến Vạn Lý Trường Thành. Ở đấy, mỗi quãng thành đều có một chòi gác, trong chòi ngoài súng ống còn có một dụng cụ dầu hỏa để đốt lửa. Khi có giặc đến, người canh gác châm lửa ở các chòi. Từ kinh thành, nhìn thấy lửa bốc lên thì quân viện trợ sẽ kéo đến cứu nguy. Vua nghĩ rằng đây là cách tốt nhất để làm người yêu cười, ông ra lệnh châm lửa các chòi gác. Quân lính lập tức kéo nhau về bảo vệ vua. Các tướng soái thì hớt hãi phi đến. Khi tới nơi, thấy nhà vua ung dung ngồi chơi vui vẻ, không có giặc; các tướng rất bất ngờ, quỳ mọp xuống chào nhà vua rồi bất bình ra về. Nhà vua thản nhiên ở lại tiếp tục vui chơi với mỹ nhân.
Mấy ngày sau, giặc ở phương xa đến khống chế nhà vua, lúc đó nhà vua cho châm lửa cầu cứu. Thấy lửa nhưng kinh thành không ai đến viện trợ vì nghĩ rằng vua đang đùa. Rõ ràng cách dàn dựng như thể có giặc ngoại xâm giả chỉ bằng hành động như bật lửa, châm mồi, cười, vẫn được xem như một truyền thông. Nó được hiểu tương đương với cách biểu đạt là giặc đang tới, các khanh hãy đến đây để cứu giá v.v… Khi ta truyền một thông tin không đúng sự thật, uy tín sẽ giảm đi, giảm đến độ, đến một lúc nào đó quần chúng có quý mến ta đi nữa vẫn rơi vào hoang mang, không biết người mình đang tiếp xúc nói thật hay nói chơi.
Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2011 tại Hoa kỳ, luật hàng không đã được bổ sung, ai nói đùa trên máy bay có bom, hoặc khủng bố v.v… chẳng những bị phạt mà còn có thể ở tù vài năm. Theo luật an ninh, khi có người loan tin hoặc báo cáo có bom, nguy hiểm đến tính mạng, máy bay không được cất cánh, nếu đã cất cánh phải đáp ngay lập tức. Nói đùa khó định lượng mức độ nguy hại. Một lần nói chơi bị phát hiện, trăm lần sau nói thật người ta cũng không tin.
LỜI NÓI HÒA ÁI
Ứng xử giao tế với những người không hiểu được cá tính của họ, chính ta là người đánh mất tình bạn, tình thân, tình thương và chặt đứt các tương quan xã hội vốn cần thiết cho sự sống và hạnh phúc của tất cả chúng ta. Nội dung thứ hai của chánh ngữ là nói những lời hòa hợp và đoàn kết. Không nên đứng đầu này nói xấu đầu kia, đứng đầu kia nói xấu đầu nọ khiến cho hai bên đang thuận hòa trở thành gây cấn, đoàn kết trở thành tan rã, tình thân trở thành xích mích, hòa bình trở thành đối nghịch.
Có rất nhiều người nhiệt tình mà thiếu phương pháp, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức trở thành “bà tám”, người nam trở thành “ông tám”, người lớn “ông cố tám”, nhỏ thì “cháu tám”. Không hiểu lý do tại sao dân gian không dùng ông tám, mà là bà tám? Có lẽ do quý bà có thói quen tán ngẫu nhiều hơn quý ông. Điều chúng tôi quan tâm là con số 8.
Bà tám là con số 8 tiếng Việt. Nó là con số nối kết bằng hai vòng tròn, ý muốn nói công việc của thiên hạ mình can thiệp vào, nói đầu tới xiên đầu lui, nói xuôi nói ngược, nói trước nói sau, kiểu gì cũng bị kẹt, vướng dính như cái còng khó thoát ra.
Giới luật nhà Phật dạy các vị tỳ kheo không nên làm công việc mai mối, ông Tơ bà Nguyệt. Khi tốt không ai nhớ ơn, khi xấu người ta quy trách nhiệm. Trong công việc làm ăn cũng vậy, nối kết có thể bị vướng dính. Những chuyện “ông tám bà tám” phần lớn làm cho người ta chia rẽ.
Những gì chúng ta không biết là thật thì đừng nên nhiệt tình phát biểu truyền bá. Làm như thế dẫn đến nhiều hậu quả, mức độ gây chia rẽ, giống như ly nước rớt xuống, vỡ nát, dầu nối kết lại cũng không dùng được, ít nhất là về phương diện thẩm mỹ, an toàn và vệ sinh.
Ta không phát biểu, hoặc thận trọng chậm phát biểu còn hơn phát biểu một cách vội vã. Khi bị mất lòng rồi thì nối kết hàn gắn lại rất khó. Các tương quan được xây dựng ba chục năm, hai chục năm, mười năm, năm bảy năm… chỉ cần lời nói hai lưỡi trong vòng tích tắc là tiêu hết. Tâm lý con người đôi lúc hay mâu thuẫn, tốt ít ai nhớ, xấu bị nhớ hoài. Hàng trăm lời nói có lợi đôi lúc ta không nhớ ơn, một lời mích lòng tí xíu thì gần như chết mang theo. Bản thân người Phật tử không nên làm như thế, nhiều người vẫn còn thói quen như vậy. Đừng rơi vào tình trạng nói phân ly, nói hai lưỡi để khỏi phải chịu trách nhiệm trước luật pháp hay trước nhân quả của bản thân.
LỜI NÓI CÓ VĂN HÓA
Khái niệm “Lời nói có văn hóa, có nhân cách” được hiểu thoát nghĩa, thay vì sát nghĩa là không nói lời thô tục. Thô tục bao gồm chửi bới, mở miệng ra nói xúc phạm đến cha mẹ của mình bằng những từ ai cũng biết. Phần lớn những lời nói tục liên hệ đến cha mẹ ông bà, nếu không của mình cũng của người. Những lời như thế truyền bá rất nhanh. Những xóm lao động nghèo ít có cơ hội ăn học, sống tập tành theo thói quen, hầu như nói thô tục, dao to búa lớn được xem như là phong cách bình thường.
Người kém văn hóa muốn chứng tỏ mình là phần tử giang hồ, có tầm vóc, càng nói những lời thô bạo. Dân gian thường khuyên: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tức cách ta phát ngôn rất quan trọng, cách diễn đạt vấn đề có nghĩa rất lớn. Trong lúc giận, căng thẳng nên hạn chế phát ngôn vì lúc đó ta mất sự kiểm soát của tâm. Thực sự mình nói bởi vì mình đang sân. Lời sân hận làm cho ta trở thành kẻ nô lệ. Tính cách này phá vỡ hạnh phúc trong các mối quan hệ xã hội. Thề cay, rủa độc là những lời nói cấm kỵ
Có nhiều người ghét người khác bèn rủa chửi: “Ra đường xe lửa đâm chết, thằng đó mà xe cán nó đứt đầu, nát đầu tôi cúng nải chuối. Mày ra khỏi nhà tao, tao sẽ ăn mừng” v.v… Tất cả những lời nói như thế là ác miệng. Những người đó đang sống dưới tầng lửa của sân, trở thành tro bụi không còn được gì. Có những người cha, người mẹ, người anh, người em khi bế tắc trong quan hệ phát biểu: “Khi tao chết đừng tới nhìn mặt tao. Ba chết tụi bay đừng tới nhìn mặt…” đều vi phạm vào trong giới Chánh ngữ.
Muốn như thế ta phải huấn luyện ngữ điệu trong phát ngôn. Những lời nói nếu ta viết ra chữ thì không có vấn đề gì, nhưng lúc ta truyền thông bằng miệng làm cho người nghe cảm thấy chướng tai, khó chịu. Thí dụ ta ghi trên giấy: “Anh thích ăn gì, em nấu cho anh ăn”. Câu này thể hiện mối quan tâm của người vợ dành cho chồng, hay em dành cho người anh. Phản ứng của người tiếp nhận câu nói là mát ruột. Nhưng nếu ta thể hiện nó bằng ngữ điệu chì chiết: “Anhcần gì, em nấu cho anh ăn” cũng y hệt những chữ như vậy nhưng ngữ điệu khác, thái độ người nghe sẽ khác hoàn toàn. Ngữ điệu truyền thông phản ánh thái độ của tâm. Sắc thái của ngữ điệu là sắc thái của tâm. Để ý đến những biểu đạt của ngữ điệu ta làm người nói có văn hóa. Giữ được bình tĩnh trong các tình huống, thậm chí người khác nói xúc phạm mình, nói oan ức, nói có ác ý bằng những lời rất cay độc, sẽ làm ta hạnh phúc và bình an.
Những người không có sự huấn luyện tâm, khi nghe lời ác ngữ dễ bị căng thẳng lên huyết áp, mất ăn bỏ ngủ, rối loạn tim mạch và nhiều biến chứng khác. Nói những lời đẹp, kinh Phật gọi là những lời từ ái, có lòng từ bi, có chất liệu yêu thương, có giá trị của sự lắng nghe và hiểu biết thì cả người nói lẫn người nghe đều được lợi ích.
NÓI TRONG CHÁNH NIỆM
Điều thứ tư nói những lời có giá trị, có ý nghĩa. Đây là điều phần lớn chúng ta làm không được, ít ai để ý đến. Đức Phật là người ít nói, nhưng nói cái gì có lợi ích cái đó.
Đức Phật huấn luyện đệ tử của Ngài, nhất là những bậc xuất gia, trở thành những người ít nói, khác với làm biếng nói. Người làm biếng nói gần như là thói xấu. Nhiều việc tốt mình biết, ai hỏi mình lặng thinh trở thành kẻ ích kỷ. Hoặc có nhiều người không biết gì hết nên dựa cột mà nghe, không nói để người ta không biết phản ứng của mình là gì.
Trong ngoại giao ít nói đôi lúc hay. Trong đời sống nội tâm, người ít nói chìm lắng quá nhiều vào trong vô thức. Không có khả năng giải phóng những ức chế tâm lý, người ít nói trở thành lãnh cảm, mặc cảm, đau sầu, thậm chí tuyệt vọng. Ít nói theo tinh thần Phật dạy là ít nói bằng chánh niệm.
Những điều chướng tai gai mắt không đọng lại lỗ tai, đào thải hết hoàn toàn, không để đọng lại vết hằn trong tâm. Những bức xúc, đè nén cần được chuyển hóa bằng sự thực tập chánh niệm. Kinh điển gọi là yên lặng Thánh, hay yên lặng trong thiền định. Yên lặng của các bậc thánh trong thiền định là sự yên lặng chuyển hóa. Nó khác với người hiểm, không trả thù lúc này nuôi mộng trả đủa lúc sau. Im lặng đó là đang nếm mật nằm gai để trả thù.
Người ôm giữ hận như thế tự giết mình một cách lần mòn. Người bị thù có chết hay không là chuyện khác. Người Phật tử khi phát biểu, nên phát biểu điều hay, điều phải, điều có giá trị, không đề cao cái tôi để người ta phải ngán mình. Ít nói để tránh được những lỗi. Ít nói để ta có cơ hội quán chiếu về chính mình nhiều hơn.
Ít nói để ta có được khả năng đầu tư vào chiều sâu đời sống nội tâm. Ít nói song hành với thiền định và chánh niệm khiến ta phóng thích tất cả những ức chế, nỗi buồn sầu, bi, khổ, ưu, não. Ít nói như vậy là tốt. Khi nói là chắc chắn chưa kết trái cũng nở hoa, không làm đẹp lòng người cũng có ích ở phương diện này phương diện nọ. Trong tình huống đó ta nên phát biểu.
Một số người có thói quen, có cơ hội được nói cứ nói không biết mình đang nói gì. Có người bình thường không nói gì hết nhưng đến một giai đoạn nào đó, họ như con két, nói huyên thuyên, nói hoài nói mãi; hoặc khi có vấn đề nào đó được khai phóng, họ có nhu cầu muốn chia sẻ để cho mọi người biết mình, họ cũng nói huyên thuyên. Kinh Tăng Chi phẩm Năm Pháp, có đưa ra năm tiêu chí của một lời nói thiện ngữ hay chánh ngữ. Năm tiêu chí này hỗ trợ và bổ sung cho nhau rất nhiều. Nếu ta thực tập tốt thì giá trị truyền thông sẽ được nâng cao. Một trong năm tiêu chí đó là nói sự thật đúng lúc.
NÓI SỰ THẬT ĐÚNG LÚC
Đức Phật khuyên nói đúng sự thật. Nói đúng sự thật để uy tín phát ngôn được thiết lập. Nói đúng sự thật để cho người khác không bị hoang mang. Nói đúng sự thật để cho tình trạng hiểu lầm không có. Nói đúng sự thật để cho giá trị chân lý được hiển bày. Tuy nhiên, cũng tùy tình huống nói đúng sự thật được thể hiện bao nhiêu phần trăm. Ví dụ như một bệnh nhân sợ chết, không có được bản lĩnh tâm lý chịu đựng, các bác sĩ với kinh nghiệm lâu năm, khi khám bệnh biết bệnh nhân đó lâm vào chứng bệnh nan y, đang ở những giây phút cuối của cuộc đời thì không nên nói thật cho họ biết vì họ sẽ bị khủng hoảng làm cho cái chết diễn ra nhanh hơn. Thời gian, yếu tố tâm lý đóng vai trò khá quan trọng trong diễn biến bệnh tật. Ví dụ bây người bị xơ gan ở cấp từ 16 cho đến 35 - theo thước đo của các bệnh viện Mỹ - có nhu cầu thay gan. Các bác sĩ cho biết sau khi thay gan có cùng tính năng hoạt động giống gan của mình, may mắn người đó sẽ sống đôi ba năm. Thay vì công việc họ đang làm đòi hỏi vài ba năm mới xong, họ chết ngay thời điểm đó làm rối công việc. Các bác sĩ nói rõ, thay gan tình huống xấu nhất là gì, tình huống tốt nhất là gì. Bác sĩ cần phải báo trước để người bệnh ký giấy không kháng kiện nếu có phản ứng phụ, dẫn đến chết chẳng hạn. Có vậy bác sĩ mới không bị truy tố trước pháp luật.
Có những người muốn biết rạch ròi để dễ sắp xếp công việc còn lại của bản thân vào những năm cuối đời, việc nói thật là cần thiết. Bằng không người ta nuôi một ảo giác, những giả định trên thực tế không có. Sự thật mất lòng, thà nói trước, mất lòng trước đặng lòng sau, đều là những điều chúng ta cần phải suy nghĩ, để tình huống nào ta nói, tình huống nào không nên nói ra.
Không phải nói đúng sự thật lúc nào cũng đều có lợi cho người nói lẫn người nghe. Đức Phật dạy nói đúng thời. Đúng thời tạo ra tâm lý thoải mái để chấp nhận, lắng nghe sửa đổi và phát huy tính năng của sự trị liệu. Ví dụ như người vợ biết chồng của mình ngoại tình hay uống rượu bê tha thiếu trách nhiệm với con, ngay lúc anh ta đang nói chuyện với bạn bè mình đi quở trách anh ta sẽ nổi cáu, anh có sai cũng không thừa nhận, do ta nói sai thời điểm. Hoặc đang lúc công việc đầy ắp cả đầu căng thẳng, người ta cần một giây phút thư giãn, mình không chịu đựng được đang tức cái gì đó muốn nói ngay, không cần biết người kia có cảm nhận được không, có tiêu hoá được không, lúc đó phản tác dụng hoàn toàn vì thời điểm không chín muồi. Muốn thuyết phục một người nào đó ta phải biết tâm lý họ thoải mái, dễ tiếp thu vào thời khắc nào trong ngày.
Thời điểm thích hợp lệ thuộc vào cá tính của từng người. Trong quan hệ ngoại giao với đối tác, ta phải có kỹ năng này thì phần thành công, đắc nhân tâm có thể được đảm bảo. Sức chịu đựng người nào đó không còn đủ, mình nói dồn dập họ trở nên cóc cần. Thái độ đó làm họ trở nên lì lợm, đạp đổ hết. Ta có nói đúng mà sai thời điểm, tác hại không chỉ cho bản thân mà còn ở tha nhân.
Thái độ nói gồm hai điều: Điều một là nói lời nhu hòa, điều hai là nói với từ tâm. Nhu là mềm mỏng, hòa là không nói sốc, không nói chọt gậy bánh xe, nói làm cho tức tối, nói để khích, nói để cho người ta cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Nói chì chiết, nói đay nghiến, nói nguyền rủa v.v… là nên tránh. Thái độ nhu hòa rất cần thiết. Nhu hòa dạy chúng ta không thể nói như một quan tòa phán xuống. Không thể giống như một người mang tính cách gia trưởng, nghĩ mình lớn, mình làm sếp, mình làm vai trò quan trọng. Cứ nói bên dưới phải nghe, không được quyền kháng cự lại, không được quyền xây dựng v.v… Những thái độ nói như thế gây đổ vỡ hàng ngày.
Nói với thái độ từ tâm, có tình thương, biết rõ người nghe có những bế tắc, có những khó khăn của họ thì nên nói. Nói làm sao để giúp cho người đó mở những bế tắc, đạt được những thành quả tốt, không phải muốn nói là nói. Người có chiều sâu, khi thời điểm chưa chín muồi ta giả vờ như không có gì, khi cần nói thì nói bằng thái độ tốt.
Theo đức Phật, nếu nói không có lợi lạc, không mang lại an vui thì đừng nói. Một đứa con làm sai điều gì đó, bẽn lẽn, thui thủi ray rứt lương tâm, muốn trốn cha mẹ, ta không cần phải nói liền ra. Ta hiểu nó đang bị rắc rối, nói dồn không hiệu quả. Ta phải xác định mục đích nói để làm gì, điều chỉnh được thái độ từ ái, nhu hòa. Nói xác định được tính hiện thực. Nói đúng, phân tích rõ ràng để cho sự mạch lạc có mặt, sự hiểu lầm được loại trừ một cách tối đa.
Các yếu tố còn lại hỗ trợ lời chánh ngữ hay thiện ngữ cần có mặt. Tiêu chí lợi lạc quan trọng nhất, mình nói không có lợi cho ai coi như hỏng. Nói càng nhiều càng mất uy tín. Những người nói tía lia không lỗi a cũng sai lầm b, sơ suất c. Dân gian gọi là nói dai, nói dài, thành ra nói dở. Mình phải biết mình đang nói với ai. Xác định được mục đích đó lời nói mới có giá trị.
TÌNH HUỐNG NÊN NÓI
Bài kinh Trung Bộ đưa ra sáu tình huống, xác định lúc nào ta nên nói, lúc nào không. Mỗi tình huống gồm có ba chi tiết, mỗi chi tiết được xem là tiêu chí và thước đo. Nghiên cứu sáu tình huống, chúng ta khắc phục được những yếu kém trong phát ngôn. Những sai lầm trong truyền thông, những phản tác dụng trong lời nói, đôi lúc ảnh hưởng xấu cho người nói và người nghe.
- Tình huống một: Một sự việc ta biết không thật, có nói ra không phục vụ được mục đích, thái độ người nghe hoàn toàn không ưa. Đức Phật khuyên không nên nói. Không thật, không mục đích, không được ưa thích nói để làm gì.
Có nhiều người thích dựng chuyện. Chuyện hoàn toàn không có họ dựng lên thành có. Nói không có giá trị cho ai họ cũng cố tình nói như thể họ là người trong cuộc. Họ biết rằng khi nói ra người nghe không ưa, bởi vì bị vu oan giá họa nhưng vẫn nói, đó là sai lầm lớn, hậu quả nghiêm trọng do cố ý xuyên tạc. Luật pháp toàn cầu quy định việc vu cáo nhục mạ làm cho người khác bị tổn thương, bị tội rất nặng.
Tổng thống Pháp vừa rồi kiện cựu thủ tướng Pháp và nhiều nhân vật báo chí đưa tin sai lầm về ông. Bây giờ có một số tu sĩ thưa kiện những người nói sai về mình. Trước đây phần lớn các tu sĩ lặng thinh, thưa kiện để làm cho người khác hiểu đúng. Có người nói tu sĩ đi thưa làm gì, còn chấp ngã quá, có người nói ngược lại. Đương sự biết rõ chính mình hơn.
Người có thiện chí việc gì cũng nhìn nhận từ gốc rễ, cội nguồn, có diễn tiến để cảm thông được. Người không thiện chí, kiểu gì cũng phê bình được hết. Theo giới luật Phật giáo, người bị vu oan mà thưa kiện để minh oan không có gì sai. Trong kinh đức Phật dạy, mỗi khi có ai nói sai về mình nếu được yêu cầu người đó sẽ xác định cái này không có trong tôi, tôi không phải là tác giả của nó. Đức Phật dạy rất rõ, làm như thế ta sẽ xác định tính chân thật của ta trong đó, người nghe chấp nhận được hay không là chuyện của họ, bổn phận của ta, ta đã tròn. Khác với câu trong Luận Bảo vương Tam muội: “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là hèn nhát”. Có nhiều người nói năm ba câu, vài ba phút là tháo gỡ được bế tắc nhưng sợ mình hèn nhát, nên ôm gút mắc đến vài chục năm, có người ôm theo đến chết.
- Tình huống hai: Lời nói chân thật, đúng sự thật một trăm phần trăm, không xuyên tạc, không thêm nhưng khi nói ra không có mục đích, không có giá trị cho ai, người nghe hoàn toàn không ưa, đức Phật khuyên không nên nói. Đây là tình huống dễ bị hiểu lầm, lý giải nó dưới góc độ tiêu cực có, góc độ tích cực cũng có. Đức Phật nói rất rõ sự chia sẻ qua truyền thông là làm thế nào để cho người nghe được hạnh phúc và an vui.
Câu chuyện có thật trong lịch sử Trung Hoa nói về một vị vua ác độc, hà khắc với dân, rất nhiều chủng tộc nổi dậy khởi nghĩa và bị bắt. Nhà vua xử lưu động trong một tòa án, yêu cầu các tội phạm phải thừa nhận sự ân sủng của nhà vua để được tha tội chết, bằng không sẽ xử trảm làm gương. Có một nghĩa sĩ được yêu cầu phát ngôn lần cuối. Anh nói bằng ngôn ngữ địa phương của người Trung Quốc chửi nhà vua một cách thậm tệ. Vì là người bình tĩnh nên anh nói nhẹ nhàng thoải mái. Nhà vua quan sát gương mặt và thái độ của anh, cảm thấy hài lòng và kêu người thông ngôn dịch. Người thông ngôn nói: “Trước khi chết phạm nhân đã nhận tội, mong đại vương ân sủng tha tội chết. Lỗi lầm ai cũng có, xin nhà vua rộng lượng”. Nhà vua nghe vậy mát ruột, tha tội chết. Rõ ràng người thông dịch trong tình huống này nói sai sự thật nhưng có mục đích cứu mạng người, mặc dù dịch sai, nói láo nhưng vẫn có giá trị tốt.
Lời nói đã cứu người, làm cho mâu thuẫn sắc tộc những người theo vua, những người không theo vua, chống và thuận trong tình huống này giảm đi khá đáng kể. Nếu lúc đó người thông dịch nói sự thật: “Nó chửi nhà vua, như thế đáng tội lắm, thưa Đại vương hãy xử trảm nó”. Như đổ dầu vào lửa, lúc đó cuộc khủng hoảng sắc tộc sẽ lan một cách rất nhanh, ảnh hưởng rất mau. An ninh sẽ là thách đố lớn. Không đạt được mục đích hòa bình. Trường hợp này đức Phật khuyên nên nói lời để mang lại kết quả tốt.
- Tình huống ba: Sự thật có mục đích giá trị, khi nói ra người ta không ưa, đức Phật khuyên vẫn nên nói. Ít nhất vẫn đạt hai yếu tố thuận hợp với chân lý. Sự thật có giá trị mục đích tích cực, người ta chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Trong tình huống này ta nói sự thật mất lòng nhưng giá trị lợi lạc nhiều hơn, ta nên nói.
Có hai vợ chồng đến thăm chúng tôi. Ông bà được những người bán chim mời mua để phóng sanh. Hai người nói, chờ lát nữa tôi quay trở ra sẽ mua, nếu còn duyên. Trước khi rời khỏi chùa, vợ chồng mời chúng tôi tụng kinh. Chúng tôi nói chim làm sao nghe được mà tụng, người nghe chưa hiểu huống hồ là chim. Lúc đó họ nói, chùa nào cũng làm thế, thầy làm ngược chi vậy! Tôi nói thật cho nghe, tin hay không tùy ở hai người.
Trước khi phóng sanh cần phải làm gì? Chỉ cần quán tưởng bằng tâm. Phải quán tưởng động tác mở lồng chim, các con chim bay về trời xanh, hết kiếp này không tái sinh làm kiếp bàng sanh mà trở thành người gặp được Phật pháp, sống cuộc sống đạo đức. Dĩ nhiên đây là thiện nguyện của chúng ta, chim có đạt được hay không còn lệ thuộc vào cộng nghiệp của chủng loại và biệt nghiệp của từng con. Ta phải quán chiếu cách chuyển nghiệp, phá ngục tù để cho các loại này không còn trong cảnh chim lồng cá chậu. Mục đích nằm ở chổ đó.
Ngay lúc phóng sanh ở trước cổng chùa, có một Phật tử khác đến mua, nhờ thầy chú nguyện giùm để tôi đem về. Hôm nay con của tôi làm lễ cưới, tụng kinh xong rồi hồi hướng công đức cho đôi vợ chồng. Tôi nói: Bà đem về, lỡ dọc đường nó chết vài con, mấy đứa con làm đám cưới cũng mang cộng nghiệp. Bà nói, đem về phóng sanh trước mặt cho nó vui, phóng ở đây nó đâu biết.
Có lần tôi giải thích cho mấy người bán chim phóng sanh: “Tiền lời từ việc bán chim thì ít, nghiệp giam cầm từ việc bán chim lại nhiều, không phải một đời mà nhiều đời”. Một chị trả lời: “Nếu tôi không bán làm sao có những Phật tử được phước?”. Tôi nói: “Ai phóng sanh người đó được phước, nhưng người bán sẽ mang tội. Người khác được phước còn mình thì chuốc tội, vậy có nên không?”.
Giữa nghiệp và phước nên cân nhắc, nó diễn ra như một cán cân, ít khi nào ngang bằng, phải có độ nghiêng, nghiêng càng nhiều đỉnh cao càng lớn, theo tỷ lệ nghịch. Nghiệp xấu gieo nhiều, phước tổn giảm. Chúng tôi biết rất rõ việc mình nói lên sự thật có giá trị cho nhiều người, nên phải nói dù bị phản đối.
Chúng tôi khuyên những người phóng sanh không nên chờ tụng kinh mới phóng. Đôi lúc người ta không hài lòng, người ta nói ông thầy làm biếng tụng kinh nên xúi mình thả gấp. Chim nhốt chật, một lồng nhỏ mà chứa mấy trăm con. Con này đè đầu cưỡi cổ con kia, thả không kịp, chết muốn hết, còn được mấy con sống để bay đi! Chưa nói đến những con quen thổ nhưỡng, chim lại tập hợp về nơi nó đã sống và người ta tiếp tục giăng bắt. Trong một kiếp sống vài ba tháng, nó bị bắt thả mua bán vài chục lần. Phước của người phóng sanh gia tăng, nghiệp của người giăng bắt và người bán cũng gia tăng, lún sâu hơn.
- Tình huống 4: Tuyên bố những lời không phù hợp với sự thật dù có mục đích tốt, người nghe không ưa nhưng có người vẫn nói. Đây là tình huống không đúng sự thật, không có mục đích, không ai ưa hết. Tức dựng chuyện lên, không phục vụ cho ai, nói ra ai cũng phiền não, ai cũng bực tức. Nói tới đâu đổ nát và phá hoại tới đó. Nhiệt tình mà thiếu trí tuệ trở thành phá hoại.
- Tình huống 5: Lời nói có sự thật, không phục vụ cho mục đích gì, người nghe thích, đức Phật khuyên không nên nói. Trong tình huống này, ta thấy điều đức Phật quan tâm hàng đầu là mục đích và lợi lạc. Các phương tiện nói và không nói, được và không được, nên và không nên, phạm vi cho phép trong mức độ nào là giá trị lợi lạc. Cán cân chân lý của việc tương thích với sự thật chỉ năm mươi phần trăm. Năm mươi phần trăm đôi lúc ta nói ngược sự thật, lời nói đó có lợi ích cho người nghe lẫn người nói và cho mọi người xung quanh.
Có một tên cướp đang rượt đuổi một người để giết và cướp. Ta biết người này đang lẩn trốn ở phía bên trái nhưng trả lời với tên cướp tôi không thấy người đó. Chỉ có con đường duy nhất bên tay phải, ông đuổi theo có thể tìm gặp. Lời nói sai sự thật hoàn toàn này lại có mục đích giúp cho tên cướp không gieo nghiệp xấu và người thiện không bị giết hại là tốt. Người bị rượt đuổi không trở thành nạn nhân của hành động phi luật pháp. Như vậy tình huống cuối cùng người ta ưa hay không ưa, tên cướp thích hay không thích, người đang trốn ưa hay không ưa, thích hay không thích ta vẫn nói, mục đích, giá trị là có thật.
- Tình huống 6: Lời nói đúng sự thật, có mục đích giá trị nói ra ai cũng thích, ai cũng khao khát được nghe. Đức Phật nói, đây là lời nói được khích lệ nên nói. Đó là chuẩn phát ngôn trong truyền thông. Theo đức Phật dạy, nó phải đạt được ba mục tiêu. Thể hiện đúng chân lý, có giá trị lợi lạc, người nghe chắc chắn thích.
Ngữ điệu trong lời nói, thái độ từ ái, hài hòa cần được thể hiện và phối hợp một cách bài bản. Ví dụ nhiều bà vợ đi chùa tụng kinh, tham dự khóa tu, làm công quả, nhưng về chồng hỏi thì luôn giấu. Hỏi bà đi đâu thì nói đi chơi với bạn. Hỏi sao vậy? Trả lời thiệt ổng chửi. Trong tình huống này ta thấy sự thật có mục đích, người nghe không ưa, tức người chồng không ưa. Đức Phật khuyên vẫn phải nói. Hôm nay em đi chùa, chùa nào? Chùa Ấn Quang. Hôm nay chùa tụng kinh Phước Đức, dạy về nghệ thuật làm phước, sống hạnh phúc cho mình cho người. Người chồng có chửi ta cười trừ bởi vì anh ta chưa hiểu, hiểu rồi sẽ thông cảm. Những người chồng khó tính tự suy nghĩ lại, nếu vợ mình đi đến vũ trường, chỗ cờ bạc. Đến chùa có gì đâu mà cấm, mỗi người phải có nhu cầu cho tinh thần. Vợ con của mình có tín tâm như thế, mình nên khích lệ. Những người vợ trong tình huống này không nên giấu, vì biết rất rõ sự thật có mục đích chân chính, việc làm tốt nói ra người ta tán thành.
LỜI NÓI ĐÚNG VÀ CÓ GIÁ TRỊ
Vấn đề là đừng nói thách đố. Tôi muốn làm gì tôi làm, ông làm gì đi cấm đoán tôi. Ta nói sự thật, có mục đích nhưng lời nói làm cho người nghe không ưa. Có một Phật tử hỏi tôi, có người bạn ở gần chùa, chùa ngày tụng kinh năm sáu thời. Hai vợ chồng phiền não, khoảng sáu giờ họ phải đi chơi để tránh thời tụng kinh buổi tối. Sợ đi thưa mang nghiệp với chùa, không thưa bị phiền não. Theo thầy nên làm như thế nào? Tôi nói, những ngôi nhà xung quanh chùa Giác Ngộ cũng đòi thưa chùa với điều kiện nếu chùa không tụng kinh là thưa. Điều gì cũng trở thành thói quen. Gần chùa hòa hợp văn hóa tâm linh, nghe tiếng chuông, tiếng kinh phiền não nhẹ, trí huệ lớn, bồ đề sanh, lìa địa ngục, thoát lửa hầm. Không hòa hợp, không thích, không cảm nhận, nghe tiếng kinh phiền não nặng, trí tuệ diệt, bồ đề tiêu, gần địa ngục, xa bồ đề. Cách duy nhất là làm quen và cảm nhận giống như những người xung quanh chùa Giác Ngộ. Thay đổi thái độ, mọi việc sẽ khác. Ta không thể nào thay đổi tình thế trong một vài tình huống. Quy luật chùa phải tụng kinh, nhà dân có thưa cũng đâu ai giải quyết.
Phải làm quen để thích ứng môi trường thì không còn trở ngại. Trong tình huống này đang nói sự thật có mục đích, người nghe thích hay không thích vẫn phải nói. Dĩ nhiên người nghe thích nhưng ngại lặp lại cho bạn mình, vì nghĩ thầy Nhật Từ nói trêu ghẹo, làm gì có những nhà dân ở xung quanh chùa Giác Ngộ nói chùa không tụng kinh sẽ thưa. Sự thật hay phương tiện không quan trọng, quan trọng là thiện chí nằm ở hai đầu, nói đúng sự thật và nói có mục đích. Người nghe có thích hay không thích vẫn phải nói. Đó là tình huống đức Phật dạy, tình huống cao nhất có sự thật, có mục đích được người ta thích nên nói. Có nhiều người tiết kiệm lời nói vì ích kỷ không nói.
Trong bài kinh Tứ Diệu Đế, đức Phật đưa ra hai tình huống sử dụng Bát Chánh Đạo. Tình huống một phục vụ cho phước báo của bản thân, nghĩa là mình tu tập từ Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Niệm, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định để mưu cầu phước báo. Đức Phật khuyên người tại gia nên dừng lại ở phương diện này, đừng để mình đắm nhiễm trong phước báo tạo dựng được.
Không nên thỏa mãn phước báo mà phải tiếp tục làm. Người xuất gia không dừng ở phước báo, phải hướng tâm về đạo quả vô thượng bồ đề. Trong kinh Đại thừa có câu: “Làm vô số các Phật sự không hướng tâm về bồ đề đều được xem là ma sự”. Có một phật tử Việt kiều nói với vẻ hoang mang: “Thầy ơi! Như vậy chị em chúng tôi làm mấy chục năm, bây giờ đọc câu này choáng váng. Mấy chục năm phước đó là làm chuyện ma hả? Bây giờ làm chuyện gì thầy”.
Đọc kinh mà không được hướng dẫn dễ hiểu sai. Kinh này đức Phật đang nói về các vị Bồ tát, không phải nói cho người cư sĩ, đức Phật muốn khuyên tất cả các vị A La Hán cần trở thành Phật thông qua con đường Bồ tát, không nên ngừng ở thành quả đạt được. Không hướng tâm vào bồ đề để giác ngộ thành Phật là ma sự. Thực ra thiện sự là thiện sự, thiện sự làm sao là ma sự. Câu này chỉ là phương tiện, không phải nói sự thật, mục đích làm cho người ta đạt được sự thật tốt hơn cho nên vẫn được nói.
Chúng tôi thuyết giảng ở Hoa Kỳ năm 2008. Khi có mặt tại chùa Hoa Nghiêm, Washington D.C, 36 hội đoàn lên án chúng tôi. Trên một số tờ báo Mỹ, Úc, Canada, Pháp và Châu Âu họ còn đưa lên đài truyền hình tiếng Việt đến năm bảy lần, mỗi lần vài ba phút, nói ông Thích Nhật Từ là cộng sản. Họ đến phỏng vấn tôi với những câu hỏi gài bẫy. Tôi chưa từ chối bất cứ câu phỏng vấn nào. Ai hỏi chúng tôi đều trả lời. Tôi yêu cầu, không nên biên tập, không được cắt xén, không được thêm bớt, phải giữ nguyên văn. Người ta hứa một đường cuối cùng biên tập lại theo kiểu thiếu thiện chí. Chúng tôi trả lời, họ ghép đoạn a vô câu b, câu b vô đoạn a. Trốn tránh vấn đề tức trả lời ngoài ngữ cảnh rồi đưa lên mạng Youtube để đấu tố tôi là tay sai chính trị trong nước, đó là thời điểm sau đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008 vừa được tổ chức thành công tại Việt Nam.
Tổ chức tưởng niệm đức Phật, vị cha tinh thần khai sáng đạo Phật mà nói làm tay sai cho chính thể là hết sức vô duyên. Khi mình nói điều gì có mục đích, người ta thích hay không thích, đức Phật khuyên vẫn phải nói. Chúng tôi, không có gì phải sợ. Mình nói đúng, nói đàng hoàng, ai gán ghép mình là chuyện của họ.
Mục đích của người xuất gia làm sao sử dụng Chánh ngữ qua việc giảng kinh thuyết pháp, nói về Phật pháp cao siêu huyền diệu nhằm góp phần làm đẹp xã hội. Tự giúp cho mình đạt được giá trị, người tại gia vẫn có thể sử dụng Chánh ngữ trong ngoại giao, đắc nhân tâm. Nếu phục vụ mục đích tốt thì có lợi lạc, dĩ nhiên không nên sử dụng vào những mục tiêu tiêu cực.
***