An sĩ toàn thư - khuyên người bỏ sự tham dục

22/07/20163:56 SA(Xem: 30440)
An sĩ toàn thư - khuyên người bỏ sự tham dục

AN SĨ TOÀN THƯ
KHUYÊN NGƯỜI BỎ SỰ THAM DỤC
Tác giả Chu An Sỹ | Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016
Khuyên người bỏ sự tham dục


Phần 1: Lời tựa

Vào khoảng cuối mùa hạ năm Tân Dậu, tôi và Chu tiên sinh cùng ngồi hóng mát trong một cái đình nhỏ ven hồ sen, tay nắm tay trao đổi tâm tình, luận bàn những việc được mất trong đời từ xưa đến nay, nhân đó đề cập đến những lẽ thiện ác báo ứng, Chu tiên sinh bỗng xúc động thở dài than rằng: “Sắc dục làm mê hoặc con người thật quá lắm, đến bậc hiền trí còn không thoát khỏi, huống chi là những người khác!”

 Tôi nghe lời ấy thì lặng thinh hồi lâu, suy nghĩ đến việc [dùng lời nói] khuyên người trong một lúc sao bằng [viết sách] khuyên người, [lưu truyền đến] muôn đời sau, liền đem việc muốn biên soạn sách này ra thỉnh ý tiên sinh.

 Chu tiên sinh nói: “Tôi lo việc khắc in sách Vạn thiện tiên tư đã gần hai năm rồi vẫn chưa xong, đâu dám nghĩ đến việc khác.”

 Tôi nói: “Chỉ cần là việc lợi ích cho muôn người, tôi đây không tiếc [đóng góp] tiền bạc.”

 Chu tiên sinh nghe vậy rất hoan hỷ, liền phát tâm biên soạn sách này. Ngày lại ngày qua, thoáng chốc đến mùa thu năm nay, vào ngày Canh Ngọ trong tháng bảy, tôi tìm đến nhắc lại lời nói năm xưa. Tiên sinh liền ngay trong ngày ấy đốt hương trang nghiêm, rửa tay sạch sẽ, phóng bút viết ra.

 Khi biên soạn sách này, mỗi khi nêu ra một phần nghị luận, tiên sinh đều cứu xét thật rõ trong nguyên bản, để giúp cho người đọc có thể nhận hiểu rõ ràng, lại khảo cứu rộng thêm đến cả những sách vở, kinh điển của Nho, Lão, Phật, lấy đó làm chỗ tham khảo [để bổ sung] đầy đủ. Tiên sinh chịu khó nhọc, đêm ngủ không yên giấc, ngày ăn chẳng thấy ngon, [để hết cả tâm ý vào công việc]. Bản thảo viết ra mất ba tháng mới hoàn tất, tôi liền tuyển chọn thợ khéo khắc bản in để có thể lưu truyền rộng rãi.

 Chỉ mong sao những người đọc được sách này có thể xem đây như một tiếng chuông trong đêm khuya thanh vắng [giúp người tỉnh ngộ], như lương thực lúc đói thiếu [giúp người no lòng], ngày ngày đặt sách ngay nơi thuận tiện để thường xem đi xem lại, ắt trí tuệ sẽ được khai mở, phước duyên tự nhiên vững chắc sâu dày. Đến như những chỗ dò tận nguồn cội, hiển lộ nghĩa uyên áo của sách này, rực rỡ sáng tỏ muôn phần, thì đương thời ắt không thiếu những bậc thức giả sáng suốt [tự nhận biết], tôi đâu cần phải ngợi khen xưng tán.

 Niên hiệu Khang Hy năm thứ 21
 Nhâm Tuất, ngày 16 tháng 11
 Cô Tô Cố Ngạc Thanh Lâm thị kính đề

Phần 2: Đức hạnh đáng khâm phục

Vào đời Nguyên, Tần Chiêu là người Dương Châu, độ tuổi đôi mươi có dịp đi chơi đến kinh thành. Lúc lên thuyền rồi, có người bạn họ Đặng mang rượu đến đưa tiễn. Đang lúc cả hai cùng nâng ly, bỗng có một cô gái tuyệt đẹp bước đến. Người bạn họ Đặng liền bảo cô ấy thi lễ với Tần Chiêu, rồi nói: “Cô gái này nguyên là nô tỳ, có vị đại nhân ở một bộ [nơi kinh thành] đã bỏ tiền mua về làm thiếp. Nhân tiện chuyến đi này của anh, xin giúp đưa cô ấy đến [chỗ ông ta ở] kinh thành.”

 Tần Chiêu ba lần từ chối không nhận, họ Đặng giận đổi sắc mặt, nói: “Sao anh lại cố chấp đến thế? Ví như không tự giữ mình được thì cứ xem như cô gái này sẽ về làm vợ anh, bất quá chỉ mất hai ngàn năm trăm quan tiền mà thôi.” Tần Chiêu bất đắc dĩ phải nhận lời [đưa cô gái đi cùng].

 Khi ấy tiết trời nóng bức, ban đêm nhiều muỗi, cô gái khổ sở không ngủ được vì không có mùng. Tần Chiêu liền bảo cô vào ngủ chung mùng với mình. Hành trình theo đường sông phải mất mười ngày như vậy mới đến kinh thành.

 Tần Chiêu gửi cô gái cho bà chủ quán trọ, rồi tự mình mang thư của người bạn họ Đặng đến cho vị đại nhân kia. Ông ta dọ hỏi: “Anh đi như thế, có người nhà cùng đi chăng?” Tần Chiêu đáp: “Không, chỉ có mỗi mình tôi thôi.” Ông ta nghe vậy bỗng nhiên biến sắc, lộ vẻ giận ra mặt, nhưng vì có thư của họ Đặng nên phải miễn cưỡng cho người đón cô gái kia về nhà.

 Đêm ấy, ông ta mới biết cô gái chưa từng thất thân, trong lòng tự thấy hết sức xấu hổ. Hôm sau lập tức viết thư cho họ Đặng, hết lời ngợi khen đức hạnh của Tần Chiêu. Ông lại đến thăm Tần Chiêu, nói: “Ông quả là người quân tử đức độ cao vời, xưa nay ít có. Hôm qua tôi hết sức nghi ngờ [việc ông đi chung thuyền nhiều ngày với người thiếp của tôi], quả thật là đã lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử. Tôi lấy làm hổ thẹn vô cùng.”

 
Lời bàn


 Tâm địa của Tần Chiêu, nếu chẳng phải hoàn toàn không bị dục tính của con người chi phối, chỉ một mực vâng theo lẽ trời, thì khi cùng với một cô gái tuyệt đẹp như thế ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu trong suốt mười ngày dài, làm sao có thể không khởi lên chuyện dục tình?


 Tần Chiêu như thế cố nhiên đã là một bậc quân tử đức hạnh, nhưng cô gái kia cũng là một trang thục nữ trong trắng thanh cao. Đức hạnh cao vời và tấm lòng trinh trắng thanh cao ấy thật khiến cho người ta phải hết sức khâm phục ngưỡng mộ. Vì thế nên cho khắc in thêm vào đây để lưu truyền rộng rãi.

 Năm Dân quốc thứ 11 (Nhâm Tuất)
 Thích Ấn Quang kính ghi


Phần 3: Thể lệ chung khi biên soạn sách này

Sách này được phân làm ba quyển. Quyển thứ nhất sưu tầm các tích truyện xưa, nhằm khơi dậy tâm niệm răn ngừa sự dâm dục. Quyển thứ hai phân tích chi tiết lý lẽ, nhằm khai mở, trình bày rõ về phương pháp, cách thức để răn ngừa sự dâm dục. Quyển thứ ba gồm các phần hỏi đáp, nhằm củng cố vững chắc căn bản của sự răn ngừa dâm dục. Trình bày như thế là để đi dần từ cạn đến sâu, không thể đảo ngược.

 Những chuyện nhân quả được dẫn ra trong sách này, cùng với những ý kiến luận bàn của người xưa, được trích ra từ sách nào đều có cước chú rõ ràng, để người đọc có thể khảo chứng. Nếu có tham khảo thêm các bản khác, ắt sẽ nêu ra những chỗ sai khác để làm căn cứ so sánh làm rõ.

 Xưa nay những chuyện liên quan đến trinh tiết và dâm dục, phần nhiều dễ được mọi người truyền miệng khắp nơi, nếu xét thấy không có sự tích chứng cứ rõ ràng thì đều loại bỏ. Đối với những chuyện nhân quả rõ ràng trong hiện tại, chưa từng có ai ghi chép thì thu thập đưa thêm vào.

 Người xưa ghi chép sự việc thường trình bày theo lối trường thiên, liên tục nối tiếp nhau không phân chương mục, khiến người đọc dễ chán. Trong sách này dựa theo mỗi sự việc mà đặt tiêu đề, dựa theo tiêu đề mà có lời khuyên bảo khuyến khích, mỗi chỗ đều rõ ràng, giúp người đọc dễ dàng phân biệt nhận hiểu.

 Những sự tích đưa vào quyển thứ nhất có xuất xứ từ tác phẩm của rất nhiều tác giả khác nhau, nên nguyên bản vốn có nhiều sự khác biệt về cách trình bày, giọng văn... Nay khi đưa vào sách này đều chỉnh sửa thay đổi đôi chút để có sự nhất quán.

 Những sách khuyên nhắc răn ngừa sự dâm dục thì người xưa trước tác cũng đã nhiều, nhưng đa phần chỉ dẫn sự tích xưa, lấy đó làm điều răn nhắc mà thôi. Còn như vì người thực sự muốn hạ thủ công phu mà trình bày phương pháp cụ thể chi ly, [vận dụng vào những trường hợp trong đời sống hằng ngày như trong sách này] ắt xưa nay chưa từng có.

 Những văn chương khuyến thiện khuyên đời thực sự rất nhiều, thoạt nhìn qua như trường giang đại hải, thật rất đáng mừng. Nhưng khảo sát cho thật kỹ thì mới thấy gần như chỉ cần một vài câu đã tóm lược được hết ý tứ. Sách này cố gắng vượt qua hạn chế đó, nên trong phần “Phương pháp tu tập” (Quyển hai) cố gắng dùng lời đơn giản mà ý hàm súc, tuy chỉ nói là răn nhắc sự dâm dục nhưng cũng gồm đủ hết thảy những phương pháp ứng xử, tu tập ở đời. Mong rằng người xem đừng như cưỡi ngựa xem hoa, sẽ uổng phí đi sự dụng tâm khó nhọc của người biên soạn.

 Nguồn gốc của dâm dục chính là nằm ở sự tham ái. Nếu tâm tham ái chưa đoạn trừ [thì dù có chế ngự được] cũng chỉ như cỏ chưa nhổ gốc, đến mùa xuân ắt lại mọc lên xanh tốt. Vì thế, trong quyển hai, ở phần quán bất tịnh và các phép quán khác đều chú ý đến việc đoạn trừ ngay từ lúc tâm tham dục còn chưa sinh khởi. Những ai thực sự ra sức thực hành mới có thể thấy được sự kỳ diệu của phương pháp này. Bằng như đem tâm hối hả mà đọc qua loa, cho rằng không có sự liên quan đến ý chỉ căn bản, ắt người soạn sách này cũng đành như Bá Nha xưa [lúc chưa gặp được Tử Kỳ, chỉ có thể] ôm đàn mà khóc.

 Trong hai quyển đầu thì phương pháp răn ngừa dâm dục cũng đã đầy đủ, nhưng chỉ nêu lên rồi cho là đúng thật, ắt không thể không làm khởi sinh nghi vấn. Vì thế, trong quyển cuối nêu ra một trăm câu hỏi đáp, đề cập tổng quát đến hết thảy mọi vấn đề.

 Vấn đề quan trọng thiết yếu nhất đối với người đời thật không gì hơn việc sống chết, bất kể là đạo Nho hay đạo Phật cũng đều quan tâm đến. Người đời nay cho rằng đây chỉ là vấn đề của đạo Phật, nên từ lâu thường né tránh không đề cập đến. Sách này nhắm đến việc làm lợi ích cho muôn người, nên đâu dám sợ sệt tránh né mà không đề cập? Vì thế, trong cả quyển hai và quyển ba, đối với những việc như nguyên nhân của sự sống chết cho đến các thuyết về u minh, đều tạm đem chỗ kiến thức hạn hẹp của soạn giả mà luận bàn, thuật lại.

 Cả ba quyển trong sách này đều chia nhỏ thành nhiều mục, hết thảy đều có phân chia thứ tự rõ ràng, từ mục đầu cho đến mục cuối. Như thế không chỉ thuận tiện cho [độc giả trong] việc bổ sung, [ghi chú nội dung từng mục], mà còn có thể trích ra từng phân đoạn để ghi thành những tấm bảng nhỏ [treo nơi chỗ ngồi, nằm hoặc trên tường], nhằm nhắc nhở sự thực hành hằng ngày.

 Viết sách lưu hành ở đời là điều hết sức khó khăn. Nếu dùng lời thô thiển ắt không hợp với hàng văn nhân trí thức, nhưng chuộng thanh nhã quá ắt không phù hợp với giới bình dân đại chúng. Đối với người kém trí thì dù nói hết sức rõ ràng họ cũng vẫn còn nghi ngại, nhưng với hạng trí thức thì dù chỉ nêu phần hết sức tinh túy cũng vẫn bị chê là thô lậu. Cho dù là những bậc thánh hiền tái thế, e cũng khó lòng thỏa mãn ý riêng của tất cả mọi người, huống chi hàng hậu học như chúng tôi? Những phần luận về răn ngừa sự dâm dục trong sách này, có những điều vì giúp bảo vệ hạnh phúc gia đình mà nêu ra, có những điều vì giúp giữ gìn sức khỏe khang kiện mà nêu ra, có những điều nhằm tạo phúc tiêu tai, có những điều nhằm tu tâm dưỡng tánh, lại cũng có những điều nhắm đến chỗ siêu việt tử sinh, vượt thoát ra ngoài Ba cõi. Cũng giống như các phương thuốc khác nhau được bày ra đủ cả, nhưng mỗi người phải tự biết bệnh mình, để chọn dùng những gì thích hợp.

Phần 4: Kinh sách tham khảo


pdf_download_2
An Sĩ toàn thư Khuyên người bỏ sự tham dục



An Si Toan ThuChân thành cảm ơn Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến đã trao tặng Thư Viện Hoa Sen bộ sách An Sĩ Toàn thư gồm 4 quyển bià cứng, giấy đẹp: Khuyên người tin sâu nhân quả - quyển Thượng,  Khuyên người tin sâu nhân quả - quyển HạKhuyên người bỏ sự giết hại,  Khuyên người bỏ sự tham dục, và  Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độTrân trọng kính giới thiệu đến quý độc giả.

Quý độc giả thích đọc sách in trên giấy có thể liên lạc với nhà sách Quang Bình 416 Nguyễn Thị Minh Khai Q3. TP. HCM (Công ty Văn hóa Hương Trang) đặt mua.  (Tâm Diệu 14/7/2016)







Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.