AN SĨ TOÀN THƯ
KHUYÊN NGƯỜI BỎ SỰ THAM DỤC
Tác giả Chu An Sỹ | Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016
QUYỂN BA
Giải Trừ Nghi Vấn
NỘI DUNG:
Tổng luận về nghiệp dâm dục
Hỏi: Thái cực sinh ra lưỡng nghi, lưỡng nghi lại sinh ra tứ tượng, từ đó mới khởi sinh con người. Cho nên biết được rằng, hình thể nam nữ phân biệt vốn là do trời đất sinh ra [theo nguyên lý âm dương]. Nam nữ đã do trời đất sinh, nay lại chê bỏ chán ghét chuyện nam nữ đến với nhau, như vậy liệu có hợp lý chăng?
Đáp: Nam nữ lập thành gia đình, vốn là ước nguyện lớn lao của các bậc cha mẹ. Nhưng nếu không đợi sự cho phép của cha mẹ mà lén lút vụng trộm tìm cách qua lại với nhau thì tất nhiên đó là điều đáng ghét đáng khinh. Đối với cha mẹ đã là như thế, ắt đối với trời đất cũng là như thế, [nên những chuyện tà dâm phải ngăn cấm cũng là lẽ tất nhiên.]
Hỏi: Trời đất lấy sự sống của muôn vật làm tâm nguyện, chuyện quan hệ nam nữ, căn bản vốn là để sinh con cái. Nếu như lại chê bỏ chán ghét việc ấy thì còn chi là lý lẽ sinh tồn?
Đáp: Lấy sự sống của muôn vật làm tâm nguyện, ấy là nói chung về lòng từ bi không làm tổn hại sự sống, chứ không có ý cho rằng việc sinh sản nhiều là quý. Trời đất nếu cho việc sinh sản nhiều là quý, ắt những loài như gà, chó, lợn, dê, mỗi con đều sinh sản rất nhiều, hoặc như cá tôm đẻ trứng cũng nhiều đến số trăm ngàn, đem so với con người [hẳn phải là đáng quý hơn], như vậy liệu có thể xem là hợp với lòng trời chăng?
Hỏi: Thượng đế nếu như đã ghét việc tà dâm, lẽ ra nên làm cho loài người sinh ra cùng một hình tướng [không phân nam nữ], đến tuổi trưởng thành thì tự nhiên phát dục sinh con, như vậy ắt sẽ dứt được tận gốc chuyện tà dâm. Vì sao Thượng đế lại không làm như vậy?
Đáp: Chuyện lành dữ, họa phúc chốn nhân gian, tuy quả thật do trời định, nhưng bất quá cũng chỉ là dựa theo nghiệp nhân đã tạo mà hình thành quả phải nhận, tuyệt nhiên không thể có ý riêng thiên vị trong đó. Huống chi, hình tướng nam hay nữ cũng đều tùy theo chỗ tạo tác của tâm đời trước, trời đã không thể ép buộc cho người thế gian đều có cùng một tâm thức như nhau, thì làm sao có thể ép buộc kẻ nam người nữ trong chốn thế gian có cùng một hình tướng như nhau?
Hỏi: Chuyện quan hệ nam nữ đối với thế gian là điều hết sức kín đáo, bí mật, trời đất quỷ thần làm sao lại có thể rõ biết tất cả?
Đáp: Khắp cõi pháp giới này cùng với tâm thức của chúng ta, vốn không phải hai thực thể phân biệt khác nhau. Điều gì mà tự tâm mình biết được thì tất nhiên là mười phương thế giới cũng đều biết được, đâu chỉ riêng trời đất quỷ thần biết được thôi sao? Mặt nước trong lặng thì bóng trăng tự nhiên phản chiếu, xác chuột chết sình thối thì sinh giòi bọ, [đều là những chuyện tự nhiên,] sao ông không xét kỹ lý lẽ ấy?
Hỏi: Làm việc giết hại thì khiến người đau đớn khổ sở, làm việc trộm cướp thì khiến người nghèo đói khốn cùng, những việc ấy tất nhiên phải chịu quả báo, không cần phải nói. Thế nhưng việc tà dâm thì đôi bên cùng vui thích, nào có hại ai đâu?
Đáp: Quả đúng là hai kẻ tà dâm lúc ấy đều vui thích, nhưng thử hỏi nếu người chồng của dâm phụ nhìn thấy có vui chăng? Cha, mẹ, anh em những người ấy nhìn thấy có vui chăng? Trời đất quỷ thần nhìn thấy có vui chăng? Cho nên, bất quá cũng chỉ làm cho một người vui thích, mà những kẻ căm giận đến nghiến răng đấm ngực, trợn mắt vây quanh thì đầy khắp hư không. Như vậy, sao có thể lại là không có tội?
Hỏi: Như vậy, nếu như đem việc tà dâm mà so với các tội giết hại hoặc trộm cướp thì tội nào nặng hơn?
Đáp: Tội giết hại thì khiến cho đối tượng bị giết phải đau đớn, khổ sở không chịu nổi, còn tội tà dâm thì khiến người phải chịu tiếng xấu cũng không chịu nổi. Tội trộm cướp thì cướp đi của người tài sản mà họ cần để nuôi dưỡng thân thể, còn tội tà dâm thì cướp đi của người phẩm chất quý báu để nuôi dưỡng tâm tính. Vì nhân tạo ra không giống nhau, nên quả báo cũng khác nhau. Kẻ phạm tội giết hại hoặc trộm cướp phải chịu tội như lửa dữ gặp gió to, sống chết thật cấp kỳ nhanh chóng. Còn quả báo của tội tà dâm thì như kẻ mắc bệnh nan y, suy nhược kéo dài, khó lòng thoát khỏi cũng khó lòng trừ dứt. Thật ra không thể phân biệt là bên nào nặng hơn.
Hỏi: Leo tường sang nhà hàng xóm mà dụ dỗ dan díu con gái họ, có thể nói là đã làm chuyện tội nghiệt. Nhưng nếu có nữ nhân ham muốn tự tìm đến với mình, như kẻ tự chui đầu vào lưới, mình chỉ chấp nhận thôi thì sao có thể gọi là có tội?
Đáp: Dụ dỗ con gái người khác là tâm ý nào? Chấp nhận quan hệ với kẻ tìm đến mình là tâm ý nào? Nếu thật có thể chấp nhận kẻ gian dâm, ắt cũng có thể làm việc dụ dỗ. Ví như ở chỗ kia có liều thuốc độc, nếu mình đi đến đó lấy uống sẽ chết, nhưng có người mang đến cho mình, nhận lấy mà uống thì cũng chết.
Hỏi: Xâm phạm đến con gái nhà lành, tất nhiên là tội rất nặng. Nhưng nếu như đối với người giúp việc trong nhà mà quan hệ dan díu thì sao có thể gọi là tội lỗi?
Đáp: Tuy thân phận của người bị nhục bởi hành vi tà dâm có sự khác biệt, phân chia sang hèn, nhưng bản chất của hành vi tà dâm thật không khác gì nhau. Tà dâm với gái bán dâm cũng là tội lỗi, huống chi với người giúp việc trong nhà mình?
Phần 35: Phân tích giải trừ nghi vấn về nhân quả
Hỏi
: Những kẻ giàu sang phú quý, phần đông đều tạo nghiệp dâm dục, sao chẳng thấy quả báo?
Đáp
: Nếu nghiệp lành đời trước đến nay đã chín mùi, thì dù hiện nay làm việc ác, nhưng trước tiên vẫn được hưởng phước báo của đời trước, còn quả báo của việc ác ngày nay sẽ lưu lại đến đời sau. Ví như năm mất mùa vẫn được ăn lúa của năm trước, còn việc mất mùa năm nay, sang năm sau mới phải đói khổ. Việc nhận lãnh quả báo tốt xấu, thiện ác cũng giống như vậy.
Hỏi
: Chuyện ong bướm đa tình với công danh sự nghiệp thường tương khắc như nước với lửa, vì sao vậy?
Đáp
: Không gì tổn hại đến danh thơm tiếng tốt của người khác hơn là chuyện dan díu tà dâm, vì thế nên tự thân mình cũng phải chịu quả báo tổn hại danh tiết.
Hỏi
: Kẻ làm nam nhi mà tham dâm háo sắc thì đời sau phải đọa làm thân nữ, vì sao như vậy?
Đáp
: Kẻ tham dâm háo sắc thì trong lòng lúc nào cũng chỉ nghĩ đến gái đẹp. Do bị tình ý tham dục dẫn dắt nên từ giọng nói tiếng cười cho đến hình dung tướng mạo đều muốn bắt chước theo những dáng vẻ mỹ miều mà mình ưa thích, do đó mà khí dương của nam tử phải mất dần, hình thể cũng tùy theo tâm thức mà thay đổi, [nên đời sau phải sinh làm thân nữ].
Hỏi
: Nếu nói rằng đàn ông tham dâm lúc nào cũng nghĩ đến phụ nữ nên đời sau sinh làm thân nữ. Vậy đàn bà tham dâm lúc nào cũng nghĩ đến đàn ông, ắt đời sau được sinh làm đàn ông. Vì sao cũng một việc tham dâm, mà với phụ nữ là may mắn thế, mà đối với đàn ông thì bất hạnh đến thế?
Đáp
: Nam giới chuyển sinh thành nữ giới, đó là đọa lạc; nữ giới chuyển sinh thành nam giới, đó là siêu sinh thăng tiến. Hai người cùng tạo nhân đọa lạc, nhất định không thể có chuyện một người riêng được siêu sinh thăng tiến, [còn người kia phải chịu đọa lạc]. Ví như hai người cùng leo lên vách núi cao, một người sẩy chân khi đang nhìn xuống, người kia thì sẩy chân trong lúc ngước nhìn lên. Người nhìn xuống bị sẩy chân, tất nhiên phải rơi xuống chân núi, nhưng lẽ nào người ngước nhìn lên bị sẩy chân lại có thể rơi ngược lên đỉnh núi hay sao?
Hỏi
: Con cái đều do chuyện dục tình mà có, vậy người nhiều tham dục lẽ ra phải sinh nhiều con cái, vì sao những kẻ đam mê sắc dục lại thường hiếm muộn con cái?
Đáp
: Việc ấy có hai nguyên nhân. Một là do phong thái cứng rắn của nam giới đã bị cạn kiệt, nên không thể sinh được con. Hai là vì tinh dịch hao tổn nên còn lại quá ít, cũng giống như người nấu rượu bủn xỉn, cho vào nồi chỉ một ít gạo mà quá nhiều nước, [không thể có được rượu].
Hỏi
: Người thế gian nói rằng: Kẻ phạm tội phải chịu tội, không liên can đến vợ con; người làm quan, dẫu quyền thế cũng không truyền được cho con cháu. Vậy nếu như kẻ làm nhiều việc thiện mà cháu con được hưng thịnh phát đạt, người phạm tội tà dâm để lại tai ương cho con cháu đời sau, chẳng phải là cháu con của người làm việc thiện thì tự nhiên được hưởng phúc, mà con cháu kẻ tà dâm lại vô cớ phải chịu tai họa đó sao?
Đáp
: Đời trước có tu thiện nên đời này mới thác sinh vào nhà làm thiện để được hưởng phúc. Đời trước làm việc ác nên đời này mới thác sinh vào nhà kẻ ác để chịu tai ương. Hoa sen không thể nở ra từ bụi gai dại, chuột nhắt lẽ nào lại được sinh từ bào thai voi chúa?
Hỏi
: Người tu tập thiện nghiệp ắt sinh quý tử, điều đó là hợp lý. Chỉ có điều, trước hết thì đôi bên phải có duyên phận cùng nhau, mới có thể thác sinh. Ví như gặp trường hợp phước báo tương xứng mà duyên không hợp, hoặc duyên phận hợp nhau mà phước báo không tương xứng, những trường hợp ấy thì sao?
Đáp
: Từ vô số kiếp trong quá khứ đến nay, những kẻ muốn theo ta báo oán ắt nhiều không kể xiết, mà những kẻ muốn theo ta trả ơn cũng nhiều không kể xiết. Cho nên, nghiệp thiện tự nhiên chiêu cảm quả thiện, việc ác tự nhiên tương ứng quả ác, lo gì lại không có cách đổi thay hoàn cảnh?
Hỏi
: Người nham hiểm độc ác, tất nhiên không con nối dõi. Nhưng người thờ kính Phật, giữ trai giới, phát tâm xuất thế, vì sao tất cả đều phải chịu cảnh không con nối dõi?
Đáp
: Người nham hiểm độc ác không có con nối dõi, đó là quả báo của tâm khắc nghiệt ác độc. Người tu hành không con nối dõi, đó lại là phước báu thanh tịnh. Trong thế gian này, những đứa con cháu ngỗ nghịch hư hỏng, khiến các bậc cha ông phải buồn phiền chết không nhắm mắt, quả thật nhiều không đếm xuể. Các bậc đại thánh đại hiền còn không thể biết được chuyện con cháu đời sau, huống chi là những người tu hành như ông nói? Ví như có được con cháu đời đời noi theo các bậc hiền thánh, nhưng hai nghiệp dâm dục với giết hại thì làm người không ai thoát khỏi, nếu truy xét đến tận cội nguồn thì ai là người tạo ra nghiệp ấy, [chẳng phải chính ta đó sao?] Vì thế, bậc tu hành chân chánh có được trí tuệ sáng suốt đầy đủ thì quyết cầu sự giải thoát rốt ráo, muốn xả bỏ thân thể phàm tục này nên nhìn lại chuyện con đàn cháu đống của thế gian chẳng có gì là ham thích cả. Ví như có người trong đời trước làm thân mèo, sinh được một con mèo con, tất nhiên hết sức vui mừng thương yêu. Đến khi tái sinh được làm người, nếu biết được con mèo kia là do mình sinh ra trong đời trước, lại nhìn thấy nó ăn vụng cá hay bắt chuột, ắt phải lấy làm xấu hổ tức giận vô cùng. Lúc ấy liệu có còn mong rằng dòng giống con mèo kia được tiếp nối sinh sản đời đời không dứt hay chăng?
Phần 36: Giải đáp thắc mắc về ngăn ngừa tà dâm
Hỏi
: Phẩm Phổ Môn [trong kinh Pháp Hoa] dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào nhiều tham dục, thường cung kính niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm liền có thể dứt lìa tham dục.” Sao lại có thể được như thế?
Đáp
: Sắc dục là bến mê, pháp Phật là đường giác. Giác ngộ phá tan mê lầm, cũng như ánh đèn xua tan tăm tối, đó là lẽ nhất định phải vậy. Khổng tử từng nói: “Nếu như đạt được lòng nhân ái thì xấu ác không còn.” Chẳng phải cũng là cùng một lẽ như vậy đó sao?
Hỏi
: Có người nằm mơ thấy bảng nhà trời ghi tên mình, có thứ hạng thi đỗ, về sau quả nhiên tất cả đều ứng nghiệm đúng như vậy nên không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, xét như ở thế gian này, mỗi một đất nước đều có một ngôn ngữ khác nhau, thì trên trời cũng phải có sách riêng của nhà trời, viết bằng chữ của trời, người phàm không thể đọc hiểu được. Còn như người phàm đã đọc được, thì lẽ nào cõi trời hóa ra lại sử dụng chữ viết của người phàm hay sao?
Đáp
: Bảng nhà trời nhìn thấy trong giấc mộng, ấy đều do chính tâm mình cảm ứng hóa ra. Trong tâm mình vốn sẵn có chữ viết của đất nước mình, không hề có hình thể của sách trời, cho nên những gì nhìn thấy trong mộng, chỉ duy nhất có chữ viết của địa phương mình mà thôi. Cũng ví như trong mộng nghe tiếng quỷ thần nói, thì người phương nam nghe quỷ thần nói giọng nam, người phương bắc sẽ nghe quỷ thần nói giọng bắc, [đều do chính tự tâm mình hóa hiện mà thôi].
Hỏi
: Vợ chồng ân ái cùng nhau, liệu đời sau có trở lại làm vợ chồng với nhau nữa chăng?
Đáp
: Cũng giống như bèo trôi trên mặt nước, như chim ngủ đêm trên cây trong rừng, đều do khi duyên đến thì gặp nhau, nếu hết duyên ắt sẽ chia xa.
Hỏi
: Do đời trước có duyên với nhau nên đời này mới kết hợp thành chồng vợ. Đã là chồng vợ thì duyên ấy càng thêm sâu nặng, vì sao đến đời sau lại có thể không gặp nhau được nữa?
Đáp
: Đối với cả hai người, liệu có gì đảm bảo là đời sau đều sẽ được sinh ra làm người chăng? Ví như có được sinh làm người cả, thì liệu có chắc là sẽ được tuổi tác tương ứng, phúc đức hình tướng như nhau, hoặc được sinh ra gần nhau [để gặp nhau], hoặc vẫn là một nam một nữ như đời này chăng?
Hỏi
: Chư thiên trên sáu tầng trời [cõi Dục], càng lên cao thì phúc đức càng sâu dày hơn, mà dục niệm lại càng yếu ớt hơn, theo lý mà nói thì đúng là như vậy, nhưng việc ấy liệu có ai thấy được?
Đáp
: Những lời tốt đẹp về chư thiên như thế, cũng có thể nghiệm thấy nơi cõi thế gian này. Hãy xem như người đời, những người ít tham dục được hưởng phúc sâu dày, những kẻ đắm mê sắc dục gặp nhiều tai họa, như vậy có thể thấy lý lẽ ấy đã quá rõ ràng. Bằng như phải đợi nhìn thấy [tất cả mọi việc] trước mắt rồi mới chịu tin thì quả là người quá ư kém trí.
Hỏi
: Dục niệm của chư thiên ở sáu tầng trời [cõi Dục] tuy là càng lên cao thì càng yếu ớt hơn, nhưng chẳng biết chư thiên về sau có do nơi dục niệm ấy mà đọa lạc [vào các cảnh giới thấp] hay không?
Đáp
: Chỉ cần còn có dục niệm thì không ai thoát khỏi sự đọa lạc. Kinh Chánh pháp niệm xứ dạy rằng: “Sự trói buộc lớn nhất ở cõi trời không gì hơn nữ sắc. Nữ sắc trói buộc chư thiên, khiến cho phải đọa vào ba đường ác.”
Hỏi
: Các vị A-la-hán ứng hóa trong thế gian, cũng có vợ con như người đời, vì sao không phải chịu nghiệp báo?
Đáp
: Tội lỗi nghiệp chướng đều do tâm tạo. Các vị A-la-hán đã đoạn dứt mọi tình cảm phàm tục, phiền não còn dựa vào đâu mà có thể trói buộc các ngài? Ví như các thứ trang sức, y phục, mỗi ngày đều được dùng trang điểm trên thân thể phụ nữ, nhưng nếu đã không tơ tưởng gì đến phụ nữ thì những trang sức, y phục kia nào có tạo ra tội nghiệt gì?
Hỏi
: Người tu tiên thuật, dùng các phương thuốc điều chỉnh âm dương, nói là có thể được trường sinh, liệu có đáng tin chăng?
Đáp
: Thần tiên tuy vẫn còn trong chốn luân hồi, chưa thoát được sinh tử, nhưng nếu không tu hành đạt tâm thanh tịnh giải thoát thì không thể đạt đến địa vị ấy. Nếu lại buông thả tâm tham dục làm nhơ nhớp danh hiệu thần tiên, lẽ nào lại được quả báo trường sinh hay sao? Hạng người như thế chính là đời này mê hoặc, dối gạt người khác, đời sau phải chịu quả báo nơi địa ngục.
Hỏi
: Những chuyện dâm dục ô uế đem so với thuật trường sinh ắt là tương khắc như than lửa với băng giá. Tôi chỉ lấy làm lạ là vì sao người như Dương Quý Phi, gây hại suýt diệt mất nhà Đường, mà sau khi chết lại có thể thành tiên?
Đáp
: Ai nhìn thấy bà ấy thành tiên? Ví như có nhờ phúc đức đời trước mà được sinh vào cõi tiên, đến lúc hết phước ắt cũng phải đọa vào ba đường ác. Bậc cổ đức từng nói: “Ví như có được thành tiên, cũng chỉ như giữ cái xác chết hóa quỷ mà thôi.” Như vậy có gì đáng để hâm mộ?
Hỏi
: “Đêm mồng bảy nơi điện Trường sinh, lúc nửa đêm có lời riêng tư”, tất nhiên đó chỉ là người xưa gửi gắm ý tưởng vào văn chương mà thôi. Thế còn những chuyện như Lưu, Nguyễn gặp tiên nữ ở Thiên Thai, hoặc Ngưu lang và Chức nữ ước hẹn định kỳ gặp nhau nơi dải ngân hà, thì phải giải thích thế nào?
Đáp
: Những chuyện ấy đều là do các văn nhân bịa đặt ra rồi ghi chép truyền lại mà thôi. Dục niệm của chư thiên nơi sáu tầng trời [thuộc cõi Dục] so với tình dục của người thế gian khác biệt rất xa, nếu căn cứ vào những chuyện hư truyền ấy thì [tình dục của tiên nhân] nào có khác gì với kẻ phàm phu? Người đời sau tin theo những lời sai dối, hóa ra giễu cợt các vị thiên nữ, xúc phạm chư thiên cõi trời, tạo nghiệp xấu do lời nói không thể kể hết.
Phần 37: Phá bỏ những sai lầm khi thực hành tu tập
Hỏi
: Quyết tâm thực hành việc giữ giới tà dâm vốn đã là việc hết sức khó khăn, nay còn liệt kê ra các phương pháp thực hành hết sức chi ly tường tận, chẳng phải là đã ép người phải làm một việc quá khó hay sao?
Đáp
: Việc thực hành giữ giới tà dâm dựa theo trung đạo mà thiết lập nhiều phương pháp, ai thấy có khả năng làm theo được phương pháp nào thì tùy chọn mà làm theo. Lễ nghi của Nho gia có đến 300 mục, về oai nghi có đến 3.000 điều. Đạo Phật cũng có ba ngàn oai nghi phải theo, tám muôn công hạnh tinh tế phải giữ. Tất cả những điều ấy, đâu phải chỉ vì một người mà đặt ra?
Hỏi
: [Nhà Nho nói rằng:] “Người quân tử không gần gũi nữ sắc.” Nói “không gần gũi”, bất quá cũng chỉ muốn nói là lãnh đạm, không quá say mê, ham thích. Nếu đem nữ sắc mà so với rắn độc, hổ dữ, chẳng phải là quá đáng lắm sao?
Đáp
: Chết vì rắn độc hay hổ dữ, trong hàng ngàn người chưa có đến một, hai. Nhưng chết vì tham dục thì trong mười người đã có đến tám, chín. Theo đó mà xét thì nữ sắc quả thật còn đáng sợ hơn cả rắn độc, hổ dữ.
Hỏi
: Sự ngăn ngừa [tà dâm] theo cương thường, đạo nghĩa cũng không ngoài lễ giáo. Chẳng qua là trai gái phải có sự phân biệt rõ ràng, nếu không đúng theo lễ nghĩa thì không nhìn, như vậy tức là đã răn ngừa được sự tà dâm, đâu cần phải bày ra phép quán bất tịnh, khởi lên những tư tưởng ô uế như vậy?
Đáp
: Chuyện ái ân nam nữ là ham muốn lớn nhất của con người. Lửa dục một khi đã bốc lên rồi thì rất khó lòng dập tắt, ví như có đao kiếm trước mặt, vạc dầu chảo nóng sau lưng sẵn sàng trị tội, nhưng kiềm chế lại được thì may ra cũng chỉ vạn người có một. Nếu chỉ hoàn toàn dựa vào những lời dạy của thánh hiền xưa mà muốn cho lòng tham dâm dục của người ta phải tiêu tan đi hết, thì e rằng có đến vạn vạn phần không sao đạt được. Hơn nữa, giáo lý có thể khuyên dạy người đời, trợ giúp tích cực cho việc trị an trong xã hội thì không gì hơn thuyết nhân quả. Nhưng một khi tâm tham dâm đã đột nhiên bùng phát, thì cho dù có nhìn thấy nhân quả ngay trước mắt, người ta cũng không thể dứt được tận cội nguồn của tâm ái luyến. Chỉ có thể dùng pháp quán bất tịnh mới dứt tuyệt được ái luyến mà thôi. Cho nên nói rằng, mười phần nghiêm cấm cũng không bằng một phần khiến người ta lạnh nhạt, thờ ơ với sắc dục. Vì thế, luận về việc răn ngừa dâm dục thì nhất định phải lấy việc quán bất tịnh làm pháp tu căn bản nhất.
Hỏi
: Pháp quán bất tịnh hoặc chín pháp quán tưởng [như trình bày trên], đối với người cư sĩ tại gia tất nhiên cần phải tu tập. Nhưng đối với người một lòng hướng về pháp môn tối thượng, đạt trí tuệ chân chánh ngay trong đời này, hết thảy phiền não ắt tự nhiên tan biến, thì cần chi phải học những pháp môn Tiểu thừa?
Đáp
: Đạo rốt ráo tuy không có sự nắm giữ hay buông bỏ, nhưng kẻ mới bước vào ắt cũng có chỗ ưa thích, có chỗ chán ghét. Đại sư Thiên Thai có dạy rằng: “Pháp quán bất tịnh tuy chỉ là pháp môn sơ cơ, nhưng có thể giúp thành tựu sự giác ngộ lớn lao. Cũng giống như xác chết trôi trên mặt biển, nếu noi theo đó có thể vào đến bờ. Do nơi pháp quán bất tịnh này mà có thể đạt được trí tuệ thanh tịnh, có thể được sinh về cõi Phật thanh tịnh nhiệm mầu. Người thường tu pháp quán bất tịnh chính là tạo nghiệp thanh tịnh. Thuở xưa đức Thế Tôn khi báo trước bảy dấu hiệu diệt mất của Chánh pháp về sau này, ở điều thứ tư nói rằng: “Đệ tử Phật vào đời mạt pháp sẽ không ưa thích tu tập pháp quán bất tịnh.” Theo đó mà xét thì biết rằng, người am hiểu Phật pháp thâm sâu mới có thể tu tập được pháp quán bất tịnh này. Trong kinh Đại Bát-nhã có trình bày chi tiết về hai pháp quán tử thi và quán xương trắng, sau đó kết luận rằng: “Đó là những hình tướng của Bồ Tát Đại thừa.” Như vậy, sao có thể cho rằng pháp quán này là thuộc về Tiểu thừa?
Hỏi
: Giai nhân tuyệt sắc ở thế gian so với xác chết trương sình thối rửa là hai hình tướng khác biệt hẳn nhau, sao có thể đồng thời quán tưởng cả hai?
Đáp
: Hình tướng tuy có sự khác biệt giả tạm, nhưng thật ra chẳng phải hai thực thể khác nhau. Như người đột tử trong mùa hạ khí trời nóng bức thì chỉ qua một đêm đã nghe bốc mùi hôi thối, để qua ba, bốn ngày thì giòi bọ đã xuất hiện trong xác chết. Cho nên, cái dáng vẻ mềm mại uyển chuyển xinh đẹp kia, bất quá chỉ là hình tướng giả tạm nhìn thấy trước mắt mà thôi.
Hỏi
: Thân thể bằng xương thịt này là ô uế, không cần phải nói nữa. Nhưng nói rằng trong thân thể này có đến tám vạn bốn ngàn loại trùng, tôi thật không tin được!
Đáp
: Đức Phật quán chiếu thấy trong một bát nước có đến tám vạn bốn ngàn con vi trùng. [Chỉ một bát nước mà như thế,] huống chi là trong thân thể bằng xương thịt ô uế này? Nếu nói rằng cơ thể người đang sống không thể sinh trùng, vậy như ghẻ lở ung nhọt, rận, rệp, bọ chét... [cắn hút vào cơ thể người sống,] chẳng phải là trùng đó sao?
Hỏi
: Trong phần Phương pháp tu tập có đề cập phân ra từng đối tượng như: ứng xử khi làm quan, ứng xử trong gia đình v.v... qua đó nói đến đủ các vấn đề như sắp xếp việc nhà, trị an xã hội... [Khi mang ra áp dụng,] về mặt tổng quát thì như thế là được rồi, nhưng về chi tiết nếu có những điều không thực sự thích hợp thì sao?
Đáp
: Ở cuối từng mục đều có nói “phần lớn nói về vấn đề này, hoặc vấn đề kia...”, nhưng không có chỗ nào nói “tất cả chỉ nói riêng về vấn đề này, hoặc vấn đề kia...”, [cho nên khi áp dụng phải tự mình xem xét vấn đề nào là thích hợp]. Huống chi, người xưa khi phân chia các chương sách theo ý nghĩa chính, cũng chỉ luận phần tổng quát mà thôi. Như Tăng tử [giảng giải sách Đại học], trong chương giải thích về “Thành ý” mà chỉ nói “tâm hồn rộng mở, thân thể được thư thái”, không ngại chuyện lẫn lộn giữa thân và tâm; còn giải thích về “đổi mới dân sinh” thì nói “mỗi ngày đều mới”, mà không ngại có sự khác biệt với “đức sáng” [đã nói trước đó]. Nếu cứ muốn cân nhắc chia chẻ quá chi ly, ắt sự nhận hiểu sẽ bị sai lệch.
Hỏi
: Toàn bộ phần Phương pháp tu tập, chỉ cần dùng hai khái niệm “công đức” và “tội lỗi” là có thể bao quát được hết. Vì sao không phân chia theo cách đó, như sự việc này có công đức này, sự việc kia gây tội lỗi kia v.v... để người xem có thể nhận biết rõ ràng mà tu tập hay ngăn tránh?
Đáp
: Công đức hay tội lỗi cũng đều do tâm thức tạo ra. Cùng một việc thiện, nếu phát tâm rộng lớn thì được công đức lớn lao, phát tâm hẹp hòi thì được công đức nhỏ nhoi. Cùng một việc ác, nếu thực hiện với tâm luyến ái nặng nề, ắt gây nên tội lỗi nặng nề, nếu thực hiện với tâm luyến ái nhẹ, ắt tội lỗi cũng nhẹ. Ví như chư thiên cùng sử dụng một loại đồ chứa [nhưng tùy theo tâm lượng] mà thức ăn trong đó có sự khác biệt tinh sạch hoặc thô trược khác nhau. Lại ví như ba con thú cùng lội qua một dòng sông, mỗi con đều cảm thấy dòng sông ấy sâu cạn khác nhau. Như vậy làm sao có thể đánh đồng tất cả mà đoán định chuyện công đức hay tội lỗi?
Hỏi
: Trong hàng tỳ-kheo ni cũng có chuyện cá, rồng lẫn lộn, nghĩa là trong đó cũng có những người phụ nữ dâm đãng, giả dạng ni cô, dụ dỗ dẫn dắt những con gái nhà lành đi vào đường tà ác. Nhưng khi nói về “Phương pháp ứng xử trong gia đình”, phần thứ nhất nêu việc “Ngăn dứt mọi điều kiện dẫn đến tà dâm”, vì sao không thấy đề cập đến đối tượng này?
Đáp
: Nếu thật là người phụ nữ trinh tiết, dù muốn dụ dỗ họ cũng không thể được. Nếu là người có thể dụ dỗ, thì [những kẻ dụ dỗ] đâu chỉ riêng hạng ni cô [giả danh]? Nếu trong số hàng ngàn ni cô mới thấy có một phụ nữ dâm đãng giả dạng, mà vì thế lại muốn xa lánh Phật pháp, khinh chê người xuất gia, thì có khác nào thấy một căn nhà bị cháy liền ban lệnh cấm khắp trong thiên hạ không được thổi lửa nấu cơm? Như vậy là sáng suốt hay không sáng suốt?
Hỏi
: Người phụ nữ đến chùa lễ Phật dâng hương, đa phần thường bị những kẻ thô lỗ háo sắc để mắt trêu chọc. Nếu cấm không cho phụ nữ đến chùa, đó mới là cách răn dạy chính đáng, sao trong phần “Răn dạy người trong nhà” lại bỏ sót không đưa vào điều này?
Đáp
: Người phụ nữ nếu có tín tâm hiền thiện, dù ở trong nhà cũng có thể lễ Phật dâng hương. Nếu dễ duôi mà thường đi ra bên ngoài, tất nhiên là không nên. Tuy nhiên, [trước khi nói đến việc có nên đến chùa hay không,] cũng phải xét đến tuổi tác, xét đến địa điểm gần xa, xét đến phẩm cách của con người. Nếu người phụ nữ trong gia đình thành tâm tin Phật, có thể giữ theo đủ 15 điều đã nói trong phần “Răn dạy người trong nhà”, ắt có thể tùy hoàn cảnh, tùy nơi mà ứng xử đoan trang nghiêm chính, làm sao có thể phát sinh những chuyện trái lễ nghĩa? Nếu như đưa vào đây sự cấm đoán chung chung [không cho phụ nữ đến chùa], thì có khác nào dùng lửa dữ cùng lúc thiêu đốt cả ngọc quý với đá tạp, khiến cho người phụ nữ cho đến lúc già chết cũng không có cơ hội nhận được sự giáo hóa của Phật pháp, không nhận được những lợi ích lớn lao từ pháp môn cam lộ của Phật pháp. Nếu người chủ gia đình mà làm như thế, nhất định đời sau sẽ phải chịu báo ứng sinh làm thân nữ.
Phần 38: Hiểu biết phân biệt về thai nhi
Hỏi
: Khi đôi bên nam nữ chưa gặp nhau, hoàn toàn không có sự sinh sản. Một khi có sự hòa hợp rồi liền có con. Xin hỏi, thần thức đến đầu thai đó là mỗi ngày đều ở bên cha mẹ, chờ lúc nhập thai, hay chỉ là ngẫu nhiên bắt gặp rồi nhập thai?
Đáp
: Về nghiệp báo, nhân duyên của chúng sinh thật không thể nghĩ bàn. Nếu là nghiệp duyên đưa đẩy phải làm con của những người ấy, thì tuy thần thức đang ở cách xa cả ngàn thế giới, vào lúc cha mẹ hòa hợp nhau, thần thức từ xa liền thấy có ánh sáng, chỉ trong chớp mắt liền nương theo ánh sáng đó mà nhập thai, dù các vị Đế thích, Phạm vương cũng không thể ngăn cản được, dù có núi Tu-di, núi Thiết vi ở giữa cũng không gây trở ngại được.
Hỏi
: Người thế gian chỉ cần cách một bức tường đã không thấy không nghe, nay ở cách xa ngàn dặm thật khó có thể trong chớp mắt đã tìm đến. Huống chi cách xa đến ngàn vạn cõi nước, sao có thể tìm đến mà không gặp chướng ngại?
Đáp
: Con người sở dĩ gặp chướng ngại đều là do nơi hình thể, không phải do ở thần thức. Diên Lăng Quý tử có nói: “Xương thịt con người rồi phải trở về cát bụi, đó là mệnh trời, nhưng phần hồn khí thì không phải vậy.” Ví như trong giấc mộng thấy mình đang ở cách xa đến ngàn vạn dặm, bỗng giật mình tỉnh dậy thì thấy đang nằm trên giường, cho dù có tường vách ngăn cách cũng vẫn như vậy, cũng không do khoảng cách xa gần mà có sự nhanh hay chậm. Thần thức đầu thai nào có khác gì việc ấy?
Hỏi
: Ở đời có những cặp vợ chồng ngày nào cũng sống bên nhau nhưng rốt cùng lại không có con cái. Đó là do không có thần thức đến đầu thai, hay là do số mạng người ấy không có con?
Đáp
: Không có thần thức đến nhập thai, đó cũng chính là số mạng không con. Số mạng không có con thì tự nhiên không có thần thức nào đến nhập thai. Như trong kinh Tăng nhất A-hàm có nói: “Nếu như vợ chồng gần gũi nhau mà thần thức chưa đến nhập thai, hoặc thần thức tìm đến nhưng gặp lúc vợ chồng không gần gũi, thì không thể thành thai. Nếu người vợ không có dục tình, người chồng nhiều tham dục, hoặc người chồng không có dục tình, người vợ nhiều tham muốn, cũng không xảy ra việc thụ thai. Nếu người chồng khỏe mạnh nhưng người vợ có bệnh, hoặc người vợ khỏe mạnh nhưng người chồng có bệnh, cũng không có việc thụ thai.” Sách Pháp uyển châu lâm nói: “Nếu cha mẹ có phước đức sâu dày, thần thức có phước đức mỏng thì không thể nhập thai. Nếu cha mẹ có phước đức mỏng, thần thức phước đức sâu dày cũng không thể nhập thai. Phước đức của cha, mẹ và thần thức đều phải tương đương thích hợp với nhau thì mới có thể nhập thai.”
Hỏi
: Những cặp dan díu bất chính với nhau rồi có thai, trong hàng ngàn trường hợp chưa sống được một, ắt là do số mạng thai nhi ấy không thể làm con của họ. Số mạng đã không thể làm con thì lẽ ra không đầu thai. Nay đã đầu thai rồi lại bị giết chết là vì sao?
Đáp
: Những trường hợp ấy thường đều là vì trả nợ đời trước. Đứa con vì trả nợ đời trước mà mất mạng, cha mẹ vì trả nợ đời trước mà chịu mang tiếng xấu.
Hỏi
: Con trai nhà giàu sang cưới con gái nhà nghèo hèn, hoặc con gái nhà giàu sang cưới con trai nhà nghèo hèn, như vậy phước đức của cha, mẹ và con hết sức bất đồng, sao vẫn có thể có thai?
Đáp
: Đứa con sinh vào nhà ấy, có thể là do đời trước tu phúc có chỗ khiếm khuyết, hoặc nghiệp duyên chỉ có được người cha giàu sang, hoặc chỉ có được người mẹ giàu sang, hoặc đôi vợ chồng ấy có nghiệp duyên sinh được quý tử phúc lớn, hoặc đứa con có nghiệp duyên gặp cha mẹ giàu sang. Do những nhân duyên khác nhau như thế mà cũng có thể thụ thai. Như trong kinh A-hàm khẩu giải thập nhị nhân duyên có dạy: “Đứa con sinh ra có [một trong] ba nhân duyên. Một là cha mẹ đời trước mắc nợ đứa con, hai là đứa con đời trước mắc nợ cha mẹ, ba là kẻ oán cừu đời trước nay sinh làm con [để trả thù].
Hỏi
: Thần thức đến thác sinh, hoặc vào nhà giàu sang, hoặc vào nhà nghèo hèn, có sự khác biệt nào chăng, hay là không khác biệt? Thần thức khi ấy có biết mình đầu thai vào nhà giàu sang, vào nhà bần tiện, hay là hoàn toàn không biết gì?
Đáp
: Khác biệt thì có, nhưng thần thức thật không biết được [sự khác biệt ấy]. Luận Du-già nói rằng: “Người có ít phước đức ắt phải sinh vào nhà nghèo hèn. Người ấy vào lúc chết cũng như lúc nhập thai [tái sinh] đều nghe thấy đủ loại âm thanh rối loạn, hoặc thấy mình đi vào trong khu rừng trúc um tùm. Nếu là người phước đức sâu dày, sinh vào nhà giàu sang cao quý, thì lúc ấy cảm thấy tinh thần tỉnh táo sảng khoái, nhìn thấy những thứ xinh đẹp thích thú, hoặc nghe những âm thanh hay lạ êm dịu, hoặc thấy mình đi lên cung điện nguy nga.”
Hỏi
: Thân trung ấm vào lúc nhập thai, nếu là con trai thì sinh tâm ái luyến với mẹ, sân hận với cha; nếu là con gái thì sinh tâm ái luyến với cha, sân hận với mẹ. Nói như vậy cũng là hợp lý, nhưng không biết là căn cứ vào đâu mà biết?
Đáp
: Căn cứ vào hình thể hướng về của thai nhi mà biết. Thai nhi là con trai thì hướng về mẹ mà nghịch với cha, thai nhi là con gái thì hướng về cha mà nghịch với mẹ. Tâm ý đã có sự khác nhau như thế thì thân thể cũng tùy theo. Như trong kinh Xử thai nói rằng: “Nếu là con trai, thai nhi ở trong bụng mẹ sẽ nằm về phía sườn bên phải, hai tay che mặt, mặt quay về phía lưng mẹ. Nếu là con gái, thai nhi ở trong bụng mẹ sẽ nằm về phía sườn bên trái, hai tay che mặt, mặt hướng ra phía trước bụng mẹ.”
Hỏi
: Đôi bên nam nữ hòa hợp, phải có thần thức tìm đến thì mới thụ thai. Nhưng có nhiều trường hợp khi sản phụ lâm bồn lại nhìn thấy có người đi vào phòng mình, về sau hỏi lại quả đúng là người ấy đã chết vào giờ khắc người mẹ sinh con ra. Nhưng thai kỳ kéo dài mười tháng, thì trước đó vào lúc thụ thai người kia vẫn còn sống trên dương thế, vậy lúc cha mẹ gần gũi nhau, làm sao thần thức người ấy đã có thể đến nhập thai? Nhưng nếu không có thân trung ấm của người ấy, thì làm sao có thể thụ thai? Bằng như đã có thân trung ấm, thì thân trung ấm ấy chính là của người nhập thai, làm sao có thể đến lúc sinh nở lại nhìn thấy người ấy đi vào phòng được?
Đáp
: Xây dựng nhà cửa, ngục thất, đâu cần phải tự mình theo dõi giám sát công trình? Quy mô chế độ đã định ra, ắt cứ y theo đó mà hình thành; nhà cửa ngục thất đã thành, người giám công ắt sẽ bỏ đi, hình tướng thai nhi đã thành, thần thức mới đến. Tuổi thọ người kia tuy chưa hết nhưng chỗ tái sinh đã định sẵn rồi, tự nhiên chiêu cảm kẻ có nợ đời trước phải đến thay mình mà thụ thai.
Hỏi
: Theo sự truyền tụng của người đời thì việc đầu thai xảy ra ngay vào lúc người mẹ sinh con, nhưng theo Kinh điển ghi chép thì việc đầu thai đã xảy ra mười tháng trước đó, [tức là vào lúc cha mẹ hòa hợp]. Vì sao lại có nhiều thuyết khác nhau như vậy?
Đáp
: Đầu thai ngay vào lúc người mẹ sinh con, trong ngàn vạn trường hợp chỉ có một mà thôi, nếu không phải là người có phước đức rất lớn, không phải chịu nỗi khổ ở trong bào thai. Trong trường hợp này, lúc người mẹ mang thai thì tuổi thọ của người ấy vẫn còn chưa dứt, cho đến khi người mẹ sinh nở thì người ấy sẽ lâm chung ở một nơi nào đó và thác sinh vào nhà cha mẹ ở một nơi khác. Sự việc như thế đôi khi vẫn có thể xảy ra. Ví như quan chức tước vị, nếu dựa vào tài năng tư cách mà dần dần thăng tiến là việc thông thường, nhưng được cất nhắc bổ dụng không theo thứ lớp thì đó là quyền biến.
Hỏi
: Các trường hợp sinh đôi, khi nhập thai mẹ tất nhiên phải có đủ hai thân trung ấm. Như vậy thì họ cùng lúc nhập thai hay có trước sau?
Đáp
: Có khi là cùng lúc, cũng có khi là trước sau. Nếu cùng lúc nhập thai thì người sinh ra trước là anh (hoặc chị), người sinh ra sau là em. Nếu nhập thai không cùng lúc thì người sinh ra trước là em, người sinh ra sau là anh (hoặc chị). Cũng giống như ta cho hạt hồ đào vào ống trúc, hạt cho vào sau ắt sẽ được lấy ra trước.
Hỏi
: Cùng một việc thụ thai như nhau, nhưng khi sinh ra con cái lại có người xinh đẹp đoan trang, có kẻ khiếm khuyết hư hỏng, trong số đó lại có kẻ đen người trắng, chẳng ai giống ai, vì sao như vậy?
Đáp
: Một phần là liên quan đến nghiệp đời trước của đứa con, một phần là do người mẹ hiện nay. Nếu là người đời trước nhu hòa nhẫn nhục, thường tạo tranh tượng chư Phật, Bồ Tát, gần gũi cúng dường các vị sa-môn, thì đời nay tự nhiên sẽ được hình tướng tốt đẹp trang nghiêm. Nếu là người đời trước ngăn che Phật pháp, trộm cắp của Tam bảo, sân hận tranh giành, hoặc xúi giục, thay người kiện tụng, hoặc chê bai giễu cợt những người có hình dung xấu xí, thì đời nay tự nhiên phải chịu thân hình xấu xí khó coi. Người mẹ trong lúc mang thai nếu thường gần gũi những nơi tối tăm u ám, thì đứa con cũng chịu ảnh hưởng đen tối. Nếu thường ở những nơi mát mẻ thoáng đãng, thì đứa con cũng chịu ảnh hưởng được trắng trẻo xinh đẹp. Nếu người mẹ thường ăn các món mắm muối nguội lạnh, đứa con sẽ bị lông tóc thưa thớt. Nếu người mẹ thường làm chuyện dâm dục, đứa con sẽ dễ bị ghẻ lở, ung nhọt. Nếu người mẹ thường đi lại nhảy nhót hoặc mang vác nặng nề, đứa con có thể sẽ bị khuyết tật chân tay.
Hỏi
: Người đời thường nói thân thể này là của cha mẹ ban cho. Xin hỏi, những phần nào là của cha, những phần nào là của mẹ?
Đáp
: Hết thảy những phần cứng chắc như xương cốt, răng, móng, tủy, não, gân mạch... đều là thuộc về cha. Hết thảy những phần mềm mại như gò má, con mắt, lưỡi, cổ họng, cho đến tim, gan, thận, lá lách... đều là thuộc về mẹ.
Phần 39: Thân thể diệt mất, thần thức vẫn còn
Hỏi
: Chuyện phước thiện hay tai họa, bất quá cũng chỉ là trong lúc còn sống phải chịu mà thôi. Một khi đã chết, thân thể cũng như thần thức đều diệt mất, ví như có nghiệp ác cũng dựa vào đâu mà chịu tội báo?
Đáp
: Thân thể có hư hoại, nhưng thể tánh thì không. Cũng giống như các loại ngũ cốc, tuy nhìn thấy cây rễ đều khô chết, nhưng hạt rơi xuống đất vẫn còn đó, đến mùa xuân lại nảy mầm sinh sôi. Người tu phước thiện sinh về hai cõi trời người; người tạo nghiệp ác phải đọa vào địa ngục, cũng là giống như thế. Giả Nghị nói: “Ngàn vạn lần biến hóa, chưa từng có chỗ khởi đầu hay kết thúc, hóa ra đó là con người.”
Ngụy Bá Khởi nói: “Thần thức trải qua từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai đều không diệt mất.”
Trương Tử Hậu nói: “Người nào biết được rằng chết không phải mất đi, có thể cùng họ nói chuyện về thể tánh.”
Khái niệm sống chết của người đời chỉ là dựa vào thân thể bằng xương thịt này mà nói, không phải nói đến tâm tánh của người. Nếu nói rằng sau khi chết thần thức cũng mất đi, thì sao có những chuyện như Bá Cổn hóa làm gấu, Như Ý hóa thành chó, người nước Trịnh đều kinh sợ vì Bá Hữu, Bành Sinh báo oán Tề Tương công. Những chuyện khác nhau như thế rất nhiều, được ghi chép lại từ trước thời Hán Minh Đế, tức là khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Hoa, nhưng lý lẽ luân hồi đã được truyền tụng khắp trong thiên hạ.
Cho nên, luận thuyết đoạn diệt cho rằng chết rồi là hết chỉ có thể gạt được những kẻ ngu si, còn người có trí tuệ thì không ai tin nhận được.
Hỏi
: Thuyết luân hồi nếu như đã có từ trước, sao Khổng tử không hề nhắc đến?
Đáp
: Khổng tử thật có nói đến luân hồi. Như trong kinh Dịch nói: “Tinh khí làm thành sự vật, biến hóa do phần hồn, từ đó biết được có các trạng thái của quỷ thần.” Nói “tinh khí” là chỉ đến thai nhi hình thành sau khi đã thụ thai, nói “phần hồn” là chỉ đến thần thức khi chưa nhập thai, nói “biết được các trạng thái” tức là đã rõ biết về thuyết luân hồi.
Sách Trung dung nói rằng: “Chỗ chí thành là kết thúc và khởi đầu muôn vật.” Nói “kết thúc - khởi đầu” mà không nói “khởi đầu - kết thúc”, là vì đã thấy được vòng tuần hoàn không có chỗ khởi đầu, không hề diệt mất. Chỉ tiếc là những kẻ học Nho về sau này không nhận biết được đến mức ấy.
Hỏi
: Khổng tử nói: “Tinh khí làm thành sự vật, biến hóa do phần hồn”, chẳng qua cũng chỉ là suy luận theo lý lẽ mà thôi. Nếu dựa vào đó mà cho rằng [Khổng tử] nói đến thuyết về tái sinh đời sau, chẳng phải là hư dối lắm sao?
Đáp
: Chuyện sinh tử luân hồi là lẽ tất nhiên trong đời, đã thấy ghi chép lại nhiều không kể xiết, nếu ai gọi đó là hư dối thì chính người ấy mới thật là kẻ hư dối. Lẽ nào chưa nghe đến việc Văn Xương Đế quân đã qua 17 đời làm kẻ sĩ có quyền thế? Lẽ nào chưa nghe chuyện Viên Áng trải qua mười đời đều làm tăng sĩ? Lẽ nào chưa nghe chuyện ông tiều phu tái sinh thành Lương Vũ đế? Lẽ nào chưa nghe chuyện Vương Tăng là hậu thân của Tăng tử? Hoặc chuyện Tô Tử Chiêm là Giới Thiền sư tái sinh, Tăng Lỗ Công là Thảo Đường Thanh Thiền sư tái sinh. Hoặc như chuyện Vĩnh Công tái sinh thành Phòng Quản [đời Đường]? Lại còn những chuyện như Tốn Trưởng lão sau tái sinh thành Lý Thị lang, Nam Am chủ tái sinh là Trần Trung Túc, vị tăng Tri Tạng tái sinh là Trương Văn Định, Nghiêm Thủ tòa tái sinh là Vương Quy Linh, lẽ nào đều chưa từng nghe biết? Nếu không thể đọc khắp những ghi chép trong sách vở xưa nay, sao lại còn học theo thói “ếch ngồi đáy giếng xem trời bằng vung”?
Hỏi
: Như lời ông nói đó thì đúng là trải qua nhiều đời đều có căn cứ cho thuyết luân hồi, nhưng chỉ tiếc là những điều ấy không được chép trong chính sử.
Đáp
: Gọi là chính sử, chẳng qua chỉ để phân biệt với những loại truyền thuyết, dã sử không đáng tin. Cho nên, chính sử thì đáng tin, mà những truyền thuyết, dã sử thì không đáng tin. Đối với những sách thuộc loại như Văn Xương bảo huấn đều có luận cứ minh bạch, có thể làm rõ cả việc quỷ thần, đem so với chính sử còn cao hơn một bậc, cho nên cần phải có một cách nhìn khác hơn. Nhưng dù có cho rằng chỉ những điều do các sử thần viết ra mới đáng tin, thì trong 21 bộ chính sử cũng có ghi chép những sự việc luân hồi qua ba đời nhiều không kể xiết. Những việc khác hãy tạm bỏ qua không nói, nay chỉ đem những chuyện mà tất cả mọi người đều biết, lược kể ra đây một số. Như chuyện Dương Hỗ vốn đời trước là con trai của [một nhà hàng xóm] họ Lý, được chép trong bộ sử Tấn thư, phần Liệt truyện, truyện Dương Hỗ, quyển 34, trang 12; chuyện Lương Nguyên Đế vốn đời trước là một vị tăng chột mắt, được chép trong Nam sử, phần Bản kỷ, nhà Lương, phần hạ, quyển 8, trang 5; chuyện con gái nhà họ Lưu vốn đời trước là Lý Thứ, được chép trong Bắc sử, phần Bản kỷ, nhà Tề, quyển 43, trang 38; chuyện Lưu Hàng vốn đời trước là [quan Tể tướng đời Đường] Ngưu Tăng Nhụ, được chép trong Tống sử, phần truyện Lưu Hàng ở quyển 285, trang 5; chuyện Phạm Tổ Vũ vốn đời trước là [Đại tướng quân] Đặng Vũ [thời Đông Hán], được chép trong Tống sử, quyển 337, trang 12; chuyện Quách Tường Chính vốn đời trước là [đại thi hào] Lý Bạch [đời Đường], được chép trong Tống sử, quyển 444, trang 14; chuyện Hạ Nguyên Cát vốn đời trước là Quật Nguyên, được chép trong sách Hoàng minh thông kỷ... Những chuyện như trên quả thật rất nhiều, không thể kể hết.
Còn như những chuyện thần tiên giáng trần cũng không hiếm thấy. Như chuyện con trai Thiên đế giáng trần là Tề Cao tổ [Tiêu Đạo Thành], được chép trong Nam Tề thư, [phần Chí, mục Tường thụy,] quyển 18, trang 5; chuyện thần nhân giáng trần làm vua Đường Đại Tông, được chép trong sách Đường thư, phần truyện Hoàng hậu Chương Kính, quyển 77, trang 2; chuyện Lai Hòa Thiên tôn giáng sinh làm Tống Chân Tông, được chép trong Tống sử, phần truyện Dương Lệ, quyển 287, trang đầu tiên; chuyện Nam Nhạc chân nhân giáng trần là Ngu Bá Sinh, được chép trong Nguyên sử, quyển 181, trang 4; chuyện sao Văn Tinh giáng trần là Lữ Trọng Thực, được chép trong Nguyên sử, [truyện Lữ Tư Thành,] quyển 185, trang đầu tiên... Tất cả những chuyện ấy đều được ghi chép rõ ràng, hiện nay hoàn toàn có thể khảo chứng.
Lại có những người sau khi chết một số ngày thì sống lại, hoặc sau mấy năm thì sống lại, trình bày những chuyện nghe thấy ở cõi âm ty, hết thảy đều ứng nghiệm. Nay chỉ lược kể ra một số, như chuyện ông họ Hoàn người ở Trường Sa, được chép trong Hậu Hán thư, quyển 27, trang 6; chuyện cô gái ở Vũ Lăng tên Lý Nga, cũng được chép trong quyển 7, Hậu Hán thư, phần [Ngũ hành chí,] trang 7; chuyện cô tỳ nữ chôn theo người cha của Can Bảo, được chép trong Tấn thư, [phần truyện Can Bảo,] quyển 82, trang 14; chuyện cô gái trong mộ từ thời Ngụy Minh Đế, đến niên hiệu Vĩnh An triều Ngô năm thứ tư giúp người dân nước Ngô được bình an trong binh lửa, hoặc cô tỳ nữ của Đỗ Tích vào thời Tấn Huệ Đế, đến thời Tấn An Đế sinh làm con gái nhà họ Hoàng, được chép trong Tống thư, quyển 34, từ trang 25 đến trang 29; chuyện người ở Hành đô vào niên hiệu Thuần Hy năm thứ 13, được chép trong Tống sử, [phần Ngũ hành chí,] quyển 62, trang 23... Những chuyện như vậy, thảy đều có thể tra cứu khảo chứng rõ ràng.
Còn có những chuyện đàn ông ngay trong đời này biến hình thành loài thú, như chuyện Công Ngưu Ai vào đời Hậu Hán hóa hình thành cọp, được chép trong Hậu Hán thư, quyển 89, trang 20, hoặc trong sách Hoài Nam tử; chuyện lão ông ở Hoắc châu hóa thành thú dữ [vào niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 6], chép trong Tùy thư, quyển 23, trang 18; chuyện người ở Hành Tương hóa thành cọp vào niên hiệu Càn Đạo năm thứ 5, được chép trong Tống sử, quyển 62, trang 23.
Lại có những chuyện phụ nữ ngay trong đời này biến hình thành loài vật, như chuyện bà mẹ của họ Hoàng ở Giang Hạ hóa làm con rùa lớn [vào đời Hán Linh Đế], được chép trong sách Hậu Hán thư, [phần Ngũ hành chí,] quyển 27, trang 6; chuyện bà mẹ của Tống Sĩ Tông ở Thanh Hà hóa thành con ba ba, được chép trong sách Tống thư [phần Ngũ hành chí,] quyển 34, trang 24.
Lại có những chuyện vợ chồng qua đời sau tiếp tục trở lại làm vợ chồng với nhau, như người con gái ở nước Lương vào thời Tấn Huệ Đế, được chép trong sách Tống thư, [phần Ngũ hành chí], quyển 34, trang 27; chuyện nàng họ Lương vợ của người họ Vương vào cuối đời Nam Tống, được chép trong sách Tống sử, [phần Liệt nữ truyện,] quyển 460, trang 50.
Những chuyện hết sức lạ lùng như trên đều được ghi chép rất rõ ràng, có thể khảo chứng được.
Thậm chí còn có những chuyện như thiên nữ sinh ra thủy tổ nhà Bắc Ngụy, được chép trong sách Ngụy thư, quyển 1, trang 2; chuyện Hàn Cầm sau khi chết làm Diêm Vương nơi âm phủ, được chép trong sách Tùy thư, [phần truyện Hàn Cầm,] quyển 52, trang 2; chuyện Tân Ngạn xây dựng [hai tòa] tháp Phật [cao 15 tầng ở trong thành Lộ Châu], nhờ công đức ấy sinh về cõi trời, được chép trong sách Tùy thư, [phần truyện Tân Ngạn,] quyển 75, trang 5; chuyện Dữu Ngạn Bảo thường niệm Phật, trì tụng kinh điển, vãng sinh về Tịnh độ, được chép trong sách Lương thư, quyển 51, trang 21; chuyện Vương Tân tu sửa chùa cổ, đào đất gặp tấm bia [của chính mình] đời trước, được chép trong Tống sử, quyển 276, trang 25; chuyện [Kinh Triệu Vương của Bắc Ngụy là] Thái Hưng thiết trai cúng dường chư tăng, cảm ứng có thần tăng đến dự, được chép trong sách Bắc sử, phần Cảnh mục thập nhị vương truyện], quyển 17, trang 4; chuyện Từ Hiếu Khắc [lúc sắp lâm chung ngồi ngay ngắn niệm Phật, có hương thơm lạ xông tỏa khắp trong nhà,] vãng sinh Cực Lạc, được chép lại trong Trần thư, [truyện Từ Hiếu Khắc,] quyển 26, trang 14; chuyện Lục Pháp Hòa sắp lâm chung ngồi ngay ngắn an nhiên mà tịch, [lúc liệm vào áo quan thân thể tự thiên thu nhỏ lại], sau đó Văn Tuyên Đế truyền lệnh mở quan tài ra xem thì thấy] quan tài trống không, được ghi chép trong Bắc Tề thư, quyển 32, trang 5; chuyện Lư Cảnh Dụ [bị giam] trong ngục [ở Tấn Dương], chí tâm trì kinh, gông cùm tự nhiên được tháo rời rơi rụng, được chép trong Bắc sử, quyển 33, trang 27; chuyện Trương Hiếu Thủy thiết trai cúng dường tụng kinh [Dược Sư] nên đôi mắt đã mù của ông nội được sáng lại, chép trong Bắc sử, [phần truyện Trương Nguyên,] quyển 84, trang 9...
Những chuyện như trên đều do các bậc danh nho là sử quan của triều đình trung thực ghi chép, nào phải là những luận thuyết vô căn cứ?