AN SĨ TOÀN THƯ
KHUYÊN NGƯỜI BỎ SỰ THAM DỤC
Tác giả Chu An Sỹ | Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016
QUYỂN HAI
Phương pháp tu tập
NỘI DUNG:
Phương pháp tu sửa cho người làm quan
Trong muôn điều ác [của con người], chỉ duy nhất có tà dâm là nghiêm trọng nhất. Huống chi [người làm quan] ở địa vị cao, bản thân mình là khuôn mẫu phép tắc để giáo hóa muôn dân noi theo, càng không thể xem nhẹ. [Người làm quan] là bề tôi tay chân giúp dật cho vua, phải thường nỗ lực chuyên cần đem những lời tốt đẹp mà khuyên răn can gián, là cha mẹ của muôn dân, phải thường ân cần dạy bảo giáo hóa, giúp cho phong tục xã hội ngày càng tốt đẹp.
[Nay vì lợi ích quần sinh, xin] liều lĩnh đem hết những lời quê kệch hiến dâng lên cho các vị, mong có thể [nỗ lực thực hành theo đó rồi] mở rộng, bổ sung thêm, làm lợi ích cho muôn người.
Phần thứ nhất: Ra sức giúp vua trị nước tốt đẹp.
1. Trong việc giúp vua, trước hết là phải giữ lòng trong sạch, giảm thiểu sự ham muốn;
2. Tiếp đến phải thường trình bày với vua những lý lẽ về nhân quả thiện ác, hiền thiện được phước báo và tà ác phải chịu họa hại;
3. Thứ ba, không dâng lên vua những sách khiêu dâm;
4. Thứ tư, không hiến cho vua những cô gái đẹp;
5. Thứ năm, thường khuyên vua tuyển ít phi tần, cung nữ;
6. Thứ sáu, thỉnh cầu vua ban lệnh cấm khắp trong thiên hạ không được biên soạn in ấn các sách khiêu dâm;
7. Thứ bảy, hạn chế những phường trò, ca kỹ hý lộng;
8. Thứ tám, thực hiện việc in ấn lưu hành kinh điển, sách vở của Tam giáo.
Tám điều nêu trên, những điều trước tiên có thể giúp thành tựu đức độ của bậc quân vương, tiếp theo là nỗ lực trọn vẹn đạo nghĩa của người bầy tôi, tạo phúc lành trong cung nội, và những điều cuối cùng là ban ân điển rộng khắp cho nhân dân cả nước.
Phần thứ hai: Khuyến khích phát triển phong tục tốt đẹp.
1. Phải tăng thêm việc ghi chép truyền bá những tấm gương tiết hạnh, nghĩa khí [trong nhân dân];
2. Đối với những phụ nữ tiết hạnh hoặc nam giới có nghĩa khí, phải ban tặng biển ngạch để khích lệ, tưởng thưởng, nhưng không cho phép bày tiệc rượu chúc mừng;
3. Thực hiện in ấn lưu truyền các sách khuyến thiện;
4. Nghiêm khắc thực hiện lệ cấm không được cưới vợ hoặc sinh con trong thời gian đang để tang vợ hoặc tang chồng;
5. Nghiêm cấm việc nuôi kỹ nữ, phường trò trong nhà [để phục vụ ăn chơi];
6. Nghiêm cấm việc biên soạn, in ấn lưu truyền các sách khiêu dâm;
7. Nghiêm cấm mua bán, lưu hành các loại tiểu thuyết phong tình, [khêu gợi tình cảm nam nữ có hại cho phong hóa];
8. Nghiêm cấm việc tạo vẽ các bức tranh miêu tả chuyện tình cảm nam nữ;
9. Nghiêm cấm việc tạo tượng mỹ nữ;
10. Nghiêm cấm việc mua bán lưu hành các loại thuốc kích dục hoặc dụng cụ kích dâm;
11. Nghiêm cấm tất cả các trò cờ bạc;
12. Nghiêm cấm việc dùng thế lực cướp đoạt hoặc mua bán người, bất kể nam hay nữ;
13. Nghiêm cấm việc rước tượng thần đi diễu trên đường phố, những chỗ đông người;
14. Nam nữ nếu không có lý do chính đáng không được cho vào các tu viện, ni viện;
15. Phụ nữ không được ăn mặc khêu gợi đi ra bên ngoài.
16. Hầu thiếp không được dùng y phục bằng tơ lụa mỏng manh, khêu gợi.
17. Tỳ nữ không được dùng dầu nhuộm tóc, tô điểm phấn sáp.
18. Đánh thuế nặng vào việc sản suất, mua bán rượu.
[Quan chức địa phương nên thực hiện] mười tám điều nêu trên. Những điều trước tiên là tôn trọng thực hiện theo lễ giáo, tiếp theo là ngăn cấm những khuynh hướng khêu gợi dâm tà trong xã hội, va những điều cuối cùng là giúp người dân tiết kiệm việc chi tiêu.
Phần thứ ba: Giữ kỷ luật, kiểm soát binh sĩ.
1. Nghiêm cấm việc cưỡng bức hãm hiếp người dân.
2. Không cho phép tùy tiện đi vào những nơi tu hành của ni chúng.
Hai điều nêu trên, điều thứ nhất áp dụng chung trong toàn quân đội, điều thứ hai áp dụng riêng cho các trường hợp liên quan.
Phần thứ tư: Không dễ dãi xem nhẹ việc chấp nhận đơn thư cáo trạng.
[Phải hết sức thận trọng lưu tâm đến các trường hợp khiếu kiện:]
1. Đưa đến việc vợ chồng ly dị nhau.
2. Có liên quan đến ni cô hoặc góa phụ.
3. Những chuyện dan díu nam nữ không có chứng cứ xác thực.
4. Nguyên đơn hoặc bị đơn là người còn ở độ tuổi vị thành niên.
Bốn điều nêu trên, trước là giữ gìn đức trung hậu, sau là bảo vệ tình người.
Phần thứ năm: Không bắt bớ phụ nữ.
[Không được bắt giam phụ nữ nếu rơi vào các trường hợp sau đây:]
1. Không liên quan đến các tội phản nghịch nghiêm trọng.
2. Phụ nữ phạm tội ngay trước thời gian có lệnh đại xá trong khắp nước.
3. Phụ nữ có chồng hoặc con trai có thể chịu tội thay.
4. Phụ nữ sắp sửa lấy chồng.
5. Phụ nữ vừa mới kết hôn xong.
6. Phụ nữ đang mang thai sắp đến kỳ sinh nở.
7. Gặp lúc bản thân mình sắp đi xa, không thể thẩm xét kỹ trước khi ra lệnh bắt.
8. Gặp lúc bản thân mình đang có sự tức giận hoặc sau khi uống rượu [thì không ra lệnh bắt].
Tám điều nêu trên, trước là luận xét hợp lý theo sự việc, sau là có châm chước theo tình người, cuối cùng là có sự tự xét bản thân mình.
Phần thứ sáu: Phải xét kỹ trước khi bắt phụ nữ.
[Các trường hợp sau đây trước khi quyết định ra lệnh bắt phụ nữ phải cân nhắc, xem xét thật kỹ:]
1. Vào các ngày lễ tiết quan trọng trong năm.
2. Đang lúc thời tiết quá nóng bức hoặc quá rét buốt.
3. Sự việc không quá gấp, vẫn còn có thể trì hoãn.
4. Khoảng cách quá xa, nếu bắt giải đi phải ngủ qua đêm giữa đường.
5. Sự việc có thể tìm được phương cách hòa giải.
6. Nguyên đơn là nhà giàu có quyền thế.
7. Đương sự hành động do thiếu suy nghĩ chín chắn, [không cố tình gây tội].
8. Vào lúc muốn bắt thì đương sự đang là người xuất gia làm ni cô.
9. Đương sự là người tiết hạnh, đã thủ tiết thờ chồng qua nhiều năm.
10. Đương sự là con nhà hiền lương.
11. Đương sự hiện đang mang thai.
12. Đương sự vừa trải qua các tai nạn như bị cướp bóc, bị cháy nhà v.v...
Mười hai điều nêu trên, trước hết là cân nhắc yếu tố thời tiết, tiếp đến xem xét địa hình đường xá, sau đó khảo sát kỹ các yếu tố liên quan đến sự việc phạm tội, và cuối cùng cân nhắc, xem xét hoàn cảnh thực tế của đương sự.
Phần thứ bảy: Thận trọng những điều có thể gây dị nghị.
[Người làm quan phải tránh không làm những việc sau đây:]
1. Không dùng gái đẹp, trai tơ hiến tặng để kết giao những nơi quyền quý, [nhằm tạo thế lực].
2. Không dung túng, không cho phép thuộc hạ, người hầu cận hoặc con em, thân quyến của mình đến chơi những nơi lầu xanh, kỹ viện.
3. Không cưới thêm thê thiếp ở nơi mình đang trấn nhậm.
4. Không thường xuyên thưởng hoa, ngắm trăng.
5. Không sử dụng các loại thuốc hay phương tiện kích dục.
6. Không tuyển ca kỹ, vũ nữ để phục vụ riêng trong phủ.
7. Không dự các yến tiệc có ca múa, vũ nhạc, kỹ nữ giúp vui hầu rượu.
Bảy điều nêu trên, trước là giữ gìn không để mất danh tiết, sau là thận trọng không để mất uy vọng của mình đối với người dân.
Phần thứ tám: Phải giữ lòng nhân khi dùng hình phạt.
[Khi buộc phải dùng đến hình phạt, nên chú ý những điều sau:]
1. Thư sinh còn đang học tập, nếu phạm tội nên giao cho giáo quan xử phạt.
2. Người tu hành như tăng sĩ, đạo sĩ... nếu phạm tội, trước tiên phải bắt họ cởi áo hoàn tục, sau đó mới áp dụng hình phạt.
3. Phụ nữ nếu phạm tội chịu phạt trượng, khi chịu đòn phải cho họ mặc đủ y phục.
4. Phụ nữ phạm tội nặng phải giam ở ngục riêng, [không chung chạ cùng người khác].
Bốn điều nêu trên, trước là có sự áp dụng thích hợp với kẻ cao quý, người hạ tiện, sau là có xét đến sự khác biệt giữa nam nữ.
Phần thứ chín: Không cưới thêm thê thiếp.
[Người làm quan trong các trường hợp sau đây không được cưới thêm thê thiếp:]
1. Đã có con nối dõi.
2. Đã già yếu.
3. Đã có nhiều thê thiếp.
4. Đã tạo nghiệp tà dâm.
5. Vợ nhà tánh tình hung dữ.
6. Trong nhà có người giúp việc đẹp trai tuấn tú.
7. [Tuy chưa có con] nhưng đã áp dụng nhiều phương cách để cầu có con mà không hiệu quả.
8. Bản thân được phú quý vinh hiển nhưng vợ mình còn ở nơi quê nhà.
Tám điều nêu trên, trước hết luận về lý lẽ, sau đó xét đến tình trạng thực tế, cuối cùng dựa theo tình cảm thông thường mà ứng xử.
Phần tiếp theo dưới đây [không chỉ dành riêng cho người làm quan, mà] áp dụng cho cả hàng nho sĩ hoặc dân thường.
Phần thứ mười: Những trường hợp không nên cưới làm thiếp.
1. Phụ nữ cùng họ với mình.
2. Con gái nhà có học.
3. Ni cô hoặc góa phụ thủ tiết.
4. Trước đây từng làm tỳ nữ hầu hạ cha hoặc ông nội mình.
Bốn điều nêu trên, trước là nói đến những trường hợp bên ngoài, sau là nói về những trường hợp trong gia đình.
Phần 22: Phương pháp ứng xử trong gia đình
Đã sinh ra làm một đấng mày râu, đường đường bậc trượng phu nam tử, trong gia đình tất cả mọi người đều tôn trọng kính ngưỡng noi theo, nếu bản thân mình phạm sai lầm, làm việc bất chính, ắt mọi việc trong nhà cũng theo đó mà sai lệch, đi vào đường xấu ác.
Xưa nay lòng trời vẫn ghét kẻ dâm tà, khác nào như ta nhổ bỏ nước bọt. Những trường hợp chịu quả báo xấu của sự tà dâm thật nhiều đến không thể tính đếm. Nói ra chỉ khiến trong lòng càng thêm thương cảm tội nghiệp, nghe đến việc này lại càng thê thảm đớn đau. Vì thế nên tôi không ngại khó nhọc, chỉ một lòng thương xót muôn người, đem hết những chỗ thấy biết hẹp hòi của mình trình bày ra dưới đây. Nếu ai có thể theo đúng như vậy mà ứng xử, sửa trị trong gia đình, nhất định sẽ để lại danh thơm tiếng tốt đến muôn đời.
Phần thứ nhất: Ngăn dứt mọi điều kiện dẫn đến tà dâm.
1. Không cho phép kỹ nữ vào nhà.
2. Không cho những kẻ diễn trò ca kịch hát xướng vào nhà.
3. Không cho những kẻ cờ bạc, ăn chơi đàng điếm vào nhà.
4. Không cho những người hành nghề đồng cốt, bói toán vào nhà.
5. Không cho những người bán thuốc kích dục vào nhà.
6. Không cho những người bán dụng cụ kích dâm vào nhà.
Sáu điều nêu trên, trước là ngăn chặn những đối tượng có thể tà dâm, sau là dứt hẳn những duyên xấu có thể hỗ trợ cho việc tà dâm.
Phần thứ hai: Tránh những điều có thể làm nảy sinh sự hiềm nghi.
1. Anh em ruột thịt, người này không được vào phòng ngủ của người kia.
2. Chị dâu, em chồng khi gặp nhau, cười nói không được để lộ răng.
3. Con trai, con gái từ sau 5 tuổi không được ngủ cùng giường, sau 10 tuổi không được cùng ngồi ăn.
4. Người trong nhà không được đổi mặc đồ lót của nhau.
5. Chị em gái sau khi đã có chồng, người này không được đến phòng ngủ của người kia.
6. Chị em gái, chị dâu, em chồng sống chung một nhà không được gặp gỡ riêng tư [khi không có người khác].
7. Chị em gái đang mặc áo tang không gặp gỡ riêng với nhau.
8. Con trai khi bồng bế em gái nhỏ tuổi hoặc cháu gái, phải mặc y phục kín đáo, không được để thân trần, không hôn hít lộ liễu.
9. Con dâu trong nhà vô cớ không được gặp gỡ anh rể, em rể.
10. Chàng rể không được tự mình đến gặp riêng chị vợ, em vợ.
11. Chàng rể đến nhà vợ, không được tự mình đi vào nhà trong.
12. Anh hoặc em trai của người vợ lẽ không được vô cớ gặp gỡ người vợ chính.
13. Con dâu được nhận nuôi từ nhỏ, tuy lúc còn nhỏ tuổi cũng không được phép ngồi ăn cơm chung với cha chồng.
14. Nếu không phải người trong họ hàng thân thích, thê thiếp trong nhà không được ra trò chuyện với khách đến chơi.
15. Nếu không phải những ngày lễ tiết quan trọng, thê thiếp trong nhà không được ra tiếp xúc trò chuyện với khách đến nhà.
Mười lăm điều nêu trên, trước là ngăn ngừa trường hợp giữa những người trong cùng họ, tiếp đến là trường hợp với những người khác họ, cuối cùng là những điều cần chú ý đối với cả người cùng họ và khác họ.
Phần thứ ba: Răn dạy người trong nhà.
1. Phụ nữ trong nhà không nên quát la to tiếng.
2. Phụ nữ không nên trang điểm xinh đẹp, không xông ướp nước hoa, dầu thơm.
3. Phụ nữ không ra ngoài xem rước đèn, diễn kịch.
4. Phụ nữ không được từ trong nhà nhìn lén ra ngoài qua khe cửa.
5. Phụ nữ nếu phải uống rượu, chỉ uống rất ít.
6. Phụ nữ không được nói năng thô tục, thiếu sự thanh nhã.
7. Vợ chồng phải kính trọng lẫn nhau, đối xử theo lễ nghi nghiêm trang như với khách đến nhà.
8. Phụ nữ cười nói không được để lộ răng.
9. Dù tiết trời nóng nực cũng không được cởi áo ngoài.
10. Vào mùa hè nóng bức, đàn ông thân dưới vẫn phải mặc ít nhất hai lớp y phục, phụ nữ phải đủ ba lớp.
11. Y phục của phụ nữ không được mang phơi những nơi bên ngoài nhìn thấy, không được ướp hương thơm.
12. Thư từ, văn bản giao dịch, không nên để vợ viết thay chồng.
13. Vợ lẽ không được tiếp xúc gần gũi với trẻ hầu nam.
14. Đầy tớ trai không được cởi trần.
15. Tỳ nữ không được vào chợ mua sắm.
Mười lăm điều trên đây, trước là răn dạy vợ và tỳ thiếp, sau là răn dạy những người giúp việc nam, nữ trong nhà.
Phần thứ tư: Dạy dỗ con em.
1. Trước mặt con cái, vợ chồng không đùa cợt với nhau.
2. Con trai được mười tuổi trở lên không cho phép tiếp xúc với hầu gái.
3. Khi [đưa con] đến chơi nhà bạn bè, không cho phép tự ý vào nhà trong.
4. Khi đi trên đường, dạy con chỉ nhìn thẳng phía trước, [không liếc ngó hai bên].
5. Con trai không cho phép uống nhiều rượu.
6. Không cho phép đi xem rước đèn, xem diễn kịch, đi chơi xuân.
7. Không cho tập chơi các trò cờ bạc, cá độ ăn thua.
8. Không cho phép giao du, thân cận với những kẻ hung bạo ngông nghênh.
9. Không cho theo học với những thầy giáo hủy báng Tam bảo.
10. Sớm dạy cho con cái biết tu tập các phép quán như quán bất tịnh, [quán từ bi] v.v...
11. Thường dạy cho con biết những lẽ thiện ác báo ứng, tai họa hay phước báo đều do mình tự tạo.
12. Con gái còn nhỏ không cho người giúp việc phái nam bồng bế.
13. Con gái từ sau khi được sáu tuổi không cho đi ra khỏi nhà [một mình].
14. Cấm con gái uống rượu.
15. Không cho con đọc các loại tiểu thuyết mô tả, khêu gợi tình cảm luyến ái.
16. Con gái không cho học các môn chơi đàn, đánh cờ, làm thơ, vẽ tranh.
17. Thường khuyên con biết tụng kinh, niệm Phật.
18. Dạy con gái ghi nhớ noi theo tam tòng, tứ đức.
Mười tám điều nêu trên, những điều trước hết nêu việc [cha mẹ phải sửa mình] nghiêm chỉnh theo khuôn phép để làm căn bản, tiếp theo là dạy dỗ con trai, cuối cùng là dạy dỗ con gái.
Phần thứ năm: Con cái trưởng thành, xây dựng gia đình
1. Con trai chưa đến tuổi trưởng thành thì chưa tiến hành hôn sự.
2. Con rể đến ở nhà gái, con dâu được nhà chồng nhận nuôi từ nhỏ, khi chưa thành hôn thì chưa được gặp mặt nhau.
3. Khi tổ chức hôn lễ, đêm động phòng vợ chồng không được cười đùa to tiếng.
4. Con trai đã trưởng thành (sau 20 tuổi), người cha phải tiết giảm tình dục.
5. Con trai đã thành hôn, người cha phải dứt hẳn chuyện tình dục.
Năm điều vừa nêu trên, trước là nói về đạo làm chồng, sau nói đến đạo làm cha.
Phần thứ sáu: Nghi lễ tang ma, cúng giỗ
1. Trong thời gian để tang [cha mẹ] ba năm, không được cưới vợ, nạp thiếp.
2. Trong thời gian để tang [cha mẹ] ba năm, vợ chồng không ngủ chung một phòng.
3. Trong thời gian để tang một năm [đối với các người thân khác], vợ chồng tuy có thể ngủ chung phòng nhưng phải tiết chế chuyện ân ái.
4. Cha mẹ đã qua đời, ngày kỵ giỗ vợ chồng không được ngủ chung một phòng.
5. Trong thời gian ba ngày trước ngày giỗ cha hoặc mẹ, vợ chồng tuy có thể ngủ chung phòng nhưng phải tiết chế chuyện ân ái.
Năm điều nêu trên đây, trước là những sự tiết chế khi để tang, sau là những sự tiết chế khi kỵ giỗ.
Phần thứ bảy: Tổ chức yến tiệc
1. Khi tổ chức tiệc tùng chiêu đãi, không kèm theo âm nhạc ca hát.
2. Không say sưa ca hát, uống quá chén.
3. Không để tỳ thiếp hầu rượu, chuốc rượu cho khách.
4. Phụ nữ góa chồng nếu không phải là người quá thân thiết trong gia tộc thì không được mời đến nhà uống rượu, càng không được giữ lại nhà qua đêm.
5. Trong nhà có con gái, nếu có khách nam ở lại qua đêm, phải bố trí phòng ngủ cách xa.
6. Nếu khách có tỳ nữ đi theo, nên bố trí cho nghỉ cùng phòng với bà chủ của họ.
7. Nữ tỳ [đã có chồng] còn ít tuổi, nếu phải sai đi mời khách ở xa, nên để người chồng cùng đi.
Bảy điều nêu trên, trước là những điều nam giới cần chú ý, sau là những việc cần sắp xếp thỏa đáng cho phụ nữ.
Phần thứ tám: Biết lo xa.
1. Người chủ trong một nhà phải thường thức khuya dậy sớm [coi sóc công việc], cửa nẻo phải luôn cẩn thận.
2. Không tham dự những lễ hội tà vạy như nghênh rước tượng thần...
3. Con trai, con gái xét thấy tính tình nghiêm cẩn thật thà thì nên chậm việc hôn nhân, nếu thấy tình tình năng động nhanh nhẹn thì nên sớm định việc cưới gả.
4. Con trai còn quá nhỏ không nên định trước chuyện hôn sự; không quá tin vào người mai mối.
5. Nếu nhận nuôi con dâu từ nhỏ, không được dễ dãi xem giống như con gái.
6. Nếu vợ chết lúc đã có hai con rồi, không cưới vợ khác.
7. Nếu vợ chết lúc có một con, chỉ nên nạp thiếp mà không cưới vợ kế, để tránh tình trạng vợ kế sẽ ngược đãi con của vợ trước.
8. Con gái còn ít tuổi mà góa chồng, nếu xét thấy là người có ý chí thì cho thủ tiết, nếu thấy là người yếu ớt không kiên định thì nên tính chuyện tái giá.
9. Nuôi bà vú [nhờ giữ con], không nên chọn người có nhan sắc.
10. Không công khai ngợi khen sắc đẹp của tỳ thiếp.
11. Người hầu trong nhà, trai gái không cho phép ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng.
12. Không chọn những người hầu tuấn tú, đẹp trai.
13. Không cất giữ trong nhà những loại tiểu thuyết, hý kịch.
14. Không sưu tầm cất giữ tranh tượng mỹ nữ.
15. Không sưu tầm cất giữ các loại nhạc khí.
Mười lăm điều nêu trên, trước là lưu ý đề phòng bên ngoài, sau bàn đến chuyện hôn nhân cưới gả, tiếp nữa là việc chọn hầu thiếp, cuối cùng là nói về các món vật giải trí.
Phần thứ chín: Những điều cấm kỵ [phải đề phòng].
1. Cha con cùng chung sống, phải đề phòng xảy ra chuyện loạn luân.
2. Anh em sống chung với nhau, phải đề phòng xảy ra chuyện dâm loạn.
3. Thân thích sống chung với nhau, phải đề phòng xảy ra chuyện dâm loạn.
4. Con gái chưa có chồng mà giao tiếp với bên ngoài, phải đề phòng chuyện xấu trong phòng the.
Bốn điều nêu trên, trước là đề phòng sự băng hoại luân thường, sau là giữ gìn đức hạnh, danh tiếng.
Phần thứ mười: Sai khiến, đối đãi với kẻ dưới
1. Đối đãi khoan dung với nô bộc trong nhà, thường xem như con trai của mình.
2. Đối với tỳ nữ, thường xem như con gái của mình.
3. Bà chủ vắng nhà, tỳ nữ không được phép vào nằm trong phòng ngủ.
4. Những việc như cởi giày, mũ, thay y phục, không được sai tỳ nữ giúp mình.
5. Đổ rửa bô tiểu của người nam, không được sai tỳ nữ.
6. Nô bộc trong nhà, khi đến tuổi nên sớm lo liệu hôn nhân; sau khi vừa mới kết hôn, không được sai khiến những việc phải đi xa.
7. Tỳ nữ nếu được cha mẹ mang tiền đến chuộc, phải nhanh chóng hoàn trả giấy bán thân cho họ.
8. Nô bộc trong nhà sinh con gái, chuyện cưới gả nên cho phép họ đứng ra làm chủ.
9. Người hầu trai, hầu gái trong nhà dan díu với nhau phải trục xuất ra khỏi nhà, nhưng không được dùng đòn roi đánh đập.
10. Khi trách mắng người hầu, nam cũng như nữ, không được nặng lời xúc phạm đến cả cha mẹ, vợ hoặc chồng của họ. Cũng phải nghiêm cấm việc người hầu của mình mắng chửi, xúc phạm người khác.
Mười điều trên đây, trước nói chung về việc giữ tâm nhân hậu, sau nêu rõ những sự khoan thứ trong khuôn phép của gia đình.
Phần 23: Phương pháp tu sửa, răn ngừa tổng quát
Trong kinh A-hàm có ghi lại lời ngài A-nan [dẫn bài kệ do Phật thuyết] ân cần khuyên dạy:
Không làm các việc ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.
Những điều răn ngừa tổng quát tôi soạn ra đây, vốn cũng xuất phát từ tâm Bồ-đề như thế, xin đừng vì thấy bản thân tôi kém cỏi tài đức mà cho rằng những lời này cũng không đáng xem trọng. Xin tất cả các vị quân tử cùng lắng lòng thanh tịnh, rửa tai lắng nghe.
Phần thứ nhất: Giữ gìn thân thể.
1. Không dám sử dụng thân thể do cha mẹ ban cho để làm những việc bại hoại danh tiết, khiến người khác khinh rẻ.
2. Không dám sử dụng thân thể do cha mẹ ban cho để chơi bời hoa liễu từ lúc thiếu niên, tham dâm háo sắc tổn hại sức khỏe, vướng nhiều bệnh tật rồi phải chết yểu.
3. Không dám sử dụng thân thể cha mẹ ban cho để làm chuyện vi phạm pháp luật, phải bị giam cầm trừng trị.
4. Không dám sử dụng thân thể cha mẹ ban cho để làm những chuyện trái nghịch đạo trời, phải bị trời trách phạt, khiến cho bao nhiêu phước lộc sẵn có đều tiêu tan hết.
5. Không dám sử dụng thân thể cha mẹ ban cho để làm những việc xấu ác, tạo nhân phải bị tuyệt tự, không con nối dõi.
Năm điều nêu trên đây, trước nói về danh tiết, tuổi thọ, sau bàn đến pháp luật quốc gia, cuối cùng lưu ý quả báo của việc làm.
Phần thứ hai: Giữ tâm chân chánh.
1. Cốt yếu trong việc giữ tâm chân chánh là phải dứt tuyệt tham dục.
2. Dứt tuyệt lòng tham lam.
3. Dứt tuyệt lòng kiêu ngạo.
4. Dứt tuyệt sự tùy tiện tiêu xài hoang phí.
5. Dứt tuyệt lòng tham muốn hưởng lạc và lười nhác phóng dật.
6. Dứt tuyệt lòng ganh ghét đố kỵ.
7. Dứt tuyệt khuynh hướng xấu ác do tập khí lâu đời.
8. Dứt tuyệt lòng si mê luyến ái.
9. Dứt tuyệt lòng xu phụ, không kiên định, chỉ hành xử theo người khác.
10. Dứt tuyệt tâm lười nhác thối chí.
11. Thường phát khởi tâm từ ái thương yêu muôn loài.
12. Thường phát khởi tâm bi mẫn, muốn cứu vớt chúng sinh khỏi mọi khổ đau.
13. Thường phát khởi tâm bao dung khoan thứ, cảm thông với người khác.
14. Thường phát khởi tâm trí tuệ sáng suốt.
15. Thường phát khởi tâm chê bỏ chán ghét mọi điều xấu ác.
16. Thường phát khởi tâm tàm quý, hổ thẹn, biết xấu hổ khi làm những việc sai lầm, xấu ác.
17. Thường phát khởi tâm sợ sệt đối với những quả báo xấu ác.
18. Thường phát khởi tâm chân thành sám hối đối với những lỗi lầm đã mắc phải.
19. Thường phát khởi tâm kiên định, vững chắc, không thối chuyển trong sự tu tập hoàn thiện.
20. Thường phát khởi tâm xuất thế, muốn giải thoát khỏi mọi khổ đau trong đời sống trần tục.
Hai mươi điều nêu trên, trước là loại bỏ tâm mê vọng, sau là giữ gìn và phát triển tâm chân thành.
Phần thứ ba: Cẩn thận lời nói.
1. Nói chuyện với phụ nữ không được biểu lộ ham muốn dục tình.
2. Không nói đến những chuyện vợ chồng, chuyện thai nghén, sinh sản.
3. Không kể lại cho người khác nghe những lời trong chốn phòng the.
4. Không [nói những lời] gây chia rẽ, làm tan vỡ chuyện hôn nhân của người khác.
5. Không thay người khác làm chuyện mai mối, sắp đặt việc hôn nhân.
6. Không môi giới chuyện mua bán tỳ thiếp.
7. Không dùng những lời thô tục, nhơ nhớp để nhục mạ, mắng chửi những kẻ mình thù ghét.
8. Không nói những lời hàm ý khêu gợi sự phong lưu, đa tình.
9. Tình cờ gặp phụ nữ đi ra khỏi nhà, không mang việc ấy kể lại với người khác [khiến họ khởi tâm tham muốn].
10. Không nói những chuyện nơi này hoặc nơi kia có diễn kịch, hát tuồng...
11. Không bàn tán những chuyện về người phụ nữ như trinh tiết hay dâm loạn, xinh đẹp hay xấu xí.
12. Không bàn luận về y phục của người phụ nữ đẹp hay xấu, hợp thời hay cổ lỗ.
13. Không nói chuyện nhà nọ, nhà kia có con gái hiền thục, con gái đã lớn, con gái đẹp v.v...
14. Không hỏi chuyện con gái nhà nọ, nhà kia đã có thai hay chưa.
15. Không nói lời ngợi khen, khuyến khích những sách khiêu dâm.
16. Thường nói về lẽ nhân quả, thiện ác báo ứng rõ ràng, rằng sau khi chết không phải chấm dứt tất cả vì thần thức vẫn tiếp tục tồn tại không diệt mất.
Mười sáu điều nêu trên, trước là có thể giúp mình tự tích tạo âm đức, phước báo, sau là có thể giúp trừ bỏ những ý niệm tà vạy, xấu ác của người khác.
Phần thứ tư: Trước tác văn chương.
1. Thường đọc nhiều Kinh sách Phật học.
2. Hạn chế việc làm thơ phú, [ngâm vịnh phong cảnh trăng hoa mây nước].
3. Khi đọc thấy những gương trinh tiết trong sách vở, thường khởi tâm kính trọng.
4. Khi xem những đoạn mô tả phụ nữ đẹp trong thơ văn, không khởi tâm ham muốn nhiễm ô.
5. Khi đọc thấy những chuyện trái lễ giáo trong sách vở, không khởi tâm tán thành cho đó là thích đáng.
6. Đối với những thơ văn chúc mừng hôn sự của anh chị em, chú bác, cha, ông... không cần chú tâm nghiền ngẫm, ngâm vịnh.
7. Thường đem những quan điểm tốt đẹp viết thành sách [để lưu hành giúp đời].
8. Không say mê việc phê bình, phân tích, hý luận đối với các loại truyện tích, ký sự.
9. Khi viết truyện ngợi khen phụ nữ trinh tiết, không được chú trọng vào việc mô tả nhan sắc, hình dáng.
10. Đối với những câu chuyện phụ nữ trinh tiết đã được người đời truyền tụng ngợi khen, không sai lầm phân tích khảo xét rồi khởi tâm ngờ vực hoặc thay đổi cho khác trước.
11. Không giúp vào việc sao chép, in ấn, lưu hành những thơ văn do phụ nữ làm ra.
12. Biên soạn ghi chép sử sách, nếu gặp những câu chuyện có thể khêu gợi, dẫn dắt người khác vào sự dâm loạn, nên cố sức loại bỏ đi; nếu là những chuyện phỉ báng tăng ni thì càng phải tức thời loại bỏ ngay.
Mười hai điều nêu trên, trước là nuôi dưỡng tâm hiền thiện, sau là giúp ngăn ngừa sự nhiễm ô vi tế, cuối cùng là nghĩ đến việc làm lợi lạc cho nhiều người.
Phần thứ năm: Thận trọng lúc đi ra ngoài.
1. Không lui tới những nơi phòng trà, quán rượu.
2. Không tham gia những buổi tiệc tùng ca hát nhảy múa.
3. Không tham gia những chuyến đi chơi xuân.
4. Không đi xem những cuộc xét xử nam nữ phạm tội gian dâm.
5. Không ngủ lại qua đêm ở nhà có đàn bà góa chồng.
6. Đến thăm bạn bè thân hữu, không được lặng yên đi thẳng vào trong nhà.
7. Không được nhìn lén [qua khe cửa] vào phòng trong.
8. Không bồng ẵm trẻ em gái con nhà người khác.
9. Không được nói cười đùa cợt với hầu gái, tỳ nữ nhà người khác.
10. Khi gặp phụ nữ không cố ý chỉnh sửa trang phục hình dung cho đẹp đẽ, hấp dẫn hơn.
11. Khi nhìn thấy phụ nữ không khởi tâm suy đoán xem người đó là vợ của ai, con của ai, có chồng hay chưa, có mang thai hay không, có hiền đức hay không...
12. Nhìn thấy những y phục, đồ trang sức của phụ nữ như vòng ngọc, trâm cài đầu, bông tai... không suy nghĩ tìm hiểu xem những vật đó là sở hữu của ai.
13. Đến nhà người khác, nếu thấy trong nhà có ảnh tượng người phụ nữ đã mất, không được chăm chú nhìn thẳng vào, không được nghĩ đến việc người ấy đẹp hay xấu.
14. Nếu nhìn thấy cảnh hành dâm của người khác hoặc của loài vật, trong lòng không được khởi lên ý nghĩ khoái trá, thích thú.
15. Dù là đàn ông với nhau, khi nằm ngủ đắp chung chăn mền không được cởi quần dài.
16. Dù là đàn ông với nhau cũng không được cùng lúc vào nhà tắm hoặc nhà vệ sinh.
Mười sáu điều nêu trên, những điều trước hết là thận trọng về những nơi đi đến, tiếp đó giữ gìn ý tứ để tránh được mọi sự hiềm nghi, kế đến là giữ cho tâm ý được trong sạch, và cuối cùng là tu sửa về hình dung, cử chỉ.
Phần thứ sáu: Quan hệ giao tiếp.
1. Không kết bạn với những kẻ hủy báng Tam bảo.
2. Không kết bạn với những kẻ viết sách khiêu dâm.
3. Không kết bạn với những kẻ thường bàn tán chuyện trong phòng the.
4. Không kết bạn với những kẻ ăn chơi nơi lầu xanh hoặc những kẻ đồng tính luyến ái.
5. Không kết bạn với những kẻ rượu chè say sưa, đam mê cờ bạc.
6. Thường khuyên người quy y Tam bảo.
7. Thường khuyên người sao chép, in ấn lưu hành các sách khuyến thiện.
8. Thường khuyên người tin sâu lẽ nhân quả, thiện ác đều có báo ứng.
9. Thường khuyên người giữ giới không tà dâm, không quan hệ tình dục với người không phải vợ hoặc chồng mình.
10. Thường khuyên người tu tập pháp quán bất tịnh.
Mười điều nêu trên, trước là biết chọn lọc trong sự giao tiếp, sau đó là [khi đã giao tiếp] phải dùng lời chân thành tốt đẹp khuyên người.
Phần thứ bảy: Những ngày kiêng kỵ.
[Vào những ngày tháng, điều kiện nêu ra dưới đây cần phải kiêng kỵ, không được hành dâm:]
1. Ngày đức Phật đản sanh.
2. Ngày đức Phật thành đạo.
3. Ngày trời đất giao hội.
4. Ngày giỗ chung của cả nước.
5. Dưới ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao.
6. Vào lúc đang có gió mưa, sấm sét.
7. Vào những ngày lục trai hoặc thập trai.
8. Vào các ngày tam nguyên, ngũ tịch.
9. Vào các ngày bát vương.
10. Vào các ngày đại hàn, đại thử.
11. Ngày giỗ cha, mẹ đã qua đời.
12. Ngày sinh của chồng hoặc vợ.
Mười hai điều kiêng kỵ nêu trên, trước là nói về những kiêng kỵ chung cho tất cả mọi người, sau nói đến những ngày kiêng kỵ riêng của mỗi người.
Phần thứ tám: Kiêng kỵ khi mang thai.
1. Khi đang mang thai phải kiêng kỵ việc hành dâm. Nếu không, sinh con ra thường sẽ bị bệnh đậu mùa.
2. Đang lúc thân thể suy nhược ốm yếu phải kiêng kỵ việc hành dâm. Nếu không, sinh con ra dễ mắc chứng động kinh.
3. Đang lúc tinh thần hao tổn mệt mỏi phải kiêng kỵ việc hành dâm. Nếu không, sinh con ra dễ mắc chứng tham dâm quá độ.
4. Đang uống thuốc trong người nóng nảy phải kiêng kỵ việc hành dâm. Nếu không, sinh con ra thường dễ bị mụn nhọt ghẻ độc cùng những chứng bệnh về máu huyết.
5. Đang mang thai mà đi đứng không khoan thai chững chạc thì sinh con ra hình thể không được cân đối, xinh đẹp.
6. Đang mang thai mà uống rượu thì sinh con ra thường dâm dục quá độ.
7. Đang lúc tinh khí hao tổn mà hành dâm thì sinh con ra thường yếu ớt, khiếp nhược, dễ sợ sệt.
8. Sau khi sinh con mà hành dâm ngay thì cả vợ và chồng đều dễ bị các chứng suy nhược cơ thể và tổn thương sức khỏe.
Tám điều nêu trên, trước đề cập đến giai đoạn mang thai, tiếp đến là giai đoạn sau khi sinh nở.
Phần thứ chín: Những điều kiêng kỵ đối với thê thiếp.
[Không hành dâm với vợ trong những trường hợp sau đây:]
1. Ở những nơi không thích hợp.
2. Phương thức không thích hợp.
3. Lúc vợ đang mang thai.
4. Sau khi vợ sinh nở chưa được bốn tháng.
5. Lúc vợ đang trong giai đoạn bồng bế con nhỏ.
6. Lúc vợ đang trong giai đoạn cho con bú.
7. Lúc vợ đang có bệnh.
8. Vào ngày sinh hoặc ngày kỵ giỗ của cha, mẹ vợ.
9. Phải tôn trọng vợ, thường nhớ nghĩ đến việc người ấy là con gái của cha mẹ vợ mình.
10. Phải tôn trọng vợ, thường nhớ nghĩ đến việc người ấy chính là con dâu của cha mẹ mình.
Mười điều nêu trên, trước giúp ngăn ngừa những tội lỗi nơi thân, sau ngăn ngừa tội lỗi phát sinh từ tâm ý.
Phần thứ mười: Một số những điều khác.
1. Tình cờ gặp phụ nữ trên đường, không liếc mắt nhìn theo, không nói những lời thô tục.
2. Khi dạo chơi hóng gió, không cùng đi với phụ nữ.
3. Không đi xem nghi lễ rước dâu nhà người khác.
4. Không khiếp nhược sợ vợ.
5. Không ngược đãi vợ.
6. Khi tiểu tiện không nhìn xuống.
7. Không cố ý [thủ dâm để] xuất tinh.
8. Tìm cách dẹp bỏ, trừ dứt những phương tiện truyền bá các phương thức trợ dâm được phổ biến nơi phố chợ hoặc chỗ đông người.
9. Đi qua các nhà có phụ nữ góa chồng hoặc ni viện, không dừng lại quay vào vách tường tiểu tiện.
10. Thoáng nhìn thấy phụ nữ từ xa thì không tiểu tiện.
11. Trong chỗ tối tăm ẩn khuất cũng không cởi bỏ hoàn toàn y phục.
Mười một điều nêu trên, trước là giúp trừ bỏ những hành vi, thái độ khinh bạc thô bỉ, sau là giúp nuôi dưỡng lâu dài tấm lòng nhân hậu chân chánh.
Phần 24: Phương pháp dứt trừ tội lỗi
Thời gian trôi đi như tên bắn, ngày tháng như dòng nước chảy [không bao giờ quay lại]. Nghiệp báo một khi đã đến, dù muốn trốn tránh cũng không có phương cách nào. Nên biết nhân lúc sức vóc còn khỏe mạnh, dũng mãnh quay đầu hướng thiện, từ bỏ việc xấu ác. Sáu căn nếu không còn xao động chạy theo trần cảnh, thì tám nỗi khổ liền đồng thời dứt hết.
Phần thứ nhất: Thân cận Tam bảo.
1. Thường nghiên tầm học hỏi đạo thiền [để đạt đến trí tuệ sáng suốt].
2. Thường tu tập tinh tấn pháp môn Tịnh độ [để thành tựu viên mãn quả Phật].
3. Thường xiển dương Phật pháp, làm hưng thịnh đạo Phật.
4. Thường tôn tạo, trang nghiêm hình tượng Phật.
5. Thường tu sửa, kiến tạo chùa chiền, tự viện.
6. Thường dốc sức sao chép, in ấn lưu hành Kinh điển.
7. Thường chuyên tâm trì tụng thần chú [do chư Phật truyền dạy].
8. Thường tham bái, học hỏi với các vị đại đức, cao tăng, cung kính cúng dường bốn món nhu yếu.
9. Không nghĩ đến lỗi lầm của các vị tăng, ni.
10. Nếu đang giữ chức quan, phải luôn hết sức hộ trì Chánh pháp.
Mười điều nêu trên, trước tiên đề cập tổng quát việc quy y Tam bảo, sau bàn chi tiết đến Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, cuối cùng đúc kết lại [là phải hộ trì Chánh pháp].
Phần thứ hai: Phát nguyện sâu rộng.
1. Chúng sinh số lượng nhiều không kể xiết, xin phát thệ nguyện cứu độ tất cả.
2. Phiền não nhiều vô tận, xin phát thệ nguyện [tu tập] dứt trừ tất cả.
3. Pháp môn tu tập nhiều không thể đo lường, xin phát thệ nguyện tu học tất cả.
4. Phật đạo cao quý không gì hơn được, xin phát thệ nguyện [tu tập] thành tựu.
Bốn điều nêu trên, trước nói về tâm bi mẫn, tiếp đến nói về tâm trí tuệ, cuối cùng là tâm thành tựu viên mãn.
Phần thứ ba: Sám hối dứt trừ nghiệp chướng.
1. Nguyện chí thành sám hối tội tà dâm từ vô thủy đến nay đối với các bậc tôn trưởng và lục thân quyến thuộc.
2. Nguyện chí thành sám hối tội tà dâm từ vô thủy đến nay đối với các vị xuất gia nói riêng, hoặc với bốn chúng nói chung.
3. Nguyện chí thành sám hối tội tà dâm từ vô thủy đến nay đối với bạn bè thân hữu, vợ cả, vợ lẽ.
4. Nguyện chí thành sám hối tội tà dâm từ vô thủy đến nay đối với nô bộc, người hầu, tỳ nữ.
5. Nguyện chí thành sám hối tội tà dâm từ vô thủy đến nay đối với hạng ca kỹ lầu xanh.
6. Nguyện chí thành sám hối tội tà dâm từ vô thủy đến nay đối với các vị thần nữ, tiên cô.
7. Nguyện chí thành sám hối tội tà dâm từ vô thủy đến nay đối với hàng trời, rồng, tám bộ chúng.
8. Nguyện chí thành sám hối tội tà dâm từ vô thủy đến nay đối với các loài yêu ma, quỷ mỵ.
9. Nguyện chí thành sám hối tội tà dâm từ vô thủy đến nay đối với các loài ngạ quỷ, súc sinh.
10. Tất cả những tội lỗi nhơ nhớp như trên đã chí thành sám hối, nguyện được tiêu trừ, dứt sạch hết thảy.
11. Nguyện thay mặt cho cha mẹ, lục thân quyến thuộc trong đời này và các đời trước, chí thành sám hối tất cả những tội lỗi như trên.
12. Nguyện thay mặt cho các vị quốc vương, sư trưởng, chí thành sám hối tất cả những tội lỗi như trên.
13. Nguyện thay mặt cho các vị tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, chí thành sám hối tất cả những tội lỗi như trên.
14. Nguyện thay mặt cho các vị bằng hữu, các bậc tri thức, chí thành sám hối tất cả những tội lỗi như trên.
15. Nguyện thay mặt cho tất cả những kẻ có oán thù ngang trái với mình từ vô lượng kiếp đến nay, chí thành sám hối tất cả những tội lỗi như trên.
16. Nguyện thay mặt cho tất cả chúng sinh trong các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, chí thành sám hối tất cả những tội lỗi như trên.
17. Nguyện thay mặt cho tất cả chúng sinh [đã tạo các ác nghiệp phải sinh ra vào lúc có nạn] đao binh, mất mùa đói kém, bệnh dịch lan tràn, chí thành sám hối tất cả những tội lỗi như trên.
18. Nguyện thay mặt cho chư thiên các cõi trời và các vị tiên nhân, chí thành sám hối tất cả những tội lỗi như trên.
19. Nguyện thay mặt cho tất cả chúng sinh hữu tình đang chịu khổ não trong cõi pháp giới cùng khắp cả hư không, chí thành sám hối tất cả những tội lỗi như trên.
20. Tất cả những tội lỗi nhơ nhớp [của hết thảy những chúng sinh khác nhau] như trên đã chí thành sám hối, nguyện được tiêu trừ, dứt sạch tất cả.
Hai mươi điều nêu trên, trước là tự mình sám hối tội lỗi của bản thân, sau là thay mặt cho [tất cả các loài chúng sinh] để sám hối.
Phần thứ tư: Tu tích phước lành lợi ích cho người khác.
1. Biếu tặng [để lưu hành rộng rãi] các sách răn ngừa sự dâm dục [thái quá].
2. Đốt bỏ những sách khiêu dâm, [ngăn cản không để cho lưu hành rộng rãi].
3. Ra sức giúp đỡ bảo toàn tiết hạnh trong sạch cho phụ nữ.
4. Giúp đỡ tiền bạc [cho người nghèo để họ có thể] gả con lấy chồng.
5. Bỏ tiền thay người chuộc tự do cho những con gái nhà lành [đã bị bán làm tỳ nữ, kỹ nữ].
6. Nhận nuôi dưỡng những trẻ em [không nơi nương tựa].
7. Bố thí thuốc men cần thiết cho phụ nữ mang thai.
Bảy điều nêu trên, trước là bố thí trí tuệ, tiếp đến là bảo vệ thanh danh cho người, cuối cùng là bố thí tài vật.
Phần thứ năm: Tỉnh giác nhận biết trong hiện tại.
1. Nhìn thấy vợ mình chịu đựng nhiều sự khổ não khi sinh nở và nuôi nấng con cái, nên quán tưởng đó là do chính mình đã khiến người ấy phải chịu khổ, nhân đó liền thầm niệm danh hiệu Phật, nguyện cho người ấy được đời đời kiếp kiếp về sau không phải sinh làm thân nữ, được vãng sinh về cõi Phật thanh tịnh.
2. Nhìn thấy con cái mình chịu bệnh khổ, cho đến những nỗi khổ khi sinh nở, nuôi con, lại cũng quán tưởng đó là do chính mình đã gây ra những nỗi khổ ấy, nhân đó liền phát nguyện cứu độ cho tất cả đều được thoát khỏi khổ não luân hồi.
3. Nhìn thấy các tỳ nữ, nô tỳ khổ nhọc bồng bế chăm sóc con cái của mình, lại cũng quán tưởng đó là do chính mình đã gây ra những nỗi khổ ấy, nhân đó liền phát nguyện cứu độ cho tất cả đều được thoát khỏi khổ não trong luân hồi.
4. Nghĩ đến việc lâu xa về sau nữa, con cháu nhiều đời của mình rồi cũng sẽ đời này sang đời khác cưới vợ, gả chồng, lại cũng đời này sang đời khác sinh con rồi nuôi dưỡng khó nhọc, cho đến đời đời kiếp kiếp phải lưu chuyển mãi mãi trong sinh tử luân hồi, lại cũng quán tưởng đó là do chính mình đã gây ra những nỗi khổ ấy, nhân đó liền phát nguyện cứu độ cho tất cả đều được thoát khỏi khổ não luân hồi.
Bốn điều nêu trên, trước là nhân nơi những việc nhìn thấy trước mắt mà tỉnh giác nhận biết, sau là do sự suy xét quán tưởng mà tỉnh giác nhận biết.
Phần thứ sáu: Vui theo niềm vui của người khác.
[Gặp những trường hợp như sau đây nên khởi tâm hoan hỷ tán thành, trợ giúp cho thành tựu và cùng vui theo với niềm vui của người:]
1. Nhìn thấy những gương trinh tiết của phụ nữ.
2. Nhìn thấy con gái nhà nghèo hoặc đã lớn tuổi có thể lấy được chồng, yên bề gia thất.
3. Nhìn thấy vợ chồng người khác [chia lìa rồi lại] được đoàn tụ như xưa.
4. Nhìn thấy những sách khuyến thiện, khuyên người tránh ác làm thiện [được lưu hành rộng].
5. Nhìn thấy người khác có thể dứt lìa tham dục, xuất gia tu hành.
Năm điều nêu trên, trước là nói về công đức [tùy hỷ] của thế tục, sau nói về công đức [tùy hỷ với] việc xuất thế.
Phần thứ bảy: Biểu hiện của sự dứt trừ tội lỗi.
[Khi sự tu tập thành tựu, tội lỗi được dứt trừ, người tu sẽ nhận thấy có các biểu hiện như sau:]
1. Tự nhiên không còn nghĩ tưởng đến chuyện ái dục nam nữ.
2. Tự nhiên nhận biết được những sự uế trược nơi thân người nữ.
3. Tự nhiên thấy chán ghét, không ưa thích những chuyện xướng ca múa hát.
4. Tự nhiên muốn trừ bỏ hết những sách khiêu dâm, tiểu thuyết gợi tình.
5. Tự nhiên phát khởi tâm từ bi [đối với tất cả chúng sinh].
6. Tự nhiên thấy vững tin sâu sắc vào nhân quả.
7. Tự nhiên thấy ưa thích, hoan hỷ làm chuyện bố thí.
8. Tự nhiên thấy tôn trọng, kính tin Tam bảo.
9. Tự nhiên tỉnh giác nhận biết về việc mình sẽ chết.
10. Tự nhiên thấy chán ghét thân xác [giả tạm] này, liền phát khởi ý tưởng muốn [tu tập pháp môn] xuất thế.
Mười điều nêu trên, trước là nói những chuyển biến liên quan đến ái dục, sau nói đến những chuyển biến khác khi đã lìa bỏ được ái dục.
Phần 25: Những điểm cốt yếu trong Kinh điển
Tôi từng nghe chuyện thuở xưa, ngài Cưu-ma-la-thập khi sắp viên tịch có phát lời nguyện rằng: “Tôi phiên dịch Kinh điển, mỗi chữ mỗi câu đều cố gắng chân thành đúng thật. Nếu như trong đó có câu chữ nào hư dối sai lệch, nguyện cho lưỡi tôi sẽ vì thế mà thối nát.”
Sau khi ngài viên tịch, đến lúc làm lễ trà-tỳ nhục thân có hàng vạn người chứng kiến, thấy lưỡi ngài chẳng những không hề thối nát, mà ngược lại còn đỏ thắm như màu hoa sen.
Những lời chân thật trong ba tạng Kinh điển có uy lực lớn lao đến như thế, nên từ Thiên cung cho đến Long cung đều hết sức trân quý không để mất đi, lại thường dùng hương hoa, tháp báu ngàn tầng cúng dường cung kính.
Đau đớn thay cho những kẻ phàm phu có mắt không tròng, được đối diện với Kinh điển lại sai lầm bỏ luống qua [không biết học hỏi tu tập], thật đáng tiếc thay!
Nay tôi xin rửa tay sạch sẽ, cung kính trích ghi một số điều trong Kinh điển, khắc bản in ấn, lưu truyền rộng rãi đến muôn người, [mong sao mọi người] cùng nhau trừ diệt con ma dâm dục, để được an nhiên tự tại giữa dòng ái luyến.
Phần thứ nhất: Bồ Tát quở trách sự dâm dục.
Kinh Đại Bảo Tích dạy rằng: “Bồ Tát quán sát trong chốn thế gian, thấy những chúng sinh ngu si điên đảo, đối với sự dâm dục đem lòng tham luyến, si mê, đối với mẹ hay chị, em gái của mình còn dám xâm hại làm nhục, huống chi đối với những người phụ nữ khác. Quán sát thấy rõ thực trạng như thế, Bồ Tát liền khởi tâm suy nghĩ rằng: ‘Thế gian này thật là chốn khổ sở thay! Những chúng sinh ngu si kia vốn từng ở trong bào thai của mẹ, được nuôi dưỡng lớn dần lên trong đó, lại sinh ra qua cửa mình người mẹ, sao không biết hổ thẹn mà còn làm chuyện loạn luân như thế? Thật đáng thương xót thay, những kẻ ấy rồi sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, [chịu hành hình] không một lúc nào được tạm dừng. Như một người mù bị bầy chó hung dữ rượt đuổi, nhất định phải rơi xuống hầm sâu, những chúng sinh si mê kia cũng giống như vậy, [chắc chắn rồi sẽ phải rơi vào những cảnh giới đọa lạc]. Lại như con lợn nuôi trong chuồng trại nhớp nhúa, sống giữa đống phẩn dơ hôi hám, ăn uống trong đó mà không hề biết ghê tởm chán ghét, những chúng sinh si mê kia [sống giữa tội lỗi mà không ghê sợ,] cũng giống như vậy. Nay ta sẽ vì những chúng sinh si mê tội nghiệp ấy mà tuyên thuyết giảng bày Chánh pháp mầu nhiệm, khiến cho họ [nghe theo rồi] liền vĩnh viễn dứt trừ tham dục, không còn phiền não.”
Kinh Nguyệt thượng nữ dạy rằng: “[Trong vô số kiếp luân hồi,] hoặc các người đã từng sinh ra làm cha ta, hoặc ta đã từng sinh ra làm mẹ các người, chúng ta đều đã từng là cha mẹ, anh em của nhau, làm sao có thể khởi tâm muốn làm chuyện dâm dục với nhau? [Trong vô số kiếp luân hồi,] ta cũng từng giết hại các người, hoặc các người đã từng giết hại ta, chúng ta đều đã từng có mối oán cừu giết hại lẫn nhau, làm sao có thể khởi tâm muốn làm chuyện dâm dục với nhau?”
Luận Trí độ nói: “Bồ Tát quán xét thấy trong tất cả các mối nguy hại thì [sự nguy hại từ] nữ sắc là nghiêm trọng nhất. Những mối nguy như đao kiếm, lửa thiêu, sấm sét, kẻ thù, rắn độc, vẫn còn có thể tạm thời gần gũi [mà chưa bị hại ngay], nhưng người phụ nữ có những tính xấu như keo kiệt, đố kỵ, sân hận, siểm nịnh, yêu mị, ô uế, ưa tranh chấp, tham lam thì không thể gần gũi được.”
Kinh Tăng nhất A-hàm dạy rằng: “[Người xuất gia] đừng tới lui quan hệ thường xuyên với nữ nhân, cũng đừng cùng họ nói năng bàn luận. Ai có thể xa lìa được nữ sắc, ắt có thể lìa xa được tám hoàn cảnh khó tu tập.”
Kinh Trường A-hàm chép rằng: “Ngài A-nan thưa hỏi Phật: “Sau khi Phật diệt độ, nếu có người nữ đến thưa hỏi giáo pháp, nên làm thế nào?’ Phật dạy: ‘[Chỉ dạy cho họ nhưng] không nên gặp mặt.’ Ngài A-nan lại hỏi: ‘Nếu phải gặp mặt thì nên làm thế nào?’ Phật dạy: ‘Không nên cùng họ chuyện trò qua lại.’ Ngài A-nan lại hỏi: ‘Nếu phải trò chuyện thì nên thế nào?’ Phật dạy: “Phải luôn biết tự kiểm thúc tâm mình.’”
Kinh Mật nghiêm dạy rằng: “Nam nữ cùng đam mê ái dục, tinh huyết cùng hòa hợp sinh con. Như loài trùng sinh ra trong bùn nhơ, người sinh từ bào thai của mẹ cũng nhơ nhớp như vậy.”
Trên đây có sáu phần được trích dẫn từ kinh luận. Hai phần đầu tiên dạy khởi tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sinh. Các phần thứ ba, thứ tư và thứ năm dạy người đoạn tuyệt cội gốc dâm dục. Phần cuối cùng kết lại bằng cách chỉ rõ sự bất tịnh của xác thân máu thịt giả tạm này.
Phần thứ hai: Quả báo của tội tà dâm.
Sách Pháp uyển châu lâm chép: “Đức Phật dạy rằng tà dâm có mười tội báo. Một là [gian dâm với người vợ] nên thường phải lo sợ bị người chồng giết hại. Hai là khiến cho vợ chồng nhà mình không hòa thuận. Ba là điều ác ngày càng tăng thêm, điều lành ngày càng giảm bớt. Bốn là [chết sớm khiến cho] vợ con phải cô độc không người chăm sóc. Năm là tài sản gia đình mỗi ngày một hao tổn. Sáu là mỗi khi có chuyện xấu ác xảy ra, thường bị người khác nghi ngờ cho mình. Bảy là bị bạn bè thân hữu khinh bỉ phỉ báng. Tám là rộng kết oán thù với nhiều người. Chín là sau khi chết phải đọa vào địa ngục. Mười là sau khi chịu tội ở địa ngục xong, nếu sinh làm thân nam thì gặp phải người vợ không trinh tiết, nếu sinh làm thân nữ thì gặp phải người chồng đa thê.”
Kinh Bát sư dạy rằng: “Kẻ tà dâm dan díu với vợ người khác, hoặc bị người chồng bắt được, lập tức phải gặp tai ương, gây họa lây đến cho cả người trong gia đình, thân tộc; hoặc bị pháp luật trừng trị, phải chịu hình phạt đau đớn khổ sở. Sau khi chết lại phải đọa vào những cảnh giới địa ngục, súc sinh, tùy theo mức độ mà chịu tội. Ví như sau đó còn chút may mắn được sinh trở lại làm người, ắt phải rơi vào cảnh nhục nhã xấu hổ vì vợ con dâm loạn. Nay ta thấy rõ [những sự báo ứng] như vậy nên không dám phạm vào tà dâm.”
Kinh Tát-già Ni-kiền tử dạy rằng: “Người nào không biết đủ với vợ nhà, tham muốn dâm dục với vợ người khác, đó là không biết hổ thẹn, sẽ phải thường chịu khổ não, không được an vui.”
Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy rằng: “Nếu người nào có quan hệ tình dục vào thời gian không thích hợp, hoặc ở địa điểm không thích hợp, hoặc quan hệ với người đồng tính, hoặc với phụ nữ chưa chồng, đều gọi là tà dâm. Nếu quan hệ với vợ mình mà nghĩ tưởng đến vợ người khác, hoặc quan hệ với vợ người khác mà nghĩ tưởng xem như vợ mình, đó cũng là tà dâm. Những sự tà dâm như thế cũng có phân ra nặng nhẹ khác nhau. Do phiền não nặng nề, ắt phải chịu tội báo nặng nề. Do phiền não kém nặng nề hơn, ắt chịu tội báo kém nặng nề hơn.”
Kinh Niết-bàn dạy rằng: “[Nếu có] Bồ Tát nào, tuy không cùng nữ nhân làm chuyện dâm dục, nhưng khi nhìn thấy những cặp nam nữ mê đắm theo đuổi nhau liền khởi sinh tâm tham muốn vướng chấp, đó gọi là hủy phạm giới hạnh thanh tịnh.”
Kinh Tạo tượng công đức chép rằng: “Phật dạy Bồ Tát Di-lặc: ‘Có bốn nhân duyên khiến cho nam giới phải chịu thân bất lực, không có khả năng hành dâm. Một là hủy hoại tàn khốc thân thể người khác, hoặc thậm chí là các loài súc sinh. Hai là đối với các vị tỳ-kheo trì giới mà khởi tâm sân hận hoặc chê cười, hủy báng. Ba là buông thả tâm ý tham dâm quá độ, cố ý phạm giới. Bốn là gần gũi kết giao với người phạm giới, lại khuyến khích, xúi giục người khác phạm giới. Nếu có người đã lỡ phạm vào bốn điều ấy, nhưng sau đó khởi tâm thành tín tin sâu Tam bảo, tạo tác hình tượng Phật, [nhờ công đức ấy sẽ] không phải chịu quả báo như trên. Lại có bốn loại nghiệp có thể khiến cho nam giới phải chịu thân lưỡng căn, trong người mang cả hai căn nam nữ. Một là dâm loạn với các bậc tôn túc trưởng thượng của mình. Hai là quan hệ tình dục với người đồng tính. Ba là tự mình thủ dâm. Bốn là làm việc môi giới mua bán dâm. Nếu có người đã lỡ phạm vào bốn điều ấy, nhưng sau đó khởi tâm thành tín tin sâu Tam bảo, tạo tác hình tượng Phật, [nhờ công đức ấy sẽ] không phải chịu quả báo như trên.”
Trên đây có sáu phần được trích dẫn từ Kinh điển, ba phần đầu tiên nói về [những sai lầm tội lỗi] của người xấu ác, phần thứ tư nói về [sai lầm tội lỗi] của người phát tâm tu thiện, phần thứ năm nói về [sai lầm tội lỗi] của người xuất gia, phần cuối cùng khuyên sám hối nếu đã lỡ phạm vào tội lỗi.
Phần thứ ba: Công đức của việc giữ giới không tà dâm.
Kinh Thất Phật diệt tội nói rằng: “Người thọ trì giới không tà dâm có năm vị thiện thần đi theo bảo vệ. Các vị ấy có tên là Trinh Khiết, Vô Dục, Tịnh Khiết, Vô Nhiễm và Đãng Địch.”
Kinh Phật bát Nê-hoàn chép: “Phật dạy Nại nữ: Người không tà dâm có năm điều phước lành tăng trưởng. Một là được nhiều người khen ngợi, hai là không sợ quan quyền, ba là được sống yên ổn, bốn là sau khi chết được sinh lên cõi trời, năm là tu tập theo đạo thanh tịnh, chứng đắc Niết-bàn.”
Kinh Giới đức hương dạy rằng: “Người không tà dâm, không xâm phạm đến vợ người khác, dù sinh ra ở đâu cũng được hóa sinh từ hoa sen.”
Kinh Lăng nghiêm dạy rằng: “Nếu chúng sinh trong sáu đường luân hồi giữ tâm không tham dâm, ắt không bị lôi cuốn mãi trong tướng trạng sinh tử. [Tỳ-kheo] các ông tu tập pháp Tam-muội, vốn là để thoát ra khỏi chốn trần lao, nhưng nếu không trừ tâm dâm dục thì không thể thoát ra được. Ví như hiện tại có được nhiều trí tuệ thiền định, nhưng nếu không trừ dứt tâm dâm dục ắt sẽ bị lạc vào ma đạo. Nếu như cả thân và tâm đều dứt sạch động cơ hành dâm, cho đến dứt cả ý niệm về sự đoạn trừ, may ra mới có khả năng chứng đắc quả Phật Bồ-đề.”
Kinh Đề-vị dạy rằng: “Mỗi năm vào 3 tháng ăn chay, mỗi tháng vào 6 ngày ăn chay, hoặc dưới ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao, cùng với các ngày bát vương, đều phải giữ gìn kiêng kỵ [không được hành dâm].”
Kinh Thiền yếu ha dục dạy rằng: “Người tu tập cầu đạo giải thoát, trì giới tu định, phải trừ dứt sáu sự ham muốn. Một là ham muốn ngoại hình xinh đẹp, hai là ham muốn dung mạo xinh đẹp, ba là ham muốn dáng vẻ xinh đẹp, bốn là ham muốn âm thanh tiếng nói dịu ngọt, năm là ham muốn sự xúc chạm mềm mại êm ái, sáu là ham muốn cử chỉ hành vi dịu dàng. Nếu rơi vào những sự ham muốn như thế, nên quán tưởng sự bất tịnh, ô uế [của đối tượng].”
Trên đây có sáu phần được trích dẫn từ Kinh điển. Hai phần đầu tiên nêu những phước lành hội tụ [đến với người giữ giới không tà dâm]. Các phần thứ ba và thứ tư nói đến việc xuất ly sinh tử [nhờ giữ giới không dâm dục]. Hai phần cuối cùng nêu rõ thêm phương pháp giữ giới.
Phần thứ tư: Tỉnh giác răn ngừa trong đời sống thế tục.
Kinh Bồ Tát ha sắc dục pháp có nói: “Sắc đẹp nữ nhân là gông cùm của người thế gian, những kẻ phàm phu tham luyến vướng mắc rồi không thể tự thoát ra được. Sắc đẹp nữ nhân là khổ nạn nặng nề của người thế gian, những kẻ phàm phu bị vây khốn vào đó thì cho đến chết cũng không dứt được. Sắc đẹp nữ nhân là mối tai họa nguy hiểm của người thế gian, những kẻ phàm phu đã vướng phải rồi thì mọi thứ tai ách khổ nạn đều theo nhau kéo đến. Người tu tập một khi buông bỏ được [sự tham luyến sắc dục] rồi, nếu lại còn khởi lên tà niệm thì chẳng khác nào như vừa từ trong lao ngục được thoát ra đã quay trở vào, như người điên loạn vừa được tỉnh táo lại tái phát bệnh cuồng điên như cũ.”