Thích Nhuận Châu dịch
PHẦN III :
Ý tưởng của tôi về trách nhiệm toàn cầu có mối liên quan với truyền thống tôn giáo cổ đại Ấn Độ. Là một tăng sĩ Phật giáo, nên toàn bộ công phu tu tập của tôi có cội nguồn xuất phát từ nền văn hóa của quốc gia vĩ đại nầy. Ông Morarji Desai, viết trong một lá thư gởi cho tôi, mô tả một hình ảnh rất đẹp: »Cây Bồ-đề có hai nhánh, một nhánh là Ấn Độ, và nhánh kia là Tây Tạng«. Từ quan điểm văn hóa và tâm linh, chúng ta giống như là một thực thể. Về mặt cảm tính, tôi cũng cảm thấy rất gần gũi với đất nước nầy. Trong thời cổ đại, từ Ấn Độ đã xuất sinh nhiều nhà tư tưởng vĩ đại. Trí tuệ của các ngài đã ban tặng rất nhiều cho sự tiến bộ tâm linh nhân loại. Ngay cả ngày hôm nay, Ấn Độ là một niềm khích lệ vì tiếp cận được với nhiều lợi thế lớn lao cho một nền dân chủ thịnh vượng.
Tư tưởng bất hại [79] hay bất bạo động (non violence) là một tư tưởng mạnh mẽ đã được Mahatma Gandhi phổ biến rộng rãi khắp cả thế giới. Bất bạo động còn mang một điều gì có ý nghĩa hơn, tích cực hơn như thế nữa. Biểu hiện chân thực của tinh thần bất bạo động là lòng từ bi. Một số người dường như cho rằng lòng từ bi chỉ là một lối cảm xúc thụ động được đáp ứng thay vì tác nhân kích thích hợp lý đến hành động. Để trải nghiệm lòng từ bi chân thực, là phải có sự phát huy cảm giác thân mật với người khác, kết hợp với ý thức trách nhiệm đối với lợi lạc của họ. Lòng từ bi chân chính phát triển khi chính chúng ta có ước nguyện đem sự an lạc đến và giải trừ khổ đau cho người khác, và nhận thức rằng mọi người có quyền theo đuổi mục tiêu nầy.
Lòng từ bi thúc giục chúng ta tiếp xúc với tất cả các loài hữu tình, gồm cả giới được gọi là kẻ thù, những người gây rối và não hại chúng ta. Bất chấp những gì họ đã gây nên cho các bạn, nếu như các bạn nghĩ rằng mọi chúng sinh như bạn đều chỉ có một nỗ lực để được sống an vui, thì các bạn sẽ tìm ra được phương cách dễ dàng hơn nhiều để phát triển lòng từ bi về phía họ. Ý thức về lòng từ bi thường thường bị hạn cuộc và thiên vị. Chúng ta chỉ ban rãi tình cảm nầy đến cho gia đình và bạn bè ta, hoặc những người giúp đỡ mình nhiều hơn. Người mà ta xem như kẻ thù và những người xa lạ là chúng ta có sự phân biệt ngay và gạt ra khỏi mối quan tâm của ta. Đó không phải là lòng từ bi chân chính. Lòng từ bi chân thực là phổ quát trong cả không gian. Nó được đồng hành bởi cảm giác trách nhiệm. Để thực hành hạnh lợi tha, không chỉ quan tâm đến lợi hại của người khác, với tính không vị kỷ hoặc động cơ kín đáo, chính là xác định một ý thức trách nhiệm về toàn thể.
Là một tăng sĩ Phật giáo, sự tu dưỡng tâm từ bi là một phần quan trọng trong công phu hàng ngày. Thiền quán, một dạng công phu chỉ liên quan đến việc ngồi tĩnh tâm ở trong phòng, công phu ấy rất tốt và lợi ích, nhưng mục tiêu chân chính của tu dưỡng lòng từ bi là phát huy nỗ lực nghĩ đến tha nhân và làm gì đó lợi lạc cho họ. Chẳng hạn, là một Đạt-lại Lạt-ma, tôi có trách nhiệm đối với đồng bào Phật tử của tôi, một số đang sống lưu vong và một số còn sống trong nước Tây Tạng. Trách nhiệm nầy có nghĩa là tôi phải đương đầu và giải quyết rất nhiều vấn đề.
Chắc chắn là thiền quán thì dễ hơn thực sự làm điều gì đó cho mọi người. Đôi khi tôi thấy rằng chỉ quán chiếu về lòng từ bi là chọn lựa một phương pháp thụ động. Công phu thiền quán của chúng ta nên phát xuất từ nền tảng của hành động, là nắm bắt cơ hội để thực hành. Động cơ của thiền giả; ý thức trách nhiệm toàn cầu, nên được biểu hiện thực sự. Dù chúng ta là người giàu hay nghèo, có học hay mê muội, bất luận quốc tịch, sắc tộc, hay tình trạng xã hội, hay ý thức hệ nào, thì mục đích của đời sống chúng ta là mong ước được hạnh phúc. Do điều nầy, sự phát triển vật chất đóng một vai trò quan trọng để gieo trồng một sự phát triển trong tương quan nội tại. Trừ phi tâm ta được vững chãi và an tịnh, thì bất luận mọi điều kiện thuận lợi về vật chất nào có lẽ đều sẽ mang đến cho ta những điều không an lạc. Do vậy, chìa khóa của cuộc sống hạnh phúc, cho bây giờ và tương lai, là phát triển tâm an lạc.
Một trong những cảm giác quấy nhiễu tâm an tịnh là lòng thù hận. Chất hóa giải là lòng từ bi. Chúng ta đừng nên nghĩ về lòng từ bi chỉ hiện hữu trong phạm vi thần bí hoặc tôn giáo. Đó là một trong những phẩm chất cơ bản của con người. Bản tính của loài người chủ yếu là yêu thương và hòa dịu. Tôi không đồng ý với những người cho rằng loài người có bản tính hung hãn, cho dù sự biểu lộ khá phổ biến của tình trạng chống đối và thù hận nhau khắp trên thế giới. Ngay từ thuở mới sinh ra, chúng ta đã cần có tình thương và sự trìu mến. Đây là sự thật đối với tất cả chúng ta, ngay cho đến ngày chúng ta từ giã cõi đời. Không có tình thương, chúng ta không thể sống còn. Loài người là một sinh vật có tính xã hội và mối tương quan lẫn nhau là tính chất rất căn bản của đời sống hợp quần. Nếu chúng ta dừng lại để suy nghĩ, so sánh vô số hành vi từ ái mà ta tùy thuận và những hành vi từ ái mà ta xem là đương nhiên, ta sẽ thấy được những hành động thù nghịch tương đối ít. Để thấy được chân lý nầy, chúng ta chỉ cần quan sát tình thương và lòng trìu mến từ cha mẹ thổ lộ qua con cái và những hành vi yêu thương và chăm sóc mà ta xem là đương nhiên.
Sự nôn nóng có vẻ như ban tặng một lực đẩy để thực hiện mọi việc, nhưng nhận thức như thế về toàn cảnh thế giới thì rất lầm lạc. Chỉ có điều chắc chắn là, sự nóng giận và thù hằn đó là sự phá hủy, không có điều thiện nào đến từ nóng giận và hận thù. Nếu chúng ta tiếp tục sống một cuộc đời được điều động bởi hằn thù và nóng giận, ngay cả thể lực của ta cũng bị xấu đi. Mặt khác, những người duy trì được sự tĩnh tâm và lòng bao dung, xuất phát bởi lòng từ bi thì tâm họ thoát khỏi mọi lo âu và thể chất được mạnh khỏe.
Lúc mà mọi người đều chú tâm vào việc duy trì thể chất được mạnh khỏe bằng cách ăn kiêng, tập thể dục... nó cũng tạo nên ý thức cố gắng vun trồng vị trí tương quan với phong thái tâm linh.
Từ lâu tôi đã đề cập đến quan điểm tích cực có thể ảnh hưởng đến một cá nhân. Đó cũng là sự thực khi một xã hội càng thấm nhuần lòng từ bi, thì những thành viên trong đó càng có hạnh phúc hơn. Sự phát triển xã hội con người hoàn toàn căn cứ vào sự giúp đỡ lẫn nhau giữa mọi người. Mỗi cá nhân có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn cộng đồng theo chiều hướng tốt và chúng ta phải thừa nhận trách nhiệm đó của mỗi thành viên. Nếu chúng ta đánh mất yếu tính nhân bản nầy như chính là nền tảng của chúng ta, thì toàn thể xã hội sẽ suy sụp.
Thế từ quan điểm nào mà ta theo đuổi sự phát triển vật chất và chúng ta đòi hỏi nhân quyền với ai? Hành động xuất phát từ lòng từ bi và trách nhiệm rốt ráo sẽ mang đến kết quả tốt. Nóng giận và đố kỵ sẽ có ảnh hưởng chỉ trong thời gian ngắn, nhưng rốt cục chỉ mang đến cho ta sự ưu phiền.
Sợ hãi là một chướng ngại chính khác đối với sự phát triển tâm linh nội tại. Sợ hãi sinh khởi khi chúng ta nhìn mọi người khác với sự ngờ vực. Chính lòng từ bi tạo nên ý thức về sự tin cậy cho phép chúng ta cởi mở với người khác và tiết lộ mọi vấn nạn, nghi ngờ và do dự. Không có lòng từ bi, chúng ta không thể cộng thông với mỗi người một cách chân thực và cởi mở. Do vậy, phát triển lòng từ bi là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để giảm trừ sợ hãi.
Từ bi là phẩm chất cơ bản của con người, thế nên sự phát triển của nó không giới hạn trong những người tu tập. Tuy nhiên, truyền thống tôn giáo có một vai trò đặc biệt để khuyến khích cho sự phát triển nầy. Yếu tố chung trong các tôn giáo là, dù có bất kỳ sự khác biệt nào về triết học, sự tương quan chủ yếu vẫn là sự trợ giúp cho tín đồ của mình trở thành con người hoàn thiện hơn. Theo đó, mọi tôn giáo đều khuyến khích thực hành lòng từ bi, lòng bao dung và quan tâm đến người khác. Đây là lý do tôi nhận thấy những cuộc đấu tranh xuất phát từ sự kỳ thị tôn giáo là đáng buồn và vô nghĩa.
Niềm tin của tôi, và nói chung của cả thế giới, là xem lòng từ bi quan trọng hơn »tín ngưỡng«. Dân số trên hành tinh chúng ta có hơn năm tỷ người. Trong số này, có lẽ có một tỷ người thực hành và có lòng tin chí thành vào một nghi thức tôn giáo. Bốn tỷ còn lại không phải là những tín đồ với ý nghĩa chân chính. Nếu chúng ta xem sự phát huy lòng từ bi và những phẩm chất tốt lành khác không như là công việc riêng của tôn giáo, thì hơn bốn tỷ người kia (chiếm đa số), sẽ bị loại trừ. Chúng ta như là huynh đệ của nhau, là thành viên của một gia đình vĩ đại, mỗi người trong cộng đồng nầy đều có tiềm năng để làm tăng trưởng bởi nhu cầu của lòng từ bi được phát triển và nuôi lớn mà không cần phải theo một tôn giáo nào hay cần phải thực hành một pháp tu đặc biệt nào cả. Ngày hôm nay, chúng ta phải đối diện với những vấn đề toàn cầu như nghèo đói, thặng dư dân số. Và sự phá hủy môi trường. Đây là những vấn đề mà chúng ta phải cùng nhau trao đổi, không có một cộng đồng đơn độc hoặc một quốc gia riêng lẻ nào có thể hy vọng giải quyết riêng các vấn đề ấy được. Điều nầy biểu hiện phương cách mà thế giới chúng ta trở nên tương duyên với nhau hơn. Nền kinh tế toàn cầu cũng trở nên hợp nhất một cách mạnh mẽ hơn, đến nỗi kết quả cuộc bầu cử của một quốc gia cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán của các nước khác.
Thời cổ đại, mỗi làng nhiều ít đều có tính chất tự túc và độc lập. Không có nhu cầu cũng như không có mong muốn hợp tác với những đơn vị khác bên ngoài làng của mình. Họ sống bằng cách làm những điều mình cần. Tình thế ngày nay đã hoàn toàn đổi khác. Chỉ nghĩ về những điều thuộc về riêng quốc gia hay quê hương mình thì cũng đã trở nên lạc hậu, đừng nói gì đến làng mình. Trách nhiệm toàn thể là chìa khóa chân thực để vượt qua mọi vấn đề của chúng ta hiện nay. Nước Ấn Độ tân tiến đang đương đầu với rất nhiều vấn đề. Những sáng kiến và ý tưởng mới sẽ đánh giá cao tầm mức và di sản của đất nước. Ấn Độ không những có trách nhiệm bảo đảm hạnh phúc tương lai cho dân tộc của riêng mình, mà còn cung ứng những nhà lãnh đạo tinh thần cho thế giới nữa. Khi Ấn Độ đấu tranh giành tự do thì những cá nhân thực sự quan tâm đến hạnh phúc của loài người sẽ tìm đến bằng sự hy sinh cá nhân to lớn để đón nhận sự dẫn dắt tâm linh. Họ đã có sẵn tinh thần can đảm và quả quyết để đương đầu với gian nguy. Ngày nay, có lẽ có nhiều hơn trong quá khứ, có một nhu cầu lớn lao về loại người chân chính và sẵn sàng dâng hiến như vậy. Đây không phải là thời của những con người đắm mình trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc hẹp hòi riêng tư. Ấn Độ cần những con người có thể hợp nhất di sản tâm linh phong phú của mình với thế giới hiện đại, và cần những người can đảm từ bỏ tức khắc những mối bận tâm riêng tư để hướng về sự toàn thiện vĩ đại. Đây chính là biểu tượng chính xác nhất về tính trách nhiệm toàn cầu.