- Đàn ông và đàn bà

28/11/20183:07 SA(Xem: 14267)
- Đàn ông và đàn bà
365 LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
của ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Hoang Phong chuyển ngữ

II

SUY TƯ VỀ CÁC BỐI CẢNH TRONG CUỘC SỐNG

 

Suy tư về người đàn ông và người đàn bà

 

49

 

            Giữa người đàn ông và người đàn bà tất nhiên là có một số khác biệt về mặt thể xác. Các khác biệt này lại đưa đến một số khác biệt khác trong lãnh vực xúc cảm. Thế nhưng trên căn bản thì sự suy nghĩ, các cảm giác cũng như những đặc tính khác liên quan đến bản chất con người giữa nam và nữ đều hoàn toàn giống nhau. Nam giới thích nghi hơn với các công việc cần đến sức lực, nữ giới thì lại khéo léo hơn trong các công việc cần đến sự suy nghĩ minh bạch (cụ thể) và mau lẹ (người phụ nữ thường nhanh nhẹn hơn nam giới). Trái lại trong các lãnh vực mà sự suy tư (đắn đo, suy xét, ngẫm nghĩ / reflection) giữ một vai trò chủ động thì nam và nữ giới đều ngang hàng nhau.  

 

Sự khác biệt chủ yếu nhất giữa đàn ông và đàn bà là ở lãnh vực sinh học: một đằng là "gieo giống" và một đằng là "tạo giống". "Gieo giống" thì rất nhanh, "tạo giống" đòi hỏi sự kiên nhẫn, sức chịu đựng và một thời gian lâu dài từ lúc mang thai đến khi sinh nở, nuôi nấng và dạy dỗ. Hình ảnh những đàn ong bướm bay dập dìu và những cánh hoa khoe sắc phản ảnh khía cạnh khác biệt trên đây. Tranh nhau hút mật thì rất nhanh, thế nhưng noãn hoa muốn trở thành quả ngọt thì cần phải mất một thời gian lâu dài.

 

Sự khác biệt giữa vai trò của người đàn ông và người đàn bà trong lãnh vực sinh học trên đây - "gieo giống" và "tạo giống" - sẽ đưa đến các sự khác biệt trong lãnh vực tâm lý, phản ảnh qua hai thái độ hành xử khác nhau giữa nam và nữ giới trong cuộc sống thường nhật: một đằng là "chinh phục", một đằng là "thu hút". Tuy khác nhau nhưng cả hai thái độ hay cung cách hành xử đó đều bắt nguồn từ một thứ bản năng chung là truyền giống. Các hình thức biến thể của hai thể dạng tâm lý trên đây đã ra tạo ra một thế giới thật nhộn nhịp và đầy màu sắc: quần áo, phấn son, thể dục, giải phẩu thẩm mỹ, phim ảnh, âm nhạc, ca hát, văn chương, thi phú, luyến ái, si mê, thất tình, tự tử... kể cả các hình thức lệch lạc như ấu dâm, hiếp dâm, đồng tính luyến ái... Tu tập Phật giáo trước hết là chủ động các hình thức biến dạng đó của bản năng truyền giống, sau đó là hóa giải hoàn toàn bản năng này để trở về bản chất nguyên sinh của chính mình là sự yên lặng tuyệt đối và phi-khác-biệt giữa nam-nữ và cả các chúng sinh khác (ghi chú thêm của người chuyển ngữ tiếng Việt/gccncntV).

 

50

 

            Không có một sự khác biệt căn bản nào giữa người đàn ông và người đàn bà vì thế thật hết sức hiển nhiên là cả hai phải có các quyền hạn ngang hàng nhau, mọi sự kỳ thị nam-nữ đều không thể chấp nhận được, dù là dưới bất cứ hình thức nào. Hơn nữa người đàn ông phải cần đến người đàn bà và ngược lại người đàn bà cũng phải cần đến người đàn ông.

 

            Bất cứ ở đâu mà quyền hạn của người phụ nữ bị chà đạp thì chính họ phải tranh đấu, và người đàn ông phải bênh vực họ. Chính tôi đã từng đứng lên tranh đấu cho người phụ nữ Ấn được hưởng một số quyền hạn, chẳng hạn như được cắp sách đến trường, theo đuổi việc học hành đến khi thành đạt và được giao phó các chức vụ ngang hàng với nam giới.

 

51

 

            Theo Phật giáo thì nam và nữ giới đều hàm chứa cùng một bản thể như nhau không chút khác biệt nào mà người ta gọi đó là Bản thể của Phật (Phật tánh) hay Tiềm năng Giác Ngộ. Do đó họ hoàn toàn bình đẳng với nhau.

 

52

 

            Sự kỳ thị nam và nữ vẫn còn xảy ra trong một số các truyền thống tín ngưỡng. Thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là hậu quả gây ra bởi xã hội và các truyền thống văn hóa. Trong tập luận Vòng Hoa Trân Quý (Precious Garland/Ratnavali) của Nagarjuna/Long Thụ (1) và tập thơ Bodhicaryavatara/Hành trình đến Giác Ngộ của Shantideva/Tịch Thiên (2) đều thấy nêu lên các "khiếm khuyết nơi thân thể của người phụ nữ". Thế nhưng điều đó không có nghĩa người phụ nữthấp kém. Thời bấy giờ hầu hết những người xuất gia là nam giới, nên vạch ra các khiếm khuyết ấy là chỉ để cảnh giác người tu hành trước sự thèm khát thân thể của người phụ nữ thế thôi. Tất nhiên một ni cô cũng phải nhìn vào thân thể người đàn ông qua các góc cạnh đó.

 

(1) Nagarjuna/Long Thụ là một trong các nhà bình giải nổi bật nhất về tư tưởng của Đức Phật, và cũng là người sáng lập học phái Madhyamaka/Trung Quán, có nghĩa là Con Đường ở Giữa, một trong hai học phái quan trọng nhất của Mahayana/Đại Thừa (ghi chú trong sách của dịch giả Christian Bruyat/gcts. Học phái thứ hai của Đại Thừa là Cittamatra/Duy Thức do Maitreyana/Di Lặc, Asanga/Vô Trước, và Vasubandhu/Thế Thân thiết lập - ghi chú thêm của người chuyển ngữ tiếng Việt/gccncntV).

 

(2) Shantideva/Tịch Thiên, thế kỷ thứ VIII là một vị đại sư người Ấn và cũng là một thi sĩ và triết gia. Trong tác phẩm nổi tiếng của ông là Bodhicaryavatara/Hành trình đến Giác Ngộ, có nói đến phong cách mà người bodhisattva/bồ-tát phải noi theo hầu giúp mình đạt được Giác Ngộ với mục đích giúp đỡ tất cả chúng sinh đang lâm vào cảnh khổ đau (gcts).   

 

53

 

            Ở các cấp bậc tu tập cao thâm nhất trong Kim Cương Thừa/Vajrayana (1), thì sự phân biệt giữa nam và nữ giới không những không còn xảy ra mà thành phần nữ tính còn được xem là giữ một vai trò vô cùng chủ yếu, đến độ sự khinh thuờng phụ nữ còn bị xem là vi phạm giới luật.

 

(1) Vajrayana/Kim Cương thừa là một trong ba "thừa", còn gọi là "cỗ xe" hay "con đường" Phật giáo. Hai thừa kia là Hinayana/Tiểu Thừa và Mahayana/Đại Thừa. Vajrayana/Kim Cương Thừa có nghĩa là "Cỗ xe bằng kim cương", cách gọi đó là nhằm nêu lên bản thể tối hậu thật rắn chắc không thể hư hoại tương tự như kim cương của tất cả chúng sinh và mọi sự vật. Điểm nổi bật nhất của "thừa" này là tận dụng thật nhiều các phương tiện thiện xảo, trong đó một số có thể giúp người tu tập đạt được Giác Ngộ nhanh chóng (gcts). (Kinh sách tiếng Việt thường lầm lẫn Kim Cương Thừa với "Mật Tông" là một "giáo phái" được thành lập tại Trung Quốc dưới thời nhà Đường - gccncntV)   


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/02/2021(Xem: 7055)
08/09/2015(Xem: 17927)
05/10/2014(Xem: 21168)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.