Thư Viện Hoa Sen

- Hạnh phúc

01/01/20194:37 SA(Xem: 11422)
- Hạnh phúc
365 LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
của ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Hoang Phong chuyển ngữ


IV. 
SUY TƯ VỀ CÁC KHÓ KHĂN TRONG CUỘC SỐNG 
(CÂU 182 ĐẾN 304)

 

Suy tư về hạnh phúc

 

182

 

            Tôi nghĩ rằng mỗi người đều cảm nhận được một ý niệm mang tính cách nội tại về "cái tôi" của mình. Thật khó cho chúng ta giải thích được cảm tính đó phát sinh từ đâu, thế nhưng rõ ràng là nó hiện hữu (1). Từ "cái tôi" đó phát sinh ra sự thèm khát đạt được hạnh phúcthoát khỏi khổ đau. Điều đó thật hết sức chính đáng: từ bản chất chúng ta có quyền được hưởng hạnh phúc tối đa, và cũng có quyền né tránh khổ đau. Toàn thể lịch sử nhân loại đều diễn tiến xuyên qua cảm tính đó (tức là cảm tính về "cái tôi" của mình, và cái tôi đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa nhất đưa đến sự hình thành của toàn thể thế giới đầy biến động này. "Cái tôi" chính là "tác giả" đã viết ra lịch sử của nhân loại. Dòng lịch sử đó vẫn còn đang tiếp diễn, đó là tình trạng xã hội ngày nay của chúng ta). Hơn nữa cảm tính đó không nhất thiết chỉ hiện hữu với con người, bởi vì theo Phật giáo thì ngay cả một con côn trùng bé tí xíu cũng có cảm tính ấy, và tùy theo khả năng của nó, nó cũng muốn tìm được hạnh phúc tối đa và né tránh các hoàn cảnh bất hạnh (ba thứ bản năng - sinh tồn, truyền giống và sợ chết - cũng hiện hữu nơi các loài thú vật, kể cả những loài côn trùng nhỏ bé nhất. Điểm khác biệt là đối với con người thì các bản năng đó biến dạngtrở thành phức tạp hơn nhiều so với thú vật).

 

 (1) "Cái tôi" là một khái niệm vô cùng quan trọng liên quan đến thật nhiều lãnh vực hiểu biết: từ triết học, sinh học, tâm lý học, xã hội học và cả tôn giáo. " Cái tôi" là một "cảm tính" hiện ra bên trong tâm thức mỗi cá thể, do đó cũng là một thứ tạo tác tâm thần. Sự tạo tác đó là một tổng hợp gồm thật nhiều xúc cảm liên kết và  tương tác với nhau. Các xúc cảm đó liên hệ với ba thứ bản năng: sinh tồn, truyền giống và sợ chết, và động cơ thúc đẩy phía sau các bản năng này là nghiệp của mỗi cá thể.

 

 Cảm tính về "cái tôi" đôi khi cũng còn được gọi là "linh hồn" của một cá thể. Khi mới lọt lòng mẹ thì bản năng sinh tồn khiến nó biết khóc la đòi bú, đó là sự biểu lộ sơ đẳng nhất của bản năng này. trước khi các cơ quan sinh dục nẩy nở và các kích thích tố tính dục phát sinh tạo ra các đòi hỏi tính dục. Khi đứa bé  bắt đầu cảm nhận được sự luyến áiý thức rõ rệt được giới tính của mình thì đấy là sự xuất hiện của bản năng truyền giống. Khi còn là một hài nhi thì một tiếng động mạnh cũng có thể làm cho nó giật mình và sợ hãi, lớn thêm một tí và nếu bị đứt tay hay vấp ngã thì sẽ làm cho nó đau đớn khiến nó khóc la, đấy là sự phát lộ ở thể dạng sơ khởi nhất của bản năng năng sợ chết, mặc dù nó chưa có một ý niệm nào về cái chết cả.

 

Trên dòng phát triển của một cá thể, ba thứ bản năng trên đây cũng dần dần trở nên phức tạpcụ thể hơn. Bản năng sinh tồn, dưới hình thức khóc la đòi bú lúc còn là hài nhi sẽ chuyển thành các thái độ hành xử đa dạng và phức tạp hơn trong cuộc sống,  liên quan đến của cải, nghề nghiệp..., đưa đến các cảm tính ích kỷ, tham lam, lường gạt, mưu mô, tranh giành quyền lực, hoặc cũng có thể là lòng rộng lượng, vị tha, từ bi, ngay thẳng, v.v... Trên phương diện tập thể thì "cái tôi" qua các sự thúc đẩy của ba thứ bản năngnguyên nhân sâu xa đưa đến sự hình thành của xã hội với tất cả sự phức tạp của nó: từ chính trị, luật pháp, giáo dục, truyền thông, triết học, chiến tranh... và đến cả tôn giáo - gccncntV.   

 

 

 

183

 

            Có nhiều cách cảm nhận hạnh phúc khác nhau. Một số người có tâm trí kém minh mẫn  (dérangé/disturb/rối loạn, xáo trộn) thường đắm mình trong một thứ hạnh phúc lâng lâng (béat/beatific, blissful). Họ nghĩ rằng mọi sự đều hiện ra thật tốt đẹp. Chúng ta không quan tâm đến thể loại hạnh phúc đó (một thể dạng hạnh phúc vô ý thức, ẩn nấp phía sau một tấm màn u mê che lấp hiện thực bên trong và cả bên ngoài tâm thức, đó là một thể dạng hạnh phúc hời hợt thường thấy ở những người lúc nào cũng hớn hở, không một chút ý thức về bất cứ một điều gì cả).

 

            Một số người khác tạo dựng hạnh phúc của mình dựa vào của cải vật chất và sự thỏa mãn của các cơ quan cảm giác (mùi, vị, sự đụng chạm..., một cách cụ thể là miếng ăn ngon, quần áo đẹp, ca hát, xoa bóp, chăm sóc sức khỏe, thỏa mãn tính dục, du lịch,  v.v.) Trên đây chúng ta cũng đã có dịp nói đến tính cách phù du của các thứ hạnh phúc đó (xin xem lại các lời khuyên dành cho những người giàu có). Ngay cả trường hợp khi nghĩ rằng mình cảm nhận thật sự được hạnh phúc và nghĩ rằng mình đã đạt được nó một cách vững chắc đi nữa, thì nhất định đến một lúc nào đó khi hoàn cảnh thay đổi, không còn thuận lợi như trước nữa, thì mình sẽ khó tránh khỏi khổ đau gấp bội.

 

            Tuy nhiên, cũng có một số người cảm thấy hạnh phúc nhờ mình biết suy nghĩ và hành động đạo đức. Đấy mới thật sự là thứ hạnh phúcchúng ta cần đến, bởi vì nó được thiết lập dựa vào các cội nguồn thật sâu xa, vượt lên trên mọi cảnh huống.

 

 

184

 

            Nếu không biết hành xử đúng đắn thì dù được bạn bè thân thiết săn đón, sống trong khung cảnh tiện nghi, các bạn cũng sẽ không sao tìm được hạnh phúc. Vì thế thái độ tâm thần quan trọng hơn các điều kiện bên ngoài. Dù vậy tôi vẫn nhận thấy dường như nhiều người chỉ biết quan tâm đến các điều kiện vật chất bên ngoài, nhưng không hề nghĩ đến thái độ tâm thần của mình. Lời khuyên của tôi là nên quan tâm nhiều hơn đến các phẩm tính của nội tâm mình.

 

 

185

 

            Nếu muốn cảm nhận được những niềm hạnh phúc đích thật và lâu bền thì trước hết phải ý thức được hiện thực của khổ đau là gì (khổ đau là một cảm tính, một thể dạng xúc cảm hiện ra bên trong tâm thức đối với sự sống nói chung. Cảm tính đó phát sinh từ sự cảm nhận bản chất vô thường của hiện thực. Dù đôi khi không ý thức được một cách minh bạch, thế nhưng cảm tính đó về vô thường đã ăn sâu trong tâm thức, gắn liền với thân xác và bàng bạc trong môi trường chung quanh, và đó cũng là Sự Thật thứ Nhất trong số Bốn Sự Thật Cao Quý làm nền tảng cho toàn bộ giáo huấn của Đức Phật). Sự ý thức đó về khổ đau lúc đầu có thể tạo ra sự yếm thế (déprimant/depressing, demoralizing/tuyệt vọng, chán nản, mất tinh thần), thế nhưng trong lâu dài sẽ mang lại thật nhiều điều lợi. Nhiều người không dám nhìn thẳng vào hiện thực, họ dùng ma túy để tạo ra cho mình một niềm phúc hạnh (béatitude/bliss) giả tạo, chìm đắm trong một khung cảnh tâm linh mù quáng, hoặc chạy theo một cuộc sống hối hả để khỏi phải suy nghĩ gì cả. Thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là một bản án treo ngắn hạn. Khi nào các khó khăn hiện ra trở lại thật mãnh liệt thì họ sẽ hoàn toàn bó tay, và nếu nói theo người Tây Tạng thì họ chỉ còn biết thốt lên những lời ta thán "ngập cả quê hương" (dù thốt ra một lời khuyên nào thì Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng không quên một dân tộc đau thương, một quê hương đã mất). Giận dữthất vọng sẽ xâm chiếm họ và đấy cũng chỉ là cách ghép thêm các thứ khổ đau vô ích vào những thứ khó khăn mà mình đang phải gánh chịu.

 

 

186

 

            Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu xem khổ đau của mình phát sinh từ đâu. Khổ đau cũng như tất cả mọi hiện tượng khác đều phát sinh từ vô số nguyên nhânđiều kiện. Nếu các sự cảm nhận của chúng ta chỉ đơn giản và thật sự lệ thuộc thật chính xác vào một nguyên nhân duy nhấtcụ thể nào đó, thì khi đó chúng ta sẽ có thể bảo rằng hạnh phúc cũng vậy chỉ cần một nguyên nhân duy nhất cũng đủ làm phát sinh ra nó. Chúng ta đều hiểu rằng điều đó không đúng một chút nào cả (hạnh phúcmột thể dạng tâm thần, lệ thuộc vào vô số các yếu tố bên trong tâm thức và cả môi trường bên ngoài. Hạnh phúc dù vô hình nhưng cũng là một hiện tượng, tương tự như tất cả mọi thứ hiện tượng khác, vì thế nó cũng mang tính cách cấu hợp, tức là một thể dạng liên kết và tương tác giữa thật nhiều hiện tượng khác, thể dạng hay cấu hợp đó luôn ở trong tình trạng chuyển động không ngừng). Vì thế phải loại bỏ ngay ý nghĩ cho rằng luôn luôn phải có một nguyên nhân gây ra khổ đau và chỉ cần tìm ra cái nguyên nhân đó thì mình sẽ hết khổ đau (nói một cách tóm tắtcụ thể là không nên quy tội cho một sự kiện, một vật thể hay một người nào đó để xem đấy là nguyên nhân mang lại khổ đau cho mình. Cách suy nghĩ đó rất thô thiển và hạn hẹp).

 

Trong lời khuyên 182 trên đây Đức Đạt-lai Lạt-ma cho biết là "Toàn thể lịch sử nhân loại diễn tiến xuyên qua cảm tính về cái tôi". Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu thêm về khái niệm về "cái tôi" này và sự liên hệ của nó đối với các niềm hạnh phúc và khổ đau của con người.  

 

"Cái tôi" là một thể dạng tâm thần phức tạp, phát sinh từ sự liên kết và tương tác giữa thật nhiều các thứ tạo tác tâm thần khác nhau, mỗi thứ cũng lại là kết quả phát sinh từ vô số các nguyên nhânđiều kiện thật đa dạng. Nhằm cụ thể hóađơn giản hóa sự phức tạp đó, chúng ta hãy thử phân tích các thể dạng tâm thần khác nhau của quá trình diễn tiến đưa đến sự hình thành của tổng thể của "cái tôi" đó: chẳng hạn như cái tôi lúc còn là một hài nhi, cái tôi khi đã trở thành một đứa trẻ, cái tôi khi đã trưởng thành và cái  tôi lúc già nua. Hạnh phúc của mỗi "cái tôi" đó tất nhiên sẽ phải khác nhau trong không gian và qua thời gian, bởi vì chúng bị chi phối bởi các nguyên nhânđiều kiện khác nhau trên dòng phát triển thể xác và tâm thần của một cá thể.

 

Nếu gộp chúng các "cái tôi" ấy với nhau để tạo ra tổng thể của một "cái tôi" duy nhất trong hiện tại, thì thật rõ ràng "cái tôi" đó là do rất nhiều nguyên nhânđiều kiện trải rộng qua các lứa tuổi khác nhau để tạo ra nó. Nếu đồng hóa tổng thể của "cái tôi" đó với định nghĩa của một "linh hồn" thì cái "linh hồn" đó không mang tính cách duy nhấtbất biến, một sản phẩm của một vị Sáng Tạo nào cả, mà chỉ là một thể dạng tâm thần mang tính cách cấu hợp, luôn đổi thay và biến động..

 

Hạnh phúc cũng vậy, một khi đã lệ thuộc vào tổng thể "cái tôi" hay cái "linh hồn" đó cũng sẽ liên hệtùy thuộc vào các nguyên nhânđiều kiện trải rộng trong không gianthời gian. Người tu tập Phật giáo không đi tìm các thể dạng hạnh phúc lệ thuộc và do một sự kết hợp nào tạo ra nó, mà là một thứ hạnh phúc phi-nguyên-nhân và phi-điều-kiện, thoát ra khỏi "cái tôi"  hay cái "linh hồn" chi phối bởi không gianthời gian - gccncntV)

 

 

187

 

            Chúng ta không khỏi phải thừa nhận khổ đau cũng chính là thành phần của sự hiện hữu, và nếu nói theo Phật giáo thì đấy là samsara/cõi luân hồi, có nghĩa là chu kỳ xoay vần bất tận của một sự hiện hữu trói buộc (conditioned existence, một sự hiện hữu do sự liên kết và tương tác giữa nhiều nguyên nhânđiều kiện mà có). Nếu chúng ta xem khổ đau là một thứ gì đó tiêu-cực và bất-bình-thường mà chúng ta là nạn nhân thì nhất định cuộc sống này của mình sẽ là cả một sự khốn khổ (khổ đau là thành phần tự nhiên của sự sống, nằm bên trong sự sống). Các vấn đề khó khăn là do các phản ứng của mình tạo ra cho mình mà thôi (sự bám víu và các thúc dục bản năng không cho phép chúng ta chấp nhận khổ đau là bản chất tự nhiên của sự sống, và cũng là bản chất vô thường của hiện thực. Các nỗ lực chống lại bản chất đó, trên cả hai phương diện vật chấttâm linh, là cách tạo ra thêm các khổ đau khác ghép thêm vào bản chất khổ đau tự nhiên của sự sống). Hạnh phúc chỉ có thể thực hiện được khi nào chúng ta có thể xem những gì mà mình cho là khổ đau không thể làm cho mình cảm thấy bất hạnh (nói một cách khác là phải chuyển các cảm tính khổ đau mang tính cách hiện sinh (existentialism) trở thành khác hơn - biến chúng trở thành các cảm tính hạnh phúc chẳng hạn - hoặc nếu có thể thì loại bỏ chúng bằng sự tu tập).

 

 

188

 

            Sự suy tư về hiện thực của khổ đau, qua góc nhìn của Phật giáo, không hề đưa đến các cảm tính yếm thế hay tuyệt vọng. Sự suy tư đó sẽ giúp chúng ta khám phá ra các nguyên nhân tiên khởi nhất mang lại những điều bất hạnh cho mình: các sự thèm khát, hận thùu mê (u mê ở đây có nghĩa là sự nhận định sai lầm vể hiện thực, kinh sách Hán ngữ gọi là "vô minh") kể cả các sự cố gắng loại bỏ những thứ ấy. Sự u mê/vô minh ở đây có nghĩa là sự thiếu hiểu biết về bản chất đích thật của tất cả chúng sinh và mọi sự vật. Sự u mê đó là cội nguồn làm phát sinh ra hai thứ độc tố là sự thèm kháthận thù. Khi sự u mê tan biến hết thì hai thứ độc tố còn lại là sự thèm kháthận thù cũng sẽ mất hết cơ sở tồn tại của chúng, và cội nguồn của khổ đau cũng sẽ khô cạn (sở dĩ chúng ta bám víu hay hận thù là vì sự u mê trong tâm thức không cho phép mình nhận thấy được bản chất vô thường và vô thực thể của mọi sự vật, nói một cách khác là sự "trống không" của thế giới hiện tượng. Một khi đã ý thức được bản chất ấy của thế giới hiện tượng thì chúng ta sẽ biết "buông bỏ", không còn bám víu hay hận thù bất cứ một hiện tượng nào trong bầu không gian ảo giác đó). Những gì hiện ra sẽ là một niềm phúc hạnh thấm đượm lòng vị tha bùng lên một cách tự nhiên, và niềm phúc hạnh đó cũng sẽ hoàn toàn thoát khỏi mọi hình thức xúc cảm tiêu cực (khi nào không còn bám víu vào bất cứ một hiện tượng nào nữa thì một sự thanh thản mênh mông sẽ hiện ra với mình, và nếu nhìn trở lại thế giới thì mình sẽ nhận thấy vô số chúng sinh khác đang ngụp lặn trong sự bám víuhận thù, và từ bên trong niềm hạnh phúc mà mình vừa cảm nhận được sẽ bùng lên lòng vị tha vô biên).

 

Tâm thức bị ô nhiễm bởi ba thứ độc tố thật khủng khiếp là sự thèm khát, hận thùu mê, và động cơ thúc đẩy phía sau các độc tố đó là ba thứ bản năng: sinh tồn (thèm khát), truyền giống (bám víu) và sợ chết (u mê không chấp nhận vô thường). Một tầm nhìn xuyên qua góc cạnh của ba độc tố đó sẽ làm cho hiện thực bị méo mó, trái lại một tầm nhìn thoát khỏi ba độc tố ấy nhất là độc tố u mê - cỏn gọi là trí tuệ - sẽ giúp mình trông thấy được hiện thực đúng với nó, nói một cách khác thì đấy là sự  trống-khôngvô-thực-thể của thế giới hiện tượng. Sự trông thấy đó hay sự ý thức sâu xa đó về hiện thực Phật giáo gọi là sự Giải Thoát.. Đó là ý nghĩa trong lời khuyên trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma – gccncntV.

 

 

Tạo bài viết
11/02/2021(Xem: 8780)
08/09/2015(Xem: 20100)
05/10/2014(Xem: 23814)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: