- Cuộc sống sung túc

28/11/20183:49 SA(Xem: 12341)
- Cuộc sống sung túc
365 LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
của ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Hoang Phong chuyển ngữ


II

SUY TƯ VỀ CÁC BỐI CẢNH TRONG CUỘC SỐNG

 
Suy tư về cuộc sống sung túc

  

80

 

            Mỗi khi có dịp tiếp xúc với những người giàu có thì tôi thường nói với họ rằng theo giáo huấn của Đức Phật thì sự giàu có là một dấu hiệu tốt. Đó là kết quả mang lại từ một số công đức của mình (tức là kết quả mang lại từ các hành động đạo hạnh và xứng đáng của mình), điều đó cũng cho biết là trước đây mình từng là một con người rộng lượng. Thế nhưng sự giàu có đó không mang cùng một ý nghĩa với hạnh phúc. Nếu đúng thật là như thế thì nếu càng giàu thì càng hạnh phúc hay sao?

 

81

 

            Người giàu có cũng chỉ là con người vì thế trên căn bản thì họ nào có gì khác với những kẻ bình dị đâu. Dù có một khối tài sản kếch sù thì người giàu có cũng không ăn được nhiều hơn kẻ khác, bởi vì họ cũng chỉ có một cái bao tử mà thôi. Hai bàn tay cũng không có thêm được ngón nào để mà đeo thật nhiều nhẫn. Tất nhiên là họ có thể uống các thứ rượu vang hay rượu mạnh đắt tiền, ăn những món ăn tuyệt hảo, thế nhưng tiếc thay đấy cũng chỉ là cách tự hủy hoại sức khỏe của họ mà thôi. Nhiều người giàu có không phải làm việc nặng nhọc, do đó họ phải tập thể dục để tiêu thụ bớt năng lượng hầu tránh phát phì và ốm đau. Ngay cả trường hợp của tôi, vì không có nhiều thì giờ đi bộ nên tôi phải đạp xe đạp trong nhà! Nghĩ kỹ thì giàu có để mà làm gì nếu phải rơi vào cảnh này.

 

82

 

            Thật vậy, mỗi khi nghĩ đến: "Mình là một người giàu có" thì đương nhiên mình cũng cảm thấy một sự hứng khởi trong lòng, khiến mình phóng vào xã hội hình ảnh cái tôi đầy thú vị ấy của mình. Thế nhưng điều đó có đáng hay không khi mình phải chịu đựng đủ mọi thứ căng thẳng gây ra từ việc cố gắng làm giàu? Đấy cũng thường là cách mà mình quay lưng lại với một số người trong gia đình và cả bên ngoài xã hội, bằng cách tạo ra cho họ sự ganh tị và ác cảm (một số người trong gia đình cũng như những người cực khổ trong xã hội thường không ưa thích những kẻ giàu có và khoe khoang), khiến mình lúc nào cũng phải sống trong tình trạng lo âu và phòng thủ.

 

83

 

            Theo tôi, điều ích lợi duy nhất của sự giàu có là việc giúp đỡ kẻ khác. Người giàu có giữ một vị thế quan trọng hơn trong xã hội so với những người khác nên họ có thể tạo ra được nhiều ảnh hưởng hơn. Nếu là những người thiện tâm thì họ sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp hơn các kẻ khác, ngược lại nếu là những người kém nhân từ thì họ cũng có thể gây ra nhiều điều tệ hại hơn.

 

            Điều mà tôi thường nhắc nhở là chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với địa cầu này. Nếu có thể - chẳng hạn như nhờ vào sự giàu có của mình - thì cũng nên làm một điều gì đó ích lợi. Trái lại nếu chẳng làm gì cả (dấu diếm của cải) thì mình cũng chỉ là một kẻ vô ý thức mà thôi.

 

84

 

            Hằng ngày chúng ta dinh dưỡng bằng thực phẩm do người khác gieo trồng, thụ hưởng mọi thứ tiện nghi do người khác tạo ra. Khi đã được no đủ thì cũng nên giúp đỡ phần còn lại của thế giới này. Chẳng có gì đáng buồn hơn khi được sống trong xa hoa mà lại không góp phần mang lại hạnh phúc cho những kẻ kém may mắn hơn mình.

 

85

 

            Có nhiều người vô cùng nghèo khó, một số chẳng có gì ăn, không một mái hiên trú mưa che nắng, huống gì là thuốc thang, học hành. Nếu giàu có mà chỉ biết nghĩ đến mình thì những người sống trong cảnh nghèo khổ sẽ nghĩ thế nào về mình? Có những kẻ làm việc quần quật từ sáng đến tối nhưng vẫn không đủ ăn thì họ sẽ nghĩ gì khi trông thấy những người sống phong lưu mà không cần động đến móng tay? Phải chăng đấy là cách mà chúng ta tạo ra cho họ sự ganh ghét và chua chát trong lòng hay sao? Thiết nghĩ chúng ta không nên đẩy họ dần lún sâu vào hận thù và hung bạo.

 

86

 

            Nếu có nhiều tiền của thì cách tiêu xài cao đẹp nhất là giúp đỡ những kẻ đói nghèo, chẳng qua vì họ là những kẻ phải gánh chịu đủ mọi thứ khổ đau. Trên một bình diện tổng quát hơn thì sự giúp đỡ đó cũng là một cách tạo ra phương tiện giúp đỡ những người cùng sống với mình trên địa cầu này giải quyết các khó khăn hầu mang lại hạnh phúc cho họ. Giúp đỡ kẻ nghèo khó không phải chỉ đơn giản là cho họ một ít tiền, mà đúng hơn là phải tạo điều kiện giúp họ được học hành, chăm sóc sức khỏe, tạo phương tiện giúp họ tự tìm kế sinh nhai.

 

87

 

            Sống phủ phê cho riêng mình chẳng ích lợi gì cả, nếu không thì cũng chỉ là cách phung phí tiền bạc vì những thứ sang trọng vô bổ mà thôi. Hãy sử dụng tiền của đó để trợ giúp kẻ khác. Nếu các bạn tìm thấy sự thích thú bằng cách phô trương của cải của mình hay vung tiền không cần đếm trong các sòng bạc, và dù cho tiền của đó là do mình làm ra, và sự phung phí đó không gây ra tai hại cho bất cứ ai cũng vậy, thì sự thích thú ấy cũng chỉ là cách tự lừa dối mình và phung phí sự hiện hữu này của mình mà thôi (phung phí sự hiện hữu của mình có nghĩa là không biết sử dụng cuộc sống quý báu này của mình một cách tốt đẹpý thức).

 

88

 

            Dù giàu có đến đâu đi nữa thì các bạn cũng không nên quên rằng mình cũng chỉ là con người mà thôi, và trên bình diện đó thì mình cũng chẳng có gì khác hơn so với những người nghèo khó, có nghĩa là các bạn cũng vẫn phải cần được dồi dào hạnh phúc trong nội tâm mình. Thế nhưng những niềm hạnh phúc đó thì lại không thể nào mua được bằng tiền.

 

89

 

            Ngày nay cái hố cách biệt giữa kẻ dư thừa và người nghèo khó vẫn cứ ngày càng sâu thêm. Trong vòng hai mươi năm sau này, it nhất cũng có thêm 500 tỉ phú đô-la, trước đây vào năm 1982 con số này không quá 12 người. Trong số họ hơn một trăm người là gốc Á châu. Người ta thường cho rằng Á châu là nơi nghèo khó, thế nhưng ngày nay tại Âu châu và cả Mỹ châu cũng có vô số những người thiếu thốn. Điều này quả trái ngược lại với quan điểm thông thường về sự chênh lệch giữa Đông và Tây phương.

 

90

 

            Các ý thức hệ rộng lớn chẳng hạn như chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn thất bại trong việc ép buộc người giàu có phải hiến dâng của cải của mình cho tập thể. Ngày nay con người tự mình ý thức được điều đó, tức là phải chia sẻ với người khác. Tất nhiên điều này đòi hỏi phải có một sự biến cải sâu xa về tâm tính con người, có nghĩa là phải kiến tạo một nền giáo dục khác hơn.

 

91

 

            Nếu người giàu có cứ tiếp tục làm ngơ trước tình trạng suy sụp trên thế giới, thì trên bình diện lâu dài sẽ chẳng lợi ích gì cho họ cả. Họ phải luôn ở thế phòng thủ trước nỗi oán hận của những người nghèo khó, phải sống trong tình trạng ngày càng lo sợ hơn. Thật ra thì đấy cũng là hiện trạng của một số quốc gia ngày nay. Trong một xã hội mà người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo, thì quả khó tránh khỏi xảy ra những cảnh hung bạo, phạm pháp và nội chiến. Những kẻ khuấy động sẽ thừa cơ xúi giục dễ dàng những người nghèo khó nổi loạn, vì chỉ cần thuyết phục họ tin rằng mục đích của sự nổi loạn là vì quyền lợi của chính họ. Thế nhưng đủ mọi thứ bạo loạn đều có thể xảy ra sau đó.

 

92

 

            Nếu các bạn có dư dả tiền của nhưng đồng thời biết mang ra giúp đỡ những người nghèo khó chung quanh mình, nhờ đó họ được chăm sóc sức khỏe, phát triển tài năngkiến thức của của mình, thì sau này họ nào có quên công ơn ấy của các bạn đâu. Dù là những người giàu có, thế nhưng các bạn vẫn có thể kết bạn với họ được. Nếu họ sung sướng thì các bạn cũng sẽ sung sướng lây. Các bạn không tin điều đó hay sao? Mỗi khi các bạn gặp cảnh huống đau buồn thì họ cũng sẽ tỏ lộ lòng thương cảm với các bạn. Trái lại nếu chỉ biết nấp kín phía sau sự ích kỷ, không hề biết chia sẻ là gì, thì những người nghèo khổ sẽ thù ghét các bạn và sẽ vui mừng trước cảnh khổ đau của các bạn. Chúng ta là thể loại chúng sinh sống tập thể. Nếu được sống trong một bầu không khí thân thiện thì tất nhiên chúng ta cũng sẽ cảm thấy vững tâm và hạnh phúc hơn.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/02/2021(Xem: 7054)
08/09/2015(Xem: 17917)
05/10/2014(Xem: 21158)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.