Chương 2 Nghiêm Chính

26/12/20185:42 SA(Xem: 5311)
Chương 2 Nghiêm Chính

ĐẠO ĐỨC NGƯỜI XUẤT GIA
Đại sư Liên Trì
Thích Nguyên Hùng dịch

Chương 2
NGHIÊM CHÍNH

2.1. Không tiếp xúc với nữ giới, ni giới

Đời nhà Tuỳ (581-618), tại Tương Châu, chùa Diễn Không, có pháp sư hiệu Linh Dụ.

Sự họ Triệu, người Định Châu, Do Dương (Hà Bắc). 18 tuổi xuất gia ở chùa Ứng Giác, Triệu Quận. 21 tuổi theo Đạo Bằng học Địa Luận. 3 năm sau trở về Định Châu thọ cụ túc giới. 26 tuổi theo Uẩn Công học luật Tứ Phần, rồi theo hai sư Tung, Lâm học Thành Thật luận, lại theo các sư An, Du, Vinh học Tạp Tâm. Sư cũng từng theo học với Đại Sung Pháp Thượng (495~580), từ đó chuyên nghiệp Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Địa Luận, Luật bộ. Sư kiêm thông thế học, Nho, Lão. Đề cao cách học của người xưa, học rộng, nghe nhiều, tra cứu cẩn trọng, chỉ trích tân học lập dị; những bài giảng của sư luôn có cương lãnh, không bao giờ ra ngoài sách vở. Do vậy đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến thất chúng, mọi người đều tôn ngài là “Dụ Bồ tát”.

Thời Bắc Chu, nước Tề hủy báng Phật pháp, sư tập hợp đồng lữ hơn 20 người ở tại tụ lạc, ban ngày đọc sách thế tục, đêm đến bàn luận Phật pháp. Sau nhà Tùy lại chấn hưng Phật giáo, sư du hóa đến đất Thục, Triệu… Niên hiệu Khai Hoàng thứ 10 (590 tl), sư đến Lạc Châu, chùa Linh Thông. Đầu năm sau trú tại Tương Châu, chùa Đại Từ. Sau phụng sắc trú trì chùa Hưng Thiện ở Trường An. Đế muốn sư làm Quốc thống, sư cố từ chối không được, bèn trở về Tương Châu, trụ ở chùa Diễn Không, hoằng dương Phật pháp. Niên hiệu Đại Nghiệp năm đầu, sư thị tịch, thế thọ 88. Tác phẩm gồm có Thập địa, Duy ma, Bát nhã sớ; Đại thừa nghĩa chương, Thánh tích ký, Phật pháp đông hành ký, An dân luận, Diệt pháp luận, Tế thế Tam bảo ký…

Bình sinh, sư sắp xếp, bố trí cho chúng xuất gia ở hai khu vực, chúng đã thọ đại giới và chưa thọ đại giới ở riêng hẳn hoi. Trong chúng, nếu người nào ngôn ngữ, hành vi tản mạn chắc chắn bị quở trách. Ngài phát nguyện không truyền thụ giới cho ni chúng, chỉ khi nào giảng kinh thuyết pháp, mới cho phép ni giới vào nghe, nhưng lúc bắt đầu buổi giảng phải vào sau cùng, kết thúc phải ra trước tiên. Ngài ở một mình trong phòng, tuyệt đối không cho ni giới vào. Chúng Sa di đến khi thọ giới cụ túc, tất phải thỉnh đại đức Tăng làm tôn chứng sư, nhưng phải đủ 20 tuổi mới cho đăng đàn thọ giới cụ túc. Đại sư suốt đời chỉ đắp y bá nạp bằng vải thô. Chiếc quần dài chỉ đến mắt cá, tay áo lót rộng bốn ngón tay, dài chỉ đến khuỷ tay. Nếu như xem thấy y phục nào quá ư sa hoa thì cắt phá cho thành y bá nạp, hoại sắc mới dùng.

2.2. Tuổi nhỏ không buông lung

Đời nhà Đường (618-907), tại tỉnh Kinh Đại, chùa Từ  Ân, có pháp sư hiệu Huyền Trang.

Pháp sư Huyền Trang, người họ Trần, là hậu duệ của Trần Trọng Công, Thái khâu trưởng triều nhà Hán. Tuổi nhỏ theo anh là pháp sư Tố xuất gia (tức Trương Tiệp pháp sư). 11 tuổi đã tụng đọc kinh Duy Ma, Pháp Hoa. Sư tính tình chính trực, siêu bạt, không a dua theo thời cuộc, chìm nổi theo trần tục. Có một ngày thấy chúng Sa di ngồi nói chuyện bông đùa tán dốc, sư nói với chúng rằng: “Kinh Phật không có để nói à? Là người xuất gia thì phải tu pháp vô vi, tại sao lại có thể ngồi nói chuyện bông đùa như vậy? Cứ tiếp tục mãi như thế này thì chỉ lãng phí cuộc sống quí báu này thôi”! Người cao minh xem đến sự kiện này thì biết đạo đức của đại sư thật phi phàm!

Lời bình:

Tuổi nhỏ đã có đức hạnh cao siêu, đó không phải do  thiên phú đặc biệt mà là do tập khí tu tập đời trước không quên mất. Biết được đạo lý này, có thể hiểu được cuộc sống hôm nay của mình do từ nhân duyên nào kiếp trước; cũng có thể nhìn cuộc sống hôm nay nếu tu tập miên mật, thì kiếp sau tự nhiên đạo đức siêu trần bạt tục.

2.3. Nghiêm huấn thị giả

Đời nhà Đường (618-907), tại núi Giang Nam, chùa Chí Tương, có pháp sư hiệu Trí Chính.

Sư họ Bạch, người Định Châu, An Hy (nay là Hà Bắc, An Hy). 11 tuổi xuất gia, giới hạnh thanh nghiêm, rất coi trọng Bát kính pháp. Niên hiệu Khai Hoàng thứ 10 (590 tl), Tùy Văn Đế xuống chiếu cầu hiền, bèn mời sư nhập kinh. Sư phụng sắc trú trì chùa Thắng Quang. Niên hiệu Nhân Thọ năm đầu (601 tl), Đế lại xây chùa Nhân Giác, đích thân đề tên chùa, mời sư trú trì, tha thiết lễ lạy. Sư mấy lần từ chối không được, bèn trốn đến Chung Nam Sơn, ở chùa Chí Tương suốt 28 năm. Trong khoảng thời gian đó, sư từng theo học với Uyên pháp sư.

tinh thông kinh Hoa Nghiêm. Có người thỉnh giảng, sư ra giảng, phân tích rõ ràng, tường tận. Không có người thỉnh giảng, sư an tâm thiền định. Niên hiệu Trinh Quán thứ 13, tháng hai, sư thị tịch, thế thọ 81. Tác phẩmHoa Nghiêm sớ 10 quyển.

Bình sinh, sư Trí Chính có một đệ tử tên là Trí Hiện. Mỗi lúc đại sư Trí Chính xem sách, ngồi ngay thẳng suy nghĩ, Trí Hiện cầm bút đứng hầu phía sau. Đại sư Trí Chính nói ra điều gì, Hiện lập tức ghi chép lại. Cứ như vậy trải qua mấy năm, lúc nào cũng chăm chỉ siêng năng không thay đổi. Lúc đầu pháp sư Hiện chỉ đứng không ngồi, có một ngày, chân bị đau, trong lòng buồn bực, Hiện té xuống đất lúc nào không hay. Sư Trí Chính quở trách: “Vào thời quá khứ rất xa, thuở đức Phật Phất Sa tại thế, đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một tiên nhân ngoại đạo, lên núi tuyết hái thuốc thấy đức Phật Phất Sa ngồi trên bảo toà trong hang nhập hoả định,  phóng hào quang rực rỡ, thấy vậy trong lòng rất hoan hỉ, kính tin, bèn bước tới đứng chắp tay, hướng đến Phật nhất tâm chiêm ngưỡng, mắt không rời bảy ngày bảy đêm, còn tán thán Phật rằng: “Trên trời, dưới trời không ai giống như Phật, mười phương thế giới cũng không ai có thể so sánh, con đã nhìn khắp thế giới này, tất cả không ai sánh bằng Phật”, do lời khen ngợi và tấm lòng ngưỡng mộ này mà trải qua chín kiếp, trong kiếp thứ 9 được thành chánh giác (Đại Trí Độ Luận, quyển 4, Bồ Tát Thích Luận). Con mới đứng có một chút thì đã ngã rồi nguyên nhân là do tâm không trịnh trọng!”. Đại sư Trí Chính nghiêm khắc như vậy.

Lời bình:

Đã bị té lại còn bị trách mắng, thật là quá nghiêm khắc! Người xưa vì cầu pháp mà quên đi bản thân mình, như nhị tổ Thần Quang (Huệ Khả) cầu pháp nơi tổ sư Đạt Ma. Đạt Ma ở động thiếu thất, tĩnh tọa quay mặt vào vách núi, Thần Quang đến cầu pháp, đứng ở bên ngoài, tuyết phủ đầy mặt đất, suốt một đêm, tuyết ngập lên tận đầu gối. Lại nữa, hai vị học trò nhà Nho là Du La Đạo và Dương Thời, học đạo với tiên sinh Y Xuyên. Tiên sinh Y Xuyên bấy giờ đang nhắm mắt dưỡng thần, hai người đứng ở ngoài cửa, gặp lúc tuyết đang rơi, hai người không cảm thấy kinh động, tiên sinh ở trong phòng mở mắt nhìn ra ngoài cửa, thấy tuyết dày đến ba tấc. Tấm gương tôn sư trọng đạo của hai người này, còn lại không nhiều. Người ngày nay ngồi luận đạo, lại có cảm giác chán chường mệt mỏi. Ôi! làm thầy quản giáo nghiêm khắc, làm một người học trò tôn sư trọng đạo, những việc như vậy đã sớm bại hoại hết rồi, thực tại đáng buồn thay!

2.4.  Phá đồ đựng rượu

Đời nhà Đường (618-907), tỉnh Dịch Châu, chùa Thanh Hoá, có pháp sư hiệu Huyền Giám.

Pháp sư Huyền Giám là người Cao Bình, Dịch Châu. Tính tình sư đôn hậu, ngay thẳng, bộc trực, thấy người đến không như pháp, nhất định bị sư quở trách ngay trước mặt, không kiêng nể đối phương là người có thế lực, ngoan cường như thế nào. Một đời đại sư kiến tạo, tu bổ rất nhiều đạo tràng. Lúc đó phải thuê mướn rất nhiều công nhân, nếu như có người đưa rượu đến cho công nhân uống, đại sư cấm cản bảo: “Tôi tạo tự viện nhất định phải làm như pháp, thà rằng công nhân bãi công, không cho phép công nhân uống rượu”.

Lúc đó, chùa Thanh Hoá đang thi công làm chánh điện. Ở Dịch Châu có một gia đình vọng tộc, gọi là nhà Tôn Nghĩa, chở hai xe rượu đến ủy lạo cho công nhân, Giám đại sư bèn đánh phá hết mấy vò rượu, rượu chảy tràn lan ra đất. Tôn Nghĩa rất giận, quyết định ngày hôm sau phải cho đại sư Giám khó xử. Nhưng tối hôm đó ông nằm ngủ mộng thấy một người cầm dao đến muốn giết ông ta, bảo ông không được vô lễ đối với đại sư. Tỉnh dậy, Tôn Nghĩa biết được lỗi của mình, thế là từ đó, ông rất cung kính, quì trước mặt đại sư xin sám hối.

Lời bình:

Ngày nay, chiêu đãi công nhân không những dùng rượu bia, lại còn sát sanh, chiên nấu những thức ăn tanh, đến nỗi phá đất, nghinh thần tế lễ mời đại khách, càng sát hại rất nhiều sinh vật, dùng đinh, móc câu đóng sinh vật treo lên trên vách tường. Cầu phước kiến tạo chùa chiền như vậy, thiên đường thành tựu đâu chưa thấy, đã thấy gieo nhân tạo địa ngục rồi! Đây là tình hình cuộc sống thực tại đấy. Người muốn làm chùa, tu sửa tháp miếu cầu phước, ngàn vạn lần phải cấm chỉ hẳn những việc làm trên.

2.5. Không tiếp xúc người nữ

Đời nhà Đường (618-907), tỉnh Phong Châu, chùa Đại Hưng Quốc, có pháp sư hiệu Đạo Lâm.

Pháp sư Đạo Lâm họ Lý, người huyện Cáp Dương, Đồng Châu. 35 tuổi mới xuất gia. Sau khi xuất gia, sư vào sâu trong hang động núi Thái Bạch ẩn cư. Hoàng đế rất coi trọng sư, sắc lệnh cho trú trì chùa Đại Hưng Quốc. Không bao lâu, sư lại trốn đến ẩn cư ở phía nam Lương Sơn.

một đời cần kiệm, khắc khổ, cho rằng nữ sắc là gốc của tai họa, sản sinh ra dục nhiễm. Suốt đời sư không nhìn mặt nữ giới, không vì nữ giới nói pháp, không tiếp nhận vật thực nữ giới cúng dường, không cho người nữ vào phòng của mình, lúc lâm chung, có mấy nữ đệ tử muốn đến hỏi thăm tình hình bệnh tật và hầu cận, sư ở trong phòng biết được, bảo các cô không được bước vào, không cho các cô thấy mặt.

Lời bình:

Trong giới luật cũng cho phép vì người nữ thuyết pháp, nhưng phải thận trọng, không được cười đùa cho đối phương thấy răng của thầy, cũng không cho phép nói nhiều, nhưng sư Đại Lâm thì tuyệt đối không vì những người nữ thuyết pháp, tựa hồ nghiêm khắc thái quá. Nhưng, là thời kỳ mạt pháp, tâm người không tốt, giới luật suy vi, căn bản không phải không yên lòng người xuất gia vì người nữ thuyết pháp, chỉ sợ người xuất gia vì người nữ thuyết pháp rồi mê đắm, ái nhiễm mà thôi. Giống như phong cách của Thiền sư Đạo Lâm đây, kẻ hậu học có thể lấy làm gương.

2.6. Nỗ lực bảo vệ chánh điện, thiền đường

Đời nhà Đường (618-907), ở tỉnh Thuỷ Châu, chùa Hương Lâm, có đại sư hiệu Huệ Chủ.

Đại sư Huệ Chủ người huyện Vĩnh Quy, tỉnh Thuỷ Châu, chuyên tâm nghiên cứu giới luật, trú trì chùa Hương Lâm. Có một ngày, Lăng Dương Công đến Ích Châu. Lăng Dương Công xưa nay đối với Phật pháp không một chút tín ngưỡng, cho nên đem hơn một trăm cặp lừa, la dẫn vào trong chùa, sắp đặt ở Đại điện, Giảng đường, Tăng xá v.v… Trong chùa không một người nào dám chống cự. Đại sư Huệ Chủ bấy giờ có chút Phật sự trong thôn lạc trở về, thấy tình hình tạp loạn, bẩn thỉu như vậy, lập tức vào trong phòng mang tích trượng và ba chiếc áo cà-sa ra, nói lớn: “Chết sống hôm nay nhờ Phật quyết định”! Nói xong, sư cầm tích trượng đánh đuổi lừa, la ra khỏi chùa; lừa, la bị sư đánh ngã lăn trên đất, tựa như chết ngất đi một chập. Đại sư Huệ Chủ lùa những lừa, la vào trong một hố lớn. Quan huyện địa phương biết sự việc này, vô cùng hoảng sợ, bắt đại sư Huệ Chủ đến chỗ Lăng Dương Công trình diện và phán tội.

Không thể ngờ rằng, Lăng Dương Công không những không trách phạt gia hình, mà còn hoan hỷ nói rằng: “Nhờ ơn luật sư đây khai thị, phá bỏ tâm tham dục, bủn xỉn hà tiện của con, từ đây con học hỏi sự giáo huấn của Ngài, được ích lợi không nhỏ.” Thế rồi tặng cho sư 10 cân trầm hương, 10 đoạn vải trừu. Sau trở về kinh thành, lại theo đại sư thọ Bồ Tát giới.

 2.7. Đuổi các cô ni ngang ngược

Đời nhà Đường (618-907 ), ở kinh sư, Chùa Phổ Quang, có pháp sư hiệu Huệ Mãn.

Pháp sư Huệ Mãn người Ung Châu, 7 tuổi xuất gia, sau phụng thánh chỉ của Hoàng đế trú trì chùa Hoằng Tế. Chùa này có các ni cô chùa Chứng Quả ở cung đình thường ra vào, ngang ngược không thể nói (có lẽ họ ỷ thế trong cung), chiếm giữ chùa Tăng làm am ni giới. Đại sư Huệ Mãn triệu tập đại chúng đuổi các cô đi. Các sư cô vào trình bày cáo trạng với đông cung thái tử. Thái tử phái Di Chiêm Sự (tên quan chưởng quản đông cung sự vụ), Đỗ Chính Luân v.v… ra giải vây. Đại Sư Huệ Mãn vẫn kiên trì đuổi các sư cô đi, mọi người sợ việc này tiếp tục sẽ động đến đại cung, chuốc lấy tai ương, thế là miễn cưỡng vứt bỏ thể diện theo cùng ni sư. Đại sư liên tiếp mấy ngày than thở không vui, sau các ni sư đến yết bái đại sư, tạ tội sám hối, đại sư vẫn đi thẳng, không ngó đến quý cô.

2.8. Không nhận sách tiên

Đời nhà Đường (618-907), ở tỉnh Minh Châu, núi Đại Mai, có Pháp sư hiệu Pháp Thường.

Pháp sư người Tương Dương, tính tình cương trực, nhạy bén, xưa nay vẫn đắp nạp y, dùng bát đất, mỗi ngày ăn một bữa vào sáng sớm mà thôi, suốt đời không thay đổi nguyên tắc ấy. Vào đời Đường Đức Tông (lên ngôi năm 780), niên hiệu Trinh Nguyên thứ 12 (797), sư từ núi Thiên Thai đến núi Đại Mai. Mai sơn là nơi tiên nhân Mai Phước, triều nhà Hán, ẩn cư tu hành. (Thuở xưa Mai Tử Trực cũng vào núi, thấy nhiều long huyệt, thần xà, mỗi khi nhả khí ra là thành lầu các, mây mưa tối tăm, bên trong khối đá có cất chứa kinh sách Tiên dược). Đại sư thường nghỉ đêm trong phòng của Mai Phước ở ngày trước. Có một hôm sư mộng thấy thần nhân nói rằng: “Ngài không phải là người bình thường, ở trong khối đá này có Tiên thư (ghi chép những sự việc quá khứ, tương lai), ngài xem rồi có thể làm chủ vương đế. Nếu không làm Hoàng đế, cũng có thể làm quốc sư cho Hoàng đế”.

Đại sư Pháp Thường nói: “Đây không phải là cái mục đích mà tôi hướng đến. Trước đây đại sư Tăng Trù, đời nhà Tề, tu thiền ở trong núi Tây Vương, Hoài Châu, nghe thấy hai con hổ dữ đánh nhau, gầm thét chấn động núi rừng, liền dùng tích trượng ngăn cách chúng ra, hoá giải trận đấu của hai con hổ. Sau khi hai con hổ mỗi con tự giải tán rút lui, chốc lát bỗng nhiên có một vị tiên cầm hai quyển kinh xuất hiện đứng ở trên giường. Đại sư Tăng Trù nói: “Tôi vốn xưa nay tu tập theo đạo Phật há lại mong cầu người trường sanh sao? Tôi tuy có truy cầu bất sanh bất diệt, nhưng mà là cái bất sanh bất diệt của Niết bàn vô dư, vô thượng mới là tốt hơn hết.” Thần nhân nghe xong vô cùng bội phục, hết lời tán thán.

2.9. Đóng cửa từ con

Đời nhà Đường, ở Lạc Kinh, chùa Quảng Ái, có pháp sư hiệu Tùng Gián.

Sư người Nam Dương, xuất gia lúc tuổi tráng niên, không bao lâu đốn ngộ chơn lý chân không diệu hữu. Đời Đường Võ Tông (841-847), niên hiệu Hội Xương thứ 5 (846), vua huỷ báng đạo trời, triệt hạ chùa Phật, bắt Tăng ni phải hoàn tục, Phật pháp lâm vào đại nạn, bị tàn phá, huỷ hoại, bài xích, đại sư trốn đến ẩn cư trong biệt thự suối nước nóng ở Hoàng Phủ Mai. Đường Tuyên Tôn lên ngôi (847), niên hiệu Đại Trung, năm thứ nhất, lại cho khôi phục Phật giáo. Ngay sau đó sư trở lại Lạc Dương, chỗ ở ngày trước. Đứa con của ngài (lúc chưa đi tu ngài đã có gia đình) từ Quảng Lăng đến thăm ngài. Ngài gặp nó ở cửa chùa, vì không nhận ra ngài, nó hỏi: “Đại Sư Tùng Gián ở đâu?”, sư Tùng Gián biết rõ  là con mình nên từ chối không nhận chỉ tay về bên hướng đông nam, con ngài hướng về phía đông nam đi tìm. Đại sư Tùng Gián ngay sau đó đóng cửa không tái xuất đi lại. Nén đau, cắt ái như vậy không gặp mặt đứa con thân sinh, công phu này không phải người bình thường có thể làm được!

2.10. Kháng cự bất khuất

Triều đại nhà Đường, ở kinh sư, chùa Đại Tổng Trì, có pháp sư hiệu Trí Thật.

Sư họ Thiệu, người Úng Châu, Vạn Niên (nay là Thiểm Tây). 11 tuổi xuất gia tại chùa Đại Tổng Trì. Học kinh Niết bàn, Nhiếp luận, Câu xá, Tỳ đàm… Niên hiệu Võ Đức năm đầu (618), ba đại phápHuệ Thừa, Đạo Tông, Biện Tướng cùng tăng chúng hơn 20 người về Kinh sư dự pháp hội ở cung Hoằng Nghĩa. Sư Trí Thật được xếp ngồi ở dưới cùng, nhân phụng mạng đối luận, mọi người mới biết sư chứa cả kho tàng tri thức. Võ Đức năm thứ 7, Pháp Nhã tập hợp ngàn Tăng làm quân, muốn xuất chiến với quân Đột Quyết, Trí Thật cực lực can gián, Đế giận tước bỏ pháp phục của sư. Trinh Quán năm đầu (627), Pháp Nhã phạm tội bị giết, Trí Thật mới được ân xá cho trở lại chùa. Trinh Quán năm thứ 11, Đế hạ chiếu cho phép Đạo gia đứng trước Phật gia. Trí Thật lại kháng chiếu. Đế không nghe, còn mệnh lệnh cho tể tướng Sầm Văn Bổn viết thư chỉ trích sư. Sư kiên trì lập trường chính khí, không chịu vâng theo chiếu lệnh của vua. Hoàng đế rất giận, trong buổi đương triều truyền phạt đại sư giữa mặt bá quan văn võ, cho người dùng cây đánh và lột bỏ y phục của ngài, bắt mặc y phục của thường dân, rồi đày đến Lãnh Nam. Có người chê cười đại sư không biết tự lượng sức mình, không biết tiến thoái. Đại sư nói: “Tôi xưa nay vẫn biết không có cách gì chuyển biến cuộc thế trước Đạo sau Tăng, nhưng vì sao tôi cứ như lý mà tranh đấu cho mục đích? Là vì muốn để cho người đời sau biết rằng vào triều Đại Đường có một Hòa thượng thà chịu chết chứ không chịu khuất phục trước uy vũ và cố giữ lấy điều chính nghĩa”. Nghe đến những lời này ai nấy đều tán thán, khâm phục không thôi.

2.11. Phòng tâm ly quá

Triều đại nhà Tống (960-1279), ở Biện Kinh (tức phủ Khai phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay), chùa Pháp Vân, có Thiền sư hiệu Thiện Bổn.

Sư họ Đổng, người Dĩnh Châu (Phụ Dương, An Huy, Trung Quốc). Sư vốn là cháu nối dõi của Đổng Trọng Thư, tể tướng triều nhà Hán (947-950), bác học quần thư. Sư nối pháp Thiền sư Tông Bản ở chùa Huệ Lâm, thuộc tông Vân Môn đời thứ 7.

Thời Tống Triết Tông (1086-1101), Sư trụ trì chùa Pháp Vân, vua ban cho hiệu Đại Thông Thiền sư. Ngày thường, không luận làm hay nghỉ, sư đều giữ oai nghi đoan chính nghiêm trang, mắt không hề liếc đi chỗ khác. Lãnh chúng 3 năm, chưa từng cười nói tùy tiện. Bất cứ đi đến chỗ nào, thấy tượng Phật, Bồ Tát, sư chỉ đứng tuyệt đối không dám ngồi. Rau cải, trái cây mà biến chế thành các món giả thịt, giả cá, hay vật liệu thức ăn chay mà gọi tên đồ mặn thì sư không dùng. Công phu tu tập của sư luôn phòng tâm không cho nó đi quá xa trong sự tham muốn, lỗi lầm; sư ngăn ngừa cẩn thận nghiêm khắc như vậy!

Đời Tống Huy Tông (1101-1126), niên hiệu Đại Quán (1107-1110) thứ 3 (1109), ngày giáp tý, tháng 12, đột nhiên sư nói với mọi người rằng: “Ta chỉ còn ba ngày thôi”.  3 ngày sau quả nhiên sư thị tịch. Người đời gọi đại sư Viên Chiếu Tông Bổn là Đại Bổn, còn Thiền sư Thiện Bổn gọi là Tiểu Bổn.

Lời bình:

Công phu “phòng tâm ly quá” đến như vậy, người xưa cho rằng là Thánh  Hiền, người ngày nay cho là cổ hủ, lạc hậu, thật là đáng buồn thay!

2.12.  Suốt đêm chấp tay

Triều đại nhà tống, ở Lô Sơn, chùa Viên Thông, có Thiền sư hiệu Cư Nột.

Sư họ Kiển, tự Trung Mẫn, người xứ Tử Châu (nay là huyện Tam Đài tỉnh Tứ Xuyên) Trung Quốc, nối pháp Thiền sư Diên Khánh Tử Vinh, tông Vân Môn. Sư được vua Nhân Tông ban hiệu “Tổ Ấn Thiền sư”. Sau sư trụ chùa Viên ThôngLô Sơn nên được gọi là sư “Viên Thông Nột”.

thường hay nhập định, pháp tướng rất đặc biệt. Lúc đầu hôm, hai tay đan chéo vào nhau ngồi yên lặng; đến nửa đêm hai tay chấp lại từ từ đưa cao lên đến giữa ngực, thị giả mỗi khi thấy hai tay đại sư đưa lên đến giữa ngực là biết gà sẽ gáy lần đầu.

Người cầu pháp phải nên chuyên tâm nhất trí như vậy mới có cơ thành tựu!

2.13.  Không nói chuyện đời

 Triều đại nhà Tống, Thiền sư Quang Hiếu An, trụ trì chùa Thanh Thái.

Có một hôm ngài nhập định, trong định ngài thấy hai vị Tăng dựa lan can nói chuyện. Lúc đầu, có thiện thần ủng hộ, bảo vệ, cung kính nghe họ đàm luận. Ít lâu sau thiện thần bỏ đi. Không bao lâu lại nghe ác quỷ đến không tiếc lời mắng chửi họ, quét sạch những dấu chân họ đi qua. Sau khi xuất định, sư truy cứu sự việc, kết quả: nguyên do là hai vị Tăng lúc đầu thảo luận Phật pháp, do đó thiện thần hộ vệ đến nghe. Tiếp đến lại nói chuyện nhà trước đây, rồi sau nói đến sự việc cúng dường tài vật, ác quỷ nghe thấy cũng không tiếc lời thoá mạ. An Thiền sư ngay sau đó, phát nguyện suốt đời không nói đến chuyện thế tục.

Lời bình:

Người xưa vì sinh tử đại sự hành cước tham vấn, vừa mới gặp được thầy bạn tốt liền vội vàng đàm luận thưa hỏi một việt lớn này, đâu có thời gian để thảo luận mấy chuyện vụn vặt của thế gian kia? Người ngày nay, suốt ngày nói những chuyện tào lao, không dính dáng gì đến Phật pháp, lại cho rằng phải khó lắm mới gặp được trường hợp giống như hai vị Tăng này, nghĩ rằng quỷ thần đâu phải lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta, họ lại làm gì được nào? Thực tại thật đáng sợ thay!

2.14. Thấy lỗi của Tăng

Thế tụcngạn ngữ: “Người đời không nên thấy lỗi lầm của người xuất gia, thấy hoặc nói sẽ có tội”. Nhưng Khổng Phu Tửthánh nhân, ông còn vui mừng khi người khác biết lỗi lầm của ông, chỉ trích ông. Tử Lộ là một người hiền, cũng vui mừng khi người khác nói lỗi lầm của ông. Là người xuất gia lại sợ người khác biết lỗi lầm của mình mà không muốn nghe hay sao? Cần biết rằng, không nên chỉ thấy một mặt lỗi lầm của người xuất gia, đây là đối với người tại gia mà nói. Người xuất gia dựa vào câu nói nầy làm xằng làm bậy không một chút sợ sệt. Như vậy, cái câu nói này trở thành lương dược của người tại giađộc dược của người xuất gia, thật đáng buồn thay!

2.15. Môn đình cao tuấn 

Người xưa nói ý nghĩa “Cửa đình cao lớn” là  ví chuyện giống như cư sĩ Duy Ma Cật thị hiện có bệnh, Phật sai quý thầy A-la-hán đi đến hỏi thăm, quý thầy A-la-hán mỗi người đều nêu lý do nói rằng họ không có tư cách đi thăm hỏi cư sĩ Duy Ma Cật. Bồ tát Văn Thù cũng nói: “Vị cư sĩ này rất khó ứng phó”, hình ảnh này gọi là “Môn đình cao tuấn”. Sau này, chư đại tôn sư Thiền tông, lúc người học đạo tham vấn, hoặc dùng cây đánh, hoặc thét lên thật lớn, hoặc đưa lên một ngón tay, hoặc trương cung lên muốn dùng tên bắn người, hoặc buông một câu nói, một khẩu ngữ, ví như mộc tai làm canh không có cách gì ăn được, lại giống như Thái a bảo kiếm, không thể sờ vào được (kiếm rất bén, sờ vào liền bị đứt tay), lại giống như ánh trăng trong nước, không thể nắm bắt được, nếu như  không phải là kẻ tham học lâu ngày, công phu đã sâu, không dám lên cửa cầu giáo huấn… những trường hợp nầy gọi là “Môn đình cao tuấn”. Kỳ thật, tôn sư bình đẳng thật lòng tiếp người, tuyệt đối không cố ý làm nên cao lớn nghiêm khắc. Nhưng do tâm người học bị đánh tự đề cao lên, một cách tự nhiên sinh lòng kính sợ. Đâu phải cố ý nâng cao tư thế, tỏ vẽ oai phong, lời lẽ thô tháo, sắc mặt nghiêm khắc, nhưng toàn là sự biểu hiện dáng vẻ bề ngoài chứ nội tâm chẳng có gì, thì làm sao gọi là “Môn đình cao tuấn” cho được?

2.16. Người xuất gia đua theo việc học thế tục

Học vấn của nhà Nho lấy các sách Lục kinh (thư, thơ, dịch, lễ, nhạc, xuân thu), Luận ngữ, Mạnh tử, làm chuẩn. Người học Lão Trang không được coi kinh Phật, chỉ chuyên nghiên cứu học hỏi một môn. Đó là đạo lý chính đáng, không có gì lấy làm lạ. Làm người xuất gia cũng phải giống như thế, nên chuyên nhất một việc tu hành thì mới mong thành tựu. Nhưng ngày nay, có nhiều Hoà thượng không đọc tụng kinh Phật mà đọc sách nhà Nho, đọc sách nhà Nho chưa đủ, còn đọc thêm Lão Trang. Người thông minh tinh sảo một chút lại thêm chú giải, viết sớ giải thích. Vậy còn chưa đủ, lại học làm thơ, sáng tác văn chương, học thư pháp, học thư tín…Học toàn những thứ không đâu này đều làm chướng ngại cho việc học đạo. Xưa nay, chư vị tổ sư có người bác thông Nho gia, Lão Trang, thậm chí giỏi thơ từ, chữ, họa, là dùng để độ sanh, đó là vì các ngài đã nắm lấy sự sống chết của các ngài rồi, học Phật đã đến chỗ tinh thâm, không hại đến du hí tam muội, để rộng hoá duyên. Người bây giờ việc sanh tử chưa xong mà đua theo việc học bên ngoài, đó là một hiện tượng suy vi của Phật pháp, thật không thuốc chữa!

Người xuất gia lại có người làm thầy địa lý, làm thầy bói quẻ, xem tướng số mệnh, làm thầy thuốc, làm thầy thuốc khoa phụ nữ, làm thầy phù thuỷ, đốt lửa luyện chì, luyện thuỷ ngân… thời kỳ mạt pháp những sự tai hại thực tại rất nhiều. Hoặc có người nói: “Đại sư Bách Trượng Hoài Hải sai Tư Mã Đầu Đà tuyển chọn một đạo tràng có thể xây dựng cho 500 vị Tăng tu hành, liền tìm được đạo tràng Quy Sơn. Đây là nhờ công lao của thầy địa lý! Tiếp theo lại tuyển chọn trụ trì đạo tràng Quy Sơn và đã chọn được Thiền sư Đại Hữu, vị Tăng tài này không thể có nhiều được, đó là công lao của tướng sĩ! Vì sao lại phê phán khoa bói toán, tướng số như vậy?” Ôi, đó là thánh hiền thuở xưa vì xiển dương Phật pháp, phổ lợi quần sanhtuỳ thuận cơ duyênphương tiện thôi! Không phải chỗ cho hàng phàm phu tục tử có thể hiểu và đo lường được, huống chi Thiền sư Bách Trượng, Tư Mã Đầu Đà là hai người thuộc về nhân vật nào há có thể để cho những thầy địa lý, tướng sĩ… đem ra so sánh!?

 

TỔNG LUẬN

 

Có lẽ có người sẽ nói như vậy: “Tăng” có nghĩa là “lục hoà kính”, và còn phải tu nhẫn nhục, chịu đựng nên không thể có chữ “nghiêm”. Đây là không hiểu ý nghĩa chữ “nghiêm” mà tôi nói. Tôi nói “nghiêm” không phải “nghiêm khắc” mà là “nghiêm chính”! Dùng hạnh  nghiêm chính để thâu nhiếp thân tâm, thì tâm sẽ được chính; dùng hạnh nghiêm chính  để nắm giữ chánh pháp thì đạo phong pháp môn có thể tự mình gây dựng lên sự nghiệp. Nếu như biểu hiện hành vi cử chỉ kỳ lạ đặc biệt để cầu danh dự, làm điều hung ác, bạo ngược để tỏ rỏ oai phong của mình và cho đó là nghiêm chính, thực tại là có khác biệt một trời một vực, người xuất gia không thể không phân biệt rõ ràng!

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/03/2016(Xem: 10237)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.