IV.
SUY TƯ VỀ CÁC KHÓ KHĂN TRONG CUỘC SỐNG
(CÂU 182 ĐẾN 304)
Suy tư về sự kiềm tỏa dục vọng
242
Chủ đích của sự thèm khát là thỏa mãn. Một khi sự thèm khát đã điều khiển được mình và mình thí cứ đòi hỏi ngày càng nhiều hơn, thì chủ đích đó (tức là sự thỏa mãn) sẽ chẳng bao giờ thực hiện được, thay vì tìm được hạnh phúc thì chúng ta phải đối đầu với khổ đau. Ngày nay người ta thường xem trọng sự tự do tính dục. Thế nhưng nếu cứ buông thả sự thèm khát tính dục tha hồ tung hoành duy nhất với mục đích tìm sự thích thú, thì chẳng những chúng ta sẽ không sao mang lại được cho mình một sự toại nguyện lâu dài mà còn tạo ra vô số các vấn đề tiêu cực khác - nào là niềm đau của người phối ngẫu bị bỏ rơi, lứa đôi tan vỡ, cuộc sống của con cái bị xáo trộn, bệnh hoa liễu, AIDS,.. - tất cả các thứ ấy thật hết sức thảm thương so với một chút thích thú ngắn ngủi mà mình có thể đạt được (Đức Đạt-lai Lạt-ma nói lên lời khuyên này đã gần hai mươi năm. Ngày nay chuyện tố cáo các hành vi xâm phạm tính dục đang sôi sục và trở thành cả một phong trào, liên lụy đến đủ mọi lãnh vực, từ chính trị, nghệ thuật, tín ngưỡng..., khiến nhiều người vào tù, danh vọng tiêu tan, uy tín bị sụp đổ. Tất cả cũng chỉ vì một chút thích thú tạo ra bởi sự đụng chạm và cọ sát, là những hình thức thúc đẩy với ít nhiều méo mó, phát sinh từ bản năng truyền giống!).
243
Bản chất của sự thèm khát là ngày càng trở nên mãnh liệt hơn, dù rằng trong sự gia tăng đó của sự thèm khát, đôi khi người ta cũng cứ nghĩ rằng là mình đã tìm được sự thỏa mãn (sự thèm khát là độc tố nguy hiểm và trực tiếp nhất mang lại khổ đau cho con người, nó liên hệ với các thứ bản năng của sự sống nói chung). Đối với bất cứ ai, một khi đã rơi vào chiếc bẫy đó của sự thèm khát thì cũng tương tự như một người khát nước nhưng chỉ uống toàn nước biển: càng uống càng khát thêm (đối với bản năng sinh tồn thì cứ muốn ngày càng "giàu có" hơn, đưa đến mọi hình thức trang dành và xung đột; đối với bản năng truyền giống thì cứ muốn ngày càng được "thỏa mãn" hơn, có nhiều nhân tình hơn; đối với bản năng sợ chết thì ngày càng muốn được "an tâm" hơn, trước và cả sau khi chết, đưa đến mọi hình thức cực đoan. Ghép chung cả ba thứ bản năng trên đây sẽ tạo ra "cái tôi" của con người, đưa đến tình trạng ngày nay của nhân loại và thế giới).
244
Bất cứ thứ gì cũng có giới hạn của nó. Nếu muốn trở nên giàu có thì biết đâu chúng ta cũng có thể kiếm được nhiều tiền, thế nhưng một ngày nào đó khi hoàn cảnh chuyển theo chiều hướng khác thì chúng ta cũng có thể sẽ không còn kiếm thêm được một đồng nào nữa. Điều đó khiến chúng ta không khỏi tuyệt vọng. Vì thế cũng nên tự thẩm định một mức độ thuận lợi của các điều kiện bên ngoài để biết dừng lại, thay vì cứ để cho chúng áp đặt cái ranh giới đó cho mình sau này. Do vậy trong lúc này hãy giảm bớt những sự thèm khát và tập quen dần với sự hài lòng (nếu nhìn dưới một góc cạnh khác thì các điều kiện thuận lợi - từ bên trong cũng như bối cảnh bên ngoài - là kết quả mang lại từ "công đức" của mình trong quá khứ. Thay vì bồi đắp thêm các "công đức" đó để duy trì một hoàn cảnh ngày càng thuận lợi hơn, thì mình lại tiêu dùng hết các "công đức" ấy bằng sự tham lam, thèm khát và ích kỷ của mình, và khi đó thì hoàn cảnh bất thuận lợi sẽ không sao tránh khỏi xảy đến với mình).
245
Sự thèm khát chính là cội nguồn tạo ra đủ mọi thứ khó khăn, chúng lôi kéo nhau không bao giờ chấm dứt. Càng thèm khát càng phải tính toán và phấn đấu để tìm sự thỏa mãn. Cách nay ít lâu có một doanh nhân thuật lại với tôi rằng trước đây trong khi tìm cách phát triển xí nghiệp của mình thì anh ta cứ muốn nó phải ngày càng to lớn hơn, và trong lúc đó thì anh ta cũng càng phải nói dối nhiều hơn, đấm đá thẳng tay hơn với đám người cạnh tranh với mình. Sau cùng thì anh ta nhận thấy rằng thúc đẩy sự ham muốn ngày càng nhiều chẳng mang ý nghĩa gì cả, anh ta bèn dần dần thu hẹp các dự án kinh doanh của mình, sự cạnh tranh theo đó cũng trở nên bớt khốc liệt hơn, nhờ vậy mà anh ta có thể làm ăn lương thiện hơn. Tôi nhận thấy các lời thổ lộ đó thật hữu lý.
246
Tôi không có ý nói là không nên làm thương mại và khuếch trương xí nghiệp. Thành công trong lãnh vực kinh tế là điều tốt, vì là cách tạo ra công ăn việc làm cho người thất nghiệp, tóm lại không những tốt với minh, với người khác mà cả toàn thể xã hội . Giả thử nếu tất cả mọi người đều chọn cuộc sống của người tu hành, ngày ngày khất thực, thì kinh tế sẽ sụp đổ ngay, mọi người sẽ chết đói (Ngài bật cười)! Tôi tin rằng trước cảnh đó Đức Phật sẽ phải nói với các nhà sư rằng: "Vậy thì bây giờ tất cả phải ra tay làm việc đấy nhé! (Ngài lại tiếp tục cười).
247
Không nên chỉ biết phát triển kinh tế mà bất chấp các giá trị con người. Phải luôn ngay thật trong việc kinh doanh, không nên chỉ nhìn vào lợi nhuận và quên mất sự an bình trong chính nội tâm mình. Nếu xem lợi nhuận là chủ đích ưu tiên có thể bào chữa cho tất cả các hành vi tồi tệ khác, thì bãi bỏ chế độ nô lệ để mà làm gì? Theo tôi, các giá trị cao cả mới đúng là các yếu tố chính đáng mang lại sự tiến bộ.