SUỐI NGUỒN TÂM LINH
Nguyên tác: Ajahn Chah
Việt dịch: Minh Vi
Giọng đọc: Kiều Hạnh-Kiều Phương
Nhà xuất bản Hồng Đức
CHƯƠNG 2
NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN
Nguyên tác: Ajahn Chah
Việt dịch: Minh Vi
Giọng đọc: Kiều Hạnh-Kiều Phương
Nhà xuất bản Hồng Đức
CHƯƠNG 2
NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN
Khi cả ba pháp: giới, định, huệ, đều được phát triển, chúng ta gọi sự tu hành này là Bát Chánh Đạo, là con đường duy nhất để thoát khổ.
Bát Chánh Đạo là pháp môn tối thượng bởi vì, nếu được thực hành đúng đắn, nó sẽ dẫn đến Niết Bàn, đến sự bình an rốt ráo.
Chúng ta tiếp cận với giáo lý nhà Phật qua nhiều nguồn - những vị thầy hay tăng sĩ khác nhau, chẳng hạn. Có những lúc Phật pháp chỉ được giảng dạy một cách rất đại cương và mơ hồ, khiến cho việc áp dụng nó vào đời sống thực tiễn trở nên khó khăn.
Có những lúc Phật pháp được giải thích bằng một ngôn ngữ cao thâm và trừu tượng khiến cho người ta khó hiểu, nhất là khi nó dựa hoàn toàn vào mặt chữ trên kinh điển. Có một lối giảng giải khác, đó là khi Phật pháp được trình bày một cách trung dung, không quá trừu tượng, không quá cao thâm, không quá đại cương mà cũng không quá bí truyền - chỉ vừa đúng để người nghe có thể lãnh hội và thực hành. Ở đây, tôi muốn chia sẻ một ít giáo lý mà tôi thường dùng để chỉ dạy các đệ tử của tôi.
NGƯỜI MUỐN ĐẮC ĐẠO
Những ai muốn đắc đạo (giác ngộ Phật Pháp) phải là người có đức tin và sự tự tin làm nền tảng. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của Phật Pháp như sau:
Phật: “người biết”, người có được sự thuần khiết, sự chiếu sáng, và sự bình an trong tâm.
Pháp: những tính chất thuần khiết, chiếu sáng, và bình an, phát sinh từ giới, định, huệ. Thế nên người đắc đạo là người trau dồi và phát triển giới, định, huệ.
ĐI THEO PHẬT PHÁP
Những người muốn đi về nhà là những người không chỉ ngồi đó mà suy nghĩ về chuyến đi du hành của mình. Họ phải trải qua tiến trình du hành từng bước một và theo đúng hướng. Nếu họ đi sai đường, họ có thể gặp nhiều khó khăn như đầm lầy, hầm hố, hay những chướng ngại khác. Họ cũng có thể rơi vào những tình huống nguy hiểm và có thể sẽ không về được đến nhà. Những người đã về được đến nhà có thể nghĩ ngơi và ngủ một cách thoải mái - nhà là một nơi khoan khoái đối với thể xác và tâm trí. Nhưng nếu người du hành đó, thay vì đi về nhà, lại đi qua căn nhà của họ hay chỉ đi chung quanh nó, họ sẽ chẳng nhận được lợi ích gì từ chuyến đi nhọc nhằn của họ.
Cũng thế ấy, chứng ngộ Phật Pháp là một việc mà mỗi chúng ta phải tự mình làm lấy, bởi không ai có thể làm điều đó cho chúng ta. Và chúng ta phải đi đúng đường - con đường của đức hạnh, thiền định và trí huệ cho đến khi chúng ta đạt được một đầu óc thuần khiết, chiếu diệu và bình an. Đây là kết quả của hành trình tầm Đạo của chúng ta.
Nhưng nếu một người chỉ có kiến thức từ sách vở và kinh điển, chỉ nghe thuyết pháp và tụng kinh - kẻ đó sẽ chẳng bao giờ biết được sự thuần khiết, chiếu diệu và bình an trong tâm, dầu anh ta sống cả trăm kiếp nữa. Kẻ đó sẽ chỉ lãng phí thời gian và không bao giờ nhận được lợi ích từ sự tu hành. Vị thầy chỉ có thể trình bày Đạo Pháp. Cho nên, chúng ta có tầm Đạo bằng sự tu hành, và có đạt được kết quả hay không, tùy thuộc hoàn toàn vào mỗi chúng ta.
Sau đây là một cách khác để nhìn vào sự việc này. Sự tu hành giống như những lọ thuốc mà vị y sĩ đưa cho bệnh nhân của mình. Lọ thuốc có chỉ dẫn cách dùng trên mặt. Nhưng nếu bệnh nhân chỉ đọc phần chỉ dẫn, ngay cả đọc tới đọc lui cả trăm lần, họ cũng sẽ chết. Họ sẽ chẳng nhận được lợi ích gì từ lọ thuốc đó. Và trước khi họ chết, họ có thể chê trách rằng vị y sĩ đó không đủ giỏi, rằng ông ta chỉ là một lang băm, rằng thuốc không có công hiệu. Tuy nhiên, tất cả những gì họ đã làm là xem xét lọ thuốc và đọc phần chỉ dẫn, mà không làm theo lời khuyên của vị y sĩ và uống thuốc.
Nhưng nếu bệnh nhân thật sự làm theo lời của vị y sĩ và uống thuốc đều đặn như được chỉ dẫn, họ sẽ bình phục. Nếu họ bị bệnh nặng, họ có lẽ phải uống rất nhiều thuốc, nhưng nếu họ chỉ bệnh nhẹ thôi, thì chỉ cần uống một chút thuốc là khỏe rồi. Cho nên, nếu chúng ta phải dùng rất nhiều thuốc, đó là vì chúng ta bị bệnh quá nặng. Chỉ giản dị như vậy thôi.
Các y sĩ kê toa thuốc để loại trừ bệnh khỏi cơ thể. Giáo lý của Đức Phật được đưa ra để chữa lành những căn bệnh của tâm, để mang nó trở lại tình trạng lành mạnh nguyên thủy của nó. Vì thế, Đức Phật có thể được xem như là một y sĩ, người kê toa thuốc để chữa trị tâm bệnh. Ngài mới thật là vị y sĩ tài tình nhất thế gian.
Mỗi chúng ta đều có một vài thứ tâm bệnh nào đó. Khi bạn nhìn thấy những tâm bệnh này, tìm đến Phật Pháp như là sự nâng đỡ, như là liều thuốc chữa trị cho bạn không phải là điều khôn ngoan nhất hay sao? Bạn phải đi đường của Phật Pháp bằng thân thể của mình. Bạn phải đi bằng đầu óc hay tâm của mình. Những người đi trên Con Đường có thể được phân chia ba trình độ:
Trình độ đầu tiên bao gồm những người hiểu rằng họ phải tự mình tu hành và họ biết cách tu hành. Họ nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng và chuyên cần tu tập theo đúng như sự chỉ dẫn của vị thầy. Những người này không còn lệ thuộc vào những tập tục cổ truyền, mà họ dùng lý trí để xem xét bản chất của thế gian. Đây là nhóm người “Phật tử”.
Trình độ thứ hai bao gồm những người đã tu hành cho đến khi họ đạt được một đức tin vững chắc vào giáo lý của Phật, Pháp, Tăng. Họ cũng đã liễu ngộ bản chất thật sự của vạn pháp. Những người này dần dần giảm thiểu mọi sự ràng buộc và dính mắc. Họ không bám chặt vào sự việc, và sự hiểu biết Phật Pháp của họ đã đạt đến một mức độ thâm sâu. Tùy vào trí huệ và mức độ xả bỏ của họ, mà họ được xếp vào hàng Tu đà hoàn , Tư đà hàm , hay A na hàm , hay nói chung là những Thánh Nhân.
Ở trình độ cao nhất là những người mà sự tu hành đã chuyển thân, khẩu, ý của họ đến cảnh giới của Phật. Họ vượt trên thế gian, không còn phải trở lại thế gian, và không còn bất cứ sự ràng buộc và dính mắc nào nữa. Họ là những A la hán , là những thánh nhân đã đạt quả vị Niết bàn , đoạn diệt sinh tử.
TRAU DỒI ĐỨC HẠNH
Giới hạnh là sự kiềm thúc thân và khẩu. Có những giới luật khác nhau được quy định cho người tại gia và người xuất gia. Tuy nhiên, nói chung thì chúng đều dựa trên cùng một cơ sở - đó là ý định. Khi chúng ta tỉnh thức và điềm tĩnh, chúng ta có Chánh Tư Duy . Thực tập Chánh Niệm sẽ phát sinh đức hạnh trong sáng và cao thượng.
Nếu chúng ta mặc quần áo dơ, thì lẽ tự nhiên thân thể chúng ta cũng bị dơ, đầu óc chúng ta sẽ bứt rứt và khó chịu. Nhưng nếu chúng ta giữ cho thân thể của mình sạch sẽ, ăn mặc tươm tất, đầu óc của chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và vui vẻ. Cùng thế ấy, khi chúng ta không gìn giữ đức hạnh, thân và khẩu bị ô nhiễm, chúng ta sẽ cảm thấy phiền não, bứt rứt và nặng nề. Chúng ta rời xa lối tu hành đúng đắn và không thể chứng ngộ cốt tủy của Pháp. Những hành động và lời nói trong sáng tùy vào tâm của chúng ta có được huấn luyện tốt hay không, bởi đầu óc điều khiển thân và khẩu. Cho nên, chúng ta phải tiếp tục tu hành bằng cách điều phục tâm của mình
PHÁT TRIỂN ĐỊNH LỰC
Phát triển định lực để làm cho đầu óc vững vàng và kiên định. Điều này mang lại sự bình an trong tâm. Tâm chưa được huấn luyện thường rất hiếu động và khó điều khiển. Nó chạy lăng xăng theo trần cảnh, giống như dòng nước lúc chảy qua bên này, lúc chảy qua bên kia, tìm kiếm những nơi thấp nhất. Các nông gia và kỹ sư nông nghiệp biết cách điều khiển dòng nước để có thể sử dụng nó một cách hữu hiệu cho xã hội và con người: họ xây đập ngăn sông, tạo ra những bể chứa nước và những con kênh lớn - tất cả những việc này là chỉ để dẫn nước tới những nơi cần thiết. Nước chứa cũng có thể trở thành nguồn phát điện và ánh sáng. Bằng cách đó, nước không chảy rối loạn hay lụt lội tại những vùng đất thấp, và bị lãng phí.
Cùng thế ấy, tâm được kiềm chế và huấn luyện liên tục sẽ là một công cụ vô cùng hữu ích. Chính Đức Phật có nói, “Tâm được điều phục sẽ mang đến chân hạnh phúc, vì thế hãy điều phục tâm của ngươi cho tốt để đạt được những lợi ích cao nhất”. Tương tự như vậy, những thú vật chung quanh chúng ta như voi, ngựa, trâu, bò - cần phải được huấn luyện trước khi chúng có thể dùng để làm việc. Chỉ khi đó sức mạnh của chúng mới thật sự mang lại lợi ích cho chúng ta.
Tâm được huấn luyện sẽ mang lại cho chúng ta nhiều phúc lành hơn một cái tâm chưa được huấn luyện. Đức Phật và các cao đồ của ngài đều có cùng một khởi đầu như chúng ta - với tâm chưa được huấn luyện. Nhưng sau này, họ đã trở thành những bậc thánh, những người mà chúng ta tôn kính và học hỏi rất nhiều từ sự giảng dạy của họ. Tâm được kiềm thức và huấn luyện có thể giúp cho chúng ta tốt hơn trong mọi lãnh vực, trong mọi tình huống. Tâm được huấn luyện sẽ giúp cho đời sống của chúng ta quân bình, khiến cho công việc của chúng ta dễ dàng hơn và phát triển khả năng lý luận để kiềm chế hành động của chúng ta. Nhờ thế, chúng ta sẽ ngày càng hạnh phúc hơn.
Sự nhiếp phục tâm có thể được thực hiện qua nhiều cách, với nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp thông thường nhất mà mọi người đều có thể thực hành, là sự chánh niệm về hơi thở, tức là phát triển khả năng nhận biết hơi thở, tức là phát triển khả năng nhận biết hơi thở vào và hơi thở ra.
Trong tu viện này, chúng ta tập trung sự chú ý của mình vào chót mũi và phát triển sự ý thức về hơi thở vào và ra với câu thần chú Bud-dho. Thiền sinh cũng có thể sử dụng một chữ khác, hay chỉ nhận biết sự chuyển động ra vào của hơi thở. Điều chỉnh sự tu tập cho phù hợp với mình. Điều chủ yếu là, thiền sinh nhận thức hơi thở của mình trong thời hiện tại, có nghĩa là nhận biết mỗi hơi thở ra và hơi thở vào ngay khi nó mới vừa xảy ra. Trong khi đi kinh hành, chúng ta cố gắng nhận biết những cảm giác của bàn chân khi chúng chạm vào mặt đất.
Để có kết quả, sự hành thiền phải được thực tập liên tục, nếu có thể được. Đừng thiền một chút hôm nay, và rồi sau một, hai tuần lễ, hay một, hai tháng mới thiền lại. Tu hành như vậy sẽ không có kết quả tốt. Đức Phật dạy chúng ta tu hành thường xuyên và chuyên cần, có nghĩa là tu hành càng liên tục càng tốt. Để tu tập có hiểu quả, chúng ta phải tìm một nơi yên tĩnh, và không bị quấy nhiễu, chẳng hạn như một khu vườn, dưới bóng mát của một cái cây trong sân sau nhà của chúng ta, hay bất cứ nơi nào mà chúng ta có thể ngồi yên tĩnh một mình. Nếu chúng ta là tăng ni, chúng ta nên tìm chòi trong rừng hay một hang động. Vùng rừng núi vắng vẻ cũng là một nơi rất thích hợp cho sự tu hành.
Trong bất kỳ trường hợp nào hay ở bất cứ nơi nào, chúng ta đều phải cố gắng duy trì chánh niệm về hơi thở một cách liên tục. Nếu sự chú ý của chúng ta đi lạc, hãy kéo nó trở lại với đối tượng của sự tập trung. Cố gắng đặt tất cả những tư tưởng khác qua một bên. Đừng nghĩ đến bất kỳ điều gì - chỉ việc quan sát hơi thở mà thôi. Nếu chúng ta nhận biết một tư tưởng thiền hành của mình, thì dần dần đầu óc sẽ trở nên yên lặng. Khi đầu óc đã bình an và tập trung, đừng cột nó vào hơi thở nữa.
Bây giờ, hãy bắt đầu quan sát thân và tâm như một thực thể được cấu tạo bởi ngũ uẩn : sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Hãy xem xét ngũ uẩn này đến và đi. Bạn sẽ nhận thấy rõ rằng chúng vô thường, và sự vô thường này khiến cho chúng không còn giá trị, không còn cần thiết, và rồi chúng đến và đi tùy thích: không có một “bản ngã” đang điều hành sự việc, mà chỉ là sự chuyển biến tự nhiên thuận theo nhân quả. Tất cả mọi việc trên thế gian này, mọi sự ràng buộc và dính mắc sẽ giảm thiểu dần dần. Đó là bởi bạn nhìn thấy bản chất thật của thế gian. Chúng ta gọi đây là sự phát sinh trí huệ.
SỰ PHÁT SINH TRÍ HUỆ
Trí huệ là nhìn thấy chân lý về những tiến trình khác nhau của thân và tâm. Khi chúng ta sử dụng cái tâm an định và được huấn luyện của mình để quán chiếu ngũ uẩn, chúng ta sẽ nhận ra rằng cả thân và tâm đều vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Khi nhìn thấy mọi việc với trí huệ, chúng ta không còn dính mắc hay bám víu nữa. Bất cứ những gì đến với chúng ta, chúng ta chấp nhận chúng một cách tỉnh thức, chúng ta không buồn phiền và đau khổ - bởi vì chúng ta nhận thấy rõ bản chất vô thường của vạn vật. Khi chúng ta bệnh hoạn hay đau đớn, chúng ta vẫn bình thản vì tâm đã được huấn luyện tốt. Tâm như thế sẽ là nơi nương náu thật sự của chúng ta.
Sự hiểu biết này chính là trí huệ. Trí huệ hiểu biết thực chất của sự việc khi chúng phát sinh. Trí huệ phát sinh từ chánh niệm và thiền định. Thiền định đặt nền tảng trên giới luật. Cả ba điều này - giới, định, huệ - tương quan mật thiết đến độ hành giả không thể chỉ tập trung vào một khía cạnh để được giải thoát. Tiến trình tu hành xảy ra như thế này. Trước hết, chúng ta tập cho đầu óc chú ý vào hơi thở. Đây là sự phát sinh đức hạnh. Khi sự chánh niệm về hơi thở được thực hành cho đến khi tâm tĩnh lặng thì định lực phát sinh. Rồi từ sự quán xét mà chúng ta nhận thấy rằng hơi thở là vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Sự xả bỏ sẽ theo sau đó và đây là sự phát sinh của trí huệ. Cho nên, thực tập chánh niệm về hơi thở có thể được xem là nền tảng cho sự phát triển giới, định, huệ. Ba pháp tu này phụ thuộc chặt chẽ với nhau như thế đó.
Khi cả ba pháp giới, định, huệ đều được phát triển, chúng ta gọi sự tu hành này là Bát Chánh Đạo‛¹’, là con đường duy nhất để thoát khổ. Bát Chánh Đạo là pháp môn vô thượng bởi vì, nếu được thực hành đúng đắn, nó sẽ dẫn đến Niết bàn, đến sự bình an rốt ráo.
LỢI ÍCH CỦA SỰ TU HÀNH.
Khi chúng ta hành thiền như cách trên, thành quả của sự tu hành sẽ có ba giai đoạn như sau:
Thứ nhất, đối với những hành giả mà sự phát tâm bắt nguồn từ đức tin, thì sự tin tưởng của họ vào Phật, Pháp, Tăng sẽ tăng trưởng dần dần. Đức tin này sẽ củng cố sự tu hành của họ. Họ cũng sẽ hiểu biết về tính chất nhân quả của mọi việc: rằng hành động thiện lành mang lại kết quả thiện lành và hành động bất thiện sẽ mang lại hậu quả bất thiện. Những người này sẽ đạt được sự bình an và hạnh phúc lớn lao.
Thứ hai, những người đạt các thành quả của bậc Thanh văn, Tư đà hàm, hay A na hàm phát triển đức tin không thể lay chuyển vào ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. Họ rất an lạc và đều hướng đến mục tiêu là cảnh giới Niết bàn.
Thứ ba, những người đã đạt đến đẳng cấp của A la hán hay những chúng sinh toàn mỹ, đã đoạn diệt tất cả phiền não . Họ là những vị Phật, đã giải thoát rốt ráo và hoàn tất hành trình tâm linh.
Chúng ta thật may mắn là đã được sinh làm người và được nghe chánh pháp. Đây là một cơ hội mà cả triệu triệu chúng sinh khác không có được. Cho nên, đừng xem thường nó. Hãy nhanh chóng phát triển sự toàn thiện và đi theo con đường tu hành đúng đắn để đạt đến những đẳng cấp cao nhất. Đừng lãng phí thời gian. Đừng sống một cuộc đời không có mục đích. Hãy cố đạt cho được sự chứng ngộ chân lý ngay trong ngày hôm nay, nếu có thể được.