Chương 6: Hiểu luật

16/10/20194:11 CH(Xem: 5319)
Chương 6: Hiểu luật
SUỐI NGUỒN TÂM LINH
Nguyên tác: Ajahn Chah
Việt dịch: Minh Vi
Giọng đọc: Kiều Hạnh-Kiều Phương
Nhà xuất bản Hồng Đức

CHƯƠNG 6
HIỂU LUẬT


Nếu bạn không biết chắc, thì đừng nói, đừng làm điều đó, đừng buông lung.

Tu hành không phải dễ. Có rất nhiều thứ mà chúng ta không biết - chẳng hạn, những giáo lý như “biết thân, thì biết được thân trong thân” hay “biết tâm, thì biết được tâm trong tâm”. Nếu chúng ta chưa tu tập những điều này, chúng tathể không hiểu gì cả. Trong quá khứ, tôi đã từng là một vị thầy, nhưng chỉ một vị “thầy nhỏ”. Tại sao tôi nói là một “vị thầy nhỏ?” Bởi vì lúc đó tôi không tu hành. Tôi dạy luật nhưng tôi không hành luật. Một người như vậy, tôi gọi là một vị thầy nhỏ, một vị thầy thấp. Tôi nói là một “vị thầy thấp” bởi vì tôi chưa tu hành tới đâu cả. Sự tu hành của tôi lúc đó còn ở dưới xa, cứ như thế tôi chưa biết gì về giới luật.

Tuy nhiên, ý tôi muốn nói là trên thực tế, khó có thể hiểu biết Luật tạng hoàn toàn, bởi vì có những thứ, dầu chúng ta biết hay không, vẫn bị xem là vi phạm. Thật là rắc rối. Thế nhưng chúng ta buộc phải học hỏitôn trọng mỗi một giới luật. Nếu không hiểu một điều gì, chúng ta phải cố gắng học hỏi. Nếu chúng ta nỗ lực, tự nó đã là một sự vi phạm.

Giả sử có một người đàn bà và bạn không biết đó là đàn bà hay đàn ông, bạn chạm vào người đó. Bạn không biết chắc người này là đàn ông hay đàn bà, nhưng bạn vẫn chạm vào người họ, đó là sai. Có một lúc, tôi cũng không hiểu tại sao như thế là sai, nhưng sau này tôi mới nhận ra rằng người tu hành phải cảnh giác, phải thận trọng. Lúc nói chuyện, đụng chạm hay nắm vật gì, họ phải suy nghĩ trước. Sự sai lầm ở đây là hành giả không tỉnh giác hay thiếu thận trọng.

Sau đây là một thí dụ khác. Trời mây mù nên dầu chỉ mới 11 giờ trưa mà thấy giống như đã chiều tối. Chúng ta không thấy mặt trời mà cũng không có đồng hồ, và chúng ta nghĩ rằng lúc này là buổi chiều. Chúng ta thật sự cảm thấy rằng lúc này là buổi chiều, nhưng chúng ta vẫn đi kiếm một thứ gì đó để ăn. Khi chúng ta bắt đầu ăn thì mây kéo đi và mặt trời chiếu rọi. Nhìn vị trí mặt trời, chúng ta biết bấy giờ là vào khoảng 11 giờ trưa. Dầu là thế, chúng ta vẫn bị xem là phạm giới. Tôi đã từng bâng khuâng, “Hả? Tại sao vậy? Chưa đến giữa trưa thì làm sao có thể gọi hành động đó là phạm giới được”.
Ở đây, chúng ta phạm giới là vì sự lơ là, không dè dặt và không kiềm chế. Nếu nghi ngờ mà vẫn làm, đó là phạm giới. Chúng ta nghĩ rằng trời đã chiều mặc dầu sự thật thì không phải như vậy. Hành động ăn uống tự nó không phải là sai, nhưng chúng ta phạm giớichúng ta lơ là và bất cẩn. Nếu đó thật sự là buổi chiều, nhưng chúng ta nghĩ rằng đó không phải là buổi chiều, thì tội càng nặng hơn. Nếu chúng ta nghi ngờ mà vẫn làm, thì dầu hành động đó là đúng hay sai, chúng ta vẫn bị xem là phạm giới. Nếu hành động tự nó là không sai trái, thì tội nhẹ hơn, nhưng nếu nó là một hành động sai trái, thì tội nặng hơn. Giới luật có thể phức tạp đến vậy đó!

một lần, tôi đọc cuốn kinh Luật (Silanidesa), đầu tôi cảm thấy như muốn nổ tung! Tôi cho rằng những điều này là bất khả thi đối với con người. Nhưng rồi tôi nghĩ, Đức Phật sẽ chẳng giảng dạy một điều gì mà chúng ta không thể thực hành. Ngài sẽ chẳng dạy những điều đó và Ngài sẽ chẳng công bố nó, bởi vì những điều đó chẳng lợi ích gì cho Ngài hay cho những người khác.

Vào lúc đó, tôi vẫn còn vật lộn với sự tu hành của mình. Tôi bị kẹt. May thay, tôi có cơ hội gặp Đại Đức Ajahn Mun, nên tôi hỏi ngài, “Đại Đức Ajahn, tôi phải làm sao đây? Tôi mới tu, và vẫn chưa biết tu thế nào mới đúng. Tôi nghi ngờ nhiều thứ quá”.

Ông hỏi, “Vấn đề là gì vậy?”

“Trên đường tu hành, tôi có đọc cuốn kinh Luật. Tôi cảm thấy nó rất li ti và không thực tiễn chút nào. Tôi không tin là có người nào thực hành được tất cả. Không cách nào có thể nhớ hết tất cả những quy luật nhỏ nhặt trong đó. Tôi không thể làm được”.

Ông nói với tôi, “Đúng là có rất nhiều thứ trong đó, nhưng thật sự thì không nhiều. Nếu chúng ta phải nhớ hết mọi giới luật trong Luật Tạng, thì khó thật. Nhưng sự thật thì cái mà chúng ta gọi là giới luật nảy sinh từ đầu óc con người. Nếu chúng ta huấn luyện đầu óc này để nó biết xấu hổ và sợ làm điều ác, thì chúng ta sẽ kiềm thúc, chúng ta sẽ thận trọng.

“Điều này sẽ khiến chúng ta biết thiểu dục tri túc, bởi vì chúng ta không thể chăm sóc quá nhiều thứ, và rồi chúng ta trở nên tỉnh giác hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ có thể duy trì sự tỉnh giác vào mọi lúc. Bất kỳ là ở đâu, chúng ta cũng cố duy trì sự tỉnh giác. Chúng ta trở nên thận trọng hơn. Mỗi khi bạn nghi ngờ một điều gì, đừng nói điều đó, đừng làm việc đó. Nếu có gì bạn không hiểu, hỏi vị thầy. Cố thực thi mọi giới luật là điều rất phiền toái, nhưng chúng ta nên xem thử mình có sẵn sàng nhận lỗi không. Chúng tachấp nhận chúng không?

Giới luật rất quan trọng. Chúng ta không nhất thiết phải nhớ hết mỗi một giới, nhưng chúng ta phải biết cách điều phục tâm của mình.

“Tất cả những thứ mà bạn từng đọc nảy sinh trong đầu. Nếu bạn vẫn chưa huấn luyện đầu óc để có được sự nhạy bén và sáng suốt, bạn sẽ luôn luôn nghi ngờ. Hãy nhớ đến giáo lý của Đức Phật. Hãy tĩnh tâm. Bất cứ điều gì khiến bạn nghi ngờ, đừng nghĩ tới nó. Nếu bạn không biết chắc một điều gì, thì đừng nói hay làm điều đó. Chẳng hạn, nếu bạn bâng khuâng, “Không biết điều này là đúng hay sai?” - nếu bạn không biết chắc, thì đừng nói, đừng làm điều đó, đừng buông lung.

Sự giảng dạy này rất phù hợp với tám phương pháp (Bát Chánh Đạo) để đo lường chánh pháp của Đức Phật. Bất cứ giáo lý nào nói về sự tiêu trừ phiền não, đưa con người thoát khỏi khổ đau, giảng dạy sự xa lìa dục lạc, tri túc, khiêm tốn, từ bỏ danh lợi, ẩn dật, tinh tấn, và sống giản dị là bản chất của Pháp Luật (Dhamma-vinaya), là giáo lý của Đức Phật. Bất cứ thứ gì đi ngược lại đường lối này thì không phải là giáo lý của Đức Phật.

Nếu chúng ta thành tâm, chúng ta sẽ biết xấu hổ và sợ làm sai. Chúng ta sẽ biết rằng khi nghi ngờ một điều gì, chúng ta sẽ không nói hay làm điều đó.
Khi nghiên cứu tạng luật với Đại Đức Ajahn Mun, tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ. Có những ngày trong kỳ an cư kiết hạ, tôi nghiên cứu nó từ sáu giờ chiều cho đến sáng hôm sau. Tôi hiểu rất nhiều. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để thực thi những quy luật này, nhưng sau này, tôi buông bỏ chúng dần. Có quá nhiều thứ. Tôi không biết đâu là chính, đâu là phụ. Tôi thâu gom hết. Khi tôi hiểu rõ hơn, thì tôi xã bỏ dần, bởi vì nó nặng nề quá. Tôi chỉ quan sát tâm của mình và dần dần bỏ đi phần chữ.

Tuy nhiên, khi giảng dạy các tăng sĩ ở đây, tôi vẫn lấy luật tạng làm tiêu chuẩn. Tôi thường đọc cho các đệ tử nghe, có khi đến nửa đêm. Chúng tôi vẫn cảm thấy thích thú. Thật ra, bạn không thể hiểu kinh luật chỉ bằng sự lắng nghe. Bạn phải cứu xét và suy ngẫm nhiều.

Mặc dầu tôi nghiên cứu những thứ này đã nhiều năm, tôi vẫn không hiểu hết tất cả, bởi có nhiều điều rất tối nghĩa và mơ hồ trong sách. Đã nhiều năm rồi, tôi chưa nhìn lại sách luật và đã quên khá nhiều thứ, nhưng tâm tôi không hề có sự nghi ngờ hay thiếu sót. Tôi hiểu. Tôi đặt sách vở qua một bên và tập trung phát triển tâm của mình. Tâm biết giá trị của giới hạnh, nên nó không làm điều gì sai trái cả. Tôi không giết thú vật, ngay cả những con vật nhỏ. Nếu có người nào yêu cầu tôi giết một con kiến hay con mối, đập chết nó với đôi tay của mình, chẳng hạn, tôi không thể làm được dầu họ có cho tôi rất nhiều tiền. Dầu chỉ một con kiến hay một con mối thôi! Đối với tôi, đời sống của con kiến có giá trị nhiều hơn một đống tiền.

Tuy nhiên, có thể tôi đã làm cho một côn trùng chết, chẳng hạn như khi một thứ gì đó bò lên chân tôi và tôi phủi nó đi. Có lẽ nó chết, nhưng khi nhìn vào tâm mình, tôi không thấy có mặc cảm tội lỗi. Không nao núng hay nghi ngờ gì cả. Tại sao? Bởi vì ý định sát hại không có ở đó. “Ý định là cốt tủy của sự trau dồi đức hạnh”. Trong quá khứ, khi chưa hiểu biết, tôi sẽ đau khổ về những việc như thế. Tôi sẽ cho rằng mình phạm giới. “Phạm giới gì? Đâu có ý muốn ở đó”. Không có ý định, đúng, nhưng tôi đã không thận trọng!” Tôi sẽ nghĩ như thế mãi, rồi buồn phiền và bực dọc.

Cho nên giới luật này có thể quấy nhiễu người tu hành, nhưng nó cũng có giá trị của nó, đó là “Bất cứ giới luật nào bạn chưa biết, bạn phải học hỏi. Nếu bạn không biết, bạn nên hỏi những người biết”. Họ thật sự nhấn mạnh điều này.

Bây giờ nếu chúng ta không biết giới luật, chúng ta sẽ không biết là mình đang vi phạm chúng. Chẳng hạn, có một hôm, đệ tử của Đại Đức Ajahn Por, đang ngồi với ngài, thì có vài phụ nữ đến hỏi Ajahn Pow.
Luang Por! Chúng tôi muốn mời ngài đi tham quan với chúng tôi”.
Luang Por không trả lời. Thấy thầy yên lặng, người đệ tử mới nói:
“Luang Por, Luang Por! Ngài có nghe không?” Những phụ nữ này mời ngài đi chơi”.
Ông đáp, “Ta nghe”.
Những phụ nữ này lại hỏi, “Luang Por, ngài có đi không?”
Ông chỉ ngồi đó yên lặng, và lời thỉnh cầu đó chẳng đi tới đâu cả. Khi họ đi hết, người đệ tử mới hỏi,
“Luang Por, tại sao ngài không trả lời những người đàn bà đó?”
Ông nói, “Này con, con không biết quy định này sao? Những người vừa mới đây đều là phụ nữ. Nếu phụ nữ mời con đi với họ, con không nên chấp thuận. Nếu họ tự mình sắp xếp mọi việc, thì không sao. Trong trường hợp đó, ta có thể đi nếu ta muốn, bởi vì ta không dự phần trong sự sắp xếp này”.

Sách luật nói rằng việc sắp xếp để đi chung với phụ nữ, dầu là đi với một nhóm người, không phải với một người, cũng bị xem là phạm giới.

Một ví dụ khác. Đôi lúc, người tại gia đặt tiền trên một cái khay để cúng dường Đại Đức Ajahn Pow. Ông đưa tấm vải nhận cúng dàng ra, tay nắm ở đầu kia tấm vải. Nhưng khi người ta đặt khay tiền trên tấm vải, ông rút tay khỏi tấm vải. Rồi ông cứ để tiền ở đó. Ông biết nó ở đó, nhưng ông không quan tâm đến nó, mà chỉ việc đứng dậy và đi nơi khác. Ông làm thế bởi vì kinh luật nói rằng nếu ta không chấp thuận món tiền nào đó, ta không cần phải ngăn cấm người tại gia cúng dàng nó. Nếu ông thật sự thích món tiền đó, ông sẽ phải nói, “Này người, tu sĩ không được phép nhận tiền”. Ông sẽ phải nói với họ như thế. Nếu bạn muốn một điều gì đó, bạn phải ngăn cấm người ta cúng dàng những gì không được phép nhận. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự không ước muốn điều đó, bạn không cần phải nói gì cả. Bạn chỉ việc để đó và đi nơi khác.

Mặc dầu Ajahn và các đệ tử của ngài sống với nhau đã nhiều năm, có vài người vẫn không hiểu sự tu hành của ngài. Thật đáng buồn. Riêng tôi, tôi thấy trong sự tu hành của ngài Ajahn Pow, có nhiều điều rất tinh tế mà tôi cần phải xem xét và suy ngẫm.

Giới luật có thể làm cho một số người hoàn tục. Khi nghiên cứu kinh luật, họ khởi đủ thứ niệm nghi ngờ. Họ nghĩ về quá khứ. Nghi lễ thọ giới của mình lúc trước có đúng không nhỉ? Không biết vị tăng truyền Pháp cho mình có tinh khiết không? Không có tỳ kheo nào ngồi trong buổi lễ thọ giới của mình biết chút gì về giới luật, nên không biết họ có ngồi đúng khoảng cách không? Không biết mình tụng kinh có đúng phương pháp không?” Hết nghi ngờ này đến nghi ngờ khác. “Chánh điện mà mình thọ giới tỳ kheo có đúng tiêu chuẩn không? Nó nhỏ quá...”. Họ nghi ngờ nhiều thứ và rơi vào địa ngục.



Cho nên đến khi nào bạn biết cách cột tâm của mình lại, nó có thể rất phiền toái. Bạn phải rất bình thản, và không quyết đoán một điều gì vội vã. Nhưng bình thản đến độ bạn không để tâm xem xét sự việc thì cũng là sai. Tôi hoang mang đến độ thiếu chút nữa là tôi hoàn tục, bởi vì tôi nhìn thấy quá nhiều lỗi lầm trong sự tu hành của chính mình và của vài vị thầy. Tôi như ngồi trên lửa và không ngủ nghê gì được bởi vì những sự nghi ngờ này.

Càng nghi ngờ, tôi càng thiền nhiều thêm, càng tu hành nhiều thêm. Sự nghi ngờ khởi sinh nơi đâu, thì tôi tu hành ngay nơi đó. Trí huệ phát sinh. Sự việc bắt đầu thay đổi. Thật khó có thể diễn tả những gì xảy ra. Tâm thay đổi mãi cho đến khi tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi không biết nó thay đổi như thế nào. Dầu tôi có diễn tả, có lẽ người ta cũng không hiểu.

Cho nên tôi suy ngẫm về luật tạng - kẻ trí phải tự mình nhận biết. Đó phải là sự hiểu biết phát sinh từ kinh nghiệm trực tiếp. Nghiên cứu luật tạng là điều nên làm, nhưng nếu chỉ nghiên cứu thôi, thì không đủ. Nếu bạn thật sự tu tập, bạn bắt đầu nghi ngờ mọi thứ. Trước khi tu hành, tôi không quan tâm đến những giới luật nhỏ, nhưng khi bắt đầu tu hành, ngay cả những giới nhỏ cũng quan trọng như những giới lớn. Trước kia, những vi phạm nhỏ có vẻ như không quan trọng gì cả. Tôi nghĩ như vậy. Đến tối bạn có thể thú tội và thế là xong. Rồi bạn có thể tiếp tục vi phạm chúng. Nhưng thú tội kiểu này là không tinh khiết, bởi vì bạn không ngừng vi phạm, bạn không quyết tâm thay đổi. Bạn vẫn không kiềm thúc, không nhận thức sự thật, không dứt bỏ - bạn cứ lặp lại lỗi lầm đó mãi.

Đúng ra thì chúng ta không cần phải thú tội làm gì. Nếu chúng ta nhận thấy tâm của mình thuần khiết và không nghi hoặc, thì những sự vi phạm đó rơi rụng ngay tại chỗ. Chúng ta chưa tinh khiết bởi vì chúng ta còn nghi ngờ, chúng ta còn nao núng. Chúng ta không thật sự tinh khiết, cho nên chúng ta không thể xả bỏ. Chúng ta không nhìn thấy chính mình - đây là vấn đề. Giới luật cũng giống như cái hàng rào bảo vệ để chúng ta không lầm lỗi, cho nên chúng ta nên trân trọng nó.

Nếu bạn không tự mình nhìn thấy giá trị thật của giới luật, bạn sẽ thấy nó khó khăn. Nhiều năm trước khi tôi đến Wat Pah Pong, tôi quyết định rời xa tiền bạc. Tôi nghĩ về điều này rất lâu. Cuối cùng, tôi cầm túi tiền của mình, đi thẳng tới người bạn đồng đạo đang chung sống với tôi vào lúc đó, và đặt túi tiền xuống trước mặt anh ta.
“Này anh, hãy giữ lấy số tiền này. Từ nay trở đi, ngày nào tôi còn là một người xuất gia, tôi sẽ không nhận tiền hay giữ tiền giữ tiền trong người. Bạn có thể là nhân chứng của tôi”.
“Hãy giữ nó, anh có thể sẽ cần nó cho việc tu học của mình”. Vị tỳ kheo đáng kính đó tỏ ra không muốn nhận túi tiền. Anh ngượng nghịu hỏi,
“Tại sao anh không muốn giữ số tiền này?”
“Anh không cần lo cho tôi. Tôi đã quyết định rồi. Tôi đã quyết định từ tối hôm qua”.

Từ ngày anh ta lấy số tiền đó, giữa hai chúng tôi dường như có một khoảng cách. Chúng tôi không còn hiểu nhau nữa. Tuy nhiên, anh ta vẫn là nhân chứng của tôi cho đến ngày hôm nay. Từ dạo đó, tôi chưa bao giờ sử dụng tiền hay dính dấp đến bất cứ sự mua bán nào. Tôi đã kiềm chế chính mình ở mọi mặt có liên quan đến tiền bạc. Tôi chỉ theo đuổi việc tu hành. Tôi không còn cần đến sự giàu có. Tôi xem nó như thuốc độc. Dầu bạn cho thuốc độc tới người, tới chó, hay tới bất cứ chúng sinh nào, nó đều dẫn đến sự chết chóc hay đau đớn. Nếu chúng ta nhận rõ điều này, chúng ta sẽ luôn cảnh giác để không uống nhầm phải “chất độc” đó. Khi chúng ta nhìn thấy sự tai hại của nó, chúng ta dễ dàng buông bỏ nó hơn.

Còn đối với những thức ăn cúng dàng, nếu tôi nghi ngờ về sự tinh khiết của chúng, tôi sẽ không nhận chúng. Dầu thức ăn đó có thơm ngon hay sạch sẽ bao nhiêu, tôi cũng sẽ không đụng đến. Ví dụ, bạn đi khất thực và nhận được một ít cơm và cá mắm gói trong lá. Khi về chỗ ở mở gói thức ăn ra, bạn thấy cá mắm - chỉ việc ném nó đi! Ăn cơm trắng tốt hơnphạm giới. Có như thế, bạn mới có thể nói rằng mình thật sự hiểu biết giới luật. Và rồi giới luật trở nên giản dị hơn.

Nếu những vị sư khác muốn tặng tôi những đồ dùng cần thiết, như bát ăn cơm, dao cạo, hay bất cứ gì, tôi sẽ không nhận chúng trừ khi tôi biết rõ rằng người cho là những đồng đạo có cùng tiêu chuẩn trì giới như tôi. Tại sao không? Làm sao bạn có thể tin tưởng một người buông lung? Họ có thể làm đủ thứ chuyện. Những vị tăng buông lung không nhìn thấy giá trị của giới luật, cho nên họ có thể đã nhận những thứ này một cách không chính đáng. Tôi cẩn thận đến thế đó.

lý do này mà vài vị tăng lườm tôi. Họ nói, “Anh ta không thích giao thiệp, anh ta không thích trà trộn với những người khác”. Nhưng tôi vẫn thản nhiên. “Lo gì, chúng ta có thể trà trộn nhau khi chúng ta chết,” tôi nghĩ, “bởi lúc đó chúng ta đều giống như nhau”. Tôi sống với sự chịu đựng. Tôi là một người ít nói. Nếu có ai chỉ trích sự tu hành của tôi, tôi vẫn thản nhiên. Tại sao? Bởi vì dầu tôi có giải thích, họ cũng chẳng hiểu. Họ không biết gì về sự tu hành. Giống như những khi tôi được mời tới một buổi lễ mai táng và có người nói, “Đừng nghe ông ta nói! Chỉ việc bỏ tiền vào túi ông ta và đừng có nói cho ông ta biết. Đừng để ông ấy biết”. Tôi nghĩ, “Này, bạn cho rằng tôi chết rồi hay sao? Chỉ vì có người gọi rượu là dầu thơm, đâu có nghĩa là rượu sẽ trở thành dầu thơm. Nhưng những người như bạn, khi muốn uống rượu, thì gọi là dầu thơm, rồi cứ thế mà uống. Các bạn đúng là điên!”.

Cho nên, luật tạng có thể rất khó. Bạn phải biết tri túc và sống tách biệt. Bạn phải nhìn thấy sự việc và nhìn thấy chúng một cách đúng đắn. Có một lần, khi tôi du hành xuyên qua Saraburi, phái đoàn của chúng tôi đến ở tại một ngôi chùa làng một thời gian. Vị trụ trì ở đó có cùng tuổi đạo với tôi. Buổi sáng, tất cả chúng tôi đều đi khất thực. Khi trở lại chùa, chúng tôi đặt bát của mình xuống. Lúc đó, những người tại gia mang những đĩa thức ăn vào phòng và đặt chúng xuống. Rồi các sư đi đến nơi để thức ăn, mở chúng ra, và sắp chúng thành hàng một. Một vị sư sẽ đặt một ngón tay vào đĩa thức ăn ở cuối hàng của đầu này, và một người tại gia sẽ đặt bàn tay của ông trên đĩa thức ăn ở cuối hàng của đầu kia. Và chỉ vậy thôi! Sau đó thì các sư sẽ bắt đầu phân phối thức ăn này để tất cả cùng ăn.

Có khoảng năm vị sư cùng đi với tôi vào lúc ấy, nhưng không ai trong chúng tôi đụng những thức ăn đó. Khi đi khất thực, tất cả chúng tôi đều nhận được một ít cơm trắng, nên chúng tôi chỉ ăn cơm trắng. Không ai trong chúng tôi dám ăn từ những đĩa thức ăn đó.

Cứ như thế được vài ngày, thì tôi bắt đầu nhận thấy thái độ khó chịu của vị trụ trì. Một trong các nhà sư của ông có lẽ đã nói với ông, “Những vị tăng đó không ăn thức ăn ở đây. Tôi không biết họ muốn gì”.

Tôi phải ở đó thêm vài ngày nữa, nên tôi đến gặp vị trụ trì để giải thích.

Tôi nói, “Thưa Đại Đức, tôi có thể nói chuyện với ngài một vài phút? Tôi sợ rằng có vài điều mà ngài và các sư trong chùa này cảm thấy ngạc nhiên, chẳng hạn như việc chúng tôi không ăn thức ăn mà người tại gia cúng dàng. Tôi xin phép được làm sáng tỏ điều này. Thật sự thì không có gì, chỉ là đường lối tu hành của tôi là như vầy - về việc nhận cúng dàng. Khi người tại gia đặt thức ăn xuống và các sư đi đến, mở thức ăn ra, và sắp xếp để thực ăn được dâng cúng một cách đúng nghi lễ, như thế là sai. Đó là một sự vi phạm giới luật. Nhất là khi vị sư nắm hay chạm vào thực ăn chưa được dâng cúng tới mình. Làm thế sẽ hư hoại thức ăn. Theo luật tạng, bất cứ vị sư nào ăn thức ăn đó sẽ bị xem là phạm giới.

“Chỉ là vì vậy thôi. Không phải tôi có ý chỉ trích người nào, hay tôi cưỡng ép ngài hay các sư sãi trong chùa ngừng làm như thế. Không phải vậy. Tôi chỉ muốn cho ngài biết đến thiện ý của tôi, bởi vì tôi cần ở lại đây thêm vài ngày nữa”.

Vị trụ trì chắp tay nói, “Hay lắm! Tôi chưa bao giờ thấy một vị sư nào giữ những quy luật nhỏ nhặt trong kinh luật như thế. Thời này, những người như vậy thật là hiếm có. Nếu có thì có lẽ họ không ở tại Saraburi này. Cho phép tôi ca ngợi ngài. Tôi không phiền hà gì cả. Đó là điều rất tốt”.

Sáng hôm sau khi chúng tôi đi khất thực về, không một vị sư nào đến gần những đĩa thức ăn này. Những người tại gia chăm lo mọi việc sắp xếp và cúng dàng thực phẩm, bởi vì họ sợ các sư không ăn. Từ đó về sau, các sư sãi có vẻ ái ngại, cho nên tôi cố giải thích cho họ hiểu, để tâm họ được an ổn. Tôi nghĩ rằng họ sợ chúng tôi. Họ cứ lẳng lặng đi vào phòng và đóng chặt cửa lại.

Những ngày sau đó, tôi phải tìm cách làm cho họ thấy thoải mái, bởi vì họ quá hổ thẹn. Tôi đâu có phiền trách họ. Tôi không hề nói những câu như, “Không có đủ thức ăn” hay yêu cầu họ mang cho tôi một thức ăn nào đặc biệt. Tôi đã từng nhịn đói, có lúc bảy, tám ngày liên tục. Ở đây tôi còn có cơm trắng để ăn. Tôi biết tôi sẽ không chết. Tôi có được sức mạnh từ sự tu hành - từ sự tu hành phù hợp với sự hiểu biết của tôi.

Tôi lấy Đức Phật làm gương. Bất kỳ tôi đi đến đâu, bất kỳ những người khác làm gì, tôi không dính dấp tới. Tôi chỉ chú tâm vào việc tu hành. Bởi vì tôi quan tâm tới chính mình. Tôi quan tâm tới sự tu hành.

Những người không trì giới hay hành thiền và những người thật sự tu hành không thể sống chung với nhau. Lúc trước tôi không hiểu điều này. Tôi từng dạy dỗ người khác, nhưng tôi không tu hành. Như vậy là không tốt. Khi tôi nhìn kỹ lại, thì mới thấy là sự tu hành của tôi và sự hiểu biết của tôi cách nhau rất xa như đất với trời.

Vì thế, với những vị tăng muốn lập trung tâm thiền trong rừng, tôi bảo họ đừng làm thế. Nếu bạn chưa thật sự chứng ngộ, hãy khoan nghĩ đến việc dạy dỗ người khác. Bạn chỉ gây thêm phiền phức. Có vài vị tăng nghĩ rằng nếu họ vào sống trong rừng, họ sẽ tìm thấy sự bình an, nhưng họ vẫn không hiểu cốt tủy của sự tu hành. Họ tự mình cắt cỏ, họ tự mình làm tất cả mọi việc. Nhưng điều đó không làm cho họ tiến bộ. Dầu đời sống trong rừng có thanh bình đi nữa bạn cũng không thể tiến bộ nếu bạn tu hành sai cách.

Họ nhìn thấy những vị sư sống trong rừng và bắt chước đi vào rừng, nhưng nó không giống nhau. Áo tu không giống nhau; cách ăn uống không giống nhau; mọi thứ đều khác cả. Và họ không tự huấn luyện, họ không tu hành. Nếu sống như thế mà có kết quả, nó chỉ là một cái cớ để phô trương hay quảng cáo, giống như một cuộc triển lãm y học. Nó sẽ chẳng đi xa hơn thế. Những người chỉ tu hành đôi chút và rồi ra ngoài dạy dỗ người khác là những người chưa hiểu biết tới nơi, tới chốn. Họ không thật sự hiểu. Không bao lâu, họ sẽ bỏ cuộc và tan rã.

Cho nên chúng ta phải học hỏi. Hãy nghiên cứu các giới luật cho đến khi bạn hiểu rõ. Lâu lâu bạn nên hỏi vị thầy về những điểm tinh tế, để được giải thích cặn kẽ. Nghiên cứu như thế cho đến khi bạn thật sự hiểu biết luật tạng.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.