Lời Vào Sách: Tu Tập Sáu Căn Dẫn Đưa Chúng Ta Đến Với An Lạc

20/05/20214:07 CH(Xem: 3623)
Lời Vào Sách: Tu Tập Sáu Căn Dẫn Đưa Chúng Ta Đến Với An Lạc

Như Hùng
SÁM HỐI SÁU CĂN
PHÁP TU VÔ CÙNG GIÁ TRỊ VÀ LỢI LẠC
Văn Học Phật Việt 2020


LỜI VÀO SÁCH

Tu Tập Sáu Căn dẫn đưa chúng ta đến với an lạc

 

Trong kho tàng văn học của Việt NamPhật Giáo, Trần Thái Tông (1225 - 1258) đã có những đóng góp vô cùng to lớn và giá trị, những sáng tác của Ngài, bất hủ qua dòng thời gian, tỏa sáng lồng lộng trên bầu trời Dân Tộc và Đạo Pháp. Trần Thái Tông được kể như một vị Thiền sư cư sĩ vĩ đại, nhà thiền học uyên thâm, thành tựu sự nghiệp giác ngộ. Một vị vua anh minh dũng lược, chiến thắng quân Nguyên Mông giữ gìn bờ cõi, đem lại cường thịnh ấm no cho dân cho nước, đã để lại tấm lòng cao quý thương yêu đời đạo, lưu lại di sản trí tuệ siêu thoát cho hậu thế noi theo.

 

Trong tác phẩm Khóa Hư Lục, phần Sám Hối Sáu Căn là một phương pháp tu tập hành trì thiện pháp, vô cùng ý nghĩa đem lại nhiều lợi lạc thiết thực. Thiết thực ở chỗ chúng ta xử dụng sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) thường xuyên bất kể đêm ngày, nhưng phần nhiều chúng ta lại lạm dụng đàn áp khống chế, không để nó ở nguyên vị để hoàn thành chức năng, ta đòi hỏi tham lam xê dịch đẩy xô nó đến chỗ rã rời mỏi mệt, thân khổ tâm đau. Để mang lại sự lợi ích ta thấu hiểu nhận biết rõ ràng sự đi lại gây tạo làm nên của các căn, để từ đó chúng ta biết cách gìn giữ bảo vệ ngăn ngừa chế ngự, đừng để các căn phát sinh đắm nhiễm, và quan trọng là chúng ta phát nguyện tu tập nuôi dưỡng những giá trị lợi lạc an ổn từ đó. Sáu căn là mầm mống và nguyên nhân và cũng là cửa ngõ tác tạo gây nên khiến ta mải miết chìm đắm trong thế giới thống khổ, đưa ta trôi lăn trong triền phược không biết lúc nào dừng. Nếu chúng ta khéo biết để nguyên vị các căn, như là chức năng tự nhiên vốn có của nó, không tạo cơ hội cho trần, thức nhảy vào gây rối tác động, không tạo sự phân hóa sai biệt biến chất, thì đó là điều vô cùng tuyệt diệu dẫn chúng ta đến với thiện lành cao đẹp. Nhưng khổ một nỗi lo một điều là ta đã không làm như thế, ta làm ngược lại đi ngược lại, ta dung dưỡng o bế các căn để nó tha hồ thỏa thích, tha hồ chạy nhảy gây nên tội lỗi bất thiện, để cho ý dẫn đầu chỉ huy gây rối phá hoại lũng đoạn xúi dục, tác yêu tác quái, toan tính bày mưu lập kế, liên tục quấy nhiễu. Sáu căn duyên với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sinh ra sáu thức (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý thức). Chẳng hạn như mắt, chức năng của mắt là trông thấy nhìn thấy sắc, hiện thể sự vật, đối tượng nhìn thấy, nhưng ta đâu có chịu để cho nó ở yên vị và chỉ dừng lại với sự thấy đó rồi thôi. Khi mắt duyên với trần phần nhiều trở nên biến chất hình thể tướng trạng, ý thức nổi lên sự phân biệt so sánh, trổi dậy vô vàn trạng huống tình huống tâm cảnh sai biệt, đam mê lôi cuốn nhiễm ô, đẹp xấu khen chê ưa thích ghét bỏ. Bày trò lôi kéo chiếm đoạt sở hữu, ngã sở ngã chấp pháp chấp, phiền não bất an đau khổ thi nhau trổi dậy. Như thế là ta đã tạo nghiệp tác nghiệp, tốt xấu, thiện ác, tất cả những gì mình gây tạo nó sẽ bám chặt theo ta như bóng với hình, ta phải gánh chịu nhận phần trách nhiệm.

 

Cho nên khi thực hiện pháp sám hối ta cần chí thành một dạ sám hối những ác nghiệp đã tạo từ vô lượng kiếp đến nay, và hứa là từ nay về sau sẽ từ bỏ không tạo ác nghiệp nữa. Chứ không có nghĩa vừa tạo ác lại vừa sám hối, sám xong lại không chịu hối, cứ thế tiếp tục gây tạo mãi mãi, cái vòng luẩn quẩn lập tới lập lui chẳng đâu là đâu, cái tội ta đã gây sẽ không chuyển đổi. Khi đối trước Tam Bảo để sám hối không có nghĩa chư Phật, Bồ Tát ở đó chứng minh ghi sổ tội phước để rồi ban phước hay giáng họa. Ta rõ một điều là trong đạo Phật không có thần quyền, đức Phật ngài không có thẩm quyền đưa chúng ta lên Niết Bàn hay đày chúng ta xuống địa ngục. Đức Phật chỉ là bậc đạo sư bậc Thầy trí tuệ cao tột, đưa đường chỉ lối cho chúng ta, Ngài chỉ cho chúng ta thấy con đường nào dẫn đến an lạc giải thoát, đâu là nguyên nhân gây nên khổ đau phiền não, để ta tự mình đốt đuốc lên để đi tự mình chứng nghiệm, tự mình giải thoát. Còn đi hay ở đến được hay không và như thế nào thì đó là quyền của riêng ta, Đức Phật cũng không thể ra lệnh hay can dự vào việc làm của ta, cũng như Ngài không có quyền hạn gì trước nghiệp quả do ta gây tạo.

 

Vậy thì, bằng cách nào để phương pháp sám hối mang lại hiệu quả giúp ích một cách thiết thực? Chúng ta cần phải nỗ lực tinh cần, phủi sạch lau chùi bụi trần, đoạn trừ những nghiệp quả bất thiện, một lòng nhiếp tâm sám hối nguyền từ bỏ ác nghiệp, tăng trưởng thiện nghiệp, thề không tái phạm, gìn giữ thanh tịnh giới pháp ta đã nhận lãnh, nuôi dưỡng tâm thiện tánh lành lòng từ bi trí tuệ luôn tỏa sáng. Trong truyền thống tu tập của Phật Giáo Việt Nam, khóa lễ Hồng Danh Sám Hối vào mỗi nửa tháng vào các ngày 14 và 30 hoặc 29 (tháng thiếu) âm lịch. Hiện nay hệ thống thiền Trúc Lâm, thời khóa buổi khuya đều trì tụng Sám Hối Sáu Căn của vua Trần Thái Tông biên soạn. Cho nên việc ta sám hối và dốc lòng sám hối là điều cần thiết, như phápsám hối, không những chúng ta sám hối tội nghiệp mà mình đã gây tạo, chúng ta còn sám hối những khổ đau xấu ác tai hạichúng ta gây ra cho muôn loài chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, và nguyện từ nay đến cuối đời không tái phạm, thực hành hạnh từ bi tăng trưởng trí tuệ.

Chúng con từ vô thỉ kiếp đến nay,

Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.

Rơi ba đường khổ bởi sáu căn lầm;

Không sám lỗi trước, khó tránh lỗi sau”.

 

Từ trước đến nay, trong chúng ta ai không gây nên tội nghiệp ác nghiệp, có điều là chúng ta không biết bao nhiêu, không thể nhớ hết đếm không xuể mà thôi. Phàm là con người, cử chân cất bước động niệm là đã gây nên nghiệp, chỉ là cố ý hay vô tình, tích cực hay tiêu cực, thiện ác ít nhiều. Vua Trần Thái Tông từng nhắc nhở chúng tacử động vận hành đều là tội lỗi” ai trong chúng ta không cử động vận hành thân tâm, ai lại không từng gây tạo ác nghiệp dù ít dù nhiều? Nhìn những gì xảy ra ở hiện tại, phần nào ta có thể đoán biết những gây tạo trước đó của ta như thế nào, nghiệp quả ta đang cưu mang nặng hay nhẹ cũng đủ biết chúng ta gieo trồng trước đó nhiều mỏng ra sao rồi vậy.

 

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của ta đều luôn tạo nghiệp, khi nào ta biết cách tu tập chuyển hóa đổi thay, từ bất thiện nghiệp xấu ác trở thành thiện nghiệp tốt lành. Chỉ khi thiện nghiệp dâng cao mới đẩy bung ác nghiệp ra ngoài, khi điều thiện nổi lên mới đè bẹp cái ác không có dịp trỗi dậy, khi nào trong tâm ta chất đầy việc thiện thì sẽ không có dịp có cơ hội để cho bất thiện trú ngụ. Nó giống như khi ta xử dụng bàn cân để cân một vật gì đó, hể vật nào nặng hơn thì sẽ kéo xuống, vật gì nhẹ hơn sẽ nhô lên. Điều thiện việc ác trong ta cũng thế, cái nào nhiều dày sẽ lôi kéo cái ít hơn, cái nào nhẹ sẽ từ từ biến mất nhường chỗ cho cái nhiều nặng lấn tới. Tiến trình chuyển hóa hoán chuyển đơn giảnrõ ràng như vậy, nhưng chúng ta có làm chịu làm và làm được hay không và như thế nào lại là vấn đề của chúng ta. Không một ai đủ thẩm quyền gánh tội dùm ta, và giúp ta xóa sạch tội, và cũng chẳng một ai đủ năng lực chuyển tội dứt nghiệp cho ta cả, ngoài chính ta chủ nhân của hạnh phúc an lạc khổ đau niết bàn. Chỉ cần chúng ta tu tập sáu căn cho thật trọn vẹn đủ đầy, thì sẽ mang lại an lạc hạnh phúc đích thật cho mình.

 

Chúng ta tạm gọi có ba yếu tố quan trọng, để chúng ta tư duy nhận biếtthực tập, đó là nhận diện, quan sátphát khởi. Nhận diện một cách tường tận bản chất như thật tánh tướng của các pháp, thấy rõ ngã ngã sở pháp chấp, nhận chân sự biến động của các căn. Nhận diện cội nguồn nguyên nhân trôi nổi đi lại của thân, khẩu, ý, thường xuyên duy trì sự thiện lành tỉnh thức trong từng sát na không để gián đoạn ngăn ngại. Khi nhận diện một cách liên tục thường xuyên cũng có nghĩa là ta đang sống trong sự tỉnh thức, là ta phát hiện để phong tỏa ngăn ngừa chế ngự các căn không để cho sự biến động chen vào gây rối. Không tạo cơ hội cho “tâm viên ý mã” lang thang nơi này chốn nọ, ta kịp thời dõi theo chận đứng sự tác hại lầm lạc của nó. Ta thấy rõ những hưng động khởi dậy, và chuyển hóa tức thì những si mê tăm tối trở nên thông tuệ sáng tỏ, hoán chuyển khổ đau phiền não thành niềm hoan hỷ lạc an.

 

Quan sát, tâm cảnh nội giới ngoại giới, sắc pháp tâm pháp tánh tướng một cách tinh tường thấu đáo, sự trỗi dậy đi lại lẩn khuất của các căn, không để cho não phiền bất an đau khổ lấn sân trú ngụ. Khi quan sát tinh tế rõ ràng, tính chất bản chất hiện tượng, những khởi động tương quan phổ cập, rõ biết đầu nguồn cuối đoạn sự vận hành tương tác, những phát khởi biến động từ đó trong đó. Một khi quan sát được vấn đề một cách rõ ràng minh bạch, thì ta mới đủ năng lực tuệ giác để thay đổi làm mới làm một cách trọn vẹn. Ta dõi theo không tạo cơ hội cho tham, sân, si có dịp sai khiến, đẩy xô ta đến với khổ đau phiền não. Ta không thể cứ mãi phó mặt cho những nguy hại lầm lạc bế tắc thấm sâu chồng chất đọng lại. Ta không thể nhập nhằng lẫn lộn cái này với cái kia trong sự đánh đồng suy nghĩ, không tự quán chiếu tuệ tri tìm phương tháo gỡ thoát ra.

 

Phát khởi dưỡng nuôi lòng từ bi yêu thương trí tuệ cao cả, vận hành truyền tải tăng trưởng tâm từ lòng bi mẫn trí tuệ không có biên cương giới hạn, bao trùm rộng khắp đến với muôn loài chúng sanh. Những điều này giúp cho ta thường xuyên biết gạn lọc dứt bỏ rời xa những thói hư tật xấu, những bất thiện xấu ác vốn đã tích chứa trong ta từ trước đến nay. Khi chúng ta phát khởi lòng từ bi tăng trưởng trí tuệ cũng là sự thế vào lấp đầy và đẩy xa những tăm tối bất thiện xấu ác. Đó cũng là sự tinh cần tích cực trong việc làm lớn mạnh trưởng dưỡng lòng yêu thương trí tuệ cao cả đem lại an lạc hạnh phúc đích thực. Những gì cần làm phải làm là ngăn ngừa chế ngự các căn, từ bỏ lìa xa bất thiện xấu ác, tu tập giữ gìn phát huy nuôi dưỡng tâm thiện ý lành, hành động nói năng ngôn ngữ suy nghĩ phù hợp với chánh pháp.

 

Đối tượng dùng để quán chiếu tu tập ở vào thời xưa, tương đối rõ nét hơn bây giờ, dù đối tượng vẫn là thiên nhiêncon người, tâm cảnh. Nhưng ở vào thời của chúng ta thì không hề đơn giản, cũng vẫn đối tượng đó vẫn thiên nhiên con người đó, nhưng hoàn cảnh tâm cảnh bây giờ có nhiều biến tướng, biến chất, giả tướng, giả cảnh, ảo tướng, ảo cảnh, thật giả lẫn lộn khó phân. Tâm thức của ta bây giờ đa dạng quy mô quỷ quyệt ranh mãnh, lắm mưu nhiều chước, lắm trò múa rối tung hô gọi mời, không biết đâu là thật đâu là giả, thật giả khó phân khó lường. Ta dùng cái tạm gọi là thật để quán cái thật ấy, để thấy cái mà ta cho là thật chính là giả không thật chẳng thật, chỉ duyên với nhau mà thành hợp với nhau mà có, duyên đến tạm gọi là có duyên đi lại hoàn không, không thật lộng giả thành chơn.

 

Khi quán chiếu đối tượng ta cho là giả đó, liệu ta có thấy được nhận chân ra được cái thật đằng sau cái giả ẩn mình ở yên nằm ngủ, hay giả vẫn là giả và thật vẫn là thật không thể lẫn lộn, không khởi phân biệt, không loại trừ. Từ giả để ta thấy là thật, từ giả để thấy là giả, từ thật để thấy là thật hữu, từ cái bản chất thật để thấy cái rốt ráo là giả. Huyễn tướng giả tướng giả danh không thật, từ mọi hiện tượng sinh khởi của sắc pháp tâm pháp. Cho cùng bản chất như thật tánh tướng thường tại, bản thể chân như không cùng vô tận, mới là thường hằng vô sinh bất diệt.

 

Phương pháp tu tập của ta bây giờ cũng có sự đổi thay, tham sân si trong ta bây giờ cũng được nâng cấp lên đời, ta chạy theo cảnh theo người, theo kịp trào lưu hiện đại, chỗ nào đông đúc nhộn nhịp là ta chen vào lấn tới, chỗ nào vui vẻ ồn ào là ta có mặt xông lên. Ta chạy kịp theo trào lưu biến hóa, hụt hơi theo sắc màu kiểu cách tướng danh, để được thiên hạ trầm trồ tung hô bái phục, người ngắm kẻ nhìn vỗ tay tán thưởng. Tam độc trong ta càng lên cấp độ cường độ, lòng tham không chỉ dừng lại ở chỗ tham đơn giản, tham nhưng còn biết vừa, ta tham đến chỗ tận cùng của tham, tham hết chỗ nói hết kẽ hở để kẻ khác còn có cơ hội, tham đến độ không chỉ dành phần cho mình, mà còn chừa phần cho con lẫn cháu. Tánh tham lòng tham đó đêm ngày nung nấu, bằng mọi cách mọi chiêu phải tóm gọn về mình, không chừa phần cho ai cả, tham đến chỗ thâm mà vẫn chưa chừa là tại làm sao? Sân hận, cũng dữ dằn không kém chẳng chịu vừa, khi nó nổi lên tàn phá triệt tiêu tất cả mà vẫn chưa hả lòng vừa ý. Còn muốn phá tung phá nát giật sập không chi cứu vãn, không còn đường lui cạn tàu ráo máng. Ta học hỏi chiêu trò cách thức, cái nào càng tinh vi càng khoái, càng làm cho mau tiêu tán càng thích, sân hận truyền từ đời này sang đời khác, mối thù truyền kiếp kéo theo mải miết không chịu dừng. Si mê tăm tối lại càng tối tăm hơn, nhờ phương tiện nối kết hiện đại, nhờ nâng cấp nghĩ suy, nên ta học thật nhanh thói hư ô nhiễm, quen mau chóng thích nghi đắm nhiễm lợi danh, si mê mờ mịt chồng chất cao dày, niềm đau nỗi khổ dâng cao ngập lối, sống mải miết với đam mê hoang tưởng, ngủ quên trong vô minh quên cả lối về.

 

Cũng chỉ vì tại vì, do ta hướng ngoại tìm cầu những điều không thật, nghe lời dụ dỗ mật ngọt rót đầy tai, mất phương lạc hướng chạy theo cảnh theo người, thật giả khó phân khua chiêng đánh trống, tu tập ồn ào quảng cáo rầm rộ. Chỉ có pháp môn ta theo tông phái ta nhập mới là chân chính, giải thoát đâu chưa thấy càng thêm trói thêm buộc thêm ràng. Những diễn biến phức tạp trôi nổi từ nơi các căn, khiến ta càng lạc vào mê lộ, đàng trước mịt mờ đằng sau mất lối, vô minh tham sân si ra sức gây lũng đoạn phá rối. Ta sống và thở trong thế giới muôn màu lắm sắc, biến chất biến hình tinh quái, không một lối thoát không một sinh lộ. Mục đích mà ta nhắm đến có là cần thiết có là chánh đạo, có phù hợp với chánh pháp? Hay chỉ thích hợp với trào lưu, để mong được nổi danh, mong sớm đến đích, dù sai đường lạc bước, tham sân si vô minh chủ động đẩy đưa.

 

Cuộc chiến ở trong tâm thức, những rượt bắt đuổi nhau giành giật, khi các căn lụn bại tâm trí mê mờ ô nhiễm chồng chất, vô thường sinh tử ập đến, sợ hãi lo lắng quá độ, vô minh tam độc thống lãnh ngự trị, cái ác điều bất thiện lên ngôi nắm giữ. Đấu tranh loại trừ rời xa buông bỏ, là cả sự nỗ lực, quá trình liên tục và bền bỉ, nếu không khéo léo vựt dậy trí tuệ sáng soi ta dễ rơi vào lầm lạc trá hình dẫn đến nhiều hệ luỵ, lúc đó kẻ đau khổ não phiền hành hạ, không ai khác chính ta chủ nhân của những vấn đề đó. Một khi ta biết duy trì sự trong sáng lắng đọng thuần khiết, thì tâm ta mới không bị tạp nhiễm biến động xen vào gây hấn, tâm ta trở nên sáng suốt tinh tường. Khi ta thụ động phó mặt không ngăn ngừa phòng bị, để cho dòng tâm thức đi hoang lẫn lộn, không chịu kéo về theo dõi, không chịu dõi theo kiểm soát cứ để cho nó lưu lạc đi rông. Lúc đó nó kéo ta lôi ta khiến ta lầm lũi bước theo, đi mải miết trong sanh tử mịt mùng thăm thẳm, không thấy đâu là bến bờ không tìm được nơi nương tựa. Ta về đâu giữa dòng đời thác loạn, tâm thức nổi trôi bất định, nghiệt ngã khổ đau bám theo phủ kín lối đi về?

 

Níu rồi kéo, buông rồi nắm, bỏ thì vương, vương thì tội, đứng thì đợi, về thì trông, trông rồi ngóng. Cái vòng kim cô nghiệt ngã lo sợ não phiền ấy, cứ đuổi theo bám chặt chơi trò mèo bắt chuột, chơi trò bắt bóng thả mồi, chơi trò trốn tìm cút bắt. Nhưng hình như ta lại rất mực ưa thích chìu chuộng, ta liên tục để cho tâm ta lang thang bất định, thoạt ẩn thoạt hiện chẳng hề tìm cách dẫn dắt, chẳng chịu hướng nó về đường ngay lối thiện. Do ta tại ta lỗi của ta không chịu gạn lọc, không chịu chế ngự, không tìm cách bỏ buông, không dõi theo kiểm soát, không tỉnh thức nhẹ nhàng.

 

Thật ra các căn có thể gây nên tội lỗi bất thiện, nhưng nếu chúng ta biết tu tập hoán chuyển đổi thay làm mới, thì cũng chính các căn góp phần đắc lực tạo nên thiện lành tốt đẹp cho chúng ta vậy. Ta cần nương vào các căn để tu tập, phát khởi tâm từ bi trí tuệ lớn mạnh, sao cho được tươm tất đủ đầy trọn vẹn,  thì chúng ta mới mong có được sự lạc an đích thật. Ta cũng không nên đàn áp bắt buộc chúng một cách đau khổ quá đáng, chúng ta tu tập trong mọi hoàn cảnh, cảnh duyên nghiệp quả số phận, miễn sao ta chọn con đường trung đạo vừa phảichừng mực.

 

Có những điều chúng ta càng suy nghĩ, cố nghĩ luôn suy nghĩ thì lại nghĩ không ra không thấu, nhưng một khi ta buông xuống không thèm suy nghĩ nữa, chẳng có gì để phải suy nghĩ, không suy chẳng nghĩ, để cho đầu óc thảnh thơi không vướng bận, lúc đó bỗng nhiên bừng sáng thấy thật rõ ràng, nhận biết đâu là đâu. Cái thói quen tập trung bóp đầu nặn óc cố suy nghĩ lại trở thành một thứ tập quán cố hữu ở trong ta, nhiều lúc khiến mình phải phiền não khổ đau, khiến mình tìm không ra được lối thoát đa phần là do ta chấp trước và quan trọng hóa vấn đề. Thật ra có gì quan trọng hơn vô thường sinh tử, khi thời gian dừng trôi, khi hơi thở ngừng lại, tới lúc phải ra đi, cho dù không buông cũng phải buông, không muốn đi cũng phải đi, muốn nghĩ cũng không còn nghĩ được, nếu là vậy tại sao ta không thực tập xả bỏ sớm hơn để cho được nhẹ nhàng?

 

Nếu ta biết trở về nương tựa sống với cái sơ tâm ban đầu cái chân tâm, cái tâm thật dễ thương trong sáng hồn nhiên, cái tâm toàn thiện sáng tỏ luân lưu thắm đượm trên mọi nẻo đi về, được như thế thì có gì để ta phải chạy nhảy lăng xăng lo toan giành giật níu kéo. Chúng ta phải thường xuyên duy trì tỉnh thức gìn giữ chánh niệm, nhận biết rõ ràng bản chất như thật của các pháp, kiểm soát cho tốt thân tâm ngôn hành tác tạo suy nghĩ. Ta nỗ lực tu tập trọn vẹn đủ đầy thiện pháp, an trú nơi cảnh giới thiện lành, đã là bước tiến tâm linh cao rồi vậy. Chúng ta tinh cần tu tập một lòng hướng tâm về con đường giải thoát, tuệ giác bừng lên thắp sáng hiện thực, thấy được chân như bản tánh cũng là lúc đốt sạch triệt tiêu, tham sân si vô minh tăm tối. Lúc ấy năng sở tâm cảnh, đối tượng nhận thức cùng chung một bản thể giác ngộ thường hằng trú ngụ.

 

Lời kinh khuya khép lại, di ngôn xưa bỗng trở về lồng lộng, vang vọng thênh thang lời nhắn bảo, khúc thinh âm không cùng, bản hòa tấu vô biên bất tận, thắm đượm cõi thiền tâm. Ngàn năm trước như ngưng đọng lại, cho ngàn sau còn mãi ánh trăng huyền, quá khứ tương lai hiện tại bây giờ, lạc an đong đầy trong từng nhịp thở, ta sống trọn với pháp âm tuyệt vời ấy, ta mãi an vui với diệu pháp chân thường.                                          

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/09/2016(Xem: 10980)
13/04/2013(Xem: 53734)
02/07/2015(Xem: 16221)
18/03/2017(Xem: 9852)
08/03/2019(Xem: 27947)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.