6. Ý Căn, Đầu Mối Của Thiện Ác Tốt Xấu Nguồn Cơn Của Đau Khổ An Vui

20/05/20214:09 CH(Xem: 3493)
6. Ý Căn, Đầu Mối Của Thiện Ác Tốt Xấu Nguồn Cơn Của Đau Khổ An Vui

Như Hùng
SÁM HỐI SÁU CĂN
PHÁP TU VÔ CÙNG GIÁ TRỊ VÀ LỢI LẠC
Văn Học Phật Việt 2020


Ý CĂN
ĐẦU MỐI CỦA THIỆN ÁC TỐT XẤU
NGUỒN CƠN CỦA ĐAU KHỔ AN VUI

 

Trong sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thì Ý đứng sau cùng nằm chót bảng kẻ ở phía sau, nhưng lại đi trước dẫn đầu định đoạt quyết định mọi thứ mọi chuyện mọi việc. Từ sắc pháp tâm pháp, cảm giác cho đến cảm thọ, thiện ác tốt xấu, đau khổ an lạc, buồn vui lo lắng phiền não, tất cả trạng thái tâm sinh lý đều do ý chủ động sai khiến, bày mưu lập kế. Ý kết hợp phối hợp nhẹ nhàng nhanh gọn đến độ ta khó lòng phát hiện kiềm chế, nếu ta lơ đãng mất đi sự cảnh giác cao độ. Ý lập tức nhảy vào gây rối tung hỏa mù ra tuyệt chiêu, điều khiển dẫn dắt đưa ta đến những lầm lạc tai hại, đau khổ triền miên không lối thoát. Ý chạy nhảy lăn xăn, như con vượn chuyền cành như con ngựa chạy rông “tâm viên ý mã”, từ chổ này đến nơi khác, từ đông sang tây, ngồi ở đây mà tâm ý ở tận phương nào. “Nghĩ vơ nghĩ vẩn không lúc nào dừng” ý thường xuyên biến động nổi trôi gây nên muôn vàn nghiệp chướng. Sở dĩ sự xuất hiện của ý trở nên gọn gàng nhanh lẹ, là bởi trong ta vốn cất giữ tàng chứa chồng chất ba độc tham, sân, si vô minh tăm tối. Và đó cũng chính là lý do để ý dễ bề thao túng, lũng đoạn gây rối, tung hoành ngang dọc.

 

Tham, sân, si chính là nguồn căn đưa ta đến với khổ đau, dẫn ta đến lụy phiền bất an, khiến ta mãi miết trôi lăn trong triền phược, chìm đắm trong đêm dài tăm tối, mịt mùng mờ mịt không có lối ra. Lòng tham, sân hận, si mê khiến ta vẫy vùng trong biển khổ sông mê, làm cho ta rối ren quờ quạng bất an trong dòng đời, khiến ta mê muội dại khờ đau khổ trong cuộc sống. Chỉ một chút lòng tham nổi lên cũng khiến cho ta đánh đổi cả liêm sỉ lòng tự trọng, đánh mất nhân cách cùng những đức tính đạo đức cao đẹp, mải mê chạy theo lòng tham ham muốn hưởng thụ. Chỉ một giây sân hận trỗi dậy cũng đủ làm cho ta phá bỏ công đức lâu nay dày công gây dựng, nuôi dưỡng lòng sân si thù hận, khiến ta cả một đời dằn vặt đau khổ. Chỉ trong tích tắc si mê tăm tối, là đã làm cho ta mất phương lạc hướng, không biết đâu nẻo chánh đường tà, đi từ lầm lạc này đến lầm lỡ nọ, sống dỡ chết dỡ, chìm đắm trong mịt mùng tử sinh chưa có dịp thoát ra.

 

Vua Trần Thái Tông (1218-1277) một vị thiền sư cư sĩ vĩ đại sáng tác pháp Sám Hối Sáu Căn để tu tậphành trì thiện pháp. Đây là một phương pháp nhằm phát hiện và nhận diện sự đi lại trôi nổi của các căn, để chúng ta nhận biết một cách minh bạch rõ ràng, thành tâm sám hối, nỗ lực giữ gìn để không tái phạm, phát khởi nuôi dưỡng thiện pháp, đem lại sự an lạc ngay trong cuộc sống.

 

Nghiệp căn Ý là:

Nghĩ vơ, nghĩ vẩn, không lúc nào dừng,

Mắc mưu tình trần, kẹt tâm chấp tướng.

Như tằm kéo kén, càng buộc càng bền,

Như bướm lao đèn, tự thiêu tự đốt.

Hôn mê chẳng tỉnh, điên đảo dối sinh

Não loạn tâm thần, đều do ba độc.

 

a. Tội keo tham là:

Âm mưu ghen ghét, keo cú vét vơ,

Mười vốn ngàn lời, còn cho chưa đủ.

Của chứa tợ sông, lòng như hũ chảy,

Rót vào lại hết, nên nói chưa đầy.

Tiền mục lúa hư, không cứu đói rét,

Lụa là chất đống, nào có giúp ai,

Được người mấy trăm, chưa cho là nhiều,

Mất mình một đồng, tưởng như hao lớn.

Trên từ châu báu, dưới đến tơ gai,

Kho đụn chất đầy, chưa từng bố thí.

Bao nhiêu sự việc, ngày tính đêm lo,

Khổ tứ lao thần, đều từ tham nghiệp.

b. Tội nóng giận là:

Do tham làm gốc, lửa giận tự thiêu,

Quắc mắt quát to, tiêu tan hòa khí.

Không riêng người tục, cả đến thầy tu,

Kinh luận tranh giành, cùng nhau công kích.

Chê cả sư trưởng, nhiếc đến mẹ cha,

Cỏ nhẫn héo vàng, lửa độc rực cháy.

Buông lời hại vật, cất tiếng hại người,

Không nhớ từ bi, chẳng theo luật cấm.

Bàn thiền tợ Thánh, trước cảnh như ngu,

Dầu ở cửa Không, chưa thành vô ngã.

Như cây sanh lửa, lửa cháy đốt cây,

Những tội trên đây, đều do nghiệp giận.

 

c. Tội ngu si là:

Căn tánh đần độn, ý thức tối tăm,

Chẳng hiểu tôn ty, không phân thiện ác.

Chặt cây hại mạng, giết gấu gãy tay,

Mắng Phật chuốc ương, phun Trời ướt mặt.

Quên ơn quên đức, bội nghĩa bội nhân,

Không tỉnh không xét, đều do si nghiệp.

Những tội như thế, rất nặng rất sâu,

Đến lúc mạng chung, rơi vào địa ngục.

Trải trăm ngàn kiếp, mới được thọ sanh,

Dù được thọ sanh, lại mắc ngu báo.

Nếu không sám hối, đâu được tiêu trừ,

Nay trước Phật đài, thành tâm sám hối .

 

Đệ tử chúng con chí tâm phát nguyện:

Một nguyện nguồn linh, luôn luôn trong sạch.

Hai nguyện tạng thức, dứt bặt lăng xăng.

Ba nguyện khối nghi, đều tan nát hết.

Bốn nguyện trăng định, mãi mãi tròn đầy.

Năm nguyện pháp trần, không khởi không diệt.

Sáu nguyện lưới ái, lìa hết buộc ràng.

Bảy nguyện suy nghĩ, thường hành Thập địa.

Tám nguyện nghe suốt, siêu việt tam thiên.

Chín nguyện tâm vượn, không còn nhảy nhót.

Mười nguyện ý ngựa, dứt sạch cương yên.

Nguyện thứ mười một, mở lòng nghe Phật.

Và nguyện mười hai, mến thích Tổ sư.

Sám Hối Sáu Căn, Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

 

Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên đối diện, có sự gặp gỡ tiếp xúc chung đụng với mọi thứ chung quanh, từ cá nhân xã hội đến gia đình, từ người quen cho đến kẻ lạ, mọi thứ mọi việc đều có sự kết nối tương tác. Những mối tương quan đó cần có sự tương hợp tương thích, ta không thể một mình đơn độc, chỉ sống cho một mình chỉ biết có mình mà thôi, ta không thể không giao tiếp để mưu sinh sống còn, ta lại càng không thể cô lập phong bế để tự tồn tại, ta càng không thể gạt bỏ mọi cảnh duyên dễ dàng được. Sự có mặt của chúng tacuộc đời này đã là nghiệp chung, có những liên hệ ít nhiều từ tâm đến cảnh, môi trường cuộc sống, mỗi người mỗi cảnh không ai giống ai, đều có sự khác nhau sai biệt ít nhiều. Nhưng có những thứ những điều lúc nào và bao giờ cũng giống nhau, đó là niềm đau nỗi khổ, buồn phiền, nóng giận, ngậm đắng nuốt cay, niềm đau không tên gọi, nỗi khổ không bến bờ, chỉ khác ở mức độ cường độ cấp độ mà thôi. Nước mắt vẫn cùng một vị mặn, chỉ là lúc nào và bao giờ những giọt mặn ấy nhỏ xuống và nhỏ bao nhiêu bao lâu ngắn dài. Đến chừng nào mới ngừng lại, hoặc có còn chảy xuống tiếp tục hay lại chảy vào bên trong, tích chứa ở trong ấy. Phật dạy, nước mắt nhiều đời nhiều kiếp cọng lại còn nhiều hơn nước đại dương.

 

Thái độ tâm cảnh sống của ta, cách hành xử ngôn ngữ nói năng, suy nghĩ của ta mới là vấn đề, mới là chính yếu mới là quan trọng. Chúng ta sống như thế nào và sống làm sao, để không đau khổ buồn phiền, để không si mê tăm tối, để không lạc bước lầm đường, để không ân hận tiếc nuối. Để cho, tâm ta ý ta lòng ta, cuộc sống cuộc đời ta, lúc nào cũng an lạc thảnh thơi, lúc nào cũng hoan hỷ mỉm cười, lúc nào cũng ban vui cứu khổ lợi mình lợi người.

 

Để bước qua vượt lên thoát ra sống còn, ta cần thực tập cách sống, nghệ thuật sống, nhân cách sống. Sống có đạo đức, có phẩm giá, sống cao đẹp, sống có giá trị, sống sao đem lại ít lợi thiết thực cho bản thân gia đìnhxã hội. Ta cần rời xa những yếu tố góp phần tạo nên những hậu quả bất thiện không tốt, để cuộc sống của ta luôn được mỹ mãn lạc an, để cho sự sống của ta vẹn toàn và có ý nghĩa. Chúng ta cần phải loại trừ chấm dứt lòng tham lam keo kiệt ham muốn, chúng ta quyết tâm từ bỏ tâm sân hận nóng nảy, chúng ta bền ý đoạn trừ ngu si mê mờ tăm tối.

 

1. Tham lam keo kiệt, sự ham muốn, ham thích, thích thú, đam mê, ta có thể tạm chia lòng tham ra làm hai dạng tốt xấu, thiện ác. Về xấu bất thiện, thì lòng tham che mờ tất cả, khiến cho ta không phân biệt được đúng sai, phải quấy, không nhận chân ra được đâu là chánh tà, ngay thẳng, không hiểu rõ được những vấn đề nguy hại. Tham lam keo kiệt, ích kỷ, bòn rút tích cóp của người, ham tiền thích bạc, ham địa vị danh vọng, giàu sang quyền thế, ham muốn tích lũy nắm giữ ôm vào chứ không chịu cho ra. Tham ái trói buộc, tham sống sợ chết, ham ăn thích uống, ham ăn món ngon vật lạ, thích giết hại sinh vật, đam mê rượu chè cờ bạc trai gái, thích khen chê phê phán luận bàn bình phẩm, thích phá phách nổi loạn, gây thù chuốc oán, thích chọc giận phá thiên hạ, thích được ca tụng khen ngợi, đam mê dục vọng lòng tham dục, ham thích bồi bổ o bế tấm thân vỗ về bản ngã, thích làm những ác hạnh về thân, khẩu, ý.

 

Người có lòng tham tốt thiện lành, thì sự ham muốn, ham thích, đam mê, thích thú, thường xuyên hướng về nẻo thiện đường ngay. Thích làm việc lành, ham thích làm việc thiện, thích giúp đỡ người nghèo khổ, thích mang lại niềm vui tiếng cười cho kẻ khác, thích làm thiện bỏ ác, thích làm việc nhân nghĩa, ham thích tu tập, thích đi chùa nghe pháp tụng kinh, thích ăn chay niệm Phật, thích tạo thiện nghiệp, ham muốn gieo nhân thiện để gặt quả lành, thích nghe giảng pháp tụng kinh, ham tích chứa điều tốt việc thiện, ham thích được sống trong giáo pháp chánh pháp của Đức Thế Tôn, nguyện làm những thiện hạnh về thân, về khẩu, làm những hạnh lành về ý.

 

Ở mặt khác, che chắn kỷ hơn tinh vi hơn, nhiều khi lòng tham còn trá hình, núp bóng, đội lốt, giả nhân giả nghĩa, giả danh tu sĩ, lạm dụng tôn giáo, giả tật bệnh, giả làm việc thiện để lừa dối trục lợi, lợi dụng lòng thương người việt tốt của kẻ khác. Đây gọi là, thiện trong hành động nhưng trong bản chất lại là bất thiện, thiện ở bên ngoài nhưng bên trong chưa hẳn là thiện, ngoài thiện nhưng trong lại là ác, hành động thiện nhưng suy nghĩ bất thiện, mới nhìn thoáng qua thì là thiện nhưng trong sâu thẳm lại là bất thiện.

 

Điều quan trọng lòng tham đó, điểm khởi xuất phát từ đâu mang lại, từ đâu đến đâu, nội tâm ngoại giới, từ chìm khuất ở bên trong đến thể hiện ra bên ngoài, từ tâm đến cảnh, từ hành động đến suy nghĩ, từ bản chất đến tác tạo. Tất cả điều đó đều được biểu hiện và thể hiện một cách trong sáng rõ ràng thanh tịnh từ nơi thân, khẩu, ý. Hành động, nói năng, suy nghĩ luôn hướng đến mục đích thiện lành cao cả. Phải là sự toàn thiện, thiện pháp, pháp lành cho tất cả, như thế lòng tham để được sống trong chánh pháp sống đúng với chánh pháp mới mang lại niềm vui sự an lạc viên mãn đích thật.

Để đối trị lòng tham ham muốn, tâm từ bi và hỷ xả, là những công hạnh vô cùng cao đẹp. Trong các hạnh lành thì từ bi đứng đầu, tâm hạnh từ bi rộng lớn bao la không có bến bờ ngần mé, không có giới hạn biên cương, cao cả không gì sánh kịp, một lòng cứu độ chúng sanh không một phút giây ngừng nghỉ. Mọi việc mọi sự nếu lấy từ bi làm đầu, thực hành hạnh từ bi, nuôi dưỡng tâm từ bi thường xuyên lớn mạnh, sẽ đem lại cho chúng ta sự an lạc vô biên. Hỷ xả, chữ xả là bỏ xuống, buông xuống, bỏ đi, quăng bỏ, liệng đi, vứt bỏ, thả ra không níu chẳng kéo, không tiếc nuối vấn vương. Buông xuống những nhọc nhằn phiền muộn lo toan, bỏ đi những khổ đau vướng bận, cũng có thể vì sợ khổ nên ta buông vì sợ đau nên ta bỏ.

 

Chữ Hỷ khó thực hiện hơn và không hề dễ dàng, đòi hỏi nội tâm của chúng ta phải thật sự có sự hoan hỷ vui vẻ, bằng lòng mỉm cười hoàn toàn không hề có sự tiếc nuối, không khởi lên bất cứ sự lợn cợn đắn đo do dự, dù vi tế nhỏ nhoi. Phải là hoan hỷ vui mừng một cách tuyệt đốihoàn toàn tuyệt đối. Cách cho cách tặng đã là quan trọng, nhưng cái tâm hoan hỷ để cho để tặng lại càng quan trọng hơn, tặng tài vật cho người đã là tốt đẹp trân trọng, nhưng trao cả tấm lòng lại càng đáng quý trọng hơn. Đòi hỏi chúng ta có sự quyết tâm cao độ, bền lòng quyết chí, lòng từ mẫn vô biên, cõi lòng hỷ xả nhẹ tênh rộng mở.

 

Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân

Điều thứ hai giác ngộ rằng, càng lắm ham muốn thì lại càng nhiều khổ đau, rằng bao nhiêu cực nhọc trong cõi sanh tử đều do ham muốn mà có. Trong khi đó người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử, lại cảm thấy thân mình và tâm mình được thư thái”.

Điều thứ ba giác ngộ rằng, vì tâm ta rong ruổi chạy theo danh lợi không bao giờ biết chán cho nên tội lỗi ta cũng theo đó mà càng ngày càng lớn. Các bậc Bồ Tát thì khác hẳn: họ luôn nhớ nghĩ đến phép tri túc, an vui sống với đời đạm bạc để hành đạo và xem sự nghiệp duy nhất của mình là sự thực hiện trí tuệ giác ngộ”.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch, langmai.org

 

2. Sân si nóng giận, một khi khởi lên sân hận sân si nóng nảy hung dữ, cho dù núp bóng kiểu gì cách gì, ở trong hay ở ngoài mức độ ra sao chăng nữa, thì đây là sự thiếu kiềm chếtu dưỡng chưa được tốt. Trong ba độc, sân si tương đối dễ nhận diện hơn, do nó bộc lộ ra bên ngoài, xuyên qua hành động, ngôn ngữ nói năng, những biểu hiện ở bên ngoài. Khi sân si nổi dậy làm cho ta đảo điên tâm thần không còn bình tỉnh mất đi sự cảnh giác, khi nóng giận nổi lên khiến ta không biết kiềm chế tự chủ. Tha hồ nguyền rủa chửi bới, quậy phá lung tung, đánh nhau đâm chém, văng tục chửi bậy, phá làng quậy xóm. Tự mình đánh mất nhân cách và lòng tự trọng, lại còn gây họa chuốc phiền rước khổ vào thân vào gia đình con cái, khiến cho kẻ khác chê cười, xầm xì bàn tán to nhỏ, nói ra nói vào coi thường khinh miệt. Cũng chỉ vì họ dám đụng đến chọc đến cái bản ngã to đùng của ta, xem thường không coi trọng không xem ta có ký lô nào cả, giành giật miếng ăn của ta, đụng đến tài sản tiền bạc của cải của ta, chọc phá người thân của ta. Nên ta sân hận nóng nảy trả thù trả vốn, dù ta viện dẫn mọi lý do đưa ra mọi lý lẽ, rốt cuộc cũng chỉ thỏa mãn tâm tánh xấu ác, bản năng bất thiện sân tâm chế ngự kiềm tỏa ta mà thôi. Nó vốn tích chứa trong ta từ trước, mỗi ngày một ít, chầy ngày chầy tháng, đến khi không kiểm soát được, tức nước vỡ bờ, giọt nước tràn ly, chịu đựng hết nổi, nó mới phát tiết ra ngoài. Chỉ trong một tích tắt sân si khởi lên, nhưng mức độ tàn phá và những tác hại của nó sẽ ảnh hưởng lâu dài, bào mòn tâm lực thiêu đốt ý chí, tàn phá biết bao công đức tích góp từ trước của ta. Bởi trong ta thiếu sự tha thứ, lòng từ bi chưa đủ lớn mạnh, tu tập chưa đi đến đâu.

 

Những biểu hiện ở bên ngoài thì là như vậy, nhưng nếu sự nóng giận cất chứa chôn dấu ở bên trong thì còn khủng khiếp hơn, nó nung nấu đốt cháy ta từng giờ từng phút, năm này qua tháng nọ, nó âm ỉ cháy thấu tận tim gan xương tủy. “Như cây sanh lửa, lửa cháy đốt cây”, nhiều khi nó cuồn cuộn dậy sóng, muốn la hét vỡ tung, muốn lật tung phá sập, muốn dời sông lấp biển, muốn đánh muốn giết, chửi bới nguyền rủa nói cho sướng miệng đã tai. Nhưng tạm thời ta kiềm chế lại được, gắng nuốt tức giận nóng nảy hung dữ vào trong, không cho nó phát tiết ra bên ngoài, không cho nó bộc lộ để kẻ khác hay biết. Lòng sân hận đó kéo dài ra, kéo dài thời gian thêm nữa, thâm hơn hiểm hơn, để đó chờ đó đợi đó, ngày mai sẽ tính sổ, ngày mốt tính chẵn luôn, mai kia mốt nọ rồi cũng phải trả, “mười năm trả thù chưa muộn”, trù ẻo nguyền rủa sân hận truyền kiếp từ đời này sang đời nọ, “đời cha ăn mặn đời con khát nước” con cái dòng họ nó sẽ trả, kiếp này không trả kiếp sau cũng trả, lẩm bẩm cả ngày lẫn đêm. Sự nóng giận sân si đó đẩy ta từ cõi người bước sang sống trong đọa xứ nóng giận của A Tu La. Hiện tại đã là như vậy thì mai sau cũng sẽ như thế, không thể khác hơn được, nếu trong ta không biết tu tập chuyển hóa đổi thay.

 

Để đối trị lại với tánh sân si nóng nảy hung dữ, đó là lòng kham nhẫn, nhẫn nại, nhẫn nhịn, biết tha thứ. Nhẫn còn là một đức tính cao quý, trong ta nhờ có sự tu dưỡng rèn luyện nội tâm, không để cho những tánh xấu bộc phát. Có sự tỉnh thức trong mọi tình huống, tâm cảnh, có sự cảnh giác cao độ những bất thiện phát sinh, có tấm lòng từ bi bao dung độ lượng, có cõi lòng tha thứ bỏ qua chẳng bận tâm. Khi chúng ta thực tập tu tập theo hạnh nhẫn, thường xuyên có sự tỉnh thức, sân hận nóng nảy khó có dịp phát khởi, một người tu tập tốt biết chế ngự biết kiểm soát, sân hận nóng nảy sẽ không có cơ may tồn tại, không có chỗ để dung thân, không có nơi nương tựa.

 

Chữ nhẫn còn đáng giá liên thành mang lại hạnh phúc an ổn cho cá nhân gia đình xã hội, khi đeo nhẫn mang theo chiếc nhẫn, nó luôn nhắc nhở chúng ta phải luôn nhẫn nhịn. Khi làm làm lễ cưới hỏi cô dâu chú rể cũng đều đeo nhẫn, hẳn phải có lý do ông bà ta mới đặt tên là nhẫn như thế, và như thế nên mới có câu “một điều nhịn chín điều lành”. Phải chăng ông bà đều muốn con cháu phải biết nhẫn, học hạnh nhẫn, thực tập nhẫn thường xuyên, nếu không nhẫn nhịn, vợ chồng gây gỗ không ai chịu nhường ai thì hậu quả sẽ như thế nào, không tương kính tôn trọng lẫn nhau thì sẽ ra sao? Nhẫn chịu nhẫn nhục không phải là sự hèn yếu nhu nhược, không cam chịu cam lòng không phải dung dưỡng cho cái ác bất thiện, không phản kháng, không đáp ứng lập tức, không có nghĩa cúi đầu khuất phục. Chẳng qua chỉ vì lòng hiểu biết, bao dung độ lượng, biết tha thứ bỏ qua những phiền toái không cần thiết, đó là một công hạnh cao quý, tâm lượng hải hà. Nếu chúng ta suy nghĩ một cách tích cực hơn, còn có yếu tố nhân quả, sự trả đi nhận lại ta vốn gieo trồng từ trước. Chỉ có trả nợ mới hết nợ, trả nghiệp mới dứt nghiệp, chạy trốn không phải là giải pháp, ta bằng lòng chấp nhận gánh chịu.

Một người làm chủ được lòng sân hận nóng nảy, thường rất từ tốn trang nghiêm lòng từ bi hoan hỷ toát ra khiến ta quý mến ưa thích, người biết nhẫn nhịn còn là tấm gương cao quý để ta noi theo nhắc nhở chính mình.

 

3. Ngu si tăm tối, là không sáng suốt, si mê mờ mịt, căn tánh chậm lụt, không nhận ra được chân lý, khổ não, không biết đâu là bờ mê bến giác. Sống trong sự trôi nỗi biến động, mê lộ mịt mùng của tâm ý. “Căn tánh đần độn, ý thức tối tăm” không phòng hộ gìn giữ các căn, cứ để rông chơi chạy theo trần cảnh. Tích chứa nhiễm ô bun nhiễm tập khí bất thiện, thâm căn cố đế lâu ngày chầy tháng, nhập nhằng lẫn lộn, không phân thiện ác lẽ phải đường ngay. Vô minh che mờ tối tăm bao phủ, không mở lối khai minh, không có trí tuệ dẫn dắt, cứ thế đêm ngày lặn hụp trong biển khổ mênh mông.

 

Chúng ta cần phải thường xuyên duy trì sự tỉnh thức, sự lắng đọng thuần khiết ở trong tâm, thì ta mới thông suốt tường tận bản thể của từng hiện hữu, không để cho tham sân si xen vào gây rối, không một kẻ hở để những biến động ức chế ru ngủ, không để cho si mê tăm tối lũng đoạn, não phiền có cơ may tác động gây khủng hoảng rối ren. Một khi ta bỏ bê, cứ để mặc cho dòng tâm thức đi hoang rong chơi thỏa thích không biết lối về. Ta lại không tìm cách kiểm soát không chịu theo dõi, cứ để nó lang thang lạc lối bờ mê chốn mộng. Như thế là ta trao cho nó cái quyền được làm chủ được sai khiến ta, lôi ta kéo ta đẩy ta lặn hụp trôi lăn trong sanh tử luân hồi không lối thoát không có ngày dứt ra. Đàng trước mịt mùng muôn vạn nẻo, đàng sau thăm thẳm xa không thấy đâu là bến bờ. Ta về đâu giữa dòng đời thác loạn, về đâu khi tâm thức cứ mải miết nổi trôi, nghiệt ngã khổ đau phủ kín lối về?

 

Chỉ có tu tập Chánh địnhtrí tuệ, mới đưa ta thoát khỏi si mê tăm tối, chuyển mê khai ngộ. Chỉ khi định tuệ sâu dày mới phá bỏ màn đêm u ám, để ánh sáng tuyệt luân của giác ngộ thường hằng tỏa chiếu. Chỉ khi định lực đủ đầy trí tuệ bừng lên, mới nhận chân ra được bản thể như thật của các pháp. Minh tâm kiến tánh, đoạn trừ si mê lầm lạc bao phủ, tuệ giác bừng dậy soi sáng nẻo vô minh.

 

Này chư Hiền, thế nào là Chánh định? Này chư Hiền, ở đây, Tỷ Kheo ly dục, ly ác, bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. (Vị Tỷ kheo ấy) diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. (Tỷ kheo) ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. (Tỷ kheo ấy) xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư Hiền, như vậy gọi là Chánh định”.

Toàn Tập Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, tập 05 trang 554-555

 

Chỉ có chấm dứt rời xa từ bỏ những tham dục, xấu ác, bất thiện hướng tâm vào thiền định phát khởi tuệ giác an trú trong cảnh giới tròn đầy của hỷ lạc. Bốn cảnh giới thiền định của bậc Thánh, siêu thoát cao tột, xả lạc, xả khổ, từ bỏ tất cả, đến chỗ không còn gì không có gì, không hoàn không, sự lắng đọng trùng khắp, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, đưa đến sự chứng đạt định tuệ vô thượng viên mãn.

 

Trong Kinh Trung Bộ, bài kinh số 152 Kinh căn tu tập, Đức Phật thuyết giảng “Vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh” phòng hộ các căn, các căn được tu tập.

 

Này Ananda, thế nào là Vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh?

 

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo, ý nhận thức các pháp khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: "Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả". Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Này Ananda, như một người cho nhỏ hai ba giọt nước trong một cái chậu bằng sắt đun nóng mỗi ngày, này Ananda, các giọt nước rơi rất chậm nhưng chúng bị tiêu diệt, biến đi rất mau, cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các pháp do ý nhận thức.

Như vậy, này Ananda, là vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh”.

Và này Ananda, thế nào là bậc Thánh các căn được tu tập?

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo sau khi tai nghe tiếng..., mũi ngửi hương..., lưỡi nếm vị..., thân cảm xúc..., ý nhận thức pháp, vị Tỷ-kheo khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: "Mong rằng tôi an trú với tưởng không yếm ly đối với (sự vật) yếm ly", thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yếm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: "Mong rằng ta an trú với tưởng yếm ly đối với (sự vật) không yếm ly", thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yếm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: "Mong rằng tôi an trú với tưởng không yếm ly đối với (sự vật) yếm ly và (sự vật) không yếm ly", thời ở đây, vị ấy sống an trú với tưởng không yếm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: "Mong rằng tôi an trú với tưởng yếm ly đối với (sự vật) không yếm ly và (sự vật) yếm ly", thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yếm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: "Mong rằng, tôi sau khi từ bỏ cả hai yếm ly và không yếm ly, an trú xả, chánh niệm, tỉnh giác", thời ở đây, vị ấy an trú xả, chánh niệm, tỉnh giác.

Như vậy, này Ananda, là bậc Thánh, các căn được tu tập

Toàn tập Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, tập 05 trang 649, 650

 

Khi ý nhận thức các pháp, khi sáu căn trần thức gặp nhau thì sẽ có sự tương tác khởi động vận hành sinh khởi. Sự hưng động trỗi dậy nào đến từ ý đều ngầm chứa những biến động dị biệt đi theo lối mòn của những tư duy định kiến vốn huân tập từ trước. Nhận thức về những cảm nhận, về những khởi dậy đều nằm trong sự phong tỏa của những xúc giác cảm thọ, sắc pháp tâm pháp, những cảm nhận sinh khởi đó nằm ở dạng thô tế hay vi diệu, hữu vi hay vô vi, vừa ý khả ý, bất khả ý không vừa ý, và có sự trộn lẫn có vừa ý và không có vừa ý. Khi có sự nhận biết cao độ, thông tuệ hiểu rõ tường tận nguồn cơn, tuệ tri các pháp như thật tánh tướng, thì sự có mặt hữu vi mặt nổi bề nổi của thô dễ nhận diện và phát hiện hơn. Dù cho trạng thái tâm sinh lý có là thô hay vi tế, vừa ý hay không hoặc là cả hai chăng nữa thì phải cần xử dụng đến ngọn đao của chánh trí tuệ chặt bỏ trừ khử đoạn diệt. Chỉ có sự nhàm chán, ly tham, từ bỏ xả bỏ buông bỏ an tịnh thật sự và hoàn toàn mới trở nên vi diệuthù thắng.

 

Khi các căn tiếp xúc với trần sẽ sinh thức, khi “mắt nhìn sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận thức pháp. Nhanh chóng và ngay lập tức sự phân biệt so sánh đắm nhiễm ham thích của thức sinh khởi phát sinh trú ngụ. Thông thường chúng ta không để cho các căn ở yên vị và làm tròn chức năng của chính nó, mắt không đơn thuần chỉ nhìn thấy sắc rồi thôi, cái thấy đó có bóng dáng của ý thức trỗi dậy, thấy cái gì điều gì và ra làm sao. Mắt nhìn thấy sắc, đối tượng tướng trạng hình dáng bên ngoài, mắt sẽ không dừng lại ở chỗ thấy rồi dừng, lúc này là dịp ngàn năm một thuở để ý thức nhảy vào gây rối lũng đoạn, mắt thấy ra làm sao đẹp xấu ưa thích đắm nhiễm như thế nào mới là vấn đề. Một dấu hỏi to lớn và câu trả lời cũng trở nên gay cấn và lớn vô cùng. Tai nghe âm thanh nghe tiếng đã đành, nhưng nghe tiếng gì nghe làm sao, cũng là dịp anh ý thức thống lãnh chủ sự, nghe âm thanh du dương nghe lời mật ngọt dụ dỗ, âm thanh cuồng nộ, nghe tiếng nhỏ nhẹ dịu êm lời ca mùi mẫn, nghe tiếng thở dài nỗi buồn u uất. Mũi ngửi hương ngửi mùi, nhưng cái chính là hít thở, thở vào thở ra, chúng ta lại quên đi cái chức năng vô cùng quan trọng đó, đến khi không thở, ngưng thở khó thở lúc đó mới là việc lớn trọng đại. Đến khi nào ta biết tuệ tri quán chiếu, hơi thở là sự sống là pháp tu gìn giữ chánh niệm, hơi thở là sự tỉnh thức an lạc diệu kỳ. Phần nhiều ta chỉ chú trọng đến việc mũi ngửi mùi, anh ý lúc nào và bao giờ cũng có mặt nhảy vào nổi loạn quậy phá phân biệt, những gì thơm tho quyến rũ làm say đắm lòng người, mùi hương của thân thể lụa là phấn son, mùi thơm của nước hoa nhan sắc tỏa ra khiến ta mê mẩn tâm thần. Ngược lại những gì hôi thối nồng nặc khó ưa khó chịu khó ngửi, ta bịt mũi lắc đầu xua đuổi chê bai chạy trốn. Lưỡi nếm vị, dịp may cho anh ý đến thăm ngỏ lời to nhỏ rủ rê, phân biệt nào ngon nào dỡ, kích thích lòng tham ham ăn món ngon vật lạ, kiếm tìm chạy rông bồi bổ tấm thân nuôi lớn bản ngã cho tốt tướng đẹp ra, đón nhận lời khen tiếng vỗ tay tán thưởng. Thân xúc, những đụng chạm va chạm, cảm giác cảm thọ, anh ý thức nổi lên trỗi dậy sai khiến lừa dối mê hoặc đắm nhiễm, nào là thô cứng mềm mại, ưa thích đẹp xấu, buồn vui sướng khổ, dễ mến ưa nhìn. Ý nhận thức pháp, sắc pháp tâm pháp, tất cả mọi hiện tượng sự vật, biểu hiện của hình thể tướng trạng, tâm cảnh cảnh duyên, ý thức khởi lên nhận thức so sánh phân biệt. Dù đến từ đâu ở đâu, tầm nhìn góc độ nào chăng nữa, tình huống và tâm trạng, vừa ý không vừa ý hoặc cả hai vừa có vừa không, tình huống tâm trạng, phải có sự ý thức cao độ về vô thường sanh diệt biến hoại, quyết lòng nỗ lực để đạt sự chứng ngộ lạc an, đều phải có sự nhàm chán, rời xa tham đắm, đoạn trừ, chế ngự các căn.

 

Khi đối diện với năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) sắc pháp tâm pháp, trần cảnh tâm cảnh, nội giới ngoại giới, những gì thuộc về phần thô mặt nổi, chúng ta dễ nhận diện quan sát, dễ phát hiện mặt mũi. Dù vậy để có sự nhận biết chận đứng lìa xa từ bỏ là cả vấn đề, trong ta phải thường xuyên có sự tỉnh thức, có chánh niệm, có tuệ tri. Những khởi động trỗi dậy vận hành đi lại phát sinh đến từ năm uẩn, tất cả đều là vô thường biến hoại diệt vong, chúng ta cần phải nhàm chán, lìa bỏ rời xa lập tức tức thì, đoạn trừ xóa bỏ chấm dứt tất cả. Để tuệ giác trỗi dậy lối vào giác ngộ thênh thang rộng mở lạc an thường xuyên trú ngụ.

Sống tinh cần, tỉnh thức

Học chân lý nhiệm mầu

Thực chứng được niết bàn

phước đức lớn nhất”.

 

Chung đụng trong nhân gian

Tâm không hề lay chuyển

Phiền não hết, an nhiên

phước đức lớn nhất”.

Kinh Phước Đức, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch, langmai.org

 

Có hai pháp tu để chứng đạt an ổn, lìa xa các khổ ách, đó là có nhiệt tâm và có biết sợ. Nhiệt tâm, là sự cần mẫn, tinh cần tinh chuyên, sự quyết tâm cao độ phải hoàn thành, phải thực hiện cho được trọn vẹn đủ đầy. Bằng mọi giá và bằng tất cả, nỗ lực hết lòng tu tập thiện pháp, quyết không để gián đoạn ngăn ngại. Có nhiệt tâm, lòng nhiệt huyết mới hoàn thành sứ mệnh giải thoát cao cả. Biết sợ, để tránh xa, đoạn trừ, buông bỏ, xả ly, sợ phải luân hồi sanh tử, sợ ngu si tăm tối, sợ vô minh dẫn dắt, tham ái trói buộc, sợ sân hận si mê, sợ phiền não khổ đau đeo cứng bám chặt. Có biết sợ, mới đủ năng lực hoàn thành sự nghiệp giác ngộ vô thượng.

Trong cuộc gặp gỡ trao đổi với Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, bậc tu hạnh đầu đà đệ nhất, Tôn giả Xá Lợi Phất, bậc trí tuệ đệ nhất, đề cập đến nhiệt tâm và biết sợ như sau:

 

Và này Hiền giả, thế nào là nhiệt tâm?

Ở đây này Hiền giả, vị Tỷ Kheo suy nghĩ: “Các ác, bất thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng khởi lên, chúng có thể đưa đến bất lợi” vị ấy khởi nhiệt tâm. “Các ác, bất thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng không bị đoạn diệt, chúng có thể đưa đến bất lợi”, vị ấy khởi nhiệt tâm. “Các thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng không khởi lên, chúng có thể đưa đến bất lợi”, vị ấy khởi nhiệt tâm. “Các thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, chúng có thể đưa đến bất lợi”, vị ấy khởi nhiệt tâm.

Như vậy, này Hiền giả, là có nhiệt tâm”.

 

Và này Hiền giả, như thế nào là có biết sợ?

Ở đây này Hiền giả, vị Tỷ Kheo suy nghĩ: “Các ác, bất thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng khởi lên, chúng có thể đưa đến bất lợi” vị ấy có biết sợ. “Các ác, bất thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng không bị đoạn diệt, chúng có thể đưa đến bất lợi”, vị ấy có biết sợ. “Các thiện pháp không khởi lên nơi ta. Nếu chúng không khởi lên, chúng có thể đưa đến bất lợi”, vị ấy có biết sợ. “Các thiện pháp khởi lên nơi ta. Nếu chúng bị đoạn diệt, chúng có thể đưa đến bất lợi”, vị ấy có biết sợ.

Như vậy, này Hiền giả, là có biết sợ”.

Như vậy, này Hiền giả, là có nhiệt tâm, có biết sợ có thể có giác ngộ, có thể có Niết Bàn, có thể có chứng đạt vô thượng an ổn khỏi các khổ ách”.

Toàn Tập Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ, tập 7 trang 328-329

 

Khi bất thiện pháp, cái ác điều xấu khởi lên, chúng ta cần phải có sự nhiệt tâm lòng nhiệt thành để đoạn diệt tiêu trừ ngăn chặn không để cho nó phát khởi, không để cho nó có dịp gây nguy hại, không để cho nó lôi kéo dẫn dắt. Cả hai khía cạnh thiện và bất thiện, tốt xấu, bất lợi, đều đòi hỏi chúng ta phải có sự nhiệt tâm lòng nhiệt thành, để phát hiện ngăn ngừa điều xấu cái ác, không chó nó sinh khởi, không để nó xâm chiếm trú ngụ, cần phải chặn đứng và đoạn trừ. Nhiệt tâm tu tập thiện pháp tăng trưởng hạnh lành, liên tục phát huy nuôi dưỡng tâm thiện ý lành luôn cao đẹp, gìn giữ duy trì thiện pháp, quyết không để hư hao mai một, biến hoại đoạn diệt. Nhiệt tâm lòng nhiệt thành, là những lực đẩy, sức mạnh cao tột, năng lực thiện xảo hội tụ, đưa ta hoàn thành đạo nghiệp giác ngộ, đạt được sự an lạc tròn đầy viên mãn.

 

Biết sợ, tâm biết sợ giúp ích cho ta rất nhiều, sợ điều ác việc xấu khởi lên đưa đến bất lợi gây nguy hại, sợ phải sinh tử luân hồi, sợ nhân quả nghiệp báo. “Bồ tát sợ nhân chúng sanh sợ quả” sợ trôi nổi lầm than đau khổ, sợ vô thường cướp đoạt tử sinh ly biệt, có nhiều thứ nhiều điều nhiều việc để lo để sợ. Biết sợ bất thiện pháp khởi lên mà không phát hiện kịp thời để ngăn ngừa đoạn diệt, sợ cái xấu điều ác trỗi dậy gây phiền nhiễu lũng đoạn. Có biết sợ khi thiện pháp khởi lên nhưng không gìn giữ duy trì để chúng hư hao biến mất, khi điều tốt việc lành xuất hiện nếu không nuôi dưỡng phát huy sẽ vô cùng bất lợi, không giúp cho ta đi đến an ổn. Cũng vì biết sợ nên chúng ta rời xa từ bỏ tham sân si, tinh cần nỗ lực tu tập thiện pháp, nhận ra chân lý như thật thường sống trong sự giác ngộ tròn đầy.

 

Ta ồn ào náo động lăng xăng, tâm ta theo đó cũng lung tung chạy nhảy, ta sống đơn giản bằng lòng với hiện thực, tâm ta theo đó mà cam phận giản đơn. Tâm duyên theo trần mà khởi, cảnh theo tâm mà sinh, biết kiềm chế nhận biết buông bỏ xã ly thì mới an lạc được. Không sống với quá khứ những gì đã qua, không bận lòng với hiện tại những gì đang đến đang đi, chẳng lo sợ cho tương lai những gì chưa có mặt. Bỏ, buông, lìa xa tất cả, để có được cái tâm sáng tỏ tự tánh bừng dậy trí tuệ sáng soi, không phải một sớm một chiều và ai cũng làm được. Chúng ta phải ra công gắng sức, liên tục dụng công mài dũa tinh luyện, nỗ lực tinh cần huân tập thiện pháp, thường xuyên nuôi dưỡng từ bi trí tuệ, tùy duyên hành xử. Bỏ khổ tìm vui, hành thiện diệt ác, một lòng hướng đến chân lý cao tột, từ bỏ tham sân si vô minh tăm tối, chấm dứt khổ đau, kiểm soát tâm ý, chế ngự các căn, tăng trưởng hạnh lành cao cả. Tạo mọi điều kiện để cho tuệ giác phát khởi, kết mọi thắng duyên để cho tánh Phật sẵn có trong mỗi chúng ta đêm ngày lớn mạnh, nuôi dưỡng lòng từ bi trí tuệ luôn rực sáng. Một khi chúng ta thấu hiểu tuệ tri có được sự minh mẫn sáng suốt tỏ tường, nhận chân nguồn cội của từng vấn đề, thường xuyên sống với tỉnh thức, không mảy may vướng bận, dứt bỏ mọi lo toan, lìa xa mọi tăm tối. Được vậy, có như vậy, thì cái tâm đó, con người đó hành giả đó, mới trở nên trong sáng tròn đầy tỏa chiếu, mới trở nên nhẹ nhàng thong dong, an lạc giải thoát mới thường xuyên trú ngụ.

 

                          

 

                           Cùng một tác giả

 

 

 

  1. Thiền SưTư Tưởng Giác Ngộ, Chân Nguyên xuất bản 1987, Lotus Media tái bản 2019          
  2. Thiền SưTư Tưởng Giác Ngộ 2, Lotus Media xuất bản 2019
  3. Gõ Cửa Vô Thường, Lotus Media xuất bản 2019
  4. Cõi Thơ Thanh Trí Cao, Lotus Media xuất bản 2019
  5. Tìm Hiểu Thơ Thiền Việt Nam, Lotus Media xuất bản 2019
  6. Tư Tưởng Thiền Tông Việt Nam, Văn Học Phật Việt 2020
  7. Sám Hối Sáu Căn, Pháp Tu Vô  Cùng Giá TrịLợi Lạc, Văn Học Phật Việt 2020
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/09/2016(Xem: 10982)
13/04/2013(Xem: 53735)
02/07/2015(Xem: 16222)
18/03/2017(Xem: 9852)
08/03/2019(Xem: 27949)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.