Các bạn thân mến,

Tôi viết bài thơ sau đây trong thời chiến tranh Việt Nam, sau khi Không Quân Mỹ dội bom thành phố Bến Tre. Bến Tre là quê hương của một trong những vị đệ tử lớn của tôi, Sư cô Chân Không. Không quân Mỹ dội bom Bến tre vì thấy có năm hay sáu tên du kích ở đấy. Bài thơ nói về cơn giận.

Tôi bưng mặt trong lòng hai bàn tay
Có phải để khóc đâu anh
Tôi bưng mặt để giữ cho ấm áp sự cô   đơn
Hai bàn tay chở che
Hai bàn tay nuôi dưỡng
Hai bàn tay ngăn cản
Sự ra đi hờn dỗi của linh hồn.[1]   
 
Tôi giận lắm. Cơn giận là một thứ năng lượng làm cho ta và những người quanh ta đau khổ. Là một tu sĩ, khi tôi nổi giận, tôi biết cách chăm sóc cơn giận. Tôi không để nó gây ra đau khổ hay tàn phá tôi. Nếu bạn chăm sóc được cơn giận và tìm được sự nhẹ nhàng trong tâm hồn, thì bạn có thể sống an lạc với nhiều niềm vui.

 

Năng lượng giải phóng

Muốn chăm sóc cơn giận, trước tiên tôi trở về hơi thở và nhìn sâu vào tâm hồn tôi. Ngay lúc ấy tôi để ý thấy một thứ năng lượng gọi là cơn giận đang bừng sống dậy trong tôi. Rồi tôi nhận thấy tôi cần một thứ năng lượng khác để chăm sóc cơn giận ấy, và tôi mời năng lượng thứ hai này lên giúp tôi. Năng lượng thứ hai này được gọi là chánh-niệm. Mỗi người trong chúng ta đều có hạt giống chánh-niệm. Nếu ta biết cách tiếp xúc với hạt giống ấy, ta có thể làm phát sinh năng lượng chánh niệm. Và nhờ năng lượng chánh niệm, ta có thể chăm sóc năng lượng giận dữ.

Chánh niệm là thứ năng lượng giúp ta nhận biết được điều gì đang xẩy ra. Ai cũng có thể sống trong chánh niệm. Những người thực tập mỗi ngày có khả năng sống trong chánh niệm nhiều hơn những người không thực tập. Những người không thực tập vẫn có hạt giống chánh niệm nhưng yếu lắm. Chỉ thực tập trong ba ngày thôi ta đã có thể làm tăng trưởng năng lượng chánh niệm.

Bạn có thể có chánh niệm trong bất cứ việc gì bạn làm. Khi bạn uống một chén nước, nếu bạn biết bạn đang uống nước lúc đó, và bạn không nghĩ đến một điều gì khác cả, là bạn đang uống trong chánh niệm. Nếu bạn tập trung hết thảy con người của bạn, thân và tâm, vào chén nước, ấy là bạn có chánh niệmchánh định, và sự uống ấy có thể được mô tả là uống nước trong chánh niệm. Bạn đã uống không những bằng miệng mà còn bằng toàn thântâm thức bạn nữa. Ai cũng có thể uống nước trong chánh niệm. Đó là cách tôi được huấn luyện từ khi tôi còn là một chú tiểu.

Bạn có thể bước trong chánh niệm ở bất cứ nơi nào. Khi bạn bước hãy tập trung tâm ý vào việc bước. Hãy nhận rõ mỗi bước đi, và đừng nghĩ đến chuyện khác. Như thế gọi là đi trong chánh niệm. Đi như thế lợi ích vô cùng. Đi như thế, mỗi bước chân sẽ đem lại vững chãi, thảnh thơiuy nghiêm. Bạn làm chủ được thân tâm bạn. Đi như vậy gọi là thiền hành.

Bất cứ lúc nào tôi đi từ chỗ này đến chỗ khác, tôi đều thực tập thiền hành, dù cho khoảng cách chỉ là một hay hai mét. Leo cầu thang tôi cũng thực tập thiền hành. Bước xuống cầu thang tôi cũng thực tập thiền hành. Bước lên máy bay, tôi thực tập thiền hành. Đi từ phòng tôi đến phòng vệ sinh, tôi thực tập thiền hành. Đi xuống nhà bếp, tôi thực tập thiền hành. Tôi không có cách đi nào khác, chỉ có đi trong chánh niệm. Nó giúp ích cho tôi rất nhiều. Nó đem lại cho tôi sự chuyển hóa, sự hàn gắn và niềm vui.

Khi bạn ăn, bạn cũng có thể thực tập chánh niệm. Ăn trong chánh niệm đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc. Trong truyền thống của tôi, ăn là một sự thực tập sâu sắc. Trước hết, chúng tôi ngồi trong một thế ngồi vững chãi, và nhìn vào thức ăn. Rồi với chánh niệm, chúng tôi mỉm cười với thức ăn. Chúng tôi thấy thức ăn như là một vị đại sứ đến từ Trời và Đất. Nhìn một trái đậu, tôi có thể thấy đám mây đang bay trong ấy. Tôi có thể thấy mưa và nắng. Tôi nhận ra rằng trái đậu này là một phần của trái đất và của bầu trời.

Khi tôi cắn trái đậu, tôi biết rằng đây là trái đậu mà tôi đã cho vào miệng. Không có gì khác trong miệng tôi, không có buồn phiền hay sợ hãi. Khi tôi nhai trái đậu, tôi chỉ nhai trái đậu, không phải nhai những dự án hay cơn giận của tôi. Tôi nhai rất cẩn thận, với một trăm phần trăm con người của tôi. Tôi cảm thấy có sự liên hệ với bầu trời, quả đất, người nông dân trồng cây, và những người nấu thức ăn. Ăn như thế, tôi cảm thấy tôi có vững chãi, tự do và niềm vui. Bữa ăn không những nuôi dưỡng cơ thể tôi, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, ý thứctinh thần tôi.

 


[1] Thơ Từng Ôm Mặt Trời Từng Hạt – Nhà Xuất Bản Lá Bối, Walnut Creek, CA 1996.