- Mục Lục
- 01– Luận Về Sự Cảm Ứng
- 02– Sự Thiết Yếu Của Niệm Phật Cùng Tham Thiền
- 03– Khai Thị Đại Chúng
- 04– Khai Thị Về Những Điểm Thiết Yếu Khi Niệm Phật
- 05– Khai Thị Về Tịnh Độ
- 06– Pháp Môn Tịnh Độ
- 07– Khai Thị Cho Thị Giả Đẳng Ngu
- 08– Khai Thị Cho Thiền Nhân Huệ Cảnh
- 09– Khai Thị Cho Nhân Trung Tiên Trì Chú Chuẩn Đề
- 10– Khai Thị Cho Từ Tịnh Chi
- 11– Khai Thị Cho Ngô Khải Cao
- 12– Bài Tựa Về Tịnh Độ Chỉ Quy
- 13- Quy Chế Niệm Phật Trong Mười Hai Thời Tại Chùa Hồ Tâm
- 14– Thư Đáp Đức Vương
- 15– Khai Thị Tham Thiền Thiết Yếu
- 16– Khai Thị Cho Tiêu Huyền Đoàn
- 17– Khai Thị Cho Cư Sĩ Vương Hiển Ngung
- 18– Đáp Quan Trung Thừa Trịnh Côn Nham
- 19– Khai Thị Phùng Sanh Văn Phụ
- 20– Khai Thị Thiền Nhân Trí Vân
- 21– Khai Thị Thiền Sư Thừa Mật
- 22– Khai Thị Cho Sa Di Tại Tịnh
- 23– Khai Thị Cho Thầy Đại Tịnh
- 24– Khai Thị Cho Thiền Sư Như Lang
- 25– Khai Thị Cho Thiền Nhân Thạch Ngọc
- 26– Khai Thị Cho Thiền Sư Như Thường
- 27– Khai Thị Cho Thiền Nhân Khánh Vân
- 28– Khai Thị Cho Thiền Nhân Vô Sanh
- 29– Khai Thị Cho Thiền Nhân Tự Tông
- 30– Khai Thị Cho Thiền Nhân Tự Giác
- 31– Khai Thị Đại Chúng
- 32– Khai Thị Cho Thiền Nhân Bảo Quý Bổn Tịnh
- 33– Khai Thị Cho Thiền Nhân Chân Ngộ
- 34– Khai Thị Cho Thiền Nhân Pháp Cẩm
- 35- Khắc Bài Tựa Về Phật Sự Du Già
NHỮNG LỜI KHAI THỊ CỦA ĐẠI SƯ HÁM SƠN
(Trích : Đường Mây Trong Cõi Mộng
Thích Hằng Đạt & Nguyên Phong Phóng tác)
Bài 35 : KHẮC BÀI TỰA VỀ PHẬT SỰ DU GIÀ.
Đức Phật thiết giáo, chú trọng về lý dứt sanh tử, thông tới cõi u minh, đạt đến tình thức loài quỷ thần, độ tận tất cả chúng sanh, dẹp trừ tất cả khổ não. Vì vậy bảo rằng từ bi làm duyên. Gieo duyên với chúng sanh khổ não. Nếu chúng sanh không bị khổ não kịch liệt, thì không thể thấy lòng từ bi quảng đại. Do đó mà xuất ra giáo lý Du Già. Tiếng Phạn chữ Du Già, nơi đây gọi là Tương Ưng, tức bảo rằng tâm và cảnh hoà hợp như một. Song, giáo có hiển và mật. Hiển tức là chỉ thẳng bản nguyên tâm thể của chúng sanh, khiến họ liễu ngộ, để thoát khỏi sự ràng buộc ràng rịt của sanh tử. Lại nữa, chư Phật ấn tâm là dùng thần chú để gia trì, khiến chúng sanh mau thoát các khổ não kịch liệt. Do đó mới thiết lập quy thức độ sanh.
Chân ngôn vốn từ bộ Quán Đảnh, để phá trừ u minh, và cứu vớt vong hồn lưu lạc. Khởi đầu do tôn giả A Nan, vào một buổi tối nọ, đang ngồi thiền trong rừng, thì thấy quỷ vương hiện ra trước mặt, cầu khai mở pháp thí thực, cùng chú nguyện thức ăn nước uống, để tế độ hà sa chúng sanh. Nhân duyên này xuất phát từ thần tăng Tây Vực, rồi lưu truyền qua cõi Chấn Đán. Từ đó, ngài tam tạng Bất Không tuyên dương mật ngôn. Dần dần đến đời vua Lương Võ Đế ; nhân hoàng hậu Hy Thị bị đoạ làm thân rắn mãng xà, hiện hình cầu cứu độ, nên nhà vua thỉnh hoà thượng Chí Công, vân tập chư đại đức sa môn, soạn ra văn nghĩa đàn tràng Thuỷ-Lục, u hiển linh kỳ, tức thông ba cõi, thấu tới loài tình thức. Từ đó đến nay, tăng đồ nương theo nhân này, làm Phật sự Du Già. Đến đời vua Hồng Võ (Chu Nguyên Chương), ông lập quy chế, dùng ba khoa thiền, giảng, Du Già để độ tăng ; dùng ba bộ kinh Lăng Nghiêm, Lăng Già, Kim Cang của Phật Tổ để khảo hạch chư tăng giảng pháp và hành thiền ; dùng diệm khẩu thí thực, văn sao tân tế để khảo hạch chư tăng hành pháp Du Già. Nếu đậu một trong những điều kiện thi đó, thì mới được làm tăng. Ngày nay ở vùng nam bộ, chùa Thiên Giới theo thiền, chùa Báo Ân theo giảng pháp, chùa Năng Nhân theo Du Già. Nơi nơi đều tôn thủ chế độ của quốc gia. Song, kể từ đó, pháp này dần dần theo thế tục mà sinh lắm điều tệ hại. Họ dám phá luật nghi, xem như trò chơi, làm mất đi bổn hoài độ sanh của Như Lai. Biết chư hiếu tử thương mến thân bằng quyến thuộc, nên ngài thuyết ra chân ngôn mật chú, để diễn bày tâm ấn của Như Lai ; thuyết một bài kệ bèn biến địa ngục thành tịnh độ ; tuyên một lời, khiến vạc dầu trở thành ao sen ; pháp âm vang khắp chốn, khiến tội đều tiêu diệt ; nghe tiếng chuông bèn trở về quê quán, thì sao lại cho là việc nhỏ ! Bỏ mất ý chỉ đó, mà làm những việc vô ích, khiến tự tổn hại, cứ vẫn chưa tỉnh !
Sở tăng nọ vì muốn học Du Già, nên theo Tuyết Lãng cùng chư đại đức, nghe giảng kinh luận, bèn hiểu ý chỉ độ sanh của Như Lai, cùng nơi quy hướng. Bùi ngùi vì pháp môn này ngày càng lưu hành thậm tệ, nên lấy quyển văn nghi thức Thuỷ-Lục mà soạn lại khoa nghi, và tuỳ thời mà sửa đổi ; phân điều chiết lý, chương chương rành rẽ, khiến cho những ai cầu nguyện, vì thân bằng quyến thuộc, tận khởi tâm thành, thì được cảm ứng. Ngoài ra, sa môn Thích tử cũng triển chuyển được tam bi, và khởi lòng chí thành, để làm lợi ích cho chúng sanh, hầu mong không quên mất bổn ý của Như Lai. Soạn tập xong, thì Thầy tịch mất. Môn nhân chúng ta, phải nên kế thừa chí nguyện của Thầy, mà khắc bản này để lưu truyền, giúp người làm Phật sự, tránh khỏi sai lầm, phiền hà về những thuật thần bí. Những ai có ý chí khẩn thiết tinh thành, và hiếu tử vì từ thân trong đời hiện tại, mỗi mỗi phải tận tâm cầu đạt thần minh cảm ứng, thì công đức này không phải là ít oi. Hôm nay do lời thỉnh cầu, tôi vì diệu hạnh, và vì những vị có tâm làm lợi ích cho quần sanh, mà viết lời tựa cho pháp Du Già, hầu mong người người đều biết bổn hoài ý chỉ của Phật để lại.