(Đại sư họ Trầm, người đất Cư Khúc, sau khi xuất gia kiêm tu thiền tịnh, đều đi sâu vào chỗ nhiệm mầu. Khi ngài đến Kinh Đô, vua Thần Tông rất trọng, nhân đó ngài tâu xin đem kinh bản in ra thành sách. Đại sư tánh tình cang nghị hết lòng nâng đỡ chánh pháp nên bị kẻ gian ganh ghét. Không bao lâu, có người dâng biểu vu cáo, khi được dời đến hạch hỏi, ngài dùng lẽ chánh phân biện, thần sắc tự nhiên, nhưng rồi cũng bị giam vào ngục. Quan pháp ty lại nhận của hối lộ muốn làm hại, đại sư bảo: “Đã như thế, cần chi ông ra tay”! Nói đoạn, ngài bảo đem nước tắm rửa, thuyết kệ, rồi ngồi ngay mà hóa. Thuở sanh bình, đại sư chỉ dạy pháp môn Tịnh Độ rất tha thiết, bảo rằng: “Khi lâm chung được chánh niệm, toàn nhờ lúc thường nhật dụng công phu sâu”. Xem đại sư sống chết tự do, thì sự tu hành lúc bình thời của ngài có thể suy mà biết được vậy.
Đại sư nói: Người niệm Phật, tâm chân thiết cùng không, có thể xét nghiệm trong lúc vui mừng hay phiền não, căn cứ nơi đây, tâm chơn giả hiện ra rõ ràng, có thể suy ra mà biết được. Đại để như người chân tâm niệm Phật, dù ở cảnh phiền não hay vui mừng, cũng giữ câu niệm Phật không gián đoạn, cho nên những cảnh ấy không làm lay động họ được. Hai điều trên đã không làm lay động, thì đối với cảnh sống chết, họ vẫn tự nhiên không sợ hãi. Người niệm Phật đời nay, hơi có chút chi mừng giận, thì gát bỏ câu niệm Phật ra sau. Như thế làm sao mà niệm Phật được linh nghiệm? Nên y theo lời ta mà niệm Phật, dù ở cảnh thương ghét cũng đừng quên một câu A Di Đà. Nếu giữ đúng như thế mà lúc hiện tiền không được sự công dụng tự tại, khi lâm chung không được vãng sanh Tây Phương, thì cuống lưỡi của ta phải chịu tan nát. Như làm không đúng lời ta, thì niệm Phật không linh nghiệm lỗi ở nơi ngươi, với ta không can hệ gì!