- Bài Tựa Bằng Bạch Thọai
- Thích-ca Mâu-ni Văn Phật
- Sơ Tổ: Tôn Giả Ma-Ha Ca-Diếp
- Nhị Tổ: Tôn Giả A-Nan-Đà
- Tam Tổ: Tôn Giả Thương Na Hòa Tu
- Tổ thứ tư Tôn Giả Ưu-Bà-Cúc-Đa
- Tổ thứ năm: TÔN GIẢ ĐỀ-ĐA-CA
- Tổ thứ sáu: TÔN GIẢ DI-GIÀ-CA
- Tổ thứ bảy: TÔN GIẢ BÀ-TU-MẬT
- Tổ thứ 8: TÔN GIẢ PHẬT-ĐÀ-NAN-ĐỀ
- Tổ thứ chín: TÔN GIẢ PHỤC-ĐÀ-MẬT-ĐA
- Tổ thứ mười: HIẾP TÔN GIẢ
- Tổ thứ mười một: TÔN GIẢ PHÚ-NA-DẠ-XA
- Tổ thứ mười hai: ĐẠI SĨ MÃ MINH (Mahasattva Ashvagosha)
- Tổ thứ mười ba: TÔN GIẢ CA-TỲ-MA-LA (Kapimala)
- Tổ thứ mười bốn: BỒ-TÁT LONG THỌ (Nagarjuna)
- Tổ thứ 15: TÔN GIẢ CA-NA-ĐỀ-BÀ (Kanadeva)
- Tổ thứ 16: TÔN GIẢ LA-HẦU-ĐA-LA (RAHULATA)
- Tổ thứ mười bảy: TÔN GIẢ TĂNG GIÀ NAN ĐỀ (Sanghanandi)
- Tổ thứ 18: TÔN GIẢ GIÀ-DA-XÁ-ĐA (Gayasata)
- Tổ thứ mười chín: Tôn giả Cưu-Ma-La-Đa
- Tổ thứ hai mươi: Tôn giả Xà-Dạ-Đa
Tổ thứ sáu: TÔN GIẢ DI-GIÀ-CA
Tôn giả, Trung Ấn Độ nhân. Sơ học tiên pháp, nhân Ngũ Tổ chí bỉ quốc, Tôn giả chiêm lễ, viết: “Tích dữ Sư đồng sinh Phạm thiên, ngã ngộtiên nhân thọ ngã tiên pháp, sư phùng Phật tử tu tập thiền-na. Tự thử, báo phân thù đồ, dĩ kinh lục kiếp.” Tổ viết: “Chi ly lũy kiếp, thành tai bất hư! Kim khả xả tà quy chánh, dĩ nhập Phật thừa?” Tôn giả viết: “Kim hạnh tương ngộ, phi túc duyên da? Nguyện Sư từ bi, linh ngã giải thoát.” Tổ tức dữ thế độ thọ cụ, phó dĩ Đại Pháp. Tôn giả đắc pháp dĩ, du hóa chí Bắc Thiên Trúc quốc, phó pháp dữ Bà-tu-mật. Tức nhập Sư tử phấn tấn tam-muội, dũng thân cao thất đa-la thọ, khước phục bổn tọa, hóa hỏa tự phần.
Dịch:
Tổ thứ sáu: Tôn Giả DI-GIÀ-CA
Tôn giả Di-già-ca (Micchaka, Mikkaka) người Trung Ấn, trước đây có học pháp tiên. Nhân lúc Ngũ tổ (Đề-đa-ca) đến nước này, Tôn giả chiêm ngưỡng, đỉnh lễ Ngũ Tổ rồi thưa:
- Thưa Thầy! Xưa con và Thầy cùng sanh lên cõi trời Đại Phạm, con gặp tiên nhân trao cho pháp tiên, còn Thầy gặp đệ tử của Đức Phật nên tu tập thiền định. Từ đó, theo nghiệp báo, chúng ta mỗi người một đường, đã trải qua sáu kiếp.
Tổ bảo:
- Chia cách nhiều kiếp, lời ông chẳng dối hư. Nay ông nên bỏ tà về chánh và trụ vào Phật thừa.
Tôn giả thưa:
- Thưa Thầy! Hôm nay, may mắn được gặp nhau, há chẳng phải duyên xưa ư? Xin Thầy từ bi giúp con được giải thoát.
Tổ liền cho Tôn giả xuống tóc xuất gia, truyền giới Cụ Túc và giao phó Đại pháp. Đắc pháp rồi, Tôn giả du hóa đến Bắc Ấn Độ, phó pháp cho Bà-tu-mật (Vasumitra), rồi nhập tam-muội Sư tử phấn tấn, phóng mình lên hư không cao bằng bảy cây đa-la (tala)[1] rồi trở lại chỗ ngồi, hóa lửa tự thiêu.
Bài tán:
Nhất ngộ túc nhân
Thoát tận trí giải
Quy chánh xả tà
Lưỡng thái nhất trại
Sư tử phấn tấn
Thị hà tam-muội?
Thiên cổ du du
Thanh phong biến giới[2]
Dịch:
Thoắt ngộ nhân xưa
Ngọn nguồn tỏ rõ
Bỏ tà quy chánh
So sánh hai bên
Sư tử phấn tấn
Là tam-muội gì?
Nghìn xưa dằng dặc
Gió mát muôn nơi.
Kệ rằng:
Học Tiên học Phật tuy thù đồ
Thời tiết nhân duyên đãi thành thục
Ngẫu nhiên tương phùng nguyên túc định
Lịch kiếp phân tán vị tận sơ
Nhất đán khế hợp toàn đạo quả
Vạn cổ thường dung thị Chân Như
Ngô bối vi hà vô cảm ứng?
Phàm tâm nan đoạn trầm ái hồ![3]
(Tuyên Công Thượng Nhân tác)
Dịch:
Dù cho Tiên, Phật có khác đường
Đúng lúc đúng thời cũng đượm hương
Ngẫu nhiên tương hội duyên đời trước
Bao phen chia cách vẫn còn vương
Một sớm hội thông tròn đạo quả
Muôn đời hằng sáng ấy chơn thường
Hậu bối bởi đâu không cảm ứng?
Phàm phu khó đoạn được tình trường
(Tuyên Công Thượng Nhân)
Tôn giả, Trung Ấn Độ nhân, sơ học tiên pháp: Tổ thứ sáu-Tôn giả Di-già-ca là người Trung Ấn Độ, ban đầu Ngài học “xuất huyền nhập tẫn”[4], tu theo pháp môn thần tiên, là người đứng đầu trong tám nghìn vị tiên lúc bấy giờ.
Nhân Ngũ Tổ chí bỉ quốc, Tôn giả chiêm lễ, viết: “Tích dữ Sư đồng sinh Phạm thiên, ngã ngộ tiên nhân thọ ngã tiên pháp, sư phùng Phật tử tu tập thiền-na. Tự thử, báo phân thù đồ, dĩ kinh lục kiếp.”: Nhân Ngũ Tổ đến nước Ngài, Ngài đến đỉnh lễ Ngũ Tổ và thưa: “Xưa con và sư phụ cùng vãng sinh lên trời Đại Phạm, sau đó con gặp tiên nhân A-tư-đà, tiên nhân truyền pháp môn tu tiên cho con, còn sư phụ gặp đệ tử của Đức Phật, nên tu tập thiền định. Do đó, hai thầy trò chúng ta hết sinh rồi chết, chết rồi lại sinh; vì đi khác đường nên thọ quả báo khác nhau, trải qua sáu kiếp. Thù đồ “殊途” chính là đường đi khác nhau.
Bài tán:
Nhất ngộ túc nhân, Thoát tận trí giải: Khi vừa gặp nhân duyên xưa thì Tôn giả Di-già-ca thông suốt và hiểu rõ tất cả.
Quy chánh xả tà, Lưỡng thái nhất trại: Ngài trở về chánh giáo, xả bỏ tà giáo; lưỡng thái nhất trại “兩彩一賽” chính là so sánh giữa Phật giáo và Đạo giáo.
Sư tử phấn tấn[5], Thị hà tam-muội?: Sư tử phấn tấn này là tam-muội gì?
Thiên cổ du du, Thanh phong biến giới: Nghìn xưa, thời gian dài như thế, phong cách thanh cao của vị Tổ này vẫn còn khắp pháp giới.
Kệ rằng:
Học Tiên học Phật tuy thù đồ: Học tiên, học Phật, hai con đường này tuy khác nhau nhưng cũng là một.
Thời tiết nhân duyên đãi thành thục: Khi thời khắc đã tới, nhân duyên đã chín, thì dù có chạy đi đâu chăng nữa, vẫn phải quay đầu trở lại
Ngẫu nhiên tương phùng nguyên túc định: Ngũ Tổ và Lục Tổ gặp gỡ nhau, đó là do túc duyên, nhân duyên từ kiếp xưa, đã sẵn bầy.
Lịch kiếp phân tán vị tận sơ: Tuy chia cách rất nhiều đại kiếp nhưng họ vẫn còn nhớ nhau, vẫn biết được mình.
Nhất đán khế hợp toàn đạo quả: Một khi hai người khế hợp thì đạo quả đều sẽ thành tựu.
Vạn cổ thường dung thị Chân Như: Muôn đời luôn còn mãi chính là tự tánh Chân Như này.
Ngô bối vi hà vô cảm ứng?: Chúng ta cớ sao không thành đạo?
Phàm tâm nan đoạn trầm ái hồ!: Vì tâm phàm phu khó đoạn trừ, nên tất cả chúng ta đều lưu chuyển trong biển tình ái và bơi lội ở trong đó.
Tuyên Công Thượng Nhân giảng vào ngày 13, tháng 11, năm 1977
-------------------------
Chú 1: Bài kệ truyền pháp của Ngũ Tổ phó chúc cho Lục Tổ thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục:
Thông đạt bổn tâm pháp
Vô pháp vô phi pháp
Ngộ liễu đồng vị ngộ
Vô tâm diệc vô pháp[6]
Dịch:
Thông đạt pháp bổn tâm
Không pháp không phi pháp
Ngộ rồi như chưa ngộ
Không tâm cũng không pháp.
[1] Cây đa la [多羅樹] (Skt; Jpn tara-ju )
Ngày nay được biết đến qua tên palmyra palm. Cây Đa La thuộc họ dừa và cao hơn hai mươi mét. Lá cây Đa La được sử dụng để ghi lại và bảo tồn các kinh điển Phật giáo ở các quốc gia có nhiều cây này như Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan ... Các Kinh điển Phật giáo được khám phá gần đây được bảo tồn và truyền lại theo hình thức này được gọi là “kinh điển trên lá cọ” (Palm Leaf Sutras). Các Kinh điển và các kinh sách Phật giáo thường đề cập đến cây Đa La như một phương thức đo lường chiều cao, với những câu như "cao bằng bảy cây đa-la" như đoạn văn trên đề cập. Xin tham khảo thêm http://www.sgilibrary.org/search_dict.php?id=2206
[2] 一悟宿因 脫盡知解 歸正捨邪 兩彩一賽
師子奮迅 是何三昧 千古悠悠 清風遍界
[3] 學仙學佛雖殊途 時節因緣待成熟
偶然相逢原宿定 歷劫分散未盡疏
一旦契合全道果 萬古常融是真如
吾輩為何無感應 凡心難斷沉愛湖
[4]“出玄入牝”Tức là pháp xuất hồn. (Xem Kinh Lăng Nghiêm quyển 5).
[5] Sư tử phấn tấn tam-muội 師子奮迅三昧 `(Sanskirt: Simha-vijrmbhita-samadhi) cũng gọi là Sư tử uy tam-muội, Sư tử tần thân tam-muội. Gọi tắt Phấn tấn tam-muội. Đây là loại thiền định có uy lực lớn, giống như sức mạnh mẽ, nhanh nhẹn của sư tử, cho nên gọi là Sư tử phấn tấn tam-muội. Theo Hoa Nghiêm Kinh Pháp Giới Thứ Đệ quyển Trung thì Tam-muội này có thể chia làm 2 loại:
1. Dứt trừ các lậu hoặc vô tri nhỏ nhiệm.
2. Xuất nhập Tam-muội cực kỳ nhanh chóng.
[Có thể tham khảo thêm trong phẩm Thập Định của Kinh Hoa Nghiêm].
(Phật Quang Đại Tự Điển – HT. Thích Quảng Độ dịch)
[6] 通達本心法 無法無非法
悟了同未悟 無心亦無法