3 Trốn Ra Ngoài Biên Cương

28/12/201012:00 SA(Xem: 12285)
3 Trốn Ra Ngoài Biên Cương

ĐƯỜNG TAM TẠNG THỈNH KINH
Võ Đình Cường
(In lần thứ ba, năm 2000 TP. Hồ Chí Minh)

TRỐN RA NGOÀI BIÊN CƯƠNG

Ngài Huyền Trang rời Tràng An với một nhà sư là Hiếu Đạt. Vị sư này quê ở Tần Châu, trở về làng sau một thời gian lưu học tại Tràng An. Huyền Trang đến Tần châu (nay là huyện Thiên Thủ thuộc Cam Túc) trọ lại một đêm, rồi theo một người bạn khác đến Lan Châu (nay là huyện Cao Lan thuộc Cam Túc). Đến đây, Ngài cũng chỉ trọ lại một đêm. Sáng sớm, nhân có người giữ ngựa của quan cai trị Lương Châu (này là huyện Vũ Uy, tỉnh Cam Túc) dắt ngựa trở về huyện, Ngài theo người này đến Lương Châu. Lương Châu là đô thị lớn đất Hà Tây, yếu địa quốc phòng miền Tây của triều Đường. Quan đô đốc Lý Đại Lượng trấn thủ vùng ấy vâng sắc lệnh nghiêm cấm nhân dân đi về phía Tây. Huyền Trang ở lại Lương Châu đến một tháng, chưa biết làm thế nào để trốn ra khỏi cửa thành. Một buổi sáng, thừa cơ lính giữ cửa thành lơ đễnh. Ngài lẩn ra khỏi thành đi về phía Tây. Không rõ vì ai báo tin, sự trốn thoát của Huyền Trang bị Lý Đại lượng biết được; viên quan có cái tên Đại Lượng, mà lại không đại lượng chút nào này, lập tức ra lệnh cho vệ binh đuổi theo để bắt lại. May thay, một pháp sư tên là Tuyệt Uy, nghe thấy Huyền Trang có chí lớn đi Tây du cầu pháp, rất lấy làm khâm phục, mật sai hai đệ tửTuệ Lâm và Đạo Chỉnh dẫn đường cho Ngài đi. Bấy giờ, ba nguời, ban ngày phải lẩn lút, ẩn núp, ban đêm mới dám đi. Họ ngủ trong cỏ rác, nằm dưới sương lạnh, chịu đựng bao nhiêu khó nhọc mới lần hồi đi đến được Trường Dịch, ra khỏi cửa Gia Cốc, đến Qua Châu (huyện Tây An tỉnh Cam Túc bây giờ). Khi nghe tin Ngài đến, quan Thứ sử Qua Châu là Độc Cô Đạt, một tín đồ Phật giáo, không làm khó khăn gì đối với Ngài. Ông ta cho Ngài biết con đường đi về phía Tây khó khăn như thế nào: Từ Qua Châu đi về phía Bắc 50 dặm, có con sông Qua Lô, phía dưới rộng, lòng sông sâu, nước chảy xiết không thể qua được; phía trên hẹp, nhưng lại có đồn trấn thủ đóng, gọi là đồn Ngọc Môn Quan. Muốn đi về phía Tây, tất phải qua đó. Ra khỏi Ngọc Môn Quan, lại phải đi qua năm tòa phong hỏa đài, mỗi đài cách nhau vào khoảng 100 dặm, có quân đội canh giữ. Những đài này xây bằng đá, chỉ phụ cận đồn mới có nước và một ít cây cỏ, ngoài ra là những bãi cát mênh mông. Qua Phong hỏa đài thứ năm là đến địa phận nước Y Ngô (hay là huyện Cáp Mật, xứ Tân Cương).

Ngài Huyền Trang không may con ngựa của mình vừa bị chết, trong hai đồ đệ đi theo thì Đạo Chỉnh đã trở về Đôn Hoàng, còn Tuệ Lâm thì cũng tự nhận thấy không thể đi xa hơn được nữa. Nay lại nghe quan Thứ sử Qua Châu cho biết con đường đi khó khăn, trở ngại như thế, Ngài đau xót vô cùng. Thêm vào nỗi đau xót ấy, tờ truy nã của Đô đốc Lý Đại Lượng ở Lương Châu lại đến nơi! Tờ trát viết: "Nghe có thầy tăng là Huyền Trang muốn sang Tây phương. Vậy sức cho châu, huyện các nơi phải nghiêm nhặt xét hỏi mà bắt giữ lại".

Người lại thuộc ở Qua Châu là Lý Xương lén đem tờ truy nã ấy đến hỏi Ngài:

–Thầy có phải là Huyền Trang không?

Ngài lo ngại bất trắc, chưa trả lời, thì Lý Xương lại nói tiếp:

–Thầy phải nói thực, nếu mà đúng là thầy, đệ tử sẽ liệu cho.

Ngài đành phải nhận mình là Huyền Trang. Lý Xương lấy làm thán phục khen ngợi Ngài rối rít và nói:

–Pháp sư đã có chí nguyện lớn lao, đi được như thế này thì tôi xin vì Pháp sư bỏ tờ điệp này đi.

Nói xong, Lý Xương xé ngay tờ điệp trước mặt Ngài và giục:

–Pháp sư liệu mà đi cho sớm.

Nhưng Huyền Trang chưa đi ngay được! Con ngựa Ngài đã chết, chưa mua lại được, và cũng chưa tìm ra được người dẫn đường.

Một hôm, Ngài đang đi qua đi lại trước cửa chùa, lòng bồn chồn lo nghĩ về việc ra đi, thì có một tín đồ người giống Hồ ( dân bản xứ) đến chùa lễ Phật. Người này họ Thạch tên Bàn Đà. Trong lúc trò chuyện Thạch Bàn Đà tình nguyện thụ giới làm đệ tử Ngài. Huyền Trang ưng cho. Bàn Đà mừng rỡ ra về, chốc lát trở lại đem quà bánh dâng cúng Ngài. Thấy người đệ tử mới thân hình tráng kiện, cử chỉ cung kính, Huyền Trang ngỏ ý sắp đi cho người ấy biết, Bàn-đà sốt sắng tình nguyện xin hộ tống Ngài đi. Huyền Trang quá đỗi mừng rở, sắm áo quần hành trang cho Bàn Đà và mua hai con ngựa cùng hẹn ngày lên đường.

Ngày hôm sau, chú tiểu Hồ ấy lại cùng một ông già người Hồ cưỡi một con ngựa hồng, già và gầy đến. Bàn Đà nói:

–Ông già này rất thuộc đường đi Tây phương, kể ra đã đi lại nước Y Ngô trên ba chục lần. Vậy nên đệ tử mời lão đến đây để hầu chuyện với thầy.

Ông lão lấy tình thật, khuyên Huyền Trang đừng đi. Ông nói:

–Đường sá đi về phía tây rất hiểm ác, trong bãi sa mạc dài tám trăm dặm ở nước Y Ngô, trên không có chim bay, dưới không có thú chạy; rủi gặp bảo cát thì không thể còn tánh mạng. Người ta kết đoàn, kết lũ, còn lo lạc nhau, huống chi nhà Sư đi có một mình, thì làm sao đi được? Xin tự liệu trước chớ để hoài mất tánh mạng.

Huyền Trang trả lời:

–Cám ơn ông đã chỉ bảo. Nhưng chí tôi đã quyết sang Tây phương để cầu Phật Pháp, nếu không đến được Aán Độ, thì nhất định không trở về đây nữa. Túng sử chết ở giữa đường tôi cũng không ân hận.

Ông già thấy sự kiên quyết của Huyền Trang, biết không thể lay chuyển được lòng Ngài, nên đề nghị đổi con ngựa già của mình đang cưỡi cho Ngài:

–Nhà sư đã nhất quyết ra đi, thì tôi không cản nữa, nhưng hãy lấy con ngựa già này của tôi mà cưỡi. Tuy nó già, nhưng nó khỏe, giai sức và lanh lẹ. Nó đi qua lại nước Ý Ngô này hơn mười lần rồi nên nó thuộc đường lắm. Còn ngựa của nhà sư không kinh nghiệm, sợ không đi được.

Huyền Trang nghe theo, đổi ngựa của mình cho ông lão. Ông già mừng rỡ kính chào từ biệt.

Chiều ấy hai thầy trò sửa soạn hành lý, đến tối thì ra đi. Đến canh ba Huyền TrangBàn Đà đi đến bờ sông Qua Lô. Trông xa đã thấy Ngọc Môn Quan. Ở thượng lưu, cách phía trên cửa quan độ mười dặm, hai bờ sông hẹp lại chỉ còn độ một trượng, trên bờ có mấy cây ngô đồng thẳng vút. Hai thầy trò đến đấy, chặt cây làm cầu, trải cỏ rác lên trên để dắt ngựa qua. Người ngựa qua sông được bình yên. Huyền Trang khoan khoái mở yên ngựa và trải đệm ra nằm nghĩ. Tiểu Hồ nằm cách Ngài độ năm chục bước. Hừng sáng, nó rút dao đi nhè nhẹ đến phía Huyền Trang. Còn cách độ mười bước nó dừng lại, rồi quay trở lui, nằm xuống ngủ lại.

Huyền Trang nhận thấy, nhưng làm ra vẻ thản nhiên không hay biết gì cả. Đến sáng, Ngài thức nó dậy, bảo đi lấy nước súc miệng, rửa mặt để sửa soạn lên đường. Nó làm một cách miễn cưỡng. Lúc gần ra đi, nó nói:

–Đệ tử thấy đường đi còn xa mà hiểm nghèo lắm; lại không có nước cỏ gì cả. Nếu muốn có nước và cỏ thì phải đến gần các vọng canh lấy trộm. Nhưng nếu lính gác vọng canh mà biết được thì tánh mạng thầy trò chúng ta cũng không còn. Chi bằng trở vềyên ổn hơn cả.

Huyền Trang nhất định không nghe. Bàn Đà nói:

–Nếu thế thì đệ tử không đi theo được vì việc nhà còn bận nhiều, mà phép vua đệ tử cũng không dám xúc phạm.

Huyền Trang thuận cho nó trở về Qua Châu một mình, nhưng nó trù trừ không chịu trở lui. Hồi lâu nó nói:

–Sư phụ đi, nếu bị người ta bắt được mà cung xưng thật họ tên tôi ra, thì vợ con và cả nhà tôi ra thế nào?

Huyền Trang chỉ lên trời mà thề rằng:

–Nếu chẳng may ta bị bắt, người ta băm vằm ta ra làm muôn mảnh, ta cũng nhất thiết không nói rõ họ tên người ra, người hãy yên tâm.

Được lời cam kết ấy, Bàn-đà mới yên tâm vỗ ngựa quay về.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2023(Xem: 3909)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.