14 Trên Đường Về Trung Quốc

28/12/201012:00 SA(Xem: 12071)
14 Trên Đường Về Trung Quốc

ĐƯỜNG TAM TẠNG THỈNH KINH
Võ Đình Cường
(In lần thứ ba, năm 2000 TP. Hồ Chí Minh)

TRÊN ĐƯỜNG VỀ TRUNG QUỐC

Trên đường về của Ngài Huyền Trang, mặc dù có quân lính của vua Giới Nhật đi hộ tống, nhưng biên giới phía Bắc Ấn Độ là nơi đầy dẫy bọn cướp núi, nên nhiều người vẫn lo ngại sẽ có nhiều sự bất trắc xảy đến cho Ngài. Nhưng pháp sư vẫn tỏ ra bình tĩnh và tự tin. Ngài sai một vị tăng mở đường đi trước đến nói với bọn cướp:

–Chúng tôi là những tu sĩ ở từ phương xa đến Ấn Độ để nghiên tầm kinh điển Phật pháp. Hành lý chúng tôi chỉ gồm có kinh sách, di bảo Phật tíchtượng Phật. chúng tôi tin tưởng ở sự rộng lượng của các người, nên đến để xin các người bảo bọc và giúp đỡ chúng tôi".

Pháp sư đi sau với các đệ tử và những người hộ tống. Đi đến đâu, bọn giặc cướp đều để cho Ngài tự do đi qua.

Khi qua sông Tín độ (Indus), là một trong hai con sông lớn nhất của Ấn Độ, Ngài cưởi con voi lội qua, còn kinh sách, hành lý và đoàn hộ tống thì đi bằng thuyền lớn. Đến giữa dòng sông, đột nhiên sóng gió nổi lên dữ dội, thuyền bị lay động mạnh sắp đắm, kinh sách trong thuyền bị rơi mất hết 50 bộ, và những hạt giống, hoa quả lạ ở Ấn Độ cũng rơi theo. Người phụ trách việc chuyên chở hốt hoảng nhảy xuống dòng sông, nhưng may các bạn đồng hành vớt lên được.

Tai nạn này là biến cố đã làm Ngài Huyền Trang buồn rầu nhất trong chuyến Tây du của Ngài. Nhưng cũng may là khi ấy, vua nước Già-thấp-di-la (Kapica) nghe tin Ngài sắp đến, đã đem quân ra đón Ngài ở trên bờ sông, và trước tai nạn ấy, đã an ủi Ngài bằng cách cho người đi chép lại những bộ kinh đã mất.

Vị vua này lại còn hộ tống Ngài đi qua những nước chư hầu của mình, và đến đâu cũng truyền tổ chức những cuộc đón rước Ngài rất trọng thể, và mở những hội bố thí khắp nơi. Sau khi từ giã vua Già-thấp-di-la, Ngài đi đến phía Tây chân núi Đại Tuyết (Indu-Kush), vua cho người hộ tống Ngài và chuẩn bị chu đáo để Ngài vượt qua ngọn Tuyết Sơn đầy nguy hiểm này. Một vị sĩ quan và độ 100 binh sĩ đi theo mang hành lý, lương thực cho Ngài, tuy thế cuộc vượt núi này cũng vẫn vô cùng gian khổ.

Sau 7 ngày đường, họ trèo lên được một quả núi lớn đầy dẫy những chóp nhọn toàn đá, hình thù quái dị. Đến đây, không còn có thể đi ngựa được nữa; Ngài Huyền Trang phải xuống ngựa, chống gậy đi trước mở đường.

Sau 7 ngày nữa, họ mới đến được một làng nhỏ gồm độ 100 gia đình sống về nghề nuôi cừu. Ngài Huyền Trang nghỉ lại đấy một ngày, rồi khuya hôm ấy lại tiếp tục leo núi lại. Đường đi bây giờ lại càng hiểm trở hơn lúc đầu. Đây đó, nhan nhản những suối và sông đóng băng, nếu không có người bản xứ dẫn đi từng bước thì rất dễ bị rơi xuống vực thẳm. Đoàn lữ hành bây giờ chỉ còn lại bảy nhà sư, 20 người hầu, một con voi, 10 con lừa và 4 con ngựa.

Sau 2 ngày đường, họ mới trèo lên được một chóp núi cao, toàn đá trắng mà nhìn từ xa, người ta cứ tưởng là tuyết. Chóp núi này cao đến nỗi tuyết và mây không thể bao phủ được ngọn. Thảo mộc cũng không thể mọc được. Gió thổi mạnh và lạnh buốt đến nỗi không một người nào đứng thẳng được. Chim cũng không thể vượt ngang chóp núi, mà phải bay vòng quanh ven sườn.

Đoàn lữ hành đi dần xuống phía dưới và hạ trại ven sườn nằm nghỉ một đêm. Sáng hôm sau họ lại tiếp tục cuộc hành trình trong gió tuyết.

Sau khi vượt qua được núi Đại Tuyết, Ngài Huyền Trang ở trọ một tháng tại Diệp Hộ Nha, trong doanh trại của một vị Tiểu vương ở vùng ấy, để lấy lại sức và chuẩn bị cuộc vượt qua núi Thống Lĩnh (Pamir).

Thống Lĩnh là một dãy núi cao độ chừng 4 –5 ngàn thước, quanh năm có tuyết phủ, cây cỏ mọc sơ sài, ngoại trừ một loại cây hành thì lại mọc rất nhiều và tốt, vì thế nên người Trung Hoa mới đặt nên miền núi ấy là "Thống Lĩnh". Miền này quá lạnh lẽo nên dân cư thưa thớt, và phải ở trong hang đá, lẫn lộn với súc vật cho đỡ lạnh. Qua khỏi dãy núi này thì đến một thung lũng nằm giữa hai trái núi cao đồ sộ, quanh năm có tuyết, và gió gào thét một cách ghê rợn. Đoàn lữ hành của Ngài Huyền Trang lội suối trèo đèo, đi quanh co, trong những dãy núi Tuyết ấy hết ngày này sang ngày khác, nếm đủ những lao khổ cùng cực. Vượt qua Kiệt Bàn Đà (Tack-kousghan), Ô Sắt mới đến được nước Khư Sa (Kasha thuộc xứ Tân Cương). Từ Khư Sa, Ngài đi qua nước Tích Cư Già và cuối cùng đến nước Vu Điền (Khotan). Vu Điền là một nước phồn thịnhvăn hóa cao, dân cư sinh sống về nghề nuôi tằm dệt lụa, làm len dạ và khai thác cẩm thạch. Tín đồ Phật giáo ở đây rất đông, tu sĩ có đến năm ngàn người, hầu hết đều theo Đại thừa. Chùa chiền có đến 100 cảnh.

Vua Vu Điền là một Phật tử rất hâm mộ Ngài Huyền Trang, nên mời Ngài lưu lại Vu Điền trong 7 tháng. Trong thời gian này Ngài vừa giảng dạy Phật pháp cho dân chúng ở đây, vừa phái người đi đến các nước Khuất Chi, Khư Sa để dò tìm và sao lại các bản kinh bị thất lạc khi qua sông Tín Độ.

Nhưng công việc chính của Ngài trong lúc ở lại Vu Điền là viết một tờ biểu sai người theo bọn lái buôn mang về Trang An dâng lên vua Đường Thái Tông. Sở dĩ có tờ biểu ấy là vì, khi ra đi, Ngài Huyền Trang đã trái lệnh cấm của triều đình, Ngài sợ bây giờ trở về, vua Thái Tông sẽ truy trách cái lỗi trước, nên viết biểu về vừa tạ tội, vừa có ý báo tin sự thành công của mình trong cuộc Tây du. Dưới đây là tờ biểu ấy:

"Sa môn Huyền Trang tâu gởi: Trang nghe rằng: Mã Dung là người bác nhã, nên Trịnh Huyền mới đến Phù Phong để tìm thấy; Phục Sinh là bực cao minh, nên Triều Thố mới tới Tế Nam để cầu học. Xem đó thì biết rằng Nho, Đạo thuật vốn ở gần, mà cổ nhân cũng còn phải đi xa để khảo xét. Huống chí cái đạo huyền của chư Phật làm lợi ích cho muôn loài, cái diệu thuyết của Tam Tạng khó giải đến muôn phần, lẽ nào dám nản đường xa mà không hướng mộ đi tìm tòi vậy. Huyền Trang nghĩ rằng đức Phật khởi phát ở Tây vức, di giáo mới truyền sang Đông phương. Thế thì thắng điển tuy đã đem lại rồi, nhưng mà viên tông vẫn còn chưa đủ. Bởi vậy, phải phóng cầu, không dám tiếc thân mạng. Tôi đã lấy ngày tháng Tư năm Trinh Quán thứ Ba, mạo phạm hiến chương, lẻn đi Tuyết Lĩnh chon von; nào là cửa Thiết Môn hiểm hóc, đường Nhiệt Hải ba đào. Khởi hành từ Tràng An thần ấp, đi cho đến Vương xá tân thành, trung gian kinh qua hơn năm vạn dặm. Tuy rằng phong tục mỗi nơi một khác, gian nguy khó đến vạn trùng. Song nhờ cậy thiên uy, đến đâu cũng không ai dám ngăn trở; lại nhờ giúp cho hậu lễ, thân mình không đế khổ tân. Nên mới được thỏa nguyện tùng tâm được đến xem núi Kỳ Đồ Quật Sơn, lễ bái cây Bồ đề; thấy những tích chưa từng trông thấy, nghe những kinh chưa từng được nghe. Xét hết sự kinh kỳ của vũ trụ, đạo hóa dục của âm dương. Tuyên bá nguồn đức hạnh của nhà Vua, khởi phát lòng kính nhường ở các nơi thù túc. Châu du lịch lãm đến mười bảy năm; nay đã từ nước Bát-la-ra-gia qua cõi Già Tất Thí, vượt núi Thống Lĩnh, qua sông Ba Mê, đi về nước Vu Điền. Vì con voi lớn đem theo đã chết đuối mất, mà kinh bản đem về rất nhiều, chưa mướn được xe chở, vậy phải tạm đình ở lại, chưa kịp ruổi về để sớm vào yết kiết chốn hiên bệ. Khôn xiết ngóng trông, cẩn sai người tục nước Cao Xương tên là Mã Huyền Trí theo bọn thương lữ đi về trước dâng biểu tâu lên Vua rõ".

Sau khi sai người đem tờ biểu đi rồi, Ngài Huyền trang trở lại Vu Điền, đêm ngày trông ngóng tin tức.

Thế rồi một buổi sáng kia, sứ giả trở về, mang theo tờ sắc chiếu của vua Đường Thái Tông. Tờ chiếu như sau:

"Nghe tin nhà Sư đi phỏng đạo cõi xa, nay mới trở về, hoan hỷ vô chừng! Mong kịp về đến nơi cùng Trẫm tương kiến. Những thầy Tăng nước ấy mà có biết chữ Phạn, hiểu nghĩa kinh, thì cũng cho đem về.

"Trẫm đã sắc cho các đạo Vu Điền sai các nước đem quân tiễn tống, cùng là sức người, xe cộ phải cung ứng cho đủ. Lại sai các quan ty Đôn Hoàng đóng tiếp ở bãi Lưu Sa; người nước Nghiệp Thiện đón tiếp ở bến Thư Mạt" [Ngày nay là huyện Nặc Khương, xứ Tân Cương].
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2023(Xem: 3909)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.