THIỀN SƯ TRUNG HOA TẬP BA
H.T Thích Thanh Từ
Tu Viện Chơn Không 1981
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành - PL. 2534 - 1990
1- Thiền sư Pháp Thành ở Hương Sơn.
2- Thiền sư Tề Liên ở Đại Trí.
3- Thiền sư Tử Thuần ở Đơn Hà.
4- Thiền sư Duy Chiếu ở Bảo Phong.
5- Thiền sư Tổ Tâm Hối Đường Hoàng Long.
6- Thiền sư Khắc Văn Chơn Tịnh ở Phần Đàm.
7- Thiền sư Hồng Anh ở Phần Đàm.
8- Thiền sư Thủ Đoan ở Bạch Vân.
9- Thiền sư Nhơn Dũng ở Bắc Ninh.
10- Thiền sư Thiện Bổn ở Pháp Vân.
11- Thiền sư Tu Ngung Chứng Ngộ ở Đầu Tử.
12- Thiền sư Thiện Ninh Pháp Ấn ở Kim Sơn.
13- Thiền sư Duy Nhạc Phật Nhật ở Tịnh Nhơn.
Ở Hương Sơn
Sư trụ Hương Sơn, Nhữ Châu dạy chúng:
Người biết có Phật, Tổ hướng thượng mới có phần thuyết thoại. Chư Thiền đức! Hãy nói, cái gì là việc Phật, Tổ hướng thượng? Có kẻ con trai nhà người sáu căn chưa đủ, bảy thức chẳng toàn, là đại xiển đề không chủng tánh Phật, gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, Thiên đường thâu chẳng được, địa ngục giữ không cửa, đại chúng lại biết người này chăng? Sư im lặng giây lâu nói: Đối diện chẳng tiên đà, ngủ mê mặc nói mớ. Sư lại nói: Chỉ cái này mang nặng chết người, nhận làm chính mình từ không kiếp, rõ ràng trên đầu thêm đầu, lại nói rơi tại hiện nay nào khác trên tuyết thêm sương, dù được thuần thanh tuyệt điểm vẫn là chân thường lưu chú, hoặc giả chuyển vị hồi cơ giống hệt giữa trưa trốn bóng. Vì thế nói, hai do một có, một cũng chớ giữ, một tâm chẳng sanh, muôn pháp không lỗi.
Sư hét một tiếng, nói: Đây quả là tiếng của cái bát nóng, đâu chẳng nghe nói: ?Văn-thù khởi Phật kiến pháp kiến dày đến giữa hai núi Thiết Vi, Thiền tăng khởi Phật kiến pháp kiến sắp ở dưới ba cây đòn tay?. Sư đưa cây phất tử lên nói: Phất tử đêm rồi khởi Phật kiến pháp kiến, hãy nói sáng nay phê phán thế nào? Sư gõ giường thiền nói: Phân phó Đức Sơn Lâm Tế. Sư lại nói: Máy linh riêng chiếu, trí sáng rạng ngời, chớp mắt nhướng mày đã bày dấu vết, cầm chùy dựng phất đâu khởi cấp bậc.
Người ngộ đó, tâm siêu số lượng nói nín đều như, trái buông, mặt nắm trọn không nương gá. Người mê đó, vật vật khởi hiểu bỏ lấy có tâm, dù cho trọn được bên kia, chưa khỏi bên này làm ngại. Vì thế nói, trong nhà Thiền bảo là gỡ niêm mở trói tháo chốt nhổ đinh, đã là chạm bén đứt tay, lại nói thể cùng với dụng, chánh cùng với thiên, giống hệt dạy chú học trò ba nhà trong thôn chưa đọc được một quyển Thái Công gia giáo, liền nói văn chương vượt hơn Lý Bạch, Đỗ Phủ. Chư Thiền đức! Nhà y tự có đồng phong, chẳng cần mở sách vở khác.
Sư hỏi vị Tăng: - Người xứ nào?
Tăng thưa: - Tây Xuyên.
Sư hỏi: - Ly hương lúc nào?
Tăng thưa: - Tháng hai năm ngoái.
Sư bảo: - Chưa lìa bản quốc nói một câu xem?
Tăng thưa: - Khắp thân đều là miệng khó vì đối đáp.
Sư bảo: - Vẫn là câu ly gia thất nghiệp.
Tăng không nói được.
Sư đánh một phất tử bảo: - Uổng đi giầy cỏ.
Sư cùng Duy Chiếu đồng kế thừa Phù Dung mà không biết nhau, nhân có Thượng Nhơn Bằng thuật lại bài tán tượng Phù Dung của Duy Chiếu cho Sư nghe.
Bài tán:
Vũ tẩy địch hồng đào ngạc nộn
Phong diêu tiên bích liễu ty khinh
Bạch vân ảnh lý quái thạch lộ
Lục thủy quang trung khô mộc thanh
Di! Nhĩ thị hà nhân?
Dịch:
Mưa rửa sạch hồng đào lá úa.
Gió đùa đi bích liễu tơ bay.
Dưới bóng mây trắng đá lạ hiện.
Trong ánh nước xanh cây khô tươi.
Ôi! Ông là người nào?
Sư nói: Ngày nay mới biết ông ấy gần Thầy tôi. Bằng liền thưa hỏi ý nghĩa. Sư bảo: Há chẳng thấy Pháp Nhãn niêm lời Giáp Sơn rằng: ta ba mươi năm chỉ làm cảnh để hiểu. Bằng liền có tỉnh.
Sau Sư vâng chiếu mời trụ chùa Tịnh Nhơn ở Đông Kinh.
2. THIỀN SƯ TỀ LIÊN
Ở Đại Trí
Sư họ Mâu, quê ở Trung Giang Đồng Xuyên, thuở nhỏ đã có chí thoát trần, năm mười ba tuổi xuất gia, đến Hộ Thánh thọ giới cụ túc. Năm sau sang Thành đô theo học Bách Pháp ở chùa Pháp Hoa. Sư lại thông Duy thức, đọc đến câu ?đây là danh pháp vô lậu giới bất tư nghì thiện thường, an lạc giải thoát, thân đại Mâu-ni?, dường như có tỉnh. Vị thầy kia không thể giải thích cho thỏa mãn. Sư than rằng: ?Ta bỏ nhà vì việc lớn, ở đây chỉ đọc lại những lời trên giấy, ví như mặt trời mặt trăng vẽ, há có ánh sáng sao?? Sư liền từ giã sang miền Nam.
Trước tiên, Sư đến tham vấn Đạo giả Đoạn Tý ở Thanh Khê. Đoạn Tý thầm nhận Sư. Sư lại tham vấn Thiền sư Diễn ở Ngũ Tổ, Thiền sư Triết ở Chơn Như, Thiền sư Túc ở Bá Trượng, Thiền sư Tâm ở Hối Đường, ngày đêm tham vấn mà chưa có tỉnh. Khi Sư ở Hối Đường, có người từ Đại Dương đến thuật lại lời dạy chúng của Phù Dung, lòng Sư vui thích, bèn đến đó tham vấn. Mới gặp Phù Dung dường như đã biết lâu rồi. Một hôm, buổi sáng nghe tiếng bảng, Sư hoát nhiên đại ngộ, chạy đến trình với Phù Dung. Phù Dung ấn khả. Phù Dung sai Sư giữ Tạng kinh và phân tòa thuyết pháp, cây dùi trong đãy trồi đầu, trong tùng lâm kính quí, danh tiếng vang xa. Chưa bao lâu, Sư trở về thăm cha mẹ.
Khi Phù Dung đến trụ chùa Tịnh Nhơn, Sư lại đến đó làm thủ chúng ở dưới tòa. Chùa Tịnh Nhơn ở chốn kinh đô mà Phù Dung vẫn giáo hóa hàng Tăng chúng. Người đến hỏi đạo có cả vạn, Sư lo phần ngoại hộ vẫn đầy đủ. Phù Dung nói về Sư, bảo với người rằng: Thủ tọa Liên đi như trâu nhìn như cọp, cơ phong bén nhạy, ngày khác sẽ hoằng hóa đạo của ta.
Khi ấy dân chúng kiến thiết chùa Sùng Ninh, chọn người truyền pháp, Kinh lược sứ Vĩnh Hưng là Vương Công Tự, Đô chuyển vận sứ là Tiết công Thiệu Bành dùng nghi lễ thỉnh Sư. Sư nhận lời, về ở đây năm năm danh tiếng đồn khắp, xa gần kính mộ. Sau đó, dời đến chùa Phổ Ninh ở Nhượng Dương. Đến năm đầu niên hiệu Chánh Hòa (1111), Sư trở về cố hương cất am Diệu Phong để dưỡng già. Lại bị Thiệu Bành thỉnh trụ chùa Năng Nhơn, kế sang chùa Đại Tùy, rồi Vô Vi ở Quảng Hán, Siêu Ngộ ở Thành đô, rốt sau đến chùa Đại Trí.
Lúc sư trụ chùa Đại Tùy, có tín đồ dối tố Sư tại châu. Sư vui vẻ đến ty nhận tội. Khi tra khảo Sư, trời đất tối tăm, có bầy chim bay kêu la, lại có con gieo mình xuống đất. Châu tướng kinh lạ bèn thả Sư ra. Siêu Ngộ là dãy nhà bên cạnh của chùa Đại Từ, sắp bày như cái quán hàng, Sư thường đóng cửa ngồi yên. Những người trọng giới luật thấy đều quí kính. Đạo đức của Sư càng cao, kẻ Tăng người tục muốn được biết mặt Sư, mà chỉ trông thấy lưng cổ. Khi đó, tuổi Sư đã cao, cảm thấy chán muốn bỏ đi, chúng cố mời lại mà không được. Họ bảo nhau, chùa Đại Trí ở phía Tây xa xôi rừng cây sầm uất đáng cho Sư ẩn lúc tuổi già, bèn đưa ý kiến lên quan phủ. Khi ấy Tịch Công làm Chế trí sử đến lễ thỉnh Sư. Sư hoan hỉ hứa khả.
Sư ở Đại Trí tám năm, Thiền khách các nơi tìm đến, ngôi chùa này trở thành Bảo Xã. Song từ đó, Sư ứng tiếp đơn sơ. Chợt Sư khởi bệnh. Có người thăm hỏi, Sư nói: Ta không khổ. Bỗng Sư bảo Chủ sự: Vì ta làm một cái kiệu lam, ta sẽ có chỗ cần. Hôm sau, Sư ngồi kiết già cầm bút viết kệ xong, lặng lẽ mà tịch.
3. THIỀN SƯ TỬ THUẦN
Ở Đơn Hà
Sư họ Cổ, quê ở Kiếm Châu, khoảng hai mươi tuổi đi xuất gia. Nơi hội Thiền sư Phù Dung, Sư được triệt ngộ. Sau Sư trụ núi Đơn Hà tại Đặng Châu.
Sư thượng đường, nhắc lại Đức Sơn dạy chúng nói: ?tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người?. Đức Sơn nói thoại thế ấy, đáng gọi là chỉ biết vào cỏ tìm người, bất chợt toàn thân bùn nước. Chín chắn xem ra, chỉ đủ một con mắt. Nếu là Đơn Hà thì không thế. Tông ta có ngữ cú đao vàng cắt chẳng mở, sâu xa chỉ huyền diệu, ngọc nữ đêm mang thai.
Sư thượng đường: Dừng dừng đúng ngọ còn thiếu nửa, lặng lặng canh ba vẫn chửa tròn, sáu cửa chẳng từng biết hơi ấm, lại qua thường ở trước trăng trong.
Sư thượng đường: Trăng sáng chiếu soi đầm trong bày bóng, nước không có ý thấm trăng, trăng không có tâm soi nước, trăng nước cả hai đều quên mới đáng gọi là đoạn. Vì thế nói: Việc lên trời cần phải thổi mất, việc thập thành cần phải dẹp mất, ném vàng vang tiếng chẳng cần xoay nhìn. Nếu hay như thế, mới hiểu nhằm trong dị loại mà đi. Quí vị! Đến trong ấy lại thấu hiểu chăng? Sư im lặng giây lâu nói: Thường đi chẳng cất nhân gian bước, mang lông đội sừng lẫn đất bùn.
*
4. THIỀN SƯ DUY CHIẾU
Ở Bảo Phong
Sư họ Lý, quê ở Giản Châu, thuở nhỏ đã có tinh thần ghét tục. Một hôm đọc sách đến ?tánh tương cận dã, tập tương viễn dã?, Sư nói: Phàm thánh vốn một thể, do tập nên sai khác, tôi biết đó rồi. Sư liền đến Thành đô làm đồ đệ Sư Thanh Thới ở Lộc Uyển. Đến năm mười chín tuổi, Sư cạo tóc thọ giới cụ túc. Sư Thanh Thới dạy đến chùa Đại Từ học Khởi Tín Luận. Sư liền về phòng nằm, Thanh Thới hỏi lý do. Sư thưa: Đã nói chánh tín Đại thừa, há ở lời nói mà có thể rõ. Sư bèn cất bước tham thiền.
Sư đến yết kiến Phù Dung tại Đại Hồng. Mỗi đêm Sư thường ngồi thiền hành lang trên gác, gặp gió thổi tuyết mỏng tạt vào, lại nghe tiếng la ăn trộm, liền có sở đắc. Sau đó, Sư từ Phù Dung đi. Đến khoảng niên hiệu Đại Quan (1107-1111), Phù Dung mắc nạn. Sư từ Tam Ngô muốn dời đến Nghi Thủy, đứa dẫn đường đi lạc, Sư cầm gậy gõ đó, bỗng nhiên đại ngộ. Sư than: Đất này đâu không phải Ngao Sơn ư? Sư đến Nghi Thủy, Phù Dung trông thấy vui vẻ nói: Nối thạnh tông ta hẳn là bọn ngươi vậy. Nhân đây, Sư ở lại trên bờ hồ nhiều năm.
Sau Sư nhận trụ chùa Chiêu Đề, rồi dời đến Cam Lồ Tam Tổ. Đến niên hiệu Tuyên Hòa có chiếu bổ Sư trụ Viên Thông. Sau rời Viên Thông trụ ở Phần Đàm.
5. THIỀN SƯ TỔ TÂM HỐI ĐƯỜNG HOÀNG LONG
Sư họ Ổ, quê ở Thủy Hưng Nam Hùng, thuở bé làm thơ sanh có tiếng. Năm mười chín tuổi, Sư bị mù mắt cha mẹ nguyện cho xuất gia, con mắt Sư sáng lại. Sư đến nương với Sa-môn Huệ Toàn ở chùa Long Sơn. Năm sau thi Kinh nghiệp, Sư chỉ dâng thi liền được xuất gia. Sư tiếp trụ viện của thầy chẳng thọ giới luật.
Một hôm, Sư bỏ chùa vào tùng lâm yết kiến Thiền sư Văn Duyệt ở Vân Phong, dừng lại đây ba năm. Sư khổ vì chỗ cứng cỏi cô độc, bèn cáo từ Thiền sư Duyệt ra đi. Duyệt bảo: Hãy đến nương với Huệ Nam ở Hoàng Bá. Sư đến Hoàng Bá ở bốn năm, tuy tri hữu mà cơ chẳng phát. Sư từ giã trở lại Vân Phong, đến nơi Thiền sư Duyệt đã tịch. Nhân đó, Sư đến tựa ở Thạch Sương mà không có tham vấn. Sư thử xem Truyền Đăng đến đoạn: ?Tăng hỏi Thiền sư Đa Phước: Thế nào là một vườn tre của Đa Phước? Đa Phước đáp:
Một cây hai cây nghiêng, Tăng thưa: Chẳng hiểu. Đa Phước nói: Ba cây bốn cây cong.? Khi ấy, Sư liền giác ngộ hiểu rõ được hai Thầy. Sư liền đi thẳng đến Hoàng Bá. Vừa mới trải tọa cụ, Huệ Nam cười nói: Ngươi vào thất của ta. Sư cũng thích thú vui mừng thưa: Việc lớn xưa nay như thế, Hòa thượng cần gì dạy người khán thoại, hạ ngữ, trăm cách sưu tầm? Huệ Nam đáp: Nếu chẳng dạy ông tầm cứu như thế, đến chỗ không dụng tâm tự thấy tự nhận, là ta đã chôn vùi ngươi vậy. Sư thong thả chìm lặng ở trong chúng, thường đến thưa hỏi về cú ngữ của Vân Môn. Huệ Nam bảo: Biết là việc bên liền thôi, ông dùng nhiều công phu làm gì? Sư thưa: Chẳng thế, con còn có chút nghi, chẳng đến vô học đâu hay bảy dọc tám ngang xoay trời chuyển đất? Huệ Nam hứa nhận.
Sau đó, Sư đến yết kiến Thiền sư Khả Chân ở Phong Nham. Khả Chân tiếp Sư lời nói rất lạ. Sư dừng ở đây hai năm, Khả Chân qui tịch. Sư trở lại Hoàng Bá, Huệ Nam dạy phân tòa tiếp độ Tăng chúng. Đến Huệ Nam dời trụ Hoàng Long, Sư sang yết kiến Thiền sư Hiểu Nguyệt ở Phần Đàm. Hiểu Nguyệt dùng kinh luận tinh nghĩa được nhập thần, những vị đồng hàng ở các nơi nghe thế đều cười, bảo là chủ yếu không tự hết đi, lại thả một cây cầu vào hang sâu. Sư nói: Kia cho hữu đắc mà đắc giữ trước ngừa sau, ta cho vô học mà học trăm sông về biển.
Sư do có chút bệnh dừng trụ ở Chương Giang. Chuyển vận phán quan là Hạ Ỷ Công có nhã ý học thiền, gặp Dương Kiệt Thứ Công than rằng: Tôi đến Giang Tây hận không gặp được Thiền sư Huệ Nam. Thứ Công nói: Có Thượng tọa Tổ Tâm ở Chương Giang, Công hãy đến thưa hỏi chẳng thiết gặp Huệ Nam. Ỷ Công liền đến ra mắt Sư, cùng đàm luận tinh thần khoáng đạt, đến bàn về Triệu Luận câu ?hội muôn vật làm chính mình và tình cùng vô tình chung một thể?. Khi ấy có con chó nằm dưới bàn hương, Sư lấy cây thước đè giấy gõ con chó, lại gõ cái bàn, nói: Con chó hữu tình nên đi, cái bàn vô tình vẫn ở, tình cùng vô tình đâu thành một thể. Ỷ Công không thể đáp được, Sư tiếp: Vừa có suy nghĩ liền thành pháp dư, đâu từng ?hội muôn vật làm chính mình??
Thiền sư Huệ Nam qui tịch, Sư tiếp trụ trì Hoàng Long ngót mười hai năm. Song tánh Sư thực lơ là không thích theo việc, năm phen xin nghỉ mới được rảnh việc nhàn cư. Tạ Cảnh Ôn, Sứ trấn thú Đàm Châu thấy Qui Sơn thiếu người, đến thỉnh ba phen Sư vẫn từ chối. Sau Tạ Cảnh Ôn thỉnh Sư đến Trường Sa gặp một lần. Sư liền đến. Cảnh Ôn cầu xin nghe pháp yếu. Sư vì ông nói đại cương: ?Ba thừa mười hai phần giáo, giống như nói ăn, chỉ thức ăn cho người. Đã nhờ đó nói thức ăn, cốt nơi mình nếm lấy. Chính mình nếm được, liền rõ biết mùi vị kia là mặn lạt cay đắng. Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật cũng lại như thế.
Chân tánh đã nhân văn tự mà bày, cốt tại chính mình thấy được. Nếu hay thấy được liền rõ biết trước mắt là chân là vọng là sanh là tử. Đã rõ biết chân vọng sanh tử, xem lại tất cả ngữ ngôn văn tự đều là lời nói hiển bày trọn không có nghĩa thật. Như nay không hiểu bệnh tại chỗ nào? Bệnh tại thấy nghe hiểu biết. Vì chẳng biết như thật chỗ đến mé chân, nhận cái thấy nghe hiểu biết này làm cái sở kiến của chính mình. Đâu chẳng biết, cái thấy nghe hiểu biết này đều nhân tiền trần mà có phân biệt. Nếu không cảnh giới tiền trần thì cái thấy nghe hiểu biết này đồng với lông rùa sừng thỏ, trọn không có chỗ nương.? Tạ Cảnh Ôn nghe được điều chưa nghe.
*
Sư đáp câu hỏi của Hàn thị lang Tông Cổ rằng: Nhân nghe: ?khi xưa khai ngộ rỗng thênh không nghi, mà tập khí từ vô thủy đến nay không thể chóng dứt?. Song ngoài tâm không dư một pháp, chẳng biết phiền não tập khí là vật gì mà muốn dứt. Nếu khởi tâm này trở thành nhận giặc làm con. Từ trước đến giờ chỉ có ngôn thuyết, cho đến theo bệnh cho thuốc. Dù có phiền não tập khí, chỉ dùng tri kiến Như Lai trị nó, đều là lời quyền biến phương tiện dẫn dạy. Nếu là quyết định có tập khí để trị, lại là ngoài tâm có pháp, mà có thể hết ấy. Ví như con linh qui lấy đuôi khỏa dấu, dấu lại hiện rõ, nên nói đem tâm dụng tâm lai?thấy bệnh sâu. Nếu hay sáng tâm, ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm, tâm pháp đã không, lại muốn dạy cái gì hết.
Sư dạo kinh đô, Phụ mã đô úy là Vương Công Săn thành tâm lễ đón và cất am ở ngoài Quốc môn. Sư ở đây thời gian, lại sang phương Nam dạo Lô Sơn. Bành Khí Tư trấn thú Cửu Giang gặp Sư, Khí Tư thong dong hỏi: Khi người lâm chung có chỉ quyết chăng? Sư đáp: Có. Khí Tư thưa: Xin được nghe lời này. Sư bảo: Đợi Khí Tư chết liền nói. Khí Tư đứng dậy kính trọng nói: Việc này phải là Hòa thượng mới được.
Sanh nhai ba vật chánh
*
Sư tuổi đã già lại dời am vào chốn rừng sâu, bặt người lui tới hơn hai mươi năm. Mỗi khi đến ngày kỵ của Thiền sư Huệ Nam, Sư làm bài kệ:
6. THIỀN SƯ KHẮC VĂN CHƠN TỊNH
Ở Phần Đàm
Sư họ Trịnh, quê ở Văn Hương Thiểm Phủ. Họ Trịnh ở thế tục phần lớn làm công khanh. Sư sanh ra có những điều quái lạ, mồ côi mẹ sớm, thờ dưỡng mẫu rất chí hiếu mà không được thương. Dưỡng mẫu hà khắc Sư một cách đau khổ, cha ông thương xót bảo đi du học bốn phương. Sư đến Bắc Tháp ở Phục Châu nghe kỳ túc Quảng Công thuyết pháp, cảm động đến rơi lệ. Sư ở lại đây thờ Quảng Công làm thầy. Quảng Công cho Sư hiệu là Khắc Văn. Đến năm hai mươi lăm tuổi thi sở học, được xuất gia thọ giới cụ túc. Sư học kinh luận đều được thấu đáo. Sư đi học các lớp giáo lý ở Kinh Lạc, nhân đi kinh hành tại hành lang điện Long Môn thấy đắp tượng một vị Tỳ-kheo con mắt như ở trong định. Bỗng nhiên Sư tự mất, bảo người bạn rằng: Chỗ ta chất chứa như Ngô Đạo Tử vẽ người vật, tuy thật là khéo mà chẳng phải sống. Khi ấy, Sư bỏ đi, nói: Ta sẽ sang phương Nam học đạo.
*
Niên hiệu Trị Bình năm thứ hai (1065), Sư an cư tại Đại Qui. Ban đầu nghe vị Tăng tụng lời Vân Môn, ?Tăng hỏi: Phật pháp như trăng trong nước phải chăng, Vân Môn đáp: sóng xanh không đường thoát?, Sư hoát nhiên có tỉnh. Khi ấy Thiền sư Huệ Nam đang ở núi Hoàng Bá, Sư tìm đến đó, gặp Chơn Giác Duy Thắng làm Thủ tọa. Một hôm Huệ Nam nhắc lời cổ đức: ?niệm tán trên lầu chuông, trồng rau dưới chân giường?, bảo chúng hạ ngữ. Duy Thắng nói: Cọp mạnh ngồi ngay lộ. Huệ Nam vui vẻ bèn thối viện để Duy Thắng trụ. Thiền sư Huệ Nam về am Tích Thúy an trụ. Sư đến am ba phen mà lời nói chẳng hợp, tự nói: Lão này chỉ là Tăng tu hành không hiểu lời nói của ta. Sư ra đi, đến Thúy Nham yết kiến Thiền sư Thuận. Thuận tri kiến rất cao mà thích nói sắn bìm, nên các nơi gọi là Thuận bà già.
*
Thiền sư Huệ Nam trụ Hoàng Long, Sư cùng đến đó.
*
Sau khi Thiền sư Huệ Nam qui tịch, Sư dạo Hoành Nhạc, trở lại thủ chúng ở Ngưỡng Sơn. Đến niên hiệu Hy Ninh thứ năm (1072), Sư đến Cao An, Thái thú Tiền Công Dặc Tiên Hầu ra mắt Sư. Sư lại đến ra mắt Tiền Công, trong bình phong có con chó chạy ùa ra sủa, Sư đứng tránh một bên.
*
*
Sư đăng tòa nói: Đại chúng! Một hội ngày nay cần biết chăng? Là tịnh duyên thời tiết thành Phật của đại chúng. Hội hôm nay là do Thừa tướng Kinh Quốc Công cùng Phán Phủ Tả thừa cúng nhà, hiến vườn rừng làm chùa, thỉnh Sơn tăng xiển dương Tổ ý. Quí vị lại hiểu chăng? Chỉ thẳng cho đại chúng tức tâm kiến tánh thành Phật. Đại chúng tin được chăng? Nếu tự tin được liền biết tánh mình xưa nay thành Phật. Dù có chưa tin cũng sẽ thành Phật. Chỉ vì mê đã lâu, chợt mới nghe nói thật khó mà tin được. Tất cả thiện tri thức trong thiên hạ xưa nay, tất cả thiền đạo, tất cả ngữ ngôn, đều là từ trong Phật tánh của thiện tri thức lưu xuất dựng lập. Song lưu xuất đó là ngọn, Phật tánh là gốc.
Gần đây Phật pháp đáng thương, phần nhiều bỏ gốc theo ngọn, bội chánh hợp tà. Chỉ nhận ngôn cú của cổ nhân làm thiền làm đạo, có gì giao thiệp. Dù cho Tổ Đạt-ma Tây sang cũng không thiền có thể nói, chỉ cốt đại chúng tự chứng tự ngộ, tự thành Phật, tự dựng lập tất cả thiền đạo. Huống là thần thông biến hóa, chúng sanh vốn tự đầy đủ chẳng nhờ tìm bên ngoài. Hiện nay phần nhiều người tìm cầu bên ngoài, bởi cội gốc tự không có chỗ ngộ, một bề làm khách đếm trân bảo cho người, trọn là hư vọng chẳng khỏi trôi lăn trong sanh tử.
Đại chúng! Ngày nay hai Tướng công kiến lập đại đạo tràng này, làm đại Phật sự, đưa chúng sanh ra khỏi khổ trôi lăn sanh tử, bày hiện diệu tâm tịch diệt rộng lớn xưa nay, khai phát thần thông đại quang minh tạng xưa nay. Chỉ vì mê nên ở trong hàng phàm phu, ngộ thì chính nay là Hiền Thánh. Đại chúng! Nói nhiều ắt cách đạo càng xa, làm trò cười cho hàng đạo nhân mắt sáng, trong chúng có người mắt sáng chăng? Thời nay Phật pháp lẫn lộn cốt phân tà chánh khiến mọi người chẳng rơi vào tà kiến, làm con mắt chánh cho trời, người. Có chăng? Có chăng? Sư im lặng giây lâu nói: Tôi trọn chẳng dám khinh các người, các người đều sẽ làm Phật. Sư xuống tòa.
*
*
Niên hiệu Sùng Ninh năm đầu (1102) ngày mùng một tháng mười, Sư mắc bệnh. Đến ngày rằm, bệnh Sư nhẹ. Hôm nay, Sư đem mọi dụng cụ cần thiết của Sư phân phối cho đệ tử hết. Giữa đêm mười sáu, Sư tắm gội rồi ngồi kiết già, chúng thỉnh thuyết pháp, Sư cười nói:
7. THIỀN SƯ HỒNG ANH
Sư họ Trần, quê ở Thiệu Võ, lúc bé thông minh mẫn tiệp đọc sách chóng thuộc. Cha mẹ mến thương cho học làm thơ sanh, chuẩn bị thi Tiến sĩ, Sư xin xuất gia tự thệ bỏ ăn, buộc lòng cha mẹ phải cho.
*
Đêm ấy nói chuyện đến sáng, Huệ Nam chỉ quí mến mà chưa cho nhập thất. Sư luôn luôn trình ngữ, Huệ Nam chỉ lặng thinh. Một hôm, nhân lấy hòm kinh, sẩy tay đánh rơi tiếng vang nhẹ, Sư liền đốn ngộ, Sư chạy thẳng đến phương trượng trình bày sở ngộ.
Niên hiệu Hy Ninh năm đầu (1068), Sư lãnh chúng tại chùa Viên Thông Lô Sơn. Học giả qui tụ như chỗ Thiền sư Huệ Nam. Mùa xuân năm sau, Huệ Nam viên tịch, tháng mười Sư nhận lời thỉnh của bốn chúng khai pháp ở Thạch Môn.
Sư bảo: - Thiền đức! Nếu hay một niệm hồi quang phản chiếu, nhằm dưới gót chân mình lột giày xem xét coi, đáng gọi là cửa động khe mở, lầu các lớp lớp, mười phương khắp hiện hải hội đồng bày. Bèn là phàm thánh hiền ngu núi sông quả đất dùng hải ấn tam-muội một ấn mà ấn định, lại không có mảy may rơi sót. Sơn tăng nói như thế, nếu ở trong chúng có bản sắc nạp Tăng nghe đó, liền bịt tai mà đi, kia cười vỡ miệng. Đại chúng hãy nói, dưới cửa bản sắc nạp Tăng làm sao nói một câu?
*
Sư trụ chưa được mấy năm, tháng sáu Tri sự tranh nhau, không thể ngăn được, Sư liền bảo chúng: - Lãnh chúng chẳng nghiêm, chánh tọa không đức, tôi có thẹn với Hoàng Long. Sư gọi Duy-na đánh chuông họp chúng, từ biệt đi hành cước dặn: - Sau khi tôi tịch hỏa thiêu rồi lấy xương để trong tháp Phổ Thông, để thấy chết sống không rời thanh chúng. Nói xong, Sư tịch, thọ năm mươi chín tuổi.
*
8. THIỀN SƯ THỦ ĐOAN
Ở Bạch Vân
Sư họ Cát, quê ở Hàn Dương, thuở nhỏ học Nho, đến hai mươi tuổi theo Úc sơn chủ ở Trà Lăng xuất gia. Sư đến tham vấn Dương Kỳ.
Sư thượng đường: Chim có hai cánh bay chẳng xa gần, đường bay một góc đi không trước sau, hàng Tăng gia các ông tầm thường cầm muỗng buông đũa trọn nói tri hữu, đến khi leo lên núi tại sao lại thở gấp. Chẳng thấy nói: ?người không nghĩ xa ắt có lo gần?.
Sư dạy chúng: Phật đất chẳng độ nước, Phật gỗ chẳng độ lửa, Phật vàng chẳng độ lò đúc, Phật thật ngồi ở trong. Đại chúng! Ông già Triệu Châu một lúc đem mười hai phần xương tám muôn bốn ngàn lỗ chân lông dồn vào trong lòng các ông rồi. Ngày nay Viên Thông (Sư) trông thấy bất bình vì người xưa nói ra. Sư lấy tay vỗ giường thiền nói: Nên biết núi biển về minh chủ, chưa tin càn khôn lấp người lành.
Sư dạy chúng: Thân Phật đầy dẫy nơi pháp giới, khắp hiện trước tất cả quần sanh, tùy duyên cảm ứng đâu chẳng khắp, mà thường ở nơi tòa bồ-đề. Đại chúng! Thế nào nói đạo lý tùy duyên cảm ứng? Chỉ là khoảng khảy móng tay cả đại địa hàm sanh căn cơ một lúc nên được khắp đủ, mà chưa động đến một đầu mảy lông, bèn nói là tùy duyên cảm ứng mà thường ở tòa này. Ví như Sơn tăng ngày nay nhận thỉnh đến Pháp Hoa, ngày mai cùng đại chúng từ biệt nhau, vào trong huyện khai đường rồi mới trở về viện. Hãy nói lại lìa tòa này hay không? Nếu nói lìa là việc thường thế gian.
Nếu nói chẳng lìa, làm sao thấy được việc chẳng lìa ấy? Đâu chẳng phải ?vô biên cõi nước kia đây chẳng cách đầu mảy lông, mười đời xưa nay trước sau chẳng lìa đương niệm?? Lại đâu chẳng phải ?tất cả vô tâm một lúc tự khắp?? Nếu thế ấy chính là cầm gậy đập mặt trăng. Đến trong đây cần phải ngộ mới được. Ngộ rồi cần phải gặp người mới được. Các ông nói đã ngộ rồi thì thôi, lại đâu cần gặp người. Nếu ngộ rồi gặp người, chính khi duỗi tay phương tiện rõ ràng tự có một con đường xuất thân, chẳng làm mù con mắt học giả. Nếu chỉ ngộ được đầu cây cải khô, chẳng những làm mù con mắt học giả, chính mình cử động liền bị chạm bén đứt tay.
Các ông xem! ?Thầy tôi là Dương Kỳ hỏi Sư ông Từ Minh: Khi chim vắng kêu chão chẹt, mây từ vào núi chùm thì thế nào? Sư ông đáp: Ta đi trong cỏ rậm, ngươi lại vào thôn sâu. Thầy tôi thưa: Quan chẳng cho lọt mũi kim, lại xin một câu hỏi. Sư ông liền hét. Thầy tôi thưa: Khéo hét. Sư ông lại hét. Thầy tôi cũng hét. Sư ông hét luôn hai tiếng. Thầy tôi liền lễ bái.? Đại chúng nên biết, ngộ rồi lại gặp người là: nhằm trên đầu đường chữ thập cùng người gặp nhau, lại ở trên ngàn ngọn núi nắm tay, nhằm trên ngàn ngọn núi gặp nhau, lại ở đầu đường chữ thập nắm tay. Vì thế Sơn tăng thường có tụng ?chỗ ở người kia ta chẳng ở, chỗ đi người kia ta chẳng đi, chẳng phải vì người khó chung họp, trọn là Tăng tục cốt phân minh?. Đây là Sơn tăng sắp đi mở toang túi vải, một lúc ném ở trước mặt mọi người rồi vậy. Người có mắt chớ lấy làm lạ. Trân trọng.
*
Sư thượng đường: Nếu quả thật được một phen xuất hạn, liền nhằm trên một cọng cỏ hiện lầu quỳnh điện ngọc, nếu chưa quả thật được một phen xuất hạn, dù có lầu quỳnh điện ngọc lại bị một cọng cỏ che lấp, thế nào được xuất hạn? Tự có một đôi tay khéo ấy, đâu từng xem nhẹ vũ tam đài.
*
Đến niên hiệu Hy Ninh thứ năm (1072), Sư viên tịch, thọ bốn mươi tám tuổi.
*
9. THIỀN SƯ NHƠN DŨNG
Ở Bảo Ninh
Sư họ Trúc, quê ở Tứ Minh, thuở bé dung nhan tuấn tú, còn trẻ đã làm đại Tăng, thông Thiên Thai giáo. Sư đến tham vấn Thiền sư Minh Giác ở Tuyết Đậu. Minh Giác thầm biết Sư sẽ gánh vác đại pháp, nói cợt Sư là: Tọa chủ Anh Tường. Sư nổi giận xuống núi, trông về Tuyết Đậu lễ thề: Tôi đời này đi hành cước tham thiền đạo lý chẳng bằng Tuyết Đậu thề chẳng trở về quê. Sư liền đến Phần Đàm, mấy năm mà nghi tình chưa tan.
*
Sư thượng đường: Sơn tăng hơn hai mươi lăm năm quảy đãy mang bát nhằm trong hoàn hải tham thiện tri thức hơn mười vị, nhà mình trọn không có chỗ thấy, có vị tôn túc giống như đá cứng, tham vấn cũng không có chỗ hay để lợi ích cho nhau, từ đây một đời chỉ làm người không hiểu chi cả, thật tự đáng thương. Bỗng bị gió nghiệp thổi đến phủ Giang Ninh, vô cớ bị người xô đến đầu đường chữ thập, trụ cái viện rách, làm chủ nhân cơm cháo tiếp đãi kẻ Nam người Bắc, việc bất đắc dĩ, tùy thời có muối có giấm đủ cháo đủ cơm, mặc tình qua ngày. Nếu là Phật pháp, chẳng từng mộng thấy.
Sư thượng đường: Gió thu mát, vận tùng hay, khách chưa về nhớ cố hương. Sư im lặng giây lâu nói: Nằm dài trên giường có cháo có cơm.
*
10. THIỀN SƯ THIỆN BỔN
Ở Pháp Vân
Sư họ Đổng, buổi đầu quê ở thôn Trọng Thơ Thái Khương, ông cha Sư đều làm quan đất Dĩnh bèn thành người Dĩnh Châu. Mẹ Sư không con đến trước tượng Phật cầu khẩn, khấn rằng: Được con sẽ cho làm Phật sự. Sau đó bà sanh được Sư dung mạo trang nhã. Sư vừa tròn một tuổi thì mẹ mất. Đến lớn Sư học rộng chí cao, song không có ý làm quan, lại tịch cốc học đạo. Sư nhà nghèo ở ẩn nơi Bút Công, ý chí cang cường cả ngày ngồi lặng lẽ.
*
Niên hiệu Gia Hựu thứ tám (1063), Sư đến kinh đô ghi danh ở viện Địa Tạng Hiển Thánh, thi đậu làm đại Tăng. Thầy Viên Thành và Luật sư Huệ Trấp nói với người: Thiện Bổn sau này sẽ nổi danh cả nước. Nhân đó bảo Sư học Tỳ-ni và nghe Pháp Hoa. Ban đêm Sư mộng thấy một đồng tử giống như tượng vẽ Thiện Tài chắp tay nói: Nam. Đến thức, Sư nói: Chư Thánh gia bị cho ta, muốn ta đi phương Nam thưa hỏi thiện tri thức.
*
Bấy giờ, Thiền sư Viên Chiếu đang hóa đạo ở Trung Ngô. Sư đến Cô Tô yết kiến Thiền sư Viên Chiếu tại Thụy Quang. Ở đây, Sư thâm ngộ được tông chỉ, hầu hạ năm năm đạt tột chỗ huyền yếu. Trí nghiên cứu chiêm nghiệm của Sư dọc ngang tự tại, vượt khỏi qui củ tầm thường.
Đến niên hiệu Nguyên Phong thứ bảy (1084) mùa xuân, Sư dời Cửu Giang dạo Hoài Sơn lễ tháp Tổ. Mến cảnh núi rừng thanh lịch của Phù Sơn, Sư có ý ở đây trọn đời, bèn trụ tại núi Đại Tịch. Khá lâu, Sư lại bị thỉnh khai hóa ở chùa Song Lâm tại Vụ Châu. Vùng Uyên Đông đạo tục rất sùng mộ, gọi Sư là Phó Đại sĩ tái sanh. Sau Sư dời trụ chùa Phù Từ ở Tiền Đường nối tiếp Viên Chiếu. Ở đây chúng đến trên ngàn, thí chủ cung cấp vẫn đầy đủ.
*
Vua Thần Tông nghe danh Sư, xuống chiếu mời trụ chùa Pháp Vân tại kinh đô, ban hiệu là Đại Thông Thiền sư. Sư thường dạy chúng: Thượng sĩ dùng thần nghe pháp, Trung sĩ dùng tâm nghe pháp, Hạ sĩ dùng tai nghe pháp. Hãy nói, lại có một người đến dùng cái gì nghe? Sư cầm cây gậy gõ giường thiền một cái nói: Cao là đến, thấp là đến, lanh lảnh viên âm thênh thang khắp, mười phương trong ngoài lại không khác, chớ dùng không dây mà tự trói. Sư lại nói: Án Sơn thuyết pháp Chủ Sơn nghe, Chủ Sơn thuyết pháp Án Sơn nghe.
Án Sơn Chủ Sơn một lúc thuyết, hãy nói đem cái gì nghe? Quí vị! Nếu khéo nghe, ba đời chư Phật nói ra diệu pháp thảy đều hiện tiền. Lại có chăng? Chùy sắt không lỗ vẫn việc rỗi, cười ngất Tỳ-da cây dùi xưa. Sư lại nói: Chỗ thấy của nạp Tăng nghịch thuận khó trùm, tiêu nhiên riêng đến ứng vật lại về, hoặc cao nương thế tục mà bày, hoặc dẹp giấu nơi bụi bặm. Nắm đứng thì băng sanh mặt nước, buông đi thì trên gấm nở hoa, lão Lô chẳng biết đi đâu tá, bóng trong mây trắng cười hà hà. Sư hét một hét xuống tòa.
Sư thượng đường im lặng giây lâu nói: Hiểu chăng? Diệu chỉ của Tổ Phật chỉ ở trước mắt, tuệ nhật trước núi, mây sanh dưới chân, hồ trong sóng lớn. Xa tiếp trời dao, chiều hát thuyền chài, đêm dạo trăng lau, ngày vui chơi trên thuyền, nghe tiếng ty trúc. Lại nói nghe tiếng ngộ đạo, thấy sắc minh tâm, giống như ném đi trái đào ngọt, leo núi bẻ lê chua. Sư xuống tòa.
*
11. THIỀN SƯ TU NGUNG CHỨNG NGỘ
Ở Đầu Tử
Sư họ Lương, quê ở Triệu Thành Tấn Châu. Thuở nhỏ Sư chẳng lễ miếu thần, chẳng chịu đi học, thường nói: Sẽ làm thầy trời người, đâu ưa việc này. Sư bèn đi dạo khắp nơi, đến pháp tịch Thiền sư Viên Chiếu ở Thụy Quang Tô Châu, thưa hỏi tông chỉ. Nhân nhắc lại ?Bồ-tát Vô Trước hỏi Thiên Thân: Di-lặc nói pháp gì, Thiên Thân đáp: nói pháp ấy?, Sư chợt có tỉnh, từ đây sớm chiều thưa hỏi. Một hôm, đi vào nhà vệ sinh đè nhào bình nước đổ bể, Sư tỉnh ngộ, làm kệ: ?Một khoảng này, một khoảng này, muôn lượng vàng ròng cũng phải tiêu. Trên đầu nón, dưới lưng bao, gió lành trăng sáng đầu gậy khêu.? Từ đây tiếng Sư vang dậy.
*
*
Sư lại nói: - Chót núi Lăng-già ai hay gá bước, trước non Thiếu Thất nước rỉ chẳng thông, chính khi ấy ông già đầu vàng mở được miệng, Tăng Hồ mắt biếc mở được mắt. Tuy nhiên như thế, việc không một bề, tiên thánh may có nghĩa môn thứ hai, đủ cùng các người nói Đông nói Tây. Vì thế nói: - Xuân xanh hạ trưởng thu rụng đông khô, bốn mùa thay đổi luân chuyển đường dài. Ngươi ngu tâm sanh kia đây, người đạt một vị không khác. Sư im lặng giây lâu nói: - Thiểm Phủ trâu sắt nuốt voi lớn, Gia Châu Phật nhằm ẩn tơ sen. Sư lại nói: - Gió xuân cây xưa gõ, mù sớm phủ sông hàn, mỗi mỗi đều bày hiện, bày hiện cũng sai lầm, xem xem ngay đây là gì? Làm gì kẻ mắt sáng không hang ổ, nhả chẳng được, nhai chẳng bể. Sư hét một tiếng xuống tòa.
*
Sư đăng tòa nói: Vòi vọi Thiếu Thất hằng chấn quần phong, có khi trong mây bày ra, có khi mù đậy không dấu, có khi chợt hiện ở trước, có miệng nói chẳng được, bị người gọi là Tăng Hồ nhìn vách. Các nhân giả! Làm sao khỏi được lỗi này, thôi thôi chẳng bằng giữ khóa. Sư lại nói: - Giọt sương sàn cỏ, tiếng gió cây xưa, trăng sáng rọi ngàn núi sắc hàn, sông trong trôi muôn khoảnh sóng mòi, nơi đây tiến được cùng quí vị cắt đứt các dòng. Nếu chưa như thế, chẳng khỏi theo mòi đuổi sóng. Thí như nước trong sông, chảy xiết đua nhau qua, mỗi mỗi chẳng biết nhau, các pháp cũng như thế. Sư cầm cây gậy nói: - Cây gậy là các pháp, là biết nhau chẳng biết nhau? Nếu biết nhau sớm đã bị biết trói, nếu chẳng biết nhau nương đâu chỉ chú. Sư lia cây gậy một cái nói: - Một chữ BIẾT là cửa các thứ diệu. Lại nói: Lầm! Sư xuống tòa.
*
Phú Trịnh Công mỗi khi đàm luận với Sư, Sư liền cho là phi, mà Trịnh Công nói lý không thôi. Một hôm, Sư bảo Trịnh Công: Đợi được Sơn tăng gật đầu là phải. Từ đây Trịnh Công nói ra, Sư đều lắc đầu chưa từng có đáp. Chợt một hôm giữa đêm Trịnh Công chợt tỉnh, thẳng đến gõ cửa. Sư đã đóng cửa ngủ, nghe tiếng liền gọi: - Tướng công đáng mừng việc lớn đã xong, đêm khuya lại chẳng mở cửa sáng sớm gặp nhau. Đến sáng gặp nhau, Sư thấy ở xa, chưa nói một câu đã gật đầu. Trịnh Công rất vui.
*
12. THIỀN SƯ THIỆN NINH PHÁP ẤN
Ở Kim Sơn
Sư người Giang Châu, xuất gia với Hòa thượng trụ trì chùa Cam Lồ. Sư đến pháp hội Viên Chiếu thầy trò cơ cảm duyên hợp từ xưa. Trước tiên, Sư trụ chùa Vạn Thọ pháp tắc rất nghiêm chỉnh, lấy mình làm mẫu mực, chúng đều kính phục.
*
Tăng suy nghĩ. Sư liền đánh, bèn nhìn tả hữu nói: - Tại mắt nói thấy, tại tai nói nghe, tại mũi nói ngửi, tại lưỡi luận bàn, tại thân chạm biết, tại ý phan duyên, tuy nhiên như thế, chỉ thấy đầu dùi bén, chẳng thấy đầu xuổng lụt. Nếu là Vạn Thọ thì chẳng thế, có mắt nhìn chẳng thấy, có tai lắng chẳng nghe, có mũi chẳng biết mùi, có lưỡi không đàm luận, có thân chẳng chạm biết, có ý chẳng phan duyên, một niệm tương ưng sáu căn giải thoát. Dám hỏi chư Thiền đức! Hãy nói cùng trước là đồng hay khác? Nếu có nạp Tăng đủ mắt ra đây thông tin tức, nếu không lại vì mọi người lớp lớp chú phá: Buông ra thì xe ngựa lại qua, nắm lại thì dưới trên chẳng có, nếu là hàng tác gia thạo chiến, mặc tình phải quấy đè lột.
Sư nói: Nắm máy huyền ở trong tay, treo gương xưa ở trước đài, có yêu nghiệt gì dám chống cự, đáng gọi sáng ngời pháp giới tự tha mà cảnh trí toàn thâu, rỡ rỡ chân nguyên kia đây mà thánh phàm đều vắng. Do đây mà suy, Tăng đường Phật điện đối sắc hiện thân, kho trù ba cửa cùng bày việc ấy, chỉ mời bẻ gãy cây gậy nhằm trước mắt tham lấy.
*
Sư nói: Nếu là bàn thiền nói đạo, liền thấy có sanh diệt, lại nhắc việc xưa nay, giống hệt chẳng xem thời tiết, đêm qua gió táp mưa sa, sáng nay chóng trừ nóng bức, đến đây khéo hay tham tỏ, Đạt-ma mê là chẳng khác.
*
Sư nói: Cả đại địa chưa từng có một người chân chánh nêu bày tông giáo. Nếu có một người nêu bày tông giáo, người cả đại địa đều phải cột chặt đầu lưỡi. Đâu phải bảo quí vị bặt dứt thấy nghe khế hợp đạo này hay sao? Nếu kiến giải như thế thí như dùng lửa đom đóm đốt núi Tu-di, trải qua trần sa kiếp trọn không thể được. Đâu chẳng biết Thánh xưa chỉ dạy, cốt yếu người sau thấy đúng, người đạt thấy đúng xưa nay ít nghe, thấu trước tột sau. Buông đi, lời lời thấy thật, câu câu sáng tông; nắm lại, mắt mắt tùy phương, sáng ngời riêng đứng, nhằm chỗ nào thấy cổ nhân? Sư im lặng giây lâu nói: Phải biết biển núi về minh chủ, chưa tin càn khôn riêng có trời.
*
13. THIỀN SƯ DUY NHẠC PHẬT NHẬT
Ở Tịnh Nhơn
Sư họ Trần, quê ở Trường Khê Phước Châu, lúc bảy tuổi theo Thượng nhân Triệt ở viện Tây Lâm xuất gia. Đến lớn, Sư đi tham vấn thiện tri thức, đến pháp hội Viên Chiếu dừng lại đây. Sư đứng hầu nghe nhắc lại nhân duyên ?kiếp hỏa đổng nhiên?, hoát nhiên có tỉnh. Sư ở đây hầu hạ khá lâu. Sau Sư đến trụ chùa Thừa Thiên ở Thường Châu, kế đến chùa Hoa Nghiêm ở Đông Kinh, sau cùng chùa Tịnh Nhơn ở Đông Kinh.
Ngày khai đường, vua Triết Tông sai Trung sứ niêm hương. Sư lên tòa vấn đáp xong, bèn nói: Pháp môn này chẳng ở dò bẫy, đâu can hệ vấn đáp, dù cho tột mười phương cõi nước nghiền làm vi trần, mỗi mỗi vi trần đều làm nạp Tăng, mỗi vị như ngài Xá-lợi-phất, Mãn Từ Tử biện luận thấu trời bặt máy trần thế, đến trong ấy một điểm dùng cũng chẳng được. Vì cớ sao? Chúng sanh cùng Phật viên dung tự hay bình đẳng, mỗi người lỗ mũi thấu trời, mỗi mỗi vách đứng ngàn nhẫn. Bởi chẳng biết chân theo vọng chuyển, pháp đuổi duyên dời, tự mê linh quang luống gieo vào đường khác.
Vì thế, vua Pháp phá hữu vận lòng từ vô duyên, tạo thuyền chèo ba thừa vớt năm tánh lăn lộn trong sóng vỗ, bóng trăng ở đầm trong, tiếng chuông trong đêm vắng, cho nên có ?trâu đất Hoài ăn lúa, giá gạo Lô Lăng mắc?. Lại chẳng khỏi nhọc Sơ tổ Đạt-ma đến nước này, giáo ngoại hoa lăng, chẳng mài gạch làm gương, trong áo có châu ly, chẳng đếm châu báu cho người, chưa treo buồm xưa, thấy thành công án. Do đó, ngộ lấy diện mục không ngộ, mê là chẳng mê cổng làng, ba đời chẳng riêng mười phương đồng bày, đất ruộng nhà mình cây khô sanh cành, lò hương miếu cổ tro lạnh lại phát lửa.
Đâu chẳng tất cả ngữ ngôn văn tự, tư sanh sản nghiệp cùng thật tướng chẳng trái nhau. Nếu vậy, ?dưới cây không bóng nên đồng thuyền? ngư ông đánh trống múa hát, ?giữa có vàng ròng đầy một nước?. Lão già âu ca đồng vui thăng bình, đồng lên cõi thọ, tự là trời dài đất sâu biển lặng sông trong. Hãy nói cùng vui thăng bình một câu làm sao nói? Sư im lặng giây lâu nói: La Phù đánh trống Thiều Châu múa. Đứng lâu trân trọng.
Vua rất hài lòng ban hiệu là Phật Nhật Thiền sư.