Đời Thứ Mười Bảy Sau Lục Tổ

11/04/201112:00 SA(Xem: 5462)
Đời Thứ Mười Bảy Sau Lục Tổ


THIỀN SƯ TRUNG HOA TẬP BA
H.T Thích Thanh Từ
Tu Viện Chơn Không 1981
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành - PL. 2534 - 1990


ĐỜI THỨ MƯỜI BẢY SAU LỤC TỔ

56- Thiền sư Di Quang Hối Am ở Giáo Trung.
57- Thiền sư Đạo Nhan Vạn Am ở Đông Lâm.
58- Thiền sư Đảnh Nhu Lại Am ở Tây Thiền.
59- Thiền sư Thủ Tịnh Thử Am ở Tây Thiền.
60- Thiền sư Đức Quang Phật Chiếu ở Dục Vương.
61- Thiền sư Đàm Hoa Ưng Am ở Thiên Đồng.
62- Thiền sư Trung An ở Linh Nham.
63- Thiền sư Bảo Ấn Biệt Phong ở Cảnh Sơn.


56. THIỀN SƯ DI QUANG HỐI AM
Ở Giáo Trung Tuyền Châu

 Sư họ Lý quê ở đất Mân. Thuở nhỏ Sư ít nói cười, nghe tiếng chuông khánh thì vui. Năm mười lăm tuổi, Sư theo Thiền sư Văn Huệ ở U Nham xuất gia, mà vẫn thích xem các sách. Một hôm Sư tự trách: Đã cạo tóc mặc áo nhuộm phải hẹn ngày triệt ngộ, há say mê sách vở thế tục sao? Sư bèn xuống núi đến yết kiến Thiền sư Viên NgộVân Cư. Kế Sư đến tham vấn Thiền sư Tường ở Hoàng Bá, Thiền sư Ngộ ở Cao Am, những lời đương cơ Sư đều khế hội. Do vùng đất Hoài đất Sở trộm cướp nổi lên, Sư trở về yết kiến Phật Tâm. Gặp lúc Đại Huệ ngụ tại Quảng Nhơn, Sư liền theo hầu.

*

 Đại Huệ bảo: - Ông ở chỗ Phật Tâm có sở đắc thử kể một hai xem?

 Sư nhắc:-Phật Tâm thượng đường niêm công án Phổ Hóa nói: - Phật Tâm tức chẳng vậy, khi thảy chẳng thế ấy thì thế nào? Ngay xương sống liền đánh, từ đây khắp thế giới phân thân.?

 Đại Huệ hỏi: - Ý ông thế nào?

 Sư thưa: - Con không nhận câu chú cước ở sau.

 Đại Huệ bảo: - Đây chính là lấy bệnh làm pháp.

 Sư quả quyết không tin hợp ý. Đại Huệ bảo: - Ông chỉ dò tìm xem.

 Sư trọn cho là chẳng đúng. Trải qua một tuần, Sư nhân chép lời niêm của Thiền sư Tín ở Hải Ấn: ?tiếng sấm thênh thang hạt mưa toàn không?, liền hết kẹt, chạy đến trình với Đại Huệ, Đại Huệ nhắc Đạo Giả yết kiến Lang Nha, lời Huyền Sa ?chưa triệt? hỏi Sư. Sư đáp xong. Đại Huệ cười nói: - Tuy tiến được một bước chỉ là chẳng dính sở tại, như người chặt cây ngay dưới gốc chặt một búa thì mạng căn đều dứt. Ông nhằm trên cành mà chặt làm sao đoạn được mạng căn? Ngày nay các nơi nói Thiền ào ào, chỗ thấy như thế, nào có ích gì? Chánh truyền của Dương Kỳ chỉ ba bốn người mà thôi.

 Sư nổi tức ra đi. Hôm khác, Đại Huệ hỏi: - Ông lại nghi chăng?

 Sư thưa: - Không thể nghi.

 Đại Huệ bảo: - Chỉ như cổ nhân khi thấy nhau chưa mở miệng đã biết hư thật, hoặc nghe lời kia liền biết sâu cạn, lý này thế nào?

 Sư hoảng hốt xuất mồ hôi, nào biết chỗ đến. Đại Huệ dạy nghiên cứu ?hữu cú vô cú?. Đại Huệ sang am Vân Môn, Sư theo hầu. Một hôm Sư hỏi: - Con đến trong đây không thể được triệt, bệnh tại chỗ nào?

 Đại Huệ bảo: - Bệnh của ông rất nặng thế y bó tay. Sao vậy? Có người chết rồi sống chẳng được, nay ông sống rồi chưa từng chết, cốt đến chỗ đất an lạc phải là một phen chết sống lại mới được.

 Sư nghi tình càng sâu. Sau Sư vào thất, Đại Huệ hỏi: - Ăn cháo xong rửa bát bồn rồi, dẹp hết thuốc kỵ nói ra một câu?

 Sư thưa: - Vỡ nát.

 Đại Huệ chỉnh thân hét nói: - Ông lại nói thiền.

 Sư liền đại ngộ. Đại Huệ đánh trống bảo chúng: - ?Lông rùa nắm được cười hi hi, một dộng mở toang muôn trùng vì thỏa mãn bình sanh ở khi ấy, ai rằng ngàn dặm lừa tôi đi.?

 Sư cũng làm kệ trình:

 Một tát đương cơ sấm giận rống,

 Hoảng hốt Tu-di ẩn Bắc Đẩu,

 Nước dậy mênh mông sóng ngập trời

 Nắm được lỗ mũi mất đi miệng.

 Sau Sư trụ, thượng đường: Câu có câu không như bìm tựa cây, buông si làm gì? Đến khi cây ngã bìm khô, câu về chỗ nào? Biết rõ mọi người các ông chợt bàn chót mũi chẳng đến. Vì sao như thế? Chỉ vì rõ ràng lắm trở thành chỗ được chậm.

*

 Sư thượng đường: Mộng huyễn không hoa nhọc gì nắm bắt, được mất phải quấy một lúc buông hết. Sư ném phất tử nói: Ngày nay sơn tăng đã là buông hết rồi vậy. Mọi người các ông lại là sao? Lại bảo: Thị giả lượm cây phất tử!

 Tăng hỏi: - Văn-thù vì sao khiến người nữ xuất định không được?

 Sư đáp: - Ngày nay sơn tăng nhọc.

 Tăng hỏi: - Võng Minh vì sao lại khiến xuất được?

 Sư đáp: - Khiến người nghi đến.

 Tăng thưa: - Thế ấy thì vạch ra Hoa Nhạc ngàn ngọn đẹp, tuôn xuống Hoàng Hà một mạch trong.

 Sư đáp: - Mặc tình suy tính.

*


57. THIỀN SƯ ĐẠO NHAN VẠN AM
Ở Đông Lâm

 Sư họ Tiên, quê ở Đồng Xuyên. Sư tham vấn Viên Ngộ đã lâu có chút tỉnh, Viên Ngộ trở về Thục dặn nương với Đại Huệ và biên thơ cho Đại Huệ rằng: Nhan Xuyên màu vẽ đã xong, chỉ thiếu điểm mắt tai, ngày sau nối tiếp lâu chưa thể lường. Đại HuệVân Môn và Dương Tự, Sư đều theo đó, sớm chiều thưa hỏi mới được đại ngộ.

 Sư thượng đường: Một lá rụng thiên hạ thu, một bụi dấy đại địa thâu, Ô Sào thổi lông vải, liền có người được ngộ. Thời nay học giả vì sao lại chẳng biết tự kỷ. Sư im lặng giây lâu nói: - Chớ lầm quái người là tốt.

 Sư thượng đường: Muốn biết tâm chư Phật, chỉ nhằm trong tâm hành chúng sanh biết lấy. Muốn biết tánh thường trụ chẳng điêu tàn, chỉ nhằm chỗ thiên biến của vạn vật hội lấy. Lại biết được chăng? Muốn được chẳng chiêu nghiệp vô gián, chớ báng Như Lai chánh pháp luân.

*

 Sư thượng đường: ?Chỗ biết mọi người Lương Toại thảy biết, chỗ biết Lương Toại mọi người chẳng biết.? Thế nào là chỗ biết của Lương Toại? Sư nói: - Chim cồng cọc nói cò.

 Sư thượng đường: Giữa đông lạnh lắm ba cõi không an, người giàu vui thích kẻ nghèo cơ hàn, chẳng biết huyền chỉ lầm nhận cân bàn. Sao vậy? Đầu trâu để trên đuôi, Bắc Đẩu hướng Nam xem.

 Sư thượng đường: Cửa cổng Viên Thông chữ bát ( ) đã mở, nếu là từ cửa vào được chẳng nên cùng nói, phải là vào được cửa không cửa, mới đáng ngồi trong nhà kín. Vì thế nói: Chư Phật ba đời quá khứ cửa đây đã thành tựu, chư Bồ-tát hiện tại nay mỗi vị vào Viên minh, người tham học vị lai nên y pháp như thế. Chư thánh từ trước may có môn phong rộng lớn như thế, chẳng kham nối tiếp, cam tự quê mùa bỏ đi. Xuyên qua tường vách vẫn chẳng trượng phu. Dám hỏi đại chúng, cửa không cửa làm sao mà vào? Sư im lặng giây lâu nói: Chẳng riêng Quan Thế Âm, tôi cũng từ trong chứng.

*

 Sư thượng đường: Năm qua sau hàn thực, năm nay trước hàn thực, ngày ngày là ngày tốt, chẳng phải chánh trung thiên.

 Sư thượng đường: Nhà khách ở lưu liên, gia hương tịch chiếu bên, thềm treo tháng ba mưa, nước rơi hai hồ sen. Vạc rỉ đốt đèn trản, cây sanh khói đầy bếp, đã quên nghĩ nam bắc, vào trong trọn Bình Xuyên.

 Tăng hỏi: - Thoại Hương Nghiêm leo lên cây ý nghĩa thế nào?

 Sư đáp: - Tả chẳng thành vẽ chẳng được.

 Tăng hỏi: - Lý Lăng tuy tay khéo tại sao rơi vào Phiên?

 Sư đáp: - Đi lại chỗ nào?

 Tăng hỏi: - Thế nào là Phật?

 Sư đáp: - Ông là trước tiên.

 Tăng lại gần nói: - Dạ! Dạ!

 Sư nói: - Áo lót không trôn, quần đùi không miệng.

 Tăng hỏi: - Thế nào là Phật?

 Sư đáp: - Hòa thượng Chí Công.

 Tăng thưa: - Học nhân hỏi Phật tại sao đáp Hòa thượng Chí Công?

 Sư nói: - Chí Công chẳng phải Hòa thượng Gian.

 Tăng hỏi: - Thế nào là Pháp?

 Sư đáp: - Lụa vàng, trẻ, đàn bà, cháu ngoại, dưa muối, cái cối.

 Tăng hỏi: - Ấy là chương cú gì?

 Sư đáp: - Lời hay tuyệt diệu.

 Tăng hỏi: - Thế nào là Tăng?

 Sư đáp: - Trên thuyền câu Tạ Tam Lang.

 Tăng thưa: - Sao không nói thẳng?

 Sư đáp: - Hòa thượng Huyền Sa.

 Tăng thưa: - Tam Bảo đã nhờ thầy chỉ dạy, hướng thượng tông thừa việc thế nào?

 Sư đáp: - Vương Kiều giả tiên được tiên.

 Tăng cười to: - Hả! Hả!

 Sư bèn gõ răng.

*

58. THIỀN SƯ ĐẢNH NHU LẠI AM
Ở Tây Thiền

 Sư con nhà họ Lâm tại bổn quận, thuở nhỏ thi đỗ Tiến sĩ nổi tiếng. Năm hai mươi lăm tuổi, Sư nhân đọc kinh Di Giáo, chợt nói: Bao lâu mong đội mũ nhà Nho là lầm. Sư toan bỏ nhà, mẹ Sư ngăn không cho, lấy cớ gần tới ngày làm lễ thành hôn. Sư bèn cự tuyệt nói: - ?Đào tươi hạnh đỏ đồng thời giao gởi gió xuân, trúc biếc hoa vàng đây hằng làm bạn đạo.? Sư theo Thiền sư Lạc ở Bảo Thọ làm Tỳ-kheo.
 Sau Sư du phương nơi Hồ, Tương khắp tham các bậc danh túc pháp không có vị khác. Sư về quê cất am ở Dữu Phong tột trên đảnh, không xuống núi ba năm. Thiền sư Tài Phật Tâm lôi Sư ra làm Thủ chúng ở chùa Đại Thừa. Khi ấy Đại Huệ cất am ở Dương Tự. Bạn Sư là Di Quang gởi thơ cho Sư nói: - Am chủ thủ đoạn cùng chư phương có khác, mời đến thời gian ngắn xem sao? Sư chẳng đáp. Di Quang lập kế mời Sư đến thọ trai. Sư đến phó trai, gặp Đại Huệ vì các đồ chúng vào thất. Sư cũng tùy hỉ theo. Đại Huệ nhắc ?Tăng hỏi Mã Tổ: thế nào là Phật, Mã Tổ đáp: tức tâm là Phật?, là thế nào?
 Sư liền hạ ngữ. Đại Huệ mắng: - Kiến giải ông như thế dám dối vì người làm thầy, đánh trống phổ thuyết bới bình sanh kia, trân trọng được chỗ đắc lực, bày làm tà giải.
 Sư lệ tràn đôi má chẳng dám nhìn ai.
 Sư lặng thinh nghĩ: Chỗ sở đắc của ta đã là chỗ bị chê bai, yếu chỉ Tây sang chẳng truyền há dừng đây ư? Sư bèn hạ tâm vào hàng đệ tử.
 Một hôm, Đại Huệ hỏi: - Trong chẳng phóng ra, ngoài chẳng phóng vào, chính khi ấy làm sao?
 Sư toan mở miệng, bị Đại Huệ cầm trúc bề nhằm xương sống đập luôn ba cái. Sư khi đó đại ngộ, gằn giọng thưa: - Hòa thượng đã nhiều rồi.
 Đại Huệ đánh thêm một cây nữa, Sư đảnh lễ. Đại Huệ cười nói: - Ngày nay mới biết tôi chẳng dối ông. Bèn ấn chứng bằng kệ:
 Đảnh môn đứng kề Ma-hê nhãn,
 Khuỷu tay xiên treo đoạt mạng phù,
 Mù mất mắt, cổi mất phù,
 Triệu Châu vách đông máng hồ lô.
 Khi ấy danh Sư vang dội cả tùng lâm.
 
 Sư thượng đường: Ý trong câu câu trong ý, Tu-di cao vót nơi sông to; câu cắt ý ý cắt câu, liệt sĩ phát nơi mũi tên cuồng. Mặc tình răng như cây kiếm bén miệng tợ chậu máu, luống trình lời nhọn rỗng bày ý khí. Vì thế, Tịnh Danh ngậm miệng sớm dính nhiều lời, đức Phật đóng cửa ở Ma-kiệt đã bày gia xứ. Ngoài ra lão già Ngõa Quan, Đại sư Nham Đầu, nhằm trên đảnh Dữu Phong xua gió vỗ sóng quen đùa thần biến, dưới gót chân nên cho ba mươi gậy. Hãy nói lỗi tại chỗ nào? Sư im lặng giây lâu nói: Cơ quan chẳng phải Hàn Quang tạo, chớ đem hông ngực đối thảnh thơi.
 
 Sư thượng đường: Lại Ông lười trong lười, rất lười lười nói thiền, cũng chẳng trọng tự kỷ, cũng không trọng tiên hiền, lại nào quản này đất, lại nào quản này trời, ngoại vật thảnh thơi không một việc, trời lên ba sào vẫn ngủ ngon.
 Sư thượng đường nhắc: -Tăng hỏi Triệu Châu: - Thế nào là lời cổ nhân? Triệu Châu đáp: - Lắng nghe! Lắng nghe!? Sư bảo: - Lắng nghe thì chẳng không, tối kỵ gọi chuông là ghè.
 Sư ở trong thất hỏi vị Tăng: - Muôn pháp về một, một về chỗ nào?
 Tăng đáp: - Trong nước Tân La.
 Sư nói: - Ta ở Thanh Châu dệt một vóc vải bố nặng bảy cân ghê!
 Tăng thưa: - Ngày nay thân thấy Triệu Châu.
 Sư hỏi: - Đầu trước thấy hay đầu sau thấy?
 Tăng làm thế chẻ trán.
 Sư hỏi: - Thượng tọa người xứ nào?
 Tăng thưa: - Giang Tây.
 Sư hỏi: - Tại sao lại đến trong đây nhận thua cuộc?
 Tăng suy nghĩ. Sư liền đánh.

*

59. THIỀN SƯ THỦ TỊNH THỬ AM
Ở Tây Thiền
 
 Sư người bổn châu. Sau khi đại ngộ nơi Đại Huệ, Sư trụ trì thượng đường: Bàn huyền nói diệu ném phân ném nước tiểu, dùng đánh dùng hét đem muối dùng khát, lập chủ lập khách xé nát tông thừa, mặc dù thảy chẳng thế ấy, lại là ngồi trong hang quỉ, đến trong đây sơn tăng đã là đánh trống lui. Hãy nói các ngươi bình thường tâm bực bội miệng ấm ức nên là sao? Chớ đem nhàn học giải, chôn vùi tâm Tổ sư.

*
 
 Sư thượng đường: Nếu chỉ riêng sáng tự kỷ chẳng ngộ trước mắt, người này có mắt không chân. Nếu chỉ riêng ngộ trước mắt chẳng sáng tự kỷ, người này có chân không mắt. Hẳn được mắt chân giúp nhau, như xe hai bánh như chim hai cánh, chính khéo khám qua rồi.
 Sư thượng đường: Chín mươi ngày trong hạ hầm hầm nóng bức người gỗ mồ hôi chảy chẳng dừng, đêm qua một trận mưa liền mát. Chớ bảo sơn tăng chẳng nói. Sư cầm phất tử gõ giường thiền một cái xuống tòa.

*
 
 Sư thượng đường: Đạo là đạo thường, tâm là tâm thường, mọi người các ông nghe sơn tăng nói thế ấy, liền nói tôi hội vậy. Tháng đủ là ba mươi ngày, tháng thiếu hai mươi chín ngày, trên đầu là trời dưới chân là đất, trong lỗ tai nghe tiếng trong lỗ mũi thở hơi. Bất chợt nước bốn biển cả ở trên đầu các ông, rắn độc mổ con mắt ông, cá tôm chun vào lỗ mũi ông, lại làm sao?

*

 Sư thượng đường: Người giỏi đấu chẳng đoái cái đầu, người giỏi chiến ắt được công kia, công kia đã được ngồi xem thái bình, thái bình đã đến nằm ngủ chẳng lo, chẳng cầm kiếm ba thước, thôi đùa một trương cung, ngựa về ở trời Hoa Sơn, trâu thả ở đồng Đào Lâm, gió phải thời mưa phải thời, ngư phủ ca lão tiều múa. Tuy nhiên như thế vua Nghiêu, Thuấn vẫn còn giáo hóa, đâu bằng càn khôn thâu chẳng được, Nghiêu, Thuấn chẳng biết tên, cả nhà chẳng quản việc hưng vong, chỉ thích hòa mây chiếm động đình.

*
 
 Sư thượng đường: Ngậm lấy miệng luôn luôn nói, cắt mất lưỡi không thôi nghỉ, không thôi nghỉ rất kỳ tuyệt, rất kỳ tuyệt bụi trong mắt. Đã là kỳ tuyệt vì sao lại thành bụi trong mắt? Liễu liễu liễu thời không thể liễu, huyền huyền huyền xứ cũng nên chê.

*
 
 Sư thượng đường: Trên đầu Phật Tổđại lộ phát thiên, chưa thấu cửa sanh tử, làm sao dám tiến bước? Chẳng tiến bước, đại thiên không che chở, một câu bặt nói bàn, Na Tra cầm cột sắt.

*
 
 Ngày khai đường, niêm hương xong, Sư lên tòa. Hòa thượng Nam Đường bạch chùy rằng: - Pháp hội chúng long tượng nên quán đệ nhất nghĩa. Sư theo tiếng liền hét nói: - Đây là nghĩa thứ mấy? Tiên đức cửu tham đã rõ manh mối, hậu học có ghi chẳng ngại thưa hỏi.
 Tăng hỏi: - ?A-nan hỏi Ca-diếp: - Thế Tôn ngoài truyền y Kim Lan còn riêng truyền vật gì? Ca-diếp gọi: - A-nan! A-nan ứng thanh: - Dạ!? Chưa biết ý này thế nào?
 Sư đáp: - Tối kỵ động đến.
 Tăng thưa: - Chỉ như Ca-diếp nói: cột phướn trước chùa ngã, lại là sao?
 Sư đáp: - Trâu đá ngang đường xưa.
 Tăng hỏi: - Như Hòa thượng ở chỗ Phật Nhật lại có tin tức này hay không?
 Sư đáp: - Không có tin tức này.
 Tăng thưa: - Nào giống Định Quang Kim Địa đưa tay ngoắt, Trí Giả Giang Lăng thầm gật đầu.
 Sư đáp: - Chớ đem cạnh sân bá, khinh sánh bên đường tùng.
 Tăng lễ bái. Sư bèn bảo: - Định Quang Kim Địa đưa tay ngoắt, Trí Giả Giang Lăng thầm gật đầu, đã là mây trắng ngàn muôn dặm, đâu kham nơi ấy chẳng biết thôi. Dầu cho nơi ấy biết thôi, một trường lan tịch chẳng ít. Lại có kiểm điểm được thấu hay chăng? Nếu không ngày nay Sơn tăng mất lợi.

*
 Tăng hỏi: - Phật Phật trao tay Tổ Tổ?truyền nhau, chưa biết truyền cái gì?
 Sư đáp: - Chóng lễ ba lạy.
 Tăng hỏi: - Chẳng bày tấc kiếm thỉnh thầy thấy nhau?
 Sư đáp: - Gặp mạnh thì yếu.
 Tăng hỏi: - Đâu được mai binh tác chiến.
 Sư đáp: - Chỉ vì Xà-lê tấc kiếm chẳng bày.
 Tăng thưa: - Chưa biết hướng thượng lại có việc hay không?
 Sư đáp: - Có.
 Tăng hỏi: - Thế nào là việc hướng thượng?
 Sư đáp: - Bại tướng chẳng chém.
 Tăng hỏi: - Trước nhà cổ Phật người nào đến trước?
 Sư đáp: - Ông già không mắt trong thôn.
 Tăng hỏi: - Chưa biết làm sao thú hướng?
 Sư đáp: - Cây gậy tức lật vác ngang.

*

60. THIỀN SƯ ĐỨC QUANG PHẬT CHIẾU
Ở Dục Vương
 
 Sư con nhà họ Bành quê ở Lâm Giang. Đang tuổi đi học. Sư bèn theo Thiền sư Kiết ở chùa Quang Hóa Đông Sơn tại bản quận xuất gia. Một hôm, Sư vào thất, Kiết hỏi: - Chẳng phải tâm chẳng phải Phật chẳng phải vật là cái gì? Sư mờ mịt, thành nghi suốt đêm không ngủ. Hôm sau đến phương trượng thưa hỏi: - Hôm qua nhờ Hòa thượng buông lời hỏi, đã chẳng phải tâm lại chẳng phải Phật, lại chẳng phải vật, cứu kính là cái gì? Mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy.
 
 Kiết nghiêm sắc mặt hét một tiếng nói: - Sa-di này lại cần ta vì ông chú cước.
 Liền cầm gậy nhằm lưng đánh đuổi ra. Sư nơi đây có tỉnh. Sau Sư yết kiến Thiền sư Quả Nguyệt Am, Thiền sư Hoa Ưng Am, Thiền sư Chấn Bách Trượng trọn chẳng tự nhận.
 Đại Huệ vừa nhận Dục Vương anh tài bốn biển đều nhóm họp, Sư cũng đến đây. Đại Huệ ở trong thất hỏi Sư: - Kêu là thanh tre (trúc bề) thì chạm, không kêu thanh tre (trúc bề) là trái, chẳng được hạ ngữ chẳng được không lời. Sư nghĩ đáp. Đại Huệ liền đánh. Sư hoát nhiên đại ngộ, sở đắc từ trước ngói bể băng tiêu.
 
 Ban đầu Sư trụ chùa Quang Hiếu ở Thiều Châu. Có vị Tăng hỏi: - Thênh thang trong trần làm sao biện chủ?
 Sư đáp: - Khăn quấn trên đầu chót tháp nhọn.
 
 Sư thượng đường: Lâm Tế ba phen ăn gậy đau, ngay lời nói của Đại Ngu liền biết trở về. Hưng Hóa nơi đầu gậy Đại Giác rõ được ý chỉ Hoàng Bá. Nếu nghĩ gậy hội thì vào địa ngục nhanh như tên bắn. Nếu chẳng nghĩ gậy hội vào địa ngục nhanh như tên bắn. Trong chúng thương lượng thảy nói: Lòng son mảnh mảnh ân lớn khó đền. Thảy là tình thức suy tính chưa ra khỏi ấm giới. Vả như Lâm Tế ngộ rồi, là được sức Hoàng Bá, là được sức Đại Ngu? Nếu thấy được, nhận ông đảnh môn có chánh nhãn sau khuỷu tay có phù linh. Nếu chưa được vậy, Hồng Phước lại vì các ông thông cái tin tức. Trượng phu khí vũ xông ngưu đẩu, một đạp hồng môn hai cửa toang.

*
 
 Sư thượng đường: Bảy tay tám chân ba đầu hai mắt, tai lắng chẳng nghe, mắt nhìn chẳng thấy, khổ vui thuận nghịch nhồi thành một mảnh. Hãy nói là cái gì? Trên đường rắn chết thôi chớ giết, giỏ tre không đáy bỏ mang về.

*
 
 Sư thượng đường: Nghe tiếng ngộ đạo rơi hai rơi ba, thấy sắc sáng tâm lầm bảy lầm tám, sanh cơ một lối vẫn ở giữa đường. Hãy nói thoát lồng Kim Cang nuốt gai lật là người nào? Áo tơi khoác đứng Thiên Phong ngoại, dẫn nước tưới rau Ngũ Lão tiều.

*
 
 Những ngày Sư trụ Linh Ẩn, Hoàng đế Hiếu Tông thường vời vào cung hỏi đạo, lưu ở lại trong nội Quán đường đối đáp còn ghi đủ trong Ngữ lục.
 Sau Sư tịch tháp toàn thân tại Đông Am ở Tư Phong.

*

61. THIỀN SƯ ĐÀM HOA ƯNG AM
Thiên Đồng
 
 Sư con nhà họ Giang quê ở Ngạc Châu. Sư sanh ra có vẻ kỳ đặc, năm mười bảy tuổi xuất gia tại chùa Đông Thiền. Ban đầu nương Thiền sư Toại Thủy Am nếm được chút ít pháp vị. Sư dạo khắp các nơi cùng chư lão túc kích dương đều được khế hợp. Sư đến Vân Cư đảnh lễ Thiền sư Viên Ngộ, Viên Ngộ một phen thấy hết lòng thúc tiến. Viên Ngộ về Thục chỉ Sư yết kiến Chương Giáo (Thiệu Long). Chương Giáo dời về Hổ Khưu, Sư theo hầu, chưa được nửa năm liền chóng rõ đại sự.

*
 
 Sư đến yết kiến Thử Am được phân tòa giáo hóa ở Liên Vân. Sư khai pháp ở Diệu Nghiêm. Sau Sư dời đến các ngôi danh sát. Ngày Sư trụ ở Qui Tông, Đại Huệ đang ở Mai Dương. Có vị Tăng đem lời dạy chúng của Sư đến Đại Huệ. Đại Huệ xem qua hết lời khen ngợi. Sau lại dùng kệ gởi Sư:
 Ngồi đoạn kim luân đệ nhất phong,
 Ngàn yêu trăm quái thảy tiềm tung,
 Năm về lại được chân tiêu tức,
 Thưa bảo Dương Kỳ chánh mạch thông.
 Sư thượng đường: Chín năm xây mặt vào vách, hoại hết cháu con ở Đông độ; chiếc giày về Tây, cùn lụt ông già mặt vàng. Sư cầm gậy vẽ một vạch nói: Trâu đá ngang đường xưa, một ngựa sanh ba cọp.

*
 
 Sư thượng đường: Lão Đức Chương mù trọc, từ nay không mùi vị, nắm được miệng mất đi mũi, canh ba hai tiếng xướng nhịp ca, vô cớ giựt mình Phạm Vương ngủ. Sư hét một hét nói:- Tôi đi trong cỏ hoang, ông lại vào thôn sâu.

*
 
 Sư thượng đường: Lâm Tế khi ở chỗ Hoàng Bá, ý chỉ ba phen ăn gậy, mọi người các ông lại xem được thấu hay chưa? Dù cho một phen cắn liền đứt, cũng chưa là kẻ đại trượng phu. Chư Phật ba đời miệng treo trên vách, các Hòa thượng già trong thiên hạ lấy cái gì ăn cơm?

*

 Sư thượng đường: Ngày mười lăm về trước sông dài thuyền cao, ngày mười lăm về sau đất nhiều Phật lớn, chính ngay ngày mười lăm, cá lý ngư ở biển Đông đánh một gậy mưa như cầm tĩn mà đổ, hẳn được tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới thảy đều hoan hỉ nói rằng: - Đánh một gậy này, quả là hợp thời hợp tiết. Báo Ân (Sư) khắp thân nhảy nhót, bèn làm một bài thi thuật tương tợ cho đại chúng nghe:
 Chuồn chuồn thật là đẹp chuồn chuồn,
 Bay đến bay đi chẳng từng ngừng,
 Bị ta bắt được ngắt hai cánh,
 Giống hệt cây đinh sắt khá to.
 
 Sư thượng đường: Nếu khởi một câu thương lượng, ăn cháo ai mà chẳng hiểu. Chẳng khởi một câu thương lượng, côn trùng trong hầm phẩn cười chết Xà-lê. Sư cầm cây gậy lên nói: - Cây gậy tội phạm đầy trời, đày đến hai ngọn núi Thiết Vi. Hãy nói Tiến Phước (Sư) lại có lỗi hay không? Sư lia cây gậy nói: - Chậm hết một khắc.
 
 Sư thượng đường: Sáng chẳng thấy tối tối chẳng thấy sáng, sáng tối hai quên không khác ông thầy tầm thường. Dã can kêu sư tử rống, sư tử rống dã can kêu, ba nhà trong thôn xấu, con khỉ giá Tăng thập bội, hạt châu Minh Nguyệt dưới hàm Ly Long, giá trị chẳng bằng một đồng. Nếu làm lỗ mũi thiền tăng, chỗ nào được đây. Sau ba mươi năm múa tay vạch ngực chưa là khổ sở.
 
 Sư thượng đường: Thợ khéo chưa ra ngọc đá chẳng phân, không người khéo lọc, vàng cát lẫn lộn. Dù cho không thầy tự ngộ, nhằm dưới cửa Thiên Đồng (Sư) chính nên sáng đánh ba ngàn chiều đánh tám trăm. Sư cầm cây gậy lên nói: - Gọi là cây gậy ngọc đá chẳng phân, chẳng gọi là cây gậy vàng cát lẫn lộn. Khoảng kia một cái nửa cái khéo rành manh mối, mới đáng bước thẳng trên không. Nếu chưa như thế, Sư lia cây gậy nói: - Để mắt xem gấp.
 Tăng hỏi: - ?Bà già hỏi Nham Đầu: Trình chèo múa nhịp thì chẳng hỏi, hãy nói đứa bé trong tay bà từ chỗ nào được? Nham Đầu gõ mạn thuyền ba cái.? Ý chỉ thế nào?
 Sư đáp: - Đun gạch đập đến liền thành khối.
 Tăng hỏi: - Khi này nếu hỏi Hòa thượng thì đáp kia thế nào?
 Sư đáp: - Một gậy đập chết.
 Tăng hỏi: - Lão Hòa thượng này giống hệt bán mũ vừa đầu.
 Sư bảo: - Ông nhằm chỗ nào thấy Nham Đầu?
 Tăng nói: - Cháp.
 Sư bảo: - Thiền hòa đổ soạn.
 Tăng hỏi: - Bà sanh bảy con, sáu đứa chẳng gặp tri âm, chỉ một đứa này cũng chẳng tiêu được, bà ném xuống dòng sông, lại là sao?
 Sư bảo: - Ít bán buôn.
 Tăng hỏi: - Khi ấy Nham Đầu bất giác le lưỡi ý thế nào?
 Sư đáp: - Vui ắt đồng vui.
 Tăng hỏi: - ?Có vị Tăng hỏi Vân Môn: - Thế nào là pháp thân thanh tịnh? Vân Môn đáp: - Hoa thược lan.? Ý này thế nào?
 Sư đáp: - Cát sâu nổ tròng mắt.
 Tăng hỏi: - Chỉ đây là chôn vùi tự kỷ, chỉ đây chẳng phải cô phụ tiên thánh, đẹp hai đường này chỗ hòa bùn hợp nước thỉnh Hòa thượng nói?
 Sư đáp: - Gân ngọc chống miệng cọp.
 Tăng hỏi: - Một lời vàng đá bàn là nặng, muôn việc lông hồng nói nhẹ nhàng.
 Sư bảo: - Chớ lừa lão tăng tốt.
 Tăng hỏi: - Người đều sợ nóng bức, ta thích ngày hạ dài, gió nam từ nam lại, mát mẻ các điện đầy?
 Sư đáp: - Buông gươm cổi giáp.
 
 Ngày kỵ Hổ Khưu, Sư niêm hương: Bình sanh không khởi chụp được cái vô ý trí này, lão Hòa thượng đem hết tài năng nghĩ suy chẳng đến. Từ đây cổi hết binh khí, tùy phần mặc áo ăn cơm, hai mươi năm rồi ngồi trên giường gỗ, treo đầu dê bán thịt chó, biết kia có bă?g cứ chắc. Tuy nhiên, mỗi năm một lượt đốt hương nến, thiên cổ khiến người hận thêm sâu.
 Sư ở trong thất khéo rèn luyện người, thời nhân gọi Đại Huệ với chỗ Sư ở là hai cửa cam lồ. Sư thường răn đồ chúng: Hàng Tăng sĩ mang giày cỏ trụ viện, cớ sao như con rắn mến hang vậy.
 Niên hiệu Long Hưng Cải Nguyên (1163) ngày mười ba tháng sáu, Sư an nhiên mà tịch.

*

62. THIỀN SƯ TRUNG AN
Ở Linh Nham

 Sư xuất gia thuở bé, lớn lên dạo qua các pháp tịch. Sau Sư đến yết kiến Viên Ngộ ở Tương Sơn. Khi ấy Phật Tánh làm Thủ tọa. Sư thưa hỏi Phật Tánh liền nhận được yếu chỉ.

*
 
 Đến khi Phật Tánh trụ Đức Sơn, sai Sư đến Chung Phụ dâng thơ kế thừa. Viên Ngộ hỏi: - Ngàn dặm mang lại chẳng nhục tông phong, công án hiện thành thế nào thông tin?
 Sư thưa: - Thấy mặt trình nhau lại không hồi hỗ.
 Viên Ngộ hỏi: - Đây là Đức Sơn, cái gì là Thượng tọa?
 Sư thưa: - Há có người thứ hai.
 Viên Ngộ nói: - Sau lưng ghê!
 Sư trao thơ. Viên Ngộ cười nói: - Tác gia thiền khách thiên nhiên có sẵn.
 Sư thưa: - Trao cho Tương Sơn.

*

 Kế đó, Sư đến Tăng đường dâng thơ thăm hỏi Thủ tọa. Thủ tọa hỏi: - Giấy trắng Huyền Sa đây từ đâu lại?
 Sư thưa: - Yếu này lặng lâu chẳng cần nói gấp, ngày nay bái trình mong một phen xem.
 Thủ tọa liền hét. Sư thưa: - Tác gia Thủ tọa.
 Thủ tọa lại hét. Sư lấy thơ liền đánh. Thủ tọa suy nghĩ. Sư thưa: - Chưa rõ ba tám chín, chẳng khỏi tự trầm ngâm. Sư lấy thơ lại đánh một cái nói: - Khi tiếp Viên Ngộ cùng Phật Nhãn thấy.
 Viên Ngộ bảo: - Đánh Thủ tọa ta chết rồi.
 Phật Nhãn bảo: - Quan coi ngựa kẻ chặt củi có bằng cứ gì?
 Sư thưa: - Nói gì là quan coi ngựa kẻ chặt củi, chính là Long tượng dày xéo.
 Viên Ngộ gọi Sư đến nói: - Thủ tọa năm trăm chúng của ta ông vì sao đánh y?
 Sư thưa: - Hòa thượng cũng phải ăn một thoi mới được.
 Viên Ngộ nhìn Phật Nhãn le lưỡi. Phật Nhãn nói: - Chưa phải.
 Lại nhìn Sư nói: - ?Tay không cầm cây cuốc, bộ hành cỡi ngựa đi, người từ trên cầu chạy, cầu trôi nước chẳng trôi?, ý thế nào?
 Sư cúi mình thưa: - Chỗ cúng đều là đến thật.
 Phật Nhãn cười nói: - Xưa nay là người trong thất.

*
 
 Sư lại đến yết kiến Hòa thượng Tự ở Ngũ Tổ để trao thơ thân quyến trong đạo pháp. Tự hỏi: - Trong thơ nói cái gì?
 Sư thưa: - Văn thể đã bày.
 Tự hỏi: - Cứu kính nói cái gì?
 Sư thưa: - Đang ngày hươi kiếm báu.
 Tự hỏi: - Lại gần đấy, trong này chẳng biết bao nhiêu chữ?
 Sư thưa: - Chớ giả thua.
 Tự nhìn Thị giả nói: - Là Tăng ở đâu?
 Thị giả thưa: - Thượng tọa từng ở dưới hội Hòa thượng.
 Tự nói: - Lạ! Được đầu trơn thế ấy.
 Sư thưa: - Bị Hòa thượng làm cùn lụt.
 Tự bèn đem thơ xông trên lò hương nói: - Nam-mô tam mãn đa một đà nẫm.
 Sư lại gần khảy móng tay rồi thôi. Tự liền mở thơ xem.
 Ngày Sư trở về Đức Sơn, Phật Quả, Phật Nhãn đều có kệ tống Sư. Chưa bao lâu ở Linh Nham cô quạnh, chư Tăng kính thơ thỉnh Sư trụ trì. Sư kế thừa Phật Tánh.

*

 Sư thượng đường: Tham thiền chẳng cứu nguồn sâu, gặp việc trọn là lưu ngại. Vì thế, giữ nó lặng lẽ lóng lặng nhàn rỗng rơi tại biển độc, lấy yếu thắng mạnh mình phải người quấy, lập kiến lượng nhân ngã ở chỗ thiên khô. Lại đến hơn kém chẳng phân chiếu chẳng đến dụng, dụng chẳng lìa hang ổ đây là chỗ học chẳng huyền trọn là lưu tục (tầm thường). Đến trong đây phải biết có trong chết thấu thoát chỗ sống ẩn cơ, Phật không thể biết Tổ không thể lường. Do đó, cổ nhân nói: Có khi trước chiếu sau dụng, vả cần cùng ông thương lượng; có khi trước dụng sau chiếu, ông phải là kẻ ấy mới được; có khi chiếu dụng đồng thời, ông lại làm sao chống cự; có khi chiếu dụng chẳng đồng thời, ông lại nhằm chỗ nào suy tính. Lại biết chăng? Tên bắn phủng cây dương cùng câu làm kinh người, chẳng phải tạm thời học được.

*

63. THIỀN SƯ BẢO ẤN BIỆT PHONG
Ở Cảnh Sơn

 Sư họ Lý quê ở Gia Châu. Từ nhỏ Sư thông cả sáu kinh mà chán việc thế tục. Sư theo Thiền sư Thanh Tố ở Đức Sơn xuất gia thọ giới cụ túc. Sau Sư nghe kinh Hoa Nghiêm luận Khởi Tín đã thấu được lý đó. Sư bỏ đây đi theo Thiền sư Mật Ấn ở Trung Phong. Một hôm Mật Ấn nhắc: - ?Tăng hỏi Nham Đầu: Khi khởi diệt chẳng dừng là sao? Nham Đầu quở nói: - Là gì khởi diệt??
 Sư khai ngộ liền gật đầu. Gặp lúc Viên Ngộ trở về Chiêu Giác. Mật Ấn sai Sư đến thăm. Sư nhân theo chúng vào thất. Viên Ngộ hỏi: - Từ trước chư thánh lấy cái gì tiếp người?
 Sư dựng đứng nắm tay. Viên Ngộ bảo: - Đây là lão tăng dùng.
 Sư lấy nắm tay chao đó. Viên Ngộ cũng đưa nắm tay, giao nhau cười to rồi thôi.
 Sau Sư đến Cảnh Sơn yết kiến Đại Huệ. Đại Huệ hỏi: - Ở đâu lại?
 Sư thưa: - Tây Xuyên.
 Đại Huệ bảo: - Chưa ra cổng Kiếm Môn cho ông ba mươi gậy rồi.
 Sư thưa: - Chẳng nên khởi động Hòa thượng.
 Đại Huệ vui vẻ quét thất mời ngồi. Đại Huệ dời về Nam, Sư trở lại Tây.
 Sư tiếp tục trụ trì các ngôi chùa cổ, sau lại ra núi trụ Bảo Ninh, Kim Sơn, Tuyết Đậu, Cảnh Sơn.

 Khai đường, Sư đăng tòa nói: Thế Tôn khi mới thành Chánh giác, ở trong vườn Lộc Uyển chuyển bánh xe pháp Tứ đế, Tỳ-kheo Kiều Trần Như ngộ đạo trước nhất. Sau này Thiền sư Chơn Tịnh mới trụ Động Sơn niêm rằng: Ngày nay trong động Tân Phong, chỉ chuyển cây trú trượng, bèn cầm cây gậy xoay bên trái nói: - Lại có người ngộ đạo trước nhất chăng? Nếu không, trượng phu tự có chí xung thiên, chớ nhằm chỗ Như Lai đi mà đi. Bèn hét một hét xuống tòa. Nếu là Thượng tọa Ấn thì chẳng thế, ngày nay nhằm trong núi Phụng Hoàng ban đầu không công phu chuyển bánh xe pháp Tứ đế, cũng không khí lực chuyển cây trú trượng, chỉ dạy mọi người đi nên bước chậm, nói cần nhỏ lời. Cớ sao? Muốn được không chuốc nghiệp vô gián, chớ chê chánh pháp luân Như Lai.

*
 
 Sư thượng đường: Chư Phật ba đời dùng một câu diễn trăm ngàn muôn ức câu, thâu trăm ngàn muôn ức câu chỉ ở một câu. Dưới cửa Tổ sư nửa câu cũng không, chỉ thế ấy nên ăn bao nhiêu gậy đau. Chư nhân giả! Vả lại chư Phật phải, chư Tổ phải? Nếu nói Phật phải thì Tổ chẳng phải, tổ phải thì Phật chẳng phải, lấy bỏ chưa quên. Nếu nói Phật Tổ đồng thời phải, Phật Tổ đồng thời chẳng phải lầm lẫn chẳng ít. Một câu cắt đứt sắn bìm làm sao nói? Con cọp gói trong mũ chỉ, đáng cười lại kinh người. Sư lại nhắc: ?Tăng hỏi Nham Đầu: - Trong trần thênh thang làm sao biện được chủ? Nham Đầu bảo: - Trong cái chậu đồng đựng đầy dầu.? Sư nói: - Cả thảy Nham Đầu đánh mất lỗ mũi. Chợt có người hỏi Bảo Ninh (Sư): - Trong trần thênh thang làm sao biện được chủ? Chỉ đáp kia rằng: - Trời lạnh chẳng nên cổi mũ.
 Sư thượng đường: Mùng một tháng sáu mặt trời đỏ đốt không, chữ thập (+) đầu đường tuyết sâu một thước, quét dọn chẳng rảnh xoay tránh chẳng kịp, động được thôn đông con liêu hồ, nửa đêm mang giày trên nước đứng.
 Sư thượng đường: Đem tâm trừ vọng vọng khó trừ, tức vọng sáng tâm đạo càng xa, thùng thông lủng đáy không kỵ úy, thảnh thơi một bước một hoa sen.
 Sư đến Cảnh Sơn, vua Hiếu Tông mời về điện Tuyển Đức hỏi đạo. Tuổi già Sư chán trụ trì tâu xin trở về am. Niên hiệu Thiệu Hy năm đầu (1190) tháng mười một, Sư đến thăm Thiền sư Trí Sách ở Giao Thừa để cùng nhau từ biệt, Trí Sách hỏi ngày đi, Sư đáp: - Nước tụ thành hồ.
 Khi sắp về đòi giấy viết: Đêm mùng bảy tháng mười hai khi gà gáy. Đúng ngày này Sư tịch.




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :