Vài Điều Liên Hệ Trong Sự Nghiệp Của Đại Sư Thiện Hoa Ở Việt NamĐại Sư Huyền Trang Ở Trung Hoa

23/03/20245:12 SA(Xem: 677)
Vài Điều Liên Hệ Trong Sự Nghiệp Của Đại Sư Thiện Hoa Ở Việt Nam Và Đại Sư Huyền Trang Ở Trung Hoa

VÀI ĐIỀU LIÊN HỆ TRONG SỰ NGHIỆP
CỦA ĐẠI SƯ THIỆN HOA Ở VIỆT NAM
ĐẠI SƯ HUYỀN TRANG Ở TRUNG HOA
Chúc Phú

thich thien hoa2
Đại sư Thiện Hoa
huyen-trang-2-
Đại sư Huyền Trang

 

Tóm tắt

Mỗi dân tộc, tôn giáo trong từng giai đoạn lịch sử đều có những bậc vĩ nhân. Có thể tiêu chí về bậc vĩ nhân giữa các cộng đồng dân tộc, tôn giáo không đồng nhất, nhưng điểm chung của các bậc vĩ nhân là tạo nên những đóng góp to lớn về nhiều mặt cho cộng đồng đó nói riêng và cả nhân loại nói chung. Đối với Phật giáo Trung Hoa, Đại sư Huyền Trang 玄奘 (602-664)[1] là một bậc vĩ nhân trong nhiều lãnh vực với những ảnh hưởng mang tầm thế giới. Đối với Phật giáo Việt Nam thời cận đại thì Đại sư Thiện Hoa (1918-1973) cũng được xem như một bậc vĩ nhân bởi những tác động tích cực trong sự nghiệp của ngài còn được lan tỏa đến ngày nay, qua những thế hệ truyền thừa.

Hai bậc Đại sư này dẫu khác nhau về bối cảnh lịch sử, lĩnh vực đóng góp, tác động ảnh hưởng… nhưng vẫn có những liên hệ gần gũi, mặc dù chưa tương đồng về mức độ, quy mô. Sự liên hệ giữa hai bậc Đại sư trong bài viết này được giới hạn trong khuôn khổ gia phong và tuổi thọ, nỗ lực tham học, trước thuật miệt mài, rõ việc lâm chung.

1.   Gia phong và tuổi thọ

Theo Tục Cao tăng truyện (續高僧傳), ngài Thích Huyền Trang (釋) vốn tên là Trần Huy (陳褘), thân phụ tên là Trần Huệ (陳慧). Ngài có người anh xuất gia trước đó, tức là Pháp sư Trường Tiệp, dung mạo quang minh, oai nghi thanh nhã, khí lượng cao quý, giảng diễn kinh luận thao thao bất tuyệt, trú trì chùa Tịnh Độ ở Đông Đô. Vì từ bé ngài Huyền Trang sức khỏe yếu kém nên được bào huynh nâng đỡ, cưu mang. Mỗi ngày, được anh dạy bảo nghĩa lý tinh yếu cùng với lý luận khéo léo rộng rãi. Năm mười một tuổi, ngài tụng kinh Duy MaPháp hoa, được xem là bậc có thứ hạng nhất định ở Đông Đô[2]. Từ đây, ngài đã nổi bật xuất sắc không có bạn bè sánh bằng, mắt nhìn, miệng tụng không hề bỏ sót. Khi thấy các Sa-di đùa giỡn, huyên thuyên thì ngài Huyền Trang bảo rằng: Kinh điển không dạy sao? Người xuất gia phải thực hành pháp vô vi sao lại luôn chơi đùa như con trẻ?[3].

Theo tư liệu này thì ngài Huyền Trang xuất gia vào năm mười một tuổi. Ngài Ấn Thuận 印順 (1906-2005) trong tác phẩm Phật giáo sử địa khảo luận (佛教史地考論) cũng đồng tình với quan điểm này[4].

Trong khi đó, theo tự thuật của mình, Đại sư Thiện Hoa cho biết: Tôi họ Trần tên Thiện Hoa, sanh giờ Dần ngày 7 tháng 8 năm Mậu Ngọ [1918]. Con nhà trung nông ở làng Hậu Thạnh Hưng, quận Trà Ôn; sau mua đất về ở làng An Phú Tân, quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ thuộc Nam Phần nước Việt. Thân phụ tôi là một Hương chức trong làng. Từ địa vị Xã trưởng rồi lên đến chức Đại Hương cả của làng An Phú Tân. Tôi có bảy anh em, người thứ hai, ba, tư đều giữ nghề ruộng rẫy và tu tại gia. Người thứ năm cũng thế, hơn nửa đời người rồi xuất gia. Người thứ sáu chết khi nhỏ. Còn bảy, tám và chín đều xuất gia tu hành trong lúc ấu niên, mà tôi là người thứ chín[5].

…Khi lên bảy tuổi, thân phụ tôi qua đời. Tôi thường theo mẹ lên chùa Phi Lai ở Châu Đốc để tuần tự [cúng tuần Thất, người viết chú] cho thân phụ, vì thế mà tôi được thọ Tam quy tại chùa Phi Lai cổ tự[6]. Khi lên chín tuổi, tôi theo mẹ đến chùa Thiên Phước ở Trà Ôn lễ Phật và thăm thầy Hương Đăng là người huynh đệ đồng sư với thân mẫu tôi ở tại chùa này. Thấy tôi nhỏ dễ thương, nên thầy Hương Đăng xin để làm học trò và hủ hỷ khi hôm sớm. Do sự chấp thuận của thân mẫu, tôi bắt đầu được vào chùa khi vừa lên chín[7].

Như vậy, Đại sư Huyền Trang xuất gia năm mười một tuổi và Đại sư Thiện Hoa quy y Tam bảo vào lúc bảy tuổi, xuất gia năm chín tuổi, tức cả hai đến với đạo khi tuổi còn rất nhỏ.

Về phương diện tuổi thọ, mặc dù được sự chăm lo tận lực của chư Tăng và cả Đường Thái Tông 唐太宗 (598-649), Đường Cao Tông 唐高宗 (628-683)[8] nhưng có lẽ do sức lực đã cạn kiệt sau những chặng đường dài cầu thỉnh kinh điển và những năm tháng miệt mài phiên kinh, thế nên Đại sư Huyền Trang đã viên tịch vào niên hiệu Lân Đức (麟德) năm đầu (664), hưởng thọ 63 tuổi[9].

Tương tự, từ khoảng thập niên 50 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX ở Việt Nam, trong những điều kiện biến động về chính trị và ách nạn của đạo pháp, thế nhưng Đại sư Thiện Hoa đã có những cống hiến to lớn về nhiều mặt, đã an nhiên viên tịch vào năm Quý Sửu (1973), hưởng dương 55 tuổi.

 Nếu tính theo tuổi trung bình của con người trong từng giai đoạn lịch sử nói riêng và tuổi thọ của loài người nói chung thì tuổi thọ của cả hai bậc Đại sư chưa bước vào giai đoạn xưa nay hiếm. Mặc dù vậy, sự nghiệp đóng góp của mỗi ngài quả là đồ sộ so với tư trào thời đại.

2.  Nỗ lực tham học

2.1 Với Đại sư Huyền Trang

 Ngay từ thuở bé đã thể hiện chí cầu học cao ngất, đã tụng đọc thành thạo kinh Duy Ma và kinh Pháp hoa. Sau khi thọ Cụ túc vào năm 21 tuổi[10], ngài đã tuần tự tham học các bậc Cao tăng thạc đức ở trong nước như: Sa-môn Đạo Thâm (道深), Sa-môn Tuệ Hưu (慧休), Sa-môn Đạo Nhạc (道岳), Sa-môn Pháp Thường (法常), Sa-môn Tăng Biện (僧辯), Sa-môn Huyền Hội (玄會)… để học kinh Đại-bát Niết-bàn (大般涅槃經), luận Thành thật (成實論), luận Nhiếp Đại thừa ( 攝大乘論), luận Câu-xá (俱舍論)… Vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ ba (629), tức năm 29 tuổi, ngài Huyền Trang phát nguyện Tây du đề cầu học và tham cầu kinh điển[11].

Theo ghi nhận từ tác phẩm Đại Đường Tây Vức ký (大唐西域記), trong toàn bộ cả chuyến đi và về, ngài Huyền Trang đi qua 139 nước[12] với quảng đường đi khoảng 8.333 dặm Anh (khoảng 10.000 km)[13] trong thời gian 17 năm ròng[14]. Ngoài việc am tường tiếng mẹ đẻ và Hán ngữ, khoảng một năm trước ngày khởi hành, ngài Huyền Trang đã thọ học các ngôn ngữ của những khu vực mà mình sắp đi qua[15]. Theo ghi nhận từ Đại Đường Tây Vức ký, cho thấy rằng ngài Huyền Trang rất am tường Phạn ngữ và nhiều ngôn ngữ khác[16].

 Trong mười bảy năm ấy, theo Tục Cao tăng truyện, ngài đã lần lượt tham học các nơi với nhiều tác phẩm kinh, luật, luận Phật giáo và cả những tác phẩm kinh điển cổ xưa của Ấn Độ. Cụ thể như, ở nước Ca-thấp-di-la (迦濕彌羅, Kāśmīra), ngài đã học luận Câu-xá, luận Thuận chánh lý, Nhân minh, Thanh minhĐại Tỳ-bà-sa[17]; ở nước Trách-ca ( 磔迦,Cheka) học Bách luận và sách vở ngoại đạo từ vị Bà-la-môn, đệ tử ngài Long Mãnh[18], ở chùa Na-già-la (那伽羅寺) học Chúng sự phần Tỳ-bà-sa với Luận sư Nguyệt Trụ (月胄); ở nước Bát-phạt-đa (鉢伐多), học những bộ luận căn bản của Chánh lượng bộ như luận Nhiếp chánh pháp, luận Thành thật (攝正法論, 成實論); ở núi Trượng Lâm học với Luận sư Thắng Quân (勝軍) các môn như Ngũ minh, Số thuật, luận Duy thức quyết trạch, luận Ý nghĩa, luận Thành vô úy[19]

Vào tháng tháng Hai, niên hiệu Trinh Quán thứ 19 (645), ngài Huyền Trang trở về Trung Hoa, hành trang mang về gồm: 224 bộ kinh Đại thừa, 190 bộ luận Đại thừa, 14 bộ kinh, luật, luận của Thượng tọa bộ, 15 bộ kinh, luật, luận của Đại chúng bộ, 15 bộ kinh, luật, luận của Tam-di-để bộ, 22 bộ kinh, luật, luận của Di-sa-tắc bộ, 17 bộ kinh, luật, luận của Ca-diếp-tí-da bộ, 42 bộ kinh, luật, luận của Pháp mật bộ, 67 bộ kinh, luật, luận của Thuyết Nhất thiết hữu bộ, 36 bộ của Nhân minh luận, 13 bộ của Thanh luận. Tổng cộng có 520 hòm với 657 bộ[20].

2.2    Với Đại sư Thiện Hoa

Đại sư Thiện Hoa là một trường hợp đặc biệt của Phật giáo Việt Nam. Quá trình cầu học của ngài được thể hiện chân thực qua những dòng tự thuật do chính ngài viết vào năm 1958:

Ở chùa này gần ba năm [chùa Đông Phước làng Đông Thành gần chợ Cái Vồn][21], thân mẫu tôi cho theo học với Sư cụ Khánh Anh (Pháp chủ hiện nay)[22]. Tôi theo hầu Cụ đến chùa Long Phước, quận Ba Tri, ở đây gần một năm, rồi qua ở chùa của bà chủ Xây, về quận Càng Long cũng gần một năm. Rốt sau tôi theo hầu cụ về nhập tự tại chùa Long An (tục gọi là chùa Đồng Đế)[23] làng Thiện Mỹ, quận Trà Ôn bấy giờ, ở đây được 4-5 năm.

Đến năm 1931-1932 (nhớ chừng) Liên Đoàn Học Xã được thành lập, do quý Sư cụ có nhiệt tâm với sự chấn hưng Phật pháp, đứng ra tổ chức, người lãnh đạoSư cụ Tuyên Linh (Lê Khánh Hòa). Mục đích của L.Đ.H.X là để đào tạo Tăng tài, chấn hưng Phật pháp. Về cách tổ chức như gia giáo, mỗi chùa phải đài thọ các sở phí trong ba tháng, để cung cấp cho học sinh cũng như các Pháp sư, hết chùa này rồi sang chùa khác.

Đến phiên thứ nhì, mở dạy tại chùa Thiên Phước, quận Trà Ôn ba tháng. Ngài Hòa thượng Thiên Phước thỉnh Sư cụ Khánh Anh làm Pháp sư. Tôi làm thị giả theo hầu Cụ và được hân hạnh dự làm học sinh tại trường này ba tháng.

…Đến năm 1935, Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ở Trà Vinh đã thành lập do quý Sư cụ như Sư cụ Tuyên Linh, Sư cụ Cố Pháp chủ, Sư cụ Tân Pháp chủ[24]Sư cụ Pháp Hải ở Vĩnh Long hiện giờ v.v... cùng quý vị cư sĩ nhiệt tâm ở tỉnh này, như ông Liêu, ông Giác, v.v. chung nhau thành lập. Đến năm 1936, Hội mở Phật học đường, thâu 20 học Tăng, rước Sư cụ Khánh Anh làm Pháp sư, Sư cụ Lê Khánh Hòa làm đốc học, Sư cụ Huệ Quang làm tổng lý, Sư cụ Pháp Hải làm trụ trì. Tôi cũng được hân hạnh theo hầu và làm một học sinh chánh thức và cũng được như pháp thọ Sa-di giới tại trường này khi 18 tuổi.

Tôi học ở Lưỡng Xuyên ba năm, vì Sư cụ Pháp sư bịnh, thiếu thầy dạy, nên tôi được Hội gởi ra Huế học tại Phật học đường Tây Thiên, nhằm năm 1938. Trường này của Tăng-già lập, do quý Cụ và quý Thầy ở Trung Việt tổ chức mà Sư cụ Thập Tháp[25] cầm đầu.

Đến năm 1939, tôi theo Sư cụ Thập Tháp vào Quy Nhơn ở tại chùa Long Khánh, được gần gũi học hỏi và hầu Sư cụ trước sau gần ba năm.

Đến năm 1941, tôi trở ra Huế, vào Phật học đường Báo Quốc học được bốn năm. Trường này do Hội Phật học Trung Việt lập, mà thầy Đốc giáo Trí Độ và ông Hội trưởng Lê Đình Thám cầm đầu.

Đến năm 1945, tôi học đã mãn chương trình đại học của trường này. Lúc bấy giờ Phật học đường Báo Quốc không thể duy trì được nữa, vì kinh tế khủng hoảng, giá sinh hoạt rất cao. Tiền cơm của học Tăng từ 5 đồng một tháng, bỗng nhiên vọt lên đến 60 đồng mỗi tháng, nên Ban Quản trị của Hội Phật học Trung Việt và Ban Giám đốc của trường này quyết định cấp tốc dời trường vào Nam và làm giấy ủy nhiệm cho ba chúng tôi để lo công việc này.

Thầy Trí Tịnh có bổn phận nhiếp chúng, Thầy Chí Quang (Trí Chiêu, đệ tử của cụ cố Pháp chủ) về vận động với hội Lưỡng Xuyên, tôi thì vận động với ông Trương Hoằng Lâu ở quận Cầu Kè.

Chúng tôi bạo dạn lãnh sứ mạng nặng nề này và mạo hiểm đưa học chúng vào Nam, trong lúc Nhật đổ bộ ở Đông Dương, máy bay Đồng minh đang tung hoành tàn phá trên đất Việt.

Tôi không nhớ rõ ngày nào, mà chỉ nhớ một buổi chiều nọ độ bốn năm giờ, chúng tôi từ giã cảnh Huế nên thơ và nhà trường thân mến, dẫn một đoàn anh em vừa lên xe lửa, chạy mới khỏi cầu Bạch Hổ, thì có hai chiếc phi cơ ác liệt rượt theo bắn phá và ném bom sập cầu Bạch Hổ!... Chúng tôi ban đêm đi, ban ngày trốn, hết đi xe rồi tới đi bộ, trải nắng dầm mưa! Lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác, trải qua 21 ngày mới đến Sài Gòn nhằm 12 giờ khuya, rồi chúng tôi đi thẳng về Mỹ Tho trong đêm ấy.

Sau khi làm lễ Hòa thượng Vĩnh Trường để gởi gắm học chúng tại đây và giao học chúng lại cho Thầy Trí Tịnh, rồi hai chúng tôi cấp tốc về bản tỉnh lo vận động cho có chỗ nơi để anh em được tiếp tục lại chương trình tu học[26].

Từ những dòng tự thuật của Đại sự Thiện Hoa đã cho thấy, ngài có nhân duyên tham học với các bậc Cao tăng danh đức thời bấy giờ.

Cụ thể, ngài đã tham học tại các chùa và các lớp gia giáo hơn hai năm, theo học Phật học đường Lưỡng Xuyên hơn ba năm, theo hầu với Tổ sư Khánh Anh (1895-1961), là Pháp chủ của Giáo hội Tăng-già Nam Việt hơn năm năm. Tiếp đó, ngài ra Huế học tại Phật học đường Tây Thiên, theo hầu Quốc sư Phước Huệ (1869-1945) gần ba năm. Sau đó, ngài trở lại Huế, tùng học tại Phật học đường Báo Quốc bốn năm và mãn khóa học vào năm 1945. Trong chuyến trở lại miền Nam, trải qua gần một tháng trời đi nhờ các loại phương tiện như tàu lửa, xe đò và kể cả đi bộ, ngài đã dẫn một đoàn huynh đệ gồm các Tăng sĩ trẻ, vượt khoảng một ngàn km để trở lại Sài gòn.

Như vậy, kể từ khi xuất gia vào lúc chín tuổi, Đại sư Thiện Hoa đã trải qua hơn 14 năm tham học các nơi; từ miền Nam cho đến miền Trung, từ các bậc Long tượng của Phật giáo Miền Nam lúc bấy giờ như Cụ Khánh Hòa, Cụ Khánh Anh, Cụ Huệ Quang… cho đến Quốc sư Phước Huệ ở miền Trung, các bậc tri thức Phật giáo nổi danh thời bấy giờ như Thầy Trí Độ, Thầy Tâm Minh-Lê Đình Thám… Quãng đường cầu học của Đại sư Thiện Hoa chỉ bằng khoảng một phần năm so với quãng đường đi của Đại sư Huyền Trang[27], nhưng nếu như căn cứ vào mức độ gian khổ, hiểm nguy trong giao thông, đi lại vào khoảng giai đoạn 1940-1945 ở xã hội Việt Nam thì cũng có những nét tương đồng.

3.  Trước thuật miệt mài

3.1. Với Đại sư Huyền Trang

Sau khi trở về Trung Hoa vào tháng Giêng niên hiệu Trinh Quán (貞觀) năm thứ 19 (645) cho đến tháng Mười niên hiệu Long Sóc (龍朔) năm thứ ba (663), trong khoảng 19 năm ấy, Đại sư Huyền Trang đã miệt mài trước thuật mà chủ yếu ở đây chính là phiên dịch những bộ kinh vừa được thỉnh về từ Ấn Độ.

Đầu tiên, theo sự thỉnh cầu của Đại sư Huyền Trang, Đường Thái Tông ban chiếu cầu hiền tài để cùng trợ dịch. Thỉnh Sa-môn như Tuệ Minh, Linh Nhuận chứng nghĩa, Sa-môn Hành Hữu, Huyền Trách biên tập, Sa-môn Trí Chứng, Biện Cơ chép thành văn, Sa-môn Huyền Mô chứng Phạn ngữ, Sa-môn Huyền Ứng xác định chữ bị nhầm lẫn[28]. Liên quan đến việc cầu thỉnh các vị Sa-môn cùng tham dự dịch trường, có lần nhà vua hỏi: Pháp sư thông đạt Phạn-Hán, văn nghĩa dung thông, chỉ sợ rằng hàng môn hạ phô bày hiểu biết nông cạn, rốt cuộc làm cho Thánh điển hư hao. Ngài Huyền Trang đáp: Ngày xưa, việc dịch kinh ở hai triều Tần[29], môn hạ có tới ba ngàn, cho dù đó là truyền ngữ để dịch kinh; chỉ e ngại rằng kẻ thiếu hiểu biếtđời sau hoài nghi mà tin vào điều sai trái. Nếu không cung cử để cùng phụng hành Thánh giáo thì lẽ nào dám lấy sự hẹp hòi để vọng xen vào việc ủy thác của triều đình? Cứ nhiều lần cầu thỉnh mới mong được hứa khả.[30] Cũng trên tinh thần này, nhà vua đã cung cử các vị đại thần như Tả bộc xạ Vu Chí Ninh 于志寧 (588-665), Trung thư lệnh Lai Tế 來濟 (610-662),  Lễ bộ Hứa Kính Tông 許敬宗 (592-672), Hoàng môn thị lang Tiết Nguyên Siêu 薛元超 (623-684), Trung thư lệnh Lý Nghĩa Phù 李義府 (614-666)… cùng tham gia việc nhuận sắc và hỗ trợ kinh cần[31].

Trong toàn bộ sự nghiệp phiên kinh của Đại sư Huyền Trang, theo Tục Cao tăng truyện, ngài đã phiên dịch 73 bộ, 1.330 quyển[32]. Theo khảo sát của chúng tôi, dịch phẩm của Đại sư Huyền Trang hiện còn bảo lưu trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu là 70 bộ, với 1.311 quyển; bộ dài nhất là bộ Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05 0220. 0001a03), gồm  600 quyển và bộ ngắn nhất là Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh 般若波羅蜜多心經 (T.08. 0251. 0848a03), chưa đến một quyển[33].

Trong sự nghiệp phiên dịch của Đại sư Huyền Trang, có lẽ điều ấn tượng nhất là bộ kinh Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Mặc dù bộ kinh dài 600 quyển nhưng được Đại sư dịch trong vòng bốn năm, từ tháng Giêng niên hiệu Hiển Khánh (顯慶) năm thứ năm (660) đến tháng Mười niên hiệu Long Sóc (龍朔) năm thứ ba (663). Có thể đây cũng là một trong những nhân duyên khiến sức khỏe của Đại sư trở nên suy kiệt cùng cực và ngài đã viên tịch sau đó một năm.

3.2. Với Đại sư Thiện Hoa

Sự nghiệp trước thuật của Đại sư Thiện Hoa tuy không thể sánh với Đại sư Huyền Trang; tuy nhiên, căn cứ vào bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, căn cứ vào giá trị và tầm ảnh hưởng từ những tác phẩm của Đại sư để lại đã cho thấy rằng, trong lĩnh vực trước thuật ở Việt Nam trong giai đoạn ấy, thì Đại sư Thiện Hoa đã có những đóng góp to lớn.

Điều đầu tiên phải kể đến là sự đóng góp của Đại sư trong lĩnh vực báo chí Phật giáo. Có lẽ tiếp thu tinh thần hoằng pháp qua báo chí từ Đại sư Khánh Hòa, thế nên Đại sư Thiện Hoa đã tham gia viết bài cho nhiều tờ báo Phật giáo thời bấy giờ như: Tạp chí Từ Quang, Tuần báo Thiện Mỹ, Nguyệt San Phật giáo Việt Nam… Những bài viết từ các tờ báo và tạp chí này trở thành chất liệu chính để hình thành nên những tác phẩm của Đại sư về sau này. Cụ thể như, bài viết Ngũ minh trong Nguyệt San Phật giáo Việt Nam, bài viết Ý nghĩa Vu Lan trong Tuần báo Thiện Mỹ… đã được bổ sung, kiện toàn rồi đưa vào trong bộ sách Phật học phổ thông. Trong những tác phẩm của Đại sư Thiện Hoa để lại, có thể điểm qua một số tác phẩm chủ yếu như:

- Về phiên dịch: Kinh Kim cang, Tâm kinh, Luận Đại thừa khởi tín, Duy thức học, Luận Nhân minh.

- Về trước tác: Phật học phổ thông, Bản đồ tu Phật, Tám quyển sách quý, Bài học ngàn vàng, Đại cương kinh Lăng nghiêm, Lược giải kinh Viên Giác, Phật học giáo khoa cho các trường Bồ-đề, 50 năm chấn hưng Phật giáo, Phật giáo Việt Nam ngày nay, Tinh thần có phải do vật chất sanh chăng? Triết lý đạo Phật, Chọn đường tu,  Sách tự học chữ Hán

Trong toàn bộ những tác phẩm của Đại sư, có thể nói rằng, bộ Phật học phổ thôngtác phẩmĐại sư đã dành nhiều tâm huyết. Theo tự thuật của ngài, trích từ Một sự nghiệp của đời tôi, in trong phụ lục của bộ Phật học phổ thông, đã cho thấy rằng hoài bão xây dựng một cây thang giáo lý được Đại sư Thiện Hoa ấp ủ từ năm 1938, trong thời gian còn theo học ở Huế. Để hoài bão đó trở thành hiện thực, Đại sư Thiện Hoa đã tùng học các nơi, tích cóp tinh hoa từ các bậc thầy mà mình từng thọ học[34], gom nhặt tất cả mọi tư liệu trong khả năng có thể[35], kiện toàn năng lực Hán ngữ[36] và cả Việt ngữ[37]. Chính vì vậy, trong chuyến trở về miền Nam vào năm 1945, ngài đã mang theo rất nhiều va-ly tài liệu, sách vở[38].

Trầm tư về tác phẩm từ năm 1938 và mãi đến năm 1965, tác phẩm Phật học phổ thông mới tạm hoàn thành với khoảng thời gian 27 năm, điều đó cho thấy chí nguyện kiên cường và tính kiên định của Đại sư Thiện Hoa. Không những vậy, với tôn chỉ: Khoa học - Đại chúng - Dân tộc[39], và để thực hiện được điều đó, Đại sư đã cầu thị các bậc thức giả như HT. Thích Thiện Hòa, HT. Thích Trường Lạc[40], cư sĩ Võ Đình Cường nhuận sắc và tu chỉnh bài vở[41].

Thiền sư Nhất Hạnh đã ghi nhận về nội dung bộ Phật học phổ thông trong Việt Nam Phật giáo sử luận rằng:  Chương trình Phật học này được chia thành mười hai khóa và được gọi là chương trình Phật học phổ thông. Chương trình được phổ biến rất rộng rãi[42].

Như vậy, từ khi ra đời cho đến ngày hôm nay đã 58 năm (1963-2023) nhưng tác phẩm Phật học phổ thông vẫn là nguồn tham khảo cho nhiều người bước đầu học Phật, bất luận cư sĩ hay Tăng Ni. Thậm chí, đối với các bậc giảng sư, bộ Phật học phổ thông vẫn là nguồn tham chiếu không thể thiếu để triển khai các đề tài Phật học.

Có thể nói rằng, nếu như điều tâm đắc trong sự nghiệp phiên dịch của Đại sư Huyền Trangbộ kinh Đại Bát-nhã thì hoài bão trước tác của Đại sư Thiện Hoa chính là bộ Phật học phổ thông. Tuy hai tác phẩm nêu trên chưa tương quan về dung lượng nhưng xét về giá trị và mức độ ảnh hưởng trong mỗi quốc gia mà những tác phẩm này xuất hiện thì cũng có những điểm khá tương đồng.

4.  Rõ việc lâm chung

4.1. Đối với Đại sư Huyền Trang

Theo Đại sư Ấn Thuận 印順 (1906-2005), một trong những nguồn sử liệu liên quan đến Đại sư Huyền Trang thì tác phẩm Đại đường cố Tam tạng Huyền Trang Pháp sư hành trạng (大唐故三藏玄奘法師行狀), gọi tắt là Hành trạng (行狀), được soạn bởi Minh Tường (冥詳所撰), là tác phẩm xuất hiện sớm nhất, chứa đựng nhiều dữ liệu chân thực và quan trọng[43].

Theo Hành trạng (行狀): Đến ngày mùng một tháng Giêng niên liệu Lân Đức (麟德) năm đầu (664), chư Tăng và học chúng chùa Ngọc Hoa thỉnh ngài dịch kinh Đại Bảo Tích, Pháp sư từ chối và bảo rằng: Cảm thấy kinh này ở Trung Quốc chưa có duyên, dù phiên dịch cũng không xong, cố nài cũng không thể. Pháp sư nói tiếp: Nếu dịch thì không quá năm hàng. Bèn dịch bốn hàng rồi dừng lại. Ngài nói với đệ tửchư Tăng dịch kinh rằng: Hễ pháp hữu vi thì nhất định phải hư hoại; bản chất hư huyễn thì sao trụ được lâu dài? Bây giờ vào năm đầu niên hiệu Lân Đức, tuổi của ta đã sáu mươi ba, quyết chắc sẽ viên tịchNgọc Hoa, nếu có điều gì còn nghi ngờ trong kinh, luận thì nên nhanh chóng đến hỏi, chứ để hối hận về sau[44].

Vào những thời khắc sau cùng trước khi Đại sư Huyền Trang viên tịch, Tục Cao tăng truyện ( 續高僧傳) đã ghi lại rất mực cảm động: Đến ngày mùng bốn tháng Hai, [Đại sư] nằm nghiêng bên phải, hai chân duỗi thẳng, tay phải kê đầu, tay trái để trên bắp vế, an nhiên bất động. Có người hỏi ngài thấy tướng gì? Đại sư đáp: Chớ nên hỏi han vì khiến ta trở ngại chánh niệm. Đến giữa đêm ngày mùng năm, đệ tử hỏi rằng: Hòa thượng quyết định vãng sanhdiện kiến ngài Di Lặc chăng? Đại sư đáp: Quyết định vãng sanh. Nói xong thì hơi thở dứt. Trải qua hai tháng mà dung sắc ngài vẫn như bình thường lại có nhiều điều linh nghiệm vì lược bỏ nên không kể ra[45].

Như vậy, từ những dữ liệu nêu trên, đã cho thấy rằng đại sư Huyền Trang đã biết trước gần chính xác việc lâm chung của mình. Đặc biệt, chí nguyện sanh về cõi trời Đâu-suất của ngài Di Lặc của Đại sư không những thể hiện từ khi sưu khảo, tìm cầu và phiên dịch Du-già-sư-địa luận[46] mà còn được ngài xác quyết vào giây phút cuối của đời mình; điều đó cho thấy bên cạnh việc phiên kinh thì năng lực tu tập của Đại sư luôn vững chãi, đã tạo nên khí chất tự tại của một bậc long tượng của Phật giáo Trung Hoa nói riêng và cả thế giới nói chung.

4.2. Đối với Đại sư Thiện Hoa

Trong thời gian lưu trú khoảng một năm ở Tổ đình Phước Hậu, Đại sư sống ẩn dật, bình lặng như một nông tăng, buổi sáng công phu, nhưng chỉ tụng kinh Phổ môn, không tụng chú Lăng nghiêm, buối tối tụng kinh Di Đà, ngoài thời gian chấp tác và làm việc thì hai thời công phu ít khi nào bỏ phế[47]. Có thể nói, công phu tu tập hằng ngày luôn được Đại sư chú trọng quan tâm dù Phật sựđa đoan, bộn bề.

Theo Tạp chí Bát Nhã: Mùa hạ năm 1952, Hòa thượng bị bệnh nặng ở tay, phải vào giải phẫu, Hòa thượng nói: “Phen này nếu có chết đi, tôi còn ân hận vì hoài bão truyền bá Phật pháp chưa xong’[48]. Chi tiết này cũng được xác nhận bởi những người thân tín của Đại sư, cụ thể là việc biên soạn tác phẩm Cây thang giáo lý, tức bộ Phật học phổ thông chưa được hoàn tất[49].

Theo tiểu sử của Đại sư[50], Hòa thượng khởi bệnh từ tối đêm 17 tháng 11 năm Canh Tý, sau ngày lễ vía Đức Phật A Di Đà, ngài được đưa vào bệnh viện Đồn Đất điều trị. Bác sĩ cho biết bệnh của Hòa thượng cần phải được giải phẫu. Hòa thượng thường nói với các đệ tử đến thăm viếng: “Nếu kỳ đau này tôi phải chết, tôi rất hài lòng, vì đối với sự hoằng hóa tôi đã làm tròn nhiệm vụ. Đối với Đạo pháp tôi đã gánh vác được một giai đoạn khó khan”.

Sau khi giải phẫu, bệnh của Hòa thượng càng ngày càng nhẹ, ai cũng tin rằng không bao lâu Hòa thượng sẽ bình phục trở về chùa. Một phóng viên báo Điện Tín đến vấn an, hỏi về cảm nghĩ của Hòa thượng trong thời gian ở bệnh viện. Hòa thượng đáp: Tôi không mong ước gì hơn sớm có ngưng bắn, để cho dân tộc Việt Nam được hưởng một mùa xuân thanh bình.

Một hôm, Hòa thượng Thiện Hòa vào thăm Hòa thượng. Tuy cảm thấy bệnh tình đã nhẹ rồi, mà Hòa thượng vẫn dặn dò mọi việc, cho đến kinh sách hiện còn, đều giao cả cho Hòa thượng Thiện Hòa. Thấy điều lạ, Hòa thượng nói: “Nằm ít hôm nữa bệnh lành rồi về, nói chi chuyện ấy”.

Bất thần, ngày 17 tháng 12 âm lịch, Hòa thượng trở bệnh. Đến đêm 19 tháng 12 âm lịch, Hòa thượng thấy mệt, biết mình không qua khỏi nên gọi các môn đệ đến bảo: “Các con niệm Phật cho Thầy vãng sanh, Thầy mệt quá rồi”. Từ giờ phút ấy tiếng niệm Phật đều đều vang lên trong gian phòng hồi sinh. Từ đó Hòa thượng lặng lẽ dần dần đến 06 giờ 5 phút, sau một hơi thở dài rồi im lìm theo Phật!

Hòa thượng đã an lành viên tịch vào sáng ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý nhằm ngày 23 tháng Giêng năm 1973, thọ 55 tuổi và được 26 tuổi hạ.

Theo Điếu văn của Hội đồng Viện tăng thốngViện Hóa đạo:

Trước giờ lâm chung, Thượng tọa có dạy các đệ tử rằng: “Sinh lão, bệnh, tử là luật vô thường của cuộc sống. Không ai tránh khỏi cái chết, thì dù chết hôm nay hay sống thêm năm mười năm nữa cũng thế thôi”.  Câu nói thực chí lý, chứng tỏ sự giác ngộ về lẽ vô thường của một bậc chân tu[51].

Từ những cứ liệu nêu trên cho thấy, khi chưa hoàn tất những việc cần làm thì Đại sư cũng có những băn khoăn, tư lự; nhưng khi hiểu rõ Phật sự của đời mình đã tạm gọi là hoàn tất, những việc cần làm đã làm xong thì Đại sư an nhiên buông bỏ xác thân để thuận theo lẽ vô thường. Ở một chừng mực nào đó, Đại sư Thiện Hoa đã nhận thức rõ về việc lâm chung của chính mình.

5.  Nhận địnhđề xuất

Giữa Đại sư Huyền TrangĐại sư Thiện Hoa dù có nhiều khác biệt về không gian, thời gian, quy mô đóng góp… nhưng ít nhất cả hai bậc Đại sư đã có một số dấu hiệu liên hệ tương đồng như đã chỉ ra.

Với Đại sư Huyền Trang, chí nguyện lớn nhất là tận lực tìm kiếm những lời dạy chân thực của Đức Thế Tôn, qua những tác phẩm kinh điểnnỗ lực phiên dịch chúng ra ngôn ngữ Trung Hoa; cống hiến cho hậu thế một phong cách tiếp cận, nghiên cứu, tư duy qua kho tàng kinh điển đồ sộ mà ngài đã phiên dịch.

Với Đại sự Thiện Hoa, trong bối cảnh đặc thù đầy những biến loạn của xã hội Việt Nam giữa và cuối thể ký XX, thế nhưng ngài đã cần cầu tham học ở nhiều nơi, nỗ lực tận hiến cả một đời, làm Phật sự không hề ngưng nghỉ, để cống hiến cho Phật pháp nói chung, cho Phật giáo Việt Nam nói riêng những tác phẩm để đời và đào tạo ra hàng môn đệ làm rạng danh Phật giáo thời Lý-Trần thuở trước[52].

Với Đại sư Huyền Trang, có thể ví ngài như một ngọn đuốc soi đường cho nhiều thế hệ Phật giáo Trung Hoa; với Đại sư Thiện Hoa, tuy ngài chưa thể làm một ngọn đuốc sáng như thế mà chỉ có thể là một ngọn nến nhỏ, nhưng dẫu là một ngọn nến nhỏ vẫn có thể xua tan bóng tối cả ngàn năm.

Với những đóng góp thiết thựccụ thể của Đại sư Thiện Hoa như đã trình bày, nên chăng, từ cuộc hội thảo này, Hội đồng Trị sự và các Ban, Ngành, Viện Trung ương nói chung và giới Tăng, Ni Phật tử ở khu vực miền Nam nói riêng, nên đề xuất đặt tên Đại sư cho một số công trình Phật giáo có tầm cỡ trong khu vực; hoặc có thể đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước, dùng tôn danh của Đại sư đặt tên cho một vài con đường ở những thị xã hoặc thành phố mà Đại sư đã có nhân duyên phụng sự, dấn thân.

Tài liệu tham khảo

  1. 1.      Đại Đường Đại Từ Ân tự Tam tạng Pháp sư truyện 大唐大慈恩寺三藏法師傳 (T.50. 2053.10. 0276c02).
  2. Đại Đường Tây Vức ký 大唐西域記 (T.51. 2087.1-0868c03; 12-0939b02).
  3. Đại Đường cố Tam tạng Huyền Trang Pháp sư hành trạng 大唐故三藏玄奘法師行狀 (T.50. 2052. 0220a01).
  4. Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0446c08).
  5. Phật giáo sử địa khảo luận 佛教史地考論 (Y.22. 0022.16. 0371a10).
  6. Thích Thiện Hoa (1956), Tinh thần có phải do vật chất sanh chăng? Sen Vàng xuất bản.
  7. Thích Thiện Hoa (1958), “Ôn lại khoản đời trên 40 năm”, trong Tập kỷ niệm Phật học đường Nam Việt, Phật học đường xuất bản, Sài Gòn.
  8.  Thích Thiện Hoa (1966), Sách tự học chữ Hán, tập 1, Hương Đạo xuất bản, Sài Gòn.
  9. Thích Thiện Hoa, (1971), Phật giáo Việt Nam ngày nay (1971), Viện Hóa Đạo, Tổng vụ Tài chánh xuất bản.
  10. Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, bộ 3 tập, NXB.Tôn Giáo, 2006.
  11. Nguyễn Lang, (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Phương Đông.
  12. Viên Chiếu (2014), Dõi bước Huyền Trang, NXB.Hồng Đức.
  13. Kỷ yếu Đại hội, Giáo hội Tăng-già Việt Nam.
  14. Nguyệt san Phật giáo Việt Nam (1958), số 20 và 21.
  15.  Tạp chí Bát Nhã (1973), của Tổng vụ Tài chính, số đặc biệt.
  16. Tuần báo Thiện Mỹ (1965), số 27, số 37.

[1] Về niên đại này, xem giải thích đầy đủ ở chú thích 5.

[2] Đông Đô (東都): Kinh đô ở phía Đông, tức chỉ cho Lạc Dương (洛陽).

[3] Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0446c08). Nguyên tác: 兄素出家。即長捷法師也。容貌堂堂儀局瓌秀。講釋經義聯班群伍。住東都淨土寺。以奘少罹窮酷。携以將之。日授精理。旁兼巧論。年十一誦維摩法華。東都恒度便預其次。自爾卓然梗正不偶朋流。口誦目緣略無閑缺。覩諸沙彌劇談掉戲。奘曰。經不云乎。夫出家者為無為法。豈復恒為兒戲.

[4] Phật giáo sử địa khảo luận 佛教史地考論 (Y.22. 0022.16. 0371a10). Nguyên tác: Ngài Huyền Trang xuất gia vào năm thứ 8, niên hiệu Đại Nghiệp, đời nhà Tùy, vào lúc 11 tuổi (奘公出家於隋大業八年,時年十一).

[5] Người chị thứ bảy xuất gia, đó là Sư bà Diệu Kim trụ trì chùa Bảo An, Cần Thơ, xuất gia lúc 17 tuổi. Người anh thứ tám đồng thời xuất gia với Hòa thượng, là Thượng tọa trụ trì chùa Phật Quang Trà Ôn, pháp danh Tịnh Tâm. Chi tiết này cũng được xác nhận bởi HT. Thích Phước Cẩn, là cháu nội, gọi Đại sư Thiện Hoa là ông nội chú, thứ chín, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (NK.2022-2027).

[6] Trong khoảng thời gian này, Phi Lai cổ tự do HT. Thích Chí Thiền (1861-1933) trú trì. Như vậy Đại sự Thiên Hoa thọ Tam quy ngũ giới với Đại sư Chí Thiền.

[7] Thích Thiện Hoa (1958), “Ôn lại khoản đời trên 40 năm”, trong Tập kỷ niệm Phật học đường Nam Việt, Phật học đường xuất bản, Sài Gòn, tr.12.

[8] Đại Đường cố Tam tạng Huyền Trang Pháp sư hành trạng 大唐故三藏玄奘法師行狀 (T.50. 2052. 0220a01). Nguyên tác: Pháp sư được hai vua trân trọng và kính mến (法師蒙二帝珍敬).

[9] Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0458a13) cho rằng ngài Huyền Trang thọ 65 tuổi. Nguyên tác: 行年六十五矣. Cũng đồng ý với quan điểm này, ngài Thích Ngạn Tông (釋彥悰) trong Đại Đường Đại Từ Ân tự Tam tạng Pháp sư truyện 大唐大慈恩寺三藏法師傳 (T.50. 2053.10. 0276b05) ghi nhận rằng: Lúc Pháp sư dịch kinh này  [chỉ cho kinh Đại Bát-nhã] thường xuyên nghĩ đến vô thường tấn tốc, nói với chư Tăng rằng: “Năm nay Huyền Trang đã 65 tuổi, sẽ viên tịch ở chốn già-lam này, bộ kinh quá lớn, e sợ không xong, mỗi người hãy nỗ lực chuyên cần, chớ nệ hà lao khổ” ( 然法師翻此經時, 汲汲然恒慮無常, 謂諸僧曰: [玄奘今年六十有五, 必當卒命於此伽藍, 經部甚大, 每懼不終, 人人努力, 人加勤懇, 勿辭勞苦]). Tuy nhiên, trong tác phẩm Đại Đường cố Tam tạng Huyền Trang Pháp sư hành trạng 大唐故三藏玄奘法師行狀 (T.50. 2052. 0219a18), gọi tắt là Hành trạng (行狀), lại ghi 63 tuổi (行年). Theo nghiên cứu của Pháp sư Ấn Thuận (印順法師) trong tác phẩm Phật giáo sử địa khảo luận 佛教史地考論 (Y.22. 0022.16), thì tác phẩm Hành trạng (行狀) do đệ tử của ngài Huyền Trang, tên là Minh Tường (冥詳) soạn ngay sau khi ngài Huyền Trang vừa viên tịch, chứa đựng nhiều thông tin xác thực hơn so với Tục Cao tăng truyệnĐại Đường Đại Từ Ân tự Tam tạng Pháp sư truyện. Sau khi đối chiếu kỹ lưỡng niên biểu của ngài Huyền Trang giữa ba tác phẩm này, Pháp sư Ấn Thuận cho rằng, ngài Huyền Trang sinh vào niên hiệu Nhân Thọ (仁壽) năm thứ hai (602), trang 0371a09, và viên tịch vào niên hiệu Lân Đức (麟德) năm đầu (664), trang 0372a06, hưởng thọ 63 tuổi.

[10] Phật giáo sử địa khảo luận 佛教史地考論 (Y.22. 0022.16. 0371a11). Nguyên tác: Vào niên hiệu Vũ Đức năm thứ năm (622) thời nhà Đường, ngài Huyền Trang thọ giới Cụ túc vào năm 21 tuổi (唐武德五年,奘公受具足戒,時年二十一).

[11] Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0447a14-0447b25).

[12] Đại Đường Tây Vức ký 大唐西域記 (T.51. 2087.1-0868c03; 12-0939b02). Số lượng 139 nước được thống kê qua 12 quyển của tác phẩm này.

[13] Viên Chiếu, Dõi bước Huyền Trang, NXB.Hồng Đức, 2014, tr.191.

[14] Theo Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0447a14-0447b25), ngài Huyền Trang khởi hành Tây du vào năm Trinh Quán thứ ba (629) và trở về vào năm Trinh Quán thứ 19 (645).

[15] Theo Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0447a14). Nguyên tác: đến các nước Phiên, chuyên học tiếng nói và chữ viết (廣就諸蕃, 遍學書語).

[16] Đại Đường Tây Vức ký 大唐西域記 (T.51. 2087.1. 0871c28): ở quyển thứ nhất ghi nhận: Như nước Yết-sương-na (羯霜那, Kusana)… Ngôn ngữ và điệu bộ khác biệt với các nước khác. Chữ cái có 25 mẫu tự, từ đó mà sinh ra, dùng để chỉ các sự vật, chữ viết ngang, đọc từ trái sang phải. (語言去就, 稍異諸國. 字源二十五言, 轉而相生, 用之備物, 書以橫讀自左向右); và ở quyển hai (T.51. 2087.2. 0876c09) thì ghi: Chữ nghĩa rõ ràng, do Phạm thiên chế ra, chỉ bày phép tắc, gồm 47 chữ ( 詳其文字, 梵天所製, 原始垂則, 四十七言也).

[17] Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0449a05-0449a11). Nguyên tác: 俱舍順正理因明聲明及大毘婆沙).

[18]Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0449a20). Nguyên tác: 百論及外道書.

[19] Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0452c18). Nguyên tác: 唯識決擇論意義論成無畏論.

[20] Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0946c15-0946c22). Nguyên tác: 大乘經二百二十四部; 大乘論一百九十部; 上座部經律論一十四部; 大眾部經律論一十五部; 三彌底部經律論一十五部; 彌沙塞部經律論二十二部; 迦葉臂耶部經律論一十七部; 法密部經律論四十二部; 說一切有部經律論六十七部; 因論三十六部; 聲論一十三部; 凡五百二十夾; 總六百五十七部.

[21] Phụ chú này được dẫn lại ở đoạn trên, cũng do chính Đại sư Thiện Hoa viết. Chùa này có khả năng đây là chùa Đông Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Theo lịch sử, chùa này được Tổ sư Minh Khiêm Hoằng Ân trác tích khai sơn từ những năm 1895-1896. Sau đó truyền lại cho đệ tửTổ sư Như Năng xây dựng với kiến trúc đơn sơ nhà gỗ mái ngói Nam Bộ và được tái thiết lần gần nhất vào năm 2022.

[22] Như vậy, Đại sư Thiện Hoa y chỉ Sư cụ Khánh Anh, được ngài ban cho pháp hiệu là Hoàn Tuyên. Pháp hiệu này được Đại sư Thiện Hoa sử dụng nhiều nhất trong Tạp chí Từ Quang, ở mục Phật giáo vấn đáp, trong giai đoạn 1953-1954.

[23] Theo, https://traon.vinhlong.gov.vn/trang-chu/thong-bao/gioi-thieu-tong-quan/lich-su-van-hoa, truy cập ngày 7.10.2023,  chùa này được xây dựng vào năm 1860, hiện ở ấp Mỹ Trung, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

[24] Căn cứ vào niên đại của bài tự thuật này, thì cụ Cố Pháp chủ tức là HT. Thích Huệ Quang (1888-1956) và cụ Tân pháp chủ tức HT. Thích Khánh Anh (1895-1961).

[25] Tức Quốc sư Thích Phước Huệ (1869-1945).

[26] Thích Thiện Hoa (1958), “Ôn lại khoản đời trên 40 năm”, trong Tập kỷ niệm Phật học đường Nam Việt, Phật học đường xuất bản, Sài gòn, tr.12-14.

[27] Theo, Viên Chiếu, Dõi bước Huyền Trang, NXB.Hồng Đức, 2014, tr.191, thì quảng đường đi cầu pháp của ngài Huyền Trang khoảng 10.000 km; trong khi đó, khoảng cách từ Sài Gòn ra Huế, tính cả đi và về cũng hơn 2.000 km.

[28] Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0455a13). Nguyên tác: 遂召沙門慧明靈潤等. 以為證義. 沙門行友玄賾等. 以為綴緝. 沙門智證辯機等. 以為錄文. 沙門玄模以證梵語. 沙門玄應以定字.

[29] Nguyên tác: Nhị Tần (二秦): chỉ cho Tiền Tần  (350-394) và Hậu Tần (384-417).

[30] Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0455a05- 0455a09). Nguyên tác: 上曰. 法師唐梵具贍詞理通敏. 將恐徒揚仄陋終虧聖典. 奘曰。昔者二秦之譯門徒三千. 雖復翻傳. 猶恐後代無聞懷疑乖信. 若不搜舉同奉玄規. 豈以褊能妄參朝委. 頻又固請乃蒙降許.

[31] Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0457b28).

[32] Tục Cao tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0458a22). Tuy nhiên, theo Đại Đường cố Tam tạng Huyền Trang Pháp sư hành trạng 大唐故三藏玄奘法師行狀 (T.50. 2052. 0219b26) thì ngài dịch tổng cộng là 75 bộ, hợp thành 1.331 quyển; theo Đại Đường Đại Từ Ân tự Tam tạng Pháp sư truyện 大唐大慈恩寺三藏法師傳 (T.50. 2053.10. 0277a02), ngài dịch 74 bộ, 1.338 quyển.

[33] Nhân việc khảo sát này, chúng tôi cũng phát hiện dường như tạng Đại chánh ghi nhầm ngài Huyền Trang là dịch giả của kinh Đại Bảo Tích (大寶積經), từ cuốn 35 đến quyển 54. Vì lẽ, theo theo Đại Đường cố Tam tạng Huyền Trang Pháp sư hành trạng 大唐故三藏玄奘法師行狀 (T.50. 2052. 0219a13) và  Đại Đường Đại Từ Ân tự Tam tạng Pháp sư truyện 大唐大慈恩寺三藏法師傳 (T.50. 2053.10. 0276c02), sau khi dịch xong bộ Đại Bát-nhã, vào năm đầu niên hiệu Lân Đức (664), chúng Tăng thỉnh ngài dịch kinh Đại Bảo Tích (大寶積經), ngài dịch vài hàng rồi ngưng và bảo rằng sức lực không còn để hoàn tất việc dịch bản kinh này.

[34] Theo chương trình đại học 5 năm của Hội An Nam Phật Học ở Trung kỳ, thì năm 1: Kim Cương trực sớ, Tâm Kinh chú giải, Duy thức phương tiện đàm, Bát thức quy cũ tụng trang sớ. Năm 2: Lăng nghiêm kinh, Viên giác kinh, Nhân minh luận. Năm 3: Lăng-già kinh, Khởi tín luận, Đại thừa chỉ quán. Năm 4: Thành duy thức luận, Pháp hoa kinh, Phạm võng kinh. Năm 5: Đại Bát Niết-bàn, Tứ phần luật. Xem tại, Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Phương Đông, 2012, tr. 679.

[35] Chi tiết này cũng được xác nhận bởi HT. Thích Phước Cẩn, là cháu nội, gọi Đại sư Thiện Hoa là ông nội chú, thứ chín, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (NK.2022-2027).

[36] Xem, Thích Thiện Hoa, Sách tự học chữ Hán, tập 1, Hương Đạo xuất bản, Sài Gòn, 1966.

[37] Đại sư Thiện Hoa đã phụ trách lớp dạy Việt ngữ theo phương thức mới, tại giảng đường chùa Ấn Quang vào mỗi tối, khoảng tháng 12 năm 1955. Chi tiết này được ghi nhận trong kho tư liệu của Nhà in Sen Vàng, năm 1955.

[38] Chi tiết này cũng được xác nhận bởi HT. Thích Phước Cẩn, như trên.

[39]  Lời tự thuật của Đại sư Thiện Hoa, trích xuất từ Một sự nghiệp của đời tôi, in trong phụ lục của bộ Phật học phổ thông và gồm cả ý kiến của HT. Thích Phước Cẩn. Chủ trương cũng như phong cách văn chương này được một trong những bậc cao đồ của Đại sư tiếp nối, chính là Thiền sư Thích Thanh Từ.

[40] Đại đức Thích Trường Lạc là giáo thọ sư của nhiều thế hệ học Tăng thời chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX tại miền Nam, là ông nội của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân. Theo, Giác Ngộ Online, https://giacngo.vn/gsts-nguyen-thien-nhan-le-phat-tham-duc-phap-chu-ghpgvn-post65078.html. Truy cập ngày 19.10.2023.

[41] Lời tự thuật của Đại sư Thiện Hoa, trích xuất từ Một sự nghiệp của đời tôi, in trong phụ lục của bộ Phật học phổ thông và gồm cả ý kiến của HT. Thích Phước Cẩn.

[42] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Phương Đông, 2012. tr.775.

[43]  Xem, Ấn Thuận pháp sư Phật học trước tác tập 印順法師佛學著作集 (Y.22. 0022.16. 0372a06).

[44] Đại Đường cố Tam tạng Huyền Trang Pháp sư hành trạng 大唐故三藏玄奘法師行狀 (T.50. 2052. 0219a13). Nguyên tác: 至麟德元年正月一日. 玉花寺眾及僧等. 請翻大寶積經. 法師辭曰. 知此經於漢土未有緣. 縱翻亦不了. 固請不免. 法師曰. 翻必不滿五行. 遂譯四行止. 謂弟子及翻經僧等. 有為之法. 必歸磨滅. 泡幻之質. 何得久停. 今麟德元年. 吾行年六十有三. 必卒於玉花. 若於經論有疑. 宜即速問. 勿為後悔.

[45] Tục Cao Tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0458a28). Nguyên tác: 至二月四日. 右脇累足右手支頭. 左手髀上鏗然不動. 有問何相。報曰. 勿問。妨吾正念. 至五日中夜。弟子問曰. 和上定生彌勒前不. 答曰。決定得生. 言已氣絕. 迄今兩月色貌如常. 又有冥應略故不述.

[46] Theo, Đại Đường Đại Từ Ân tự Tam tạng Pháp sư truyện 大唐大慈恩寺三藏法師傳 (T.50.2053.3.  0234a15).

[47] Chi tiết này cũng được xác nhận bởi HT. Thích Phước Cẩn, như trên.

[48] Theo Điếu văn của Hội đồng Viện Tăng thốngViện Hóa đạo, trích từ Tạp chí Bát Nhã của Tổng vụ Tài chính, số đặc biệt, Sài Gòn 1973,  tr.12.

[49] Chi tiết này cũng được xác nhận bởi HT. Thích Phước Cẩn, như trên.

[50] Tiểu sử Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa (1918-1973). Giác Ngộ Online, truy cập ngày 21.10.2023. https://giacngo.vn/tieu-su-co-hoa-thuong-thich-thien-hoa1918-1973-post2521.html

[51] Theo điếu văn của Hội đồng Viện Tăng thốngViện Hóa đạo, trích từ Tạp chí Bát Nhã của Tổng vụ Tài chính, (1973), số đặc biệt, Sài Gòn, tr.14.

[52] Trường hợp này chỉ cho HT. Thích Thanh Từ, đệ tử ưu tú của Đại sư Thiện Hoa.




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.