Thư Viện Hoa Sen

40 năm về thăm lại ngôi Chùa xưa (Tuỳ bút)

07/12/20245:44 CH(Xem: 705)
40 năm về thăm lại ngôi Chùa xưa (Tuỳ bút)

blank
40 năm về thăm lại ngôi Chùa xưa

 

      Năm 2019, vì thường ôm mang ước mơ có một ngày đẹp trời được thuận duyên trở về thăm lại chùa cũ xóm xưa ở nơi chốn xa xôi, nên tôi có cảm tác mấy vần thơ trải lòng:


Xin cho tôi lại chùa thầy
Mái tranh vách đất đong đầy an vui
Nghe hồi kinh kệ thảnh thơi
Đêm rằm lễ nhạc bồi hồi tuổi xuân
Xin cho lại những đêm buồn
Xóm nghèo hiu hắt đàn buông dỗ dành
Đường mòn, lau sậy, trăng thanh
Đi qua mơ ước hóa thành chiêm bao
Cho xin lại tiếng thở phào
Trút khi giũ áo nôn nao bỏ vùng
Bây giờ phải nhớ phải thương
Tóc râm mơ ngủ lên đường ăn xin!

blankblank

 

        ... Hồi đó, tôi mới 23 tuổi, cùng em trai Út Bình 18 tuổi, đã vô an trú dưới một mái nhà tranh vách đất đơn sơ ở Ấp 5 xã Bàu Cạn (Long Thành- Đồng Nai), hằng ngày làm công nhân cao su Nông trường Thái Hiệp Thành, ngoài giờ lao động thì hoá thành 2 nhạc công của Ban văn nghệ vào các dịp hội diễn toàn Nông trường và phụ trách phần văn nghệ Đạo ca ở Chùa Long Quang do Thầy trụ trì giao phó.

        Đó là những tháng năm êm đềm thanh thản, nhọc mà không thấy khổ, nghèo mà vẫn thấy vui, như đang được hồi sinh để bước vào một cảnh giới mới đầy hoa thơm cỏ lạ và âm thanh du dương thánh thót hoà cùng tiếng chuông mõ kệ kinh ngân rung chốn đìu hiu yên ã...

        Từ vùng đất đó, từ nơi đó, từ tháng ngày đó, tôi bước vào Đạo bằng cả thân và tâm của chính mình, tự thắp đuốc mà đi!

        Chùa Long Quang!

        Đã qua 40 năm, biết bao thăng trầm hoán đẩu di tinh, Chùa đã khác ngày xưa nhiều lắm rồi, đã trở thành Ni tự với tường gạch mái ngói, với cổng tam quanchánh điện 2 tầng sáng sủa khang trang, không còn lưu một vết tích nào của ngôi Chùa mái tranh vách đất mà hằng đêm tôi cùng Út Bình và các em trong Ban Hộ Niệm lội bộ từ Ấp 5 ra đến Chùa tụng kinh, sinh hoạt...

         Kính niệm ân Thầy Thích Quảng Tâm, trụ trì Chùa Núi Thanh Sơn (Cam Thịnh Đông-Cam Ranh), đã ban cho con phước duyên thuận lợi được xuôi vào Nam, sau 40 năm biền biệt hôm nay con đã bước qua cổng tam quan Chùa Long Quang để vào lễ Phật.

        Khi con được gặp lại để chiêm báilễ lạy tôn tượng đức Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên, chính tôn tượng xưa kia được đặt ngoài sân trước chánh điện, đưa bàn tay sờ nhẹ vào đài sen, con đã không kềm được nước mắt...

        Nam mô Phật! Con đã về...

 

        Nhiều kỷ niệm lắm, lúc nhớ lúc không, lâu lâu chuyện bị lãng quên lại hiện về rõ rệt rồi lại biến mất tăm...

        Nay tôi còn nhớ mờ mờ nhạt nhạt thời gian chư Tăng tứ tán, Chùa vắng bóng thầy trụ trì, Út Bình cũng về lại Nha Trang, chỉ còn tôi ở lại với nỗi buồn phải nói là "buồn thúi ruột"!

        Xin trích một đoạn hồi ký của tôi về giai đoạn này, như những lời tâm sự khe khẽ:

      ... "Còn tôi trụ lại trong căn nhà tranh ở Ấp 5 vẫn còn vương đọng chút hơi ấm, để mỗi tối cùng các em phật-tử đi ra Chùa giữ cho ngôi chánh điện hương không tàn, khói không lạnh. Các cô dì chú bác lớn tuổi cũng rủ nhau hằng tối ra lo thắp sáng hương đăng, tụng kinh niệm Phật cùng các anh chị em Ban hộ niệm. Ai cùng nhớ quý thầy, nhớ thầy trụ trì, tối nào cũng ngồi lại với nhau nơi gian lớp học mái tranh trống vách để thở dài than vắn, kể chuyện về thầy này thầy kia cho nhau nghe và ai cũng ngóng mong, cầu nguyện cho quý thầy được bình an, thoát nạn, sớm trở về lại với ngôi Chùa vùng quê nghèo mộc mạc.

        Chính trong thời gian đó, thời gian nán lại để “giữ chùa”, tôi đã phát nguyện xuống tóc, cũng bỏ việc không làm công nhân cao su nữa, tạm thời mạo muội thay quý thầy hướng dẫn các em Ban hộ niệm, duy trì sinh hoạt cúng kiến lễ lạt để Chùa không rơi vào thảm cảnh điêu tàn hoang lạnh. Tôi vẫn còn nhớ rõ như in, buổi tối đầu tiên tôi xuống tóc, mặc bộ đồ nâu sồng (may kiểu bà ba) ra trông coi Chùa từ chạng vạng, đến tối thì các dì các cô cùng các em phật-tử trong Ấp 5 rủ nhau ra Chùa tụng kinh lạy Phật, thấy tôi ngồi nơi gian lớp học sau ánh đèn dầu chập choạng, ai cũng “Mô Phật, thầy về!”, vì tôi rất giống bào huynh của mình, thầy trụ trì Tâm Quang.

        Thấy mà thương cho bà con phật-tử, thương cho các anh chị em trong Ban hộ niệm trong tình cảnh thiếu vắng người thầy dẫn dắt, tôi cũng thương cho chính mình đã bỗng chốc trở nên trơ trọi không còn ai thích cánh chen vai, không còn người thân máu mủ gần gũi, nên tôi quyết định sẽ lấy đạo hữu làm thân thích, lấy tình Đạo làm mối quan hệ thiết thân trong những tháng ngày cô thân độclui tới chốn già lam.

        Ngay sau đó, tôi sáng tác những bài Đạo ca, tập hợp các em Ban hộ niệm lại vào mỗi chiều tối, hâm nóng sinh hoạt phật-tử, bày và tập cho các em hát vang lên những nhạc phẩm mới với ca từ động viên tinh thần, dỗ dành những tâm tư đang buồn chán thất vọng tại khoảnh sân phía sau chánh điện. Như các bài ca: "Đừng lãng quên", hay bài hát "Chè Chùa" vui nhộn để xua tan nỗi tủi buồn:

"Cháu chào chú, chè chín chưa?

- Chè chưa chín!

- Chừng chè chín chú cho cháu chục chén chè.

- Chè chi chú?

- Chè chuối chưng!

- Cho cháu chục chén.

- Chu choa... chè Chùa!"

        Bài ca "Đừng lãng quên" lâu quá rồi, nhạc thì vẫn còn nhớ không sai một nốt một nhịp, còn ca từ thì chỉ nhớ mấy đoạn đôi câu:

        "Đừng, đừng, đừng lãng quên. đừng bỏ rơi nhau trong đêm trường mịt mù, dù rằng Thầy đã xa, Phật vẫn trong Tâm ta còn quý kính.

Đừng, đừng tránh xa, đừng ghét khinh khi bạn ta lỗi lầm, mà lòng còn phải thương, dìu dắt nhau đi trong đêm trường tăm tối.

        (Điệp khúc) Ta không quên nhắc nhau bao câu kinh tiếng ca, lời Thầy còn vọng mãi tim ta còn hơi ấm. Sau duyên đưa cách xa, không quên giây phút này, ngồi lòng nhớ thương nhau vô cùng!"

       Tôi nấn ná, cầm cự ở lại với chùa, với bà con phật-tử Ấp 5, với các anh chị em Ban hộ niệm… được thời gian khoảng sáu tháng tính từ ngày Chùa vắng bóng quý thầy, rồi cũng phải đến ngày chia tay trong bịn rịn, lưu luyến, quay trở lại với dòng sống nhiều đổi thay trầm thăng, đầy bão tố phong ba mà cũng đầy trời xanh mây trắng nắng đẹp…

       Thật đúng là:

       "Sau duyên đưa cách xa, không quên giây phút này, ngồi lòng nhớ thương nhau vô cùng!"

        Buổi chiều hôm đó được về thăm lại chùa Long Quang, tôi lên đứng trên tầng 2 của ngôi Chánh điện phóng mắt nhìn sang bên kia đường chỉ thấy đất trống và cây xanh, không có bóng dáng nào của nhà cửa...

         40 năm trước, con đường đất đỏ trước chùa mùa khô thì bụi ngập đến mắt cá bước đi tung mù mịt, còn mùa mưa thì nhão nhoẹt bắt dính lột hết dép giầy, nay là một con đường nhựa phẳng phiu chạy dài vô đến xã Bàu Cạn có Nông trường Cao su nên được mang tên Bàu Cạn (theo Google map).

        40 năm trước, từ chùa băng qua bên kia đường có một căn nhà của vợ chồng chị Tâm, chị là phật-tử bổn đạo của chùa, chị mở quán nhỏ bán cà phê, nước giải khát cho khách bộ hành qua lại, anh em tôi cũng thường ra quán của chị để nhâm nhi cà phê nói chuyện tầm phào... Vậy mà, bây giờ không còn căn nhà và cái quán lụp xụp đó nữa.

        Sát bên phải của chùa Long Quang, xưa kia là nhà bác Sáu Thần, một gia đình mộ đạo kính tín Tam Bảo, có chung một hàng rào tạm bợ tượng trưng với chốn tu hành. Cậu con trai của bác Sáu Thần rất siêng năng qua chùa lễ Phật tụng kinh, thỉnh chuông, làm công quả... thật tiếc là lâu quá nên tôi đã quên mất tên của em ấy. Tôi hỏi thăm, được Sư Cô cho biết: "Ông Sáu mất lâu rồi.Nhà vẫn còn đó, con cái đi làm xa ở Sài Gòn thỉnh thoảng, hay cuối tuần mới thấy về..."

        Ngậm ngùi. Không gặp lại được người thân quen ngày xưa thật phải ngậm ngùi, áy náy, bâng khuâng...

        Nếu muốn gặp lại nhiều người thân quen của 40 năm trước thì cũng dễ thôi, rất dễ, chỉ cần đi tiếp vào hướng trong, sẽ đến Ấp 1 (xưa là Ấp 5) của xã Bàu Cạn, nhưng tôi đã không đủ duyên để thực hiện cái việc rất dễ đó, vì trời đã chạng vạng, và lịch trình của Thầy Quảng Tâm đến đó là dừng, phải cho xe quay về hướng thành phố Long Thành sầm uất để dùng cơm tối và mướn khách sạn nghỉ ngơi để ngày mai đi thăm Ôn Kiến Tánh ở chùa Bửu Lâmtiếp theo là dự lễ Tiểu tường Ôn Tuệ Sỹ tại chùa Phật Ân.

        Tuỳ thuận theo duyên. Phải vậy thôi.

blankblankblankblankblankblankblankblankblankblankblank

         Nam mô Phật!

        Sau 40 năm, cứ tưởng một đi không trở lại, nay khi đã ở tuổi trên lục tuần ai dè lại được phước duyên thăm lại Chùa xưa đất cũ, không thể không cảm tác đôi vần nhịp thi ca để trải bày lòng mình:

Chùa xưa

vách đất mái tranh

Nắng nung vườn vắng

Trăng thanh soi đường

Trôi qua vạn pháp vô thường

Tăng đi

Ni đến

vui buồn đổi thay...

Theo Thầy

con đã về đây

Bước chân khẽ nhẹ

Chắp tay bồi hồi

Tượng xưa Bồ tát đây rồi

Dương chi tịnh thuỷ

Nụ cười thương yêu

Lung linh từng vạt nắng chiều

Người xưa chuyện cũ cánh diều bay xa

Nâng từng viên gạch nhánh hoa

Nhớ xưa kinh kệ

chén trà

bát cơm

Đêm Chùa quê vẳng tiếng đờn

Quay về từng phút tâm hồn thanh cao

Chè vui tiếng hát ngọt ngào

Chuông ngân trống dội dạt dào niềm tin...

Con về

đã trút lợi danh

Con tim còn ấm áp tình sáng trong

Râm ran hoan hỷ trong lòng

Già lam bửu điện hai tầng trang nghiêm

Con về mang nỗi niềm riêng

Rưng rưng ngấn lệ bên đèn quang minh

Bốn mươi năm

Ước nguyện thành

Bâng khuâng hoài niệm

yên bình bước chân...

Con về

không biết nói năng

Giữ tròn tâm đạo

Nghìn lần nam mô

Tóc xanh đã bạc bây giờ

Cuối đời gieo trải bài thơ tự tình.

 

Tâm Không Vĩnh Hữu

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: