Linh Cảm Ngũ Bách Danh

26/10/20201:01 SA(Xem: 7422)
Linh Cảm Ngũ Bách Danh

LINH CẢM NGŨ BÁCH DANH
(Thông Đạo)

 

quantheam_botatThành Kính Cúng Dường

Vía Bồ Tát Quán Thế Âm Xuất Gia 19/9 Âm lịch.

      Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm là tuyển tập 500 danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Mỗi danh hiệu tán dương một bản nguyện, công đức, khuyến tu, hóa thân, hoặc oai lực của Bồ Tát, viết thành một câu khá dài. Phần lớn danh hiệu trích dẫn từ Kinh Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni (266 câu), Phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa (81 câu). Còn lại dẫn từ các Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Bí Mật Tạng Như Ý Luân Đà La Ni, Kinh Bất Không Quyến Sách, Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Như Ý Ma Ni Đà La Ni, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm và các Kinh Luận khác. Do dẫn nhiều bản Kinh nên có những chỗ tương tự hoặc lập lại để tôn trọng ý Kinh.

      Trong khi ca ngợi tha lực “ngàn mắt chiếu soi, ngàn tay nâng đỡ” của Ngài, bản Kinh cũng dành đến 18 câu để nhắc nhở người tu tập nhận ra Phật tánh, tánh biết-như-thật sẵn có nơi mỗi cá nhân (câu 430-447). Ngoài việc khuyến khích trì tụng Tâm Chú Đại Bi, niệm danh hiệu Quán Thế ÂmĐức Phật A Di Đà, bản Kinh cũng khuyên thực hành thiền địnhquy kính Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Ngài khích lệ hành giả nỗ lực tu tập và làm việc thiện để chuyển hóa nghiệp ác, luôn luôn vì an vui, lợi ích cho chúng sanh. Theo đạo lý Duyên Khởi, nói đến chúng sanh là đã bao gồm cả bản thânbà con nhiều đời của mình.

      Khi ứng thân theo từng tâm niệm chúng sanh, Ngài không chỉ mang hình tướng cao quý hoặc bình dân, mà còn hình tướng loài vật, hoặc hình tướng dễ sợ như Quỷ Tiêu Diện nơi bàn cúng cô hồn. Với chúng sanh hung dữ, khi lời hiền dịu không hiệu quả thì Ngài cũng dùng biện pháp mạnh, thần thông biến hóa nhưng không bao giờ rời trí tuệ, từ biđại định. Vô số Thiên Long Bát BộThiện Thần nhờ cảm ân đức Từ Bi Hỷ Xả Cứu Độ của Ngài qua vô lượng kiếp mà dõng mãnh phát tâm hỗ trợ Ngài cứu độ chúng sanh.

      Danh hiệu Ngài tượng trưng cho Trí Tuệ (Quán), Từ Bi (Thế Âm) và Hùng Lực (Bồ Tát), những tánh đức của một vị Phật tương lai. Trí Tuệ, Từ Bi và Hùng Lực cũng sẵn có nơi mỗi chúng sanh nhưng còn mờ nhạt, nếu tinh cần tu tập thì ngày càng hiện rõ trong cuộc sống đời thường. Vì vậy, ai cũng có thể là Bồ Tát giúp cho người khác, tức là hành Bồ Tát đạo mà khởi đầu là bố thí. Nhiều khi chỉ cần một bàn tay đưa ra, một ánh mắt cảm thông, một nụ cười hiền dịu, hay một lời nói nhẹ nhàng cũng có thể cứu được một sinh mạng trong cơn quẫn bách, cứu vãn được một mái ấm gia đình sắp đổ vỡ, hay chuyển hóa được một nghịch cảnh. Làm được như vậy là đã trở thành cánh tay nối dài của Bồ Tát. Cho nên tu tập không phải là hướng ra ngoài để tìm cầu, mà là quay trở lại tự thân, “lặng mà biết” là Phật tánh hiện bày.

      Theo nhiều Tôn Đức, Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm do một Bậc Cao Tăng Việt Nam (Ẩn Danh) biên soạn. Nhà phiên dịchchú giải Quảng Minh nghĩ rằng bản Kinh này có từ đời nhà Trần, căn cứ vào câu “Linh Cảm Ngũ Bách Danh” trong Nghi Thức Thí Thực “Thủy Lục Chư Khoa” thịnh hành vào đời nhà Trần, thế kỷ thứ XIII. Nhằm giới thiệu bản Kinh quý báu này với các bạn trẻ Việt Nam không rành tiếng Việt, với các độc giả nói tiếng Anh và chia sẻ với quý hành giả, con mạo muội cố gắng chuyển ngữ sang tiếng Anh và phần chú thích Anh - Việt. Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm với ba ngôn ngữ Anh - Việt - Hoa sắp được Ấn Tống Cúng Dường.

      Kinh Ngũ Bách Danh cho thấy cách tu tập rất Việt NamThiền Tịnh Mật đồng tu. Mật là trì tụng Tâm Chú Đại Bi; Tịnh là niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ mà về tương lai, Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ thành Phật kế vị Đức Phật A Di Đà ở cõi đó; còn Thiền ở đây có hai phần là Chỉ và Quán. Chỉ là tập trung vào Chú Đại Bi, không nghĩ chi khác (Danh hiệu thứ 376), đây chính là Định có tầm có tứ. Với tâm lắng yên, hành giả có thể nhìn sâu, nhìn lâu, nhìn kỹ vào lòng sự vật để hiểu đúng, gọi là Quán. Bản Kinh nhắc đến 10 phép quán trong Phẩm Phổ Môn là quán chân, quán thanh tịnh, quán quảng đại trí tuệ, quán bi, quán từ, quán diệu âm, quán phạm âm, quán hải triều âm, quán thế âm, quán thắng bỉ thế gian âm.

      Năm Trăm Danh Hiệu sắp xếp từ dễ đến khó, từ cụ thể đến trừu tượng. Trước là kể lại cách tu tậpnguyện lực của Bồ Tát, kế đó là dẫn chứng các bệnh về thân, tâm, nghiệp lựcchướng nạn Ngài có thể giúp tiêu trừ. Lên một bậc nữa, Ngài hướng dẫn cách tiến tu như trì tụng chú Đại Bi, thiền định, chuyển hóa thân tâm, làm việc thiện, phát tâm Bồ Đề vì an vui hạnh phúc cho cộng đồng, nhân loại, tất cả chúng sanh, vì an lành cho nơi cư trú, đất nước, trái đất này. Cuối cùng, Ngài khuyến tấn hành giả mau chứng Tứ Quả, Thập Địa, cho đến Giác Ngộ, Giải Thoát. Giác Ngộ rồi là thỏng tay vào chợ cứu độ chúng sanh như 32 ứng thân của Bồ Tát. Như vậy, thực hành lễ lạy vừa dẻo dai cơ thể, trừ nhiều bệnh, vừa sám hối ba nghiệp thân, miệng, ý, dần dần đạt đến thân và tâm nhất như. Vậy là nương tướng mà vào tánh, tâm với cảnh không hai, người lạy và đối tượng lạy đều đồng một thể rỗng lặng, Phật với chúng sanh không khác.

 

Kính Lạy Mẹ Hiền Quán Thế Âm!

Con chưa bao giờ mơ thấy Mẹ

Nhưng cảm như Mẹ vẫn quanh đây

Gia hộ cho con bền nguyện lực

Giữa cõi phong trần vững bước chân.

      Từ thuở ấu thơ, con đã được thấy hình ảnh hiền hậu của Ngài trên bàn thờ Phật; thỉnh thoảng được lau bàn, quét bụi, rót dầu, thắp đèn, thắp hương mỗi tối. Nhờ Hồng Ân của Ngài gia hộ nên mỗi khi có việc khó khăn, con chí thành trì tụng Chú Đại Bi, Kinh Phổ Môn, niệm và lễ lạy 500 Danh Hiệu Ngài thì mọi việc trở nên yên ổn, lại có nhiều cảm ứng khó nghĩ bàn! Là người lính trên chiến trường, con đã ba lần thoát nạn mìn bẫy chỉ trong nửa bước chân! Nhiều năm dài sinh hoạt với bạn trẻ như Học Sinh Phật Tử Thừa Thiên, Gia Đình Phật Tử Phước Linh, Thanh Thiếu Niên Phật Tử Diệu Quang, và làm việc thiện với Bác Siêu, Sư Bà Thể Quán, Ni Sư Cát Tường, Sư Cô Như Minh, Sư Cô Minh Tú tại Việt Nam, rồi Hội Từ Bi Quán Thế Âm tại Hoa Kỳ, con vẫn giữ được niềm vui tinh khôi, lòng chân thànhniềm tin bất động vào Tam Bảo! Đó chính là nhờ những hạt mầm Phật Pháp đã được huân tập từ khi còn nhỏ.

      Trong khi dõi theo từng dấu chân Ngài, con có nhiều an vui, học được lời Phật dạy qua Kinh Nguyên ThủyĐại Thừa. Con lạy Ngũ Bách Danh mà không hiểu rõ, cho đến ngày anh Trương Thanh Nhạc dẫn đến chùa Đức Viên thỉnh Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni về đọc thì mới sáng ra! Khi ghép từng câu chữ Hán, con không khỏi bị nhức đầu và hoa mắt. Sau 3 tháng, con chợt khởi ý là ghép 3 chữ 五 百 名 đưa vào Google thì tìm thấy toàn bộ Kinh Ngũ Bách Danh chữ Hán do Nôm Foundation dày công chuyển dịch và cho phép sử dụng! Cũng như năm 2002 nhờ các em Lê Tuấn, Trần Tuấn, Thái Hiền dùng photoshop tẩy các vết đen copy từng tấm hình Ngài đưa vào Phẩm Phổ Môn song ngữ Việt Anh, cặm cụi làm việc đến ngày thứ ba thì Lê Tuấn tải xuống được bộ hình màu sắc tươi sáng trang nghiêm của Ngài từ trang Web www.vnet.org/phatgiao/gallary/phomon (một tháng sau thì không còn nữa)! Ôi! Những lần như vậy, nước mắt con tuôn tràn trên má! Phải chăng“Có cầu tức có ứng, có cảm thì có thông, không nguyện nào chẳng thành”?! 

      Với tấm lòng Thành Kính Tri Ân Ngài, nhân ngày Vía Xuất Gia 19 tháng 9 năm Canh Tý sắp đến, con nguyện lễ bái Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm, mỗi chữ một lạy. Thành Tâm Cầu Nguyện đại dịch Virus Corona 19 mau có thuốc chữa bệnh và vaccine phòng ngừa cho nhân loại bớt tang tóc, khổ đau. Lại Nguyện thiên tai, nhân họa, bão lụt, đất chuồi, sóng dữ, bệnh tật, ách nạn tiêu trừ, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.                       

      Nam Mô Ứng Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Thành Tâm Kính Bạch

Sa di Thông Đạo (tpho1996@gmail.com)

 
'Bồ Tát Quán Thế Âm


.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.