Giáo Sư Thêm Không Nên Biện Hộ Thêm

07/12/20214:31 SA(Xem: 2775)
Giáo Sư Thêm Không Nên Biện Hộ Thêm

GIÁO SƯ THÊM KHÔNG NÊN BIỆN HỘ THÊM
Trong Lời Phát Ngôn
"Cần Phải Bỏ khẩu hiệu Tiên Học Lễ Hậu Học Văn"
(TS. Nguyễn Hà)

  

tien hoc le hau hoc vanSau khi bị dư luận lên án gay gắt với phát ngôn “Cần phải bỏ khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn” trong Hội thảo về Giáo dục 21/11, gần đây GS. Trần Ngọc Thêm đã thực hiện cuộc trả lời phỏng vấn với VTC News để cố gắng biện minh cho lời phát ngôn của mình. Bài phỏng vấn do Mai Thúy thực hiện với tiêu đề: “GS Trần Ngọc Thêm: Nhiều người chưa đọc hết bài của tôi đã lao vào ném đá” được đăng tải ngày 27/11/2021 trên trang báo điện tử vtv.vn. Là người đứng trên bục giảng của giảng đường Đại học nhiều năm, tôi nhận thấy cần phải lên tiếng góp ý về lời tuyên bố liều lĩnh và thiếu hiểu biết của GS. Thêm xoay quanh một số ý chính trong bài trả lời phỏng vấn này.

Bài viết của GS. Thêm về nội dung khuyến nghị loại bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” trong trường học hiện nay mang lại hiệu ứng tiêu cực như thế nào, nhiều bạn đọc và các nhà khoa học, các nhà trí thức đã lên tiếng. Có người góp ý nhẹ nhàng hơn, tức phải hiểu câu khẩu hiệu ấy theo hướng rộng, hoặc cần bổ sung, định nghĩa lại để phù hợp và bắt kịp xã hội hiện đại. Ở đây tôi không lặp lại những ý kiến phản biện của quý độc giả trong các báo đã đăng, mà chỉ dùng một câu định nghĩa về chữ Lễ vỏn vẹn 18 chữ trong kinh điển Nho gia làm hệ quy chiếu, từ đó trích dẫn nguyên vẹn vài đoạn phát ngôn của GS. Thêm để thấy được độ vênh giữa hai nội hàm về Lễ được cổ nhân xây dựng và người đời nay hiểu lệch.

xuất phát từ tư tưởng của Nho giáo và ra đời trong xã hội phong kiến, nhưng câu khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” ngày nay vẫn còn nguyên giá trị của nó đối với định hướng giáo dục về đạo đức cho học sinh và sinh viên trong học đường.

Trước hết, tôi nêu ra định nghĩa về Lễ của Nho giáo: “夫禮者, 所以定親疏, 決嫌疑, 別同異, 明是非也。Phù Lễ giả, sở dĩ định thân sơ, quyết hiềm nghi, biệt đồng dị, minh thị phi dã”. (Lễ ký – thiên Khúc lễ, thượng).

Xin dịch như sau: “Phạm trù được gọi là Lễ, đó là thứ để xác định được người thân hay người sơ, xét đoán được sự ngờ vực, phân biệt được giữa cái giống và khác nhau, làm sáng tỏ cái nào đúng và cái nào sai vậy”.

Thứ hai, tôi trích dẫn lời của GS. Thêm (in đậm) và phản biện theo sau mỗi đoạn trích dẫn này.

- GS. Thêm: “Câu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ đã gắn bó rất lâu đời với nền giáo dục và trong xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, không phải cứ lâu đời thì phải giữ, mà phải xem khẩu hiệu này có còn phù hợp hay không”.

GS. đặt ra câu hỏi tu từ đó cũng mang hàm ý là câu khẩu hiệu trên không còn phù hợp với xã hội ngày nay nữa, nên cần phải loại bỏ. Một khi cái mới chưa hình thành mà vứt bỏ đi cái cũ, trong khi cái cũ “đã gắn bó lâu đời với nền giáo dục và trong xã hội chúng ta” như ông đã nói thì liệu lời phát biểu trước và lời biện minh sau của mình có mâu thuẫn? Đâu phải cái gì xuất phát từ Nho giáo hoặc trong xã hội phong kiến đều xấu cần phải loại bỏ! Văn hóa dân tộc, có thứ mang giá trị nhất thời nhưng cũng có thứ mang giá trị vĩnh cữu cơ mà! Đâu phải những gì ra đời trong xã hội phong kiến cũng đều duy chỉ phục vụ cho xã hội đó mà không còn giá trị trong xã hội hiện đại. Xã hội phong kiến, ngoài tầng lớp vua quan chuyên chế, những tư tưởng giáo dục đều phục vụ con người, đặc biệt là người đi học, mà đã là người học thì thời nào cũng mong muốn học để hiểu biết, học để biết cách tồn tại, học để tự hoàn thiện mình về tri thức lẫn đạo đức, học để sáng tạo, học để hướng đến cái chân, cái thiện, cái mỹ…

Đơn cử về tư tưởng Ngũ thường của Nho giáo, trong đó bao hàm phạm trù “Lễ”, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị đó thôi. Thử hỏi, một xã hộicon người không biết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn (bất nghĩa), không có trật tự trên dưới (vô lễ) thì có xứng đáng là con người hay không? Một lớp học mà thầy cô không có trách nhiệm, không biết thương yêu học trò của mình (bất nhân), thầy và trò quan hệ tình cảm bừa bãi, thậm chí thầy giáo lạm dụng tình dục đối với học sinh, hoặc đổi tình lấy điểm, đổi tiền để thi qua môn (vô lễ) thì thử hỏi học đường ấy có phải là nơi giáo dục đúng với chức năng của nó không? Trong cùng một trường học, đồng nghiệp giáo viên không còn tin tưởng lẫn nhau, bạn bè cùng lớp thiếu sự chân thành lẫn nhau (bất tín) thì mối quan hệ ấy có tồn tại bền lâu? Còn về vấn đề hiểu biết (trí) thì đương nhiên thầy cô giáo phải là người được trang bị kiến thức để truyền trao, và học trò là người sẵn lòng để tiếp nhận.

- GS. Thêm: “Con em ở nhà thì hiếu thảo, ra ngoài thì kính nhường, thận trọngthành thực, yêu thương khắp mọi người, gần gũi người nhân đức; làm được những việc trên rồi mà còn dư sức thì học văn”. Nghĩa là người ta chỉ cần học lễ là đủ (còn dư sức thì mới học văn).”

Đoạn này trong sách Luận ngữ, dạy cho con em biết hiếu thảo với cha mẹ, biết kính trọng người lớn bên ngoài, biết cẩn thận lời ăn tiếng nóihành vi cử chỉ của mình, tôn trọng sự thành thực, biết thương yêu đồng loại, gần gũi và học hỏi với người có đạo đức. Trẻ em được giáo dục nền tảng đạo đức ban đầu lý tưởng như thế thì còn gì hơn nữa? Do thiếu hiểu biết hoặc coi nhẹ vai trò giáo dục truyền thống mà một số bậc cha mẹ không dạy cho trẻ em, hoặc một vài thầy cô không lưu ý nhắc nhở học sinh hiểu và hành những giá trị đạo đức cơ bản đó, để đến nỗi ngày nay học trò gặp mặt thầy cô không chào; khách của cha mẹ đến nhà, con cái không biết chào hỏi, tiếp đón; và rất nhiều những giá trị đạo đức vốn có trong xã hội truyền thống ngày nay không còn được con cái và học sinh, sinh viên vận dụng. Thậm chí, giá trị thiêng liêng của người thầy bị chà đạp trong đôi mươi năm trở lại đây. Đó là điều đáng tiếc trong nền giáo dục hiện nay. Nếu không khẩn trương xây dựng, gia cố, cứu vãn đạo đức học đường hiện nay bằng Lễ, mà lại cố tình đạp đổ nó đi thì liệu cách tư duy, cách sống, cách ứng xử của hàng chục triệu con em của dân tộc này tương lai đi vầ đâu???

Xã hội xưa quan niệm rằng, trước hết con người cần phải trau dồi đạo đức, lễ nghi, khuôn phép; sau đó mới học đến chữ nghĩa, tư tưởng để phát huy trí tuệ. Trau dồi đạo đức là nền tảng làm người, học hỏi chữ nghĩa để hiểu biết rộng hơn. Gốc có vững thì cành lá mới sum sê. Móng có chắc thì tầng lầu mới vững. Nguyên lý này có gì sai đối với xã hội ngày này đâu? Hay đó là mô hình đạo đức lý tưởng mà ai làm cha làm mẹ cũng đều trang bị cho con mình từ khi mới bập bẹ biết nói đến khi các cháu bước vào lớp một!

- GS. Thêm: “Mà lễ là khuôn phép, là biết trên biết dưới, biết kính nhường, đó là quan niệm kính nhường một chiều, từ dưới lên trên”.

Đã là khuôn phép, nghĩa là nó đã được định hình trong xã hội, được mọi người chấp nhận nó, vận dụng nó để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho xã hội. Và cho đến hiện tại, chưa có một nhà giáo dục nào của Việt Nam coi nền tảng đạo đức “biết trên biết dưới, biết kính nhường” là lạc hậu, là lỗi thời hoặc đi ngược lại với những giá trị con người đang sống.

Con người trong xã hội, xét về giá trị làm người thì mọi người đều bình đẳng. Bình đẳng về quyền làm người, bình đẳng trước sự thật, bình đẳng trước pháp luật; nhưng về tuổi tác, vai trò, trình độ, địa vị,… lại có cao có thấp. Chúng ta không thể cào bằng, đánh đồng kiểu “cá mè một lứa” từ học đường đến xã hội. Vì “Lễ là thứ để xác định được người thân hay người sơ” cơ mà! Xã hội có tôn ti là một xã hộitrật tự. Người dưới biết kính trọng người trên, người trên biết nhường nhịn người dưới, chứ hiếm khi có cách xử sự ngược lại. Thực tế xã hội cho thấy điều đó thì học đường phải là nơi biểu hiện rõ nét hơn. Nó được xem nhưnếp sống văn hóa được định hình của một dân tộc thì khó mà đảo ngược. Trừ phi thói quen đó trái ngược với nhân tính.

- GS. Thêm: “Thế nhưng xã hội bây giờ cần phát triển, mà sự phát triển cần sự đóng góp của mỗi người, chứ không phải coi người dưới là công cụ, là cỗ máy để người trên sử dụng, vì như thế thì xã hội không thể nào phát triển được. Quan niệm trọng lễ, coi lễ làm đầu không còn thích hợp nữa, vì vậy tôi mới đề nghị bỏ khẩu hiệu này”.

Xã hội nào cũng cần sự phát triển, mà muốn phát triển được thì phải cần có sự đóng góp của từng cá nhân và tổ chức. Điều này hiển nhiên đối với sự phát triển của xã hội loài người. Nhưng ở môi trường giáo dục, về cơ bản chỉ có mối quan hệ thầy – trò, công việc đó là trao và nhận kiến thức, đạo đức của người đi trước cho người đi sau. Ở đây không ai bắt ai phải làm công cụ cho ai, cả người dạy và người học tương tác nhau mang tính sống động chứ không phải là cỗ máy. Học Lễ không biến con người trở thành cỗ máy trong trường học mà giúp cho người học và người dạy có sự tương tác sinh động hơn, đặc biệt là mối quan hệ thầy - trò. Trò giữ được bổn phận và trách nhiệm là người tiếp nhận, học hỏi, cầu thị; thầy ý thức mình là người trao truyền nên phải có những phẩm chất đạo đức, trang bị lượng kiến thức nhất định và những kỹ năng truyền trao cho người học để người học hứng thú tiếp nhận.

 Nếu con người có Lễ, tức là người ấy biết “phân biệt được người thân và người sơ”, phân định được bạn và thù, nhận rõ được người yêu nước và kẻ phản loạn, giải quyết các mối nghi ngờ, gỡ rối các vướng mắc để mọi việc được hanh thông, thực hiện công việc được thuận lợi và nhanh chóng thành công. Người trang bị Lễ tức là người có trí tuệ, người có khả năng nhận biết được đúng sai, phải quấy, chứ không bao giờ trở thành công cụ tự khuất phục và bị khuất phục như suy nghĩa của GS. Thêm.

- GS. Thêm: “Không nhất thiết phải khư khư giữ lấy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Giữ “tiên học lễ” nhưng  vẫn còn bộ phận cán bộ suy thoái; không thể có tư duy phản biện được khi còn trọng lễ nghĩa. Để có con ngườiռg tạo, cần đề cao dân chủ trong giáo dục, khuyến khích tư duy phản biện, khai phóng, khuyến khích sự sáng tạo trong giáo dục con người.

Vấn đề cán bộ suy thoái hiện nay không phải nguyên nhân đến từ cách giáo dục “Tiên học lễ”, vì chưa có thứ Lễ nào tác động dẫn đến con người ta suy thoái. Tâm lý con người có thể thay đổi qua từng thời kỳ. Cán bộ suy thoái đến từ nhiều nguyên nhân của tự thân và xã hội, đặc biệt là lòng tham cá nhân quá lớn. GS. Thêm không thể đổ lỗi “Cán bộ suy thoái” đó cho câu khẩu hiệu đã nhiều chục năm treo ở các trường học ấy được. Là một nhà nghiên cứu và cũng là người làm công tác giáo dục nhiều năm, có khi nào GS suy nghĩ rằng, một số cán bộ suy thoái đó là hậu quả của việc không được dạy Lễ chu đáo trong nhà trường, hoặc là người dạy Lễ ấy kiến thức còn thiển cận như GS không?

Người biết Lễ là “người phân biệt được giữa cái giống và khác nhau, làm sáng tỏ cái nào đúng và cái nào sai”, vậy thì làm sao “không thể có tư duy phản biện được khi còn trọng lễ nghĩa” được? Người càng hiểu Lễ thì càng có kiến thức rộng hơn, có cái nhìn thoáng hơn, xâu chuỗi được nhiều thông tin hơn để nhào nặn và đúc kết thành quan điểm độc lập, lập trường vững vàng nhất chứ đâu phải chỉ biết “thụ động” gật đầu vâng dạ!

Phạm trù “Tiên học lễ” không mâu thuẫn chút nào với phạm trù “Có tư duy phản biện”. Chúng không những không đối lập mà thậm chí chúng còn hỗ trợ lẫn nhau trong sự học hỏi, nghiên cứu và phát huy tinh thần tự chủ trong tư duy. Nói như thế là GS. Thêm không hiểu gì về hàm nghĩa của Lễ trong Nho gia đã dạy, mà đem kiến thức hời hợt của mình để quy chụp cho Nho giáo, để rồi đạp đổ một giá trị tri thứcđạo đức cần thiết đã trở thành văn hóa học đường phổ quát trong môi trường giáo dục xưa nay.

- GS. Thêm: “Thống kê trong 15 tập của Hồ Chí Minh toàn tập cho thấy, Bác nhắc đến mối quan hệ này 14 lần, trong đó có tới 12 lần Bác viết tài trước, đức sau. Người có đức chưa chắc có tài, mà đức thì có thể suy thoái, biến chất. Do vậy, đức là điều kiện cần, là cái nền để trên đó phát hiện và bồi dưỡng tài năng”.

Cuối cùng, GS. Thêm đem cái bóng của lãnh tụ Hồ Chí Minh để thống kê những lần Bác nói đến hai chữ “tài – đức” nhằm nhấn mạnh rằng “tài” quan trọng hơn “đức”. Sở dĩ Bác nói đến hai chữ này là vì Bác luôn chú trọng đến con người hiện đại là người phải trang bị đầy đủ tri thứcđạo đức. Tri thứcđạo đức như hai cánh của một con chim, như hai bánh của một trục xe, nếu khuyết một trong hai thì chim không thể bay, xe không thể vận hành được. Con người cũng vậy, trí thức không có đạo đức, trí thức ấy sáng tạo nên những thành quả có thể hủy diệt toàn cầu.

Trong văn nói hoặc viết, có khi người ta chọn lựa từ ngữ để sắp xếp trật tự trước sau theo chủ ý. Nhưng trong các từ ghép đẳng lập, đôi khi người ta viết theo thói quen hoặc viết sao để đọc cho thuận. Chẳng hạn, người ta nói “xe cộ” mà không nói “cộ xe”, nói “chợ búa” mà không nói “búa chợ”, nói “tài mệnh” mà không nói “mệnh tài”…, mặc dù chức năng mỗi chữ trong các từ ghép ấy là tương đẳng. Có khi người ta nói “tài đức” hoặc “đức tài”, “nhân nghĩa” hoặc “nghĩa nhân”, “vàng bạc” hoặc “bạc vàng”… đều được. Chúng ta không quá câu nệ và máy móc để dựa vào trật tự từ này mà cho rằng Bác Hồ có hàm ý thiên trọng về chữ tài hơn chữ đức.

Nếu GS. Thêm là người biết cầu thị và tàm quý thì hãy nhận trách nhiệm về lời phát ngôn thiếu kiến thức cơ bản trong Hội thảo giáo dục vừa qua, chứ đừng cố gắng biện hộ để rồi càng biện minh thì càng rối rắm và lệch hướng. Đặc biệt, GS. Thêm còn trách độc giả là “nhiều người chưa đọc hết đã lao vào ném đá”. Người xưa thường nói “Có tích mới dịch nên tuồng”, “Có lửa mới có khói”. Chẳng nhẽ người ta tự dưng xông vào “ném đá” một Giáo sư Tiến sĩ Khoa học mà không có lý do? GS. Thêm nói như thế, không những xem thường độc giả là hầu hết các bạn sinh viên thời đại 4.0, đội ngũ giáo viên trong các trường Trung học mà còn xem thường những Giảng viên, những nhà Giáo dục gạo cội trong cũng như ngoài nước kém hiểu biết, vì họ “đọc không hết” dẫn đến “hiểu không thông” lời phát biểu của mình.

TS. Nguyễn Hà

Xem thêm:
Bỏ 'tiên Học Lễ, Hậu Học Văn': Đôi Lời Thưa Với Giáo Sư Trần Ngọc Thêm

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.