1 Dẫn Nhập

16/12/20213:45 SA(Xem: 1550)
1 Dẫn Nhập
R.K. Pruthi
NỀN GIÁO DỤC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI
Education in Ancient India
THÍCH NHUẬN CHÂU 
dịch 2021
Thư Viện Hoa Sen


1

 

DẪN NHẬP

  

  

 Gốc rễ của hệ thống giáo dục Ấn Độ cổ đại[1] có thể được truy tìm trong những tác phẩm văn học Phệ-đà, đó là Bản tập Phệ-đà (Saṃhita), Phạm thư (Brahmanas), Sâm lâm thư (Āraṇyakas) và Áo nghĩa thư (Upaniṣad). Thực ra, những tác phẩm nầy là kết quả của hệ thống giáo dục mà chúng biểu hiện.

 

Mục tiêu chính của hệ thống nầy là đào luyện tâm như một công cụ tri thức, không đơn thuần là lấp đầy tâm bằng những hiểu biết bởi kiến thức khách quan. Điều làm cho tâm yếu đi chính là những tiếp xúc của nó với nhiều sự việc; điều làm cho tâm mạnh lên chính là sự xả ly khỏi những vướng mắcthoát khỏi những hệ lụy nhiễm ô từ những sự kiện ấy. Nói vắn tắt, cách duy nhất để tâm có thể sung mãn tiềm lực tinh túy và bẩm sinh là giữ cho nó thường xuyên liên hệ với nguyên lý vũ trụ và tự khai mở tác dụng của chính nó. Đó là điều được gọi là yoga hay tiến trình kết hợp lại với nhau của tự ngã (individual soul) và siêu ngã (Oversoul).[2] Tự ngã (tiểu ngã) chính là nền tảng (ādhāra; base),[3] vốn được tiếp truyền sinh khí từ nguồn năng lực vũ trụ (prakṛti)[4], bao trùm khắp vạn vật và chính nó rót xuống thấm vào danh sắc, đất đai, thảo mộc, côn trùng, súc vật và người. Khi nền tảng sở y (ādhāra) tựu thành viên mãn đủ để phóng xuất và tác động đến nguồn lực linh thiêng nầy, là sự chuyển hoá đã thành tựu, hành giả trở nên một thành tựu giả (siddha).[5]

Thế nên, nguyên lý đầu tiên của nền giáo dục nầy là phát huy nguyên lý vũ trụ trên nền tảng cá nhân bằng cách kiến lập về sau một kho tàng mạnh mẽ nguồn lực vô hạn hay tiềm năng thiêng liêng thông qua tu tập phạm hạnh (brahmacarya), là điều kiện thiết yếu ban đầu để tăng trưởng sinh lực sống động bên trong và tạo ra mục tiêu cho sự vận hành của nó.

 

Tiếp theo chúng ta hãy phân tích một vài khía cạnh nổi bật của hệ thống giáo dục cổ đại Ấn Độ. Trước hết, các trường phái giáo dục cổ đại phần lớn đều tập trung ở những vùng ẩn cư nơi rừng núi, cách xa thành phố đầy huyên náo vội vã, trong bầu không khí yên tĩnh nhằm có ích cho sự tập trung tinh thần, như là một trang thiết bị cần thiết cho tinh thần giáo dục. Từ những ngôi trường trong nơi ẩn cư thôn dã nầy đã phát xuất ra những tư tưởng tầm cao của Ấn Độ. Thế nên nền văn minh Ấn Độ qua hằng thế kỷ phần lớn là sản phẩm phát sinh từ rừng núi thâm u. Nền văn minh nầy khởi đầu như là văn minh thôn dã chứ không phải là văn minh thị dân.[6]

Một biểu hiện có ý nghĩa từ một nhánh của nền văn học Sanskrit thiêng liêng chính là Sâm lâm thư (Āraṇyakas), ‘văn học của rừng sâu–the literature of the woods’ từ trong lặng imtịch tĩnhý nghĩa của văn hệ nầy được hiển lộ.

 Ngoài ảnh hưởng của môi trường chung quanh ra, nguồn lực sáng tạo đích thực trong giáo dục là người Thầy (Guru), là bậc thông tuệ hướng dẫn toàn bộ tiến trình học tập. Nhà của Thầy chính là trường lớp. Như vậy, trường là sự hình thành tự nhiên, không hình thành bằng tính gượng ép của tổ chức. Trường là nơi học sinh bắt đầu gặp thầy giáo và được thừa nhận tư cách giám hộ nơi thầy. Môn sinh không bị thầy bắt buộc phải đóng học phí như cách các trường học thời nay nhận học sinh. Việc thầy giáo tiếp nhận học sinh là một nghi thức long trọngtrang nghiêm được gọi là upanayana hay là lễ Khai tâm (initiation).[7] Đó không phải là một nghi thức đơn thuần, nó mang một ý nghĩa rất thiêng liêng. Lễ nầy diễn ra trong ba ngày, trong thời gian đó, như được giải thích trong A-thát-bà Phệ-đà (Atharva-Veda), Thầy giữ môn sinh bên cạnh mình để truyền cho môn sinh một sự tái sinh mới mẻ, từ đó môn sinh xuất thân như lần sinh ra thứ hai (dvija). Lần sinh ra thứ nhất là do cha mẹ, là những người đã cho anh ta hình hài; đây chỉ là lần sinh ra xác thân. Lần sinh ra thứ hai là tinh thần; biểu hiện cho tâm linh (mind and soul).[8] Như vậy giáo dục được đặt nền tảng bởi sự chỉ dạy riêng tư giữa học trò và Thầy, người mà Thầy phải trao truyền kiến thức toàn bộ cho nó. Môn sinh phải hấp thu phương pháp ẩn mật của Thầy, những hiệu quả bí ẩn của Thầy, tinh thần sống và làm việc của Thầy, và những điều nầy rất tế nhị để truyền dạy. Sự dạy dỗ riêng tư nầy là toàn bộ những gì tinh yếu nhất, là mục tiêu tối thượng của giáo dục, là đạt đến được tri thức tối cao để dẫn đến sự giải thoát (mukti). Tri thức tối cao được gọi là minh (vidyā hoặc parāvidyā), phân biệt với vô minh (avidyā hoặc aparāvidyā), là con người được phân biệt trong sự thật ngẫu nhiên, sự thật nửa vời, và dối trá ngụy biện.[9]

 

Có ba bước được phân biệt rõ trong sự đạt được tri thức tối thượng. Đó là śravana,[10] manana,[11]nididhyāsana.[12] Śravana là lắng nghe những lời dạy hay kinh văn mà học trò được truyền đạt bằng lời nói từ Thầy. Đây là thời kỳ dạy về lòng tôn kính trong phương pháp giáo dục Ấn Độ cổ đại, hệ thống giáo dục truyền dạy bằng lời nói, qua đó kiến thức được truyền đạt từ thầy đến trò (guruparamparā),[13] hay sampradāya (trao truyền). Kiến thức như vậy được truyền đạt trong các hình thức gọi là chú ngữ (mantra) hay kinh (sūtra), trong đó ý nghĩa lớn nhất được gói gọn trong ngôn từ tối thiểu nhất. Ví dụ hoàn chỉnh nhất là praṇava[14] hay âm tiết Oṃ chứa đựng trong chính nó cả một thế giới ý nghĩa. Tất cả những gì học được trong thời kỳ nầy như vậy, được tiến hành giữa Thầy (guru) và người được truyền dạy, và người Thầy (guru) là thư viện biết đi, là cội nguồn kiến thức trao truyền trực tiếp cho học trò. Bên cạnh đó, việc đọc tụng kinh điển khi học trò nghe thầy giáo đọc lên có một giá trị riêng như là phương tiện truyền bá tri thức. Śabda hay âm thanh của các lời dạy thiêng liêng hay chú ngữ (mantra) có một tiềm lựcgiá trị bên ngoài ý nghĩa của nó, và thực chất bên trong cùng với nội hàm bẩm sinh, nhịp điệu (rhythm), độ rung (vibrations) phải được tuân thủ.

Âm thanh (Śabda) chính là Phạm (Brahman). Ngôn từ chính là Thần thánh (God).[15] Sự tiếp nhận kiến thức nầy khi được đọc lên từ người Thầy là được tiếp theo bởi tiến trình đồng hóa của tư duy (manana), chiêm nghiệm, quán chiếu về đề tài được truyền dạy. Nhưng sự quán chiếu như thế chỉ có kết quả trong sự lĩnh hội mang tính tri thức về ý nghĩa của kinh văn được truyền đạt từ Thầy cho môn đệ. Do vậy, việc học được thành tựu qua bước thứ ba hay là tiến trình–được gọi bằng thuật ngữ chuyên môn là nididhyāsana (thiền định, tư duy tu), dẫn đến trực nhận sự thật sau quá trình lĩnh hội tri thức. Như trong Muṇḍaka Upaniṣad (II. 3-4) đã nêu ra: Chỉ bằng lĩnh hội tri thức về sự thật, một niềm tin hợp lý, vẫn chưa đủ, dù tất nhiên bước đầu như là một dạng đánh dấu điều đang nhắm đến. Nididhyāsana biểu tượng cho tầng bậc cao nhất của thiền định, trong đó, với sự tương quan với Phạm (Brahman) hay là Thực tại (Reality), đã được định nghĩa như là ‘dòng chảy đều đặn của ý thức về một Thực tại, không bị quấy rầy bởi cái biết mong manh về cái nhiều, về bất kỳ đối tượng vật chất như là thân thể, trái ngược với ý thức về cái một, cái Ngã bất nhị hay Thực tại.’[16] Áo nghĩa thư (Upaniṣad) chỉ định những thực tập ban đầu trong thiền định để dẫn đến giai đoạn cuối cùng. Những thực tập nầy được gọi là upāsanās, có nghĩa là hướng dẫn thực hành thiền định.[17]

Một loạt các hỗ trợ từ bên ngoài cho kiến thức cũng được trình bày có hệ thống để bổ sung cho sự rèn luyện và tiến trình nội suy, tăng cường sức mạnh cho nền tảng đạo đức để thâm nhập tri thức. Bước đầu của tiến trình được nêu ra, môn sinh phải sống với Thầy như một thành viên trong gia đình, để cho công trình giáo dục của Thầy như là một tiến trình toàn phần thời gian chứ không phải chỉ một giai đoạn như trường lớp trong thời hiện đại quen làm. Sống với Thầy như là người đồng hành (antevāsin), học trò phải thích nghi với những cơ hội được mở bày trước anh ta trong một ngôi trường như thế, một nơi ẩn cư với núi rừng bao quanh. Nhiệm vụ ban sơ của anh ta là đi bộ trong rừng, kiếm củi, và mang về lều để giữ gìn ngọn lửa thiêng. Áo nghĩa thư (Upaniṣad) thường đề cập chuyện môn sinh đến với Thầy bằng ngọn lửa trên tay, như một biểu hiện cho thấy họ sẵn sàng phục vụ Thầy và giữ gìn ngọn lửa trong nhà thầy. Śatapatha Brāhmaṇa[18] giải thích rằng các môn sinh tu tập phạm hạnh (brahmacarin) ‘chất củi nhóm lửa trong tâm, vì sự vinh quang thần thánh.’

Nhiệm vụ tiếp theo của môn sinh là chăm sóc nhà cửa và gia súc của thầy. Chăm sóc nhà cửa là huấn luyện cho anh ta tinh thần tự phục vụ, chân giá trị của lao động, bằng những công việc tay chân phục vụ cho thầy và các môn sinh đồng học. Chăm sóc gia súcgiáo dục thông qua nghề nghiệp như là một phần của nền giáo dục khai phóng nhất. Môn sinh tiếp nhận giá trị của sự huấn luyện trong tình thương loài bò như là loài vật có ích nhất cho con người, trong công nghiệp nuôi gia súc và lấy sữa hằng ngày, với tất cả những lợi ích khác mà nó đã dâng tặng từ công việc ngoài trời và các bài thể dục làm cho thân thể khỏe mạnh.[19]

Một nhiệm vụ khác của người tu tập phạm hạnh (brahmacarin) là đi khất thực hằng ngày. Đó không phải là khất thực vì lợi ích cho riêng mình, mà cho toàn thể cộng đồng nơi anh ta đang là thành viên. Tính giáo dục của việc nầy được nêu ra trong Śatapatha Brāhmaṇa,[20] điều ấy có nghĩa là khiến phát khởi trong tâm các tập sinh một tinh thần khiêm cung và xả ly.

Như thế các thực tập bên ngoài nầy tác dụng như là hỗ trợ cho kiến thức bằng cách làm mạnh mẽ thêm tiềm năng của tâm như một công cụ cho việc thu thập kiến thức, bằng cách làm cho tâm càng ít có đối tượng và càng ít hướng đến nhiễm ôtiếp xúc với vật chất. Mục tiêu của giáo dục như thế được gọi là kiểm soát làn sóng thức (cittavṛtti-nirodha; e: control of the mental waves), nhờ đó mà cá nhân hòa vào vũ trụ. Đó chính là sự hợp nhất (yoga) của tự ngã và siêu ngã [21]

 Tiếp theo chúng ta có thể chú ý đến các hình thái khác nhau mà qua đó, nền giáo dục được phát huy trong địa phương vào thời kỳ Phệ-đà. Ban sơāśrama hay là nơi ẩn cư, nơi để học với một vị Thầy chính là người chủ ngôi nhà đó, Thầy nhận vào lớp gia giáo của mình nhiều môn sinh mà Thầy thấy thích hợp với lối dạy dỗ của mình. Trong những trường lớp nầy, các tập sinh trải qua các phạm kỳ (brahmacarya) riêng của mình. Nhưng cũng có những tập sinh muốn tiếp tục đời sống tu học suốt đời, quyết định theo đuổi việc học và tu tập theo tinh thần như đoạn văn trong Bṛhadaraṇyaka Upaniṣad: ‘Chỉ ước mơ thế giới (Phạm; Brahman) đó, những du sĩ lìa khỏi gia đình; biết được điều nầy, người già không còn muốn con cái nối dòng..., và họ đã vượt lên trên ham muốn có con trai, giàu có, và thế giới mới, họ đã lên đường sống như những vị du sĩ.’[22]

Những môn sinh như vậy được gọi là naiṣṭhika brahmacārins.[23] Họ đi khắp cả nước như là vị parivrājakas,[24] tìm cầu kiến thức cao hơn bằng những cuộc tranh luận hoặc tiếp xúc với các bậc hiền triết (sage) và các bậc Đạo sư (Ṛṣi) nổi tiếng. Áo nghĩa thư (Upaniṣad) gọi những du sĩ nhiệt tâm tìm cầu kiến thứcchân lý là những carakas,[25] những kẻ khuếch tán tư tưởng trong toàn quốc gia. Như Uddalaka Āruṇi, một học giả thuộc dòng tộc Kuru-Pañcāla,[26] sau khi hoàn tất học kỳ của mình, đã lên phương Bắc để được nhận thêm những chỉ điểm của Đạo sư (Ṛṣi) Śaunaka.

Ông cũng đã sống khoảng thời gian đó trên lãnh thổ Madras để đặt mình dưới sự chỉ giáo của Ṛṣi Patañcala Kāpya.[27]

Còn có những học viện quốc gia dành cho sự nghiên cứu học hỏi cao hơn được gọi là pariṣads,[28] nơi được bảo trợ của triều đình, từ vị quân vương triết gia Pravāhaṇa Jaivali, hằng ngày vua đánh xe ra khỏi hoàng cung đến đó ngồi dự nghe.[29]

Bên cạnh những trường lớp thường trú nầy, có những trường chuyên nghiệp cho những nghiên cứu cao hơn, và đông đảo những học giả du phương thường gợi ra những thảo luận triết học, còn có những nhóm học giả thường quần tụ với nhau do các vị vua tổ chức ở triều đình. Một ví dụ tiêu biểu của hội nghị nầy được mô tả trong Áo nghĩa thư Bṛhadāraṇyaka, nói rõ tại sao Janaka, vua của Videha, đã mời học giả uyên bác của quốc gia Kuru-Pañcāla đến triều đình, ‘rồi được biết về sự phong phú của các học giả.’ Đây có lẽ là dạng gặp gỡ trong hội thảo triết học sớm nhất trên thế giới. Thủ tục được tán thành trong hội nghị là tiến hành thảo luận để đạt đến kết quả chừng nào có thể được.[30] Lúc đó triết học được thể hiện qua các trường phái khác nhau với những học thuyết khác nhau, những người sáng lậpđối thủ của các trường phái được chọn để trình bày trước hội nghị những học thuyết được các trường phái truyền bá. Tám trường phái triết học đối thủ và các triết gia như vậy được chọn. Đó là Uddālaka Āruni, Aśvala, Ārtabhāga, Bhujyu, Uṣasta, Kahola, Vidagdha, Śakalya, và Gārgī Vācaknavī (nữ triết gia). Trong số nầy, Uddālaka là rất nổi tiếng như là tâm điểm của các học giả đã góp phần nhiều nhất vào nền triết học Áo nghĩa thư (Upaniṣad). Aśvala là tế sư Hotṛ [31] của vua Janaka. Bhujyu là học trò của Āruni cha. Người thông thái nhất trong tất cả là Yājñavalkya. Vua Janaka tuyên bố sẽ tặng giải thưởng hoàng gia cho triết gia nào trả lời được những vấn đề vi tế và khó khăn nhất do ông đặt ra. Ngay cả nữ triết gia Gārgī Vācaknavī đã thách thức công khai tri thức của ông bằng cách đưa ra hai vấn đề phức tạp, nhưng Yājñavalkya đã trả lời thành công hai câu hỏi đó.

 Tri thức tiêu chuẩn đạt được trong thời kỳ nầy được biểu thị qua những câu hỏi như sau, vốn đã được triết gia Uṣasta nêu ra cho Yājñavalkya: ‘Khi có người nói, “Đó là bò, đó là ngựa”, bằng cách chỉ ra ấy. Hãy chỉ ra Brahman, Ātman vốn có, hiển bày trong khắp vạn vật cho tôi.’

Từ câu chuyện của người phụ nữ Gārgī, cho thấy rằng dường như lúc đó, phụ nữ được xem như ngang hàng nam giới trong tính thích hợp và khả năng để đạt đến tri thức tối cao.[32]

II

 

Chính vào thời kỳ nầy, mô hình giáo dục Phệ-đà từ ba tầng lớp trên của xã hội Ấn-Aryan đã được lan rộng và hệ thống hóa trong cách ngôn cũng như trong Smṛti.[33] Trong sơ đồ Smṛti, như đã được phát biểu rõ bởi một người có thẩm quyền nổi bậtẤn Độ,[34] Thầy giáo (guru) là ‘then chốt của toàn bộ hệ thống giáo dục.’ truyền thống xưa của người cha như là thầy giáo được tiếp tục truyền đến thời kỳ luật Manuthời kỳ Yājñavalkya, đó là sự rèn luyện thông thường để gởi đứa bé sau lễ upanayana [35] sang sống với thầy giáo. Kinh phân biệt hai loại thầy giáo, một là ācārya[36] (người thực hiện lễ upanayana cho môn sinh và sau đó dạy toàn bộ Phệ-đà; hai là upadhyaya[37] (người chỉ dạy cho môn sinh một phần của Phệ-đà hay là những phần phụ). Vai trò của ācārya rất cao. Học trò, theo trong kinh Āpastamba Dharma-Sūtra,[38] được thầy giáo chăm sóc như là thần thánh.

Trong Viṣṇu Smṛti[39]Manu Smṛti,[40] thì ācārya, cha và mẹ được mô tả là ba bậc Thầy (guru) lớn nhất của con người, như thế xứng đáng với sự kính trọng cao nhất dành cho họ.

Những điều luật tỉ mỉ được trình bày trong luật Manu[41] về sự tỏ lòng kính trọng của học trò đối với thầy giáo. Học trò, ngay cả chúng ta được dạy[42] không được gọi tên thầy giáo mà không kèm theo tước hiệu tôn kính; người học trò phải bịt tai lại hoặc rời khỏi nơi khi có người bất chính hay chính đáng báng bổ thầy mình; và người nào bị tội lỗi báng bổ thầy mình sẽ bị sinh vào nơi thấp kém trong kiếp sống kế sau đó. Về phần mình, thầy giáo có một phẩm tính tri thứctính cách cao vời. Chúng ta đọc trong sách nghe nói rằng, một vị Bà-la-môn không học giống như con voi làm bằng gỗ và con linh dương làm bằng da; vị Bà-la-môn (ở đây đặc biệt nói đến vị Bà-la-môn bậc thầy), không như vậy, cho dù bị phiền não, dùng những lời lẽ thô trược hay làm tổn thương người khác bằng lời nói hay việc làm; người thầy phải thường xuyên chùn lại trước lời khen như là đối với thuốc độc, và đón chào sự khinh bỉ như là mật ngọt. Học trò, được đề cập trong cùng bản văn, có thể từ bỏ thầy mình nếu thầy không dạy dỗ được hoặc thầy trở thành người phạm tội. Với điều trên chúng ta có thể so sánh với một kinh văn cũ,[43] trong đó nói rằng người học trò nào mà không được thầy khai tâm thì như từ bóng tối đi vào bóng tối, cũng vậy nếu chính anh ta không chịu học. Kinh văn phân biệt hai hạng học trò, đó là upakurvāṇa (người đền đáp công lao dạy dỗ cho thầy sau khi học, rồi rời thầy trở về nhà), và naiṣṭhika (người sống suốt đời với thầy mình, hoặc trong trường hợp anh ta chết trong gia đình thầy mình). Học sinh phải chăm sóc thầy khi đi tắm và vệ sinh, xoa bóp cho thầy, nói chung là làm mọi việc để làm vừa lòng thầy và đem lại lợi lạc cho thầy; anh ta phải làm công việc hàng ngày là châm củi để giữ ngọn lửa thiêng; đi ra ngoài khất thực, và thực hiện những nghi thức cầu nguyện vào buổi sáng và tối. Nếu cố ý thờ ơ những bổn phận nầy, anh ta sẽ được dạy cho pháp sám hối tương ưng. Tập sinh phải tuân theo những luật nghi về y phục và phương thức khất thực cũng như ăn uống; tập sinh phải tự cấm chế về lời nóisuy nghĩ, tránh xa sự trang sức và các trò mua vui. Hành xử của tập sinh nên kính trọng các bậc lớn tuổi và phòng hộ khi có sự hiện diện của phụ nữ. Tập sinh không nên trả tiền thù lao cho thầy để được tiến bộ, nhưng vào cuối những học kỳ, nên dâng tặng vật phẩm tùy theo ý định của mình hay tùy theo ước muốn của thầy. Sự nghiêm khắc trong luật Smṛtis về điểm nầy được phản ánh trong văn bản luật ManuYājñavalkya là không cho phép người dạy học nhận trả công hay người đi học trả công, bằng cách mời đến dự lễ giỗ tổ tiên, và tuyên bố rằng người ấy phạm một tội nhẹ.[44] Tiến trình giáo dục bao gồm chủ yếu là các kinh Phệ-đà được học trong gia đình của tập sinh, các bản duyệt lại khác cùng một Phệ-đà hay những bản Phệ-đà khác được phép học về sau. Phương pháp dạy là truyền miệng, nhiều quá mức khi phải dựa vào kinh sách, gồm cả của Nārada[45] trong một liệt kê gồm 6 chướng ngại cho kiến thức.

Kế hoạch rèn luyện cho một môn sinh Phệ-đà nêu trên có thể được bổ sung mô tả về sự giáo dục một hoàng tử thuộc thành phần Kṣatriya (sát-đế-lợi) được nêu ra trong Arthaśātra của Kautilya. Tầm quan trọng của sự huấn luyện và kỷ luật của vị hoàng thânnhấn mạnh nhiều lần ngay tại khởi đầu bởi tác giả[46] trong sự quan tâm bảo hộthành tựu của nhà vua cùng sự bền vững của gia đình mình. Làm thế nào để tiến trình giáo dục được thành tựu đối với anh ta thể hiện qua độ dài thời gian?[47] Sau lễ xuống tóc của tập sinh và trước khi vào năm thứ bảy, tập sinh phải học các mẫu tự và các phép tính; sau lễ Khai tâm (upanayana), tập sinh phải học bốn ngành khoa học, đó là trayi (Phệ-đà với những môn phụ trợ), ānvīkṣikī (3 trường phái triết học), vārttā (kinh tế), và daṇḍa-nīti (chính trị). Ngay cả sau khi anh ta đã hoàn tất các môn học, và anh ta lập gia đình vào năm 16 tuổi, anh ta cũng phải trải qua các công việc hằng ngày là nhận những bài học về nghệ thuật quân sự và về truyền thống lịch sử (Itihāsa). Phần còn lại, nền giáo dục cho giai cấp sát-đế-lỵ đặt nền tảng trên phương pháp luận âm thanh - thanh luận học (sound methodology). Trong hai nhánh của luật học (vinaya; discipline) gọi là ‘đạt được’ và ‘tự nhiên’; trước hết, như chúng ta thường được nghe, nên truyền đạt cho những môn sinh nhiệt tâm và thông minh. Trên hết, những ý tưởng đó được đề ra để kiểm soát bằng cách xem lại phản ứng tinh thần của họ, hoặc là bằng sự thực hiện của các huấn thị trong kinh điển.

 Sơ đồ giáo dục ở trên dành cho các môn sinh Phệ-đà nói chung, và dành cho giai cấp sát-đế-lỵ nói riêng, đều được chứng thực từng phần từ những nguồn tư liệu khác. Trong sử thi Mahābhārata,[48] chúng tacâu chuyện về những tập sinh xuất sắc với những tận tụy mẫu mực đối với thầy. Như Upamanyu và Aruni (học trò của Dhaumya), và Utahka (học trò của học trò Dhaumya).[49] Chúng ta lại có chuyện của Drona, người Bà-la-môn được chỉ định dạy nghệ thuật quân sự cho các con trai của dòng họ Pāṇḍu và Dhṛtarāṣṭra bởi ông ngoại của họ là Bhīṣma, chiến sĩ lão thành (warrior-sage). Trong Kinh kinh Di-lan-đà vấn (Milindapañha) [50] một bản kinh nổi tiếng của đạo Phật, có lẽ xuất hiện vào thế kỷ thứ I stl., có ghi một mục đáng chú ý về chương trình giảng dạy hiện thời cho các tập sinh Bà-la-môn và cho các hoàng thân quý tộc.[51] Bà-la-môn nghiên cứu bốn bộ Phệ-đà (và các phụ trợ của nó), thiên văn học, chiêm tinh học, triết học duy vật (materialistic philosophy) và khoa học về điềm báo (science of omens). Ngược lại, các hoàng thân quý tộc học nghệ thuật điều khiển ngựa, voi, đánh xe, viết, tính toán, và về chiến phí. Nói cách khác, Bà-la-môn mong mỏi học hết các ngành nổi tiếng về văn chương và khoa học; trong khi đó, giai cấp sát-đế-lỵ yêu cầu đóng khung sự chú tâm của mình vào nghệ thuật thực tiễn của chiến tranh và cai trị. Một ánh sáng nữa soi vào điểm nầy bởi việc học trong sự nghiệp ban đầu của ngài Na-tiên (Nāgasena), nhân vật chính trong bản kinh trên, ngài sinh ra trong dòng dõi Bà-la-môn, và nổi bật trong vai trò một Luận sư[52] Phật giáo nổi tiếng nhất vào thời đó. Các tập sinh Bà-la-môn, chúng ta được biết, bắt đầu việc học của họ ở nhà của thầy giáo khi lên bảy tuổi, và phải trả thù lao cho thầy khi được tiến bộ. Sau khi tập sinh Bà-la-môn đã hoàn tất quá trình học tập của mình, anh ta có thể, nếu anh chọn, tìm học thêm nữa ở các vị thầy bên ngoài dòng Bà-la-môn, và từ đó, anh ta có thể sống như một học giả du phương, học hỏi (hay đánh bại) các học giả danh tiếng khác trong truyền thống Áo nghĩa thư (Upaniṣad) giỏi nhất.

Một dạng giáo dục mới mẻ vừa được phát triển vào thời kỳ nầy trong các tự viện Phật giáo để đào luyện các vị tăng mới xuất gia, luật tắc của hệ thống nầy được đề ra trong phần kinh điển liên quan đến giới luật tự viện. Sự khác nhau giữa hệ thống nầy và hai hệ thống đề cập ở trên là khoảng giữa đó có thể được gọi là hệ thống gia giáo (domestic systems) và hệ thống tổng hợp (collective systems). Ban đầu, tăng sĩ Phật giáo tự đặt mình dưới sự hướng dẫn của thầy, sau nghi thức thỉnh nguyệntiếp nhận những mật ý. Người thầy được gọi là ācārya (A-xà-lê) hoặc upādhyāya (Hoà thượng). Khác với luật Smṛti, A-xà-lê được xem là người được ủy quyền hay là người thay thế cho Hoà thượng. Sự liên hệ giữa Thầy và đệ tử tuân theo mẫu mực trong hệ thống luật Smṛti. Hằng ngày đệ tử phải phục vụ thầy trong những công việc như tắm giặt, vệ sinh, ăn uống, khi đi khất thực, chăm sóc thầy khi bị bệnh. Về phần thầy, phải chỉ giáo toàn diện cho đệ tử, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu, chăm sóc đệ tử những lúc đau ốm, v.v… thầy theo sát phương pháp thông dụng, chỉ dạy qua lời nói bằng cách trả lời hay giảng giải. Đệ tử quán sát những giới luật nghiêm ngặt về sử dụng thực phẩmy phục, dụng cụ và phòng ở, vốn được lập trên nền tảng kết hợp hệ thống luật Smṛti về bổn phận của môn sinh Phệ-đà và các ẩn sĩ.

Truyền thống giáo dục cổ đại của Áo nghĩa thư (Upaniṣad) được biểu tượng qua thời kỳ nầy bằng một số ví dụ. Trong sử thi Ramāyaṇa,[53] có ví dụ về nơi ẩn cư (āśrama) của Bharadvāja ở Prayāga, và trong sử thi Mahābhārata chúng ta đọc thấy nơi ẩn cư của Śaunaka, đặc biệt là một kulapati (thầy giáo) của 10 học sinh, trong rừng Naimiṣa, và nơi ẩn cư của Kaṇva trên bờ sông Mālinī. Trong kinh Di-lan-đà vấn (Milindapañha), có đề cập đến một số các tăng sĩ Phật giáo theo dạng nầy –như đệ tử của Assagutta, và cuả Dhammarakkhita ở thành Hoa Thị (Pātaliputta), và môn đệ của Āyupāla ở Sāgala–đều được Na-tiên tỷ-khưu (Nāgasena) viếng thăm như là một du sĩ vì mục đích tham học hay tranh biện.

Bây giờ chúng ta quay sang một dạng tổ chức giáo dục mới, vốn là sản phẩm mang tính chất đời sống thị dân tiến bộ của thời kỳ nầy, đó là các trung tâm học thuật cao hơn trong các trung tâm đô thị. Trong các mô tả khách quan từ chuyện bản sanh (Jātaka),[54] chúng ta được kể tại sao các học sinh từ nơi xa xôi Mithilā và Rājagrha ở miền đông và từ Ujjayinī ở phía nam, không kể đến những học sinh từ Śivi và vương quốc Kuru ở Uttarāpatha gần nhà hơn, đã lũ lượt kéo đến Takṣaśilā, thủ đô của vương quốc Gandhāra (trong quận Rawalpindi của miền Tây Punjab), để có thể hoàn chỉnh việc giáo dục của mình với ‘các bậc thầy nổi tiếng trên thế gian.’ Chuyện Bản sanh còn nói đến thành Ba-la-nại (Vāraṇasi) như là trung tâm học thuật hầu như được thành lập do những học sinh được huấn luyện từ Takṣaśilā. Trong sử thi truyền thống Ramāyaṇa, thành phố Ayodhyā, kinh đô của vương quốc Kośala, tương truyền bao gồm các học thuật tư tưởng trường phái Phệ-đà và Purāṇic cùng với sự lưu trú của học sinh. Chúng ta có thể trích dẫn ở đây hai đoạn đáng lưu ý để chỉ ra sự đánh giá có chủ tâm về giá trị của việc tham phương du học như là cấu thành lực thúc đẩy cho sự phát triển đặc biệt nầy. Trong một chuyện Bản sinh, chúng ta đọc thấy tại sao các vị vua thường gởi con trai mình đến một nơi xa xôi để hoàn thành việc học tập của con mình, để có thể rèn luyện cách chế ngự lòng kiêu hãnh của mình, để nó có thể nhẫn chịu nóng và lạnh, và để thông đạt được các phương phápthế gian.[55]

Sử thi Mahābhārata[56] trích dẫn một ngạn ngữ rất hay, một Bà-la-môn mà không đi xa (để học hỏi), một vị vua không tiến hành chiến tranh (khi cần thiết) thì sẽ bị đất nuốt chửng như những sinh vật sống trong hang bị loài rắn nuốt trọn. Chúng ta nhờ vào chuyện Bản sinh mà có được một vài phác thảo về phương pháp giáo dục vốn thịnh hành ở Takṣaśilā. Sự thu nhận, như chúng ta biết, mở rộng cho các học sinh thuộc các giai cấp và các hoàn cảnh sinh sống, chỉ ngoại trừ tầng lớp tiện dân (chiên-đồ-la; caṇḍāla). Học sinh sống với Thầy hay đi học vào ban ngày; về sau lớp học còn có cả những học sinh đã lập gia đình. Học sinh trả học phí để được tiến bộ, hoặc là thay vào đó, phải phục vụ thầy tương xứng. Khóa trình học gồm ba bộ Phệ-đà và còn có một bộ không chỉ rõ (và hiển nhiên được tóm tắt như sau: Thầy giáo nhận học sinh bằng sự thỏa thuận liệt kê 18 nghề thủ công (śilpas). Việc tham cứu đặc biệt dành cho việc học về truyền thuyết của loài voi, về sức mê hoặcquyến rũ của các dạng khác nhau, về bói toán, và về (điều quan trọng nhất) thuật bắn cung và y học. Số lượng học sinh ở với một vị thầy thường lên đến 500 người. Kỷ luật nghiêm ngặt thường được áp đặt từ thầy đến các môn sinh.

Cùng với các dạng giáo dục đề cập trên đây, thời kỳ nầy còn sinh khởi một hệ thống giáo dục hướng nghiệp. Nhân duyên của nền giáo dục y học và thời kỳ Phật giáo ra đời được minh họa bằng câu chuyện về sự nghiệp của Kỳ-bà (Jīvaka) (họ là Komārabhaccha; có nghĩa là bậc thầy chữa trị bệnh trẻ em), được kể trong kinh tạng Pāli.[57] Ông là con trai của một kỹ nữ thành Vương xá (Rājagṛha), được nuôi dưỡng do hoàng tử Abhaya nước Ma-kiệt-đà (Magadha), ông được gởi đi học y dược ở Takṣaśilā với một bậc thầy nổi tiếng trên thế gian. Ông ở lại đây học trong 7 năm, hoàn tất khóa học khi vượt qua khảo hạch thực tế những kiến thức rất khó về dược liệu thảo mộc. Sau đó sự nghiệp của ông được biết là rực rỡ khác thường, khi ông nổi bật từ vị trí y sĩ triều đình của vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra), quốc vương xứ Ma-kiệt-đà, mở ra khắp toàn quốc phương pháp điều trị bằng y dược và phẫu thuật. Giống như điều kiện hiện thời của nền giáo dục y học được trình bày tương tự trong Kinh Di-lan-đà vấn (Milindapañha).[58] Chúng ta biết rằng, học trò học việc với thầy, phải trả học phí để được tiến bộ, hoặc phải phục vụ thầy các công việc hằng ngày. Lại nữa, lúc đó đã có một số thầy giáo giỏi về khoa học, họ đã viết nhiều chuyên luận về nhiều ngành khác nhau. Chúng ta có được mô tả nhiều chi tiết hơn trong Suśruta Saṁhitā, một tác phẩm về khoa phẫu thuật nổi tiếng thuộc về thế kỷ đầu Tây lịch. Các đề mục[59] được tóm tắt như sau: Thầy nhận học trò qua một buổi lễ khai tâm (upanayana) long trọng, vốn mở rộng cho cả ba giai cấp dưới, và theo một số tư liệu, còn dành cho cả giai cấp thủ-đà-la (Śūdras).[60] Trong buổi lễ, môn sinh trọng thể cam kết nhân danh ngọn lửa thiêng, sẽ tuân theo một số luật lệ liên hệ đến sự thanh khiết của y học và đạo đức trung thực, vâng lời người giám hộ của mình; về phần Thầy tán thành sự trang nghiêm bình đẳng, đối xử với môn sinh mình không gì khác hơn là hết sức dạy dỗ cho họ. Học trò, như đã được nói đến, phải được thành thạo cả hai mặt lý thuyếtthực hành, hỏng một trong hai môn đó được xem như là con chim bị mất đi một cánh. Quay sang điểm khác, chúng ta thấy có hai câu chuyện trong Divyāvadāna[61] đề cập đến việc rèn luyện con trai các thương gia giàu có vào thời đó. Danh mục các môn học gồm kiến thức văn học, toán pháp, tiền, nợ, công trái và tài khoản ngân hàng, khảo sát ngọc quý và bất động sản, voi và ngựa, thanh niên và phụ nữ, v.v...

 

III

 

 Hệ thống cổ xưa của nền giáo dục cấp tiến trong các học viện được tiếp tục trong thời kỳ đế chế Gupta và các hậu duệ triều đại này. Luật Smṛti sau nầy cũng là các chú giải và tập san tóm tắt các luật cũ về giáo dục, có bổ sung vài giải thích. Lấy vài ví dụ, học bổng toàn phần được bao gồm trong liệt kê về những điều bị cấm của Kaliyuga trong Nāradīya Purāṇa.[62]Āditya Purāṇa.[63] Việc thu nhận học phí của người giám hộ ở học trò là bị lên án trong Varāha Purāṇa,[64] nhưng lại được cho phép ngầm hay tùy theo điều kiện trong các chú giải của Medhatithi,[65] Apararka,[66] và Vijnanesvara,[67] cũng như trong Smṛti-candrikā.[68] Một danh hiệu đặc biệtý nghĩa luật lệ ‘dịch vụ không thể hiện sau khi giao ước (abhyupetyāśuśruṣā) giải quyết cho những công việc nầy về bổn phận của học sinh đối với thầy mình. Dưới trách nhiệm nói chung của người phục vụ (śuśrūṣakas), mặt khác, các môn sinh trong truyền thống Phệ-đà, các thợ thủ công, người giúp việc, và người giám sát công việc, những người thuộc về tầng lớp lao động (karmakaras) hay là những nô lệ.

Phương pháp giáo dục cho giới quý tộc thịnh hành trong thời kỳ nầy dường như đi theo dòng cũ. Từ một đoạn trích trong bộ Mānasollāsa, một bách khoa toàn thư được gán cho vua Someśvara III (c. A.D. 1126-38), thuộc Cālukya phương tây, chúng ta thấy rằng các hoàng thân khi lên 8 hoặc 10 tuổi được khai tâm với lời nguyện học tập và về sau được đào tạo trong truyền thống Phệ-đà cũng như trong khoa học quân sự.[69] Sau khi hoàn tất huấn luyện, hoàng thân sẽ được khảo hạch bởi phụ thân về kỹ năng nghệ thuật quân sự, văn chương, và mỹ thuật.

Tiêu chuẩn cao nhất của giáo dục hoàng thân được minh họa tốt nhất bởi ví dụ về các vị quốc vương học giả của thời kỳ nầy như Samudragupta, Harṣavardhana, Mahendravarman, và Yaśovarma, năm 1000 ttl, và Someśvara III, Ballālasena, và trên hết là Bhoja Paramāra vào các thế kỷ sau đó.

Trong truyện kể sinh động của nhà chiêm bái Phật giáo Trung Hoa Nghĩa Tịnh (I-tsing),[70] vào nửa sau thế kỷ thứ VII, chúng ta có một bằng chứng kinh ngạc về sự tiếp diễn của truyền thống giáo dục cổ điển trong các tự viện Phật giáo. Tu viện Phật giáo, như chúng ta được nghe nói nhiều, bên cạnh các tăng sinh, còn có hai thành phần học sinh cư sĩ, đó là một lớp học sinh trẻ học kinh Phật với mục đích sẽ xuất gia trong tương lai, và một thành phần chỉ nghiên cứu kinh điển thế gian mà không có ý định viễn ly trần tục.

Trong số các tu viện vào thời kỳ Gupta, Tu viện Phật học Nālanda[71] ở xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) đã đạt đến mức ưu tú bậc nhất vì vẻ tráng lệ nguy nga và tri thức, cùng sự coi trọng đạo đức từ các sinh viên đại học ở đây. Chúng ta nhờ vào những mô tả hoàn chỉnh nhất của hai nhà chiêm bái Phật giáo Trung Hoa vào thế kỷ thứ 7, đó là Huyền Trang[72]Nghĩa Tịnh. Tòa nhà gồm 8 sảnh đường, bên cạnh trường đại học chính, với 10.000 học tăng lưu trú (theo số liệu trước đó), trong tám sảnh đường cũng như 300 phòng được chiếm đầy với 3000 hoặc 3500 học tăng (theo số liệu sau này). Vì trình độ học vấn và tính cách cao viễn, nên học tăng ở đây được xem là mẫu mực trên toàn Ấn Độ. Sự nổi tiếng của trung tâm học thuật như vậy đã thu hút các sinh viên từ nước ngoài, nhưng khảo hạch để được thu nhận vào trường rất nghiêm ngặt, chỉ hai hoặc ba người được nhận trong số 10 người. Theo Nghĩa Tịnh, chúng ta biết thêm rằng trường Nalandā ở miền đông và trường Valabhi ở miền tây là hai nơi trong nước được các sinh viên tiên tiến viếng thăm để hoàn chỉnh nền giáo dục của mình. Vào thời kỳ hoàng đế Pāla trị vì miền đông Ấn Độ, một quần thể mới gồm các Tu viện (như Tu viện Đại học Siêu Giới (Vikramaśīla), Somapurī, Jagaddala, và Uddaṇḍapura) đã mọc lên, nổi tiếng như là những trung tâm học thuật. Từ những Tu viện nầy, khởi phát văn hệ Mật chú (Tantrika) phong phú của Phật giáo, phần lớn nền văn học này còn được lưu giữ trong các bản dịch tiếng Tây Tạng. Trong số học tăng của những tu viện đại học nầy, đặc biệt có thể nêu lên là Dīpaṅkara Śrījñāna (tên gọi khác của Atīśa),[73] về sau trở thành người sáng lập một trường phái cải cách Phật giáoTây Tạng, và Vidyākara, người đã biên soạn một tuyển tập đồ sộ bằng tiếng Sanskrit, vừa được ấn hành, có nhan đề Subhāṣita-ratnakośa.[74]

Hình thái ẩn cư thời xưa trong rừng tiêu biểu ở giai đoạn này bằng những ví dụ lịch sử là nhờ vào Bāṇa, tác giả của Harṣacarita. Trong chương cuối cùng tác phẩm nầy, tác giả giới thiệu một bậc Đại sư Phật giáo gọi là Divākaramitra, có nơi ẩn cư sâu trong núi rừng Vindhya, được vua Harṣa viếng thăm để tìm kiếm người em gái mất đã lâu. Tác giả đã nêu ra bức tranh sinh động về tính cách thế giới mà bậc hiền giả đã tuân theo, và bầu không khí học thuật mãnh liệt đang phổ biến quanh ngài.

Mô tả về những trung tâm học thuật cao hơn trong thời gian nầy có lẽ sẽ không đầy đủ nếu không có sự liên hệ đến vô số những trường hợp cụ thể của dạng này được cung cấp bởi các nguồn tư liệu lịch sử. Trong thế kỷ thứ XI, các trường lớp ở vùng Kashmir rất nổi tiếng đến mức thu hút được nhiều học giả xa xôi từ vùng Gauḍa (Tây Bengal) đến để nghiên cứu sâu hơn.

Trên hết, chúng ta có một loạt dài nhiều ghi chép bao trùm toàn bộ thời kỳ với bản duyệt lại về những tài năng thực sự,  những cá nhân tự thành tựu hay thành tựu  nhờ cộng đồng, từ suốt khắp đất nước để xúc tiến việc học tập cao hơn.[75]

Khóa trình học tập đề ra cho các sinh viên môn Phệ-đà từ tác phẩm Smṛti trong thời kỳ nầy phải tuân theo các quy tắc truyền thống. Sinh viên, như Medhātithi,[76] phải học từ một cho đến ba bộ Phệ-đà đã được duyệt lại, trong khi Smṛtī-candrikā đòi hỏi học sinh học và chỉ tuân thủ một bộ Phệ-đà đã được duyệt lại khác sau khi mình đã thông thạo rồi. Về nền giáo dục sơ cấp, các tác giả Smṛtī đề cập đến một lời thề (sacrament) gọi là Vidyārambha hay là akṣara-svīkṛti (bắt đầu nền giáo dục hay là học các mẫu âm), vốn bắt đầu từ năm lên sáu của đứa trẻ, hay ở độ tuổi nào đó trước lễ upanayana. Đứa bé học sách vỡ lòng gọi là Mātṛkā-nyāsa cũng như cả toán pháp. Có câu chuyện trong Narmamālā, tác phẩm trào phúng vào thế kỷ thứ XI của tác giả người Kashmir tên Kṣemendra, cho biết rằng các chủ hộ giàu có đương thời thuê những gia sư đến dạy cho con cái, có khi đã mang đến những tai họa cho chính gia đình họ.[77]

Một mô tả hoàn chỉnh và xác thực nhất về chương trình học tập trong thời kỳ nầy mà chúng ta được biết từ ngòi bút của hai nhà đại chiêm bái của Phật giáo Trung Hoa nêu trên. Theo ngài Huyền Trang, trẻ em sau khi thông thạo một lớp vỡ lòng ngắn gọi là ‘12 chương’[78] hay ‘sách tập viết chữ Siddhaṃ,’[79] các em được rèn luyện năm môn khoa học, đó là, văn phạm, khoa học mỹ nghệ, y học, khoa học về lập luận, và khoa học nội tại. Chương trình giảng dạy, theo Nghĩa Tịnh, gồm nối tiếp các lớp văn phạm của Pāṇini[80] với các môn bình luận, luận lý học, siêu hình học, thêm vào đó là Kinh và Luận bắt buộc cho Tăng sinh. Danh mục các môn học song song ở Tu viện Nalandā, theo Huyền Trang, gồm có không chỉ là các tác phẩm của tất cả 18 bộ phái Phật giáo mà còn có Phệ-đà, Luận lý học, Văn phạm,  nghiên cứu về Y dược, A-thát-bà Phệ-đà (Atharva-vidyā), phái Số luận (Sāṃkhya), v.v...

Một vài ánh sáng chiếu vào trong sự huấn luyện những người học việc ngành mỹ nghệ thủ công do luật Smṛti từ Narada về sau cho đến trước đó, cũng như bởi các chú giải luật Smṛti và các bản tóm tắt dưới tiêu đề đã nêu ở trên.

Chúng ta đọc thấy, khi một người học việc đã thỏa thuận với thầy giáo thời gian học việc, thầy giáo đưa học sinh về nhà mình, huấn luyện nghề nghiệp, và đối xử với học trò như con. Thầy giáo từ chối không dạy hay sai bảo học trò làm điều gì khác có khả năng bị phạt vạ bằng tiền, còn người học việc bỏ rơi người thầy mẫu mực của mình sẽ có thể bị những hình phạt về thể xác hay bị cưỡng bách phải trở về nhà. Theo nhà du hành vĩ đại người Ý Marco Polo, người đã viếng thăm miền cực nam Ấn Độ trong những năm cuối cùng của thế kỷ thứ XIII, những người con trai của giới thương gia thuộc vương quốc Paṇḍya khi lên 13 tuổi, họ bị đuổi ra khỏi nhà cha mẹ với một túi nhỏ đựng tiền để tự kiếm sống bằng nghề buôn bán. Thế nên họ trưởng thành rất sớm và giỏi việc buôn bán. Sự chứng thực tiêu chuẩn cao cho việc huấn luyện các người thợ thủ công được trang bị bởi những di cảo tuyệt vời của nghệ thuật và kiến trúc đã mang đến cho họ vào thời gian đó.

Sau cùng, bàn về điều kiện giáo dục cho phụ nữ trong những thời gian nầy, chúng ta đã đề cập đến sự cấm đoán trong việc học tập kinh điển Phệ-đà đối với phụ nữ và trong việc tụng đọc các thần chú trong Phệ-đà như các lời thề nguyện, điều ấy đã bị bắt buộc trong luật Smṛti cổ xưa, được tiếp tục và phát huy bởi hậu duệ của họ. Trong Smṛti-candrikā,[81] đủ để truyền đạt một cách có ý nghĩa, giải thích như là thuộc về một kiếp luân hồi nào khác, kinh văn thuộc Harita Smṛti phân chia phụ nữ thành hai hạng, đó là, học sinh thuộc phạm hạnh tri thức (brahmavādinīs) và những người lập gia đình ngay lập tức (sadyovadhūs). Sự phát triển nầy, chắc chắn là có liên quan đến luật Smṛti sau nầy, để làm giảm bớt tuổi có thể kết hôn của nữ giới. Mặt khác, chúng ta biết từ các nguồn tư liệu khác, phụ nữ thuộc tầng lớp trên ưa thích cơ hội như vậy để được học về nghệ thuật, đến nỗi một số trong đó trở thành những thi sĩ hoàn mỹ và những người có thẩm quyền về lĩnh vực belles-lettres.[82] Trong số đó có những ví dụ mang tính lịch sử về công chúa Rājyaśri (em gái của vua Harṣavardhana thuộc gia tộc Thanesar) và Avanti-sundāri, vợ của nhà soạn kịch Rājaśekhara. Câu chuyện về công chúa Kādambari và Mahāśvetā trong văn xuôi lãng mạn của Bana,[83] và về Kamandakī trong vở kịch dài của Bhavabhūti,[84] dường như gợi ý sự hiện hữu của các học viện, nơi phụ nữ có được sự học tập. Trong những câu chuyện về Upamiti-bhavaprapañca-Kathā,[85] một tác phẩm ngụ ngôn của Kỳ-na giáo (Jaina) vào thế kỷ thứ X, chúng ta được kể tại sao các công chúa rất khéo tay trong nghệ thuật hội họa, âm nhạc, và thi ca.

 

 

 

                R.K. Mookerji



[1] Về chủ đề Giáo dục Ấn Độ, có thể tham khảo các tác phẩm sau:

 Promotion of Learning in Ancient India của Narendra Nath Law; Ancient Indian Education (Brahmanical and Buddhist) của Radha Kumud Mookerji (1947); Education in Ancient India (5th Ed.) của A.S. Altekar; và trên hết là tác phẩm, History of Dharmasastra của P.V. Kane, Vol. II, pp. 268-415. Để có cái nhìn tổng quát về toàn bộ đề tài qua các thời kỳ kế tiếp nhau, xin xem chương về giáo dục của Radha Kumud Mookerji trong quyển II và của tác giả hiện thời trong quyển III-V của tác phẩm The History and Culture of the Indian People.

Chú thích có dấu (*) là của người dịch.

[2]* Còn gọi là tiểu ngãĐại ngã.

[3]* Hán dịch: sở y 所依

[4]* S: māyā, or śakti; E: cosmic energy.

[5]* E: the fulfilled or perfected soul.

[6] Như thi hào Rabindranath Tagore đã viết theo văn phong không thể nào bắt chước được của ông: Điều thú vị đáng được chú ý ở Ấn Độ chính là khung cảnh thâm u của núi rừng là đầu nguồn của các nền văn minh, chứ không phải là thành thị. Bất kỳ nơi đâu ở Ấn Độ, những biểu hiện sớm nhất và vi diệu nhất đều đáng được chú ý đến là con người đã không có mối liên hệ gần gũi như kiểu họ bị cuốn vào hay kết hợp thành một khối rắn chắc trong các mối quan hệ. Thay vào đó, thiên nhiên, cây cỏ, sông hồ, đã có nhiều cơ hội gắn kết mật thiết với con người. Trong cảnh những khu rừng, dù đó là xã hội loài người, nhưng vẫn còn đủ không gian rộng mở dành cho sự riêng tư, không có sự tranh dành. Sự tách rời nầy không hề tạo nên sức ỳ trong tâm thức người Ấn Độ, mà nó còn làm cho tất cả cuộc sống sáng sủa hơn. Chính trong rừng đã nuôi dưỡng hai thời kỳ lớn của Ấn Độ cổ đại là Phệ-đà và Phật giáo. Cũng như các bậc Đạo sư (Ṛṣis) trong Phệ-đà, Đức Phật cũng đã truyền dạy giáo lý của ngài trong nhiều khu rừng Ấn Độ. Nền văn minh hiện thời phát xuất từ trong rừng đã tràn ngập khắp Ấn Độ.’ (Trích từ Ancient Indian Education, của R.K. Mookerji, trang. Xxxv).

[7]* Còn gọi là lễ điểm đạo, vỡ lòng.

[8] Yêu cầu tối thượng của người Thầy như vậy được giải thích trong Chāndogya Upanisad (VI. 14. 1-2): ‘Đúng như vậy, thưa ngài, như người đã đem người bị bịt mắt từ quốc gia Gandhara rồi trả lại tự do trong sa mạc, khiến họ đi lạc đường từ đông sang tây hoặc sang hướng bắc; nhưng sau đó, khi có người gỡ băng bịt mắt và nói với họ rằng, ‘Gandhara nằm ở phương nầy, hãy đi theo hướng đó,’ họ được chỉ dạy và thận trọng hỏi đường, từ làng nầy sang làng khác, họ tìm được đường về quê nhà Gandhara. Cũng như vậy, con người trên thế gian nầy phải gặp một bậc Thầy để trở thành người có ý thức, ‘Đối với thế gian (tạm thời) nầy, tôi chỉ thuộc vào nó cho đến khi nào tôi giải thoát, ngay sau đó, tôi sẽ về nhà mình.’

[9] Sự phân biệt giữa các cấp độ tri thức nầy được mô tả rất rõ trong Chāndogya Upaniṣad (VII. I), trong đó Hiền triết Narada tiếp xúc Sanatkumāra sau khi hoàn tất thời gian học tập của mình, qua đó, ngài đã học được bốn bộ Phệ-đà (Vedaṅgas), và nhiều môn học thực dụng nổi tiếng vào thời đó. Narada nói với Sanatkumāra: Những môn học nầy, thưa ngài, tôi đã được học. Do vậy, tôi được học Chú minh; tức kinh điển (mantravid; scriptures), chứ không được học về Ngã tức Ngã minh (Ātman; Atmavid). Nhưng tôi được nghe từ những bậc cao sang như ngài nói rằng: Người nào biết được Ngã (Ātman) thì sẽ chế ngự được nỗi lo buồn nầy.

[10]* Śravana: listening: Lắng nghe.

[11]* Manana: thoughtful: Suy nghĩ, cứu xét kỹ.  

[12]* Ni-didhyāsana n. profound and repeated meditation. Nhiều lần trầm tư sâu thẳm. Ba tiến trình nầy, về sau, được Đức Phật vận dụng, gọi là Văn, Tư, Tu.

[13]* Guru: có các nghĩa sau: 1. Giá trị, đánh giá cao. 2. Được quý trọng, tôn kính. 3. Người được quý trọng, tôn kính (cha, mẹ, hoặc người thân nào khác của mình). 4. Người cha hay người thầy tinh thần (từ lúc trẻ được tụng Kinh hay chú ngữ (Mantra) trong lễ Khai tâm, người dạy kinh luận (Śāstras) và chỉ dạy những nghi thức thiết yếu cho đến khi buổi lễ truyền thụ được cử hành do một vị Ācārya (Hán phiên âm là A-xà-lê; dịch là Giáo thọ sư, Thân giáo sư).

Paramparā: 1. Sự liên tục, không gián đoạn của một tiến trình, dòng, hệ phái, thiền định, v.v... an uninterrupted row or series, order, succession, continuation, mediation, tradition. 2. Dòng dõi, hậu duệ.

Guruparamparā: Truyền trao trực tiếp, liên tục từ thầy đến trò.

[14]* Praṇava do từ pra-ṇad (√nad): vang lên, bắt đầu kêu lên, la lên hay thét lên.

[15] Thương-yết-la (Śaṅkara) trong tác phẩm của ông nhan đề Viveka-cūdāmaṇi (Anc. Ind. Edu.; p. xxxi) đã giải thích rõ hơn, śravana là lắng nghe lời giáo huấn của Thầy và từ Thầy mà hiểu được sự thật tối thượng là Ngã khác biệt với Vô ngã trình hiện trong các hình thái khác nhau. Sự câu thúc được gỡ bỏ bằng kiến thức. Kiến thức được nhận biết qua tai như vậy thích đáng được gọi là śruti, (điều được nghe). Đó là một thuật ngữ dành cho tri thức được hiển lộ.

[16] Vijātīya-dehādi-pratyaya-virahito 'dvitiya-vastu-sajātīya-pravāhah. (Sarva-Vedānta-Siddhānta-Sāra-Saṁgraha, V. 814).

[17] Trong câu chuyện của Nārada (Cha. U., VII. 1) Sanatkumāra đã trả lời anh ta: ‘Bất luận anh đã học được điều gì, (kể cả Phệ-đà) đều chỉ là ngôn từ.’ Tương tự, Śvetaketu, đã bỏ ra 12 năm để học hết các bộ Phệ-đà, được cha anh ta Uddalaka Aruni nhận định chỉ là ‘đầy những tự phụ về học thức của mình, không có kiến thức nào mà qua đó, có thể biết được mọi chuyện’. (Ibid. VI. 1). Upakosala Kamalayana là một môn sinh khác, dù qua 12 năm học tập và khổ hạnh, cũng không được thầy của anh xem là khế hợp với tri thức tối thượng (Ibid., IV. 10). Do vậy, Brhadāraṇyaka Upaniṣad (IV. 4. 21) nói rằng: ‘Người tìm cầu tri thức tối thượng không nên tìm kiếm kiến thức trong sách vở, vì trong đó chỉ là điều chán ngắt của cái lưỡi.’ Katha Upanisad (I. 2. 23) chỉ ra điều tương tự, ‘Không phải bằng sự học hỏi Phệ-đà mà thấu đạt được Ngã (ātman), cũng chẳng phải do tri thức, cũng chẳng phải do nghiên cứu nhiều sách vở.’

[18] XI 5,4,5.

[19] Chā, U., (IV. 4. 1 ff; 5. 1; 6. 2; etc.) kể cho chúng ta câu chuyện về Satyakāma Jābāla, thuộc một dòng dõi không đáng tin cậy, nhưng được công nhận như là môn sinh của thầy Gautama, người đã phát hiện nơi anh trung thựcđạo hạnh.

[20] XI 3,3,5.

[21] Tương tự, Bergson (trong tác phẩm Morality and Religion, p. 6) khẳng định rằng, tâm xả ly đối với thế giới vật chất, điều ‘đánh lừa nó chính là dạng trống không của nó và như thế, đã đình hoãn lại sự sáng tạo tự nhiên, ý nghĩ sâu sắc và tính mềm mỏng của đời sống ý thức.’ ‘Ý thức’ ông nói, ‘khi định hình chính nó thành tri thức, có nghĩa là, tập trung nó trên vật chất, dường như là để ngoại hiện chính nó. Điều ấy chỉ khi nào chính cái Ngã ‘trong ngoặc kép’ thoát ra khỏi cảnh giới đồ vật mà tiến trình tâm linh còn có được phương thức thông thường của nó. Bergson còn chỉ thêm rằng ‘Ý thức cá nhân, đào sâu xuống, tiết lộ cho chính nó, càng đi xuống sâu, tính cách nguyên sơ của nó, là cái mà anh ta có thể bám víu như là cái vững chắc, như là phương tiện thoát khỏi đời sống bốc đồng, thất thường, và hối tiếc. Trong sâu thẳm nhất của chúng ta, có thể khám phá một sự cân bằng đáng ao ước hơn cái trên bề mặt. Một loài thảo mộc sống dưới nước, khi chúng vươn lên trên bề mặt, chúng liền tranh giành không ngừng với dòng nước; lá của nó, khi tiếp xúc với nước trên mặt, liền xoắn kết lại với nhau, như thế truyền cho chúng sự bền vững bên trên. Nhưng bền vững hơn là rễ, vốn bám chắc thật sâu trong lòng đất, đã nâng đỡ cho chúng từ tầng dưới.’

[22] IV, 4. 22.

[23] * Một đời của người Bà-la-môn được chia làm bốn thời kì:

1. Thời kì Phạm hạnh (brahmacārin), tám tuổi theo Thầy, sau đó, trong mười hai năm, học kinh Phệ-đà, tập các nghi thức tế lễ.

2. Gia trụ (grha-ṣṭha), là thời kì về nhà lấy vợ sinh con, thờ tổ tiên, lo việc đời. 3. Thời kì Thê lâm (vanapraṣṭha), lúc tuổi già, giao gia sản lại cho con và vào rừng tu khổ hạnh, chuyên tâm tư duy, sống cuộc đời tôn giáo. 4. Thời kì Độn thế (samnyasin), dứt sự ham đắm thế tục, mặc áo thô, mang bình nước đi chu du khắp nơi. Naiṣṭhika brahmacārin: Một tập sinh trong đạo Bà-la-môn đã phát lời nguyện trọn đời sống theo hạnh thanh tịnh.

[23]* Parivrājaka; pari-vrājaka; a wandering religious mendicant: Du tăng khất sĩ.

[23]* Một tu sĩ đi khắp nơi để cầu học.

[26]* Theo Sử thi Mahābhārata, Kuru là tổ tiên của cả hai dòng tộc Pāṇḍu và Dhṛita-rāshṭra, dù tên của họ xuất phát từ truyền thống đặt tên theo cha ông mình, nhưng chỉ luôn luôn được áp dụng cho các người con trai của dòng họ Dhṛita-rāshṭra, con trai của dòng họ Pāṇḍu được gọi là Pāṇḍavas.

[27] Br.U. III, 7.1.

[28] pariṣad: Pari-ṣád: Hội đồng, hội nghị.

[29] Anc. Ind. Ed., by R.K. Mookerji, p. 126.

[30] Br.U. III, 8.

[31] * Hotṛ (√ hu: to sacrifice (esp. pour butter into the fire); người cử hành nghi lễ tế, đặc biệt là rót bơ trên lửa (burnt-offering). Trong lễ tế nầy, vị tế sư sẽ tụng tán ca Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas). Hotṛ là một dạng tăng lữ trong Lê-câu Phệ-đà (Ṛg Vedas). Một trong bốn loại tế sư (ṛtvij). Riêng tế sư Hotṛi có ba vị phụ tá (Purusha), đó là Maitrā-varuṇa, Aochā-vāka, và Grāvastut. Trong ba chức danh hay Agnīdh, và Potṛi. Ba danh xưng sau (Maitrā-varuṇa, Aochāvāka, Grāvastut) chính thức được mệnh danh cho tăng lữ Bà-la-môn.

[32] Câu chuyện là sau khi Yājñavalkya từ chối món quà của vua Janaka dâng tăng vương quốc của mình, Yājñavalkya quyết định bỏ về ngay tức thì, ‘từ có nhà cửa trở thành vô gia cư’ và hiến mình cho toàn bộ sự tìm cầu chân lý, ông gọi người vợ của ông là Maitreyl đến để chia tay sau khi chu cấp cuộc sống cho cô ta. Một cách rất thông thái, Cô ta đã hỏi ông một vấn đề căn bản, ‘Thưa ngài, nếu toàn thể mặt đất nầy đầy những của cải thuộc về tôi, liệu rằng tôi có bất tử để hưởng nó không?’ Yājñavalkya đáp ‘Không, cuộc đời của cô cũng giống như của những người giàu có. Nhưng không có hy vọng nào được sống bất tử nhờ của cải.’ Biết được của cải chỉ là phương tiện của sự hưởng thụ, ngay tức khắc Maitreyl quyết tâm: ‘Tôi hưởng điều ấy để làm gì khi tôi không trở thành bất tử?’ Thế nên cô ta chọn đời sống xả ly và tìm cầu chân lý.

[33]*  smṛti: ngữ căn √smṛ: có các nghĩa sau:

  1. Nhớ lại, hồi tưởng, suy nghĩ về..., gợi nhớ lại.
  2. Toàn thể phần thể hiện của truyền thống linh thiêng, hay những điều được ghi nhớ do những bậc thầy ở thế gian (ngược với śruti [thiên khải] hay là những điều được nghe trực tiếp hay được hiển lộ cho các bậc Đạo sư [Ṛṣī].
  3. Trong ý nghĩa được thừa nhận rộng rãi nhất, cách dùng thuật ngữ smṛti bao hàm sáu bộ Phệ-đà (Vedaṅgas), kinh điển gồm cả śrauta gṛhya, Pháp điển Manu.
  4.  Các bộ Sử thi (Itihāsa) Mahābhārata và Rāmayaṇa, Purāṇas và Nītiśāstras.
  5. Toàn bộ phần thể hiện các bộ luật được truyền lại bằng trí nhớ hay qua các truyền thống (đặc biệt là bộ Luật Manu Yājñavalkya và 16 nhà lập pháp hậu duệ, đó là Atri, Visṇu, Hārīta, Uśanas or Śukra, Aṅgiras, Yama, Āpastamba, Saṃvarta, Kātyāyana, Bṛihas-pati, Parāśara, Vyāsa, Śaṅkha, Likhīta, Daksha và Gautama).

[34] Kane, Y. Dh., II. p. 326.

[35]* Upa-nayana n. có các nghĩa:

  1. Hành vi dẫn đến hay đến gần, mang đến.
  2. Buổi lễ trong đó vị Thầy (Guru) kéo môn sinh đến gần mình và khai tâm, vỡ lòng cho đệ tử rằng anh ta trở thành một trong ba tầng lớp được sinh lại lần thứ hai (một trong 12 Saṃskāra hay nghi thức thanh tịnh hóa được mô tả trong Dharma-sūtras và được giải thích trong Nṛihya-sūtras, qua đó, môn sinh được phong cho một điều thiêng liêng khác với ba giai cấp kia, và như thế môn sinh về mặt tinh thần, được sinh lại lần thứ hai và hưởng được phẩm chất để học kinh Phệ-đà).
  3. Một người Bà-la-môn được khai tâm vào năm lên tám, hay lên bảy tuổi theo Hiranyakeśin, hoặc lên tám theo quan niệm của Śāṅkhāyana. Đối với tầng lớp sát-đế-lỵ (kṣatriya) là lúc lên 11 tuổi, đối với tầng lớp Phệ-xá (Vaiśya) là lên 12 tuổi.

[36]* Hán phiên âm: A-xà-lê 阿闍黎, dịch là Quỹ phạm sư 軌梵師,Giáo thọ sư 教授.,

[37]* Hán phiên âm: Ô-ba-đà-da 嗚波陀耶; dịch là Hoà thượng 和尚, Lực sanh 力生.

[38] 1.2.6.13.

[39] XXXII, 1.2

[40] II . 227-37.

*ManuSmṛti, còn gọi là Mānava-Dharmaśāstra, là một tác phẩm quan trọng và có sớm nhất bằng thể thi kệ thuộc nguyên bản từ Pháp điển Dharmaśāstra theo truyền thống Ấn Độ giáo. Bản văn trình bày như một thuyết giáo của Manu, bậc tiền bối của nhân loại cho một nhóm các nhà Hiền triết, các bậc Tiên tri, những người đã thỉnh cầu ông để dạy cho họ về ‘luật dành cho các tầng lớp xã hội.’ Manu trở thành tiêu chuẩn cho sự tham khảo các bộ Pháp điển (Dharmaśāstra) về sau đã phỏng theo nó.

Theo truyền thống Ấn Độ giáo, ManuSmṛti ghi lại những lời của Brahma. Bằng cách quy những lời nầy cho năng lực siêu nhiên, bản văn đã dùng âm điệu thể hiện thẩm quyền như một phát biểu về Pháp (Dharma).

[41] II 69. f.

[42] Manu, II, 199 f.

[43] Āp. Dh. S., I. 1. 1. 11.

[44] Manu. XI. 63; Yāj., II. 255.

[45] Cf. Sm. C, I. 167 f.

[46] Kant, I. 5-6, 17.

[47] Ibid., I. 5-6.

[48]* Mahābhārata: tác phẩm sử thi bằng tiếng Phạn vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ đại, gồm hơn 74.000 câu thơ và những đoạn văn xuôi dài, tổng cộng khoảng 1,8 triệu từ, và là cuốn thiên sử thi dài nhất trên thế giới. Tác phẩm này được coi là "Đại Bách khoa toàn thư" về văn hóa truyền thống, về các truyền thuyết và về các thể chế chính trị - xã hội của Ấn Độ cổ xưa. Nó là tấm gương phản chiếu toàn bộ đời sống con người Ấn Độ truyền thống như lời một câu ngạn ngữ cổ: "Cái gì không thấy được ở trong Mahābhārata thì cũng không thể nào thấy được ở Ấn Độ." Cuốn sử thi này cũng chiếm vị trí quan trọng trong triết họctôn giáo tại Ấn Độ, do nó còn chứa Bhagavad Gītā, gồm 700 câu, một kinh văn quan trọng hàng đầu của Ấn Độ giáo. Mahābhārata có thể dịch là Bhārath vĩ đại, có nghĩa Câu chuyện vĩ đại về triều vua Bhārath. Theo dân gian, cuốn Mahābhārata được coi là tác phẩm của Vyasa. Những nghiên cứu ngữ văn về cuốn sử thi có một lịch sử dài làm sáng tỏ những đầu mối về sự phát triển và những lớp ngữ nghĩa. Mahābhārata ra đời khoảng thế kỷ 5 Ttl. và được sửa chữa dần, hoàn thiện khoảng thế kỷ 5 Stl.

[48] Mbh. I 3.

[50] Di-lan-đà vấn đạo kinh, e: The Questions of Menander.

彌 蘭 陀 問 道 經; P: milindapañha, cũng được gọi là Na-tiên Tỷ-khưu kinh. Bộ Kinh quan trọng thuộc Thượng toạ bộ (p: Theravāda). Sách này ghi lại những cuộc đàm thoại giữa vua Di-lan-đà (Milinda, lịch sử châu Âu viết là Me-nandros) gốc Hi Lạp – người đã đi chinh phục Bắc Ấn từ Peshāwar đến Patna – và Na-tiên Tỷ-khưu. Tương truyền rằng, sau những cuộc tranh luận này, vua Di-lan-đà theo đạo Phật. Di-lan-đà vấn đạo kinh xuất hiện trong khoảng thế kỉ thứ nhất, được lưu lại bằng một bản văn hệ Pā-li và hai bản dịch chữ Hán, có lẽ được dùng để hoằng truyền Phật giáo ở miền Tây Bắc Ấn Độ. Các câu hỏi của vua Di-lan-đà xoay quanh những vấn đề căn bản của Phật pháp như Vô ngã, tái sinh, Nghiệp, và Na-tiên giải đáp những vấn đề này bằng cách dùng những ẩn dụ rất thú vị.

[50] IV. 3. 26; I.9.

[52]* Nguyên văn Anh ngữ theologian: Nhà thần học, Giáo sư thần học. Chúng tôi chọn từ tương đương trong Phật họcLuận sư.

[53]* Sử thi cổ đại viết bằng tiếng Sanskrit, là một phần quan trọng trong các bộ kinh Ấn Độ giáo (smṛti). Tác giả của Ramayana là nhà thơ Valmiki. Rāmāyaṇa (Rāma+ayana) "đi đến, tiến đến", có nghĩa là Những cuộc du hành của Rāma. Rāmāyaṇa bao gồm 24.000 câu trong bảy tập (kāṇḍas), kể về Hoàng tử Rāma của xứ Ayodhya, vợ là Sita bị bắt đi bởi vua quỷ (Rākshasa) vua xứ Lanka, Rāvana. Trong dạng hiện tại, niên đại của Rāmāyaṇa có thể từ 500 Ttl. đến 100 Ttl., hay là khoảng cùng thời với những bản đầu tiên của sử thi Mahabhārata. Sử thi này gồm 24.000 câu thơ đôi, tức 48.000 dòng thơ, chưa bằng 1/4 khối lượng dòng thơ của bộ Sử thi Mahabharata nhưng bố cục chặt chẽ hơn.

[54]*Bản sinh kinh 本 生 經; S, P: jātaka; Là phần lớn nhất của Tiểu bộ kinh (p: khu-ddaka-nikāya), gồm 547 bài. Kinh này kể lại sự tích, các tiền kiếp của đức Phật Thích-ca, nói về các đệ tử và các người chống đối Ngài và chỉ rõ các nghiệp (karma) đời trước đóng vai trò thế nào trong đời này. Nhiều truyện trong Bản sinh là truyện cổ Ấn Độ có trước cả thời đức Phật, nhưng phù hợp với nội dung cuốn kinh nên được đưa vào. Phần lớn các câu chuyện đều có những bài kệ và chính các câu kệ mới là tinh hoa của tập kinh này. Các tập truyện này trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tranh tượng trong các đền chùa Phật giáo và thường được quần chúng Đông nam á ưa thích. Ngày nay, Bản sinh chỉ còn bản chữ Pāli và chữ Hán, bản chữ Hán có lẽ được dịch từ bản sanskrit đã thất truyền.

[55] Jātaka No. 252

[56] XII. 57.3

[57] Mahāvagga VIII. 1.4.f

[58] IV. 720, VI, 11.

[59] Suśruta Saṁhitā, I. 20-23.

[60]* Tiện dân, theo truyền thống Bà-la-môn, tầng lớp này được sinh ra từ chân của Phạm thiên.

[61] 26, 99-100.

[62] I.24, 13-16

[63] Cf, Sm, C. 1.29.

[64] XIV, 5.

[65] On Manu, III, 156

[66] Triv, Ed, I p. 50.

[67] On Yāj. I. 28.

[68] Vol I, p.140.

[69] III, 1203-1304.

[70]* 義 淨; C: yìjìng; 635-713; Cao tăng Trung Quốc, một trong những dịch giả quan trọng nhất, dịch kinh sách từ Phạn ngữ (sanskrit) ra Hán văn và cũng là người đi tham bái các thánh tích Phật giáo. Năm 671, Sư đi bằng đường biển qua Ấn Độ và lưu lại đó hơn 20 năm. Tại Viện Phật học Na-lan-đà, Sư tham cứu giáo lí của Phật giáo Tiểu thừa cũng như Đại thừa và bắt đầu công trình dịch thuật từ Phạn ngữ sang Hán văn. Năm 695, Sư trở về Trung Quốc, mang theo khoảng 400 kinh, luận. Cùng hợp tác với Thật-xoa Nan-đà (s: śikṣā-nanda), Sư dịch kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm (s: buddhāvataṃsaka-sūtra) và Luật tạng. Tổng cộng, Sư đã dịch 56 tác phẩm với 230 tập. Ngoài một tập du kí Ấn Độ, Sư còn ghi lại tiểu sử của 56 vị tăng đã đi tham bái đất Phật bằng đường biển. Trong các vị này có 4 vị là người Việt Nam (Giao Chỉ).

[71]* Na-lan-đà 那 爛 陀; S: nālandā; Viện Phật học danh tiếng của Ấn Độ, được vua Thước-ca-la Dật-đa (s: śakrāditya) thành lập trong thế kỉ thứ hai, một nhà vua nước Ma-kiệt-đà. Dần dần Na-lan-đà trở thành nơi của các luận sư nổi tiếng của Trung quán tôngDuy thức tông giảng dạy. Các vị này đều lần lượt làm viện trưởng. Na-lan-đà lúc đông nhất có đến 10.000 học viên. Các nhà chiêm bái Trung Hoa như Huyền Trang, Pháp Hiển, Nghĩa Tịnh đều đến đây tu học. Na-lan-đà là nơi giáo hoá của đạo Phật, hưng thịnh được 1000 năm. Tại Tây Tạng, một học viện cũng được đặt tên là Na-lan-đà và được xây dựng năm 1351. Theo Huyền TrangNghĩa Tịnh thì trong thời cực thịnh có đến 10.000 tăng sĩ học tại Na-lan-đà. Các vị đó học giáo pháp Tiểu thừa, Đại thừa, Nhân minh học, Toán học, Y khoa. Những vị giảng sư danh tiếng đã từng dạy đây là Long Thụ (Nāgārjuna), Hộ Pháp (Dharmapāla), Trần-na (Dignāga), Giới Hiền (Śīlabhadra), Huyền Trang, An Huệ (Sthiramati) giảng dạy. Sau Na-lan-đà bị Hồi giáo phá huỷ trong thế kỉ XII, XIII

.

[72] Huyền Trang 玄 奘; 600-664; còn mang danh hiệuTam Tạng Pháp sư., một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách văn hệ Phạn ngữ (sanskrit) ra tiếng Hán. Sư là người sáng lập Pháp tướng tông (c: fǎxiàng-zōng), một dạng của Duy thức tông (s: yogācāra, vijñānavāda) tại Trung Quốc. Sư du hành 16 năm (629-645) Ấn Độ, lưu lại học tại Na-lan-đà và thăm viếng tất cả các di tích Phật giáo quan trọng. Cuộc hành trình này được ghi trong Đại Đường Tây vực kí, giúp hậu thế hiểu nhiều lịch sử Ấn Độ trong thế kỉ thứ VII. Sau khi trở lại Trung Quốc, Sư bắt tay vào công trình dịch các tác phẩm của Duy thức tông và các kinh luận khác sang Hán ngữ, như bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa (s: prajñāpāramitāsūtra) gồm 600 tập; Du-già sư địa luận (s: yogācārabhūmi-śāstra), Nhiếp Đại thừa luận (s: mahāyāna-saṃgraha) của Vô Trước (s: asaṅga), A-tì-đạt-ma câu-xá luận (s: abhidharmakośa-śāstra), Duy thức tam thập tụng (s: triṃśikāvijñāptimātra-tāsiddhi) và Duy thức nhị thập tụng (viṃśati-kāvijñāptimātratāsiddhi) của Thế Thân (s: vasubandhu). Sư cũng là tác giả của bộ luận Thành duy thức (s: vijñāptimātratāsiddhi), trong đó Sư tổng kết quan niệm Mười đại luận sư của Duy thức tông. Đó là bộ luận bao gồm đầy đủ giáo lí của học phái này.

[73] A-đề-sa 阿 提 沙; S: atīśa, atiśa; cũng được gọi là Nhiên Đăng Cát Tường Trí 燃 燈 吉 祥 智; Dīpaṅkaraśrījñān); dịch ý là »Người xuất chúng, xuất sắc. Đại sư người Đông Ấn (982-1054), người đã đóng góp rất nhiều trong việc truyền Phật giáo sang Tây Tạng. Sư chuyên nghiên cứu các phương pháp phát triển Bồ-đề tâm (s: bodhicitta). Là Tổ của dòng Ma-kiệt-đa (s: magadha) và thuyết sư tại đại học Siêu Giới (s: vikramaśīla), Sư được mời qua Tây Tạng và sống ở đó 12 năm cuối đời mình. Sư là người sáng lập trường phái Cam-đan (t: kadampa), gây ảnh hưởng rất lớn cho nền Phật giáo Tây Tạng, nhất là dòng Cách-lỗ (t: gelugpa) của Tông-khách-ba (t: tsong-kha-pa). Đệ tử quan trọng nhất của Sư là Lạc-mẫu-đông (hoặc Đông-đốn [t: dromton], 1003-1064). Thế kỉ thứ X được xem là thời đại truyền pháp lần thứ hai từ Ấn Độ qua Tây Tạng, thông qua vương triều miền Tây. Ban đầu nhà vua cử sứ giả qua Ấn Độ thỉnh kinh, như dịch giả Lâm-thân Tang-pha (t: rinchen sangpo). Về sau nhà vua mời hẳn một Luận sư Ấn Độ và người đó là A-đề-sa. Năm 1042, Sư bước chân vào đất Tây Tạng, sống ở Netang và bắt đầu giáo hoá.

[74] Về những mẩu chuyện về Huyền TrangNghĩa Tịnh, xin xem các tác phẩm On Yuan Chwang 's Travels in India (2 vols. ) của Thomas Watters, và Record of the Buddhist Religion as Practised in India and the Malay Archipelago, của I-tsing, do J.A. Takakusu phiên dịch.

[75] Về những mô tả liên quan đến những tổ chức tư nhân và cộng đồng các trung tâm học tập tiên tiến theo những ghi chép của thời kỳ nầy, xin xem Chương XII. p. 368 và Chương XVII. pp. 510-11 của tác phẩm The History and Culture of the Indian People của tác giả, quyển IV và V

[75] On Manu, III, 2.

[76] Narmamālā, II.

[78]* Nền giáo dục Phật giáo trong triều đại Gupta bắt đầu trước tiên với 12 chương gồm các mẫu tự và 10.000 hợp biến của nguyên âm và phụ âm. Trước khi chép các ký tự lên trên bảng cho học sinh, thầy giáo viết các mẫu tự tất-đàm (siddhaṃ) cho học sinh chép lại. Giai đoạn vỡ lòng phải được thông thuộc trong vòng 6 tháng; sau đó học sinh chuyển sang học sách văn phạm của Pāṇini trong 8 tháng

[79]* Tất-đàm (Siddhaṃ).Từ căn của chữ nầy là Sidh, có nghĩa là hoàn thành, thành tựu, hoàn mãn, với nghĩa rộng là thiêng liêng. Chữ viết tự nó là đã hoàn chỉnh, được tạo lập bởi Phạm (Brahmā). Chữ siddhaṃ đồng nghĩa với cả mẫu tự và buổi học đầu tiên.

[80] * Pāṇini: Nhà văn pháp nổi tiếng của Ấn Độ thời cổ đại, thuộc dòng dõi Śalātura, nước Kiền-đà-la. Sanh vào khoảng thế kỷ thứ IV-III ttl. Cuốn ngữ pháp do ông soạn có lẽ là cuốn ngữ pháp đầu tiên được toàn cộng đồng Ấn Độ sử dụng. Tác phẩm đó là Học thuyết bát chuyển thanh trong Phạn ngữ hay Tám chương ngôn pháp Phạn ngữ luận, đây là một bản văn gồm tám [aṣṭa] chương [adhyāya] về văn pháp luận của ông. Bản văn này có khi được gọi là aṣṭaka, aṣṭika, vṛttisūtra, mūlaśāstra và śadhānuśāsana. Trong đây, hầu như chứa đựng ngót 4.000 kinh điển [sūtras], xét như là những phương thức xử lý văn pháp bằng các công thức đại số, mà theo truyền thống chúng được quy cho sáu loại: saṃjñā, paribbhāṣā, mūlaśāstra, adhikāra, vidhi, niyama và atideśa. Các tác phẩm khác của ông là Dhātu-pāṭha, Gaṇa-pātha, Liṅgânuśāsana và Śikshā.

[81] I, 60-63

[82]* Nghệ thuật viết chữ đẹp, ngày nay thường gọi là thư pháp (calligraphy)

[83] Kādambari, p 240.

[84] Mālatī-Mādhava, Act. I.

[85] Peterson và Jacobi biên tập, trang 354, 453-59, và  875-92.

 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/04/2012(Xem: 34455)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.