CƯ SĨ TỊNH LIÊN NGHIÊM XUÂN HỒNG
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen
VIẾT VỀ SÁCH
LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA
(Hòa Thượng Thích Mãn Giác)
Gần 30 năm về trước, trong khi đang học Phật, được đọc bản BÁO CÁO CỦA MỘT NHÀ KHOA HỌC NGHIÊN CỨU KINH PHẬT (Nhứt Cá Khoa Học Giả Nghiên Cứu Phật Kinh Đích Báo Cáo) của kỹ sư Uông Trí Biểu, người Trung Hoa, tôi đã xúc động. Xúc động vì sự xác tín của tôi ở nền giáo lý Phật Đà đã có thêm được những yếu tố xác thực. Bấy giờ, khoa học đang có cái cám dỗ mãnh liệt , cái cám dỗ của những chân lý khách quan mà trí năng của con người đã có thể vươn tới được. Và những chân lý khách quan đó đã không khỏi cho con người cái tự hào và mang nặng những ảo tưởng về khả năng tính của trí năng. Cũng bấy giờ Phật giáo – ngoài những giáo lý có tính cách của một nền đạo đức thực tiễn và được lý giải bằng ngôn ngữ phổ biến của thời đại vẫn còn đó, cả một thế giới bàng bạc cái không khí "huyền chi hựu huyền", một cái "vạn hoa kính" phản chiếu muôn vàn ảnh tượng như thực như hư, như có như không, mà con người chưa thể thành đạt được sự kiến giải với một đầu óc thường nghiệm nghèo nàn và đầy giới hạn của mình. Cuối cùng trên một số lớn phương diện và là những phương diện rộng lớn, sâu thẳm nhất, đạo Phật gần như cũng phải kêu gọi đến sự xác tín hơn là xác thực như hầu hết các tôn giáo từ xưa đến nay đã kêu gọi. Và điều này, quả đã không thỏa mãn được đầu óc của con người vốn bị cám dỗ bởi khoa học. Trong một bầu không khí như thế, sự xúc động của tôi khi đọc bản báo cáo này, nó lớn biết bao. Bởi vì, ở đó, đạo Phật đã không còn xuất hiện như những tín lý mà đã xuất hiện dưới những yếu tố xác thực như của khoa học. Cũng bởi vì, ở đó, bằng vào cái nhìn đối chiếu, nó đã nói đến những đồng nhất giữa Đạo Phật và Khoa Học để có thể cho tôi hình dung được những triển vọng tốt đẹp cho một Đạo Phật ngày càng được khám phá sau này.
Tuy nhiên, một sự đồng nhất như thế chẳng phải là điều rốt ráo. Nói cách khác, Đạo Phật mà được giải thích trên lập trường khoa học có thể không sai nhưng cũng chưa hẳn là đúng – nhất là khi mà khoa học đó vẫn còn phải bị ràng buộc ít nhiều trong những lãnh vực của thường nghiệm, hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo, vẫn còn bị ràng buộc trong tinh chất "chiêu cảm" của nghiệp lực và đang còn phải mon men tìm đường mới, mong đặt bước chân vào được những chiều kích sâu thẳm của tâm linh và vũ trụ – những chiều kích vượt khỏi những khái niệm thông tục về vật chất, thời gian, không gian và tương quan nhân quả một chiều. Mặt khác, khi mà nền vật lý học hiện đại đã vượt qua và đe doạ phá hủy những định đề đã một thời ngự trị như những chân lý của Isaac Newton và Rene Descartes thì cũng không có gì bảo đảm là những khám phá hôm nay của nó lại không bị vượt qua và phá hủy ở ngày mai. Thành ra những tương hợp khả hữu giữa đạo Phật và khoa học trên một số bình diện nào đó của hôm nay – ví dụ, trong quan niệm về vật chất và khí năng, trong cái nhìn cho rằng vật chất không phải là những sự vật ù lì và cố định : vũ trụ là một màng lưới kết dệt của những tương quan đối thể, không còn ở trong cái thế tách rời với chủ thể v.v…. có thể mở đường cho khoa học tìm tới với đạo Phật hơn là cho đạo Phật tìm tới với khoa học như tìm một cơ sở nền tảng để lý giải tính cách xác thực của nó. Mặt khác nữa, nếu ta có thể thấy hiển hiện trên những trang kinh xưa, những khái niệm mới mẻ nhất của nền vật lý học hiện đại thì ngược lại, không phải tất cả những gì hiển hiện trên những trang kinh xưa lại đều có trong những khái niệm của khoa học ngày nay. Điều này thêm một lần nữa, cho phép ta nghĩ rằng những tương hợp kia có thể mở đường cho khoa học tìm tới đạo Phật hơn là cho đạo Phật tìm tới với khoa học. Niềm xác tín của những thế hệ tu Phật, học Phật xưa nay ở những gì mà đức Phật giảng dạy hóa ra vẫn đem đến một sự thành đạt lớn lao hơn nhiều so với những gì mà chúng ta gọi là xác thực đem đến cho ta. Bởi vì suy nghiệm cho cùng, mọi xác thực cũng chỉ là xác thực trong tương ứng với nghiệp cảm, nghĩa là vẫn còn nằm trong sự tác động của những làn sóng vô minh không ngừng lay động tâm thức. Sự trì tụng kinh điển của Phật với một niềm tin mãnh liệt nhiều khi lại giúp ta sống với những chiều kích sâu thẳm của tâm linh và vũ trụ hơn là sự biện giải kinh điển với cái khát vọng và đòi hỏi sự xác thực chính là vì tính cách giới hạn mỏng manh này của những gì được gọi là xác thực.
Niềm xúc động của tôi khi đọc bản Báo Cáo của nhà khoa học Uông Trí Biểu ba muơi năm về trước cuối cùng đã chỉ còn là cái xúc động nặng về mặt cảm tình tôn giáo.
Mới đây, sau một buổi đàm đạo, tôi được Cụ Nghiêm Xuân Hồng trao cho tập bản thảo LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA. Nói như tác giả, tập sách này là kết quả của những tháng năm "đọc kinh", đôi khi say mê đọc kinh và thường hay mơ màng hằng giờ trên những trang kinh xưa". Đọc xong tập sách tôi như cũng sống lại một niềm xúc động lớn lao. Nhưng nó đã không còn là niềm xúc động của 30 năm về trước nữa.
Khoa học dẫu vẫn còn những cám dỗ của nó đối với tâm trí con người nhưng đã không còn giữ cái thể giá cũ. Trong khi những trang kinh xưa thì vẫn sừng sững còn đó như tự bao giờ, và cũng như tự bao giờ, mời gọi con người đi tới để thâm nhập, để tỉnh thức, bừng con mắt Huệ trước màn lưới vô minh, nghi hoặc dày đặc và để hứng khởi được cái Tâm Đại Bi giữa những biển động quay cuồng điên đảo của cuộc sống.
Mặc dù tự nghĩ mình vốn chẳng khác chi người cùng tử trong kinh Pháp Hoa, trầm luân trong biển khổ nghiệp nên gia bảo có đó mà vẫn chưa thấy được hết, miệt mài với tháng năm mà sở nguyện vẫn xa vời. Nhưng nhờ vốn hằng ngày trân trọng những lời kinh ngọc vàng, sống trong âm hưởng của Diệu pháp mà Đức Phật đã tuyên thuyết từ ngàn xưa nên vẫn cảm vì Pháp nhũ ân sâu mà cố giữ lấy một lòng theo dõi di giáo. Chính với tấm lòng đó mà tôi đã xúc động khi đọc tập bản thảo LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA này.
Xúc động vì nghĩ đến tác giả – một nhà trí thức đã từng, trong một thời gian dài, đem tâm trí mình đi vào những suy niệm triết học xưa nay, nghiền ngẫm đến cả những thành tựu của khoa học để rồi cuối cùng trở về "mơ màng trên những trang kinh xưa" của Phật. Cuộc sống vẫn đầy những biến động, tâm thức con người vẫn thường xuyên chạm mặt với những điều bí ẩn, nhưng khát vọng chân lý vẫn cứ là một khát vọng muôn đời. Và với khát vọng này trong trường hợp của tác giả, Đạo Phật đã như một con đường còn lại sau cùng mở ra thênh thang khi mà tất cả những ngã đường khác đã lâm vào chỗ bế tắc.
Xúc động cũng vì nghĩ đến tác phẩm, dù có thể không phải đã là những kiến giải rốt ráo về kinh điển Đại Thừa Phật Giáo, điều mà không ai có thể tự nhận là làm được trọn vẹn – nhưng ít nhiều , đã nói lên được một phần rất lớn, hoài vọng của những thế hệ học Phật gần đây và ngày nay – những thế hệ sinh ra và lớn lên trong một thời đại có nhiều thành tựu nhưng cũng có nhiều đổ vỡ của nền văn minh khoa học. Hoài vọng đó sẽ thành tựu hay không và thành tựu như thế nào là một chuyện. Nhưng điều đáng nói ở đây là, dù ít dù nhiều, tác phẩm này cũng sẽ đóng góp vào việc mở đường cho những tâm trí đã từng bị chi phối bởi những kiến giải của khoa học tìm tới được với Đạo Phật.
Và với những tâm trí không bị chi phối nặng nề bởi những kiến giải của khoa học này thì điều mà tác phẩm có thể mang lại là một niềm xác tin vững chắc hơn đối với kinh điển Đại Thừa.
Tác dụng của kinh là tăng-thượng-tâm cho chúng sanh . Tâm đây là Bồ Đề Tâm, là Diệu Giác – Chân Tâm, là Phật Tâm. Có được một niềm xác tin vững chắc, tác dụng của kinh cũng là điều vững chắc. Cửa ngõ vào Đạo từ đó cũng sẽ mở ra vững chắc.
Chính với niềm xúc động đó mà tôi tưởng đến lời tán thán của người xưa :
Vô thượng thâm thầm vì diệu pháp
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chơn thiệt
nghĩa.
để chân thành viết ra lời tựa này.
Los Angeles, Chùa Việt Nam,
Vu Lan năm Nhâm Tuất (1982)
THÍCH MÃN GIÁC