Mái Tóc Xanh Đầu Đời Của Tiểu Hạnh

20/02/20199:07 CH(Xem: 5276)
Mái Tóc Xanh Đầu Đời Của Tiểu Hạnh
MÁI TÓC XANH ĐẦU ĐỜI CỦA TIỂU HẠNH
GIÁC MINH LUẬT
 
 
blankVào chùa xuất gia từ nhỏ, tiểu Hạnh đã thầm ý thức được mình là hạt giống nhỏ trong cội Bồ-đề to, chỉ có thể nương tựa để tồn tại, để lớn lên và trở thành những cội Bồ-đề tiếp nối.

Tiểu Hạnh, cảm thấy mình thật diễm phúc khi được ươm mầm từ tấm bé, được sống trong môi trường đạo đức tâm linh từ khi mới lọt lòng mẹ.Nhưng tiểu Hạnh chưa một lần cảm nhận được cái hạnh phúc giản đơn là cất tiếng gọi mẹ cha. Vì trong mắt tiểu Hạnh, thầy chính là mẹ, mà cũng là cha, nhưng chỉ được phép gọi là thầy, là sư phụ. Chứ chẳng như những người bình thường khác, Hạnh hiểu đó là phép đạo, là tôn ti trật tự mà mình phải gìn giữ.Người ta bảo tiểu Hạnh là người may mắn, vì mới sanh ra là đã được ở chùa từ nhỏ, chắc là do nguyện ước nhiều đời với Phật pháp hay đơn giản hơn là cái căn, cái duyên với chốn nhà Thiền.

Đi học, Hạnh chơi thân nhất với con bé Thủm, con bé có làn da đen bóng thật thà và khuôn mặt dễ thương dễ mến, nhất là mái tóc dài óng ánh thướt tha, đã góp phần tô điểm cho nét đẹp kiêu sa của một người con gái.

Mỗi lần nhìn thấy Thủm, là Hạnh cảm thấy tủi, Hạnh ước ao được một lần như Thủm, được ngồi trước gương buông nhẹ chiếc lược ngà để nâng niu từng sợi tóc, được cúi đầu ngăm mình trong xô bồ kết của những buổi chiều nắng nhạt, được tém, được cột, để thắt bím và được một lần nhìn thật rõ khuôn mặt mình ra sao nếu có thêm mái tóc dài như Thủm.
Đối với Hạnh, nó là cả một nỗi niềm thầm kín, lẫn kì cục với những giáo điều phép tắc của thiền môn mà chẳng thể nào vượt qua nỗi.

Nó như cái cảm giác thèm một ly cà phê vào buổi sớm mai thức giấc, thèm một chén trà thơm trong buổi chiều bên khung cửa sổ, thèm một người tri kỷ với những nỗi niềm tâm sự muốn được sẻ chia.

Thì tiểu Hạnh cũng thế, cũng thèm được một lần nhìn rõ khuôn mặt này, hình hài này với một thứ gì đó khác đi, thứ mà Hạnh đã bao lần nhìn thấy Thủm, nhìn cô giáo, nhìn bao người con gái khác thước tha nâng niu từng sợi tóc trong gió chiều cuối thu. 

Tiểu Hạnh buồn lắm, nó cứ suy nghĩ hoài về điều đó, nghĩ thật dại, nhưng cũng thật thương, để rồi Hạnh quyết định nói ra những điều mà mình thầm giấu kín bấy lâu cho Thủm nghe, vì với Hạnh, Thủm là người bạn duy nhất mà Hạnh có thể tin tưởng được.

Hai con bé ngồi im lìm ngay trên tường bờ đê ngay góc Đình làng sau giờ tan học.
- Thủm nè, nếu Hạnh có mái tóc dài như Thủm thì chắc sẽ xinh lắm, chắc sẽ mắc cười và lạ lẫm lắm nhỉ.
Con bé Thủm giật mình:
- Ủa, Hạnh muốn để tóc lại à, muốn ra đời à.
- Không, không. Hạnh đâu bao giờ có ý nghĩ đó, chuyện đi tu từ nhỏ là một điều may mắn nhất trong cuộc đời của Hạnh mà, Hạnh nào dám nghĩ đến chuyện đó.

Như hiểu được ý của Hạnh, nên Thủm thấy nhẹ lòng và thương cảm hơn người bạn tu sĩ của mình, sao mà hồn nhiên, bé bỏng, đầy dung dị dễ thương như một thiên thần thèm đôi cánh trắng.

- Hạnh nè! Thương cho Hạnh quá, Thủm biết để sống một đời sống xuất gia như Hạnh là một điều không dễ, Hạnh đã phải chấp nhận từ bỏ thật nhiều điều mà vốn dĩ với Thủm hay bao nhiêu người con gái khác là điều rất đỗi bình thường. Nhưng với Hạnh thì nó là cả một sự hy sinh.
- Hạnh ơi! Hạnh có muốn được thử một lần ướm trên đầu mình mái tóc xanh dài như Thủm không, Thủm có thể giúp Hạnh được.
- Bằng cách nào? - Hạnh hỏi.
- Thì Thủm với Hạnh hùn tiền lại, rồi để sáng mai Thủm sẽ chạy ra cửa hàng tạp hoá mỹ phẩm của bà Nga để mua cho Hạnh một bộ tóc giả, nhưng Hạnh chỉ được ướm lên nó một lần thôi đó, khi nào xong, Thủm sẽ gói lại để trả cho bà Nga rồi mình xin tiền lại.
- Hạnh đồng ý không? - Thủm nói.
- Như vậy có kỳ lắm không Thủm, Hạnh sợ lắm, sợ sư phụ và mấy sư tỷ phát hiện là chết Hạnh mất.
- Không sao đâu, Thủm sẽ bỏ trong bọc đen gói lại, khi về tới chùa, Hạnh cứ mở ra và ướm lên nhìn thử một lúc rồi thôi! Không sao đâu mà.
Nghe đến đây tự nhiên Hạnh khóc, Hạnh thấy thương cho Thủm nhiều quá, thương cho tình bạn thật bình dị và đáng quý làm sao, và cũng thương, thương cho chính mình vậy.

Thế là, theo như kế hoạch, sau buổi tan trường Thủm lén lút đưa cho Hạnh một bọc đen mà không chỉ đựng trong đó mái tóc xanh mà còn cả nỗi niềm thầm kín, là ước ao được một lần thấy mình trong hình hài của một người con gái.
Bỏ cái bọc đen trong cặp xách, vừa đạp vội trên chiếc xe đạp hỗn hễn về chùa mà tâm của Hạnh tràn ngập niềm lo sợ, hồi hộp như đang làm điều gì đó đầy tội lỗi và lập dị vô cùng, nhưng sao thẩm thấu trong tâm hồn Hạnh là một niềm vui tế nhị, vui vì mình sắp được làm điều mà mình hằng ao ước.

Vừa về đến chùa, Hạnh để ngay chiếc xe đạp vào một góc sân rồi vội chạy thẳng vào phòng đóng ngay cửa lại, Hạnh từ tốn nhẹ nhàng lấy chiếc bọc đen ra trong hơi thở dồn, tim đập mạnh hơn bao giờ hết, mồ hôi thì cứ tuôn trào như hoà cùng nỗi sợ hãi, rồi Hạnh vội dừng lại một lúc để điều lại hơi thở, lấy lại sự bình tĩnh để tiếp tục mở chiếc bọc ra.

Hạnh từ từ lấy ra búi tóc đen với sự ngờ ngờ một lúc chưa dám đội lên, Hạnh vội nhớ lại cái hình ảnh thước tha đẹp đẽ trong mái tóc dài của Thủm, của con Liễu, con Tuyền học chung lớp nên lấy hết can đảm Hạnh nhắm lìm đôi mắt lại và đặt nhanh mái tóc trên đầu mình.

Hạnh bắt đầu mở mắt ngắm nhìn trước gương, trước mắt Hạnh bây giờ là một người con gái thật sự, rất đỗi dễ thươngxinh đẹp, đẹp hơn bao giờ hết, cái vẻ đẹp chưa bao giờ được nhìn thấy và chắc rằng cả cuộc đời sau này cũng thế, Hạnh vội ngắm ngía cho thật kỹ, thật lâu và đầy thích thú, Hạnh cảm thấy hạnh phúc lắm, vui lắm với những điều vô cùng phàm tục này.

Hạnh vội đưa tay tém gọn hai búi tóc ra phía sau tai như Hạnh đã từng nhìn thấy Thủm hay làm, rồi đưa tay vuốt nhẹ, nâng niu tóm gọn lại rồi xả ra trước mặt như ma quỷ, rồi thủm thỉm cười vì ngượng ngùng, mắc cỡ. Rồi Hạnh vội đứng dậy lấy trong tủ bàn học ra cây kẹp tóc được gắn thêm cái hoa hồng vải xinh xinh mà hồi năm ngoái Hạnh đã nhặt được dưới sân trường trong giờ ra chơi, Hạnh đã rửa sạch và giấu nó thật kỹ bên mình.

Bất giác, Hạnh nghe tiếng gõ cửa từ bên ngoài, Hạnh giật mình cất vội mái tóc lại vào trong và chạy nhanh ra mở cửa.
Trước mắt Hạnh là mấy sư tỷ lớn trong chùa, tim của Hạnh đập nhanh thình thịnh đầy lo lắng.
- Tiểu Hạnh, làm gì mà trưa nay không ra ăn cơm với đại chúng? - Sư cô Diệu Hiền là vị quản chúng lớn trong chùa lên tiếng.
- Ấy chết, tiểu Hạnh giật thốt mình.
- Dạ, dạ em quên mất, mấy sư chị bỏ qua cho em.
Như có chuyện chẳng lành với vẻ mặt đỏ bừng, lo sợ của tiểu Hạnh, nên mấy sư tỷ càng thêm tò mò quan sát:
- Đựng cái gì trong bọc đen đó, mở ra cho tui xem. Nghe đến đây tiểu Hạnh như điếng người, rung sợ vô cùng.
- Dạ, dạ. Không có gì đâu ạ.
- Tôi bảo mở ra cho tui xem - sư cô gằn giọng lên tiếng.
- Dạ, dạ. - Vừa mở chiếc bọc ra mà hai dòng nước mắt tiểu Hạnh chảy dài, tiểu Hạnh khóc vì cảm nhận được rằng mình vừa đang làm điều gì đó vô cùng tội lỗi và lập dị.
- Ấy chết, cô cũng gan quá hen, mới tuổi đó mà đã dám mua tóc giả về đội hen, mà để làm cái gì vậy, rồi tiền đâu mà mua?
- Dạ, dạ. Xin mấy sư chị tha cho em. Em biết lỗi rồi ạ.
- Tôi sẽ trình việc này lên sư phụ để thầy giải quyết - sư chị Diệu Hiền nói trong vẻ nghiêm giọng.
Nghe đến đây tiểu Hạnh khóc lớn trong nghẹn ngào:
- Dạ, dạ em xin mấy sư chị tha cho em, em biết lỗi rồi, em không dám nữa đâu, đừng thưa lên sư phụ biết, ngài mà biết chắc ngài sẽ buồn lắm, em xin các chị ạ. Nói rồi tiểu Hạnh khóc nghẹn.
- Mấy người đi tu rồi sao trong lòng còn đầy phàm tục quá, thôi được rồi, lần này tôi tha, nhưng phải lên quỳ hương trước Phật để tự ăn năn sám hối. Còn phần tóc giả đó tôi sẽ tịch thu - sư chị Diệu Hiền nói.
- Dạ, dạ. Em sẽ quỳ hương, em sẽ sám hối, cảm ơn sư chị Diệu Hiền, cảm ơn các sư chị đã tha thứ. Em sẽ không bao giờ dám nữa.
Nói rồi, tiểu Hạnh lặng lẽ mặc chiếc áo dài lam trên người rồi lên thẳng điện Phật trong nước mắt để quỳ trước ngài mà ăn năn sám hối những việc ngây dại mà mình đã phạm phải.
Còn mấy sư chị thì tịch thu mang tang vật về phòng liền vội mở ra xem thử, vì đối với các chị thì đây cũng là điều khá lạ lẫm, ngồ ngồ mà mình chưa bao giờ dám để mắt đến.
Mấy sư chị ngồi quanh ngắm nhìn trong sự ngượng ngùng, mắc cỡ rồi thỉnh thoảng lại mỉm cười thích thú.
- Sư chị Diệu Hiền ơi! Sư chị đội nó lên thử đi trông xem như thế nào, chắc sẽ xinh đẹp lắm ạ, không thua gì các chị em phụ nữ bên ngoài đâu.
Nghe mấy sư em nói vậy, khuôn mặt của Diệu Hiền bổng nhiên đỏ bừng vì ngượng, vì ngại, nhưng cũng muốn một lần được thử, được ngắm nhìn khuôn mặt này sẽ ra sao.
Hít vào một hơi thở sâu, Diệu Hiền lấy hết can đảm để cầm bộ tóc giả lên ướm vào một cách vừa vặn trên khuôn mặt mình. Mấy sư em ai cũng tỏ ra thích thú vô cùng, vội lấy gương cho Diệu Hiền xem thử và luôn phiên tán thưởng:
- Đẹp quá sư chị ạ, đẹp quá, sư chị của em hôm nay đẹp quá, xin sư chị cho chúng em được thử một lần.
Chưa nói dứt câu thì bên ngoài cánh cửa mở ra cái đùng:
- Sư phụ đưa đầu vào nhìn, trước mắt mình là hình ảnh của sư cô Diệu Hiền quản chúng đang đội trên đầu mái tóc xanh dài óng ả.
Sư phụ giật cả mình quát lớn:
- Mấy cô đang làm cái trò điên khùng gì đó, lên quỳ hương hết cho tôi.
 
* Lời nhắn: Giữa đôi dòng đạo đời, ai cũng còn con người, có hiểu mới có thương.
 
Giác Minh Luật
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/04/2019(Xem: 6581)
04/05/2015(Xem: 10708)
06/01/2020(Xem: 2708)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.