Mù sương

28/05/20159:57 SA(Xem: 6242)
Mù sương

MÙ SƯƠNG

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

blankNăm học lớp sáu, lần đầu tiên tôi được đến chùa.

Chiếc xích-lô bỏ mẹ con tôi phía trước con đường nhỏ, nhìn vào bên trong thấy sâu hun hút. Đi bộ một quãng, bước qua cổng tam quan đồ sộ là chiếc sân rộng với nhiều gốc cây cổ thụ. Sân vắng người. Một con chó to và mập từ bên trong chạy ra cong đuôi sủa. Một cô ni đon đả bước ra chào hỏi rồi dẫn mẹ con tôi đến dãy nhà lớn. Mẹ bảo tôi bỏ dép rồi bước lên những bậc cấp cao. Nơi căn phòng đầu tiên, vị sư tuổi ngoài ba mươi, người tầm thước, da láng lẩy, khuôn mặt hiền từ, vài lời xã giao với mẹ tôi rồi lại dẫn đến một căn phòng khác. Tôi thấy vị sư cũng như mẹ tôi quỳ xuống lạy một vị hòa thượng to lớn, đẫy đà có lẽ là đau ốm nên nằm trên chiếc võng xanh. Tôi nấp bên sau lấm lét nhìn.

- Lạy ngài cho có phước con!

Tôi đang lúng túng thì mẹ tôi đã kéo tôi đến trước mặt hòa thượng, bảo tôi quỳ lạy. Tôi cúi xuống, “cuốc” năm sáu “cuốc”. Nghe tiếng cười của cả mấy người, tôi đỏ bừng mặt, bỏ chạy ra ngoài. Câu chuyện giữa họ tôi không hề để ý. Lát sau, từ dưới đi lên mấy vị sư to lớn, bệ vệ, nghiêm trang - sau lưng là một ông già râu bạc, đóng bộ veston quý phái cùng các bà, các cô ăn mặc lụa là, trang điểm kim cương, hột xoàn gì gì đó trông rất sang trọng. Căn phòng với những tiếng nói vừa đủ nghe. Tôi rón rén từng bước rồi vụt chạy xuống dưới...

Đến trước căn nhà to lớn nhất, tôi thấy ông Phật vàng ngồi trên tòa sen cao, xung quanh gắn những bóng đèn li ti xanh đỏ. Hoa giấy, hoa ni lông, hoa vải rực rỡ, vui tươi khoe màu, khoe sắc... Những cây nhang to không thấy khói mà cứ cháy đỏ rất lạ lùng. Tiếng tụng kinh không biết phát ra từ đâu mà cứ đều đều, đều đều tuôn ra không ngớt. Tôi nhìn quanh, không thấy có ai, mon men bước trên nền nhà trơn chảy mỡ, dòm những bức tranh màu trên tường - có những con người ta hồng hào đẹp đẽ như tiên như ngọc. Một con ngựa đeo đầy châu báu, người cũng đeo đầy châu báu, sau đuôi bám theo một người nữa - bay qua một con sông lặng lẽ, xanh, nổi bật giữa nền trời ửng hồng. Kia là một vị hoàng tử phong lưu anh tuấn cầm gươm vàng đưa lên như cố ý cắt tóc mình. Và đây là một chú bé mũm mĩm, kháu khỉnh đang ngồi lim dim như ông Phật con. Thấy thì hay, vui, lạ mắt nhưng coi một lúc thì chán; tôi lẻn ra bên sau thì thấy một dãy nhà ngói dài hun hút. Phòng này nối tiếp phòng kia, và ôi chao ôi, sư đâu mà nhiều lắm thế. Cứ mỗi phòng như vậy là vài ba vị. Mỗi người đang làm những công việc riêng. Người thì đang phơi y. Người thì đang ngồi viết gì đó bên trong cửa sổ. Người thì đang cạo râu, đọc sách, uống trà... thỉnh thoảng vẳng ra những tiếng nói cười...

Tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm. Đi quành ra bên sau nữa là một khu vườn um tùm cây xanh. Tôi đi thơ thẩn một hồi dòm những cây ăn trái như chuối, cam, đu đủ... những thân thụ to nở đầy hoa vàng. Sau khu vườn cũng có một dãy nhà nữa, có rất nhiều vị sư lớn tuổi ở nên có vẻ yên tĩnh, trang nghiêm hơn. Hướng về bên trái tôi chợt thấy hai con sóc đang rượt nhau,xòe cái lông đuôi rất đẹp. Vui quá, tôi đưa mắt nhìn chúng. Một con chợt chạy xuống theo cành cây, đưa mắt nhìn tôi rồi nhích nhích cái đầu có vẻ tinh nghịch. Con kia cũng chạy xuống, cong đuôi rồi lại chạy lên. Tôi ngoái tay ra sau cầm một cục đá, nhắm vào một con, ném mạnh. Tấm kiếng ở nơi nào đó nghe choang một tiếng. Tôi định co giò chạy thì nghe một tiếng nói nhỏ nhẹ từ sau lùm cây:

- Em đừng chạy mà vấp té!

Tôi quay lại. Một vị sư khổ người nhỏ nhắn, nước da trắng xanh, tay cầm quyển sách bước ra với nụ cười hiền lành. Tôi thấy hơi vững dạ. Vị sư đến nắm tay tôi:

- Tấm kiếng ấy đã vỡ rồi, vỡ thêm một chút nữa cũng không sao mà!

 Tôi theo chân vị sư lách mình ra khỏi lùm cây. Cuối vườn có một căn phòng nhỏ, cũ kỹ, tường vôi tróc lở. Viên đá của tôi còn là chứng tích nằm vô duyên giữa nền đất. Tôi không dám nhìn lên khung kiếng vỡ. Vị sư cười, mở cửa, phòng tối và thấp. Bên phải là chiếc giường sắt, mùng màn treo lủng lẳng. Bên trái là chiếc bàn viết bằng gỗ tạp nhìn ra cửa sổ có hai cành liễu đong đưa dịu dàng. Cạnh là một kệ sách lớn, nằm dài dọc theo tường. Vị sư lấy một chiếc chiếu trải ra giữa nền xi-măng đã tróc nhiều chỗ, lấy từ cái bát đen đem cho tôi hai trái chuối, mấy viên kẹo và bánh...

- Em ngồi đó và ăn đi, đừng ngại!

Vị sư vuốt tóc tôi:

- Em học lớp mấy rồi?

Tôi đáp lí nhí:

- Dạ thưa, lớp sáu ạ!

- Vậy là em học giỏi. Hồi xưa tôi học đệ thất - là lớp sáu bây giờ - tôi cao hơn em cả một cái đầu!

Sư lấy tay phủi những vết dơ phía bên sau áo tôi. Chợt có tiếng kẻng đánh một hồi dài. Lát sau, nhìn ra, tôi thấy rất nhiều chiếc y màu vàng thấp thoáng giữa những hàng cây.

- Kẻng đánh báo hiệu giờ ngọ trai đấy em ạ!

ân cần giải thích. Hóa ra sư không đi cùng ăn chung với mọi người. Sư đi bát và dùng trong bát.

Trưa ấy, tôi được sư cho cùng ngồi, cùng ăn trên manh chiếu cũ.

Tôi quen vị sư ấy bởi kỷ niệm đó.

 

Những lần theo mẹ tôi, sau này, khi cúi xuống lạy hòa thượng ba lạy xong - là tôi lại lẻn ra bên sau chơi với hai con sóc hoặc vô phòng của vị sư ấy. Lúc nào sư cũng cho tôi quà này hay quà nọ. Đôi khi sư lại cho tôi những quyển sách nhỏ về mẫu chuyện đạo, những xấp hình màu rất đẹp - mà sau này tôi mới biết đấy là sự tích đức Phật từ sơ sanh đến nhập diệt...

Càng gần gũi tiếp xúc với sư bao nhiêu tôi lại càng thấy kính mến sư bấy nhiêu. Cái không khí trịnh trọng, trang nghiêm quá mức ở phía trước làm tôi sợ hãi - thì nơi căn phòng đơn sơ, nghèo nàn này lại cho tôi niềm bình an và sự thân thiết... Sư ít đi đâu. Thường thì chỉ đi khất thực quanh xóm rồi về. Thỉnh thoảng nơi manh chiếu cũ của sư là một vài người khách nom lớn tuổi, dong mạo khác thường. Người thì hút ống vố to, người thì mang kiếng dày cộm, người thì râu ria xồm xoàm. Tôi đến, họ coi như không có. Sư cho tôi ngồi một bên, cho uống tách trà nhỏ hoặc cho ăn những viên kẹo. Khách của sư thiệt vui tính. Họ nói cười tự nhiên, hì hà hỉ hả. Đôi khi họ lớn tiếng tranh luận gay cấn một vấn đề, và cuối cùng, dường như chẳng đi đến đâu, vì chẳng ai chịu thua ai!

Một đôi lúc, thấy tội nghiệp cho cái bát của sư - vì phải cung cấp thức ăn cho bốn hoặc năm cái bao tử lớn. Sư nhịn miệng đãi khách là thường. Một vài lần thấy sư ngồi trầm ngâm bên cửa sổ, tôi vào đã lâu mà dường như sư không hề hay biết. Đôi khi sư có ngâm nho nhỏ, ư ử một vài bài thơ cổ, ngồi thiền hoặc nằm đọc sách trên võng. Trên bàn viết của sư, lâu lâu có vài nhánh phong lan, hồng, cúc... trong chiếc bình hình thuỗng màu cà-phê sữa. Sư ít nói nhưng hay cười. Đi tới đi lui trong phòng hoặc uống trà một mìnhsở thích khác của sư vậy.

Có lần, lúc tôi vừa đến cửa phòng sư thì bên trong có nhiều tiếng nói. Nội dung tôi không nắm vững. Hình như người ta trách sư đã dạy cho Phật tử giáo pháp cao siêu để họ bắt bẻ quý sư! Hình như họ đã cười gằn, bảo là sư muốn tu hành cao thượng hơn mọi người khi chỉ đi khất thực và ăn trong bát! Hình như họ lớn tiếng chua chát, rằng là trong chùa này ai cũng biết sư là nhà văn, nhà thơ, nhà học giả... học giả chớ không phải học thiệt đâu nghe... Sư nhẫn nhịn và có vẻ chịu thua, không cãi lại một tiếng...

Khi họ hậm hực bỏ đi thì tôi mới vào.

- Sao người ta kỳ vậy sư?

Sư cười khẽ:

- Em còn nhỏ, biết làm chi chuyện ấy!

Khoảng thời gian khá lâu không đi chùa, tôi lại thấy nhớ. Mỗi lần ở bên sư là lòng tôi an ổn xiết bao. Tôi không còn thấy thú vui nơi mấy con sóc nữa - mà đời sống hiền hòa, tịch mịch, cô đơn của sư đã lôi cuốn tôi. Có một thời gian sư ốm và xanh, đôi mắt sâu hoắm nhưng sư vẫn ngồi bên bàn viết, đọc sách hoặc trầm tư nghĩ ngợi. Tôi được học hỏi từ nơi sư về cuộc đời của đức Phật, trí tuệtừ bi của ngài. Tôi cũng được sư nói sơ sơ cho nghe thế nào là đời sống xuất gia, thế nào được gọi là cư sĩ tại gia...

Năm ấy tôi đã học lớp tám. Mẹ tôi sau khi vào thăm hòa thượng, trở ra, không tìm thấy tôi, có người mách bảo, bà đến phòng sư. Thấy tôi đang uống trà, ăn bánh cùng sư trên chiếc chiếu giữa nền nhà, mẹ tôi la toáng lên:

- Chu choa ơi, sư tập vậy là nó hư! Sư lại cho nó cùng ngồi, cùng ăn... một chiếu nữa thì giới luật tỳ-khưu ở đâu nữa hỡi trời!

Mẹ tôi kéo tôi ra ngoài. Sư thoáng tái mặt, nhưng sau đó trở lại bình tĩnh rất nhanh, nói rằng:

- Dạ, phải rồi, cảm ân bà đã lưu tâm nhắc nhở!

Mẹ tôi đánh tôi một bạt tai tóe lửa, hét the thé:

- Đã bây lớn tuổi đầu mà không biết giới luật là cái chi cả, dám ngồi ăn với tỳ-khưu là tội lút đầu lút cổ đó nghe mậy!

Tôi rấm rứt khóc. Sư cất giọng ôn tồn:

- Thưa bà, lỗi tại tôi chứ không phải lỗi tại cháu! Thành thật xin lỗi bà nếu có gì đó không phải...

Mẹ tôi lôi tôi đi xềnh xệch, buông thõng:

- Không dám ạ!

Từ đằng xa, quay lại, tôi vẫn còn thấy sư đứng khoanh tay nhìn một vật gì phía trước... Và cũng kể từ đó, về sau, mẹ tôi cấm tôi không được gặp sư, sợ hư thân mất nết. Đến chùa, mẹ tôi cứ bắt tôi ngồi riết nơi căn phòng của hòa thượng, chẳng cho đi đâu cả. Tôi cũng cứng đầu, cương quyết không đi chùa nữa dầu bị đánh đập thế nào!

 

Thế là trong mắt mẹ, tôi là đứa con hư! Mẹ tôi chỉ chăm sóc hai đứa em tôi và cho chúng đi chùa chứ không hỏi han gì đến tôi nữa.

Tuổi nhỏ vốn chóng quên. Mấy năm sau khôn lớn, theo chúng bạn rong chơi, phá phách, tôi không còn nhớ gì chuyện cũ. Năm ấy tôi thi rớt đại học. Chú tôi từ tỉnh nhỏ vào, nói với mẹ tôi bây giờ gian hàng không có ai quản lý, chú thì đi sớm về khuya - hay là cho tôi ra ngoài ấy để chăm lo sổ sách, tiền lương sẽ trả hậu hĩnh, dù sao thì con cháu vẫn đáng tin cậy hơn người dưng nước lã!

Tôi đang buồn thi hỏng, lại chán đời sống quen thuộc đầy bụi bặm ở Sài thành, muốn thay đổi không khí nên xin mẹ nhận lời. Mẹ tôi ngần ngừ vì tương lai học vấn của tôi, nhưng nghĩ đến món lợi trước mắt bèn đồng ý. Tôi từ giã bạn bè, vài ba mối tình học trò vớ vẩn rồi ra đi. Tôi ở với bà thím già trông coi cửa hiệu, sổ sách, giấy tờ kế toán, nhận hàng và giao hàng; phụ tá là người đàn ông bà con xa. Việc bếp núc, giặt giũ đã có người ở gái. Công việc mới của tôi chiếm khá nhiều thì giờ, hầu như chỉ còn rảnh vào ban đêm, nhưng thường là quá mệt nên chỉ việc ngủ khoèo!

Thời gian thấm thoắt trôi qua thật nhanh. Sáng sớm kia, mệt mỏi nhìn qua vuông cửa, một con chim màu xanh biếc tung cánh lên khoảng trời màu hồng lam - tôi chợt giật mình hoảng sợ! Làm việc, ăn ngủ, kiếm tiền... tôi sống như vậy sẽ được bao lâu? Một năm? Hai năm? Vĩnh viễn? Suốt đời? Đóng những bộ áo quần đúng mốt, thức ăn thức uống đủ đầy, bạc tiền tiêu pha rủng rỉnh... Thế là nhu cầu và đáp ứng, đáp ứng và nhu cầu - một lúc nào đó sẽ trở thành máy móc, thói quen, sẽ trở thành bản năng động vật!? Lạc thú nào? Sinh thú nào? Mục đích gì? Ý nghĩa gì - ở nơi loài động vật cao cấp hai chân? Trán tôi bỗng toát ra mồ hôi lạnh. Tôi bàng hoàng, sững sờ và như chợt thấy mình rơi hẫng vào một hư vô không đáy... Và cũng vì hư vô ấy xô đẩy tôi đi hoang, thơ thẩn suốt mấy ngày...

Bước chân tình cờ đưa tôi đến một ngôi chùa ven biển, gặp một vị sư du phương, tôi hỏi về mục đíchý nghĩa của đời sống. Vị sư ấy trông cũng phong trần quá lắm, ông nhìn tôi như nhìn một sinh vật lạ, ông trả lời mà như giấu bên sau một nụ cười châm biếm: “Mục đích ư? Ý nghĩa ư? Người bạn trẻ không thấy sao? Cả cuộc đời này, nhân loại này - chúng đang tìm về với hư vô và hủy diệt đấy!” Tôi nghe lạnh gáy, sởn cả gai ốc! Lấy lại bình tĩnh, tôi hỏi tiếp, vậy thì còn ngài, mục đích nào, ý nghĩa gì mà sống đời sa-môn không cửa, không nhà? “Tôi ấy à? - Vị sư cười hào sảng - Tôi đang thoải mái, đang tự do rong chơi trên đống đổ nát điêu tàn của hư vô và hủy diệt ấy!” Nói xong, ông bỏ đi, rớt lại câu cuối cùng: “Ý nghĩa ư? Mục đích ư? Chúng là ma quỷ cả đấy!” Những câu nói lạ lùng ấy được xem như là sự tỉnh thức đầu đời của tôi! Và nó cũng như là cái công án với chiếc lưỡi búa nặng ngàn cân cứ treo lơ lửng mãi ở trên đầu tôi!

Mấy ngày trở lại nhà, chú và thím rầy la tôi; lại than van là từ khi tôi làm đến nay, không thấy lời mà chỉ thấy lỗ. Tôi kham nhẫn, yên lặng rồi làm việc trở lại. Được nửa năm, tôi lại thấy chán, muốn đi hoang; nhưng nghĩ đến khuôn mặt của mẹ, của chú thím, lại thôi. Lúc này tôi hay đọc sách về khuya, sự bình an, lạc thú chỉ đến được với tôi vào những lúc mà xung quanh đều vắng lặng. Tôi lần mò suy tư vào chiều sâu đời sống lẫn chiều sâu tâm giới. Nhiều vấn đề giày xéo, dằn vặt tôi: hạnh phúc, đau khổ, thời gian, sự chết... Tôi bắt đầu sống cô lập ít tiếp xúc với mọi người, và cảm nghe mơ hồ rằng, ở hoàn cảnh nào cũng không giải thoát được sự khổ. Một vài quyển sách về Phật giáo kiếm tìm được không giải quyết nổi những bế tắc tâm linh. Ở tỉnh nhỏ, kinh sách khan hiếm, tôi biên thư cho các em tôi nhờ tìm mua một số sách cần. Chúng cung cấp cho tôi khá đủ. Cũng từ đó, nhu cầu sách là một cái gì khá quan trọng và cần thiết cho tôi. Tôi đam mê chúng. Càng đi vào Phật giáo, tôi mới cảm thấy rằng, từ lâu, tại sao tôi không biết chúng? Tôi ngạc nhiên mà nghĩ rằng, tại sao, tuổi trẻ mình lại sống nông cạn và hời hợt đến thế? Nghèo nàntrì độn đến thế? Ôi! bao nhiêu năm tôi đã lấy sự ngu si mà làm niềm kiêu hãnh!

Chừng một năm hơn, nhận được điện tín của các em tôi, bảo là mẹ đã qua đời vì bạo bệnh. Tôi tức tốc đáp xe lửa trở lại nhà. Thi hài mẹ tôi đã được khâm liệm và quàn nơi ngôi nhà giảng tại chùa, theo như sở nguyện của mẹ. Tôi không cảm nghe rõ ràng trong tôi một tình cảm nào; nhưng khi nghe các sư tụng kinh, tôi đã rươm rướm nước mắt. Hai em của tôi khóc um lên. Tôi là đích tử nên quỳ trước quan tài, theo lệnh của chú để biết mình phải làm gì. Tôi hơi bối rối một chút nhưng sau đó lại bình tĩnh như thường. Khi ngước mắt lên, chừng hai mươi vị sư đang tụng kinh, sau làn khói mờ tôi thoáng thấy một khuôn mặt quen thuộc. Ký ức tuổi thơ đột ngột trở về, một tình cảm nhẹ nhàng như làn khói chiều thoảng nhẹ qua tôi. Tụng kinh xong tôi tìm đến sư với nước mắt nghẹn ngào. Tôi không biết nói gì. Sư hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng sau đó lại nhận ra tôi, cũng không nói gì.

Đám tang rồi cũng qua đi. Chừng hơn tuần sau, tôi tìm đến sư. Căn phòng không có gì đổi khác cho lắm. Kinh sách có lẽ nhiều hơn. Và tôi thoáng thấy trên bàn, ngoài chiếc bình hoa xưa cũ lại có thêm một phin cà-phê và một gói thuốc hút dở. Sư đã già nhiều so với ký ức tuổi thơ của tôi; vừng trán nhiều vết nhăn hơn, đôi mắt sâu hơn, và tóc thì trông đã muối tiêu. Tôi vẫn ngửi được nơi đây sự trầm mặc và cô tịch dạo nào.

- Em cũng còn nhớ tôi. Mà tôi cũng còn nhớ em. Ôi! thoáng đó đã hơn mười năm rồi!

ân cần nắm tay tôi ngồi xuống nền nhà, bây giờ đã trải chiếc chiếu khác nom có vẻ mới hơn.

- Dạ, bạch sư! Ngồi như thế này...

- Ồ, không sao, cứ ngồi. Em cứ ngồi đây như thuở mà em còn bé tí tẹo vậy. Ôi! một thanh niên chững chạc rồi còn gì!

Tôi ngồi xuống và cảm thấy mình không được an ổn như xưa. Sư an ủi tôi về sự bất hạnh của gia đình, nói rằng cái chết là một cái gì bình thường không ai tránh được. Sau đó sư hỏi tôi về chuyện ở tỉnh nhỏ - (do các em tôi kể lại với sư chăng?) - đời sống, sách vở, tình cảm và tư duy... Tôi trình bày cho sư nghe, tuy khái lược, nhưng khá rõ ràng về những cảm nhận, những băn khoăn về tinh thần: Hạnh phúc, khổ đau, cái đẹp, điều thiện... Sư chăm chú nghe, lâu lâu gật đầu. Sư toát ra sự chín chắn trong thái độ trầm ngâm.

- Đâu cũng vậy cả, hoàn cảnh nào rồi cũng thế cả. Có một định mệnh hầu như tiên thiên là sự đau khổ của các loài hữu tình. Đã biết đau khổ tức là em đã lớn khôn vậy.

Sư không nói nhiều, hình như là nói ít hơn cả thuở xưa. Tôi thú nhận với sư là mấy lúc sau này tôi tìm được lạc thúan tịnh trong việc đọc sách, cô đơn và trầm tư.

Nhìn tủ sách đầy ắp và quý giá của sư, tôi nói:

- Ước gì con được ở đây, bên sư, đọc sách này lẫn nghe những lời chỉ dạy....

Sư không biểu lộ một ý gì khác lạ.

- Em cần quyển gì thì em cứ lấy. Tôi cũng yêu quý nó lắm nhưng mà đến lúc phải rời xa.

Tôi ngạc nhiên với đôi mắt mở lớn. Sư đứng dậy pha cà-phê, lấy gói thuốc bỏ xuống chiếu, không mời tôi, rút một điếu châm lửa hút. Khói thuốc thơm tỏa dịu dàng, căn phòng như ấm cúng hơn. Tôi chợt liên tưởng đến tiết sương mù mùa xuân trong nắng ấm. Sư nói:

- Lúc này tôi cũng đâm hư rồi, em thấy không, cũng cà-phê, cũng thuốc lá.

Sư cười dịu dàng, sớt ly cà-phê làm hai tách nhỏ. Sư nhắp một ngụm rồi thở khói. Ly cà-phê và một điếu thuốc, lúc ấy mới thú vị làm sao. Tôi nghe lòng mình thoáng êm đềm.

- Em hãy lựa đi, thứ nào mà em thích, em cần; còn một số từ điển, ngoại ngữ, kinh sách bìa da cứng, dày, tôi đã lỡ hứa cho người ta hoặc để lại thư viện chùa.

Sư nói sau một hồi im lặng. Tôi ngần ngại.

- Vậy sư ra đi thật sao? Sư đi đâu?

Sư lại trầm ngâm.

- Em hỏi chi điều đó.

Tôi nghe mình thở ra.

- Kinh, sách, tuy em thích lắm, nhưng em không lấy. Em chưa xứng đáng để nhận nó.

Sư nhìn tôi thật lâu với đôi mắt yên lặng.

- Tôi kính trọng lòng tự trọng của em nên tôi cũng không ép gì. Tùy ý em vậy.

Hôm đó, sư không chịu nói rõ lý do của sự ra đi, mặc dầu tôi đã cố ý gạn hỏi nhiều lần. Tôi man mác buồn và cảm thấy như mình sắp phải lìa xa một cái gì thật quý báu.

Đêm đó là một đêm trăng, tôi quyết định đến thăm sư. Tôi không đi ngõ trước mà tôi đi ngõ sau. Lối này phải đi quành qua một nghĩa địa được tiếng là lắm ma, nhưng chỉ cần mở cổng thép gai bên sau là đến phòng sư rồi. Đến giữa nghĩa địa, tôi thấy ai ngồi bất động trên chiếc mộ đen, dưới ánh trăng mờ không nom rõ hình dáng. Tôi sợ hãi định thối lui thì chợt nghe giọng ngâm thơ thầm thì phảng phất trầm buồn.

- Tử sinh bao kiếp cũng dường,

Cõi về dặm lữ mù sương nhạt nhòa

Phủi tay hạt bụi ta bà,

Nửa rơi nửa đọng la đà hiên không

Ai xưa cánh hạc thong dong,

Ngang trời để lại một dòng nước xao.

Tôi cất tiếng.

- Sư đấy phải không sư? Phải sư đấy không?

Hỏi xong, tôi lom lem bước tới.

- A, em đó ư? Tiếng sư thì thào như hơi gió thoảng - đi đâu mà qua ngõ này khuya vậy?

Tôi đã đứng bên sư.

- Ồ! lời thơ và giọng ngâm thơ của sư sao mà buồn não nùng đến thế?

- Ừ! Mà nó cũng buồn thật!

thở ra. Tôi ngửng nhìn sư. Sư ngồi kiết già bất động, phía bên trên, mặt trăng tỏa một vùng sáng dịu dàng. Một cái gì an nhiên lẫn cô liêu kinh khiếp giữa hoang địa này. Đẹp. Đẹp lạ lùng.

Rất lâu, tôi hỏi.

- Em nghe người ta bàn tán về sư nhiều, bên lề chuyện ra đi của sư đó.

Cũng rất lâu, nhà sư mới trả lời.

- Tôi yêu chân lý, em ạ. Tôi yêu vẻ đẹp, điều thiện; nhưng đồng thời tôi cũng yêu cuộc đời với tất cả cái thường tình, ti tiểu nhất của nó. Nhưng mà - Sư bỏ lửng một lúc - Cuối cùng, đức Phật cao cả hơn, huy hoàng hơn; lại quyến rũ và thúc bách tôi hơn. Ha ha... mà thôi... điều đó mà nói ra cho em biết thì chỉ có hại chứ không có lợi. Sớm quá, em còn trẻ quá...

- Sư cứ nói - Tôi nhấn mạnh, giọng biểu lộ sự tự tin vô biên - Em có đọc sách, em có suy tư và nhất là em đã có sống. Em cũng đã từng khổ đau. Em mong là em sẽ hiểu phần nào từ nơi cái tâm sự bao la bát ngát ấy.

- Ha ha... có thiệt thế không? Có thiệt là người ta có thể hiểu nhau?

- Dạ không! Em nói “hiểu” theo nghĩa khác - Tôi nói với giọng thiết tha, náo nức - Cái hiểu theo nghĩa ấy là, mình tìm thấy trong người kia những điểm giống mình, và đồng thời, tìm thấy những cái khác mình. Chứ theo nghĩa vẹn toàn, toàn bộ thì không thể. Sư thấy không - Tôi đưa tay chỉ vùng mịt mù phía trước - xa lắm, xa xôi lắm, ở tận cuối một biên thùy heo hút nào, không ai thấy được, không ai tới được. Mỗi người, mỗi cõi, mỗi phương - những cái hoang đảo, ốc đảo, nghi ngút và nhập nhòa khói sương. Thế thì làm sao hiểu nhau được? Thấy nhau được? Mỗi người, bao giờ vẫn cứ chờn vờn bên nhau. Chờn vờn. Chờn vờn. Phải rồi. Ở bên nhau, gần bên nhau nhưng chưa bao giờ thấy nhau. Không thể có điều đó. Vả chăng, mỗi người, mỗi vật vẫn là cái gì cá thể, cá biệt tính thế nào đó. Sự cảm thông, tương giao, là những từ cưỡng ép, không thật - chỉ nói lên sự bất lực, tuyệt vọng của ngôn ngữ loài người. Cái bất khả thể toàn. Bất khả phải không sư? Bất khả cảm thông. Đã từ lâu rồi, em không cần cảm thông. Trong từ điển của em rất ít những mỹ từ! Ở đây em chỉ muốn sư nói và em nghe, và em học. Em còn quá trẻ. Hiểu biết thì chưa bao lăm. Em cũng yêu đức Phật. Yêu nụ cười thánh thiện, bao dung, êm đềm... tất cả, tất cả... Em yêu thiên thu và chí mỹ. Em yêu sự cô liêu của đỉnh núi. Em yêu sự u tịch của thâm lâm ngàn đời heo hút. Và ở nơi sư có những điều ấy. Vậy, sư hãy nói đi, và em lắng nghe, thế thôi!

Chưa bao giờ mà tôi nói nhiều đến thế. Đêm mơ màng và yên lặng. Sư lại thở ra. Lại nhìn rất lâu vào cõi mù mịt. Tất cả hình như đang bất động. Một vì sao xẹt xuống bên sau ngôi mộ cổ.

- Em đã có một cõi riêng - Sư nói - Và tôi cũng thế. Tôi không ngờ em đã suy tư nhiều. Lại hiểu biết quá sớm. Lại khổ thôi. Tôi cũng đau khổ, nhưng tôi không biết nói gì. Tôi yêu sự thật, yêu cái cao khiết; đồng thời, tôi cũng yêu cuộc đời với những bất toàn của nó... Sư lại ngập ngừng - Kiến thức tôi có hơn em, nhưng không bao nhiêu lắm. Ồ, mà nó cũng không đáng kể. Kiến thức chỉ đem đến ngã mạn, sở tri chướngđại nạn - nó không mang lại sự yên lặng, hiểu biết, tha thứyêu thương. Em ơi! Cũng như em vậy thôi, tôi còn cần phải học hỏi, làm học trò suốt cuộc đời, làm đứa con trần gian. Ồ, tôi muốn nói nhiều lắm mà nói không được. Tôi đã thật sự vụng về và ngọng nghịu quá lắm, xin em thứ lỗi. Xin em hãy thứ lỗi cho tôi!

Tôi cố giấu cảm xúc để giữ sự yên lặng thanh khiết này. Ôi, sao mà buồn, buồn lạ lùng. Ôi chao, cuộc đời, sao mà buồn quá thể!

- Em à - Sư lại nói tiếp - Tôi sẽ ngồi đây suốt đêm rồi ngày mai tôi đi. Có lẽ là đi xa lắm. Có lẽ là tôi sẽ đến một khu rừng già ở cao nguyên trung bộ; tôi sống với khỉ, vượn, với muông cầm, điểu thú. Cũng có thể tôi đến một hoang đảo cô tịch, một nơi chốn không có vết chân người. Đến đó làm gì, tôi chưa biết. Nhưng tôi sẽ đến. Có lẽ là tôi đến đó để gởi tấm thân phù du huyễn mộng nầy. Cũng có thể tôi đến đấy để trở thành A-la-hán. Cũng có thể tôi đến đấy để đau khổ hơn, quằn quại hơn. Nhưng xin em đừng tưởng tôi chạy trốn trần gian, làm kẻ đào tẩu khốn cùng. Không. Tôi yêu cuộc đời. Và lòng tôi giàu có. Tôi cũng yêu con người quá lắm. Tôi gặp em hôm nay, ở đây, thiệt là hay. Em biết yêu sự chân thực, và tôi cũng thế. Trái tim chân thực của tôi hiện đang bị rướm máu. Vậy thì gặp em, tôi mừng lắm. Em hãy ngồi với tôi một lúc lâu để tôi được nhìn em qua ánh trăng. Em cũng nhìn tôi qua ánh trăng. Thế thôi! Ồ, tôi không biết nói gì! Tôi quá vụng về, xin em thứ lỗi!

Tôi muốn ôm sư và khóc. Nhưng tôi đã không khóc, tôi chỉ cầm bàn tay gầy ốm của sư mà run run. Tôi cũng không quay lại. Tôi nhìn nơi ngôi mộ cổ đen và không thấy gì ở đó.

- Tôi yêu khoảng vắng này em ạ! Nên tôi đến ngồi đây - Giọng sư như cơn gió thì thào thoảng nhẹ bên tai - Một khoảng vắng, những nấm mồ và những người chết cô đơn. Và tôi cũng cô đơn. Có những buổi sáng, tôi không đi cổng trước mà tôi đi ngõ sau này xuống phố khất thực hoặc ta-bà men theo các thôn làng ngoại ô. Ngõ này quyến rủ tôi hơn, không biết tại sao. Nên con đường này, khoảng này đã trở nên thân thiết. Vậy tôi phải đến từ giã nó, ngồi với nó một đêm. Một đêm thì chưa bao nhiêu nhưng như vậy cũng tạm đủ rồi. Trước sau gì cũng phải xa nhau.

Lại yên lặng.

Sương mù hình như đã xuống dày đậm.

- Phía này nhiều sương đêm hơn phía trước vì nhiều cây cối và gần sông, có lẽ. Sư nói tiếp như tự sự - Qua sương đêm ta sẽ thấy những cọng cỏ mềm rất đẹp, lấp lánh sương, lấp lánh trăng. Lại hiền lành. Nhất là nó hiền lành quá đỗi. Còn hoa dại thì tha hồ. Những tấm hoa li ti, cánh đỏ, cánh tím, cánh trắng... pha lẫn nhau rất lạ lùng - chúng nằm bên góc mộ không thể thấy được nếu ta không để ý. Ồ, mà nó cũng chẳng đẹp lắm đâu, thơm thì cũng không thơm lắm, đôi khi hăng hắc nữa; nhưng cái mùi hoang dã của thiên nhiên thì kỳ đặc, không thể lẫn vào đâu được. Trông chúng li ti li ti bé bỏng, hiền lành ngoan ngoãn quá. Chúng nằm hòa bình bên nhau mà không nói gì cả, không dẫm đạp nhau, không xâm lăng nhau. Có những con bươm bướm, chuồn chuồn, châu chấu; những con cánh đỏ, cánh tía, cánh cam lẫn những con sâu tí hon, tuy đôi khi chúng rất hoang nghịch, nhưng tóm lại, cũng hiền lành. Tôi thường không dám đụng đến chúng kể cả một giọt sương, sợ nó tan đi. Tôi bước đi nhè nhẹ... nhè nhẹ... À, thú vị lắm! Đã có bao giờ em làm như thế chưa? Bước nhè nhẹ... nhè nhẹ rồi em sẽ lắng nghe một cảm giác êm đềm, một tinh nghịch thuở ấu thơ nào còn sót lại. Ồ, tuyệt diệu lắm. Ôi! Những sinh vật li ti và những loài hoa vô danh bé nhỏ, rồi ta sẽ xa các ngươi!

Lại yên lặng.

Tôi như nhòa tan giữa sương mù và không còn ý thức sự hiện hữu của mình nữa.

- Phương trời nào mà cũng không có chúng - Sư nói tiếp với hơi thở ra - Đồng ý vậy rồi. Nhưng xa thì cũng phải nhớ. Không nhớ nhiều lắm đâu. Nhưng buồn buồn. Nhất là con đường này rồi ta phóng tầm mắt về phía trước, có những ngôi nhà con con, những lùm cây xanh, rặng dừa cùng chân trời xanh lơ quen thuộc. Chúng cũng hiền hòa quá đỗi. Cho nên, nghĩ là phải xa một cái gì đó là buồn rồi. Ngôi chùa, thầy tổ, đệ huynh, bằng hữu, đệ tử... tôi cũng nhớ nhưng nhớ cách khác. Tôi chưa có thì giờ để phân tích sự khác nhau này. Vả lại, tôi cũng không thích phân tích lắm đâu.

Giọng nói sư ngập ngừng, đứt đoạn, trùng lặp - tôi lắng nghe như uống cả vào lòng. Say choáng váng. Buồn mênh mông.

Bây giờ thì trăng đã chênh chếch về phía Tây. Giun dế râm ran cả một vùng. Tôi nghe giọng mình nghèn nghẹn.

- Sư ra đi rồi không trở lại nữa sao?

- Hà! Ai biết được tương lai rồi sẽ ra sao!

- Người ta sẽ thêu dệt nhiều chuyện lắm đấy!

- Ừ! Cứ để tự nhiên vậy mà!

- Em sẽ không tin những điều họ nói...

-Tin, không tin; phải, không phải! Sư chợt cười khẽ - Chính tôi cũng đang ngơ ngác về điều này đấy em ạ! Khó lắm!

Sương đã thấm lạnh trên vai. Tôi leo lên ngồi bên cạnh sư, cảm thấy mình được gần gũi và được che chở. Tôi kéo cao cổ áo và ngồi co mình lại.

Tôi cất giọng buồn buồn.

- Đất trời đã ngủ khuya. Em mong tất cả mọi người đều triền miên trong giấc ngủ như thế. Giấc ngủ đồng nghĩa với sự chết nhưng cũng đồng nghĩa với hòa bình. Lúc thức, con người thường làm khổ nhau - Tôi nói với niềm phẫn hận thế nào đó ở trong lòng - Cuộc đời đã không cho sư ở yên, phải không? Cái phi lý, cái buồn cười, cái ngu si, cái điên đảo, cái hợm hĩnh của con người xung quanh đã làm xót đau những trái tim chân thực, đã làm cho những tấm lòng cao đẹp bị héo quắt đi, có phải thế không sư?

Sư không trả lời, và hình như những điều tôi nói ra vừa rồi cũng thừa thãi và vô duyên làm sao!

- Hà, thôi! Em đừng nên nói đến những chuyện đó nữa. Mỗi người, cuối cùng, vẫn là những thế giới cách biệt. Những bóng ma chờn vờn, chờn vờn bên nhau mà thôi!

Tôi tranh luận.

- Đành rằng thế, nhưng phải có cái đúng, có cái sai chứ?

Sư cười nhỏ.

- Chính có đúng, có sai mới khổ đấy em ạ! Phía nào rồi cũng bị tổn thương cả, ấy mới kỳ!

- Vậy thì phải làm sao?

Tôi ngước mắt hỏi, chờ đợi.

Sư đưa tay bóp trán.

- Em đã hỏi điều quá khả năng tôi. Vả chăng, tôi cũng đang bị tổn thương, đang đau khổ. Nhưng tôi chưa nghĩ là phải giải quyết chúng!

- A! Tôi muốn la to lên - Cả hai phía đều bị tổn thương thì phải tìm cách giải quyết chúng chứ, thoát ly chúng chứ? Đau khổ đâu phải là cái gì tiên thiên? Nó phải do điều kiện sinh, hoàn cảnh sinh. Phải biến cải hoặc chuyển hóa chúng chứ?

Sư chợt cười thành tiếng.

- Điều đó nói ra chẳng biết là có quá sớm đối với em không đây. Hà hà, biết nói sao, biết nói sao bây giờ nhỉ. Tôi không đến nỗi quá lúng túng hoặc bối rối lắm trước câu hỏi của em. Nhưng mà. Nhưng mà, em đừng nên nghĩ thế. Chuyển hóa hoặc biến cải hoàn cảnh, điều kiện ư? Chẳng phải. Chẳng phải thế. Em đã bị kinh sách đầu độc. Em đã sai lầm trầm trọng. Sai lầm như tôn giáo, triết học, các hệ thống tư tưởng, các chủ thuyết chính trị đã sai lầm. Ai cũng đòi biến cải, chuyển hóa, giải quyết bằng cách này hay bằng cách khác. Chiến tranh và địa ngục nằm ở đấy, em biết không? Ngàn xưa là hố thẳm mà ngàn sau cũng là hố thẳm! Em đã thấy chưa? Em có biết không? Mà thôi, tôi mà nói ra thế thì tôi cũng sai lầm nốt. Nói ra là trật, dù chỉ cách một sợi tóc! Em làm gì được cho sự giác ngộgiải thoát cho em thì cứ làm. Còn tôi thì tôi đã không làm gì từ lâu lắm rồi!

- Vậy thì làm sao để hết đau khổ?

- Ồ! Sao em lại vây ngặt tôi quá thế? Từ khi tôi thấy tôi, tôi biết tôi; nghĩa là từ khi tôi có ý định ra đi, tôi đã không còn dám đề cập những vấn đề tương tự. Nó quá trọng đại so với khả năng tôi. Giảng dạy cho người ta, tôi cũng không dám nữa. Vì biết đâu, sau này tôi sẽ nói khác? Em có tin như vậy không? Và em có thấy rằng, mình là một cái gì vô cùng bé nhỏ mà cũng vô cùng phức tạp. Chẳng có công thức, đáp số nào khả dĩ giải mã cho hằng triệu trái tim và khối óc riêng lẻ ấy... Ôi! thật là vô cùng riêng lẻ...

Tôi bần thần nghĩ ngợi. Có lẽ không phải sư không biết, mà sư cố lấp lửng vấn đề, do khiêm tốn, do tâm sự riêng tư? Hoặc, vấn đề là ở chỗ lấp lửng, chỗ không nói được đó chăng?

- Tại sao sư lại ra đi? Tôi lại cố bới tìm, như con gà với cái đống rác của hắn - Và cả nỗi buồn mênh mông của sư nữa?

- Hà, hà! Sư hình như cười nho nhỏ trong bóng tối nhạ nhem của trăng khuya - Em muốn bắt bí tôi đấy mà! Nếu tôi trả lời là tôi không biết rõ?

Tôi im lặng. Chịu. Rồi lại cố tìm căn nguyên.

- Có lẽ sư nói giỡn chăng?

- Hà, nếu tôi nói tôi bị chùa đuổi?

- Em không tin.

- Vì tôi không sống nổi nơi đây?

- Em cũng không tin!

- Thấy chưa! Sư cười khẽ - Cả mấy lý do mà em đều không tin thì làm sao em tin vào những lý do khác?

- Đấy mới chỉ là “nếu” - Tôi cũng cười - có lý do nào mà không “nếu” kìa!

- Thôi được - Sư gật đầu - Tôi sẽ giả thiết thêm, có lẽ vì dòng máu du mục hoặc là dòng máu khất sĩ lang thang đã ăn sâu trong tôi từ nhiều kiếp chăng?

- Không phải - Tôi lắc đầu - Ở đây phảng phất cái gì như trối trăn, như vĩnh biệt.

- Có lẽ vì tôi không kham nhẫn nỗi khổ đau ở nơi này!

- Sư dư sức. Và biết đâu ra đi lại khổ đau hơn!

- Năm sáu lý do rồi đấy nhé; thêm một lý do nữa: Tôi là kẻ đào tẩu hoàn cảnh.

- Lại càng không phải nữa.

- Thế là hết, những lý do của riêng tôi! Còn em, em nghi tôi vì những lý do nào?

- Em mù tịt - Tôi lắc đầu - Nhưng có thể vì sở đắc, vì thành tựu phạm hạnh chăng?

- Ồ! Các pháp đều như ảnh, như bóng, như điện chớp, như giấc chiêm bao, như mộng, như huyễn - thì có gì mà sở đắc, thành tựu được hở em!

- Luyện tâm, luyện thần thông, có thể như vậy chăng?

- Tôi không có ý chí kiên định để làm việc đó.

- Ra đi để người khác khỏi bực bội, khó chịu về mình.

- Tôi chưa cao thượng được như em nghĩ.

- Hoặc ưa sống đời tịch mịch, cô đơn.

- Tôi thì chưa bao giờ xa rời tịch mịch cô đơn; vả lại, ở đâu cũng có thể tìm kiếm chúng được cả!

- Trời ơi! Tôi la lên - Sao mà con người sư nó bí hiểm đến thế? Cả mười mấy lý do đều sai cả sao?

Sư cười một tiếng ngắn.

- A, em nhớ lại coi, sai là từ mà em dùng chứ không phải tôi đấy nhé! Tôi nói cách khác.

- Kỳ lạ không? Tôi như chợt khám phá ra - Thế là cả mười mấy điều trên đều đúng cả sao?

Sư nói chậm rãi.

- Hóa ra, trong óc em, chỉ có cái đúng, cái sai - chứ không có cái gì khác nữa sao?

Đến đây thì tôi hoàn toàn ngơ ngác.

im lặng hồi lâu rồi cất tiếng lớn.

- Đây có lẽ là điều cuối cùng đáng nói với em, hỡi người em thương mến! Cuộc đời này, tất cả những vấn đề như lẽ thật, sự thật, cái đẹp, điều thiện hoặc bất kỳ cái gì khác - bất kỳ cái gì tôn quý như đạo đức, các giá trị tinh thần thiêng liêng; cho chí những vấn đề rất đỗi tầm thường, bình thường trong tương quan với đời sống dung tục, với nội tâm con người - không thể nói được đâu em, không nói được cái gì cả! Chúng thường không ở trong phạm trù hạn hẹp của cái đúng, cái sai đơn giản ấy đâu - em hãy nhớ lấy!

 Phương đông đã hừng sáng từ bao giờ. Sư khẽ ngước mắt nhìn lên rồi đứng dậy. Dáng chênh vênh giữa trời. Một lúc, sư bước xuống mộ, mang xách và bát lên vai rồi nắm tay tôi.

- Câu chuyện chấm dứt ngang đây là vừa phải, không sớm quá, không muộn quá. Sáng nay trời đầy đặc cả sương mù. Thôi, tôi đi nhé!

Nói xong, nhà sư nhìn tôi khá lâu, mỉm cười dịu dàng, khẽ vỗ lên vai tôi rồi bước đi, đi thẳng không hề quay lại...

Trên con đường nghĩa địa, sớm mai đó, dáng dấp một sa-môn chậm rãi bước đi, xa dần, nhỏ dần... rồi nhòa tan vào sương mù phía trước. Hình ảnh ấy, một lần thôi mà mấy chục năm sau trong tâm tôi vẫn còn hiện rõ.

Tạo bài viết
30/04/2019(Xem: 7195)
04/05/2015(Xem: 11483)
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.