Điên chữ

05/05/20159:39 SA(Xem: 5701)
Điên chữ

ĐIÊN CHỮ

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Người đàn ông ốm xanh, tóc rối bù ngồi trong chiếc giường tối, hai mắt sâu hoắm nhìn bất động một vật gì phía trước. Căn phòng hẹp, trần thấp bằng carton vàng bám đầy bụi; sách vở, bút mực để bừa bộn, lỉnh kỉnh; tượng Phật Thái màu đồng hun lồng trong khung kiếng dựa lưng cuốn tự điển dày. Bên cạnh, một kệ sách to và dài quá cỡ đóng bằng gỗ tạp được chất lên đủ thứ đủ loại như một tiệm sách phố huyện miền quê. Trên đầu kệ, sát trần, nằm khoanh mấy cuộn giấy tròn, báo chí mọt gián phế thải; hai ống sáo nằm buồn phiền không có bạn tri âm; một khúc trầm hình dáng con cò (hay con hạc) đang ngửng đầu nhìn ngơ ngác bức tượng Đạt-ma bên kia tường đối diện được ghép bởi mấy thanh tre đen còn nguyên lá khô; một dấu hỏi to bằng phấn than ôm nửa thân tượng thả dài theo chân tường một cách mệt mỏi, rồi kết thúc bằng một dấu chấm đỏ được cắt từ nhãn hương. Đằng sau dấu hỏi, bằng các loại phấn màu, được vẽ nhỏ hơn, nhỏ dần là những dấu hỏi kéo dài đến vô tận. Cửa lớn nhìn ra vườn hoa phô lưa thưa mấy bụi tường vi điểm hoa màu hường và trắng khói; năm bảy chậu kiểng đứng và ngồi rải rác như vừa từ đâu đó về sau một cuộc tản cư...

 Buổi chiều vàng đục, mưa lay bay, gió lất phất. Thỉnh thoảng có chiếc xe hơi chạy qua con lộ dẫn vào thành phố. Tiếng máy phóng thanh trên mấy trụ đường vọng lại khi tục khi đoạn...

 Con chó vàng gầy ốm từ đâu đó chạy về nằm soải trước cửa, thè lưỡi, thở; những hạt mưa bụi dính lưa thưa trên lông không đủ ướt.

 - Quăng cục đá ra ngoài! Quăng cục đá ra ngoài!

 Tiếng người đàn ông từ bên trong vọng ra. Con chó giật mình bỏ chạy. Đến cổng ngoài, nó quay đầu lại, vẫy đuôi, ngơ ngác. Hồi lâu, con chó vàng đủng đa đủng đỉnh đi vào, đứng yên, nhìn bơ ngơ qua cửa. Có lẽ là thấy chẳng có gì nguy hiểm, nó lại nằm xuống, thè lưỡi, thở...

- Quăng cục đá ra ngoài! Quăng cục đá ra ngoài!

 Con chó vàng lại hối hả vọt chạy, vòng vào căn nhà bên sau. Gần cánh cửa, bên ảng nước, một người đàn bà trẻ, tóc ngắn, vận chiếc áo cánh bông nội hóa đang giặt áo quần trong chiếc thau nhôm; vòi nước được mở ra từ chiếc bể cạn đậy bằng hai tấm tôle, tiếp giáp là bức tường vôi xám cao ngút mắt. Mây mỏng bàng bạc cả trời. Hình như có tiếng thở dài rất khẽ của thiếu phụ hoặc là tiếng xào xạc của lá bởi luồng gió nhẹ vừa thoảng qua. Thiếu phụ lấy vạt áo dụi mắt, những sợi tóc mai vương rối loạn trên gò má xanh. Con chó vàng đứng đó đã lâu, lặng lẽ, bây giờ nó bước tới lấy đầu dụi dụi bên lưng thiếu phụ.

 - Đi ra.

 Thiếu phụ quát khẽ, lấy cùi chỏ hất đầu chó rồi nghiêng chân đá con chó một phát! Chó kêu ăng ẳng, ngơ ngác một hồi rồi cong đuôi chạy ra lối cũ. Một nhà sư trạc ngoài tam tuần, to lớn, da ngăm đen, khoác chiếc y màu hung sẫm, bước vào với những bước dài. Con chó vàng lại thụt lùi vào cửa, gầm gừ...

 - Chà! Sư! Thiệt là lâu ngày!

 Tiếng nói loáng thoáng niềm vui. Thiếu phụ rửa vội tay rồi đứng lên, nụ cười duyên dáng làm cho đôi má xanh chợt ửng hồng. Nhà sư đứng dựa bên ngoài cánh cửa, bát mang trên vai, mưa lấm tấm từng hạt bụi trên y. Con chó vàng đưa mũi hửi đôi chân đất lấm bùn của khách lạ.

 - Chào chị! Hai cháu đi đâu cả mà không thấy hở chị Hạc?

 Thiếu phụ mang ra chiếc ghế đẩu đặt dưới hiên, dáng dấp nhanh nhẹn và dịu dàng.

 - Các cháu bị bà ngoại bắt cóc hết rồi sư ạ! Tiếng nói, hơi thở, ánh mắt của thiếu phụ như xoắn vào nhau - Mời sư ngồi. Ngồi tạm đây một chút cái đã! Chà! Bả nói, bọn bây có nuôi nổi cháu tao không, nhà quê cơm liền kiềng, cá lan can mà còn có chất cám, chất đạm, bảo đảm săn thịt, chắc xương đó nghe! Thiếu phụ cười nhỏ - À, nhà sư đi đâu mà chẳng có dù, có áo chi hết trơn hết trọi vậy?

 Nhà sư ngồi xuống ghế, tháo bát để trên chân, tiếng nói ồm ồm như lệnh vỡ:

 - Anh Hạc trở bệnh bao lâu rồi chị?

 - Dạ, đâu chừng mươi hôm - Thiếu phụ thở ra, ngồi ghé nơi bục cửa, mắt nhìn ra xa. Một cây đầy hoa tím đong đưa đầu ngõ. Con chó nằm lặng lẽ bên chân - Từ hồi năm ngoái tưởng đâu là lành hẳn luôn, ai ngờ!

 Tiếng máy phóng thanh từ đường vọng lại... bội thu, năng suất, vượt kế hoạch, vượt chỉ tiêu... Một cơn gió gỡ hai ba chiếc lá vàng ném xuống sân trước. Hai con chim mỏ đỏ sà xuống vườn hoa. Thiếu phụ ngồi ôm gối. Hình như trên mặt nàng có rây một lớp bụi thời gian, vàng xanh và mệt mỏi...

 - Quăng cục đá ra ngoài! Quăng cục đá ra ngoài!

 Tiếng người đàn ông lại vọng ra, rõ mồn một.

 - Đó, đó! Thiếu phụ nhìn nhà sư - Chẳng biết cái cục đá nào mà ảnh đòi quẳng miết!

 Nhà sư nhíu mày. Có tiếng gà gáy ở xa xa, tiếng xe động cơ nổ rồi sau đó, tiếng chuông nhà thờ đổ hồi. Mưa lay bay, trời mát dịu.

 - Anh Hạc có nhớ chi không chị?

 Có cái gì long lanh trong mắt của người thiếu phụ.

 - Hôm bà ngoại lên, thiệt lâu ảnh mới nhớ. Má, má, quăng cục đá ra ngoài!

 Thiếu phụ cười khẽ, man mác, xoa xoa hai cánh tay để trần, gầy guộc trắng.

 - Mấy lúc này sư ở đâu?

 - Dạ, lúc này ít đi đâu được. Từ hồi về quê đến giờ chỉ có việc cuốc đất trồng khoai, trồng rau thôi; lại có phụ thêm cái nghề thầy thuốc, châm cứu và trồng thuốc nam. Bệnh nhân họ quẩn bên chân chị ạ. Vả lại, giấy tờ, xe cộ...

 - Dạ, hèn gì lúc này trông sư như ông lực điền, hồi xưa nho nhã...

 Nhà sư cười dòn:

 - Tôi mà nho nhã... Hồi ở Đại học Vạn Hạnh, quý vị đã không chọc ghẹo tôi là ông nhà quê một cục, một hòn đó sao?

 Thiếu phụ cũng cười:

 - Nhưng sư được mọi người tin cậy. Kính mến và tin cậy. Ngay chính anh Hạc, ảnh điên vì chữ nghĩa, nhưng hễ cứ gặp sư, ảnh lại tỉnh.

- Tỉnh chút ít rứa thôi! Nhà sư lắc đầu - cái bệnh ấy... khó lắm!

 - Ảnh nói - Một câu hỏi, không giải mã được, đã điên rồi, huống hồ lại trùng trùng câu hỏi. Ôi, nhức cái đầu quá, nhức cái đầu quá!

 - Tôi hiểu, tôi biết! Nhà sư gật đầu nhẹ.

 - Anh Hạc nói, quăng được một cục, cuộc đời lại nhét vô thêm hai cục, ba cục. Giải quyết được một câu hỏi, cuộc đời lại tròng thêm trăm câu hỏi, ngàn câu hỏi...

 - Tôi hiểu, tôi biết!

 Nhà sư lại đáp như cái máy, nhưng bây giờ lại có vẻ đăm chiêu, ba vệt nhăn cắt ngang vầng trán thấp. Có người khoác tơi bị thập thò bên ngoài cánh cửa, con chó vàng chồm ra, sủa inh ỏi.

 - Quăng cục đá ra ngoài! Quăng cục đá ra ngoài!

 Nhà sư nói:

 - Chị cho phép tôi lên thăm Hạc...

 - Sư có việc gì đâu mà vội. Một thân, một mình. Biết vậy, hồi xưa tôi cũng đi tu quách, giải thoát cái sự đời!

 - Hồi xưa, ai cũng nói hồi xưa! Nhà sư cười thành tiếng - Hồi xưa thì ai cũng dại, hồi nay thì ai cũng khôn!

 Thiếu phụ nói như nguýt sau đuôi mắt:

 - Thôi mà sư, nhạo chi tội!

 - Ai cũng nói, giá mình được bắt đầu lại, giá mình được chọn lựa lại, sắp đặt lại, chị có thấy như thế không?

 - Dạ, thấy chứ, thấy mà cũng chịu. Lỡ rồi!

 - Mà ví dầu có chọn lựa lại thì một lúc nào đó, người ta cũng nói rằng, không, vậy là không được, phải bắt đầu lại, phải lựa chọn lại nữa. Hóa ra ai cũng có hai ba cuộc đời chứ không phải một!

 Nhà sư nói như có nụ cười trong ánh mắt.

 - Dạ! Nếu hồi xưa ai mà nói vậy chắc tôi không tin. Tưởng rằng nó sẽ khác đi!

 Giọng thiếu phụ như cơn gió heo may, thoảng lạnh rồi xa!

 Im lặng.

 - Thế ra chị vẫn còn băn khoăn về cái gọi là mệnh số đời người! Lẽ ra chị phải thấy rồi chứ!

 Thiếu phụ ra chiều tư lự, nhìn mấy ngón chân gầy xanh, sau đó, xoè bàn tay ra, nhìn những đường vận số giăng mắc chi chít như mạng nhện rồi khẽ nắm lại.

 - Thôi thì cứ sống vậy, ngơ ngơ ngác ngác mà sống chứ không còn biết thế nào nữa cả.Sự trục nhãn tiền quá, lão tòng đầu thượng lai!

 Thiếu phụ cười. Nhà sư cũng cười:

 - Cử nhân văn khoa có khác!

 Nhà sư đứng dậy:

 - Một năm thì có bốn mùa, thời tiết theo đó mà thay đổi, thay đổi nào cũng tự nhiênhợp lý. Đời người gẫm ra rồi cũng vậy. Chị nên để ý đến sức khoẻ, cho Hạc và cho mấy cháu.

 - Dạ!

 - Quăng cục đá ra ngoài! Quăng cục đá ra ngoài!

 Nhà sư bước lên nhà trên. Thiếu phụ đi vào bếp.   

 Trong phòng, người đàn ông ngồi trong tư thế đầu cúi xuống, hai cánh tay bỏ thõng, tóc rũ che nửa khuôn mặt. Nhà sư đặt bát bên góc bàn rồi mở tung tất cả các cánh cửa, đến ngồi bên cạnh người đàn ông, ôm vai y, yên lặng. Tiếng con thạch sùng chắt lưỡi trong hóc tường.

- Anh Hạc! Anh Hạc!

 Nhà sư cất giọng lớn, lay gọi. Hồi lâu, người đàn ông ngửng đầu lên, nhìn, đôi mắt vô hồn.

   - Hạc! Hạc! Y lắp bắp rồi vung nắm tay về phía trước: Quăng cục đá ra ngoài! Quăng cục đá ra ngoài!

 Nhà sư khẽ thở dài, vuốt lại mái tóc cho người đàn ông; lát sau, đi về phía bàn viết, vô tình lật tới lật lui mấy quyển sách trên bàn phủ đầy bụi. Một trang giấy rời chợt rớt ra. Nhà sư lượm lên, đôi mắt đột nhiên nhìn đăm vào đó.

 Nhà sư kéo ghế ngồi. Ở nơi trang giấy thứ nhất có hàng chữ viết bằng bút nguyên tử đỏ: “LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUĂNG CỤC ĐÁ ẤY RA NGOÀI THẾ GIỚI?????” Trang giấy thứ hai được chép bằng mực đen, chữ nguệch ngoạc như gà bươi, như sau:

 -“ Tại sao cái ách trên cổ trâu?

 Tại sao con ngựa lại đóng móng chân, đeo hàm thiếc?

 Tại sao người ta lại xua đuổi đàn cừu vào thảo nguyên?

 Tại sao Chúa bị đóng đinh? Cứu chuộc loài người hay bị loài người cứu chuộc?

 Tại sao đức Phật thuyết pháp bằng chữ, bằng lời? Lại nói về cái gọi là như chân như thực?

 - Nếu như thực là như thực thì xin thưa với Đức Như Lai Thế Tôn rằng, tại làm sao thằng cha hoạ sĩ Văn Hữu Đá kia lại vẽ cục đá có rêu trong mấy bức tranh thuỷ mặc lẩm ca lẩm cẩm của hắn? Cái đó là như thực hay không như thực? Và, tại làm sao mà trong cõi lòng đen đúa nặng nề hôi hám cầu xí chuồng phân của đệ tử lại nhiều cục đá lắm vậy, quăng hoài nó không hết? Vậy thì cục đá của họa sĩ Đá, cục đá trong bài thơ của nhà sư tu hú và cả cái đống đá nguyên xi không rêu của đệ tử, là một chăng? Là không một chăng? Quăng cục đá ra ngoài!”

 Ở nơi góc cuối là bức tranh một cục đá với mấy nét phác thảo dị giản bằng mực tàu, dưới có chua mấy hàng chữ:

 - “ĐÁ KHÔNG RÊU, nghĩa là: Đá nguyên xi, đá niết-bàn, đá bổn lai diện mục, đá nhất nguyên, đá tuyệt đối, đá chân như... ĐÁ CÓ RÊU, nghĩa là: Đá suối khe, đá trầm luân, đá sinh tử, đá tục lụy... Và do đó: đá đả đảo, đá đùng đùng, đá đong đưa, đá đỏng đảnh, đá đả đớt, đá điên đầu, đá đắm đuối, đá điên đảo, đá điêu đứng, đá đông đoài, đá đông độ... Tại sao đá? AI LÀ ĐÁ, NGÀN NĂM SAU SẼ HIỂU! Quăng cục đá ra ngoài!”

 Nhà sư bỏ tờ giấy xuống bàn, bần thần nghĩ ngợi...

 Một người đàn ông đội chiếc nón găng rộng vành, vai mang một chiếc đãy to, bước ào vào cửa cuốn theo một làn hơi lạnh.

 - Họa sĩ Văn Hữu Đá! Nhà sư reo nho nhỏ.

 - A, trời đất, đại huynh! Y quăng cái nón vào góc, bỏ đãy xuống bên chân, tháo áo mưa mắc lên giá, hai tay vuốt vuốt mái tóc - Đệ vừa ở rừng về, trời ơi, chúng đệ vừa lập xong một thảo am thơ mộng, cạnh một dòng suối thơ mộng, những gốc cổ thụ bám đầy phong lan và rêu xanh thơ mộng. Thơ mộng và thiên cổ. Đệ có bảo thằng đệ-tứ-tà vân hành xuống nội kiếm đại huynh; thứ nhất là báo cáo công trình một đời, hai là xin đại huynh bố thí xăng nhớt. Ai ngờ đại huynh lại vào đây. Kẻ rừng xuống nội, kẻ nội vào thành. Đi lạc lung tung, vui dữ!

 - Quăng cục đá ra ngoài! Quăng cục đá ra ngoài!

 - Quăng đi đâu được - Văn Hữu Đá nói - Ông mà có quăng, có vứt, thì cái quăng, cái vứt ấy cũng là cục đá đó thôi!

 Họa sĩ kéo ghế ngồi. Nhà sư nhìn người bạn vong niên: Y không thay đổi gì nhiều, chỉ có tóc và râu là dài hơn thường lệ; một chút an ổnthoải mái toát ra nơi dáng ngồi hờ hững, nơi đôi mắt sáng và nụ cười đầy tự tin.

- Bạn có biết là Hạc trở bệnh chứ?

- Biết, có biết từ tuần trước!

- Thế họa phẩm lớn đến đâu rồi?

- Rồi, xong rồi!

 Họa sĩ quăng gói thuốc Hậu Giang lên bàn, móc ở túi áo trên một điếu thuốc 555, mời:

 - Đại huynh hút?

 - Cảm ơn, bạn cứ tự nhiên.

 Họa sĩ cười, châm lửa, hít một hơi sâu và không thở khói ra, khói đã mất tích đâu đó trong buồng phổi của hắn. Họa sĩ lim dim mắt, ngón tay gõ gõ lên bàn, lại vuốt tóc. Chợt y đứng bật dậy, lôi bên trong đãy ra một cuộn giấy, trải ra bàn, giọng háo hức, dồn dập:

 - Nếu nghệ thuật trong cõi sơ huyền chỉ có một mảnh trăng non duy nhất, thì nghệ thuật của thời khuyết nguyệt cũng chỉ có một mảnh trăng non duy nhất. Giữa khép mở của hai cực tạo nên mối khốc liệt trần gian - là vì con người không nhìn thấy sự bất động duy nhiên giữa mọi hiện tượng, của mọi hữu tồn cá biệt. Cái cao tột và thâm viễn của nghệ thuật là phải đẩy tâm thức người thưởng ngoạn vào cõi sơ khai, huyền tính; ở đó là điểm bất động của không thời gian - khi chưa phân ly, chưa thoái hóaxung đột. Phân ly, thoái hóa, xung đột bắt đầu từ khi nó từ chối sơ huyền để tìm về khuyết nguyệt. Giải thoát, chính là ở cái sát-na kỳ ngộ ấy, khi mình nhìn ra cái nguyên thủy của chính mình, cái quê hương mà mình thường trực chối từ!

 Hoạ sĩ Văn Hữu Đá nói một hơi rồi đưa tay chỉ vào bức tranh:

- Đại huynh coi! Tác phẩm này là duy nhấttối thượng, nó vượt bỏ mười ngàn năm nghệ thuật thế giới, vượt bỏ mười ngàn trường phái cổ kim... hề, hề! Đại huynh thấy chưa? Hề, hề! Giây phút này chính là giây phút gặp gỡ của vô cực! Hề, hề! Một triệu ngôi sao đã vỡ giữa trời cao! Hề, hề! Thế giới này sẽ tịch diệt khi họa phẩm thiên tài này ra đời, hà, hà!

  Hoạ sĩ cười sảng khoái, bộ râu mép lưa thưa không ngừng nhúc nhích, đôi mắt y nheo lại sau làn khói thuốc. Nhà sư đứng dậy nhìn bức tranh, lâu lắm, không nói gì!

 - Quăng cục đá ra ngoài! Quăng cục đá ra ngoài!

 - Quăng đi đâu được - Họa sĩ nói - cục đá là cục đá thôi. Thế nào đại huynh? Có phải thiên cổ không?

 - Thiên cổ!

 - Hay! Phải thế chứ!

 - Nhưng mà...

 - Ồ, đại huynh cứ nói, cứ phê, cứ tuốt luốt, cứ thẳng đuột...

 - À, thì tôi nói, tác phẩm của bạn trông na ná tác phẩm của Hạc, không khác gì!

 Nhà sư lấy trang giấy có mấy nét phác thảo cục đá của Hạc cho hoạ sĩ xem. Y la lên:

 -A, kỳ không! Trong cơn điên, Hạc mới tỏ lộ được thiên tài. Còn đệ, đệ có thể đạt được nó với cái tâm bình thường. Bình thường thức, bình thường ý, bình thường cọ, ghê không!

 Nhà sư cất giọng chậm rãi:

 - Tôi bây giờ đã thật sự hủ lậu và quê mùa rồi, không còn kham nổi ngôn ngữ thiên tài của bạn nữa. Nói cụ thể, và là cái cần nói hôm nay, là về cục đá, cũng là căn bệnh của Hạc. Tôi có nghiên cứu về y đạo, y thuật, tôi biết, Hạc trở bệnh nặng, nó có liên hệ từ tác phẩm đá của bạn đấy!

 - A! Đúng là lời buộc tội ghê gớm!

 - Không ghê gớm lắm đâu, vì đó dường như là sự thực. Cái cục đá như thực, không rêu của Hạc và cục đá như thực, không rêu của bạn lẽ nào là sự ngẫu nhiên!

  Hoạ sĩ có vẻ trầm ngâm, y với tay lấy gói thuốc Hậu Giang, hút rồi nhả khói mù mịt.

 - Ồ, có lẽ có. Đệ và Hạc quả là đã tranh luận với nhau không phải chỉ vài ba lần. Mà mãi, luôn luôn, về cái như thực ấy, về cái bổn lai diện mục ấy!

 Im lặng khá lâu giữa hai người.

 Thiếu phụ bưng khay trà lên. Trà Mai Hạc có hãm bông tường vi, thơm nhẹ và ấm cúng.

 Họa sĩ chợt tằng hắng, đọc:

 -“ Cục đá trong lòng ù lì, tráo trở

 Cục đá bên ngoài rêu xanh mấy độ

 Nặng trầm luân, sinh tử đã ngàn năm

 Biết bao giờ hóa ngọc, thành trăng! ”

 Rồi nói: Thế còn cục đá của đại huynh trong bài thơ ấy phải giải thích làm sao, hở?

 Nhà sư cười nhẹ:

 - Ừ, phải rồi, cũng được! Chính những cục đá ấy - những cục đá bên trong và bên ngoài thế giới - những cục đá giữa chúng ta...

 Họa sĩ cười sảng khoái:

 - Tốt! Y búng ngón tay một cái tróc - Luận đề về cục đá, luận án cục đá, hay lắm!

- Bạn đừng nhạo tôi!

- Không dám!

 Hạc trên giường chợt bước xuống, đứng dậy đi mấy bước, vung nắm tay về phía trước, dõng dạc:

 - Quăng cục đá ra ngoài! Quăng cục đá ra ngoài!

 Họa sĩ nhại theo:

 - Vứt thằng Đá ra ngoài! Vứt thằng Đá ra ngoài! Chi được! Vứt thằng này ra ngoài thì trái đất tan thành bảy mảnh còn gì!

 Thiếu phụ chạy tới dìu Hạc ngồi lại chỗ cũ, lấy thuốc trên bàn mồi cho y một điếu. Hạc thở khói với đôi mắt lờ đờ. Trời vàng tối hắt bóng đêm vào phòng. Thiếu phụ bật đèn.

 Nhà sư đặt bức tranh trước mặt họa sĩ:

 - Bây giờ bạn hãy nhìn lại bức tranh của mình, bạn thấy gì?

 - Thấy cái chân không - Họa sĩ nói, không cần nhìn - giả tỉ còn để lại khái niệm thì chỉ là một tảng đá không rêu, một vật thể đúng nghĩa nguyên thuỷ. Và ban sơ!

 - Ồ, đúng lắm! Và như vậy có nghĩa là gì?

 - Than ôi! Chẳng có nghĩa lý gì ráo trọi!

 - Có đẹp không?

 - Than ôi! Nếu nói đẹp thì hoá ra xúc phạm nghệ thuật quá đi.

 Nhà sư gật đầu:

 - Đấy là điều mà bạn bảo là duy nhấttối thượng, là vượt bỏ mười ngàn năm nghệ thuật thế giới, là mấy triệu ngôi sao đã vỡ giữa trời cao! Ôi! Và đấy cũng là điểm cùng đích tuyệt vời của nghệ thuật, đạt cái bổn lai diện mục của vật thể, cái ù lì nguyên sơ chưa sinh hóa!

 - Không chối cãi!

 Họa sĩ đứng lên rồi lại ngồi xuống. Nhà sư nhìn đăm vào mắt bạn:

 - Đấy là lằn mức cuối cùng mà nghệ thuật phải tự hủy chính mình để nhảy vào thái hư. Hình tượng trên tác phẩm cuối cùng của bạn chứng tỏ gì? Chứng tỏ nghệ thuật đã chết!

 - Phải rồi, không sai được!

 - Và khi ấy, người ta còn gọi là nghệ thuật nữa chăng?

 - Chẳng thể. Cáo chung!

 Nhà sư chậm rãi nói:

 - Bạn đừng mong rằng nghệ thuật là để diễn đạt tư tưởng, nhất là tư tưởng kiêu kỳ và thâm viễn của bạn. Tư tưởng muôn đời là cái tranh chấp, xung đột và ly tán. Nghệ thuật là cái đẹp vô biên giới, ở ngoài khách quan và chủ quan, chỉ để nhìn ngắm và cảm nhận vô ngônTư tưởnglý trí và tế bào não. Nghệ thuật là con tim và cảm xúc. Và hết. Nên tách lìa tư tưởng và nghệ thuật, vì dầu sao, chúng có hai giá trị tương biệt.

 - Đệ hiểu chứ - họa sĩ nói - tuy quan niệm về nghệ thuật của đại huynh hơi lạc hậu, nhưng tuyệt đối tư tưởng không giải quyết được gì cho thế gianthế giới. Chỉ là trò hý lộng mơ màng và lênh đênh. Là cuộc chơi hào hùng lê thê và buốt giá. Là tiếng cười cao đại và hoằng viễn của hư vô và ngu si! Khán giả đã ra về hết rồi, hãy hạ màn đi thôi, tư tưởng ạ!

 Nhà sư nhíu mày:

- Bạn biết rất rõ thế, tuy rất rõ với nghĩa võ đoán, vu chụp, cực đoan - nhưng tại sao bạn vẫn cứ mãi chơi cái trò điên chữ ấy?

- Phải, điên chữ, đại huynh nói đúng! Vì ở đâu, lúc nào cũng gặp những cục đá ù lì đáng ghét. Cái tụi sống trong thế giới vật chất đầy lông lá tiền sử đó mà!

- Tôi hiểu. Tôi biết - Rồi nhà sư nói khá nhiều, trong giọng nói hình như có sóng biển khơi mùa hạ, tiếng cơn gió phiêu lãng thổi qua hàng phi lao, tiếng còi tàu rúc lên từ các ga khói mù thiên lý - Bạn ạ! Từ lâu, Hạc bị vây bủa trong những câu hỏi mà chưa bao giờ Hạc hy vọng giải đáp nổi. Hạc bị tổn thương trầm trọng từ những như thực oái ăm và thống khổ của trần gian. Hạc đồng ý tất cả với bạn về những cục đá bên trong và bên ngoài thế giới. Tất cả, tất cả, Hạc chấp nhận như tiên thiên, nhưng mà, tự nơi con người trong sạchhiền lương của Hạc không ngừng kêu réo, bất lực trước sự nô lệcon người tự tròng lên đầu lên cổ mình và tha nhân, ngoại vậtTại sao cái ách trên cổ trâu? Tại sao con ngựa phải bị đóng móng chân và đeo hàm thiếc? Ai là kẻ cưỡng đoạt thế gian, thế giới để phụng sự cho mục đích nào đó của mình? Tại sao lại có các quan niệm hạnh phúc, hạnh phúc theo quan điểm của tôi chứ không phải quan điểm hạnh phúc của anh? Tại sao lại xua đuổi đàn cừu vào thảo nguyên? Mọi lý do, mọi nguyên nhân tôn quý và thánh thiện không lấp đầy những khốn nạn chung cùng. Điều này có lẽ bạn hiểu rõ hơn tôi. Nếu đấy cũng là như thực thì mỉa mai và chua xót cho chúng ta biết bao nhiêu? Những bất công của trời đất, những nọc độc của rắn, những móng vuốt của chó sói - cũng trở thành như thực mất rồi! Hoàng hôn của mọi giá trị đã bao phủ thê lương lên nghĩa địa này, hoang mộ này; sóng ngầm đã vỗ tự lòng sâu của quả đất, sự hủy diệt nay mai của con người đã ứng trên những điềm triệu, mà than ôi, chúng ta đều là kẻ thấy trước. Thấy trước và bất lực một cách yếu hèn. Hạc bất lực trong cơn điên thầm lặng. Còn bạn thì đi tìm sự giải thoát trong tác phẩm không chữ của mình. Nhảy vào tác phẩm và tìm một vài phút giây kênh kiệu tự mãn là cứu chuộc thế giới rỗng không và bất toàn này!?

- Ôi, quả thật là hư vô! Đại huynh thấm thía cái hư vô còn hơn cả đệ và Hạc nữa!

 Nhà sư giọng chùng xuống:

 - Tôi là một nhà sư tầm thường, dẫu các bạn hay nhạo tôi là tu tu hú, nhưng tôi biết chắc, tôi không bỏ cuộc, không đầu hàng hư vô. Dẫu chỉ còn một chút hơi thở và sự sống, tôi cũng gieo một hạt cải, trồng một cây táo; và nhất là biết sống như thực với lòng mình, không giả vờ, không che dấu, ngụy trang... Cuối cùng nữa, là không để cho những ngã ái, ngã kiến - những cục đá kiên cố, trơ mốc, ù lì, nặng nề thường làm cho chúng ta nghiêng lệch cán cân trung hòa tâm nội. Cục đá trong bài thơ của tôi là như thế.

 Họa sĩ Văn Hữu Đá thở dài:

 - Thôi, hạ màn tất cả những vai diễn, đệ sẽ đốt tất cả tác phẩm, về rừng cuốc núi làm rẫy chơi…

 Căn phòng chợt yên lặng. Tiếng phóng thanh lại nổi lên... tăng gia, sản xuất, đánh thắng đói nghèo... Gió thổi vù vù qua cửa, hình như mang theo rất nhiều lá khô... Thiếu phụ khẽ thở dài.

Người đàn ông cất giọng dõng dạc:

- Quăng cục đá ra ngoài! Quăng cục đá ra ngoài!

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/04/2019(Xem: 6581)
04/05/2015(Xem: 10707)
06/01/2020(Xem: 2708)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.