Phượng Các

06/01/20204:55 CH(Xem: 2707)
Phượng Các

PHƯỢNG CÁC
hoàng minh uyên
(Nakashima Okitamiu)

    Phượng CácĐoàn người, ngựa xa giá đến núi Yên Tử trời cũng vừa hừng sáng. Công chúa Huyền Trân cho gọi viên Tướng chỉ huy hàng quân, bảo dừng chân đóng trại đợi nàng. Huyền Trân không muốn cảnh huyên náo làm khuấy động đến đời sống thanh tịnh của Phụ Hoàng đang ẩn cư nơi chốn thiền lâm sớm hôm đạm bạc và thanh tịnh… Đã hơn một năm qua Huyền Trân nhớ Cha, nàng muốn đến thăm thỉnh an người. Nhưng ngại nỗi quan quân phải bảo giá nhọc nhằn nên đành thôi vậy ! Nửa năm trước, phái đoàn Chiêm quốc mang rất nhiều lễ vật long trọng sang yết kiến triều đình, ngõ lời cầu hôn, hỏi nàng làm vợ đấng quân vương Jaya Sinhavarman III tức vua Chế Mân đang trị vì Chiêm quốc, một quốc  gia hùng mạnh tiếp giáp biên giới phía Nam của Đại Việt.

   Ý hẳn Trúc Lâm Đại Sư (Danh xưng của Vua Trần Nhân Tông) đã biết Huyền Trân sẽ đến chân núi Yên Tử vào buổi sáng hôm nay, nên ngài phái đệ tử xuống núi từ non một canh giờ để đón tiếp và đưa Huyền Trân lên đỉnh Yên Tử gặp người. Giữ lễ, Huyền Trân cởi đôi hài, lộ gót chân trần cao sang quí cách đẹp như đoá sen hồng thanh thoát  bước vào chánh điện, thắp hương đảnh lễ Tam Bảo với ba tiếng chuông  bon…bon…bon… vọng ngân nga như thức tỉnh vạn vật u tịch đã  chìm vào yên bình thanh tịnh bấy lâu… Nàng niệm Kinh tán thán Đức Phật bậc đại giác ngộ Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni) và liên tưởng đến phụ mẫu của nàng tại tiền cũng như Phật tại thế:

- Namo Buddhaya – Con xin thành kính đảnh lễ Phật Bảo bậc giác ngộ.
- Namo Dhamaya – Con xin thành kính đảnh lễ Pháp Bảo do chính bậc giác ngộ giảng dạy.

- Namo Sanghaya – Con xin thành kính đảnh lễ Tăng Bảo là những đệ tử xuất gia  đang tu hành hướng tới sự giác ngộ cao thượng noi theo giáo pháp của Đức Phật.

- Namo Tassa Bhàgàvato Arahato Sammà Sambuddhassa –  Con xin thành kính đảnh lễ Đức Phật bậc chánh đẳng , chánh giác do ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy.

    Tĩnh Ngạn, một tiểu tăng của Yên Tử Thiền Lâm chờ cho Công Chúa đảnh lễ Tam Bảo xong, bèn hướng dẫn Huyền Trân đi qua con suối nhỏ đến Phù Vân Am để thỉnh an Cha nàng. Trúc Lâm Đại Sư ngồi dưới mái thảo am lợp che bằng lá gồi đơn sơ, bên cạnh bộ trà, chiếc ấm đất vài sợi khói mỏng mảnh bay nhẹ toả hương thanh trà thơm dìu dịu… một chén tống vài ba chén quân song ẩm, tam tứ ẩm còn để không chưa rót châm trà. Huyền Trân tinh ý biết  Phụ Hoàng còn chờ đợi nàng để đối ẩm, hàn huyên sau bao tháng năm xa cách ! Khi Phụ Hoàng còn tại vị, Huyền Trân và cả triều thần đều biết ngài rất nghiêm chính, vị thế làm Vua là minh quân của nước Đại Việt nên cô thân độc kỳ quả nhân, khắc kỷ không bị nhân thế thường tình làm ảnh hưởng đến trí tuệ luôn cần đến sự Công -  Minh - Liêm - Chính để lãnh đạo Triều Chính, thiết kế phương lược bảo an sơn hà xã tắc làm thêm hùng mạnh, thịnh vượng cho nước nòi… Từ khi Phụ Hoàng nhường ngôi cho hoàng huynh Trần Anh Tôn lên kế vị, người xuất gia qui ẩn trên Chùa Đồng Yên Tử tuy xa cách dậm trường và ít khi Huyền Trân có dịp diện kiến Phụ Hoàng… Nhưng trong thâm tình Phụ Tử đã tự vơi bớt đi tính cách quân thần, Huyền Trân cảm thấy được gần Cha hơn và ngài đã khai Tâm, tạo phước duyên cho nàng được lãnh hội Phật PhápThiền Học của dòng phái Trúc Lâm, nét đặc thù tinh thần Phật Giáo Đại Việt cho dù Đạo Phật được du nhập vào nước ta do chính những nhà Sư đến từ Tây Trúc - Đông Độ và Bắc Phương truyền bá… Huyền Trân bước vào am rồi quì xuống lễ lạy Cha.

-  Kính Phụ Hoàng, con Huyền Trân xin đảnh lễ Phụ Hoàng…!

Trúc Lâm Đại Sư đưa tay thân tình mời gọi Huyền Trân và người đệ tử của Ngài đến ngồi trên tọa cụ.

-  Các con đến đây ! Huyền Trân, con gọi ta là Cha được rồi. Ta đã không còn là Vua của Đại Việt, hoàng huynh của con có đầy đủ đức tính của một Quân Vương và các quan phụ thần tài trí hộ chính sự… Ta yên tâm xã phú cầu thanh tịnh nơi Thiền Lâm… Các con không nhất thiết phải quá khuôn mẫu đa lễ, cho dù Lễ là đầu mối của tất cả nhân luân cương thường của Đạo làm người xử thế với nhau. Ta biết các con thật giữ nề nếp con nhà và Tình đã trong Thâm, Nghĩa đã trong Lễ… Ta xá lễ khuôn mẫu miễn cho các con được thư thái, giản dị và thân mật…!

   Nghe Cha dạy bảo…!  Huyền Trân chợt mơ ước mình được sống trở lại thời thơ ấu lên ba, lên năm… nũng nịu trong vòng tay yêu thương của phụ hoàng và mẫu hậu vào những ngày Lễ Chúc Thọ Gia Tiên, sinh hoạt Hoàng Gia thân mật thắm thiết thật là niềm vui rộn rã tiếng cười …!!! Nhưng hôm nay, nàng xa giá đến thăm Cha là cũng để thỉnh ý kiến của người về việc mai nầy nàng sẽ về làm Hoàng Hậu bậc mẫu nghi của trăm vạn thần dân Chiêm Quốc? Người đệ tử cáo lui. Chờ cho Huyền Trân uống cạn chung trà, Trúc Lâm Đại Sư chậm rãi nói:

-  Huyền Trân con, hoàng huynh Anh Tôn của con đã có trình và thỉnh ý Ta việc Quốc Hôn Sự của Đại Việt và Chiêm Quốc bởi hoàng tử Chế Mân nay là đương kim quốc vương Chiêm Thành với lễ vật đến cầu hôn xin cưới con về làm vợ…mà trước kia Ta có hứa ban hôn để kết tình Việt - Chiêm hoà bình hữu hảo…! Mặc dù phong hoá, nề nếp của Đại Việt ta, lẽ thường tình Cha - Mẹ định mối lương duyên, hôn sự cho hậu sinh… nên bậc Phụ - Mẫu đặt đâu, con cái ngồi đấy ! Nhưng cũng không phải vì vậy mà lạm quyền, câu nệ thói lề, lệ xưa quên điều nhân áiép uổng, gả bán con mình…!

   Huyền Trân nghe Cha gia huấn dạy bảo như tâm tình ! Nàng cảm thấu tấm lòng trời biển bao la từ tâm của Phụ - Mẫu đang luân lưu trong huyết quản… và an tâm vơi bớt nỗi niềm bi quan, tự ti mặc cảm bản thân làm món quà trao đổi của triều đình để đổi lấy hai Châu Ô - Lý ! Trúc Lâm Đại Sư nói tiếp:

-  Huyền Trân, con là máu huyết da thịt của Cha - Mẹ ! Có bậc sinh thành nào mong muốn cho con cái của mình sống đau khổ chứ ? Hơn thế nữa tâm của Cha đã hoà cùng nhịp sinh tử với toàn thể con dân nước Đại Việt… hà tấc gì Ta nỡ đặt con vào trạng huống phải hy sinh cho mưu đồ chính trị để thu lấy đất đai của Chiêm Quốc, cho dù đấy cũng là một giải pháp tốt được mở mang bờ cõi ở thế hoà bình mà không cần phải hao tốn xương máu con dân nước Việt hy sinh trên chiến trường…!

   Ánh mắt của Trúc Lâm Đại Sư hướng nhìn xa xăm như đến tận chân trời… Ánh nắng non buổi sáng tươi như lụa mới và hơi sương rừng man mát len lỏi mái tranh. Ngài đưa tay chỉ phía hồ ở khoảng sân trước Phù Vân Am, những chiếc lá xanh to bản, vài hoa sen nở sớm khoe sắc hồng mơn mởn như nét chấm phá trên mặt nước biếc lăn tăn gợn sóng nhỏ phản chiếu ánh nắng long lanh… Người nói tiếp:

-  Con có thấy đoá sen nở ở hồ Tịnh Tâm kia không ? Trước đây nó chỉ là hạt sen, Ta gieo ở đáy hồ, hạt hấp thụ trương nước, nẩy mầm trở thành cọng sen lớn dần theo thời gian, nở nụ khai hoa, kết hạt trong gương đài rồi khô héo tàn phai… lại rơi rụng những hạt khô rớt xuống đáy hồ…và lập lại tiến trình sinh hoá tiếp diễn… Đời sống của con người và mọi vật… nếu đã mang lấy hình tướngsắc pháp hữu vi đều không thể tránh thoát lý vô thường: luôn biến đổi để trở thành hình thể mới, rồi hư hao, hoại diệt trong tiến trình: thành -  trụ - hoại -  diệt, bản chất vốn là “không” hay:  thành -  trụ -  hoại -  không tương tự như chưa từng có gì là tự ngã… Dòng sinh - tử trôi lăn triền miên không biết đến bao giờ mới tận…? Trên lối đi đến đây, con đã dẫm qua dòng suối Thanh Lương uốn khúc ngoài kia. Bây giờ nếu con trở lại nhìn, cũng vẫn là con suối ấy, nhưng cát đã trôi, nước đã chảy qua… Thực chất dòng suối cũ không còn, suối đang đổi mới với từng sátna thời khắc…! Những gì hiện hữu đã là quá khứ... và cho dù kiếp người tạm bợ ngắn ngủi như bóng câu qua cửa ! Đời sốngý nghĩa hay không là do ở ta làm nên công đứcích lợi để lại hậu thế mà thôi.

Huyền Trân lắng nghe Cha nói. Quanh Phù Vân Am có tiếng suối chảy rì rào… Trúc Lâm Đại Sư nhìn tận mặt con và nói tiếp:

-  Trong nhân duyên của người thế tục, con là cành vàng lá ngọc của Cha - Mẹ mà cũng là con dân của nước Đại Việt, hấp thụ khí thiêng sông núi… nên tư chất đỉnh ngộ, tú lệ, thông minh… Nước ta hiện binh hùng, tướng thao lược… đã bao phen đánh đuổi giặc Nguyên và thảo phạt Chiêm Thành mở mang bờ cõi rộng đến phương Nam. Thế của nước ta đang thời hùng mạnh trội vượt hơn Chiêm quốc. Nay Chế Mân đem hai Châu Ô - Lý làm quà sính lễ không phải là vật trao đổi để mua chuộc, gả bán con gái ta Huyền Trân Công Chúa, mà chính phát xuất bởi lòng hâm mộ của thần dân và vương triều Chiêm Quốc tiến cử, hiến dâng đến với trái tim của Huyền Trân là nhịp thở của quốc hương Phượng Các Đại Việt. Chính con sẽ đem nét đẹp của văn hoá Đại Việt mà làm cộng sinh phong phú, tô điểm cho Chiêm quốc thêm tốt đẹp hài hoà…!

   Huyền Trân nhìn ra ngoài hiên. Nắng đã lên cao trên ngọn trúc, những con bướm nhiều mầu sắc huê dạng bay lượn ve vãn cành phong lan có nụ mới nở buổi sớm nay. Trúc Lâm Đại Sư nói tiếp:

-  Huyền Trân, … con là Công Chúa của Hoàng Triều Đại Việt cao sang và quí hiển, nhân cách phi phàm, kinh thư thông học, uyên bác, thuỳ hạnh, đức độ hơn người… Thân thế của con không phải giống như phi tần Chiêu Quân bị bỏ quên trong cung tài nhân, phút chốc cần thiết được rửa chân, ban bố xiêm y, trang sức rồi tống tiễn đem cống cho vua Hồ háo sắc ở thế bạo cuờng mà người đời thương cảm mỉa mai…!

-  Thưa Cha, con hiểu ý Cha dạy…!

   Trúc Lâm Đại Sư đưa tay cầm lấy chiếc ấm đất rót đầy chung trà… để nước chảy tuôn tràn đầy sóng sánh đổ thấm ướt khai trà… !

-  Huyền Trân con thấy không ? Thành kiến và lòng tự hào hiểu biết của kẻ phàm phu ví như chung nước đầy nầy, không thể châm thêm và dung chứa được những gì mới nữa ! Người Đại Việt ta bởi hùng cường và có nền tảng Văn Hoá trội vượt qua phong cách sinh sống và mặt tầng xã hội hơn lân bang cận kề… Nên sinh thói ngã mạn, không xem trọng người Chiêm, tương tự như người Hán, Nguyên - Mông phương Bắc gọi chỉ danh nước ta là Nam Man vậy ! Thật ra cùng là đồng loại, phải nên trân trọng hoà ái với nhau mới đích thực là lý tưởng ! Trước kia Cha có đến Chiêm Quốc nghị sự và nhận xét: Dân tộc Chiêm hiền lành, hiếu hoà có văn hoá, nghệ thuật không thua kém ta, tâm hồn họ dễ xúc cảm uẩn lương hoà điệu với tình cảnh thiên nhiên, thu nhận và kết tinh với học thuật xứ Tây Trúc - Đông Độ mà đặng nền âm nhạc phong phú, ca vũ diễm tình… Nhất là kiến trúc đền đài, cung điện nguy nga đồ sộ mỹ thuật... Chứng tỏ họ có trình độ số học am tường đáng để cho ta xét nét, tham cứu thêm học thuật xứ người, đãi lọc, bổ khuyết làm lợi ích cho dân ta, nước ta…! Riêng hoàng tử Chế Mân bấy giờ là một trang nam tử thông minh, quả cảm, có sở học nhân văn , binh bị lược thao, lãnh đạo, trị quốc  tài tình với tâm độ lượng từ ái… quả không thẹn là một đại trượng phu khí phách và cốt cách hơn người… Thật xứng đôi Long - Phuợng với Huyền Trân công chúa con gái Ta !

-  Cha quá khen con thôi…! Huyền Trân cảm thấy mình thu nhỏ, thơ dại như ngày nào còn là cô “Công Chúa Nhỏ” dễ thương trong vòng tay của phụ hoàng và mẫu hậu cưng chìu…!

-  Tiên Đế và những triều đại tiền nhân đã bao lần dẫn quân chinh phạt Chiêm Bang, xâm lấn đất đai họ và gây nên xiết bao giết chóc, huỷ diệt, đỗ vỡ tan nát… cho dân chúng Chiêm Quốc ! Ắt hẳn di hệ có nhiều mối cựu thù truyền kiếp…! Nay dịp may họ yêu quí Huyền Trân…!  Đây là mối duyên lành nhân ái hợp với nhân đạo. Con đẹp lại thông minh hiền đức… Nếu con ưng thuận về làm vợ của Chế Mân, mai sau sẽ là Hoàng Hậu Chiêm Quốc, một Hoàng Hậu nhân từ, biết đóng góp tài hoa phụ hệ giúp Chiêm Vương chính sự an bang trị vì, mưu cầu hạnh phúc cho thần dân… dụng tình thương của một bậc Mẫu Nghi Thiên Hạ làm xoá dịu, tan biến những oán thù của hai dân tộc Việt - Chiêm thật là phúc lợi cho quần sinh ! Ta đã truyền lệnh cho hoàng huynh của con cùng triều thần phải tôn trọng ý kiến và sự quyết định của con, vì đó là hạnh phúc của riêng con một nhân vị trong đời sống trần gian nầy và cũng là nét Văn Hoá của Đại Việt ta biết trân trọng Phụ Nữ. Do đó từ khởi thuỷ khai Quốc đến lập Quốc và mở mang bờ cõi đến nay đã có biết bao bậc Anh Thư - Liệt Nữ kỳ tài xuất thế đã đóng góp công sức, xương máu trong dòng sinh mệnh Lịch Sử Đại Việt và sẽ mãi mãi cho đến mai hậu…!!!

   Huyền Trân ngắm nhìn trên khuôn mặt của rắn rõi của Cha nàng, mặc dù nét phong sương với thời gian có nhiều giải dầu cho cảnh người tham Thiền áo vải đơn sơ trong thâm lâm chi hoang dã… dáng Đại Sư gầy hơn xưa ! Nhưng vẫn quắc thướt vững vàng cốt cách trẩm triệu của bậc Quân Vương, ánh mắt của Người bao dung toả tâm từ ái trải rộng khắp cùng, thấm nhuần đến ngàn cây ngọn cỏ, ôm ấp bao che hằng muông vạn con dân nước Đại Việt … Bóng người phủ dài cả dãy non sông hoa gấm mà tổ tiên đã đời đời bảo an gìn giữ… Nàng cảm thấy niềm an lạc thanh thản gởi cảm tình nương theo đám mây bàng bạc êm trôi bay về Chiêm quốc với đền đài tuế nguyệt và những thiếu nữ thanh xuân Chiêm trong y phục sắc mầu yểu điệu vũ Katê, dâng hương kỳ nam cúng nữ thần Thiên Y Ana (Inư Po Nagar, Mahishasuramardini Durga) linh hiển…! Trên đỉnh núi vừa vút bay lên một cánh Phượng Hoàng lưỡng xí xung vào khoảng trời xanh thăm thẳm còn vọng lại tiếng kêu lộng gió mây ngàn…

Vổ cánh nữa đi con !
Thăm Tam Thế còn gì ?
Hãy tha một cọng rơm về quê nhà xây tổ !
Một cọng rơm thôi,
Cũng là quá đủ
Cho mười phương đoàn tụ một nhà.
(Vỗ Cánh Hạc - MĐTTA) 

Xem thêm:
Am Mây Ngủ - Truyện Ngoại Sử Của Nhất Hạnh
Mối Tơ Vương Của Huyền Trân Công Chúa (Thích Như Điển)




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/04/2019(Xem: 6580)
04/05/2015(Xem: 10705)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.