Hai Mươi Bốn Giờ Làm Sư

06/02/201212:00 SA(Xem: 28423)
Hai Mươi Bốn Giờ Làm Sư

HAI MƯƠI BỐN GIỜ LÀM SƯ


japanese_monkTrọn một ngày làm nhà tu hành – ăn như sư, ngủ cạnh sư, thiền và đọc kinh cùng sư, lao động cùng sư. Có những lúc đã cảm thấy phát điên về sự chậm rãi trong hoạt động, sự khắc khổ trong cuộc sống. Nhưng cũng ngộ ra nhiều điều! Và 24 giờ đó quả là kinh nghiệm đặc biệt trong đời làm báo.

Vào những tháng đông đầu năm 1998, khi đang làm việc cho đài phát thanh NHK của Nhật Bản, tôi đề xuất chủ đề tôn giáo với mục đích giới thiệu đầy đủ hơn về các đạo tồn tại ở Nhật cho thính giả Việt Nam, bên cạnh Thần đạo đã được nói đến quá nhiều. Nhưng việc đi thực tế trong lĩnh vực này không đơn giản. May được một đồng nghiệp người Nhật tích cực tìm kiếm và phát hiện một ngôi chùa có thu nhận người nước ngoài. Mọi công việc thu xếp qua điện thoại và… email do người bạn Nhật đảm trách, và đúng ngày hẹn tôi khoác balô lên đường.

 

Chùa Hosen-ji – Chùa Bảo Tuyền – nằm ở thành phố Kameoka, tỉnh Kyoto, cách thành phố Kyoto 15km về phía tây. Ga tàu điện cách khá xa, taxi thưa thớt nên tôi buộc phải cuốc bộ khá dài, sau đó còn leo lên núi. 5 giờ chiều. Không khí thoáng đãng, phong cảnh yên bình. Trước khi bước qua cổng chùa, tôi hít một hơi thật sâu và cảm thấy tinh thần khoan khoái, không biết rằng sự khoan khoái sẽ biến mất sau nửa giờ.

Bước giới thiệu khá chóng vánh tại thư phòng đầy những sách về Phật giáo bằng tiếng Nhật và nhiều ngôn ngữ khác – Chà, đúng là một ngôi chùa Liên Hợp Quốc, tôi thú vị nghĩ thế. Rồi tôi được giới thiệu làm quen với các vị sư khác cùng những “Phật tử ngoại”, một đôi vợ chồng từ Đức, một anh chàng Thụy Điển cao lêu đêu tay luôn khư khư cuốn sách, một nàng tóc nâu nhỏ nhắn (không nhớ người nước nào) và hai thanh niên người Nhật nhà gần chùa tình nguyện phục vụ mỗi năm một kỳ.

Bữa tối thật sớm, từ 5h30 chiều. Tất cả ngồi trước một bàn dài, tôi là khách mới đến nên được ngồi đầu bàn cùng vị sư cấp cao nhất (sư trụ trì đi vắng). Trước mặt mỗi người là chồng bát 5 cái lớn nhỏ, được bọc trong khăn vuông màu xanh thẫm. Bát to nhất dùng để đựng canh, bát to thứ 2 đựng cơm, các bát khác để đựng rau, củ cải muối, xì dầu. “Công đoạn” đọc kinh trước khi ăn tuy hơi dài nhưng làm tôi thấy “hay hay” vì lạ. Kinh tiếng Nhật được phiên ra âm Latinh, cách đọc cũng dễ theo tuy hơi đặc biệt theo kiểu đuôi câu này nối vào đầu câu kia, mỗi câu đọc 3 hay 4 lần tùy theo từng đoạn.

Khách mới đến được mời cầm bát trước. Mọi người ăn xong cứ phải nhom nhom cầm bát không chờ nhân vật quan trọng nhất – là tôi – mới được xới lượt hai. Oai quá! Ăn uống diễn ra trong im lặng. Tôi được nhắc phải chừa lại một miếng củ cải muối. Vị sư hướng dẫn cách thu dọn: lấy ít nước nóng cho vào bát bé nhất, dùng đũa gắp miếng củ cái để lau kỹ xung quanh thành bát và miệng bát cho thật sạch rồi trút nước sang bát lớn hơn. Lặp lại công đoạn này cho đến cái bát to nhất – khi đó nước trắng đã… thay đổi chất sau 4 lần rửa. Lại dùng miếng củ cải lau sạch bát, nâng bát lên và làm theo vị sư: uống cạn. Có cái gì đó dồn ngược lên từ trong họng, chỉ thiếu chút nữa là tôi nôn hết ra bàn. Tôi nhắm mắt lại, vận hết nghị lực để nuốt trở lại. 5 cái bát được chồng lên nhau, gói lại bằng chiếc khăn xanh và cứ thế gác lên dầm nhà.

Cảm giác này cứ đeo đẳng tôi suốt cả buổi tối, trong lúc ngồi nghỉ, lúc nghiên cứu sách, trao đổi với những người khác (tranh thủ phỏng vấn) cũng như lúc đọc kinh tối. 9h tối, tất cả trải đệm ra sàn nằm thẳng cẳng. Không quen ngủ sớm, tôi cứ nghĩ vẩn vơ. Nhưng rồi đến lúc buồn ngủ thì lại không thể ngủ được vì cái bụng réo òng ọc. Hai lưng bát cơm quá sớm không đủ no!

Vừa thiếp đi không được bao lâu thì đã đến giờ dậy ngồi thiền. Trời bên ngoài lạnh run. Cô bạn tóc nâu hỏi có cần mang chăn theo không, tôi sĩ diện lắc đầu. 10 phút đầu tiên mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, tôi cũng vắt chân đúng kiểu, thẳng lưng, hai tay trên đùi, cố làm cho đầu óc mình trong sạch. Hình như bắt đầu từ phút thứ 11, gió qua khe cửa nhỏ bắt đầu thọc lạnh ngắt ngay sau lưng. Không gian tĩnh mịch, tôi không dám xịt mũi to. Nhưng càng cố thì hai hàng nước mũi càng lớn dần. Thỉnh thoảng len lén đưa tay quệt cũng không ngăn được.

Rồi lại đến cái mỏi hành hạ. Hai chân cứng đờ, lưng thì đau. Nhìn sang bên cạnh thấy cô bạn Tây ngồi im, chăn trùm kín, ý nghĩ bám riết tôi là “mình ngu quá, biết thế mang chăn theo thì bây giờ vừa đỡ lạnh, vừa tha hồ duỗi.” Đầu óc chẳng thể nào tập trung. Hai lần xin vị sư “quản giáo” đập gậy vào vai để thoát khỏi trần tục cũng không ăn thua. Tôi bắt đầu nghĩ đủ thứ chuyện và chỉ mong nhanh nhanh chóng chóng qua 1 tiếng rưỡi ngồi thiền – trong lúc vẫn rét lập cập, nước mũi vô tư rơi và cả người mỏi nhừ. Ngày mới chỉ mới bắt đầu.

Công việc đầu tiên là quét sân. Được giao xử lý phần sân trước, tôi nhanh nhẹn cầm chổi khua từ trong ra ngoài. Chỉ 15 phút là cả sân trước sạch sẽ. Nhưng đúng lúc tôi cắp chổi đi vào báo công thì một vị sư gọi lại và chỉ những cánh hoa bị sương nhấn bẹp giữa các kẽ ở sân sỏi, những cọng cỏ vươn lên sau một đêm, những cái lá nhỏ còn mắc sát mép hàng rào. Không hề gì! Tôi quay ra khua tiếp, song phát hiện thấy rằng dù có dùng chổi nhỏ thì cũng khó mà quét cho thật sạch được. Công việc kéo dài thêm chừng nửa tiếng cho đến 7h nhưng kết quả không khá hơn là bao.

Công việc sau đó có lẽ là đỡ buồn nhất: Cả hội đeo găng tay, xách xô lên núi đào măng. Cây cối rậm rạp, măng to như… chân người lớn, đào cũng bở hơi tai. Các sư bảo may là trong chùa còn gạo, nếu không sẽ phải vác bát xuống núi xin cơm. Nhưng tôi thì hơi tiếc vì… hụt mất cơ hội đi ăn xin.

Trong khi một vị sư lo bữa trưa thì tất cả tập trung vào công việc chính yếu của ngày hôm đó: làm cỏ. Tôi được phân công một khu vực bé tẹo, chỉ chừng 5-6m2 để làm trong cả ngày. Thấy hơi lạ nhưng tôi không hỏi han gì, hăm hở cầm liềm (cũng hơi giống liềm của Việt Nam). Rút kinh nghiệm vụ quét sân, tôi làm thật kỹ, hì hục suốt 40 phút gì đó thì đến giờ nghỉ uống trà. Lại vị sư ban sáng ra ngồi cạnh trò chuyện, và khi trở lại công việc thì “thân ái” ra tận nơi chỉ bảo. Sư bảo phải làm cho thật sạch, không còn tí ti cỏ nào. Tôi ngập ngừng: “Mai cỏ lại mọc, nhổ làm sao hết. Mà thế nào là ‘không còn tí ti’ cơ chứ.” Sư dùng… tay nhổ làm mẫu. Ôi trời ơi, làm thế này thì 5m2 cũng phải mất 1 tuần mới xong. Sư trả lời: Vấn đề không phải là nhổ cỏ, vấn đề là luyện tính kiên nhẫn.

Thêm một lần nghỉ uống trà, lại nhổ cỏ, rồi ăn trưa, nghỉ một lát, lại nhổ cỏ, uống trà, nhổ cỏ. Bản tính không thể ngồi yên một chỗ nên tôi cảm thấy bứt rứt không thể chịu nổi. Tôi cũng không nhớ làm sao mà mình có thể ngồi một ngày trời để nhổ cỏ như vậy. 5h chiều, tôi thu dọn ra về. Chỉ có vị sư ra tiễn, trong khi mọi người chuẩn bị ăn bữa tối – với 5 cái bát.

(Tôi Yêu Nhật Bản)

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/08/2016(Xem: 11030)
14/04/2020(Xem: 4110)
26/07/2022(Xem: 3490)
28/02/2017(Xem: 24235)
15/01/2019(Xem: 6734)
29/01/2015(Xem: 9839)
01/01/2021(Xem: 3197)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.