Chết dại

21/02/20173:22 SA(Xem: 7721)
Chết dại
CHẾT DẠI
Toại Khanh

chetdaiĐến tận bây giờ, tuổi cũng đã lớn, vậy mà tôi vẫn không nén được sự hồi hộp mỗi khi tình cờ xem được ở đâu đó một khúc phim, một đoạn văn mô tả thời khắc ai đó đi nhận diện xác chết xem có phải người thân của mình, hoặc những cuộc rình mò để bắt quả tang một sự việc mờ ám nào đó như ngoại tình, gián điệp. Tại sao tôi lại hồi hộp trong những hoàn cảnh như vậy? Xin thưa, thay vì lúc nào cũng mong mình nghĩ đúng, thì cái éo le ở đây là trong những tình huống kiểu đó, tôi thường thầm cầu mong mọi sự chỉ là chuyện nhầm lẫn để cái chết kia không phải là thân nhân của người đã nhận diện, hay kẻ phản bội kia không phải “người phía mình”, tức nhân vật mà mình yêu thích trong cuốn sách hay bộ phim đó.

Thì ra, không phải lúc nào người ta cũng mong mình chính xác, không phải lúc nào người ta cũng yêu sự thật. Và cũng theo Phật pháp thì cái gọi là vấn đề của cuộc luân hồi không chỉ là cái Vô Minh, mà còn là tình yêu của mỗi người đối với cái Vô Minh đó nữa. Chỉ riêng cái nhầm lẫn đã đủ chết người rồi, vậy mà người ta còn thỉnh thoảng e ngại, sợ hãi ngay chính sự đúng đắn. Gẫm lại, đời sống hình như chỉ là vấn đề của cảm giác. Lắm lúc chính mình trong giây phút bình tĩnh nhất cũng thấy được chuyện đó là bậy, vậy mà khi xắn tay áo nhảy vào thực tế thì “cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Lý do đơn giản là khi làm vậy ta được an lòng hơn, dù có phải mang tiếng là chết dại. Thay vì cứ một lần nghiến răng nhìn thẳng sự thật, để có đau thì cũng một lần thôi, thì không ít người trong thiên hạ lại thường có khuynh hướng bịt bớt một tai, nhắm bớt một mắt để được sống dại khờ hay chết thơ ngây…cho thỏa mộng trầm luân!

Tôi biết em nói dối, tôi đoán em hai lòng, tôi mơ hồ thấy trong tóc mình có chút dấu hiệu của cặp sừng sắp nhú, nhưng khảo kỹ quá, lỡ oan ức cho em, hay em tự ái bỏ đi thiệt thì sao. Thôi thì có được bao nhiêu trí tuệ bẩm sinh và kiến thức trường lớp cũng mặc, thiên hạ trong lúc này thường cứ xếp lại mọi thứ trong góc nhà để mà tha hồ sống u mê theo sở thích. Ai cũng cứ ráng trùm mền mà tụng chú tình yêu, cầu cho tim em đừng quá nhiều lỗ như Tỷ Can tiền bối. Những khi nhắm mắt chịu không thấu thì cứ thò tay bấm nút Ipod cất sẵn trong túi áo bên ngực trái để mà nghe thêm bài sám tăng lực “tôi xin người cứ gian dối, khi tôi hỏi người có yêu tôi, may ra còn một chút tình vui…!”

Gẫm kỹ cũng ngộ thiệt. Theo các chuyên gia của cả ngành thẩm mỹ lẫn y tế, chỉ riêng đối với phụ nữ, số người bận tâm đến việc làm đẹp luôn nhiều hơn những người để ý đến chuyện vệ sinh cơ thể. Lý do ư? Làm đẹp thì lúc nào cũng vui hơn, mắt luôn thấy toàn cái dễ nhìn, mình có xấu tệ thì chỉ riêng mấy món phấn son, nữ trang ngó cũng sướng mắt. Còn chuyện làm vệ sinh thì ngán lắm, phải đối diện với nhiều món thực tế chán mớ đời. Cứ vậy mà người ta khoái làm đẹp nhiều hơn giữ sạch. Và cũng như tôi vừa thưa ở trên, thiên hạ ai cũng khoái mình được thông minh, nhưng có mấy ai thích sống thông minh. Buồn chết bỏ!

Thế đã hết đâu. Cái Vô Minh vốn đã cũ xì từ vô thủy vậy mà trong thời buổi này cũng lại một phen nhuốm mùi high-tech. Xem chừng đã chán chường với mấy thứ có thể sờ chạm, thiên hạ hôm nay có thêm kiểu Vô Minh trong biết bao thứ ảo (virtual). Ai không tin thì xin thỉnh lên Internet sẽ biết ngay, đặc biệt mấy phòng game online. Tiền ảo, tình ảo, giai nhân cũng ảo tuốt. Vậy mà không biết bao nhiêu người thiên hạ hôm nay còn mê mấy món đó hơn cả đồ thật. Tiền bạc, thời gian, sức khỏe có bao nhiêu cũng chen nhau vào đó mà “cúng dường” cho mấy món ảo. Nói cho cùng, mấy vụ chatting gì đó cũng đâu phải đáng tin gì cho cam. Cả mấy cái blog cũng thế. Thề bồi yêu đương cho lắm vào, nhưng nào có mấy ai thấy được mắt mũi của đối phương ra sao. Một thế giới ảo cho những buồn vui cũng ảo, chỉ có cái hậu quả là thật mà thôi. Tôi có nghe một câu nói rất lạ, nhưng thú vị, là nhiều khi gặp gỡ ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay một kiểu thần tượng nào đó ngoài đời không thú vị bằng đưa hết bọn họ vào trong một cái Archos bé tày gang rồi đi đâu cũng móc ra săm soi một mình vậy mà sướng đáo để. Đại khái ngoài cảm giác sống trong cái gọi là thời thượng gì đó, người ta còn thấy ra một thế giới khác hẳn những gì mình vẫn nghe nhìn mỗi ngày. Vẫn theo lời Phật thì vạn hữu vốn vô thường, ta không kịp thay đổi thì trần cảnh cũng đã đổi thay hay ngược lại. Thế rồi cái dòng chảy của những thứ phù du đó cứ bắt người ta phải một đời đi tìm những cái mới hơn để mà sống gượng qua những ngày tháng lẽ ra là lê thê buồn tẻ.

Bắt chước người ta lý sự cho vui vậy thôi. Hôm qua tôi vào trang blog của mình thấy một cái entry, đọc rồi lòng đau hơn xát muối. Trời mờ sáng, người đang dật dờ sau một đêm dở sống dở chết vì mất ngủ, bỗng một tiếng phone reo (lại cũng một món ảo). Người ta xin lỗi tôi bằng mấy câu thiệt ảo, bảo là đã xóa cái entry sai lầm kia rồi. Biết đó lại cũng là thứ ảo, vậy mà tôi cũng lập tức nghe mình hồi sinh (với một nguồn sinh lực ảo) và băng mình ra bàn viết để viết ngay một cái gì đó…ăn mừng.

Mẹ ơi, 40 tuổi đầu, với manh áo truyền thừa trên vai, con vẫn còn ham chơi. Không phải mấy món đồ chơi bằng đất sét như hồi nào nữa, mà là mấy trò chơi sương khói của một đời phố chợ với giống gì cũng là ảo hết. Chỉ có những nỗi buồn hình như là thật mà thôi…Xin lạy Phật đã đi xa và nhớ mẹ còn ở cuối trời, con bây giờ hình như chỉ còn chừng đó là không ảo.

 

TOẠI KHANH

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/08/2016(Xem: 11009)
14/04/2020(Xem: 4087)
26/07/2022(Xem: 3464)
28/02/2017(Xem: 24147)
15/01/2019(Xem: 6702)
29/01/2015(Xem: 9820)
01/01/2021(Xem: 3164)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.