Chiếc máy niệm Phật

04/08/20191:00 SA(Xem: 7964)
Chiếc máy niệm Phật

CHIẾC MÁY NIỆM PHẬT
Bài Hoàng Mai Đạt

hoang mai dat (1)Dạo sau này tôi ít tiếp xúc với ai, một phần vì cố gắng “nhín” chút thời giờ trước khi làm việc để đọc kinh sách. Sau giờ làm thì chỉ còn đủ thời gian để ăn, hàn huyên đôi ba điều với người bạn đời rồi lên giường nằm, cố sao cho đầu óc thải bớt chuyện thế gian trước khi chìm vào giấc ngủ lúc nửa đêm. Bận hầu như suốt tuần như vậy nhưng tôi vẫn gắng học đạo. Ở tuổi gần sáu mươi mà mới lo làm chuyện đó thì e hơi trễ rồi, tôi nhận ra điều ấy khi khám phá ra rằng nhân loại có cả một kho tàng tâm linh vĩ đại như núi Hy Mã Lạp Sơn mà tôi chỉ mới lượm được dăm ba viên sỏi từ khối núi ấy. Cả đời rộn ràng đầu tư vào tiền tài danh vọng, nhập trận chuyện thị phi của thế gian xem ra không bằng một ngày tìm tòi, lắng nghe để được nếm chút đạo vị trong tỉnh thức.

Vì ít giao thiệp, ăn nói không hoạt bát, nên khi nghe một người bạn văn lâu năm không liên lạc hỏi “Sao, lúc này có khỏe không?” tôi phân vân, hơi lúng túng vì không biết phải trả lời sao.

Đáp “Vẫn khỏe” thì đương nhiên là không đúng rồi. Ở tuổi này thì làm sao khỏe bằng lúc đôi mươi, hay bốn mươi chứ, năm mươi cũng chưa được nữa là. Mà kể lể rằng đang đau chỗ này, yếu chỗ kia trên thân thể thì cũng không chắc là mình “Không khỏe,” vì so với mấy bác nằm trong viện dưỡng lão, cả ngày chỉ đi được mấy bước, ăn qua loa cho qua cơn đói, thì thật ra mình còn khỏe lắm, khỏe re.

Thành thử chỉ có thể dẫn chứng mấy nhận xét, phát biểu của người chung quanh về tôi, để may ra có thể trả lời một câu hỏi tuy là xã giao nhưng cũng khó đáp của người bạn từ nơi xa.

Mẹ tôi: “Dạo này tóc mày bạc nhiều quá nhe con. Thôi bớt làm việc đi, đừng lo nghĩ nữa, đừng đọc sách chi nữa. Ăn nhiều nhiều cho khỏe chút. Trông mày già quá.” Mẹ tôi đã trên tám mươi, tóc bạc lưa thưa hết mái đầu. Vậy mà bà còn “gân” lắm, lái xe mỗi ngày qua lại phố Bolsa mà không ngại, chạy chậm rì, ai nói gì mặc kệ.

Một ông bạn đồng nghiệp ở sở: “Anh lúc này trông gầy hơn trước. Có sao không vậy? Có bệnh gì không? Thôi đừng ăn chay nữa cha. Bữa nào đi nhậu lại đi chứ? Chắc thèm bia dữ lắm à nha?” Anh bạn trông có da có thịt hơn tôi, nhưng cũng ít khi thấy anh ấy cười, ngoại trừ lúc nhậu.

Vợ tôi: “Chắc anh phải bớt ăn đi. Cái bụng hơi to rồi đó, nhòn nhọn như bà bầu.” Vợ chồng cùng ăn chay mà không hiểu sao nàng vẫn mảnh mai, dường như còn trẻ hơn tuổi nữa kia (nịnh vậy chắc đủ chỉ tiêu cho bữa nay với vợ), trong khi tôi thì bụng từ từ phình ra, hai bên eo không còn hình chữ V, nhìn từ bên hông giống chữ D, mà đầu thì hơi tóp lại, thân hình như củ tỏi với dúm tóc trên đầu. Không lẽ chỉ len lén vợ để ăn chút kem mỗi tối lại dễ mập như vậy sao cà?

Con gái tôi ở xa xem hình cha qua máy phone: “Bố trông già quá. Bố có sao không? Đi làm chắc cực hả bố?” Con nói nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh, chỉ có chữ “Bố” là nghe rõ nhất, thiệt là thương, còn mấy chữ tiếng Anh thì nó nói lẹ quá, lại theo cách nói của người Mỹ nữa, mình chỉ hiểu ý, cũng thiệt là thương.

Con Kiwi: “Ông sao mập bằng tui được. Già cũng thua đứt luôn.” Kiwi là tên con chó bẹc-giê mà vợ chồng chúng tôi nhận nuôi từ một trung tâm cứu loài thú ở Los Angeles. Ngày mới về nó chạy lăng xăng ngoài sân suốt buổi, tung tăng chơi với mấy chiếc giày, thân hình nảy nở, bụng thon gọn. Ngày nay, gần 13 năm sau, Kiwi thường nằm mọp với cái bụng chảy dài trên tấm thảm dành riêng cho nó, biếng ăn, lông rụng. So với tuổi người thì nó chừng gần 80, theo máy tính của hãng Purina chuyên bán thực phẩmvật dụng cho chó. Sống chung với nhau chừng ấy năm thì chúng tôi hiểu ý nhau lắm, chỉ cần nhìn ánh mắt là biết nó nói gì liền.

Với chó thì vậy, còn với người thì tôi nói một đằng họ hiểu một nẻo.

Tôi hồi đáp anh bạn văn sau khi anh ấy hỏi dạo này ra sao: “Mình rời cõi văn chương lâu rồi anh ạ, vì không có thời giờ rảnh và cần nghiên cứu, học đạo chuẩn bị cho hành trình mới. Cũng còn đi làm để có tiền sống.”

Chẳng hiểu sao, anh ấy viết lại: “Đọc phần trả lời của bạn sao thấy bùi ngùi quá, mỗi người một cảnh đời riêng. Chia sẻ nỗi niềm này với bạn.”

Anh bạn ấy không là người duy nhất nghĩ như vậy. Thật ra hành trình mới của tôi có nhiều cái vui vô tả. Đúng là không thể tả được với ai dù chỉ một chuyện tưởng là nhỏ nhặt. Chẳng hạn như chiếc máy niệm Phật mới mua hôm nọ.

Gần nhà chúng tôi có một tịnh xá của phái khất sĩ. Trong nhiều năm, mỗi tối chúng tôi thường đi bộ ngang đây, nhân tiện ghé vào sân để lễ Phật. Một dạo kia tịnh xá có máy niệm Phật đặt cạnh tượng Bồ Tát Quán Âm, phát ra tiếng niệm mà ban đầu chúng tôi không biết từ đâu ra. Sau mới hay là từ một chiếc máy nhỏ chạy bằng năng lượng mặt trời. Máy chạy được vài tuần thì âm thanh thay đổi, tiếng được tiếng mất, trầm bổng lạ thường, không thành âm thanh đều đặn như mọi lần, và rồi một ngày kia máy không còn nữa. Đến nay thì tịnh xá đã dọn đi nơi khác, trả lại ngôi nhà từng là chùa cho chủ cũ, để lại trong tôi một chút hoài niệm về cố cảnh dẫu biết đời là vô thường.

Rồi một Chủ Nhật nọ, mùa xuân năm 2017, nhân được một ngày nghỉ hiếm quí, vợ chồng chọn lái xe đến Chơn Sung Tự ngoạn cảnh. Đây là một thiền viện mà các thầy cùng các đạo hữu ở chùa Phật Tổ, Long Beach mới tạo dựng ở Valley Center, nằm trong miền đồi núi phía đông của Hạt San Diego. Chơn Sung Tự là tên do hòa thượng phương trượng đặt ra để nhớ ơn vị thầy bổn sư, còn thường thì các thầy chỉ gọi là “chùa Núi.”

“Chùa Núi” còn mới lắm, chưa có tôn tượng nào ở ngoài sân, là một đồn điền trồng cây bơ nằm trên đỉnh đồi nhìn xuống những ngôi nhà thuộc hạng thượng lưu ở chung quanh. Muốn vào khu gia cư này thì phải bấm số mật mã để mở cổng, lái xe chừng non một dặm mới tới chùa ở tận đỉnh.

Bữa thăm lần đầu đó, hên. Chúng tôi đến thì được gặp một thầy mà chúng tôi từng quen trong những buổi tối Chủ Nhật ngồi thiền ở chùa Phật Tổ. Thầy còn trẻ, tâm trong sáng, giọng tụng kinh thanh thoát, tuy thân người không cao nhưng vóc dáng rắn chắc, đi đứng thoăn thoát nhanh nhẹn như một võ sĩ. Nghe có khách đến, thầy bỏ công việc phát cỏ để tìm chúng tôi đang dạo cảnh ngoài sân. Gặp lại nhau đầy bất ngờ, thầy không dấu được một nụ cười hồn nhiên, vừa bẽn lẽn vừa như mừng rỡ.

Sau bữa ăn trưa với niềm vui hội ngộ giữa đâu khoảng hai mươi người gồm cả tăng ni lẫn cư sĩ, chúng tôi được vị thầy trẻ hướng dẫn đi thăm khu đồn điền từng được sở hữu bởi một kiến trúc sư. Khu đất của ông kiến trúc sư kiêm triệu phú Mỹ ấy có cả sân đáp trực thăng. Thì ra trong hơn cả năm chúng tôi không gặp mặt thầy trẻ ở chùa Phật Tổ là vì thầy bận ở chùa Núi để cưa cây, làm cỏ suốt ngày trên khu đất rộng cả mấy chục mẫu trồng toàn cây ăn trái. Trong gần nửa giờ đi bộ với vị thầy trẻ, tôi nghe có tiếng niệm Phật từ những chiếc máy niệm đặt đâu đó trong những tàng cây xanh mát giữa một ngày xuân vừa trải qua một mùa mưa đầy ơn lành.

Bữa đó hên. Chùa Núi đang có khóa tu niệm Phật dài bảy ngày. Chúng tôi được vào dự “ké” buổi niệm dài khoảng ba tiếng vào giấc chiều với khoảng một chục đạo hữu (chỉ có mình tôi là nam, không biết có hên hay không đây), bên trong một chánh điện được sửa lại từ một garage cỡ rộng. Giữa không gian sáng tối tờ mờ, có lúc chúng tôi ngồi niệm, có lúc đi kinh hành, có lúc im lặng giữ cho tâm cùng tiếng niệm trở thành một.

Chon-Sung-TuHình chụp tại “chùa Núi” Chơn Sung Tự nhìn về hướng bắc, tháng Ba 2017. Gần gốc cây bơ đang trổ lá non có đặt một chiếc máy niệm Phật mà từ đó lan tỏa một âm thanh “A Di Đà Phật” huyền dịu thấm vào ngọn cỏ và vươn lên đến tận mây trời bao la.

Đêm hôm đó về đến nhà, tôi còn vui một niềm vui khó tả, chỉ có thể giải thích là niềm vui đến từ tiếng niệm “A Di Đà Phật,” từ một không gian giữa nơi thôn dã luôn có tiếng niệm Phật.

Vài hôm sau tôi bàn với vợ, vì nàng là bộ trưởng tài chánh của gia đình, về việc mua một máy niệm Phật. Câu “Okay” ngắn gọn kèm với cái gật đầu của vợ hôm ấy sao nghe dễ thương lạ. Thế là chúng tôi lượn xe xuống Bolsa, ghé một tiệm chuyên bán Phật cụ, bán duy nhất một chiếc máy niệm hình bông sen hồng tươi rói, có miếng thâu năng lượng mặt trời đen thùi ở giữa. Hỏi giá, thấy hơi mắc, đắn đo một chút, xong cũng mua.

Lúc gói hàng cho khách, bà chủ tiệm mau mắn nói, “Máy này nhiều người mua lắm nhe anh chị, họ mua đặt ở nghĩa trang.” Nghe muốn rụng người luôn. Hai vợ chồng nhìn nhau cười, tránh nói rõ lý do cho bà ấy biết tại sao lại đi mua máy mang về nhà.

Chúng tôi tìm ra chỗ kín đáo ở sân trước để đặt máy. Tuy chỉnh ở mức độ thấp nhất, giữa lúc không có tiếng xe chạy, tiếng niệm Phật vẫn lan tỏa khắp sân. Tiếng niệm không chỉ ở ngoài sân, thấm nhập vào trong hơn nửa căn nhà. Mỗi tối đi làm về, tôi vui khôn tả khi nghe tiếng niệm Phật đón chào ở sân trước, được nhắc nhở hãy buông xả chuyện thế gian. Một việc làm của tôi thì đụng nhiều chuyện thế sự lắm, nên khi nghe tiếng niệm Phật đều đặn tuôn chảy không ngừng, tôi vui lắm, nhớ lại những kỷ niệm đẹp đầy đạo vị với câu “A Di Đà Phật.”

Được chừng hai tuần thì âm thanh từ trong máy hình hoa sen hồng bắt đầu có biến chuyển, làm tôi nhớ tiếng niệm khác thường từng nghe ở tịnh xá. Tôi đoán bộ phận thâu nhận năng lượng đã suy yếu. May sao, tìm ra được đằng sau máy có một cái lỗ nhỏ xíu dành cho việc cắm điện chạy máy. Rồi cũng may nữa, nhà có sẵn loại dây điện cần cho máy. Thế là từ đó tôi đặt máy ở góc khuất hơn trong sân, nghe tiếng niệm Phật liên tục trong ngày.

Mấy hôm trước, lúc dắt con Kiwi già nua đi dạo ở gần nhà sau giờ làm về khuya, giữa đêm rằm thanh vắng của tháng Năm âm lịch sau mùa Phật Đản, tôi nghe tiếng niệm Phật văng vẳng dù đứng cách xa nhà mấy chục thước. Con chó mải đánh hơi theo tập khí riêng của nó, còn tôi đứng ngẩng nhìn ánh trăng đang chiếu xuống những mái nhà, những tàng cây. Một cảm giác là lạ khiến tôi nghe rùng mình một cách êm dịu, chạy từ đỉnh đầu xuống đến chân.

Tất cả dường như đang được gom hết trong tiếng niệm Phật miên man ấy. Chỉ có một tiếng niệm, tuôn chảy đều đặn như một dòng nước từ vô thủy đến vô chung. Mọi âm thanh đều trở thành một tiếng niệm Phật. Tiếng khen, lời chê, câu vui, tiếng giận, âm yêu thương, thanh hận thù. Tiếng người nói, tiếng chim hót, tiếng xe chạy, tiếng nhai cơm, tiếng chơi banh, tiếng ngọn cỏ lào xào nghiêng theo chiều gió, tiếng chiếc lá lìa cành trước sân, dường như tất cả đều trở thành một tiếng niệm Phật. Chỉ có một tiếng niệm. Thầm lặng một tiếng niệm.

Lúc dắt con Kiwi vào nhà, nghe vợ hỏi, “Sao, đi bộ có gì vui mà mặt tươi vậy?”

Tôi trả lời, “Tiếng em nói nghe như tiếng niệm Phật.”

Vợ nhíu mày, nhìn tôi dò xét, “Cưng có mát dây không vậy? Nói gì lạ. Thôi lần sau không cho bố con ra ngoài đi khuya như vậy nữa.”

“A Di Đà Phật.”

Hoàng Mai Đạt |Tinh Tấn Magazine số 3



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/08/2016(Xem: 11009)
14/04/2020(Xem: 4087)
26/07/2022(Xem: 3464)
28/02/2017(Xem: 24147)
15/01/2019(Xem: 6702)
29/01/2015(Xem: 9819)
01/01/2021(Xem: 3164)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.