Như một vết trầm

25/09/20201:00 SA(Xem: 3381)
Như một vết trầm

NHƯ MỘT VẾT TRẦM
Tiểu Lục Thần Phong

 

 

lavangmuathu2Thế là thu sang, thiên hạ vẫn rộn ràng, vẫn bận bịu tíu tít, vẫn quay cuồng trong cuộc sống. Kẻ thì vất vả lo cơm áo gạo tiền. Người thì mưu sự công danh cái thế. Bao nhiêu người nữa thì mê đắm trong việc hưởng thụ sắc dục và vật thực của thế gian này. Gã du tử và những người như gã vẫn lơ mơ ngẩn ngơ giữa cuộc đời, không tiến tới mà cũng không hẳn thoái lui, không biết tự bao giờ và đã bao đời rồi vẫn cứ ngẩn ngơ giữa con đường như một vết trầm.

 Con đường nào? Sao laị phải ở giữa con đường? con đường trần thì hẳn nhiên rồi; con đường đời thì vẫn là thế; con đường tình với chút ít ngọt ngào mà nhiều đau thương, cái thú đau thương này hình như ai cũng trải qua và đều thích thú mới lạ chứ! Con đường công danh thì những gã du tử không có cửa, hoặc giả cũng có cơ hội nhưng không muốn dấn thân vào; con đường đạo thì ngấp nghé ngoài cửa,  nửa muốn vào nửa laị lưu luyến sự đời; con đường sanh tử thì bất tận tự bao giờ. Duy có con đường văn chương chữ nghĩa thì laị buồn cười nhất, nhiều nỗi vu vơ ấm ớ hội tề. Thiên hạ bảo là nghiệp chữ, mà đã là nghiệp thì muốn cũng không được mà không muốn cũng không xong. Văn tự kinh, chữ nghĩa đời nhiều nỗi đa đoan, lòng người đầy uẩn khúc, tâm ý chẳng tương đồng nên gây nhiều nỗi thị phi. Con đường trăm năm thì chẳng hạn kỳ. Gã du tử ngẩn ngơ giữa con đường là vậy! đi - ở không xong, tiến – lui chẳng đặng, đục – trong lợn cợn, tỉnh – mê chập chờn, tình – lý không thông…ôi chao, những gã du tử khờ khạo loanh quanh giữa trần đời!

 Thu sang, thu đến, thu tới, thu về, thu đẹp ư? gã du tử không biết, bởi hồn gã với hồn thu tuy chẳng là một nhưng cũng không phải là hai, làm sao gã có thể nhìn thấy gương mặt gã bằng chính mặt gã được! Đừng nói là vàng thu đỏ lá, ngay cả xuân sắc muôn hoa, hạ biếc cây đời, đông trinh bạch tuyết cũng thế! Gã du tử không biết, bốn mùa đẹp ư? thôi thì cứ để bốn mùa tự phô diễn cái bản lai diện mục của mình cho thiên hạ xem chơi.

 Mùa thu đẹp ư? có thực là muôn sắc gấm hoa chăng? hay biết đâu đó chỉ là nắng của trời, tinh túy của đất, hơi ấm của lửa, hơi thở thì thầm của gió tụ hội mà thành? Cũng có thể có gã hoạ sĩ thiên nhiên trong lúc cao hứng tung cả khay màu muôn sắc xuống trần gian? một góc thiên hạ của địa cầu vào thu, bừng lên với bao sắc màu, làm mê mẩn tâm hồn những gã du tử đang ngẩn ngơ giữa cuộc đời!

 Khúc hạc cầm hay ư? gã du tử không biết vì gã vốn mù nhạc lý, chẳng biết gì về cung bậc thanh âm. Khi người nghệ sĩ tấu lên khúc hạc cầm thì tâm hồn gã du tử cũng rung lên như những sợi dây đàn đang rung dưới ngón tay ngọc ngà kia. Khúc hạc cầm thánh thót làm hồn gã du tử lạc vào cung mê, nhưng nếu baỏ hay như thế nào thì gã chịu thôi! Uống một ly nước thanh khiết mát trong thì biết là sảng khoái, nhưng bảo ly nước thanh lương như thế nào thì làm sao gã có thể giải bày?

 Cuộc trăm năm ở giữa thế gian này ngắn ngủi lắm, mong manh lắm! ngắn ngủi hơn sự cảm nhận được của mình. Nó có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, ở đâu và với bất cứ lý do gì. Nó mong manh hơn sự nhận thức của mình, cánh bướm vỗ, cánh hoa lay mình còn có thể thấy, có thể nghe, có thể cảm nhận nhưng cái mong manh của thân phận người, của cuộc trăm năm này thì không làm sao lường được! Hoặc giảnhận biết được thì cũng chưa tin hẳn, vì vẫn cứ ngỡ nó dài lâu, vì ngỡ nó dài lâu mà mặc sức tung hoành mưu cầu và đam mê sắc dục, hưởng thụ lạc thú, mặc tình gây nên hậu nghiệp nặng nề về sau. Con người không nhận biết được sự mong manh của cuộc trăm năm nên mới mưu cầu tranh đoạt địa vị công danh, tiền tài, sắc dục, lạc thú…ngày đêm dồn hết tâm lực để nghĩ mưu tính kế để giành lấy bằng mọi giá. Thật tiếc thay, dù công cao cái thế đến như đế vương, tài sản cự phú bằng vài mươi quốc gia gộp laị nhưng một khi hơi thở không vào ra nữa thì bỏ cả mà đi, đi trắng tay, đi không kịp biết lá vàng rơi đẹp đến nhường nào. Con ngưòi ta ở thế gian này có mấy ai đếm đủ trăm mùa lá đổ? Trong số ít ỏi có thể đếm đủ trăm mùa lá vàng thì laị có mấy ai còn đủ minh mẫn để nhận biết muôn sắc gấm hoa đang biến một góc thiên hạ trần gian thành vườn địa đàng? những người thuộc hạng ấy vô cùng ít ỏi, vô cùng hạn hữu. Con người ta trong cuộc chơi trăm năm này, có một số ít người có cuộc chơi tương đối nhẹ nhàng, tháng ngày sống trong hoan lạc, còn phần lớn thì rất nhọc nhằn mưu sinh, mưu sinh để nuôi cái thân, nuôi gia đình, để duy trì cuộc chơi sanh tử. Cuộc chơi của con người vốn thiên sai vạn biệt vì cái phước báo nhân duyên vốn chẳng tương đồng. Cuộc chơi của mình, số phận mình đều do mình quyết định, không có ai có thể cho mình cuộc chơi này! Con người có cuộc chơi của con người, thánh thần có cuộc chơi của thánh thần, cho đến phi nhânvô số loại vô hình khác cũng có cuộc chơi riêng của mình, nhưng tất cả đều khổ vì chìm đắm trong tham lam, sân hậnsi mê của cõi dục này! đã ở ttrong cõi dục thì ai lo phận nấy, phận mình không xong, phận mình còn trồi hụp  thì làm sao có thể vớt được ai? tất cả cùng bất an giữa cuộc chơi luân hồi vô thỉ vô chung.

 Một sớm mùa thu, làn gió mát dịu thổi qua, những lá vàng chấp chới bay trong gió. Bambi ngơ ngác và lo lắng hỏi mẹ:” Mẹ ơi, có phải những chiếc lá này đang chết?” mẹ của Bambi âu yếm nhìn con, khẽ bảo:” Không, không phải chết đâu con! Những chiếc lá ấy là tinh túy của đất mẹ, là rực rỡ của nắng vàng, là hơi thở của không gian, là tươi mát của suối nguồn. Những chiếc lá là hiện thân của xuân, hạ biếc xanh; vàng thu muôn sắc gấm hoa. Những chiếc lá trọn năm reo ca với nắng gió, đem laị không khí trong lành và dưỡng khí cho muôn loài, khi trách vụ đã xong, những chiếc lá cháy sáng lần cuối, hiến dâng cái đẹp cho đời trước khi về với cội nguồn. Những chiếc lá laị hoá thân thành mùn bón cho cây cỏ, để rồi laị hiện tướng những chiếc lá mới trong mùa sau. Những chiếc lá không chết vì nó vốn chẳng sanh chẳng diệt bao giờ!”. Bambi laị thắc mắc:” Thế cây sồi ngã sõng xoài trên mặt đất kia cũng chẳng phải chết?” Mẹ Bambi vỗ về:” Cây sồi già ấy, mẹ con ta và tất cả vạn vật muôn loài ở thế gian này cũng cùng chung một bản chất. Chúng ta vốn là một chút từ đất mẹ, một phần nước mát của suối nguồn, có hơi thở thì thào của những chiếc lá kia và cái độ ấm của nắng vàng. Riêng loài người thì bọn họ có thêm cái thức, cái tâm. Chính cái tâm ấy laị là con dao hai lưỡi, thăng hay đọa cũng từ một tâm, tiến hay lùi cũng do tâm, hình tướng thế nào cũng tại tâm, cuộc chơi này như thế nào cũng bởi tâm làm chủ tể. Mẹ con mình và muôn ức  loài thú ở thế gian này cũng vì tâm mà mang lấy thân này. Một khi cuộc chơi riêng của mỗi cá thể dừng laị thì cái thân ấy trả về cho đất mẹ, tan theo nước, hoà vào nắng ấm và gió reo, sau đó thì tùy theo phước phần nghiệp lực của cá nhân ấy mà laị mang một hình tướng khác, một thân phận khác. Cuộc chơi sinh tử luân hồi cứ bất tận như thế”. Một cơn gió mới thổi đến, những chiếc lá vàng bay bay trong gió lấp lánh như muôn sao sa. Bambi cảm nhận phút giây an lành hoan hỷ, nó nhẩy cẫng lên và húc tung những đám lá vàng trên thảm cỏ xanh.

 “ Em ở đâu không về đây đếm lá” –( thơ TLTP). Gã du tử vẫn ngẩn ngơ giữa cuộc đời này, gã đâu chỉ hong thơ trong nắng vàng lá đổ của mùa thu, gã hong thơ cả bốn mùa. Tiếng thơ của gã là lời thương lời nhớ, lời của chân tình, lời tình tự nước non, lời thơ vẫn như sóng âm lan toả và mất hút trong không gian vô cùng tận, như viên sỏi ném vào lòng đaị dương bao. Em không về đếm lá, gã vẫn ngồi hong thơ, phút du thủ của gã ngẩn ngơ ở giữa cuộc chơi này! nếu không có những phút giây ngơ ngẩn như thế thì cuộc chơi này sẽ vô vị biết bao. Ngoài kia thiên hạ không thể hiểu được phút giây du thủ ngẩn ngơ của gã, gã cũng không làm sao biết được cái thú vui mà thiên hạ dồn cả thân tâm trí lực để mưu cầu!

 Vườn chùa mùa này tịch mịch lắm em ơi! Cây trong vườn đang thả những chiếc lá đủ sắc màu gom góp nắng gió một năm trường. Vườn chùa mùa này vắng những tà áo dài tha thướt, tôn tượng bổn sư vẫn điềm nhiên tĩnh tọa, thế sự thế nào cũng chẳng lay động nổi. Hàng đệ tử của ngài hôm nay có không ít những kẻ lợi dụng ngài, nhân danh ngài để làm những việc trái ngược với tôn chỉ và hoài bão của ngài. Danh văn lợi dưỡng thắng thế, nhiều kẻ thân đầu tròn áo vuông laị tham chính, thân chính, bôi mặt đá nhau, tình pháp lữ hao hớt, tranh giành ngôi vị hư danh, mưu cầu danh lợi. Thầy vốn ẩn thân nơi sơn lâm nhưng vẫn quan hoài cơ nghiệp của Như Lai, dấn thân làm trưởng tử. Thân gầy lau sậy mà bão giông không quật nổi, cường quyền không lung lay nổi, ma vương không phá được. Dáng dấp từ bi mà đôi mắt tinh anh, bàn tay nhỏ nhắn khảy cung đàn trác tuyệt cúng dường Thế Tôn, dâng cái đẹp cho đời, đôi bàn tay ấy mấy mươi năm nay vẫn cầm cuốc xới ruộng nương. Tâm hồn thầy rộng mở bao la như hư không, dung chứa những điều mà pháp lữ không làm được. Thân xuất thế mà những áng văn thơ dậy sóng lòng người. Bộ óc siêu việt, dung chứa kiến thức đời lẫn pháp học mênh mông của đạo. Tấm thân gầy mà pháp học, pháp hành không ai sánh kịp, đức hạnh không ai bằng. Thầy đã nhận lấy ngọn đèn truyền thừa từ lịch đaị tổ sư, dù có thế nào đi nữa vẫn một lòng gìn giữ chánh pháp của Như Lai và mạng mạch Phật pháp của tổ tông. Dù có độc hành thầy vẫn hết lòng hộ quốc, hộ dân. Thầy đã từng từ chối ra đi để ở laị cùng gánh nỗi đau của con dân, của quốc độ này!

 Đấng tượng vương vẫn vững chãi thâm trầm, từng bước đi nhẹ như hơi gió thu mà định an giữa động loạn, tình pháp lữ suy hao

 Bậc sư vương đầy oai nghiêm dũng mãnh, cất tiếng hống rền vang bốn phương trời lan toả  ở cõi vô thường, giữ ngọn đèn chánh pháp

 Những ai không nghe, từ chối nghe hoặc giả nghe mà phản bác thì lỗi ấy chẳng phải ở đấng tượng vương, sư vương!

 Trời đất vào thu, một góc sơn hà bừng lên như gấm hoa, mùa thu phương Tây: Colorado, New York, Washington, Paris… có khác gì mùa thu phương đông: Cửu Trại Câu, Tô Châu, Tokyo, Kyoto, Seoul…Đất trời vốn thênh thang mà lòng người chật hẹp; thời gian vốn vô thủy vô chung là mạng người chỉ giữa làn hơi; đông – tây vốn dung thông mà tâm người nhỏ bé, phân biệt, chẻ chia; trong ngoài vốn tương quan mà tư tưởng hẹp hòi cách ngăn!

 Mùa thu đã về đây, em ở đâu? mắt biếc vẫn mê hoặc người ở giữa cuộc chơi này. Gã du tử lang thang giữa con đường, những con đường không khởi đầu cũng không kết thúc bao giờ. Ta được gì không? Em còn gì không? để laị gì cho quốc độ này, thế gian này? có chăng chỉ là những dấu giày đạp trên lá vàng giữa cung đường của mùa thu phương ngoại.

 

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 09/2020`

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/08/2016(Xem: 11041)
14/04/2020(Xem: 4120)
26/07/2022(Xem: 3514)
28/02/2017(Xem: 24248)
15/01/2019(Xem: 6737)
29/01/2015(Xem: 9869)
01/01/2021(Xem: 3229)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.