THẾ GIỚI HOAN CA
Huệ giáo
Hạnh phúc thay chư Phật ra đời!
Xã hội Ấn Độ thời Đức Phật đản sinh, nằm trong một trạng thái đen tối và nhiều đau khổ. Sự u ám đó không phải phát sinh đơn thuần từ nghèo đói, bệnh tật mà chính là sự bế tắc từ tư tưởng con người. Biết bao học thuyết được dựng lên nhằm góp phần xóa tan nỗi khó khăn này bởi những nhà tư tưởng, tôn giáo, đạo học, tuy nhiên vẫn không chữa được căn bệnh mà con người đang vướng phải trong tâm thức của họ. Đó là sự bế tắc trong suy nghĩ, cuộc sống và trong thế giới con người họ đang cố vươn lên để tự khẳng định lấy mình, và trong hoài niệm một cõi hạnh phúc trần gian, chứ chưa nói đến một cõi thiên đường nào đó xa xôi.
Trước khi thái tử Tất Đạt Đa đản sinh và cho đến hôm nay, nền văn minh Ấn Độ vẫn được xem là một trong những chiếc nôi tạo nên nền văn minh của nhân loại. Nơi đây, một thời đã có rất nhiều triết thuyết đua nhau trổ hoa như vườn hoa đầy màu sắc, xuất hiện nhiều nhân vật lỗi lạc, minh triết làm tấm gương cho loài người soi rọi. Thế mà, cũng chính nơi đây, sự không bình đẳng trong giai cấp, giàu nghèo, địa vị, sang hèn, đen trắng có một khoảng cách quá lớn. Những hệ tư tưởng đó đã không mang lại nhiều ích lợi cho con người, không tháo gỡ được nỗi bất an trong cuộc sống, ngược lại những đau khổ, cuồng loạn cứ như bị chồng chất. Những hệ tư tưởng ấy được Đức Phật diễn tả đầy màu sắc bao gồm sáu phái triết học và những tôn giáo khác. Vậy mà, không có một sự đóng góp nào trong niềm khát vọng và ước mơ của con người, đó là được sống hạnh phúc bởi tạo dựng một thế giới hòa bình, xây dựng một đời sống an lạc và thịnh vượng là một niềm khát khao muôn thuở của nhân loại.
Đức Phật ra đời, những lời dạy của Ngài phải chăng là lời giải đáp cho sự tìm kiếm và trao chìa khóa để con người mở tung cánh cửa cuộc đời để thực hiện ước mơ của mình, tạo dựng một thế giới an bình cho nội tâm và ngoại cảnh.
Thật vậy, Đức Phật đã từng tuyên bố: "Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ". Một lời tuyên bố như một sự khẳng định minh triết, một bản tâm ca đời sống của nhân loại. Vì con người không nhận chân được lòng tự quyết của chính mình và đã phủ nhận tánh linh cao thượng của người khác. Dẫu biết rằng, ai cũng có Phật tánh và ai cũng đều có thể trở nên cao thượng. Cao thượng hay thấp hèn, tất cả đều do quyết định của chính mỗi người. Không một Thượng đế ban phát, không một thần linh đặt để và không một thế lực bên ngoài nào có thể tạo ra sức mạnh cao hạ cho người khác, và cuối cùng không có một quyền năng siêu nhiên nào có thể mang lại hạnh phúc hay đau khổ cho loài người. "Chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm và chỉ có ta làm cho ta trong sạch" và "chỉ có ta làm cho ta hạnh phúc hay đau khổ".
Lời minh triết của Đức Phật đã tháo gỡ mọi xiềng xích, phá tung mọi ràng buộc, vướng kẹt của con người, tháo gỡ một hệ thống mà tư tưởng nội dung hàm ý Thượng đế là trên hết, thần linh là sáng tạo và cao cả.
Từ hệ tư tưởng "thần thánh" này bao phủ, con người cảm nhận mình trở nên nhỏ bé, và càng nhỏ bé thì hạnh phúc hay đau khổ - những vấn đề lớn của cuộc đời, con người không thể giải quyết được. Và cuối cùng là sự an phận, trong sự đen tối và tủi nhục, bởi sự thật thần thánh và Thượng đế không hề có sức mạnh, phép mầu như con người tưởng tượng ra.
Sự ra đời của Đức Phật đáp ứng được ước mơ của con người thời đại ấy và cho đến hôm nay, về sau, Ngài đã mang đến cho chúng ta một thông điệp an bình là cho đến khi nào con người còn biết rằng trong ta và trong mỗi người đều có sức mạnh chuyển hóa. Chuyển hóa từ sự nhận thức tầm thường của dục vọng, từ sự tham muốn thúc đẩy của dục ái, và từ sự tham muốn dứt khoát xả bỏ tư duy giữa cái ta và cái của ta, thì lúc ấy con người đã nắm lấy được thông điệp của Ngài và đi đến bên bờ hạnh phúc.
Đức Phật đã dạy cho chúng ta rằng, từ sự nhận thức và hành động có chủ đích của chúng ta trong hiện tại cũng như trong quá khứ như thế nào thì cánh cửa hạnh phúc hay đau khổ sẽ đón nhận chúng ta như thế đó. Chẳng một ai khác có thể cho chúng ta và nhận lãnh cho chúng ta điều này, đừng bao giờ hão huyền, lầm lẫn. Xác định vững chắc như thế, thì chúng ta đã thấy được một thế giới mà trong đó tâm tưởng và hình hài của chúng ta được xây dựng một cách hoàn hảo, hay bóp nát chính từ ngay chúng ta chứ không ai khác.
Bản An bình ca được thâu tóm như một lời minh triết của Đức Phật trao đến lòai người, đã làm bùng nổ, tan vỡ một hệ tư tưởng ràng buộc đã ăn sâu trong tâm trí của con người, và đã đưa chính họ vào ngõ cụt, không cửa thoát trong vòng tròn ưu phiền của đời sống và luân hồi sinh tử. Sự giải thoát ra khỏi hệ lụy của một hệ tư tưởng thần thánh đã mang đến nhiều hạnh phúc cho nhân loại, không những ở trước ngay thời điểm Đức Phật đản sinh, của những người con Ấn Độ thầm lặng mà cho đến tất cả mọi người trên thế giới bất kể đó là nam hay nữ, màu da, giai cấp và địa vị ngày hôm nay. Nếu chúng ta hiểu biết về sự bình đẳng, và mang chúng sống trong thế giới tương quan tương duyên này thì một điều chắc chắn hiện ra là không có sự đau khổ dằn vặt, mâu thuẫn giữa con người và con người với nhau.
Nhận thức được sự cao quý từ bên trong con người, sự bình đẳng đã có của mỗi người, quyền được sống ấm no, quyền được tái tạo gia đình và xã hội, quyền được cất lên tiếng nói tự đáy lòng thì chúng ta sẽ thấy được sự tham sống và mưu cầu hạnh phúc của kẻ khác, chiến tranh sẽ chấm dứt, khát vọng làm não hại con người sẽ được loại trừ, và tình yêu thương đồng loại sẽ được tăng trưởng.
Tình yêu thương đồng loại là một thuộc tính luôn có trong trái tim của con người, nó đồng hành với sự căm thù, và vô số thuộc tính khác, tuy nhiên con người không dám mạnh dạn loại bỏ những thuộc tính tiêu cực và phát triển sự yêu thương đó. Ngược lại, con người lại mong muốn trong ý thức hay vô tình gây tai họa cho đồng loại, muốn cường bá và muốn hơn thua cao hạ để khẳng định cái ta, một cái ta ảo ảnh mà cứ lầm tưởng đó là sự thật, và đó là trên hết. Nhưng thật sự, cái ta con người vin vào ấy chính là tập hợp của vọng tưởng điên đảo tạo thành, của kết tinh sự tham lam, sân hận, tập khí của ngu si, kiêu hãnh dựng nên để rồi chúng ta lầm lẫn bám víu vào chúng làm đời sống thật của mình để cuối cùng làm đau khổ cho nhau, cho đồng loại cộng tồn.
Vì không nhận thấy được lòng yêu thương vô bờ bến có sẵn bên trong của chúng ta, do đó chúng ta cứ sẵn sàng sử dụng mặt tiêu cực của tâm để gây chiến và phá hủy, trong đó môi trường, sự an sinh xã hội, sự nghèo đói lan tràn, đầy dẫy bệnh tật là hệ quả kéo theo bắt nguồn từ việc sử dụng mặt trái tiêu cực của mỗi con người. Và cuối cùng đã đưa thế giới chúng ta đang sống đến ngõ cụt trong sự bất an vẫn là bất an.
Cho đến khi nào con người biết vận dụng triệt để sự bình đẳng và lòng yêu thương này trong cái nhìn thật sâu sắc, có tư duy trong hành động dưới sự giám sát của tâm thức an tĩnh, bất hại trong cuộc sống ở đó là một sự tương quan của đồng loại không thể tách rời hay lọai trừ, thì lúc ấy ước mơ của con người được sống trong một thế giới thịnh vượng, hòa bình mới có thể khả dĩ được kiến tạo. Còn ngược lại, chúng ta chỉ tạo thêm nhiều đau khổ với nhau. Sự rêu rao hòa bình chỉ nằm trong sách vở, tâm tưởng và nằm trên bàn tròn của những kẻ tham vọng không bao giờ được hành động, có chăng là tấm lòng của những người được học những bài học tình thương sâu sắc, và ý thức được sự sinh tồn-yên ổn không bệnh tật, di căn của nhân lọai trong thế giới hiện tại và cho lớp người mai sau, mà họ đã quên mình xông pha vào chốn nguy hiểm, trong đó mạng sống chỉ là tơ chỉ.
Kỷ niệm ngày Phật đản sinh, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại Thông điệp An bình của Đức Phật, và hãy hành động đưa thông điệp này vào trong mỗi con người, gia đình, quốc gia, và hãy làm cho thông điệp ấy được sáng tỏ như là cương lĩnh sống và hành động của tất cả mọi người, thì chúng ta sẽ thấy rằng trí tuệ siêu tuyệt của Đức Phật xuyên suốt thời gian đã đi cùng với ước mơ muôn thưở của loài người.
Nơi đây, thế giới sẽ cất tiếng vang ca lời hạnh phúc, yêu thương mà Đức Phật, một vị Thầy dẫn đường đã chỉ cho chúng ta thấy được cách đây hơn 2.500 trước, cho đến thời điểm này lời dạy ấy càng vang vọng trầm hùng đến độ nào, con người vẫn còn khao khát ước mơ đến chúng và luôn mong mỏi cho tất cả mọi người thực hiện chúng. Đây mới chính là niềm vui lớn, một niềm hạnh phúc cao cả chân thật vì chính chúng không bị chi phối bởi dục vọng của chúng ta. Niềm vui Đức Phật đản sinh. Niềm vui ánh sáng của Ngài đến với nhân loại. Niềm vui có những người luôn âm thầm thực hiện chúng. Niềm vui chúng ta biết nghĩ và biết biết sống trong tình thương không biên giới vô giai cấp. Một niềm vui xuất phát trong tâm thế bình đẳng.