“Bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy thuyết pháp! Bạch đức Thiện Thệ, xin Ngài hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu những vị này được nghe Chánh pháp họ sẽ thông hiểu”
Theo kinh Āriyapariyesana, sau khi đức Thế Tôn thành đạo, Ngài chiêm nghiệm và quán chiếu sâu vào pháp do Ngài mới chứng được, là sâu thẳm, là vi diệu, cao quý, siêu lý luận, chỉ có người trí mới thấu hiểu, còn phần nhiều chúng sanh thì đam mê ái dục, chạy theo ái dục, khó mà thấy được pháp lý duyên khởi, khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh…
Nếu ta thuyết pháp mà họ không hiểu thì thiệt là khó lòng cho ta. Và lúc bấy giờ đức Thế Tôn nói bài kệ:
“Sao ta nói Chánh phápĐược chứng ngộ khó khănNhững ai còn tham sânKhó chứng ngộ pháp này.Đi ngược dòng thâm diệuKhó thấy, thật tế nhịKẻ ái nhiễm, vô minhKhông thấy được pháp này”.Bấy giờ, Phạm Thiên Sahampati đọc được luồng tư tưởng của Thế Tôn, nên liền suy nghĩ và than rằng:
“Than ôi, thế giới sẽ tiêu diệt, thế giới sẽ bị hoại vong, nếu tâm của Như Lai, bậc A-la-hán, bậc Chánh đẳng giác hướng về Niết-bàn chẳng muốn thuyết pháp”.
Sau khi suy nghĩ và than như vậy xong, Phạm Thiên Sahampati liền dùng thần lực biến mất từ thế giới Phạm Thiên và xuất hiện trước mặt đức Thế Tôn, cung kính chắp tay bạch Ngài rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy thuyết pháp! Bạch đức Thiện Thệ, xin Ngài hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu những vị này được nghe Chánh pháp họ sẽ thông hiểu”.
Phạm Thiên Sahampati nói tiếp bài kệ:
“Xưa tại MagadhaHiện ra pháp bất tịnhPháp do tâm cấu uếDo suy tư tác thành.Hãy mở tung, mở rộngCánh cửa bất tử nàyHãy để chúng nghe phápBậc thanh tịnh chứng ngộ.Như đứng trên tảng đáTrên đỉnh núi cao tộtCó người đứng nhìn xuốngĐám chúng sanh quay cuồng.Cũng vậy, ôi Thiện ThệBậc Biến Nhãn cùng khắpBước lên ngôi lâu đàiXây dựng bằng Chánh pháp!Bậc thoát ly sầu muộnNhìn xuống đám chúng sanhBị sầu khổ áp bứcBị sanh già chi phối.Đứng lên vị anh hùngBậc chiến thắng chiến trườngVị trưởng đoàn lữ kháchBậc thoát ly nợ nần!Hãy đi khắp thế giớiBậc Thế Tôn Chánh GiácHãy thuyết pháp vi diệuNgười nghe sẽ thâm hiểu!”.Sau khi nghe lời thỉnh cầu của Phạm Thiên Sahampati, đức Thế Tôn quán chiếu hết thảy căn tánh của chúng sanh, mỗi loài sinh ra từ những nhân duyên khác biệt.
Có người bị nhiễm bụi đời sâu nặng, có người mới bị đơn sơ, có người căn tánh chậm lụt, có người căn tánh lanh lợi, có người dễ dạy, có người khó dạy… Và Ngài nhìn xuống một hồ sen, trong hồ có loại sen xanh, có loại sen trắng, có loại sen hồng,… có loại đang ở sâu dưới nước, có loại đang trồi lên ngang tầm mặt nước, có loại vượt hẳn lên khỏi mặt nước…
Lại có những bông sen đang búp, có những bông sen đang nở và có những loại bông sen đã nở…
Sau khi quán sát những bông sen trong hồ như vậy rồi, đức Thế Tôn nói với Phạm Thiên Sahampati rằng:
“Cửa bất tử mở rộngCho những ai chịu ngheHãy từ bỏ tín tâmKhông chính xác của mình.Tự nghĩ đến phiền toáiTa đã không muốn giảngTối thượng vi diệu phápGiữa chúng sanh loài người”.Nói với Sahampati xong, đức Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu của Sahampati.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nghĩ đến đạo sư Alārakālama - người có thể lãnh hội giáo pháp. Nhưng chư Thiên đã báo cho Ngài, đạo sĩ đã mệnh chung bảy ngày rồi.
Đức Thế Tôn liền nghĩ đến đạo sĩ Uddaka Rāmaputta - người có thể lãnh hội được Chánh pháp. Nhưng chư Thiên đã báo cho Ngài biết, đạo sĩ đã mệnh chung ngày hôm qua.
Đức Thế Tôn liền nghĩ đến năm anh em Kiều Trần Như (Kondanna) đang tu tập khổ hạnh tại vườn Nai (Isipatana) ở Bārānasi, và Ngài muốn đến đây để giảng dạy Chánh pháp.
Khi đức Thế Tôn đến vườn Isipatana, bước đầu năm anh em Kiều Trần Như có những lời lẽ không dễ thương, nhưng sau đó đã được đức Thế Tôn chuyển hóa.
Đức Thế Tôn đã dạy cho họ rằng: “Đừng gọi là Hiền giả mà gọi Ngài là Như Lai”.
Và đức Thế Tôn nói với họ: “Quý vị không nên gọi Như Lai là Trưởng lão, khiến cho quý vị suốt đêm trường không có lợi ích.
Hỡi quý vị! Như Lai đã chứng được pháp Cam lồ, đã biết rõ con đường hướng đến Cam lồ, Như Lai chính là đấng Giác ngộ, đầy đủ tất cả trí, đã được tự tại, tịch tịnh, các sai lầm đã hoàn toàn dứt sạch.
Hỡi quý vị, hãy đến đây! Như Lai sẽ chỉ bày giáo pháp cho quý vị, dạy dỗ cho quý vị, quý vị đúng như sự chỉ dạy mà thực hành, thì ngay thân hiện tại của quý vị các mê lầm sẽ được tận diệt hoàn toàn, quý vị sẽ an trú vào đời sống giải thoát, thành tựu nếp sống phạm hạnh, điều đáng làm cần phải làm xong, vĩnh viễn không còn sự tái sanh.
Hỡi quý vị! Ngày xưa quý vị trách tôi rằng: “Trưởng lão Gotama ham thích niềm vui thế tục, muốn đoạn trừ phiền não mà không kiên trì giới hạnh, nên đã bị thối kém”.
“Hôm nay, tôi gần gũi quý vị, tôi đến với quý vị, mỗi vị tự cảm thấy lúng túng.
Do đó, quý vị cần phải biết rằng, không nên gọi Như Lai là Trưởng lão”.
Bấy giờ, năm anh em Kiều Trần Như đều quỳ xuống bạch với đức Thế Tôn rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Chúng con xin nguyện được làm Sa môn trong giáo pháp của đấng Giác ngộ”.
Đức Thế Tôn dạy:
“Hạnh phúc thay, hãy đến đây hỡi các Tỷ-kheo!”.
Bấy giờ, năm vị đó râu tóc tự rụng, thân mặc pháp phục, liền trở thành Sa môn oai nghi đĩnh đạc như vị Tỷ-kheo trải qua trăm tuổi Hạ. Họ đảnh lễ đức Thế Tôn và xin sám hối tất cả những lỗi lầm từ trước.
Từ đây, đối với Như Lai, họ luôn luôn nhớ nghĩ là bậc Đạo Sư với tâm sung sướng chiêm ngưỡng và rất mực tôn trọng.
Đức Thế Tôn nói chuyện với năm anh em Kiều Trần Như xong thì trời cũng bắt đầu tối. Và đêm nay đức Thế Tôn đã nhận Bảo luân, do Bồ-tát Chuyển Pháp dâng cúng.
Bồ-tát Chuyển Pháp đã thưa với đức Thế Tôn rằng:
“Bạch Thế Tôn, quá khứPhật Nhiên Đăng thọ kýNgài sẽ thành Chánh giácHiệu Thích-ca Mâu-ni.Bấy giờ cũng có conCon phát khởi nguyện nàyKhi nào Ngài thành PhậtCon sẽ cúng Bảo luân.Tất cả hàng trời, ngườiVà các chúng Bồ-tátSố đông không kể xiếtĐều vì chuyển Pháp luân.Mỗi vị dùng thần lựcVật dâng cúng đủ loạiNào đài báu, hoa, lọng,…Nhiều kiếp nói không cùng.Ba ngàn đại thiên giớiTrời, người, a tu laHết thảy các long thầnĐều nhất tâm cung thỉnh”.[1]Đức Thế Tôn sau khi nhận Bảo luân từ Bồ-tát Chuyển Pháp, Ngài ngồi yên lặng cho đến cuối đêm, nghĩa là lúc bình minh sắp sửa trở về, đức Thế Tôn mới gọi năm anh em Kiều Trần Như mà dạy rằng:
“Hỡi quý vị, nên biết!Người xuất gia có hai trường hợp phải tránh.Trường hợp thứ nhất: tránh đam mê các dụcĐam mê các dục đó là hạng phàm phu, không có hiểu biết, không phải việc làm của các bậc Thánh, không phù hợp với đạo lý giải thoát, không phải là tác nhân thành Phật và thành tựu Niết-bàn.
Trường hợp thứ hai: tránh sự tư duy thiếu chân chánh, tự mình ép xác khổ hạnh để mong cầu giải thoát.
Những hạng người như thế, trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều tự nhận lấy khổ báo.
Hỡi các Tỷ-kheo!
Các vị tu tập cần phải từ bỏ hai cực đoan ấy.
Tôi sẽ nói cho quý vị biết về con đường Trung đạo, quý vị phải hết lòng lắng nghe, ghi nhớ và nỗ lực thực hành!
Thế nào là con đường Trung đạo?
Đó là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Con đường đủ tám yếu tố như vậy gọi là Trung đạo.
Đây là con đường đi đến An lạc, Trí tuệ, Giác ngộ và Niết-bàn.
Đức Thế Tôn dạy cho họ về Tứ Thánh Đế bao gồm cả ba lần chuyển vận đầy đủ cả Mười hai hành tướng.
Chuyển vận Pháp luân lần thứ nhất
Đức Thế Tôn dạy:
Hỡi các Tỷ-kheo!
1. Đây là Khổ Thánh Đế, pháp được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các Tỷ-kheo!
2. Đây là Khổ Tập Thánh Đế, pháp được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các Tỷ-kheo!
3. Đây là Khổ Diệt Thánh Đế, pháp được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các Tỷ-kheo!
4. Đây là Thuận Khổ Diệt Đạo Thánh Đế, pháp được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Chuyển vận Pháp luân lần thứ hai
Đức Thế Tôn dạy:
Hỡi các Tỷ-kheo!
1. Đây là Khổ Thánh Đế, pháp cần phải được hiểu, cần phải biết đúng từ sự nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các Tỷ-kheo!
2. Đây là Khổ Tập Thánh Đế, pháp cần phải được hiểu, cần phải đoạn trừ đúng pháp đã được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các Tỷ-kheo!
3. Đây là Khổ Diệt Thánh Đế, pháp cần phải được hiểu, cần phải được chứng ngộ đúng như pháp đã được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các Tỷ-kheo!
4. Đây là Thuận Khổ Diệt Đạo Thánh Đế, pháp cần phải được hiểu, cần phải được thực hành đúng như pháp đã được nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Chuyển vận Pháp luân lần thứ ba
Đức Thế Tôn dạy:
Hỡi các Tỷ-kheo!
1. Đây là Khổ Thánh Đế, pháp đã được hiểu, đã biết đúng từ sự nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các Tỷ-kheo!
2. Đây là Khổ Tập Thánh Đế, pháp đã được hiểu, đã được đoạn trừ đúng như pháp đã được nghe, đã chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các Tỷ-kheo!
3. Đây là Khổ Diệt Thánh Đế, pháp đã được hiểu, đã được chứng ngộ đúng như pháp từ sự nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các Tỷ-kheo!
4. Đây là Thuận Khổ Diệt Thánh Đế, pháp đã được hiểu, đã được thực hành đúng như pháp đã từng nghe, chiêm nghiệm đúng như lý, mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ có thể phát sinh.
Hỡi các Tỷ-kheo!
Nếu chưa hiểu rõ pháp Tứ Thánh Đế, dưới ba sự chuyển vận với Mười hai hành tướng, thì mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ chưa thể phát sinh, thì bấy giờ Như Lai không đứng trước thế gian, gồm chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa môn, Bà-la-môn, buông hết tâm phiền não để đạt được giải thoát, không thể chứng đắc Vô thượng Bồ-đề.
Hỡi các Tỷ-kheo!
Do Như Lai chứng ngộ pháp Tứ Thánh Đế này, dưới ba sự chuyển vận với Mười hai hành tướng, nên mắt trí tuệ, mắt minh triệt, mắt Giác ngộ đã được phát sinh, ở trước tất cả thế gian gồm chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa môn, Bà-la-môn tâm phiền não đã buông hết, đã được giải thoát, đã chứng đắc Vô thượng Bồ-đề.
Sau khi đức Thế Tôn chuyển vận Pháp luân như vậy, Trưởng lão Kiều Trần Như và tám mươi ngàn chư Thiên, tách rời được bụi bặm cấu uế, đạt được cách nhìn thanh tịnh của Chánh pháp.
Bấy giờ, đức Thế Tôn gọi Trưởng lão Kiều Trần Như mà hỏi:
“Tôn giả có hiểu được Pháp này không?”
Tôn giả Kiều Trần Như trả lời:
“Bạch đức Thiện Thệ! Con đã hiểu”.
Đức Thế Tôn chuyển vận ba lần và Mười hai hành tướng Pháp luân xong, bấy giờ các loài Dược xoa trên trái đất nghe liền hoan hô, báo cho chư Thiên và loài người biết, do đó tất cả đều hoan hỷ vui mừng.[2]
Sau bài pháp Tứ Thánh Đế, đức Thế Tôn nói bài pháp Vô ngã tướng (Anatta-lakkhana), cho năm vị Tỷ-kheo tại vườn Nai.
Đức Thế Tôn dạy:
Hỡi các Tỷ-kheo!
Quý Thầy phải biết!
Sắc không phải là ta, nếu nó là ta, thì nó đã không bệnh, không nhận lấy sự khổ não.
Nếu sắc là ta, ta muốn sắc là như thế nào, thì nó phải như thế ấy, ta không muốn sắc như thế nào thì nó không như thế ấy, nó phải tuỳ thuộc theo ý muốn của ta. Nhưng, thực tế sắc không tuỳ thuộc theo ý muốn của ta. Do đó, nên biết rằng, sắc không phải là ta. Đối với thọ, tưởng, hành và thức cũng lại như thế.
Lại nữa, hỡi các Tỷ-kheo! Các Thầy nghĩ như thế nào, sắc là thường hay vô thường?
“Bạch đức Thế Tôn! Sắc là vô thường”.
Đức Thế Tôn dạy:
“Sắc là vô thường. Chính sắc vô thường này là không xứng ý (dukkhā), hoặc từ sự không xứng ý này dẫn đến sự không xứng ý khác (dukkhā-dukkha) hoặc không xứng ý vì sự biến hoại (viparināmadukkha) hoặc không xứng ý vì sự luân chuyển trong sinh tử (sạmkhāra-dukkha).”
Như vậy, các đệ tử thuộc Thanh Văn của Như Lai, có nên cho rằng, cái đó là cái ta (attana) không?
Hỡi quý vị!
“Có phải sắc chính là ta, cái ta có ở nơi sắc, sắc có ở nơi ta, cái ta có ở trong sắc không?”
Bạch đức Thế Tôn! Dạ, không.
Hỡi quý vị!
Thọ, tưởng, hành, thức quý vị nên biết là thường hay vô thường?
Bạch đức Thế Tôn! Chúng cũng là vô thường.
Hỡi quý vị!
Bất cứ pháp nào có hình sắc, pháp đó dù thuộc về quá khứ, hiện tại hay tương lai, trong hay ngoài, thô hay tế, dù thắng hay yếu liệt, dù xa hay gần, chắc chắn chúng đều không có cái ta (attana).
Quý vị nên biết, phải dùng chánh trí để quán chiếu rõ ràng:
- Thọ, tưởng, hành và thức, dù thuộc về quá khứ, hiện tại hay tương lai, quý vị cũng dùng chánh trí để quán chiếu rõ ràng, như quán chiếu đối với sắc vậy.
Nếu chúng Thánh đệ tử thuộc Thanh Văn của Như Lai, thì hãy quán chiếu năm thủ uẩn này, biết rõ nó không phải là tôi, không phải là của tôi.
Quý vị quán chiếu như vậy rồi, quý vị biết rõ thế gian không có ai đuổi bắt, không có cái gì để bắt đuổi và cũng không có cái đuổi bắt.
Điều đó, chỉ có tự thân Giác ngộ và chứng đạt Niết-bàn.
“Việc sinh tử đã hếtPhạm hạnh đã lập thànhĐiều đáng làm, làm xongKhông còn tái sanh nữa.”Lúc đức Thế Tôn thuyết bài pháp này, tâm của các vị Tỷ-kheo được giải thoát đối với các phiền não.
Quý vị tin tưởng, tiếp nhận và hành trì.[3]
Từ Issipatana (vườn Nai), đức Thế Tôn chuyển vận Pháp luân đầu tiên hóa độ năm anh em Kiều Trần Như, Tăng đoàn đầu tiên xuất hiện tại đây với túc số năm vị. Và thế gian trụ trì Tam bảo cũng từ đây đầy đủ cả nghĩa và lý.
Sau đó đức Thế Tôn hóa độ chàng thanh niên Yaśa và bạn bè của ông ta như Vīmala (Tỳ Ma La), Subahū (Tu Bà Hầu), Punnại (Phú Lan Na Ca), Gavampati (Già Bà Bạt Đế) và năm mươi vị nữa đều được xuất gia thọ Tỷ-kheo giới.
Tăng đoàn do đức Thế Tôn thành lập đến đây đã lên đến 60 vị.
Bấy giờ, đức Thế Tôn mở rộng cuộc hoằng pháp, từ Issipatana, Ngài trở lại Uruvela (Ưu lâu tần loa). Ở đây, Ngài hóa độ ba anh em tôn giả Ca-diếp (Kassapa), ba vị này đều tuân thủ theo đạo thờ Lửa.
Họ cho rằng: “Lửa là bản chất uyên nguyên của vũ trụ. Nó có nguồn gốc từ Brahma (Phạm Thiên). Chính lửa là sức sống, không có lửa là không có sự sống. Lửa là ánh sáng, là hơi ấm, là năng lượng làm phát sinh cây cối muôn thú và con người…”
Tuy nhiên, sau khi họ nghe đức Thế Tôn nói pháp thoại, tôn giả Ca-diếp trở về làm đệ tử của đức Thế Tôn, nhưng Ngài đã dạy với tôn giả Ca-diếp như sau:
“Này Ca-diếp! Ông là bậc kỳ túc có nhiều đệ tử, quốc vương, đại thần, nhân dân đều nương tựa và kính ngưỡng ông.
Nay, ông xin theo ta học đạo, không tránh được lỗi tự khinh, ông nên bàn bạc với các đệ tử của ông thật kỹ”.
Bấy giờ, tôn giả Ca-diếp hết sức cảm phục lời dạy của đức Thế Tôn, ông trở về vân tập chúng đệ tử lại và nói:
“Tôi đã tin và hiểu giáo pháp của bậc Đại Sa môn kia, chỗ chứng đạo của vị ấy là chân chính. Tôi nay muốn quy thú vị Đại Sa môn đó, quý vị nghĩ thế nào? Các hàng đệ tử đáp - Chúng con cũng muốn quy y theo vị đó”.
Bấy giờ tôn giả Ca-diếp và các đệ tử lấy tất cả y phục, dụng cụ tế lửa, vứt bỏ xuống sông Neranjana, rồi đi đến đức Thế Tôn, họ kính lễ Ngài và quỳ xuống tác bạch:
“Bạch đức Thế Tôn! Con và các đệ tử muốn được làm Sa môn trong Thánh pháp của Ngài”.
Đức Thế Tôn liền chấp nhận và nói:
“Hãy tự mình đi đến hạnh phúc, hỡi các Tỷ-kheo!”.
Lúc bấy giờ, quý vị ấy liền thành tựu giới thể của một vị Tỷ-kheo.
Đến đây Tăng đoàn của đức Thế Tôn lên đến 560 vị.
Sau khi tôn giả Ca-diếp và năm trăm đệ tử gia nhập Tăng đoàn, thì hai người em của Ưu Lâu Tần Loa Ca-diếp (Uruvelakassapa) là Nan Đề Ca-diếp (Nadikassapa) và Già Da Ca-diếp (Gayakassapa) đang hành đạo ở hạ lưu sông Ni Liên Thuyền (Neranjana), hai vị này khi nghe Ca-diếp và năm trăm đệ tử quy y theo đức Thế Tôn, họ rất ngạc nhiên và trách hỏi:
“Đại huynh là bậc kỳ cựu đã 120 tuổi, trí tuệ sâu xa, trong quốc nội ai cũng tôn sùng. Theo chúng tôi nghĩ: Đại huynh đã chứng A-la-hán, nay đại huynh lại từ bỏ đạo nghiệp thanh tịnh mà theo vị Sa môn đó, đạo lý của ông ta có hơn chăng?”
Ca-diếp trả lời với hai em rằng:
“Đạo của Đấng Giác ngộ là tối ưu, giáo pháp của Ngài là cao hơn hết. Tôi từ xưa đến nay chưa thấy có vị nào đạo lực có thể so sánh bằng Đấng Giác ngộ.
1. Dùng đạo lực thần thông biến hoá để hóa độ.
2. Dùng trí tuệ để biết tâm lượng của kẻ khác mà hóa độ.
3. Biết rõ mọi thứ phiền não, chẩn đoán đúng bệnh và cho thuốc.
Khi nghe Ca-diếp trình bày như vậy, hai anh em kia sanh tâm cung kính đức Thế Tôn và giáo pháp của Ngài, họ quay lưng hỏi các đệ tử: Quý vị nghĩ như thế nào?”
Năm trăm vị đệ tử đồng thanh trả lời:
“Chúng con nguyện theo giáo huấn của Thầy”.
Lúc đó, cả Thầy lẫn trò đều đi đến đức Thế Tôn xin được làm Sa môn trong Thánh pháp của Ngài.
Đức Thế Tôn liền chấp nhận và gọi họ rằng:
“Hãy tự mình đi đến hạnh phúc, hỡi các Tỷ-kheo!”
Bấy giờ những vị ấy thành tựu giới thể Tỷ-kheo. Tăng đoàn của Thế Tôn đến đây đã lên đến một 1060 vị.
Tại thành phố Rājagaha (Vương Xá) xứ Magādha (Ma-kiệt-đà), đức Thế Tôn đã giáo hóahai vị Sāriputta (Xá-lợi- phất) và Moggallāna (Mục- kiền-liên).
Hai vị này đã từng xuất gia với vị đạo sĩ Sanjaya, một vị đạo sĩ chủ trương “bất khả tri luận”.
Với chủ trương này đã không đáp ứng được nhu cầu tu học của hai tôn giả, nên họ nói:
“Pháp do Sanjaya hướng dẫn, pháp ấy không thể diệt tận khổ đau đến chỗ cùng tận hoàn toàn.
Hôm ấy, tôn giả Sāriputta gặp Đại đức Assaji đang thực hành pháp khất thực tại thành phố Rājagaha, tôn giả thấy dung mạo, phong thái uy nghi trầm tĩnh nên vui thích liền đến hỏi Đại đức Assaji rằng:
“Thưa Đại đức! Thầy của Đại đức là ai? Ngài y vào ai mà xuất gia? Do thực hành pháp nào mà có an lạc?”.
Đại đức Assaji trả lời:
“Thưa nhân giả! Thầy của tôi là bậc Đại Sa môn, xuất thân từ dòng họ Thích, Ngài đã xuất gia và thành tựu Phật quả, đó là Thầy của tôi, tôi y vào Ngài mà xuất gia, do thực hành pháp của Ngài dạy mà có an lạc”.
Tôn giả Sāriputta hỏi:
“Thầy của Đại đức sắc diện có đoan chính không? Có lẽ vị ấy đạo lực vượt hẳn Đại đức?”.
Đại đức Assaji trả lời:
“Ví như hạt cải so với núi Tu di, như nước dấu chân trâu so với biển cả, như loài muỗi mòng sánh với loài Kim Suý. Tôi mà so với đức Giác ngộ cũng giống như vậy”.
Đại đức Assaji nói tiếp:
“Thầy của tôi minh triệt pháp ba đời, chứng đắc trí vô ngại, thành tựu hết thảy thiện pháp”.
Tôn giả Sāriputta hỏi:
“Thầy của Đại đức dạy pháp như thế nào?”
Đại đức Assaji trả lời:
“Đối với Chánh pháp, tôi còn ấu trĩ, mới học tập, còn cạn cợt, đâu đủ khả năng để trình bày rộng rãi được, nay tôi chỉ nói tóm tắt thôi”.
Thầy tôi dạy pháp nhân duyên, và chỉ giảng dạy con đường đưa đến giải thoát. Thầy tôi nói pháp trong bài kệ này:
“Chư pháp tùng duyên sanhChư pháp tùng duyên diệtNhư thị dự diệt sinhSa môn thuyết như thị”.Nghĩa là:
“Vạn vật từ nơi nhân duyên mà sinhVạn vật từ nơi nhân duyên mà diệtCả sinh và diệt đều như vậyBậc Sa môn dạy như thế”.Tôn giả Sāriputta nghe Đại đức Assaji trình bày bài kệ tóm lược xong, liền thông đạt nghĩa lý và nói với Đại đức Assaji rằng:
Bài kệ kia trình bày đúng văn cú thì phải như thế này:
“Chư pháp nhân duyên giảBỉ pháp tùy duyên diệtNhân duyên diệt tức đạoĐại sư thuyết như thị.”Nghĩa là:
Vạn vật sinh khởi từ nhân duyênChúng huỷ diệt cũng từ nhân duyênNhân duyên vắng mặt chính là ĐạoBậc Đại sư nói như thế.Bấy giờ tôn giả Sāriputta chiêm nghiệm bài kệ, thấy rõ nghĩa lý, Người có cách nhìn thanh tịnh đối với pháp, thấy rõ tướng vắng lặng của các pháp hữu vi, liền cám ơn Đại đức Assaji và chào từ giã.
Sau đó, tôn giả Sāriputta gặp tôn giả Moggallāna, hai vị bàn bạc với nhau xong, họ xin từ giả Thầy của họ là Sanjaya và lên đường tìm đến đức Thế Tôn.
Từ xa đức Thế Tôn nhìn thấy họ, Ngài nói:
“Gặp được bậc Thánh là vuiĐược sống chung lại càng vui thêmKhông gặp những kẻ ngu siĐó là niềm vui thường tại”.Khi tôn giả Sāriputta và Moggallāna cũng như đồ chúng của họ đến gặp đức Thế Tôn, họ đảnh lễ và thưa:
“Ngày nay chúng con ở trước đức Thế Tôn, muốn được xuất gia tu tập đạo hạnh trong giáo pháp của Ngài. Kính mong Ngài cho chúng con được xuất gia, được thọ cụ túc giới!”.
Đức Thế Tôn liền chấp nhận và nói:
“Hãy tự mình đi đến hạnh phúc, hỡi các Tỷ-kheo! Ngày nay quý vị đã đến và ở trong giáo pháp của ta, để thực hành phạm hạnh, tận diệt khổ đau”.
Đức Thế Tôn nói như vậy xong, quý vị kia đã thành tựu giới thể Tỷ-kheo.
Và 250 vị học trò của hai tôn giả cũng xuất gia trong pháp và luật của Thế Tôn.
Tăng đoàn của Thế Tôn đến đây đã lên đến 1310 vị.
Trên đường hành hóa, đức Thế Tôn đã hóa độ Phạm chí Dīghanakkha (Trường Trảo), một nhà luận nghị rất giỏi theo thuyết Bà-la-môn. Đức Thế Tôn đã dạy cho ông ta phương pháp loại trừ cảm thọ, để thân tâm có được sự an tịnh.
Sau đó Phạm chí Dīghanakha đã xin xuất gia theo pháp và luật của đức Thế Tôn.
Khi trở về thăm hoàng tộc, đức Thế Tôn đã giáo hóaPhụ vương, Mẫu hậu, Công chúa và nhiều người trong thân tộc.
Ngài đã độ cho Ananda, Nanda, Rahūla, Devadatta, Channa… đều được xuất gia trong Tăng đoàn của Thế Tôn.
Tại Vesāli, rừng Mahāvana, đức Thế Tôn đã chế định “Bát Kỉnh Pháp”, để mở đầu cho nữ giới xuất gia. Như bà Ma hā Ba-xà ba-đề, các nữ lưu trong dòng họ Sakya và ngoài xã hội.
Đến đây, Tăng đoàn của Thế Tôn đầy đủ cả nam và nữ xuất gia.
Trên bước đường hoằng pháp, đức Thế Tôn đã giáo hóaba mươi chàng thanh niên, khi họ đang rong ruổi để kiếm tìm một thiếu nữ đẹp.
Đức Thế Tôn hỏi quý vị đang đi tìm kiếm cái gì?
Họ trả lời – Thưa Tôn giả! Chúng tôi đang đi tìm kiếm một người thiếu nữ cho bạn của chúng tôi.
Bấy giờ đức Thế Tôn mỉm cười và nói: “Tại sao quý vị lại không đi tìm kiếm lại chính mình, mà lại đi tìm người thiếu nữ kia để làm gì?
Quý vị thử nghĩ - Một người đi tìm lại chính mình và một người đi tìm kiếm kẻ khác, hai sự đi tìm kiếm ấy, sự tìm kiếm nào cao quý hơn?”
Sau khi họ nghe đức Thế Tôn hỏi, các chàng thanh niên ngẫm nghĩ thấy thấm thía, từ đó họ xin quy y theo đức Thế Tôn.
Trên bước đường chuyển vận Chánh pháp từ Ba-la-nại đến Ưu lâu tần loa, đức Thế Tôn đã giáo hóanhà binh tướng Bà-la-môn tên là Dabala và cả gia đình của ông ta.
Bánh xe Chánh pháp tiếp tục chuyển vận, đi đến đâu là đức Thế Tôn cảm hóa đến đó, từ các nhà đạo sĩ, vua quan, trưởng giả, thứ dân…
Vua Bình Sa Vương, vua Ba Tư Nặc, vua A Xà Thế, các Hoàng hậu, Thái tử, Công chúa đều đã được đức Thế Tôn cảm hóa.
Trưởng giả Cấp cô độc ở thành Sāvatthi, trưởng giả Hộ Di ở thành phố Rājagaha, nhà triệu phú Magār ở Sāvātthi, nhà triệu phú Dhananja ở Anga, nhà triệu phú Mandaka…
Các thứ dân của xứ Kalama, xứ Magādha, xứ Sāvātthi, xứ Kapilavatthu, xứ Kośala… đều được đức Thế Tôn cảm hóa.
Các hàng thứ dân như Jīvaka của một kỹ nữ bị vứt vào đống rác, vũ nữ Utpalavarna, Upāli con của một bần dân đều đã được đức Thế Tôn cảm hóa.
Sau khi đức Thế Tôn tiếp nhận Upāli vào Tăng đoàn, bấy giờ có những dư luận không tốt về Ngài.
Họ nói việc đức Thế Tôn cho Upāli – dòng dõi hạ tiện xuất gia làm nhục tất cả dòng dõi vua chúa, làm cho mọi người bất kính đối với Tăng đoàn.
Dư luận này đã đến tai đức Thế Tôn, Ngài liền gọi tôn giả Ananda và đại chúng mà bảo:
“Thà quý vị nói rằng: Tâm đại bi của Như Lai là không bình đẳng… chứ không nên nói: Tỷ-kheo Upāli đích thực là người hạ tiện, là hành động thấp kém.
Thà quý vị nói rằng: Như Lai còn phiền não… chứ không nên nói: Upāli là dòng dõi hạ tiện mà được xuất gia.
Như Lai đã thấy rõ con đường hiểm nguy của sinh tử và con đường thành tựu Giác ngộ.
Upāli rồi cũng được trời, người quý trọng, bậc hộ trì Chánh pháp và là bậc trì luật số một trong hàng đại chúng…”.
Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, đức Thế Tôn đã giáo hóa đủ mọi giai cấp, thành phần của xã hội, đã thành lập xong tứ chúng đệ tử gồm: Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di.
Trong hàng tứ chúng đệ tử của đức Thế Tôn có nhiều vị chứng quả A-la-hán, có nhiều vị chứng A na hàm quả, có nhiều vị chứng Nhất lai hoặc Thất lai quả.
Hễ ai không tu không học thì thôi, còn nếu ai có tu có học trong giáo pháp của đức Thế Tôn, họ đều có niềm vui trong đời sống hiện tại, và bước những bước chân vững chãi đến tương lai.
Không những đức Thế Tôn chỉ để tâm thương xót giáo hóa cõi người, mà Ngài còn dùng năng lực thiền định để thuyết pháp giáo hóa cho chư Thiên các cõi trời. Ngài đã hóa thân lên cung trời Đao Lợi để thuyết pháp chuyển hóa tâm thức của mẹ. Và cũng đã nhiều lần hóa thân bằng năng lực thiền định đến Long cung để thuyết pháp và giáo hóa cho các vua Rồng và các loài Thuỷ tộc.
Và ngay trong xứ Ấn Độ đương thời, đức Thế Tôn đã giáo hóa khiến cho các nước Magadha, Kośala, Anga, Kapilavatthu… đều sống chung hoà bình.
Bấy giờ, có lần vua Ajātasattu Vedehiputta của nước Magadha, sai đại thần Vassakāra (Vũ Xá) đến đảnh lễ đức Thế Tôn và thưa:
“Bạch đức Thế Tôn! Ajātasattu Vedehiputta vua nước Magadha muốn chinh phục nước Vajji. Vua tự nói: “Ta quyết định chinh phục dân tộc Vajji này, dầu chúng có uy quyền hùng mạnh. Ta quyết làm cỏ dân tộc Vajji, ta sẽ làm cho dân tộc Vajji hoại vong…”
Vua dặn đại thần Vassakāra đến đức Thế Tôn thưa xong, Ngài dạy như thế nào, phải ghi nhớ cho kỹ và nói cho Trẫm biết. Vua còn nói với đại thần Vassakāra, bậc Thế Tôn không bao giờ nói lời hư dối”.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn không trả lời trực tiếp với đại thần Vassakāra, mà Ngài hỏi tôn giả Ananda như sau:
“Này Ananda, Thầy có nghe dân chúng Vajji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không ?”.
“Bạch đức Thế Tôn, con có nghe dân chúng Vajji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau”.
“Này Ananda, khi nào dân chúng Vajji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thì dân chúng ấy sẽ được cường thịnh”.
“Này Ananda, Thầy có nghe dân chúng Vajji tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết không?”.
“Bạch đức Thế Tôn, con có nghe dân chúng Vajji tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết”.
“Này Ananda, khi nào dân chúng Vajji tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết là dân chúng ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.
“Này Ananda, Thầy có nghe dân Vajji không ban hành những luật lệ không được ban hành, hủy bỏ những luật lệ được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajji như đã được ban hành từ thời xưa không ?”.
“Bạch đức Thế Tôn, con có nghe dân Vajji không ban hành những luật lệ không được ban hành, huỷ bỏ những luật lệ được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajji như đã được ban hành từ thời xưa”.
“Này Ananda, khi nào dân chúng Vajji không ban hành những luật lệ không được ban hành, huỷ bỏ những luật lệ được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajji như đã được ban hành từ thời xưa thì dân chúng ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.
“Này Ananda, Thầy có nghe dân chúng Vajji tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Trưởng lão tại Vajji và theo lời dạy của các vị ấy không ?”.
“Bạch đức Thế Tôn, con có nghe dân chúng Vajji tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Trưởng lão tại Vajji và theo lời dạy của các vị này”.
“Này Ananda, khi nào dân chúng Vajji tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Trưởng lão tại Vajji và theo lời dạy của các vị ấy thì dân chúng đó sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.
“Này Ananda, Thầy có nghe dân chúng Vajji không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ tại Vajji sống với mình không ?”.
“Bạch đức Thế Tôn, con có nghe dân chúng Vajji không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ tại Vajji sống với mình”.
“Này Ananda, khi nào dân chúng Vajji không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ tại Vajji sống với mình thì dân chúng ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.
“Này Ananda, Thầy có nghe dân chúng Vajji tôn kính và đảnh lễ các nơi thờ tự tín ngưỡng từ nội thành đến ngoại thành và không phế bỏ các cúng lễ đã có từ trước đúng với quy pháp không?”.
“Bạch đức Thế Tôn, con có nghe dân chúng Vajji tôn kính và đảnh lễ các nơi thờ tự tín ngưỡng từ nội thành đến ngoại thành và không phế bỏ các cúng lễ đã có từ trước đúng với quy pháp”.
“Này Ananda, khi nào dân chúng Vajji tôn kính và đảnh lễ các nơi thờ tự tín ngưỡng từ nội thành đến ngoại thành và không phế bỏ các cúng lễ đã có từ trước đúng với quy pháp thì dân chúng ấy sẽ được cường thịnh và không bị suy giảm”.
“Này Ananda, Thầy có nghe dân chúng Vajji bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán tại Vajji, khiến cho các vị A-la-hán nào chưa đến thì muốn đến, những vị đã đến thì được sống an lạc không ?”.
“Bạch Thế Tôn, con có nghe dân chúng Vajji bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán tại Vajji, khiến cho các vị A-la-hán nào chưa đến thì muốn đến, những vị đã đến thì được sống an lạc ?”.
“Này Ananda, khi nào dân chúng Vajji bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán tại Vajji, khiến cho các vị A-la-hán nào chưa đến thì muốn đến, những vị đã đến thì được sống an lạc thì dân chúng ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.
Sau khi đức Thế Tôn hỏi tôn giả Ananda về bảy pháp bất thối của dân Vajji xong, Ngài quay lại nói với đại thần Vassakāra rằng:
“Này Bà-la-môn! Một thời tôi sống ở Vesāli tại tự miếu Sarandada, tôi đã dạy cho dân Vajji bảy pháp bất thối này.
Này Bà-la-môn Vassakāra, khi nào ‘bảy pháp bất thối’ này được duy trì giữa dân chúng Vajji và khi nào dân chúng Vajji được giảng dạy ‘bảy pháp bất thối’ này, thì dân chúng Vajji sẽ được cường thịnh, không suy giảm”.
Sau khi đức Thế Tôn nói như vậy, đại thần Vassakāra liền thưa:
“Bạch đức Thế Tôn, nếu dân chúng Vajji chỉ hội đủ một pháp bất thối này, thời dân Vajji nhất định cường thịnh, không suy giảm, huống nữa là đủ cả ‘bảy pháp bất thối’ này.”
Vua Ajātasattu Vedehiputta của nước Magadha không thể đánh thắng dân Vajji ở chiến trận”.
Sau đó đức Thế Tôn dạy ‘bảy pháp không suy thoái’ đến chúng Tỷ-kheo để làm Tăng đoàn vững mạnh, không bị suy thoái.
Suốt 45 năm hành hóa, điều đáng làm đức Thế Tôn đã làm, điều đáng nhiếp hóa đức Thế Tôn đã nhiếp hóa, điều đáng nói để đưa mọi người đến nơi an lạc, đức Thế Tôn đã nói với tất cả trái tim thương yêu và hiểu biết của mình.
Có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Sūtra, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ trực tiếp; có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Gega, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ tóm tắt lại qua thi kệ; có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Vyākarana, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ trao truyền, ấn chứng; có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Gāthā, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ của thi kệ cô đọng; có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Udāna, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ tự khai thị; có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Nidāna, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ của nhân duyên.
Có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Avadāna, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ thí dụ; có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Itivrịttaka, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ ký sự; có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Jākata, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ bình dị, kể chuyện đời xưa; có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Vaipulya, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ triết lý, uyên áo, bác học.
Có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Adbhuta Dharma, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ siêu luận lý, siêu hiện thực; có khi đức Thế Tôn đã nói pháp với mọi người bằng ngôn ngữ Upadeśa, nghĩa là nói bằng ngôn ngữ luận lý vững chãi.
Như vậy, suốt 45 năm đức Thế Tôn chuyển vận bánh xe Chánh pháp, san lấp hầm hố sinh tử, xóa bỏ mọi thái độ mặc cảm tự tôn, tự ti trong mọi giai cấp của xã hội loài người, và đối với hạng có thiện căn, đức Thế Tôn đã tạo điều kiện cho phát sinh Thánh quả, vượt thoát khổ đau; đối với hạng căn cơ khiếp nhược, đức Thế Tôn đã nâng họ đứng dậy, tạo cho họ có điều kiện đi lên. Cả cuộc đời hành đạo, đức Thế Tôn không thiên lệch một ai, Ngài đến với mọi người bằng tâm bình đẳng, tâm hiểu biết, tâm thương yêu. Ngài có mặt trong cuộc đời này là để hàn gắn lại những gì đã đổ vỡ và dựng đứng lại những gì đã xiêu vẹo, nhắc nhở lại những gì cao quý mà loài người đã bỏ quên, xóa đi những mê lầm và niềm đau nơi tâm thức con người để mặt trời bình an xuất hiện, và đó là tư duy, là cuộc sống, là ngôn ngữ, là bước đi, là dấu ấn mà bánh xe Chánh pháp của Ngài đã chuyển vận và để lại giữa cuộc đời này.
[1] Phương Quảng Đại Trang Nghiêm kinh, cuốn 11, tr 607b - Đại Chính 3.
[2] Phật Thuyết Tam Chuyển Pháp luân kinh, Tạp A Hàm, số 110, tr 504 - Đại Chính 2.
[3] Phật Thuyết Ngũ Uẩn Giai Không kinh, Tạp A Hàm, số 102, tr 499 – Đại Chính 2.