Thư Viện Hoa Sen

Bao Giờ Thôi Hết Dại Khờ

21/07/201212:00 SA(Xem: 81618)
Bao Giờ Thôi Hết Dại Khờ

BAO GIỜ THÔI HẾT DẠI KHỜ
Quảng Tánh

burn_earthDại khờ thì chẳng ai muốn, sanh ra đã trót dại rồi thì biết làm sao được. Ấy vậy mà có những người thông minh lanh lợi, học hành giỏi giang, nhìn rộng trông xa nhưng xem ra cũng khó vượt qua đại ải dại khờ.

Nhận lầm các giá trị rồi nhọc sức uổng công đuổi theo những ảo ảnh phù vân có lẽ vẫn là dại khờ muôn thuở, là thân phận của kiếp người. Một ngày mỏi mệt hay lúc tuổi đã xế chiều, có ai bình tâm nghĩ lại ta đã làm gì đáng và nên làm. Đâu đó trong tâm thức vọng về hình ảnh chàng khờ bán trầm hương mà như bảng lảng chân dung chính mình.

Kinh Bách Cú Thí Dụ kể rằng: “Xưa, có ông trưởng giả giàu có. Ông ta có một người con trai tài trí thấp hèn. Một hôm, ông nghĩ rằng phải cho con cái đi buôn để làm quen với thương trường và trui rèn bản lĩnh kinh doanh. Người con khởi sự chuyến buôn bán đầu tiên với mặt hàng chủ yếu là trầm hương.

Trầm hương giá đắt nên rất ít người mua. Trải qua thời gian khá lâu nhưng bán buôn cứ ế ẩm. Những người cùng đi với anh ta đã trở về. Nóng lòng vì lo sợ lạc đường, trong khi trầm hương lại ít người mua, không biết làm sao, anh ta bèn xem xét, nghiên cứu nhu cầu của khách chợ.

Thấy than là mặt hàng bán rất chạy, anh ta liền đốt hết trầm hương thành than mong bán được nhanh. Mọi người thấy vậy đều chê cười nói: Có người khờ khạo đến thế sao! Bán trầm hương tuy chậm nhưng thu được nhiều tiền, nay đốt thành than rồi thì còn giá trị gì nữa”.

Thực tế thì không có thương buôn nào lại khờ khạo như gã bán trầm hương kia. Nhưng bình tâm mà xét ở trong chợ đời, nơi mỗi con người kiếm sống bằng cách “bán” đi công sức và trí tuệ của mình thì chí ít cũng một đôi lần, chúng ta đã, đang và sẽ làm gã khờ bán trầm hương.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần xác định đúng các giá trị. Trầm hương vốn quý giá thì không thể bán chạy như than củi. Cứ túc tắc mà bán được trầm thì chắc chắn lợi nhuận thu về cao hơn bán than ào ạt. Vì thế, không thể bán trầm nhanh như bán than, lại càng không thể đốt trầm thành than để mong bán chạy.

Do vậy, sự nghiệp của đời người, muốn thành tựu phải có thời gian đầu tư, có thể vận dụng cả nghề tay trái, lấy ngắn nuôi dài nhưng không thể chạy theo cái lợi nhỏ trước mắtbỏ quên sự nghiệp lâu dài. Đơn cử, một họa sĩ trong quá trình sáng tác nên những bức tranh để đời có thể vẽ thêm tranh chợ, nhưng nếu chạy theo tranh chợ vì bán chạy thì sự nghiệp của anh ta chỉ là một gã thợ vẽ tầm thường.

Một thời, chúng ta phá rừng ào ạt, đốt than, lấy củi, trồng cây lương thực ngắn ngày, tuy giải quyết được vấn đề trước mắt nhưng bình tâm mà xét thì việc đốt phá rừng vàng thành đất trắng thì cũng chẳng khác nào đốt trầm hương.

Trong thời hội nhập, việc phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc cũng đang là một thử thách cho mọi quốc gia. Kinh tế có thể xây dựng thành công trong một giai đoạn, trong khi các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc vốn được tích lũy, kế thừa từ nhiều đời. Phát triển kinh tế mà đánh mất các giá trị văn hóa truyền thống là một sự đánh đổi oan uổng và đáng tiếc, có tội với lịch sử, với dân tộc.

Đặc biệt là đối với sự nghiệp tu học, cứu cánhphương tiện là hai vấn đề vốn không tách rời nhưng có giá trị khác biệt. Phương tiện rất cần thiết để hỗ trợ cho thành tựu cứu cánh nhưng chạy theo phương tiện mà quên đi cứu cánh là sự vong bản, là đốt trầm để bán than. Hiện tại, cứu cánh đích thực của sự nghiệp tu họcgiải thoát nhưng đã mấy ai làm được hay chỉ loay hoay như người vào rừng đốn lõi cây mà chỉ đem về cành lá mà thôi.

Thì ra, chuyện chàng khờ bán trầm hương không hẳn chỉ là cổ tích và cũng chẳng phải của riêng ai.

Quảng Tánh
(Theo thichquangtanh.com)

(CÙNG TÁC GỈA)

Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 191505)
01/04/2012(Xem: 37102)
08/11/2018(Xem: 15728)
08/02/2015(Xem: 54944)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: