● Nghiêm Xuân Hồng Người Về Khép Cánh Hư Không, Tuấn Huy

07/05/201112:00 SA(Xem: 8667)
● Nghiêm Xuân Hồng Người Về Khép Cánh Hư Không, Tuấn Huy

TUYỂN TẬP TƯỞNG NIỆM 
CƯ SĨ TỊNH LIÊN NGHIÊM XUÂN HỒNG
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen

NGHIÊM XUÂN HỒNG
NGƯỜI VỀ KHÉP CÁNH HƯ KHÔNG

Tuấn Huy

“Người về bứt áng mây hồng
Dệt y trăm sắc ngại ngùng lòng ai,
Tôi về mơ giấc mơ dài
Song-hồ-hư ảnh-trăng-cài-sắc-không....
Người về bước nhỏ thong dong
Ngâm ngùi tình muộn vương lòng đỗ quyên
Tôi về mở sách u-huyền
Mưa hoa lãng đãng mấy miền tịch- dương. . .
Người về nhặt nụ hướng-dương
Tô thêm khóe mắt cô-nường Huyền-âm
Tôi về khép cánh hư-không
Bồ đoàn che khắp nửa vòng trần-duyên...
Người về tiệc rượu đảo điên
Chê ly quá nhỏ, hài sen rót đầy,
Tôi về tỉa nhánh trúc gầy
Đèn khuya rải bóng vơi đầy HOA NGHIÊM...
Người về lìa suối tịch-nhiên.
Chênh vênh gót ngọc, đảo điên nụ cười,
Tôi về gấp áng mây trời
Ôm-trăng-đổ giấc-bên-đồi-Tào-khê....”

Thơ Nghiêm Xuân Hồng. Những vần thơ chau chuốt và uyên bác. Những vần thơ tinh khiếtan nhiên. Những vần thơ hé mở cho ta thấy một cõi tâm thanh thoát. Những vần thơ phơi lộ cho ta thấy một trời tư tưởng khoáng đạt. Thăm thẳm, khôn cùng... Những vần thơ đó, chiếu dọi vào tâm thức tôi những lượng ánh sáng huyền ảo của một trái tim đầy trăng sáng. Những vần thơ đó mang về cho suy tưởng tôi những lượng hương thơm thanh tịnh của những đoá sen hồng. Tôi nhớ, một nửa khuya, khi được đọc những vần thơ đó. tôi đã không muốn ngủ nữa. Tôi đứng thật lâu bên khung cửa sổ nhìn ra một mảnh vườn nhỏ đầy trăng. Trăng tháng Chạp mông lung bàng bạc, trăng mùa đông bát ngát âm u. Nhìn ánh trăng mặt hồ ẩn hiện giữa những cỏ cây se giá ở bên ngoài, tôi cảm nhận được cái vẻ chói lòa ngời tỏa của một vầng trăng lung linh từ tâm thức. Và cũng cảm nhận được nỗi ấm áp dịu dàng của một cõi lòng khi nhũng đỏa-sen-từ-ái đã vừa bừng nở... Trước đó,. một đôi khi, tâm thức tôi còn là rối loạn. Trước đó, cõi lòng tôi luôn luôn bi xô động bởi những nát tan. Nhưng chỉ cần đọc những vần thơ, và chỉ cần nhìn ánh trăng khuya giãi mở - tâm tôi được yên lại, và lòng tôi đã được an ủi vỗ về. Bên khung cửa sổ, tôi hình dung thấy cái bóng nhỏ bé của mình, đã lang thang từ tầng đầu cuộc đời này đến tầng đầu cuộc đời khác - đã lê lết từ đáy sâu phiền muộn đó đến đáy sâu phiền muộn kia - đã nếm hưởng rất nhiều khổ đau và đã nếm hưởng một ít oi hạnh phúc - đã rạc rài qua những bến bờ mê muội tới những khe vịnh mù - lòa - đã long đong từ những chân trời điên loạn về những góc biển cưồng si. Nói tóm, là qua bao nhiêu năm tháng, tôi như một con vụ quay tròn trong cơn lốc. Cơn lốc của gia đình. Cơn lốc của đất nước. Cơn lốc của thời thế. Cơn lốc của công danh. Cơn lốc của tình yêu. Cơn lốc của mất mát. Cơn lốc của đổ vỡ. Cơn lốc của con người...

Thực ra, không phải bây giờ tôi mới được nhìn thấy cái vẻ huyền ảo của ánh trăng gầy, và cũng không phải bây giờ tôi mới được ngửi cái vị thơm man mác của những đoá sen. Trăng đã có từ vô lượng thời gian. Sen đã có từ vô thủy cuộc đời. Nhưng phải là trăng đến với ta đúng một sát na hạnh ngộ, và cũng phải là sen đến với ta đúng một khoảnh khắc-giao phùng. Thì ta mới biết được cánh cửa dầy đặc của Tâm đã mở. Thì ta cũng mới biết được những chận giữ của Nghiệp đã thông...

Trước kia, mỗi lần đọc những câu thơ của Trúc Lâm đại sĩ:
“Vạn sự nước xuôi nước.
Trăm năm lòng ngỏ lòng.
Tựa lan nâng sáo thổi
Trăng sáng đầy cõi tâm...”.

tôi đã nghe được sự im ả siêu thoát của tâm hồn. Nhưng đêm ấy, khi đọc những vần thơ của Thiền giả Nghiêm Xuân Hồng, lòng tôi đã được nhẹ tênh, khi thầy mình chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi giữa ngàn hoa cỏ. Ngày hôm sau, buổi chiều, tôi tìm đến thăm ông. Đó là một buổi chiều lộng gió của một trận bão- khô còn rớt lại. Thung lũng Foutain. Những hàng cây rét mướt đan dài một bầu trời thoi thóp nắng và rất nhiều mây xám. Ngôi nhà ở đáy-túi một con đường vắng. Những cánh hoa lăn tăn màu vàng và màu đó ở một bờ tường thấp. Nhữõng lá cỏ nghiêng đi. Những cảnh lá xào xạc nghiêng đi.

Trong căn phòng xinh nhỏ, lặng trang như một tịnh thất, mà rõ ràng ngọn đèn khuya còn là rãi bóng Hoa Nghiêm, người nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, vị thiền-sư nữa. Nghiêm Xuân Hồng, người đã đặt những bước chân thong dong ở gần khớp mặt địa cầu, đang ngồi giữa những cuốn kinh sách ngổn ngang tung tóe - nhìn lấp lánh như những đóa hoa huyễn hoặc trên một biển xanh chập chùng của trí huệ. Cái dáng đã là khom khom tuổi tác. Khoảng lưng đã là cong gập tháng năm. Nhưng nụ cười vẫn thật hiền hòa.Và ánh nhìn vẫn thật khoan dung tứ ái. Ông nhường chiếc ghế cho tôi, để ném mình xuống một khung giường mà chăn nệm vẫn là bừa bộn xô bồ. Khắp nơi là sách. Khắp nơi là kinh. Không có tranh và không có hoa. Trên tường, nhìn ngang là một bức vẽ rất thanh thoát đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Và nhìn tới là một bức vẽ rất hài-hòa đức Bồ Tát Long Thọ. Trong khi tôi thăm hỏi về sức khoẻ của ông, nhà văn Nghiêm Xuân Hồng mở hộp thuốc, lấy một viên, nhai chệu chạo, rồi chiêu một ngụm nước, rồi cười: “Vẫn vậy vậy “ Tôi nhìn những hộp thuốc, những lọ thuốc, những vĩ thuốc, để ở khắp nơi. Từ mặt bàn đến kệ gỗ. Từ xó kẹt đến đầu giường. Tôi thấm thía về câu Nghiêm Xuân Hồng thường nói: “Bệnh tật là bạn của ta”. Tôi muốn thêm: “Thuốc men cũng là những người bạn khác của ông nữa”

Một điếu thuốc “Lucky” được đốt lên. Nhà văn Nghiêm Xuân Hồng vừa từ tốn hút những hơi thuốc nhẹ, vừa chuyện trò với tôi thật thân thiết cởi mở. Như một người cha nói chuyện với con. Như một người anh nói chuyện với em. Như một người thầy nói chuyện với một môn sinh vừa từ phương trời xa trở lại. Như một người bạn nói chuyện với một người bạn vừa từ nơi lưu lạc quay về... Tôi gợi ông nhớ lại cái ngõ hẻm đường Yên Đổ, nơi nhóm “Quan Điểm” đã được hình thành, với những Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Tạ Văn Nho..v..v.. Tôi gợi ông nhớ lại căn gác nhỏ trên đường Gia Long. Nơi những bậc thang gổ ướt nhìn xuống khoảng sân đầy chậu cảnh xum xuê tươi mát. Nơi mà những nhà văn nhà thơ danh tiếng lừng lẫy ở miền Nam đã thưởng lưi tới. Tôi gợi ông nhớ lại cái văn-phòng luật-sư rất nghệ sĩ ở Biên Hòa. Tôi cũng gợi ông nhớ lại bữa nửa khuya ngày chính biến Mồng Một Tháng Mười Một năm 1963, ở một biệt thự đường Phan Đình Phùng, có nhiều khuôn mặt hàng đầu trong chính trường miền Nam sau đó: những P.H.Q., những B.D., những Đ.V.S.... Những nơi chốn đó, phần tôi, tôi đã đều có mặt. Lúc ấy còn là một Nghiêm Xuân Hồng nghiêm túc, nhỏ nhẹ, kín đáo xa cách, giữ gìn. Một Nghiêm Xuân Hồng luật sư chính trị gia, nhà lập thuyết, nhà tư tưởng. Một Nghiêm Xuân Hồng đang ôm những “giấc mộng lớn”. Một Nghiêm Xuân Hồng đang ấp ủ những hoài bão vĩ đại. Một Nghiêm Xuân Hồng đang có nhiều cao vọng: về đất nước, về thời thế, về chế độ, về những dấn thân, nhập cuộc.

Thời gian đó, là thời gian tôi thường tìm đến cái thế-giới-tư-tưởng Nghiêm Xuân Hồng, qua những “Đi tìm một căn bản tư tưởng”, “cách mạng và hành động”, người viễn khách thứ mười”, “Xây dựng nhân sinh quan” v.v... Qua sự hiểu biết còn nông cạn và qua sự tiêu-hóa-rất giới-hạn của trí tuệ tôi, tôi thấy đó là một con người có những khát vọng đẹp đẽ và có những mong cầu vĩ đại. Cũng rất là phóng khoáng và cũng rất là nhân bản. Hàm chứa những dằn vặt, những thao thức, những băn khoăn, những dày vò, những khấc khoải của những người trí thức - đặc biệt của những người trí thức trẻ- trước dòng sinh mệnh đang nổi trôi ngặt nghèo của dân tộc. Đặc biệt, qua nhiều tác phẩm đã hoàn thành trong thời điểm này. Nghiêm Xuân Hồng không “lập thuyết” suông, khỏng diễn đạt một nguồn lư tưởng đặc đầy khó hiểu. Ông là một nhà lập thuyết nhìn đời rất thực tế, nhìn vào xã hội mà ông đang sống rất thực tế. Nên, những tư tưởng ông khai mở, là những tư tưởng “dễ chấp nhận”. Ông đã cùng với một lớp thân hữu hoặc anh em cùng trang lứa khác, như Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nguyện Mạnh Côn, Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ v.v... thổi vào không khí tư tưởng văn học miền Nam một luồng gió mới về thức tỉnh, về thử lửa, về quyết đinh chọn lựa. Nhớ lại, cái thời điểm đó, sau 1954 - và nhất là những năm từ 1956 trở đi, người dân miền Nam nhất là những từng lớp trí thức tiểu tư sản ở miền Nam, đã nhìn thấy một chân trời bình minh hé lộ. Nghiêm Xuân Hồng là một trong những người đã cho chúng ta nhìn thấy được cái chân trời đó, hay đúng hơn, đã đưa chúng ta tới những nẻo đường trầm tư về nhửng chân trời đó một cách thiết tha và hăng hái biệt chứng nào!

Cũng như tác giả, chúng ta hăm hở nôn nao đi tìm kiếm. Nhưng giữa thực tế và những gì mơ ước, đã lại là những bức tường cao vòi vọi của gạch đá rong rêu. Bởi thế, khi nhà văn Nghiêm Xuân Hồng “tham chính” tôi có được gặp ông một đôi lần, nhưng không thấy ông còn vui vẻhăng hái như trước. Chỉ khoảng một năm thôi, nhưng con người ông đã “còm cỏi” hẳn đi. Mãi sau này, tôi mới biết, ông đã hoàn toàn thất vọng. Bởi đã nhìn thấy và đã nghe rõ. Bởi đã chứng kiến và đã tận tường. Những sự việc không đúng như ông mong mỏi. Những thành quả không tốt đẹp như ông ước ao. Cộng thêm là những cái nhơ nhớp của chính trị. Những nhỏ mọn ti tiện của một số những người lãnh đạo. Cả những yếu thế thua thiệt của những người không có thực quyền. Cả những xếp đặt ngang ngược của những kẻ muốn bao trùm ảnh hưởng... Đã cho Nghiêm Xuân Hồng nhìn thấy được những sự thật phũ phàng. Về thân phận bẽ bàng của những con người thấp cổ bé miệng. Về phần số hẩm hiu của những người dân một nước nhược tiểu. Về một đất nước đang là băng hoại. Về một xứ sở đang có chiến tranh. Về những quân tốt thí trong một ván cờ...

Từ tâm thức, Nghiêm Xuân Hồng đã bừng tỉnh như một người vừa chứng ngộ. Trong khi đó, đất nước chuyển mình qua những biến cố thảm thương. Một dàn tộc đã khốn khổ điêu linh càng ngày càng điêu linh khốn khổ. Một xứ sở đã ê chề tan ra, càng ngày càng tan rã ê chề... Những tác phẩm về thân phận con người ra đời tới tấp. Ở Nghiêm Xuân Hồng là “biện chứng giải thoát trong giáo lý...” và “nguyên tử, hiện minh và hư vô”...

Sáng tác không ngưng nghỉ như một dòng tâm thứcchuyển hóa, nhưng chẳng bao giờ khô cạn - nhưng thực tế Nghiêm Xuân Hồng không tha thiết nhiều lắm với văn chương như đã hằng thiết tha quá đổi với tư tưởng. Thơ văn đối với ông chỉ là mói cái cớ, hay đúng hơn, chỉ là một mặt khác để diễn đạt tư tưởng. Trước sau, ông vẫn là một “con người tư tưởng”. Dù những tư tưởng ấy đặt vào thời thế, đất nước, hay những tư tưởng ấy đặt tới những ẩn mật, huyền diệu của kiếp người.

Từ ngày xa rời đất nước ra đi, nhà văn Nghiêm Xuân Hồng đã chú tâm khai triển những trầm tư của ông trước đạo pháp. Dù rằng ông khiêm nhượng chỉ cho mình là “một người học Phật và cố gắng tu theo lời Phật”, nhưng rõ ràng ông đã có một vi thế riêng trong những nghiên cứu về triết lý Phật giáo. Những tác phẩm của ông (một tiểu thuyết dài viết bằng Việt ngữ, hai cuốn khác viết bằng Pháp ngữ, chưa xuất bản “Lăng Kính Đại Thừa”, “Tánh Không và Kinh Kim Cang”, “Lăng Nghiêm Ảnh Hiện”, “Nguồn Thiền Như Huyễn”, “Mật Tông và Kinh Đại Thừa”, (đã xuất bản), “Hoa Tạng Trầm Tư” (sắp in)..v..v.. và nhất là những bải thơ mà ông làm mấy năm sau này, đã phản ảnh đầy đủ một ngả rẽ đổi thay quan trọng trong tư tưởng của “nhà tư tưởng” ấy. Tôi kính trọng lắm những suy diễn của ông trong những cuốn tiểu luận đó. Và yêu thích lắm những vần thơ của ông bát ngát hương thiền. Ông đã nhìn đạo Phật bằng nhãn quan của một học giả uyên bác, và bằng tấm lòng của một con người đã vượt được lên trên hết cả mọi câu nệ tầm thường. Cũng vậy, thơ của ông ngạt ngào những mùi sen và vằng vặc những ánh trăng. Với những phân tích rất khoa học và những mổ xẻ rất cận-nhân-tình, ông soi chiếu vào những tàng kinh cổ cũ, bí hiểm, khô khan, một ánh sáng mới mẻ, giản đơn và đầy thơ mộng.

Nhớ một lần cách đây chừng 5 năm, khi nghe tin gia đình tôi vừa gặp một đại nạn; từ Long Beach, ông đã đến Alhambra thăm hỏi. Lúc đó, các con tôi chưa từ hải đảo sang, và tôi đang sống cùng với một người bạn thân ở thành phố ấy. Người bạn tôi cũng là một người cháu của ông. Gần một ngày ở lại với chúng tôi, ông đã mang những đau khổ lớn lao của nhân loại ra chuyện trò, như muốn thổi giạt đi những đau khổ bé mọn mà tôi đang có. Ông cũng đã mang những cái hướng thiện bát ngát của người ra tâm sự, như muốn khơi mở cho tôi một hướng thiện để tôi theo đó mà sống mai sau. Lần đó, và nhiều lần sau này nữa, mỗi khi gặp ông và nghe ông trò chuyện, tôi như một người được cảm hóa và được bừng ngộ. Một đôi khi, tôi nghĩ, chính ông là một bậc thiền giả, một vị bồ tát, đã thị hiện trước mặt tôi, vì cái cơ duyên sẵn có của tôi, để đẩy mở cho tôi một cánh cửa kín cuối cùng của ngẩn ngơ mê muội.... Tại sao không? Bởi vì trong cuộc sống của chúng ta, có những người khi ta được chuyện trò tâm sự, ta thấy lòng thanh thản hẳn. Cũng thế. Có những người khi ta được đối diện với họ, chỉ cần thấy ánh nhìn khoan dung từ ái, và chỉ cần thấy nụ cười độ lượng nhu hòa trái tim ta đã trầm hẳn xuống. Tâm ta đã là những nụ hoa rực rỡ. Và lòng ta đã là một vằng trăng huyễn ảo mênh mang...

Nói vậy chỉ là một cách nói về nhân cách và về cái phẩm hạnh cao quý của một con người. Còn Nghiêm Xuân Hồng vẫn là Nghiêm Xuân Hồng. Một Nghiêm Xuân Hồng trầm mặc. Nhỏ nhẹ, Từ tốn. Thiết tha. Dung dị, Đầy chất thơ trong tâm thức một nhà tư tưởng. Đầy vẻ Thiền trong sự sống và trong sự sáng tạo của một nghệ sĩ. Nghiêm Xuân Hồng là người đã đi đến hết mọi nẻo đường của nhân thế. Giầu sang. Phú quý. Danh vọng. Hạnh phúc. Quyền uy. Cũng không phải là chỉ đi qua, mà đã đến tột đỉnh. Nhưng bây giờ Nghiêm Xuân Hồng đã khước từ, đã chối bỏ những quyền uy, những hạnh phúc, những danh vọng, những phú quý, những sang giầu ấy. Nguyên nhân nào khiến ông trở thành như vậy? Chẳng có nguyên nhân nào khác, mà chẳng bởi cái ánh sáng le lói phát xuất ở một cõi Tâm. Hiểu như thế, thì mới thấy được phần nào, con người của Nghiêm Xuân Hồng: Một nhà văn luôn luôn thiết tha với đất nước. Một nhà tư tưởng luôn luôn thiết tha với đại thể. Một bậc thiền giả luôn luôn thiết tha với thế nhân. Một hồn thơ luôn luôn thiết tha với cái “mỹ” và cái “hảo”, từ trong tâm thức.
Ông đã từng đặt gót chân phiêu du ở gần trọn trái đất. Từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á. từ Bắc qua Nam. Đã một phen, ông định đi tu ở một ngồi chùa trên đất Pháp. Đã một lần ông đi hành hương suốt mấy tháng ròng ở Ấn độ. Rồi sẽ đi Tây Tạng. Rồi sẽ về Đông Phương... Nhưng nơi nào thì ông cũng thấy trơ trọi, bàng hoàng, ngơ ngẩn. Bởi chẳng hiểu mình, đang ở thiên đường hay ở cửa địa ngục trần gian?” (Varanasi). Để rồi cuối cùng, lại quay trở về với chính ông. Quay trở về với những tư tưởng đã một thời sôi réo. Quay trở về với những căn bệnh đã hơn một lúc phải làm hòa. Quay trở về để thấy những giấc mơ đầu đời đã nổi lên và đã tan vỡ. Quay trở về để nghe những buổi chiều êm ả từ trong mộng lướt đi...

Tôi yêu thích Nghiêm Xuân Hồng. không phải chỉ ở những tư tưởng cao siêu vòi vọi và ở dòng tâm thức thanh tịnh xa xăm mà ông đã hơn một lằn hé lộ. Tôi còn yêu thích Nghiêm Xuân Hồng ở những điểm rất “đẹp” và rất “người”. Đẹp ở cách nhìn. Người ở cung cách xử thế. Đẹp ở lối thưởng ngoạn. Người ở cách phô diễn lối thưởng ngoạn ấy. Một lần ông nói: “Mình già rồi. Như cành héo khô, như cây củi mục. . Nhưng nhìn những cô gái-trẻ hơ hớ, mình vẫn thấy tiếc." Một lời đùa giỡn nhưng cũng chính là một câu tâm sự. Của một con người đa tình, đa cảm, đa sầu.. Lúc mới thoạt nghe câu đó, tôi không mấy để ý đến. Nhưng ít năm sau này, khi phải sống trong cảnh cô quả quạnh hiu, cũng là đang bước vào những ngày tháng của tuổi già bóng xế, cũng là hơn một lần phải dập tắt nhưng khao khát mê cuồng - thì mới thấy thấm thía lời ông đã nói, mỗi lần có cơ hội gặp gỡ hay tiếp xúc với những người con-gái xuân-thì... Đó là cái ý hướng ngậm ngùi nuối tiếc. Chẳng phải ngậm ngùi nuối tiếc về những thân xác mỹ-miều mơn mởn nhung nhúc quanh ta, mà là nuối tiếc về một tuổi trể đã qua, và ngậm ngùi về một tuổi già đang tới. Cũng vậy, là nuối tiếc về nhũng mùa xuân tươi thấm đã bỏù lại sau lưng, và ngâm ngùi về một mùa đông u ám đằng đẵng ở trước mặt mình.

Hôm nay, đã lâu lắm, tôi mới lại được chuyện trò với nhà văn Nghiêm Xuân Hồng. Được nghe ông nói về những Nguyện Đức Quỳnh, Võ Khắc Khoan, Mặc Đỗ. Được nghe ông nói về những P.H.Q., B.D., Đ V.S. Được nghe ông nhắc nhở những kỷ niệm của ông và anh em trong nhóm “Quan Điểm”. Được nghe ông kể về những lần gặp gỡ ngắn ngủi với Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng. Rồi những mối giao hảo của ông với Tô Thùy Yên, Vương Tân, Mai Thảo, Phạm Công Thiện. Ông nói từ ngày kịch tác giả Vũ Khắc khoan mất, ông đã hướng nhiều về thơ. Ông ca ngợi nhà văn Mai Thảo đã một đời tận tụy với văn chương báo chí. Ông nhẩm đọc lại vài câu thơ của Tô Thùy Yên mà ông rất lấy làm cảm khái. Ông gạn hỏi về Phạm Công Thiện, để muốn biết đời sống của Phạm Công Thiện hiện nay như thế nào. Với ai, thì ông cũng đều có cái nhìn thân thiết. Với ai, thì ông cũng đều có nhửng nhận xét thật cởi mở và rất khoan dung. Với ai, thì ông cũng đều tỏ ra là một người bạn. Và với ai, thì ông cũng đều hiểu họ một cách thật thông minh và thật tinh tế. Từ căn phòng nhỏ, tôi nhìn ra một bờ tường, một ngọn cây, một phiến trời. Bốn câu thơ của người thơ Nghiêm Xuân Hồng lại hiện về giữa phiến tường, giữa ngọn cây, và giữa bờ tường đó:

“Mây cũng xưa rồi, nước cũng xưa.
Thu này ngơ ngác thoảng hương thừa.
Đầt trời thăm thẳm trùng trùng hiện.
Nổi khúc hư tình nặng hạt mưa...”

Có phải ngoài trời, những sợi mưa đã rớt rơi một màu xanh xám? Tôi không rõ. Bởi ở suy tưởng tôi đã là những sợi mưa hư ảo, nhòe nhẹt bay nghiêng...

Mưa hay không mưa. Điều đó có gì là quan trọng. Bão hay không bão. Điều đó cũng chẳng cần nói đến. Chỉ biết ở cõi lòng tôi, mãi mãi vần là một vầng trăng. Vầng trăng của vua Lý Thái Tông thuở trước:

“Hạo hạo Lăng Già nguyệt.
Phân phân Bát-nhã liên”
(Vầng trăng ***g lộng Lăng già.
Cánh sen Bát nhã chói lòa sắc không)...

Tuấn Huy
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
28/01/2011(Xem: 252358)
17/09/2013(Xem: 9840)
09/12/2013(Xem: 8394)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.