Câu Chuyện Một Người Viễn Khách Của Nghiêm Xuân Hồng, Tam Ích

07/05/201212:00 SA(Xem: 5843)
● Câu Chuyện Một Người Viễn Khách Của Nghiêm Xuân Hồng, Tam Ích

TUYỂN TẬP TƯỞNG NIỆM 
CƯ SĨ TỊNH LIÊN NGHIÊM XUÂN HỒNG
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen

CÂU CHUYỆN MỘT NGƯỜI VIỄN KHÁCH của Nghiêm Xuân Hồng
Tam Ích

Từ ngày mùng một tháng Mười Một năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba trở về trước, trong khoảng chín năm (hãy nói bấy nhiêu thôi), mỗi một nhà văn, khi cầm bút, đều phải đắn đo – đôi khi đắn đo đến độ bực mình khổ sở lắm. Nói một cách khác: họ phải rào đón, nói xa xôi, nói úp mở… để khỏi mang họa vào mình, họa lớn cũng vậy mà họa nhỏ cũng vậy. Vì vậy có vài nhà trần thế, vài kịch gia phải chọn bối cảnh ở một xứ xa xôi nào khác chớ chẳng phải nơi đất nước của mình là cái xứ Việt Nam này. Cho nên nhà văn Nghiêm Xuân Hồng, khi viết vở kịch Người viễn khách thứ mười cho nhà xuất bản Quan Điểm, cũng đặt chuyện xảy ra ở “một miền nơi trung tâm lục địa châu Á” nào đó cho gọn. Cho nó gọn, cho nó ổn… với thời thế! Kẻo lỡ ra, có thể mang họa. Biết đâu đấy, chỉ vì một tiếng nói thôi, nếu có kẻ xuyên tạc, mình lại mang vạ miệng! Thành ra nhân vật của họ Nghiêm có những tên nghe nửa như là nhân vật thần thoại, nửa như là nhân vật đời Đông Chu… Có khi có cả dư âm thời một ngàn lẻ một đêm bên xứ Ba Tư nào đó xa xôi lắm: Thạch Đầu Nhi, Giang Hoa Tâm… Và đất cát núi sông có những tên như tên trong mộng: thôn Đào Nguyên, xứ Hoa Thích Lâm, bản Sa Phin, sa mạc Qua Bích… Và rốt cuộc, người đọc vở kịch Nghiêm Xuân Hồng có ấn tượng như đọc một truyện ngắn trong văn học của những dân tộc đã từng sống trong một ngàn lẻ một đêm đằng đẵng dài… Chuyện kể ra cũng ly kỳ: nếu không có một bãi tha ma, vài ba cái xác chết, vài ba người điên và một suối nước mắt… thì cũng chỉ là một câu chuyện tình thương tâm mà thôi.

*

Có hai người trẻ thương nhau, một giàu quá, một nghèo quá. Thế là khó mà thành vợ chồng được! Hai người không thành vợ chồng, nhưng sau đó, trong cái quãng hai mươi năm dài lê thê buồn đến muốn khóc, có chiến tranh xen vào… Khi người con trai trở về xóm cũ thì người yêu cũ đã có chồng và có cả con. Người con gái có chồng rồi, nhưng vì báo thù duyên kiếp ngăn đón yêu thương cũ, khi chọn người chồng sau này, nàng ra cho anh chàng này một điều kiện rất hiếm trong sử nhân sinh; mà trong cổ nhân sinh thật cũng hiếm có một người chồng nào lại nhận một điều kiện như vậy. Thật ra, chuyện có thể có: đây chỉ là một đòn ngửa nghiêng của tâm lý: ở hoàn cảnh ấy, trong thời gian ấy, với những nhân vật ấy, những tình tiết ấy… thì một điều kiện như vậy không phải là một chuyện thần thoại. Con người khi đã thua cuộc trong ván cờ định mệnh thì cũng muốn thua cho oanh liệt: thế cờ cuối cùng của kẻ bại trận bao giờ cũng là một thế cờ không có trong “văn phạm”! Điều kiện ấy thế nào, bạn đọc vở kịch sẽ rõ, chỉ biết rằng người chồng sau này của nàng một hôm đi đón một số viễn khách, thì gặp người viễn khách thứ mười. Và ai ngờ người viễn khách đó lại là người yêu xa xưa của người vợ mình đương say mê.

Tấn thảm kịch bắt đầu từ đó và kết thúc thật thương tâm: có hai ba người chết, một người đi mất, một người nữa cũng đi mất: đi như điên như dại …

*

Thật ra, tôi không thể kể hết chuyện, mà vở kịch không phải chỉ đáng đọc vì câu chuyện mà thôi. Ngày xưa thì chuyện không ly kỳ thì sách không hay. Ngày nay, có chuyện không ly kỳ nhưng sách vẫn hay. Huống gì sách cũng khá hấp dẫn. Trong sách còn có tình tiết; còn có ý tưởng; còn có một lời nóinào đó thấp thoáng và kín đáo, mà tác giả muốn nói với người đương cùng sống, muốn gửi người sắp trưởng thành và muốn nói cả với chính mình. Trong văn chương hiện đại thường có những cuộc đối thoại mình nói với mình… Bên Âu châu, một số tác giả viết tiểu thuyết và viết kịch như một nhà chụp hình: họ đứng ngoài cái “vũ trụ” mà họ tạo ra. Họ thuộc về phái duy nhiên. Mãi mới đây, có phái tiểu thuyết mới ra đời.

Còn bên mình hiện thời, ngoài những nhà văn duy nhiên, còn có những nhà văn có mặt trong tác phẩm: tác phẩm chỉ là một cái cớ và mỗi nhân vật là một tấm gương để cho tác giả soi mặt mình nói chuyện với chính mình; tự hỏi mình về những băn khoăn, nhất là những băn khoăn siêu hình rất phong phú trong tâm tư trí thức giới hiện thời. Ở một vài phương diện nào, Nghiêm Xuân Hồng thuộc về phái này, kích thước dài ngắn khác nhau một chút nào đó thôi.

*

Con người của họ Nghiêm là con người “đương dở niệm Phật nơi bàn thờ sau vườn”; con người muốn rằng “ở xứ Hoa Thích Lâm, ai ai cũng đều sùng kính Đức Phật”. Con người ấy có thể là người viễn khách – người đi đường xa: đường đi đến cõi như bao giờ cũng là đường dài, đầy sắc không không sắc “có quá nhiều sự đày đọa vô lýđau khổ vô nghĩa”. Và người thiếu phụ bất hạnh của người viễn khách lý luận như một Phật tử chính truyền:“Thiếp trộm nghĩ có lẽ sự đày đọa của kiếp này chỉ là hậu quả của những duyên nghiệp xa xưa, và những gì lỡ làng bây giờ sẽ được đền bù ở một kiếp mai hậu”.

Nhưng đã trót làm người Á Đông thì người niệm Phật trừ phinhà tu hành khoác áo cà sa, đều mang trong thông minh một mẩu dư âm của Lão giáo:“Có thấy trời đất nào đâu?! Giờ đây, trời cũng chỉ biết lặng thinh, còn đất thì dĩ nhiên là câm họng”. Hai ba ngàn năm về trước, có người nói rằng Trời Đất coi người như chó rơm… và hai ba ngàn năm sau, cũng có người như Alfred de Vingy nói rằng Trời Đất lãnh đạm trước mọi chuyện của con người. Ở chỗ này, tín đồ nhà Phật không nói gì nhiều, nhưng con người của Nghiêm Xuân Hồng cũng là một cá nhân trung thành với chính mình: vì Phật giáo không quan niệm có thực thể tối cao có trước và có ngoài không thời gianvạn vật, thì vấn đề con người, có là chó rơm hay không là chó rơm, Trời Đất có lãnh đạm hay không có lãnh đạm trước nhân sinh… cũng không phải là vấn đề! Mỗi một nhân vật của bất kỳ một tiểu thuyết gia hay một kịch gia nào cũng thường mâu thuẫn với chính mình: đó cũng chỉ là phản ảnh của nhị nguyên tính của vũ trụ và cũng là lẽ dĩ nhiên của mọi chuyện. Nhưng ở đây, cái ý niệm về con người của họ Nghiêm cũng là một ý niệm hơi thuần nhất. Đã biết rằng người viễn khách cũng thường băn khoăn về thân phận con người, và “tưởng rằng con người không có cách gì khác là trông cậy ở chính mình”… tức là người viễn khách không thoát được lẽ hiện sinh của đời sống (như bất kỳ một người hiện sinh nào), nhưng không phải vì vậy mà chàng đi xa… giáo lý của nhà Phật! Trái lại, Phật dạy rằng ai cũng có Phật tính, và mỗi người đi đến cõi như bằng con đường riêng của mình. Ai cũng khổ: nhưng đến tập, thì không ai tuyệt đối giống ai; vì vậy, mỗi người diệt dục theo những điều kiện chủ quan và khách quan của chính mình. “Cõi” Niết Bàn là một cõi một: còn thành được chánh quả, nhiều hay ít, ai cũng tự giác rồi mới giác tha, nhưng nếu ai cũng tự giác rồi, thì vấn đề giác tha tự nó đã đặt ra rồi. Vấn đề tưởng như hai mà lại là một. Và cõi tu hành là cõi con người trông cậy ở chính mình đã. Tôi tin rằng Jean Paul Satre là người chủ trương thuyết hiện sinh cho rằng con người giải quyết lấy những vấn đề của chính mình, sẽ một lần nào đó, dừng chân ở ngưỡng cửa thiền… Nhưng đó lại là một chuyện khác.

Nhưng con người bỗng thấy mình cô đơn; vì người viễn khách “còn ưa thích hơn nữa nỗi lòng cô quạnh của mình”. Rồi bỗng chàng muốn mặc cả với đời sống“Ông khách là một người tin tưởng ở tình người”. Và đôi khi “nghĩ tới người khác”, vì “nghĩ tới người khác thì lòng mình sẽ lắng dịu một phần…”.Mặc cả với nhân sinh, rồi người viễn khách còn muốn mặc cả với thiên mệnh“Người thì còn hàng trăm ngàn vạn, nhưng phải có một sự khoan dung lạ lùng của kẻ hóa nhi” mới tạo được yêu thương giữa hai linh hồn…

*

Kết quả của một sự mua bán mặc cả giữa cá nhânxã hội, giữa cá nhân và Trời Đất, lẽ tự nhiên là sự thất bại. Người khách định đi một nước cờ hạnh phúc cho mình và cho người, nhưng không may cờ chuyển hướng: trong một phút, chàng rời cửa nhà Phật đi “xây dựng một bức tường cô liêu kiêu hãnh” giữa mình và cái xã hội đầy tàn bạo và thiếu công lý này, tìm một khí giới mới để phòng thủ cá nhân… Thật không may: cuối con đường xa của người đi đường xa – người viễn khách – không phải cõi như mà là cõi tuyệt vọng: cõi chết. Chết không than thở, chết không oán, chết thản nhiên… Trong cuộc tranh đấu với cái chết, có một người thua cuộc sẵn! Nói một cách khác: có một người đã chọn trước thế bại trận!

Bỗng nhiên, tác giả thành người tàn nhẫn: chàng dọn một bãi tha ma cho hai xác chết, ba xác chết. Còn lại một số người: họ không còn vị trí trong đời sống thông thường này: họ điên. Họ là nạn nhân của tình thương yêu và sự say mê chân thành của họ và sự tàn nhẫn của tác giả cũng chỉ là thái độ của một con người muốn báo thù định mệnh…

Người thua cuộc bao giờ cũng tàn nhẫn. Tàn nhẫn hay là chết: họ đã lựa chọn.

Vở kịch của Nghiêm Xuân Hồng là một thứ truyền thống Hy Lạp (tradition grecque) dựng trên một bối cảnh một ngàn lẻ một … Nhân vật chính là một chàng Narcisse “soi bóng nét mặt ta trên dòng nước” và soi luôn mặt “trong lòng mắt của người khác”, làm một người đi xa, đi trên con đường rất xa để tìm cõi như cho chính bản thân mình – con đường mà hình bóng người yêu cũ trong ngày ngàn xưa phản ảnh một giai đoạn. Không may cho chàng, trong khi chưa kịp hiểu hết cái phi lý của cuộc đời, thì cùng đã gặp cái chết.

Còn Người viễn khách thứ mười chỉ là một câu chuyện “đầy ồn ào và phẫn nộ…” đượm rất nhiều nước mắt Á Đông. Rất nhiều.

1964

Nguồn: Lá Bối xuất bản lần thứ nhất, in tại nhà in Đăng Quang, 734a Phan Thanh Giản – Sài Gòn. Giấy phép số 481 TBTTCH/BC3/XB Sài Gòn ngày 22 tháng 2 năm 1967, ngoài những bản thường in thêm 100 bản đẹp dành riêng cho tác giả, nhà xuất bản và thân hữu. Thư từ, liên lạc về Nxb xin gửi cho Từ Mẫn, bưu điện xin đề tên cô Cao Ngọc Thanh. Giá 120 đồng. Bản điện tử do talawas thực hiện

(http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=4828)

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
28/01/2011(Xem: 252636)
17/09/2013(Xem: 9887)
09/12/2013(Xem: 8442)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.