Tâm Sanh Các Pháp Sanh

18/07/20143:50 SA(Xem: 21048)
Tâm Sanh Các Pháp Sanh

TÂM SANH CÁC PHÁP SANH

Thích Thông Phương

I. PHÁP TÙY TÂM HIỆN.

blank
Thượng Tọa Thích Thông Phương

Chúng sanh mê lầm quên tâm chạy theo vật, hướng ra ngoài gọi là theo duyên, do đó bị cảnh duyên chuyển quên mất gốc, nhận lầm các pháp là thật có, nên gọi là cái thấy điên đảo. Điên đảo là cái thấy lộn ngược, cái giả cho là thật, cái thật thì không nhận thấy. Thiền sư Duy Tín nói: “Khi chưa học đạo thấy núi sông là núi sông, khi học đạo thấy núi sông không phải là núi sông”. Chưa học đạo còn mê, thấy núi sông là thật, ngoài tâm có Pháp thật nên muôn vàn cảnh khổ cũng theo đó mà sanh. Khi học đạo mở sáng được mắt tâm, biết rõ các pháp do duyên sinh không thật có, thấy được lẽ thật đó tâm không còn bám chấp nên phiền não cũng không sanh.

Thiền sư Phật Ấn cùng ngồi thiền với ông Tô Đông Pha, xả thiền ra ông Tô Đông Pha hỏi Thiền sư Phật Ấn:

- Thầy thấy tôi ngồi Thiền hôm nay dáng ra sao?

Thiền Sư Phật Ấn nói:

- Hôm nay ông ngồi tốt lắm, ngồi dáng giống như Phật.

Thiền sư Phật Ấn hỏi lại:

- Còn ông thấy tôi ngồi dáng ra sao?

Ông Tô Đông Pha lâu nay luận đạo thường bị thua Thiền sư Phật Ấn nên hôm nay được dịp trả lại, bèn nói:

- Dáng Thầy ngồi giống như đống phân bò.

Hai tâm trạng rõ ràng, ông Tô Đông Pha lúc đó bị tâm hơn thua che nên ông không thấy dáng thật của Thiền sư Phật Ấn đang ngồi, mà chỉ biết trong đầu có câu trả đũa cho thỏa tức mấy lần đã bị thua. Về nhà gặp cô em gái, Tô Đông Pha kể lại cuộc đối đáp giữa ông và Thiền sư Phật Ấn cho Tô Tiểu Muội nghe. Nghe xong, cô phân tích cho ông Tô Đông Pha thấy rõ tâm ngài Phật Ấn thanh tịnh sáng suốt nên nhìn cái gì cũng sáng suốt, nhìn ai cũng là Phật. Trái lại, ông Tô Đông Pha còn tâm hơn thua nên chỉ nhìn thấy đống phân bò. Như vậy rõ ràng pháp là từ tâm sanh. Tâm trong sáng thanh tịnh thì chúng ta nhìn ra pháp gì cũng trong sáng, thanh tịnh; tâm dơ xấu thì nhìn ra pháp gì cũng thành dơ xấu.

Đó là bài học mà mỗi người phải tự kiểm nghiệm lấy chính mình. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu lúc nào chúng ta cũng nhìn lại tâm sẽ chuyển đổi được nhiều tập nghiệp xấu. Khi chúng ta thấy người này xấu, người kia xấu thì biết là tâm chúng ta đang dơ xấu; hoặc thấy người này tốt, người kia tốt là biết tâm mình hiền thiện. Người mê thì luôn luôn cho rằng mình có cái nhìn sành đời, nhìn ai là biết xấu biết tốt, nhưng không ngờ là tâm mình đang chạy theo duyên, đang bị cảnh trói. Nhờ tu Phật chúng ta mới thấy điều đó, tất cả các pháp là do tâm sanh.

Có vị tăng ở Hải Đông, trên đường đi tham học nhọc nhằn mệt mỏi quá, tối đến ông nghỉ tạm ở một ngôi mộ cổ. Đang khát, ông nhìn thấy bên cạnh có một chút nước, mới lấy uống. Đang khát mà uống được nước, ông cảm nhận nước thật ngọt ngào. Rồi ngủ một giấc cho tới sáng. Sáng dậy, ông thấy bên cạnh có cái đầu lâu chứa một ít nước. Nhớ lại tối hôm qua mình đã uống nó, ông liền ói mửa ra hết. Ngay đó, ông liền ngộ: “À! Thì ra tâm sanh các pháp sanh”. Lúc ban đêm, ông uống ngon lành, bây giờ chỉ thấy thôi là đã ói. Rõ ràng cũng là nước, ban đêm chưa có tâm phân biệt chỉ thấy có nước là liền uống; sáng ra thấy nước đựng trong cái đầu lâu nhơ nhớp, tâm phân biệt khởi nên ông vừa thấy là ói mửa ra. Do tâm sanh mà các pháp sanh, chứ nước chỉ là nước thôi.

Luật sư Độc Thể cùng với chúng tăng ở trên núi Hoa Sơn, bị bắt xuống doanh trại của quân lính. Các tướng trong doanh trại mới tra hỏi và sau đó được tha trở về. Sư cùng với chúng trở về, đến lưng chừng núi thì trời đã tối. Trong mấy ngày bị bắt tra hỏi, không được ăn uống gì hết nên ai cũng mệt lả và khát nước. Chợt thấy một vũng nước nhỏ, mỗi người mừng rỡ lấy uống cho đỡ khát. Sáng dậy thấy là một vũng nước dơ của những con trâu nằm quậy, ai nhìn thấy cũng không dám uống. Ban đêm mỗi người uống ngon lành, vì lúc đó tâm chưa phân biệt. Sáng ra nhìn thấy sanh tâm phân biệt nên không dám uống nữa. Gọi là pháp từ tâm sanh. Tâm đang khát nước, trời tối thấy nước thì chỉ biết uống thôi, không nghĩ ngợi gì hết. Sáng ra phân biệt nước nhơ nước sạch thành ra ngăn ngại. Như vậy pháp nhơ, pháp sạch đâu có cố định; cũng là nước đó nhưng do tâm sanh, tùy tâm mà sanh nhơ, sanh sạch. Chúng ta luôn kiểm tra lại tâm mình, thấy rõ từng đường đi lối về của tâm để có thể giải quyết nhiều chuyện vướng mắc trong cuộc đời. Tất cả đều do tâm chúng ta sanh ra các pháp, không có pháp nào thật cả, chỉ vì ta mê nên nhìn mọi vật bằng cái nhìn điên đảo, mê lầm để rồi dẫn đến phiền não khổ đau. Phiền não khổ đau này do ai tạo? Do tâm mê của chúng ta tạo ra chứ không phải ai cả.

câu chuyện, ông hàng xóm mất một con gà kiếm hoài không ra. Ông nghi ngờ thằng bé hàng xóm gần nhà lấy trộm, vì nó hay qua lại nhà ông. Thế là ông để ý nhìn nó đi qua đi lại, thấy dáng nó đúng là dáng ăn trộm. Ông nghi ngờ đủ thứ hết. Vài ngày sau, ông tìm lại được con gà không phải do thằng bé lấy trộm, mà con gà chạy qua nhà người khác và bị con chó vật chết. Bây giờ ông mới tỉnh ra, mình đã nghi oan cho đứa bé. Ông nhìn lại đứa bé đúng là dễ thương, không có tướng ăn trộm. Ông liền chuyển đổi cái nhìn. Cũng là đứa bé nhưng tâm ông nghi ngờ rồi suy đủ thứ hết, nhìn nó thành ra tướng ăn trộm. Khi tâm hết nghi, thấy đứa bé thật thà dễ thương. Cũng vậy, trong cuộc sống chúng tathành kiến với ai rồi, thì nhìn người đó cái gì cũng xấu, đó là tùy tâm sanh. Cho nên, chúng ta hãy quán kỹ lại để thấy được sự lầm lẫn nơi tâm của mình.

Như bình hoa đây, nó đâu tự nói nó là bình hoa, cũng không tự nói nó đẹp hay xấu. Nhưng do tâm người đặt ra đây là bình hoa rồi phân biệt bình hoa thế này thế kia, chứ từ nguyên thủy nó không có tên. Nếu ban đầu con người đặt cái này là cái ly hoa thì bây giờ chúng ta cũng gọi là cái ly hoa, nhưng người xưa đặt tên là bình hoa nên giờ mình cũng gọi là bình hoa. Tên do tự con người đặt ra, chứ tự thân sự vật đâu có đặt ra cái này cái kia. Chính con người tự đặt tên rồi con người chấp vào nó, để thấy đúng ý nghĩa là pháp từ tâm sanh, khi hiểu được rồi chúng ta phải trả lại pháp đúng như thật của nó.

Trong thiền thoại kể có ba vị thiền sư: ngài Quế Sâm, ngài Trường Khánh, ngài Bảo Phước đi vào trong Châu Thành thấy một đóa hoa mẫu đơn.

Ngài Bảo Phước nói: “Một đóa hoa mẫu đơn đẹp”.

Ngài Trường Khánh nói: “Chớ để con mắt sanh hoa”.

Ngài Quế Sâm nói: “Đáng tiếc một đóa hoa”.

Đây là các Ngài muốn cảnh tỉnh cho người.

Một đóa hoa bình thường, nó không tự nói là nó đẹp hay xấu. Nhưng do tâm người sanh nên nó thành ra có thế này thế kia, đây gọi là đang bình yên mà gây thành sóng gió. Như một thỏi vàng đối trước một đứa bé thì nó có biết gì đâu, đưa một thỏi vàng và một viên kẹo sôcôla cho đứa bé thì nó sẽ lấy viên kẹo mà ăn, thỏi vàng thì đâu ăn được. Đối với đứa bé, thỏi vàng còn thua một viên kẹo nhưng đối với người lớn thì có thể giết nhau. Một thỏi vàng vô tri vô giác nhưng tâm con người ta sanh ra trong đó thành nguy hiểm, rồi chúng ta cho là vàng độc, nhưng với đứa bé nó đâu thấy gì là độc. Tại tâm con người sanh phân biệt nên có quý có phiền, đó gọi là điên đảo. Hiểu được lẽ thật đó, chúng ta mới mở tầm nhìn sáng suốt để ứng dụng tu cho đúng đắn, chín chắn hơn.

Có lần, một vị tăng hỏi Thiền sư Bá Trượng - Hoài Hải:

- Đối với tất cả cảnh, làm sao tâm được như cây đá (không dính mắc)?

Thiền sư Bá Trượng - Hoài Hải đáp:

“Tất cả các pháp vốn chẳng tự nói là không, chẳng tự nói là sắc, chẳng tự nói phải quấy, nhơ sạch, cũng không có cái tâm trói buộc người, chỉ tại người hư vọng, tính chấp tạo bao nhiêu cái hiểu, khởi bao nhiêu thứ thấy biết, rồi sinh bao nhiêu thứ lo sợ. Cần phải nhận rõ, các pháp không tự sinh, đều do một niệm vọng tưởng điên đảo của mình chấp tướng mà có. Biết tâm cùng cảnh không có đến nhau, thì ngay nơi đó là giải thoát, mỗi mỗi pháp ngay nơi đó là lặng lẽ, là đạo tràng”.

Hiểu rõ các pháp tự nó vốn không có sanh tâm trói người, chỉ do người ở trên pháp mà sanh tâm rồi tự trói. Bây giờ chúng ta thấy các pháp là các pháp thôi, tâm và cảnh không đến với nhau thì ngay đó tự giải thoát. Bình hoa nằm trên bàn này, mắt của chúng ta thì ở trên gương mặt, nó đâu có đến nhau. Như vậy tại sao nó trói mình?

Cũng như mấy vị tham dục, thân thì ngồi trong nhà nhìn ra ngoài đường thấy cô gái đẹp đi ngang liền nói cô gái đó trói mình. Sự thật cô gái có hay biết gì đâu! Do tâm người đó khởi nên mới chạy đuổi theo vướng mắc, rồi đổ lỗi cho người ta. Đây Thiền sư dạy tâm và cảnh không có đến nhau, nhận chân được chỗ này là giải thoát. Lẽ thật của các pháp như vậy đó, chúng ta không nên trách nơi pháp mà phải trách ngay tâm của chính mình. Có nhiều vị nói chỗ này khó tu, cảnh kia khó tu rồi tìm lên núi tu. Đó là đổ lỗi cho cảnh, nhưng cảnh đâu có làm mình khó tu. Nếu lên núi vắng vẻ mà tâm chúng ta không an thì ở trên đó cũng bất an như thường.

Thời Phật, có đạo sĩ Uất-đầu-lam-phất tu tiên đắc được Phi Phi Tưởng Xứ định, có thần thông. Mỗi ngày ông dùng thần thông bay tới cung nhận vua dâng cúng dường. Hôm đó vua đi vắng, dặn công chúa ở trong cung khi Tiên nhân tới phải tiếp đãi, cúng dường cho chu đáo, đừng để sơ suất ông sẽ quở rất nguy hiểm. Mỗi lần ông Uất-đầu-lam-phất tới, vua thường dìu ông lên đài ngồi và cúng dường. Bấy giờ, cô công chúa cũng đỡ Tiên ông lên đài ngồi, nhưng do xúc chạm với cô gái nên tâm dục của ông khởi lên, liền bị mất thần thông. Thọ trai xong, ông không biết làm thế nào để bay về, đành nói với cô công chúa:

- Bấy lâu, ta thường dùng thần thông bay đến rồi về, không có dịp cho dân chúng chiêm bái, nay ta sẽ đi bộ về cho họ chiêm bái.

Nghe có lý, nên cô công chúa cũng đưa ông đi bộ về. Khi trở về núi, ông ngồi thiền bên bờ suối, có tiếng nước suối chảy róc rách, tiếng cá lội chim kêu làm tâm rối loạn, ông nổi sân lên. Ông phát nguyện: “Sau này sẽ làm con chồn bay để ăn hết tụi bay”. Sau đó, ông cố gắng tu và đắc định trở lại, sau ông chết được sanh lên cõi trời Phi Phi Tưởng Xứ. Đức Phật dùng thiên nhãn thấy ông sống đến hàng tỷ năm, nhưng khi hết kiếp sống trên cõi trời ông sẽ bị đọa làm con chồn bay.

Để thấy trong núi sâu chỉ có cá lội, chim bay cũng làm cho tâm con người bất an. Tâm đã không an thì ở đâu cũng không an, không thể đổ lỗi nơi pháp, nơi cảnh. Ngài Bá Trượng cũng nói pháp không có tâm trói buộc người, chỉ tại người hư vọng tính chấp, khởi bao nhiêu thứ hiểu biết rồi yêu sợ thành ra bị vướng hết trong đó. Tùy tâm mà thấy ra cảnh, pháp cũng từ đó sai biệt. Với người tâm thiền tỏ sáng thì nhìn ra cái gì cũng thiền, thấy đâu đâu cũng là Phật pháp. Tâm thanh tịnh nhìn cảnh bình thường cũng thiền, đọc chuyện thường cũng thành thiền.

Như người có tâm thiền đọc bài ca dao “Thằng Bờm có cái quạt mo” cũng thấy chất thiền trong đó:

Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè,
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười.

Thiền ở chỗ nào? Chỉ có cái quạt mo mà Phú ông xin đổi ba bò chín trâu, chim đồi mồi v.v... nhưng Bờm không lấy, đây là Phú ông chỉ gạt thằng Bờm thôi. Nhưng thằng Bờm ngây thơ không nghĩ bị gạt mà nghĩ theo thực tế. Bây giờ bụng Bờm đang đói mà ba bò chín trâu thì xa vời quá, nên khi Phú ông đổi gói xôi là Bờm chịu liền. Sống ngay thực tế chứ không nghĩ tưởng đâu xa hết, thiền là ở chỗ đó. Cho nên, với tâm thiền thì cái gì cũng thiền, còn tâm thế gian phân biệt thế này thế kia nên không thấy được ý thiền trong đó. Rõ ràng pháp từ tâm sanh, tâm sanh thì các pháp sanh. Tâm là gốc, nếu tâm chuyển thì pháp sẽ chuyển theo.

II.CHUYỂN TÂM, PHÁP LIỀN CHUYỂN.

Trong nhà thiền có câu chuyện “Cô gái xấu xí”: một hôm có vị Thiền sư đi tới bờ sông, thấy một cô gái trẻ bỗng nhảy xuống sông. Thiền sư thấy vậy vội vàng kêu cứu, mỗi người xuống cứu cô gái lên. Khi được cứu sống, cô gái không cảm tạ vị Thiền sư mà còn trách cứ, oán ghét là tại sao không để cô chết.

Vị Thiền sư mới nhẹ nhàng hỏi cô gái:

- Tại sao cô muốn tự tử?

Cô gái nói:

- Tôi quá xấu xí nên mỗi người chế nhạo, phê bình, không ưa tôi, do đó tôi sống không thú vị, chết cho xong.

Ngài nhẫn nại, nhẹ nhàng chỉ:

- Con người ta sống ở đời là có hai mạng sống. Một là của riêng mình, ích kỷ chỉ nghĩ cho mình thôi. Nhưng mạng sống ích kỷ của cô vừa mới chết rồi. Ngoài ra còn có sinh mạng thứ hai là sống chuyên lo cho người khác, có lòng vị tha, nghĩ tới người khác quên lo cho mình. Hiện tại tôi đã cứu sống cô rồi thì từ đây cô hãy sửa đổi tư tưởng, hành vi của mình. Tùy nơi, tùy lúc mà giúp đỡ, phục vụ cho người. Còn cái sinh mạng ích kỷ thì đã chết rồi, giờ cô hãy sống bằng sinh mạng này đi.

Nghe như vậy, cô thấy cởi mở trong lòng. Từ đó, cô bắt đầu làm nhiều việc thiện, lo cho người khác, cứu giúp người này người kia, đem đến an vui cho nhiều người. Lâu ngày tiếng đồn tốt đẹp về cô, đặt cho cô tên là Hạnh Thiện. Hạnh tốt lành vang khắp xóm làng, mỗi người ai cũng khen ngợi tâm tính của cô, mỗi ngày cô càng rộng mở tươi vui hơn. Tướng cô theo đó cũng chuyển đổi, nên ai thấy cũng muốn gần. Cuối cùng, cô sống một cuộc đời tươi vui. Đó là chuyển một cái nhìn mà cuộc đời tươi vui theo, chuyển tâm đen tối thành sáng sủa. Trước cô gái nhìn theo bản ngã ích kỷ, không thoả mãn được nên tìm đến cái chết. Bây giờ chuyển tâm rộng lớn ra quên mình vì mỗi người, sống gần với mỗi người thì tâm tươi sáng mát mẻ hơn, cuộc sống luôn luôn lạc quan. Trước đó, cuộc sống cô gái là bi quan, bây giờ tâm chuyển thì pháp cũng chuyển theo. Cho nên, chúng ta khéo chuyển nơi tâm thì cuộc sống cũng chuyển theo hướng tốt đẹp. Đó là lẽ thật, nhất là học Phật chúng ta thấy điều đó rất rõ ràng.

câu chuyện: một hành giả Tây Tạng rút vào trong rừng để tu hạnh viễn ly, tức là hạnh xa lìa. Mục đích của pháp tu này là cắt đứt mọi thứ tư tưởng sai lầm. Những tư tưởng này đã che đậy sự trong sáng của bản tâm, thường gọi là Phật tánh. Do đó, vị tu sĩ này muốn cắt đứt những tư tưởng sai lầm để cho Phật tánh hiển bày.

Vào một buổi sáng, vị tu sĩ mới đi ra khỏi lều và tìm một tảng đá để ngồi thiền định. Trong khi đó ở dưới làng, người em gái đem một bình sữa chua và ít thực phẩm để tiếp cho ông. Cô em gái chờ hoài không thấy thầy về nên đặt bình sữa ở dưới bàn thờ rồi quay về làng. Vị tu sĩ thiền định xong trở về lều thì trời đã tối, không còn nhìn thấy mọi vật được rõ. Về lều, trên bàn thờ chỉ có ngọn đèn tí hon chập chờn, thầy nhìn có một cái gì đó sáng tròn tròn ở dưới bàn thờ mà thầy chưa bao giờ thấy. Trong tâm thầy chợt nghĩ đó là con mắt của ma, ngay đó thầy bỗng thấy hơi sợ. Nhưng định tĩnh lại, thầy nghĩ mọi sắc thể đều là không thật có. Thầy cởi cái túi đeo vai và đập lên con mắt ma ấy. Đồng thời, thầy cũng nhắc thầm mình, kẻ tu hạnh viễn ly là không sợ bất cứ thứ gì ở thế giới này hay thế giới khác. Khi ấy bình sữa bị đập thì sữa văng tung toé mọi nơi, cái sắc trắng của sữa bây giờ phản chiếu với ánh lửa mờ mờ biến ra hàng trăm con mắt ma. Vị tu sĩ bây giờ càng sợ hơn nữa, hoảng quá, thầy đập loạn xạ lên, càng đập thì càng nhiều con mắt ma, dính lên tường, lên cả túi đeo vai của ông. Bây giờ, thầy nhìn đâu cũng thấy con mắt ma. Ngay đó, vị tu sĩ bỗng nhớ lại pháp tu của mình, mình tu pháp tu cắt đứt, nên giờ phải cắt đứt tất cả không sợ gì hết.

Ngay đó, thầy cắt đứt được dòng tư tưởng không nghĩ lung tung, chỉ một chút thôi thầy giống như tách lìa cái tâm thức bị vô minh che phủ. Thầy tỉnh táo sáng suốt trở lại, không còn sợ hãinhận ra tay mình dính đầy sữa. Lúc đó thầy tỉnh ngộnhận ra không có con mắt ma nào hết. Cái nhìn của vị tu sĩ thay đổi không còn lo sợ, nên thế giới cũng thay đổi theo không còn thấy ma quỷ nữa. Ngay đó, thầy liền cười to, thoải mái.

Đó là bài học chuyển tâm, trong cuộc đời chúng ta cũng giống như vậy. Do mê lầm nên nhìn xung quanh đều có tư tưởng sai lầm, nhìn cái gì cũng ma quỷ, phiền não là do bám chấp vào cái ngã mê lầm. Bây giờ chúng ta cắt đứt hết mọi tư tưởng, trở lại với tâm Phật trong sáng thì chợt tỉnh, không còn ma quỷ. Tâm trong sáng thì nhìn tất cả đều là “Tình với vô tình đồng thành chủng trí”, cho nên người giác ngộ nhìn cỏ cây cũng thấy Phật, đâu có bóng dáng ma quỷ. Lâu lâu có ai mà bị ma quỷ tới khảo thì biết tâm người đó luôn sống trong mộng tưởng. Tâm trong sáng thì không có ma quỷ nào khảo, chúng ta mở được cái nhìn đó thì chuyển đổi cả một cuộc đời.

Tư tưởng sai lầm tạo thành sợ hãi, muốn an ổn thái bình thì chúng ta phải chuyển tâm nhìn đúng cái nhìn sáng suốt. Bao nhiêu sợ hãi, lo buồn, phiền não đều từ tư tưởng sai lầm, từ bản ngã con người mà ra. Giống như một giấc chiêm bao dài, bởi người ta sống là có hai giấc chiêm bao ngắn và chiêm bao dài. Ban đêm là chiêm bao ngắn, ban ngày là chiêm bao dài, đó là giấc chiêm bao thôi. Giác ngộ trở lại, nhận ra cái ta này không có thật thì cái gì sợ hãi, cái gì lo âu, cái gì là được là mất? Đúng là giấc chiêm bao, nhưng ít ai ngộ được lẽ thật này để sống đúng như pháp. Đó là lý do chúng ta phải học Phật và tu Phật.

Con người khi gặp những cảnh trái nghịch hay sanh tâm thù ghét trách cứ, do không nhận chân được lẽ thật các pháp là do tâm sanh. Vì vậy, chúng ta phải khéo tu để chuyển hóa cái nhìn cho đúng.

Thiền sư Tưởng Sơn, người Nhật Bản. Ngài dạy cách tu sửa đổi tâm theo luật nhân quả. Ngài dạy: “Đối với việc sửa đổi tâm của con người, tốt nhất là quán luật nhân quả. Ví dụ: Ngay nếu có người ghét ta, ta cũng không nên thù lại họ, mà ta phải phê phán lại chính mình, xem xét lại tại sao vô cớ mà người đó ghét ta? Tức là phải có một nguyên nhân nơi chúng ta và còn có ngững nguyên nhân chưa rõ trong ta” (từ đời trước hay đời này mà ta chưa nhớ rõ, tìm được nguyên nhân đó thì chúng ta giải quyết mọi việc). Đó là quán theo luật nhân quả để chuyển tâm, chứ không phải người ta ghét mình rồi mình ghét lại người đó.

Đây Ngài dạy phải quán kỹ trở lại. Ví dụ: Ta tốt với họ nhưng họ vẫn ghét ta, tức là phải có nguyên nhân. Nếu đời này ta không có gì thì tất nhiên là đời trước ta cũng tạo oan trái với họ, bây giờ phải trả. Nếu bây giờ ta ghét họ trở lại nữa thì oán kết càng thêm. Đời này kết, đời sau kết, kết hoài bao giờ mới hết.

Ngài dạy: “Tất cả mọi việc đều là nhân quả, chúng ta không nên dựa vào những thành kiến phán đoán chủ quan của mình (thấy người ta ghét mình thì mình ghét trở lại). Trên tất cả, mọi việc không xảy ra theo thành kiến chủ quan mà theo đúng quy luật tự nhiên. Nếu bạn biết chắc chắn điều này thì tâm bạn trở nên sáng suốt”. Học Phật là phải mở sáng mắt tuệ, để giúp chúng ta giải quyết đuợc nhiều vấn đề trở nên sáng suốt, lạc quan. Chúng ta hóa giải được thành kiến chủ quan thì sống được nhẹ nhàng, không phiền trách người này người kia. Phật dạy tất cả con người sống trên thế gian này đều nằm trong luật nhân quả, không có ngẫu nhiên, vô cớ.

III. MỞ CON MẮT BÁT-NHÃ.

Tiến thêm một bước nữa, chúng ta cần khéo mở con mắt Bát-nhã để thấy rõ các pháp không tự sanh, mà đều từ tâm sanh. Bản chất của nó là tánh không, tức là không có tự tánh, cho nên tâm sanh thì pháp sanh, tâm diệt thì pháp diệt. Chỉ do tâm sanh chứ pháp không có thật thể, không có tính chất cố định của nó, vì vậy không chấp pháp thì không có khổ đau.

Thời Phật, có một vị ngoại đạo đến hỏi Thế Tôn:

- Hôm qua Ngài thuyết pháp gì?

Đức Thế Tôn đáp:

- Thuyết định pháp.

Vị ngoại đạo hỏi:

- Còn hôm nay Ngài thuyết pháp gì?

Đức Thế Tôn đáp:

- Hôm nay thuyết bất định pháp.

Vị ngoại đạo hỏi:

- Hôm qua tại sao Ngài thuyết định pháp, còn hôm nay lại thuyết bất định pháp?

Thế Tôn đáp:

- Hôm qua định, hôm nay chẳng định.

Nếu hôm qua cứ cố định mãi thì sao lại có hôm nay? Do đó, hôm qua nói định pháp, hôm nay nói bất định pháp. Sở dĩbất định pháp nên mới có hôm qua, hôm nay và ngày mai. Vì vậy, chúng ta không thể chấp cứng bám chặt vào một chỗ, hôm qua hôm nay mọi thứ đều bất định, không chấp thì tâm sẽ cởi mở nhẹ nhàng. Hôm qua ai nói nặng, chúng ta chấp câu nói đó rồi khổ suốt đời. Bây giờ hôm qua nghe nói nặng, hôm nay là một ngày khác không thèm nhớ thì hết khổ. Đó là mở sáng con mắt Bát-nhã, hé cánh cửa giải thoátđi vào.

Như vậy thì các pháp không cố định, pháp phiền não cũng không cố định do pháp từ tâm sanh. Nên nói chuyển mê thành giác, chuyển chúng sanh thành Phật, chuyển phiền não thành Bồ-đề. Vì tất cả tánh là không: chúng sanh tánh không, mê lầm tánh không, phiền não tánh không nên mới có thể chuyển. Từ đó mở sáng mắt tuệ nhìn cái gì cũng chuyển thành Phật pháp. Khi đi đường thấy chiếc xe hư cũng nhắc chúng ta giác ngộ Phật pháp, vì nó vô thường. Người đời thấy một ngôi nhà mới xây cất khen đẹp quá, hoặc thấy xây nhà cao hơn nhà mình thì cũng hơi đố kỵ. Nhưng người có mắt tuệ thấy xây một ngôi nhà mới cũng nhắc mình giác ngộ, trước kia nhà này là không có, bây giờ lại có, như vậy nó từ không mà thành có nên nó cũng chỉ là tạm có, không thật có cố định. Trước đây là một bãi đất trống không thuộc về ai, bây giờ thuộc về người này cũng chỉ tạm thôi. Mảnh đất này chúng ta làm chủ nhưng mai mốt biết bao nhiêu người làm chủ, đều là vô ngã. Thấy chim bay trên trời cũng nhắc chúng ta tỉnh ngộ. Chim đậu rồi bay, không có cố định, đâu đâu cũng nhắc chúng taPhật pháp.

Ngay thực tế đang học đây: trước khi chúng ta vào, lớp học trống không, giờ ngồi đây học tạo thành một pháp hội. Học xong, hội chúng tan ra thì trả lại căn phòng trống. Pháp hội này cũng là tánh không. Đây là bài kinh Bát-nhã không giải thích bằng văn tự, chữ nghĩa dài dòng, mà chính đó là bài kinh sống. Sống được với tâm kinh này mới thấy Phật pháp thật cao quý.

IV. TÓM KẾT.

“Tâm sanh thì tất cả pháp sanh”. Các pháp có ra do tâm hiện, các pháp không tự đứng riêng tại chỗ, không có thực thể cố định. Tâm mới là gốc của các pháp, tu là chuyển nơi tâm. Chuyển nơi tâm là chuyển trở lại đúng với chánh pháp, không bỏ gốc theo ngọn. Khổ vui, tốt xấu, mê ngộ đều từ nơi chính mình mà ra, muốn chuyển hóa, muốn giải quyết là chuyển ngay nơi tâm.

Thiền sư Bàn Khuê trong thời gian đi hành cước, một hôm đi ngang qua trạm ngựa, lúc đó chân mỏi nên Sư thuê một con ngựa để cỡi. Sư định lên đường thì có một xe hàng quý giá đi tới. Người cho thuê ngựa thấy xe hàng quý giá, còn Sư là một ông thầy rách rưới lang thang, nên chủ tiệm liền đổi ý. Ông lấy con ngựa của Sư lại để cho đoàn xe hàng quý thuê được nhiều tiền hơn. Sư ngồi xuống ở trạm ngựa, vì đi hết nổi.

Người phu trạm thấy vậy mới nói an ủi: “Thầy có buồn giận không?”.

trả lời: “Vì việc lớn mong cầu giác ngộ, tôi đã từ bỏ quê nhà, bỏ hết ước muốn của cha mẹ. Thế mà nay tôi lại bất mãn vì chuyện nhỏ nhặt này, tôi rất hối hận!”.

Nói xong, Sư đứng dậy bỏ đi. Về sau Sư giác ngộ giáo hóa đại chúng. Sư thường bảo: “Từ lúc ấy trở đi tôi đã bỏ được gốc giận dữ”.

Đây là bài học nhắc mỗi người, cơn giận cũng từ tâm mà sanh, và từ tâm mà diệt. Cho nên, chúng ta quyết tâm chuyển hóa cuộc đời thì phải chuyển nơi tâm, chứ không phải từ bên ngoài mà được. Mong tất cả mở được mắt tuệ, không lầm mê các pháp và sống vươn lên trong ánh sáng Bát-nhã rạng ngời.

TT Thích Thông Phương

Thiền Viện Thường Chiếu





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 190823)
01/04/2012(Xem: 36427)
08/11/2018(Xem: 15107)
08/02/2015(Xem: 54244)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :