Thư Viện Hoa Sen

Về Ý Nghĩa của Saṅkhārā (Hành) Trong Đạo Phật

03/02/20154:11 CH(Xem: 20289)
Về Ý Nghĩa của Saṅkhārā (Hành) Trong Đạo Phật

Về Ý Nghĩa của Saṅkhārā (Hành) Trong Đạo Phật

                                                                   Tô Đăng Khoa

1.    Mục đích:

Mục đích của bài viết này là làm cho sáng tỏ vai trò, chức năng, và ý nghĩa rốt ráo của  saṅkhārā (Hành) trong tiến trình tu chứngthành đạo của Phật Thích Ca.  Đây là một khái niệm vi tế và khó thâm nhập nhất trong tâm lý học Phật Giáo, nhưng đồng thời cũng mang ý nghĩa thực dụng nhất đối với pháp hành trì trong thiền Định. Muốn tu thiền Định có kết quả, ta cần thấu rõ định nghĩa vận hành của   saṅkhārā (operational definition)

Sau khi thấu triệt ý nghĩa rốt ráo của saṅkhārā chúng ta sẽ nhận ra: saṅkhārā  có liên hệ tới cốt lõi sự thành đạo của Đức Thế Tôn.  Sau 49 ngày thiền định dưới cội Bồ Đề, Đức Thế Tôn đã tuần tự trải nghiệm các tầng thiền, mà bản chất các tầng thiền đó là  sự tịnh chỉtuần tự, hệ thống tất cả các saṅkhārā (các Hành) để cuối cùng đưa đến sự kinh nghiệm trực tiếp trạng thái “Sự tịnh chỉ tất cả hành” mà từ Pali gọi là sabbasaṅkhārasamatho”.  Đây cũng chính là con đường mà Thế Tôn đã tự tu, tự chứng và sau đó chỉ bày ra rất rõ ràng cho chúng ta để đưa đến  mục đích tối hậuNiết BànCon đường này có bốn đặc tính là: thực dụng (practical), tuần tự (procedural), hệ thống (systematic), và khoa học (scientific)

Do nhân duyên đó, việc trước hết cần thấu triệt ý nghĩa của  saṅkhārā  và sau đó tu tập để tự mình kinh nghiệm trực tiếp trạng tháisabbasaṅkhārasamathochính là mục tiêu rốt ráo của người Phật Tử đã phát đại nguyện “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

2.    Thế Tôn Tự Nhận Định Lại Giáo Pháp của chính Ngài như thế nào?

Phật Tử chúng ta ngày nay thực hành Pháp của Phật, tu theo tấm gương Phật, thì việc thiết lập được một nhận định chuẩn xác và tổng quát về Pháp của Ngài là điều rất cần thiết.  Đó chính là Chánh Kiến, bước khởi đầu vô cùng quan trọng trên con đường Bát Chánh Đạo.

Câu hỏi đặt ra là: “Ai là người có thẩm quyền nhất trong việc đưa ra nhận định chuẩn xác nhất về Giáo Pháp?” 

Hỏi như thế thì câu trả lời đương nhiên sẽ là: “Không ai có thẩm quyền hơn Đức Phật, tức là người đã khám phá ra Giáo Pháp đó.”

Vì thế thay vì chúng ta mất thời gian nghiên cứu các luận thư của người khác với những nhận định chủ quan về Giáo Pháp của Như Lai thì điều chúng ta cần làm nhất là tìm hiểu xem Thế Tôn đã tự nhận định về Giáo Pháp của Ngài như thế nào? Và nhận định đó có được ghi lại trong bài Kinh nào trong tạng Nikaya hay không?

Câu trả lời là đương nhiên là có.  Và điều đó được ghi lại trong bài Kinh Thánh Cầu (Trung Bộ Kinh, số 26) với nội dung rất thâm sâu và cô đọng.

Trong bài Kinh này trước khi đưa ra nhận định về Giáo Pháp của chính mình, Phật chỉ ra sự tầm cầu của bậc Thánh khác với sự tầm cầu các của con người thế gian như sau:

Này các Tỷ-kheo, có hai loại tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu.

Chư Tỷ-kheo, và thế nào là phi Thánh cầu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm.

Này các Tỷ-kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sanh? Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng và bạc là bị sanh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh…

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh cầu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn, …”

Sự tầm cầu của bậc Thánh (tức là tầm cầu cái Vô Sanh) chính là động lực khiến cho Thế Tôn từ bỏ tất cả dục lạc thế gian để tiến tu đến khi thành đạo. Cuối cùng Ngài đã thành côngchứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Sau khi thành đạo, Phật thành tựu đầy đủ tứ vô lượng tâm.  Với lòng từ vô lượng như vậy, trong khi chúng sanh còn đang rất khổ đau trong vô minh, Kinh Thánh cầu lại ghi rằng Phật “nghiên về vô vi thụ động không muốn thuyết Pháp”.  Ngài chỉ đồng ý chuyển pháp luân sau khi Phạm Thiên ba lần thỉnh cầu

Đây là một “công án” quan trọng trong Phật Giáo Nguyên Thủy, tức là công án “Phạm Thiên thỉnh Phật chuyển pháp luân.”   Giải được công án này thì mới thành tựu được “cảm ứng đạo giao nan tư nghì”

Câu hỏi được đặt ra là: “Với lòng từ bi vô lượng của Phật như vậy, do nhân duyên gì mà ngài ba lần từ chối thuyết pháp độ sanh?”

Khác với các công án của Thiền Tông, lời giải cho “công án” này của không có gì bí ẩn mà ngược là có tính chất phơi bày, bộc lộ, chói sáng, không dấu diếm.  Đó chính là nội dung cô đọng mà Thế Tôn lần đầu tiên ngay sau khi thành đạo, tự mình nhận định về Giáo Pháp mà mình vừa chứng ngộ:  Trong lời nhận định này, Phật giải thích với Phạm Thiên ba việc rất khó khiến cho Ngài nghiêng về thụ động không muốn chuyển pháp luân. Vì nhận thấy nội dung của lời nhận định này rất quan trọng, nên ở đây xin trích cả ba văn bản (Việt, Anh, và Pali) để dể đối chiếu:

Bản Tiếng Việt:

“Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccàyata Paticcasamuppada (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta!"

Rồi này các Tỷ-kheo, với những suy tư như vậy, tâm của Ta hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp.”

Bản Tiếng Anh:

“Then the thought occurred to me, 'This Dhamma that I have attained is deep, hard to see, hard to realize, peaceful,refined, beyond the scope of conjecture, subtle, to-be-experienced by the wise.  But this generation delights in attachment, is excited by attachment, enjoys attachment. For a generation delighting in attachment, excited by attachment, enjoying attachment, this/that conditionality & dependent co-arising are hard to see. This state, too, is hard to see: the resolution of all fabrications, the relinquishment of all acquisitions, the ending of craving; dispassion; cessation; Unbinding. And if I were to teach the Dhamma and others would not understand me, that would be tiresome for me, troublesome for me.”

Bản Pali:

“Tassa mayhaṃ bhikkhave etadahosi: adhigato kho myāyaṃ dhammo gambhīro duddaso duranubodho santo paṇīto atakkāvacaro nipuṇo paṇḍitavedanīyo. Ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasammuditā. Ālayarāmāya kho pana pajāya ālayaratāya ālayasammuditāya duddasaṃ idaṃ ṭhānaṃ yadidaṃ idappaccayatāpaṭiccasamuppādo. Idampi kho ṭhānaṃ duddasaṃ yadidaṃ sabbasaṅkhārasamatho sabbūpadhipaṭinissaggo taṇhakkhayo virāgo nirodho nibbānaṃ. ahañceva kho pana dhammaṃ deseyyaṃ pare ca me na ājāneyyuṃ, so mamassa kilamatho, sā mamassa vihesāti. Apissu maṃ bhikkhave imā anacchariyā gāthā paṭibhaṃsu pubbe assutapubbā.”

Lời nhận định trên của Thế Tôn rất quan trọng.  Xin tóm tắt lại các ý chính được ghi nhận:

  1. Đó là lời nhận định rất cô đọng của Thế Tôn về Giáo Pháp mà Ngài vừa chứng ngộ.
  2. Thời điểm tuyên bố của nhận định này cũng rất quan trọng: ngay sau khi ngài thành đạo.
  3. Lời nhận định nói lên 7 đặc tính của Pháp: sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu. (Sau này, Phật dạy các Thánh Đệ Tử nên xưng tán Pháp bằng cách nói lên sự sâu kín này của Pháp)
  4. giáo pháp có các đặc tính  đã nêu trên, nên có ba cái khó cho việc thuyết Pháp đối với chúng sanhcõi Ta Bà dục giới:

                      I.        Quần chúng ưa ái dục ham thích ái dục nên khó lãnh hội Pháp.

                    II.        Khó thấy được định lý Duyên Khởi: Idapaccàyata Paticcasamuppada

                   III.        Còn sự kiện này còn khó thấy hơn nữa: tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.

3.    Phạm Thiên Thỉnh Phật:  Ba việc khó đối với việc chuyển bánh xe Pháp

Chúng ta hãy để ý đến cấp độ của ba cái khó mà Thế Tôn nêu rõ trong việc chuyển bánh xe Pháp. Nếu vượt qua các Dục là cái khó một, thì thể nghiệm và thực chứng Định Lý Duyên Khởi là cái khó mười. Vì sao? Vì Phật thuyết: “Ai thấy Duyên Khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Ta.”  Như vậy thấy được và thâm chứng Duyên Khởi chính là Tri Kiến Phật. Điều đó thật khó hơn Ly Dục rất nhiều.

Nhưng cái khó của thấy Duyên Khởi cũng không khó bằng thấy sự đoạn diệttịch tịnh của Niết Bàn. Đây mới là cái khó hơn tất cả. Nó khó đến nổi khiến cho một bậc Chánh Đẳng Giác, với từ tâm vô lượng như vậy phải “hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp!”

Thông cảm được ba cái khó này đối với việc chuyển bánh xe Pháp để tìm ra phương pháp tu làm sao cho ba cái khó đó được “bớt khó” đi chút ít thì chúng ta mới có cơ hội “cảm ứng đạo giao nan tư nghì” đối với Giáo Pháp của Thế Tôn.  Trong phạm vi bài viết này chúng ta sẽ tạm lướt qua hai cái khó đầu mà chỉ chú tâm khảo sát cái khó thứ ba (hai cái khó kia xin hẹn trong một bài viết khác.)  Điều này sẽ làm sáng tỏ mấu chốt thành đạo của Thế Tôn (tức là sabbasaṅkhārasamatho) , và từ đó rút ra được một phương pháp tu cho chính mình với 4 đặc tính: thực dụng (practical), tuần tự (procedural), hệ thống (sytematic), và khoa học (scientific).

Nguyên văn của cái khó thứ ba, Phật mô tả như sau:

“Còn sự kiện này còn khó thấy hơn nữa: tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.”

Đoạn Kinh trên trong Kinh Thánh Cầu rất quan trọng, và thâm sâu.  Câu hỏi đặt ra là:  “Nếu đoạn kinh này quan trọng như thế, nó còn xuất hiện trong Kinh nào khác nữa trong Tạng Nikaya không?”

Câu trả lời là “Có”; và tại những chổ đoạn kinh trên xuất hiện, nó cũng đóng vai trò quan trọng không kém.  Trước hết là trong Đại Kinh Malynkya (Trung Bộ Kinh, số 64). Trong bài Kinh này Phật dạy Anan phương pháp tu để đoạn được năm hạ phần kiết sử (tức là đắc quả Thánh):

…Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường , khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới (Amatadhatu) và nghĩ rằng: "Đây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, thời do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Này Ananda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Trong đoạn kinh trên ta gặp lại gần như nguyên văn lời nhận định của Thế Tôn về cái khó thứ ba trong Kinh Thánh Cầu, nhưng ở đây Phật xử dụng cấu trúc câu “Đây là X” như một lời giới thiệutiếp dẫn (direct introduction) trực tiếp đến bất tử giới (Amatadhatu) tức là Niết Bàn, với lời khẳng định rằng “nếu an trú được vững chắc ở đây, vị này đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc (tức là quả vị tương đương của Alahán)

"Đây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn".

Ngoài ra trong Tăng Chi Bộ Kinh, Kinh (VI) (6) Định Do Bậc Đạo Sư Thuyết, toàn bộ nguyên văn của cấu trúc “Đây là X” nói trên cũng được Phật một lần nữa xử dụng để trả lời câu hỏi rất khó của Ngài Anan lên hệ tới một loại định còn sâu hơn cả Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ định:

1. Bấy giờ Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, có thể có chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể đi trong đất không tưởng đến đất; trong nước không tưởng đến nước; trong lửa; trong gió không tưởng đến gió;trong không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ; trong Thức vô biên xứ, không tưởng đến Thức vô biên xứ; trong Vô sở hữu xứ, không phi phi tưởng xứ, không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ; trong thế giới hiện tạithể không tưởng đến thế giới hiện tại; trong thế giới đời sauthể không tưởng đến thế giới đời sau; tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?

- Này Ananda, có thể như vậy, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiện định như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất; trong nước không tưởng đến nứơc; trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ; trong Thức vô biên xứ, không tưởng đến thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ, không tưởng đến Vô sở hữu xứ; trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ; trong thế giới hiện tại, không tưởng đến thế giới hiện tại; trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.

2. - Nhưng bạch Thế Tôn, như thế nào một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất... trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau; tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?

- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tưởng như sau: “Đây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Ananda,Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất; trong nước không tưởng đến nước... trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.

Trong bài kinh này Phật dạy Anan một tưởng rất đặc biệt có một chức năng đặc biệt.  Đó là một tưởng có khả năng tắt hết tất cả các tưởng khác.  Chức năng của tưởng này giống như một “hố đen” (back hole): bất cứ tưởng nào chạm phải nó đều bị đoạn diệt trong chính nó.  Vì sao? Vì ngay cả một người rất thiện xảo trong thiền định, trong khi đang “an trú” trong phi tưởng phi phi tưởng xứ định, mặc dù người đó đã đạt tới trình độ an trú mà vẫn không tưởng tới phi tưởng phi phi tưởng xứ, tuy vậy người đó vẫn còn một tưởng.  Tưởng duy nhất đó không có chủ thể. Chức năng của nó chỉ là sự minh xác trạng thái Niết Bàn phơi bày lúc đó:

"Đây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn".

Dẩn chứng một vài bài Kinh tiêu biểu trong Nikaya cũng vừa đủ để chúng ta nhận thức được vai trò quan trọng của một câu Kinh rất ngắn trên đây.  Câu Kinh này được Thế Tôn xử dụng như là một lời tự nhận định về Pháp của chính Ngài, nhưng cũng đồng thời là một Pháp hành trì vô cùng thực dụng cho các Phật tử tu tập theo.

4.    Thế Tôn mô tả Niết Bàn với cấu trúc trực tiếp “Đây là X” qua 6 phương tiện:

"Đây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn".

“Etam santam, etam panitam, yadidam sabbasankhàrasamatho abbupadhipatinissaggo, tanhakkhayo, virago, nirodho, nibbanam”

"This is peaceful, this is excellent, namely the stilling of all preparations, the relinquishment of all assets, the destruction of craving, detachment, cessation, extinction".

Bây giờ chúng ta khảo sát cấu trúc câu của lời tuyên bố này.  Ta sẽ chú ý khai triển ý nghĩa của cấu trúc “Đây là” và “Tức Là”

Cấu trúc câu “Đây là X” chính là cách giới thiệu trực tiếp cho tâm thức người nghe một thực tại hiện tiền X, tức là “cái-đang-là” vào đúng sát na mà câu “Đây là X” được phát ngôn ra. (Xin xem thêm bài viết Về Ý Nghĩa Mục Đích Thoát Khổ Trong Đạo Phật, đã đăng trên thuvienhoasen.org của cùng tác giả)

Vì thế “Đây là X” mang ý nghĩa giới thiệu trực tiếp một “sự-thật-đang-là”. Đó chính là cái nội dụng cô đọng của tâm thức Như Lai (thuật ngữ gọi là Tâm Như), tức là cái tâm đang-là của Như Lai lúc nói câu nói trên.  Nội dung của sự thật này có 7 đặc tính là: sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu.

Trong 7 đặc tính này của “Đây là X” có một đặc tính cần nhấn mạnhđặc tính “siêu lý luận” tức là đặc tính vượt ngoài phạm vi của ngôn ngữ của cái được giới thiệu trong “Đây là X”.  Tiếng Anh gọi đặc tính đó là “beyond the scope of conjecture”;

Pali gọi là:  atakkāvacaro:  không nằm trong phạm vi của ngôn ngữ diễn đạt

a-    : không (nghĩa phủ định); not

-takka: phạm vi; boundary, scope

-vacaro: liên hệ đến ngôn ngữ lời nói; language

Chính vì đặc tính atakkāvacaro của Niết Bàn cho nên  tất cả những gì mô tả sau chữ “tức là”, đều là phương tiện hay ngón tay để chỉ tới cái thực tại của “Đây là X”

“Đây là – tức là” chính là mối liên hệ "mặt trăng-ngón tay” hay “cứu cánh-phương tiện”, trong đó “Đây là X” tức là trạng thái Niết Bàn hay vị Giải Thoát mà tâm Thế Tôn đang “an trú” còn “sự tịnh chỉ tất cả các hành” chính là phương tiện mà chính Thế Tôn đã trảy qua để có kinh nghiệm Niết Bàn.  Công thức rốt ráo của lời tuyên bố trên chính là: "Đây là Niết Bàn, tức là sự tịnh chỉ tất cả Hành"

Thế Tôn vì rất từ bi nên luôn có nhiều phương tiện, vì thế các từ xuất hiện sau “tức là” đều là các phương tiện tương đương, nói cách khác, chúng đều đồng nghĩa trên phương diện tác dụng của nó trên tâm thức của người tu.  Điều đó có nghĩa là trên phương diện tác dụng, các từ sau đây là đồng nghĩa và đều làm cho hiển lộ trạng thái “Đây là X” tức là trạng thái Niết Bàn:

  1. Sự tịnh chỉ tất cả hành,
  2. Sự trừ bỏ tất cả sanh y,
  3. Ái diệt,
  4. Ly tham,
  5. Đoạn diệt,
  6. Niết-bàn.

Xin đơn cử vài ví dụ: tác dụng của “sự tịnh chỉ tất cả hành” và tác dụng của “sự ly tham”, hoặc là “ái diệt” lên tâm thức của người tu là hoàn toàn tương đương với nhau, và cùng tương đương với kinh nghiệm “đoạn diệt” hay “Sự trừ bỏ tất cả sanh y”.  Tuy nhiên cả sáu danh từ mô tả trên đều không phải là cái “Đây là X” vì nội dung thực sự của  “Đây là X” tức là trạng thái tâm của Thế Tôn lúc nói lên câu đó thì nằm ngoài phạm vi của ngôn ngữ.

Chính vì “sự tịnh chỉ tất cả hành” là đồng nghĩa với Niết Bàn về mặt tác dụng của nó trên Tâm cho nên giờ đây chúng ta tiếp tục khảo sát ý nghĩa của sabbasaṅkhārasamatho  trong tiến trình tu tu chứngThành Đạo của Thế Tôn. Việc làm này sẽ làm sáng tỏ một Phương Pháp Tu rất thực dụng (practical), tuần tự (procedural), hệ thống (sytematic), và khoa học (scientific).

5.    Định nghĩa của saṅkhārā theo Nikaya:

Trong Nikaya, Phật định nghĩa saṅkhārā theo chức năng hoạt động của nó (functional, or operational definition) trong Kinh Đáng Được Ăn (Tạp 2, Đại 2,11) (S.iii,86) như sau:

Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là hành? Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi nên gọi là hành. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi gì? Làm cho hiện hành sắc với sắc tánh, làm cho hiện hành thọ với thọ tánh, làm cho hiện hành tưởng với tưởng tánh, làm cho hiện hành các hành với hành tánh, làm cho hiện hành thức với thức tánh. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là các hành

English:

And why do you call them 'fabricators'? Because they fabricate fabricated things, thus they are called 'fabricators.' What do they fabricate as a fabricated thing? For the sake of form-ness, they fabricate form as a fabricated thing. For the sake of feeling-ness, they fabricate feeling as a fabricated thing. For the sake of perception-hood... For the sake of fabrication-hood... For the sake of consciousness-hood, they fabricate consciousness as a fabricated thing. Because they fabricate fabricated things, they are called fabricators.

Như vậy định nghĩa chức năng (functional definition) của saṅkhārā chính là: “Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi”.  Their operation is to fabricate fabricated things.

Chúng ta chỉ ghi nhận chức năng của Hành là “làm cho hiện hữu các pháp hữu vi” và tiếp tục ghi nhận cách phân loại (classification) các loại Hành trong Kinh Tiểu Phương Quãng (Trung Bộ Kinh Số 44):

-- Thưa Ni sư, có bao nhiêu hành?

-- Hiền giả, có ba loại hành này: thân hành, khẩu hành, và tâm hành.

-- Thưa Ni sư, thế nào là thân hành, thế nào là khẩu hành, thế nào là tâm hành?

-- Thở vô, thở ra, Hiền giả Visakha, là thân hành, tầm tứ là khẩu hành, tưởng và thọ là tâm hành.

-- Thưa Ni sư, vì sao thở vô thở rathân hành, vì sao tầm tứ là khẩu hành, vì sao tưởng và thọ là tâm hành?

-- Thở vô, thở ra, Hiền giả Visakha, thuộc về thân, những pháp này lệ thuộc với thân, nên thở vô thở ra thuộc về thân hành. Hiền giả Visakha, trước phải tầm và tứ rồi sau mới phát lời nói, nên tầm tứ thuộc về khẩu hành. Tưởng và thọ và tâm sở, các pháp này lệ thuộc với tâm, nên tưởng và thọ thuộc về tâm hành.

Tóm lại, qua hai bài Kinh trên chúng ta ghi nhận hành có chức năng là làm cho hiện hữu các Pháp Hữu Vi.

Về phân loại, có ba loại Hành:

  • Thân hành: hơi thở ra/ hơi thở
  • Khẩu hành: Tầm và Tứ (Tầm:  sự hướng tâm đến đối tượng; Tứ: sự duy trì sự hướng tâm đó)
  • Ý hành: Thọ và Tưởng (Thọ: các cảm thọ nhận lãnh trên thân tâm bao gồm lạc, khổ, không khổ không lạc; Tưởng: tri nhận và kiến giải thông qua thọ và mạng lưới danh/nghĩa chế định)

Khi ta phối hợp định nghĩa vận hành và cách phân loại trong bài kinh trên ta có thể hình dung ra sự vận hành của các Hành.  Khi các hành hoạt động liên tục (tức là ba cặp: hơi thở vô/ra; tầm tứ, thọ tưởng) thì các pháp hữu vi đua nhau xuất hiện không dứt. 

Bây giờ ta áp dụng cách định nghĩa và phân loại này của các Hành để đem ứng dụng và mắc xích thứ nhất Vô Minh –Hành và mắt xích thứ hai   Hành -Thức trong 12 nhân duyên:

Công thức Tổng Quát: Do cái này có nên cái kia có

Ứng dụng và khai triển cho mắt xích thứ nhất: Vô Minh – Hành ta có:

“Do duyên vô minh, nên có hành.”

Dầu các Như Laixuất hiện hay không xuất hiện, nguyên lý tự nhiên đó vẫn đứng vững, các pháp an trú vững chắc trong nguyên lý đó (dhammaṭṭhitatā ), các pháp được thiết lập một cách trật tự trong nguyên lý đó (dhammaniyāmatā),  các pháp y các duyên (điều kiện riêng biệt) mà hiện khởi theo đúng nguyên lý đó (idappaccayatā).  Nguyên lý này Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn thấu suốt rốt ráo cùng tột.  Sau khi đã hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn thấu suốt rốt ráo cùng tột, Như Lai (dùng ngôn ngữ khái niệm quy ước) tuyên bố, chỉ bày, phơi bày, khai triển, thiết lập (khái niệm), phân tích, phân loại, làm cho phơi bày rõ ràng ý nghĩa Như Vậy của nguyên lý đó:  “Này các Tỷ Kheo, hãy đến để mà thấy: 

“Do duyên vô minh, nên có các hành.”

 Như vậy hành chính là mang ý nghĩa tạo tác và làm ra các pháp hữu vi. Nguyên nhân của việc tạo tác này là vô minhÝ nghĩa “tạo tác” này của Hành trong “bóng tối” của Vô Minh cũng được nhận rõ bởi Đức Phật trong Kinh Pháp Cú số 153-154. Trong đoạn Kinh này, đức Phật ví các Hành như người thợ xây (tạo tác) chuyên xây nhà cho Thức an trú

"Lang thang bao kiếp sống

 Ta tìm nhưng chẳng gặp,

Người xây dựng nhà này,

Khổ thay, phải tái sanh

Ôi! Người làm nhà kia

Nay ta đã thấy ngươi!

Ngươi không làm nhà nữa.

Đòn tay ngươi bị gẫy,

Kèo cột ngươi bị tan

Tâm ta đạt tịch diệt,

Tham ái thảy tiêu vong”

(Kinh Pháp Cú 153-154)

Với Minh khởi, Vô Minh diệt. Chức năng xây nhà tạo tác của Hành bị nhận diện. Thức không còn đối tượng hữu vi nào để nhận ra sự khác biệt nữa cho nên Thức trở thành Thức-không-hiển-lộ, cũng gọi là “Tâm Vô Sở Trú” trong Thiền Tông.

Đó là một trong các điều đại ngộ của Phật, tức là nhận ra chức năng của Hànhtrong bài kệ Pháp Cú nêu trên:

“Nay ta đã thấy ngươi!

Ngươi không làm nhà nữa

Từ nơi sở ngộ này, Thế Tôn đã định nghĩa, phân loại các Hành, và thiết lập một trình tự tu chứnglớp lang tuần tự để đưa tới mục đích duy nhấtNiết Bàn (mà theo như chúng ta đã nhận địnhđồng nghĩa với trạng thái sabbasaṅkhārasamatho về ý nghĩa tác dụng trên Tâm Thức của người tu.)

Trình tự tu chứng có khoa học và hợp lý đó được Thế Tôn trình bày trong Kinh Sống Một Mình (Tương Ưng Bộ S. iv, 216) như sau:

11. I. Kinh Sống Một Mình (Tương Ưng Bộ S.iv,216)

1) ...

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, khi con sống một mình, Thiền tịnh, tâm tư như sau được khởi lên: "Thế Tôn dạy có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ". Ba thọ này được Thế Tôn thuyết dạy. Nhưng Thế Tôn lại nói: "Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy (nằm) trong đau khổ". Do liên hệ đến cái gì, lời nói này được Thế Tôn nói lên: "Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy (nằm) trong đau khổ"?

4) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Này Tỷ-kheo, Ta nói rằng có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này được Ta nói đến. Nhưng này Tỷ-kheo, Ta lại nói: "Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy (nằm) trong đau khổ". Chính vì liên hệ đến tánh vô thường của các hành mà lời ấy được Ta nói lên: "Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ". Chính vì liên hệ đến tánh đoạn tận, tánh tiêu vong, tánh ly tham, tánh đoạn diệt, tánh biến hoại của các hành mà lời ấy được Ta nói lên: "Phàm

cái gì được cảm thọ, cái ấy (nằm) trong đau khổ".

5) Nhưng này Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tịnh chỉ các hành là tuần tự:

khi chứng được Thiền thứ nhứt, lời nói được tịnh chỉ;

khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được tịnh chỉ;

khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được tịnh chỉ;

khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được tịnh chỉ;

khi chứng Không vô biên xứ, sắc tưởng được tịnh chỉ;

khi chứng Thức vô biên xứ, không vô biên xứ tưởng được tịnh chỉ;

khi chứng Vô sở hữu xứ, thức vô biên xứ tưởng được tịnh chỉ;

khi chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vô sở hữu xứ tưởng được tịnh chỉ;

khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được đoạn diệt.

Đối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được đoạn diệt, sân được đoạn diệt, si được đoạn diệt.

Khi các hành được tịnh chỉ, khi các tạo tác được buông bỏ, cái không tạo tác tức là  Không , Vô TướngVô Tác hiển lộ.  Đó là ba cửa Giải ThoátThế Tôn đã tuyên thuyếtRốt ráo và tinh tuý của Pháp Môn hành trì sabbasaṅkhārasamatho  chính là con đườngThế Tôn đã đi qua. Pháp hành trì này còn được nhận thấy qua bài kệ sau:

Chư Hành vô thường

Thị sanh diệt pháp.

Sanh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc

Tất cả các Hành là Vô Thường

Chính là các Pháp Hữu Vi Sanh Diệt

Sanh Diệt diệt tận

Tịch Diệt (Nibbana) là Tối Thượng An Lạc

Con đường đi tới sự “Sanh diệt diệt dĩ” chính là hướng tới sabbasaṅkhārasamatho.  Đó là con đường rất thực dụng, có trình tự, có hệ thống, và rất khoa học  mà Thế Tôn đã soi sáng

6.    Kết Luận

Khi các hành (hơi thở ra vô, tầm tứ, thọ tưởng) lan man hoạt động chúng tạo ra vô số vô lượng các pháp hữu vi rất vi tế như là: ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, chấp ngã, chấp thường, chấp đoạn, chấp vô, chấp hữu. Nó tạo ra sắc tướng từ sắc tánh, thọ tướng từ thọ tánh…, nó tạo ra không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, và phi tưởng phi phi tưởng xứ.  Tất cả các thứ đó đều do là các hành tạo ra cả. 

Do các hình tướng này mà Thức có nơi “an trú” và hoạt động   để  nhận ra sự khác biệt. Tức là "Do duyên Hành mà Thức sanh khởi".  Trong Kinh Bọt Nước, Tương Ưng Bộ, thức thường được dụ như nhà huyễn thuật.  Trong đó Hành đóng vai trò phụ tá, còn Vô Minh như là bức màn đen tạo nên bóng tối cho Hành (tên phụ tá, luôn lăng xăng tạo tác) giúp đở Thức bày trò huyễn thuật lừa gạt chúng taĐặc tính của một trò huyễn thuật là sự lừa dối, là biến “không” thành “có”.  Vai trò của Thức là biến cái Chân Không thành cái Diệu Hữu.  Tự thân các pháp Hữu Vi không có gì là “Diệu” cả: vì chính nó là vô thường, khổ nãovô ngã. Chính sự hoán chuyển từ Chân Không thành ra Hữu mới chính là cái Diệu của Thức. Chúng ta không nhận ra vai trò của Hành là kẻ tạo tác luôn giúp nhà huyễn thuật Thức bày trò lừa gạt.  Đức Phật là người đã nhận ra tên “thợ xây nhà” chuyên môn tạo tác này nên Ngài đưa ra giải pháp  sabbasaṅkhārasamatho  rất có hệ thốngvô cùng thực dụng qua các tầng thiền định nhằm đưa chúng sanh tất cả đến Niết Bàn.  Đó là công đức không thể nghĩ bàn của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni!

Giải pháp sabbasaṅkhārasamatho  đặt nền tảng trên sự tịnh chỉ tất cả các hành một cách có tuần tự và có hệ thống qua tứ thiền hữu sắctứ định vô sắc. Đó là phương pháp làm cho tịnh chỉ mắt xích thứ hai “Hành” trong 12 nhân duyên đưa đến sanh tử luân hồi.

Sau này chư Tổ cũng khai thác giải pháp sabbasaṅkhārasamatho  này thông qua chủ trương “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, Pháp Như Niết Bàn” 

Để kết thúc bài viết này xin mượn lời tán thán của các vị Thánh Đệ Tử ngày xưa thưa với Đức Thế Tôn khi họ nhận ra Pháp Tu:

Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc”

Thành Kính Dâng Lên Đức Thế Tôn Nhân Ngày Kỷ Niệm Phật Thành Đạo 2015.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 191506)
01/04/2012(Xem: 37102)
08/11/2018(Xem: 15729)
08/02/2015(Xem: 54945)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: