Lòng Vị Tha Của Bồ Tát

01/05/20154:00 SA(Xem: 11944)
Lòng Vị Tha Của Bồ Tát

LÒNG VỊ THA CỦA BỒ TÁT
Chân Hiền Tâm

Tôi có chồng và con, nhưng không hề biết gì về thế giới của trẻ thơ cho đến khi tôi có đứa cháu đầu lòng. Tôi mặc con vì phải cùng chồng bươn chải kiếm tiền và mọi thứ đều giao cho mẹ. Giờ tôi là mẹ, con gái cũng phải bươn chải kiếm tiền, vết xe cũ lần nữa lại tiếp diễn.

Con nít vô tư và rất hồn nhiên. Sống trong thế giới của chúng, tôi không phải suy nghĩ nhiều về cách phải hành xử sao cho phù hợp với phong tục tập quán của từng người hay từng tập thể để tạo nên sự hòa hợp. Chúng không hề đòi hỏi tôi điều đó. Cũng không có thái độ khó chịu khi tôi sống theo cách của tôi. Trong thế giới của chúng, tôi có thế sống theo cách mà tôi muốn nhưng không hề làm chúng bận lòng hay khó chịu. 

Đương nhiên, tôi cũng phải bỏ ra một chút gì đó của mình để chúng vui. Dù vậy, chúng cũng chỉ là chúng sinh. Chưa bị ngã kiến phân biệt hiện tại chi phối nhưng phần câu sanh tập khí thì không tránh khỏi. Câu sanh tập khí, là những gì đã huân tập thành nếp, được lưu giữ trong tạng thức, giờ sinh ra không cần ai dạy cũng đầy đủ.

Đa phần trẻ hiện nay đều vướng vào cái gọi là vị kỷ. Nó được thể hiện đơn giản qua mấy từ “của tôi”. Chúng có thể giành giựt những gì trẻ khác đang có, nhưng những gì mà chúng đã quan tâm thì vật đó trở thành sở hữu của chúng. Không ai có thể đụng đến những thứ mà chúng đã nghĩ là của chúng. Có những tật thuộc câu sanh tập khí, cha mẹ hiện đời đang tìm cách dạy bảo. Có những tật do chính cha mẹ hiện đời tạo điều kiện để tật ấy được phát triển mạnh hơn. Đó không phải là việc tốt cho tương lai của một đất nước.

Tính vị kỷ chỉ biến chủ nhân của nó trở thành những kẻ bị cô lậpđau khổ trong tương lai, còn xã hội thì trở nên đình trệ vì những con người chỉ biết đến riêng mình. Có lẽ vì thế, không phải chỉ có đạo Phật mới nói đến lòng vị tha mà ngay cả sách báo mang tính giáo dục, đắc nhân tâm v.v… cũng đề cập đến lòng vị tha

Với cái thấy của nhiều người, vị tha của Phật giáo không mang tính thiết thực như các hội từ thiện, bảo trợ v.v… (Đó là cái khoản mà Tăng Ni chưa tham gia các hoạt động xã hội như cứu trợ v.v… chỉ tập trung cho vấn đề công phu tu hànhgiảng thuyết giáo hóa chúng sinh), cũng không thiết thực bằng các nhà khoa học hay Billgate v.v… đã cung cấp cho xã hội những lợi ích rõ ràng. Thấy như thế vì chúng ta không nắm được mặt duyên khởi của pháp. Thứ mà chúng ta cho là thiết thực đó, với cái nhìn của Phật giáo, chỉ mới là mặt nổi của những vấn đề còn ẩn mặt. Có thể nó cũng có ít nhiều thiết thực trong hiện tại, nhưng nói thiết thực dài lâu thì nó chỉ có khi những người sử dụng nó được trang bị bởi những kiến thứcNhư Lai đã nói, dù là vô tình hay hữu ý. Còn không, thứ gì cũng có hai mặt, không đơn giản chỉ là mặt lợi ích không thôi.

Thời vua Quán Đảnh Sát-đế-lị,1 quốc gia không được hưng thịnh như các đời vua trước. Hỏi các cận thần thì được biết vì vua không cai trị nước theo Chánh pháp của Thánh vương mà theo ý mình. Từ đó vua bắt đầu cai trị quốc gia theo chánh pháp nhưng riêng mục bố thí thì không. Nghèo đói lan rộng và trộm cắp nảy sinh.

Khi kẻ trộm bị bắt, vua hỏi vì sao đi trộm cắp? Được trả lời “Vì không có gì sống”. Vua nghe vậy, liền cho hắn tiền và dặn hãy dùng tiền đó nuôi dưỡng gia đình, bản thân cũng như bố thí, cúng dường v.v... Bất cứ ăn trộm nào được dẫn tới, nhà vua đều làm như thế. Dân quân đồn nhau: “Kẻ nào ăn trộm tiền bạc của người khác, đều được vua cho tiền bạc”. Thế là nghề ăn trộm tăng thạnh. Vua biết tin mới suy nghĩ: “Trộm cắp mà được ta cho tiền thì trộm cắp sẽ tăng trưởng. Nay phải ngăn chặn triệt để”. Nhà vua ra lệnh, ai trộm cắp sẽ bị chặt đầu. 

Khi lệnh được ban hành thì xã hội lại nẩy sinh vấn đề mới. Đó là hình thành nên những tên ăn trộm được trang bị bằng đao, gươm. Chúng giết sạch những người bị chúng ăn trộm để không còn ai nhận diện. Từ đó, kéo theo những việc phi pháp khác. Do những việc như thế mà tuổi thọ loài người ngày càng giảm mạnh, người sống trái đạo được tán dương, người người sát hại lẫn nhau, ác ý lẫn nhau, sát tâm mãnh liệt, người trong gia đình thông dâm với nhau v.v...

Hết thảy đều do thiếu cái nhìn mà Như Lai đã nói trong kinh điển.

Những việc tương tự như thế hiện nay không phải không có. Những thứ chúng ta cho là thiết thực có khi chính là đầu mối giúp nẩy sinh những ác pháp mới. Khi tôi nghe một phụ nữ trẻ bị bức tường đổ sập, chắn ngay vào cột sống, phải nằm một chỗ, chỉ biết nương vào lòng tốt của những người nghèo khổ chung quanh, tôi nẩy sinh việc chu cấp hàng tháng cho cô bé. Và những người có lòng đồng nẩy sinh ý niệm đó. Thế là… cô bé trở thành vật phẩm nhử tiền của thiên hạ. Những người hàng xóm tốt bụng bỗng trở thành những kẻ chăn người. Những giọt lệ không thành thật bắt đầu xuất hiện v.v… Lợi ích gắn liền với tai họa. Chỉ vì người nhận và người cho không được trang bị bởi những kiến thức cần thiết trong cuộc sống. Quy luật Nhân quả bị bỏ mặc. Những hành vi vị kỷ xuất hiện.

Chúng ta nói nhiều về tính tương trợ, về lòng nhân ái đối với muôn người, về cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư nhưng ác pháp vẫn xảy ra, vì chúng ta coi thường phần giáo lý Nhân quả mà Phật đã dạy trong các kinh điển, vì cách giáo dục và xử lý của chúng ta tạo điều kiện cho tham - sân - si trong mỗi người phát triển mạnh. Chính vì thế, việc tốt có khi là nhân để các ác pháp xuất hiện. Chúng ta vá chỗ này, rách chỗ kia. Những việc làm mang tính vị tha có khi chỉ là trá hình của những vụ lợi riêng tư. Thiện pháp trở thành nhân của ác pháp. Nhân quả xoay vần, thời vận càng thêm xấu, vì nhân quả trả vay không sai lệch. Cho nên, thứ mà chúng ta gọi là thiết thực chưa hẳn đã là thiết thực dù nó có thể thiết thực trong một phạm vi nào đó, trong một giai đoạn nào đó. 

Pháp cúng dường của Bồ-tát

Hai từ Bồ-tát và chúng sinh nói đây, xin hiểu theo nghĩa “hữu tình giác” và “hữu tình chưa giác”. Bồ-tát và chúng sinh nói đây cũng được tính trên từng niệm. Vì thế, không hẳn trong một người chúng ta cho là chúng sinh không có các niệm Bồ-tát. Trong một người chúng ta cho là Bồ-tát không hẳn không có những niệm chúng sinh. Phân, chỉ để dễ phân biệt vấn đề, không có ý đề cao hay chê bai.    

Trong kinh Hoa nghiêm, phẩm Nhập bất tư nghị giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện, Bồ-tát Phổ Hiền nói với Thiện Tài cùng đại chúng rằng: “Thiện nam tử! Trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: Tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường, làm lợi ích cho chúng sinh để cúng dường, chịu khổ thế cho chúng sinh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sinh để cúng dường, siêng năng tu tập căn lành để cúng dường, không bỏ hạnh Bồ-tát để cúng dường, chẳng rời tâm Bồ-đề mà cúng dường…”. Trong 10 pháp này, “Tu hành đúng theo lời Phật dạy” và “siêng năng tu tập căn lành” mang tính tự lợi. “Làm lợi ích cho chúng sinh”, “Chịu khổ thế cho chúng sinh” và “Nhiếp thọ chúng sinh” thuộc lợi tha. Phân vậy nhưng lợi tha không lìa tự lợi.

Có lẽ, ít có đạo giáo nào dạy môn đồ của mình chịu khổ thế cho chúng sinh v.v… lấy đó làm pháp cúng dường, nhưng Phổ Hiền đã nói về hạnh nguyện của mình cũng như của tất cả các Bồ-tát là như vậy. Thì biết, tâm vị thađạo Phật nói đến không chỉ dừng lại ở mặt thiết thực trong hiện tại, có những thứ thiết thực sâu xa và dài lâu hơn nhiều mà với cái nhìn của phàm phu, chúng ta không thể hiểu thấu.

Tu hành theo đúng lời Phật dạy

Hiện nay, thiện nghiệp trở thành cái nhân của ác nghiệp hay trở thành sự trá hình của những vụ lợi riêng tư, đều bắt nguồn từ ba thứ tham - sân - si. Vì bị vô minh chi phối, không hiểu về thực lý Duyên khởi đang chi phối thế giới này thế nào, nên chúng ta mới coi các việc thiện như một phương tiện để thực thi những tham muốn vị kỷ của mình. Chính vì thế, nguyện đầu tiên mà một vị Bồ-tát phải làm, đó là tu hành theo đúng lời Phật dạy. Chỉ khi tu hành theo đúng lời Phật dạy thì chúng ta mới không vướng vào những điều mà người thế gian hay vướng trong việc làm lợi ích cho người. Việc lợi tha mới được viên mãn.

Muốn tu hành theo đúng lời Phật dạy thì trước hết phải học, phải suy ngẫm những gì mà Như Lai đã nói trong kinh luận. Chắc không có tôn giáo nào có phần kinh luận nhiều như Phật giáo. Bởi giáo pháp của Như Lai do ứng cơ mà thành tựu. Chúng sinh có bao nhiêu bệnh thì có bấy nhiêu pháp. Vì thế, kinh luận nhiều vô kể. Nhiều như thế, nhưng mục đích cũng chỉ là giúp chúng sinh nhận ra thực lý đang chi phối thế giới này, giúp chúng sinh tiêu trừ tận gốc ba thứ tham - sân - si đã huân tập từ thời vô thủycuối cùngnhận ra được bản chất thật của vạn pháp, trong đó có thân tâm mình.

Vì sao phải tiêu trừ tham - sân - si? 

Vì tham thì thiện nghiệp trở thành cái nhân của ác nghiệp. Vì tham thì thiện nghiệp chỉ là trá hình của những vụ lợi riêng tư v.v… Với một tâm dễ sân hận, chúng ta khó mà tiếp cận được với người, để việc lợi ích cho tha nhân được tốt đẹp, cũng không đủ tâm mềm mỏng để làm lợi ích cho hàng hạ căn. Nghĩa là, khi tham sân còn nhiều, chúng ta không thể thực hiện nổi lời nguyện mà Bồ-tát Phổ Hiền đã nói: “Chịu khổ thế cho chúng sinh” lấy đó làm pháp cúng dường. Vì thế cần phải tiêu trừ tham - sân - si.

Thứ hai, với giáo pháp của Như Lai, không tiêu trừ tham dụcsân hận, chúng ta không thể tiếp cận được với phần thâm phápNhư Lai đã nói. Có thể với phần thô của Duyên khởi, là phần dạy về nhân quảthế gian, tham sân còn chúng ta vẫn có thể tiếp thu được nó, nhưng muốn tiếp cận được với phần giáo Duyên khởi thâm sâu, tham sân phải nhạt mỏng thì thực tánh của Duyên khởi mới được hiển bày. Và chỉ khi nhận ra được thực tánh của vạn pháp, chúng ta mới có thể sử dụng được phần “ý sinh thân” mà kinh Lăng-già đã nói. Tự lợi mới tròn đầy. Lợi tha mới viên mãn. Vì thế, cần phải bào mòn tham - sân - si. Nói chính xáccần phải nhận ra thực tánh của tham - sân - si.

Cho nên, học hạnh Bồ-tát mà không học để hiểu những gì Như Lai đã nói, là một thiếu sót rất lớn của kẻ tu đạo. Học mà không hành thì có khi trên sự, mình lại đi ngược với những gì Như Lai đã nói cũng nên.

Có người nói với tôi, tham dục hay sân hận là chủ động ở mỗi người. Chỉ cần ngay lúc đó không tham hay sân thì mọi thứ khác đi, việc gì mà phải học. Dù học cho nhiều mà ngay lúc đó không chịu làm chủ hành vi của mình thì cũng như không. Nói rất đúng nhưng chưa phải là tất cả. Vì nếu không học thì không thể biết tham sân là xấu để mà từ bỏ. Không học thì không biết tai hại của tham sân. Và nếu không học thì chúng ta không thể biết thân tâm mình bị chi phối bởi một thứ mà chúng ta chưa ý thức hết về nó, đó là nghiệp hay tập.

Chúng ta không phải chỉ sống ở một kiếp này. Đã từ vô lượng kiếp về trước. Tham và sân được huân tậptích tụ rất nhiều trong tạng thức. Chính vì sự tích tụ đó mà đụng duyên, mình không thể làm chủ hành vi của mình. Vì tham sân một khi tích tụ nhiều thì nó sẽ tạo ra một lực, khiến khi đủ duyên, mình không còn làm chủ được bản thân. Không còn nhớ hay nghĩ gì đến thiện pháp khi duyên đã đầy đủ trước mắt. Chính vì tham sân có lực mà mọi suy nghĩ của mình trở thành lệch lạc (sao cho phù hợp với những hành vi mà mình đã làm). Suy nghĩ đã lệch lạc thì tham sân càng tăng thạnh. Huân vào tạng thức càng nhiều thì tham sân càng có lực hơn vào những kiếp sau, tà kiến càng tăng thạnh.

Giờ học pháp của Như Lai, chính là để biết vì sao không nên tham hay sân. Là lúc chúng ta bắt đầu ý thức về thiện nghiệp, lấy ý thiện làm chủ lực trong mọi hành động của mình. Nó góp phần khá lớn trong việc giúp chúng ta làm chủ bản thân

Giáo pháp của Như Lai nói đến nhân quả thế gianxuất thế gian. Như dạy, sung túc là quả của bố thí cúng dường, là cái quả của những gì mà bạn cho đi, không phải là cái quả của những gì bạn tham lam của người khác. Sát sinh sẽ mang đến tai ương, hoạn nạngiảm thọ v.v… không phải là nhân của mạnh khỏe để sát hại sinh mạng bồi bổ cho thân mình. 

Khi bạn có thể ghi nhận những tư tưởng đó trong đầu, thì dù muốn dù không, nó cũng chi phối hành động của bạn ít nhiều. Thường thì chúng ta không thể làm chủ liền mọi hành vi của mình dù đã được học những gì mà Như Lai đã nói, nhưng rồi mọi thứ cũng xong khi chúng taniềm tin đối với Tam bảo.

Nếu nhân quả được mang ra dạy cho con trẻ, ngay từ khi chúng ý thức được ít nhiều về một sự trao đổi hai chiều, thì đó chính là chìa khóa giúp dừng bớt tham sân trong chúng, các bất thiện nghiệp cũng sẽ giảm trong tương lai. 

Đó là lý do chúng ta phải học để hiểu về những gì Như Lai đã nói, phải thực hiện cho được về những gì mình đã học. Trong việc học pháp và hành pháp Như Lai đã nói, có một phần chúng ta không thể bỏ qua, đó là lời nguyện. Lời nguyện giúp chúng ta dễ dàng thực hiện hơn những gì mình đã được học. “Nguyện cho chúng con ngày càng tin sâu vào giáo pháp của Như Lai. Nguyện cho chúng con được cơ hội thực nghiệm giáo pháp của Như Lai trong đời sống thường nhật của mình, để hiểu hơn về những gì mà Như Lai đã nói với niềm tin sâu sắc nhất”. Hãy nguyện như thế khi tiếp cận giáo pháp của Như Lai.

Khi đã biết nhân quả chi phối thế gian này thế nào, tham sân cũng nhạt mỏng rồi, thì nhất định chúng ta không còn bị vật chất thế gian làm mờ mắt đến nỗi biến các thiện nghiệp thành cái nhân của ác nghiệp, cũng như lợi dụng thiện nghiệp để vơ vét tài sản cho riêng mình.

Làm lợi ích cho chúng sinh

Tự lợi rồi, không thể thiếu phần lợi tha. Vì không có lợi tha thì tự lợi không thể viên mãn. Nó là nhân duyên giúp một người phát tâm tu đại đạo thành tựu quả vị Phật của mình.

Nếu chỉ tập trung tự lợi mà không có lợi tha thì không thể tiêu trừ ngã chấp. Lợi tha, biểu hiện cho mức độ phá ngã mà hành giả vừa đạt được. Đỉnh cao của nó là “chịu khổ thế cho chúng sinh” lấy đó làm pháp cúng dường mười phương chư Phật. Nếu đã có thể chịu khổ thế cho chúng sinh thì khả năng nhiếp thọ đối với chúng sinh đó là rất lớn. Đây là quy luật tự nhiênthế gian này. Mọi thứ đều không ra ngoài nhân quả. Nếu có thể thí xả thân mạng vì lợi ích của một ai đó, chúng ta sẽ nhận lại được những phần tương tợ nhờ nguyện lực đã phát.

Ngoài ra, khi tự lợi được hoàn chỉnh ở mức độ nào đó, lợi tha trở thành việc tự nhiên của một vị Bồ-tát. Đó là việc không thể thiếu trong quá trình tu hành của chư vị. Nó tự nhiên như việc ăn cơm uống nước hàng ngày.     

Chịu khổ thế cho chúng sinh…

Suốt một thời gian dài, tôi đã rất cực vì cậu con trai của mình. Vì sinh con ra nhưng phần giáo dục con trẻ tôi đã không thể tự mình hoàn tất. Nhân cách và thành công của nó đa phần là do thiện nghiệp quá khứ cộng với tự lực của bản thân trong hiện tại. Phải nói không gần gũi được con là một thất bại rất lớn đối với các bậc cha mẹ. Việc giáo dục Phật pháp cho con trẻ càng trở nên khó khăn khi chúng đã lớn, khi giới luật (dù chỉ là giới luật của người tại gia) đi ngược với những ham muốn đang thịnh hành của giới trẻ.

Con trai tôi đã tự lực phấn đấu và tự nó thành công với sự nghiệp của nó. Vì thế, lời nói của bố mẹ trở thành không giá trị đối với những gì mang tính tham dục của nó. Rượu bia là món nó không thể thiếu trong các cuộc vui. Khi tôi nhắc đến vấn đề bia rượu, nó chỉ nói đơn giản rằng, nó không có ý định tu như tôi để phải hạn chế đi những thứ đó. Khi tôi bảo đó là việc mang lại lợi ích cho con trong hiện tạimai sau, không phải chỉ tu hành mới nói đến việc giữ gìn. Tôi nhận được câu trả lời: “Không có bia rượu thì chỉ còn nước vào rừng ở với khỉ. Khỉ thì không biết uống bia rượu và chỉ ăn toàn trái cây”.

Bia rượu, vênh váo, vung vãi, xáo tung mọi thứ v.v… trở thành tính cách của thằng bé. Tôi không thể dùng lời nói để dạy con. Chỉ còn cách thí thân làm mọi việc cho nó rồi dùng phước ấy mà hồi hướng, mong một sự chuyển tâm trong tương lai. Đương nhiên, không chỉ nương vào phần phước đức đó mà còn phải nương vào công đức tu hành, công đức lợi tha, công đức hồi hướng và nhất là công đức phát tâm Bồ-đề mà tôi đã phát khi quyết định chọn cho mình con đường này. Cộng tất cả những thứ đó lại mà hồi hướng, mong thằng bé chuyển tâm.

Công việc của thằng bé đang trên đà tiến triển bỗng gặp trục trặc và thất bại kéo dài sau đó. Lên voi thì đắc chí, nhưng xuống chó dài lâu thì nhụt chí cũng hiện ra. Người ta không thể không cầu cứu đến Phật Tổ khi mà sự mất mát và đình trệ kéo dài quá lâu. Không tiền thì cũng không thể nhậu nhẹt. Bia rượu uống vào sinh bệnh thì cũng có lúc phải ngừng. Kêu Phật hoài không tới thì phải cầu đến mẹ. Bởi mẹ là người âm thầm chính thức gieo duyên với con trai.

Thằng bé thay đổi…

Không ai ngờ nó chuyển tâm một cách mau lẹ như vậy. Không phải chỉ nói không với bia rượu, nó còn phát tâm ăn chay trường, tham gia đạo tràng và thay đổi hoàn toàn phong cách xử thế của mình. Ngạo mạn, thách thức nhường chỗ cho thí xả và lắng nghe. Một con người hoàn toàn khác trước. Tâm chuyển thì cảnh ngoài cũng chuyển. Mọi đình trệ chấm dứt.

Không phải chỉ một chuyện của con trai, nhiều chuyện khác tôi cũng cứ cách ấy mà xử lý. Chuyển người không được thì chuyển mình rồi dùng công đức ấy hồi hướng cho người. 

Những việc làm đó, cũng có thể được coi là một dạng rất nhẹ của cái gọi là “chịu khổ thế cho chúng sinh”. Tôi từng chứng kiến những tai nạn, những đau đớn mà một vị Bồ-tát phải chịu, để người thân của mình thay đổi. Không có những đau đớn khổ nhọc đó, không đủ lực để làm thay đổi một con người. Luận Đại thừa khởi tín nói: “Trong đó hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyến thuộc, hoặc làm cha mẹ, hoặc làm tôi tớ, hoặc làm oan gia, hoặc khởi Tứ nhiếp… cho đến tất cả việc làm với vô lượng duyên hạnh. Bởi do lực huân tập đại bi phát khởi, nên hay khiến chúng sinh tăng trưởng thiện căn, nếu thấy nếu nghe đều được lợi ích”. 

Hiện oan gia v.v…. là nhân của khổ nạnba đường dữ. Nhân như thế, duyên như thế thì quả như thế. Không ai không bị quy luật nhân quả chi phối khi bước chân vào thế giới chúng sinh dù đó là Phật. Chỉ là vì pháp đó mới có thể khiến người chuyển ác nghiệp thành thiện nghiệp, nên Bồ-tát phải dùng pháp đó và sẵn sàng chịu cái quả của ba đường dữ. Trong Tứ nhiếp pháp, Lợi hành và Đồng sự đối với hàng hạ căn chuyên gây tạo ác nghiệp, cũng khó tránh khỏi cái quả tương tự. Nhưng vì lợi ích chúng sinh nên Bồ-tát vẫn có thể “chịu khổ thế cho chúng sinh” lấy đó làm pháp cúng dường.

La-hán bỏ cảnh giới an vui của mình phát đại nguyện vào lại thế gian độ sinh, ba mươi hai ứng hóa thân của Quán Thế Âm, cảnh giới “lưu hoặc độ sinh” của hàng đại Bồ-tát, bỏ sự an vui riêng mình mà gánh vác đại chúng v.v… đều là những dạng của cái gọi là “chịu khổ thế cho chúng sinh” lấy đó làm pháp cúng dường, mà đỉnh cao là hình tượng Đức Phật, do thấy một kẻ vì tội bất hiếu mà đội vòng lửa đỏ, đã phát nguyện chịu thay thế khổ nạn đó để không còn những kẻ bất hiếu trên đời2.

nghịch lý không?

Nhân quả không sai lệch. Nghiệp của chúng sinh một khi đã đủ duyên, ngay cả Phật cũng không thể cứu, vậy có nghịch lý không khi đặt ra vấn đề “chịu khổ thế cho chúng sinh” lấy đó làm pháp cúng dường?

Nhân quả không sai lệnh. Nhân người nào gieo, người đó gặt v.v… nhưng vì quá trình từ nhân đến quả còn bị chi phối bởi duyên. Quả có thể thay đổi nhờ duyên. Nên Bồ-tát có thể nương duyên ấy, dùng nguyện lực mà chịu khổ thế cho chúng sinh, khiến chúng sinh chuyển dần các bất thiện nghiệp của mình. Việc này đòi hỏi chúng sinh phải từng có duyên với Bồ-tát. Không cần phải nhiều, chỉ cần một lần gieo duyên là Bồ-tát đã có thể dùng duyên ấy, nương nguyện lực mà “đồng sự” hay “lợi hành” để làm lợi ích cho mình. Trong kinh Địa Tạng Vương Bồ-tát bổn nguyện, Đức Phật nói với Bồ-tát Địa Tạng rằng: “Trong đời sau, như có hàng trời người trồng chút ít căn lành trong Phật pháp chừng bằng sợi lông, mảy trần, hột cát… thời ông nên dùng đạo lực của ông ủng hộ người đó, khiến cho người đó tu tập lần lần đạo hạnh Vô thượng, chớ để họ thối thất” thì biết nguyện lực độ sinh của chư vị rất là lớn.  

Lợi tha muốn càng lớn càng rộng, đòi hỏi “tự lợi” phải có năng lực khá mạnh. Năng lực nói đây bao gồm các việc như phát tâm Bồ-đề, thiết tha với các đại nguyện mà mình đã thọ, tu tập căn lành không mệt mỏi  v.v...

Tu tập các căn lành      

Căn lành nói đây bao gồm cả trí và bi, cả tự lợilợi tha, cả tu huệ lẫn tu phước.

Thiện và bất thiện không có tướng cố định, chỉ tùy duyên mà hiển tướng. Vì thế nếu không đủ trí, thì có khi bất thiện mà tưởng là thiện, thiện lại tưởng là bất thiện. Việc lợi tha trở thành hạn chế.

Chúng sinh tâm địa cang cường, nuôi lớn ngã tướng từ vô lượng kiếp, tham sân tích kết trong tạng thức sâu dày… không phải nói lời chánh là đã chịu nghe. Không phải nghe lời chánh rồi, chịu từ bỏ ác nghiệp rồi, là có thể bỏ liền được. Nếu không đủ trí tuệ để hiểu, không đủ nhẫn lực để kiên trì thì việc lợi tha khó mà hoàn mãn.

Trí tuệ không đủ thì bi nguyện không lớn. Căn lành dù có cũng chỉ hạn cuộc trong mức độ nho nhỏ. Làm sao có đủ lực công đức để hồi hướngthành tựu được sở nguyện cho mình và người?

Cho nên căn lành muốn đủ, thì tự lợilợi tha đều phải đầy đủ. Giới, định, tuệ phải có. Thiện nghiệp dù là việc rất nhỏ, có khả năng làm được đều phải làm. Vì không giới thì thân mình còn khó bảo toàn, nói là lợi ích cho tha nhân. Không định, không tuệ thì không có tình thương đối với tha nhân, cũng không biết thông cảmkiên trì với các ác pháp của tha nhân. Các pháp như bố thí, phóng sinh v.v… tạo ra phương tiện giúp việc lợi tha được hoàn mãn hơn. Bởi dụng pháp muốn có tác dụng thì pháp được dùng phải ứng đúng với căn dục của chúng sinh. Người đang đói không thể cho pháp mà phải giúp họ được no ấm rồi, mới có thể nghe pháp. Muốn cho thì phải có mới cho được. Đó là lý do tu tuệ phải kèm tu phước. Việc lợi ích tha nhân mới được rộng rãi. Tu phước, cũng là một cách gieo duyên với chúng sinh để họ có duyên nghe pháp sau này.         

Phát tâm Bồ-đề

Trong các công đức cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Trong các pháp cúng dường, phát tâm Bồ-đề là pháp cúng dường hơn hết. Tổ Hiền Thủ nói: “Có thể một niệm phát tâm Bồ-đề, đó là pháp cúng dường tối thượng”3. Nói hơn hết, nói tối thượng là để biết công đức của các việc đó không có công đức nào có thể sánh kịp. Phát tâm Bồ-đề ngoài việc giúp hành giả không lạc vào tà ma ngoại đạo, nó còn là phương tiện để việc lợi tha dễ dàng được viên mãn. Hành Bồ-tát hạnh, nếu không đủ công đức hồi hướng cho chúng sinh thì việc lợi tha khó thành tựu. Lợi tha không thành tựu thì tự lợi cũng không thành tựu.

Cùng một hình thức lợi ích như nhau, nhưng kết quả được hay không được, mau hay chậm không giống nhau, là do việc hồi hướng lệ thuộc vào công đức dùng hồi hướng. Đó là công đức phát Bồ-đề tâm, công đức tu hành, công đức hành thiện nghiệp, công đức hồi hướng không giống nhau. Thiện nghiệp của người đã phát Bồ-đề tâm không giống với thiện nghiệp của người chưa phát Bồ-đề tâm. Thiện nghiệp của người phát Bồ-đề tâm không giống với thiện nghiệp của người phát Bồ-đề tâm mà đã thấu được tánh của mình v.v... Vì thế, phát Bồ-đề tâm là việc tối cần thiết của người học đạohành đạo Bồ-tát. 

Công đức hồi hướng

Công đức hồi hướngcông đức có được sau khi chúng ta dùng thiện nghiệp hồi hướng cho tất cả. Do tấm lòng rộng mở đó mà thiện nghiệp thực hiện dù nhỏ cũng trở thành gấp bội. Vì thế kinh Hoa nghiêm dạy chư vị Bồ-tát mang công đức thiện nghiệp đã có hồi hướng cho chư Phật, chư vị Bồ-tát v.v… Vì nhờ đó, công đức thiện nghiệp càng tăng gấp bội. Nương công đức tăng gấp bội đó làm lợi ích chúng sinh thì dễ thành tựu hơn.

Một việc tôi thường gặp trong thực tế là khá nhiều người, tu hành thấy cũng nhiệt tình, nhưng con cái cha mẹ v.v… nói chung là người thân gặp nhiều bất trắc. Việc đó không phải chỉ gây cản trở cho việc tu hành của đương sự mà còn khiến cho tinh thần của đương sự xuống dốc, mất tin tưởng đối với việc tu hành của mình (thối Bồ-đề tâm). 

Tu không đúng, cảnh không thể chuyển là việc đương nhiên. Nhưng nhiều người tu thấy không sai nhưng bất trắc vẫn đầy dẫy, hỏi ra thì vấn đề hồi hướng cho người thân có thiếu sót. Chỉ vì cho rằng làm vậy sẽ ích kỷ nên không dám hồi hướng, chỉ hồi hướng chung chung cho chúng sinh. Đó là một suy nghĩ thiếu thực tế

Muốn không ích kỷ thì trước hãy hồi hướng cho tất cả chúng sinh, sau hồi hướng thẳng cho đương sự nào cần hồi hướng. Chúng ta tu hành cần thực tế một chút. Chuyện nhỏ trước mắt nếu không giải quyết được, sao có thể giải quyết chuyện lớn hơn? Vì thế, chỗ nào cần hồi hướng, bất kể là người thân hay không thân,  đều có thể phát tâm hồi hướng. Hồi hướng sao để Sở hồi hướng phát tâm hướng về Tam bảo, biết hành thiện nghiệp và cuối cùngthành tựu Bồ-đề vô thượng. Hồi hướng vậy thì không rơi vào ích kỷ.

Có người phóng sinh xong, nghĩ tưởng đến ân sư, nên tha thiết hồi hướng cho ân sư được mạnh khỏe. Liền bị người khác nạt: “Có một chút phóng sinh thôi cũng bày đặt hồi hướng cho ân sư”. Nói vậy, vì chúng ta không hiểu về công đức hồi hướng. Thiện nghiệp dù nhỏ, có lòng hồi hướng thì công đức cũng thành lớn. Quan trọng là tha thiết. Trong kinh cũng dạy hồi hướng cho chư Phật, chư Bồ-tát, lý gì không thể hồi hướng cho ân sư, lấy đó làm pháp cúng dường mười phương chư Phật? Mọi phước đức đều có thể hồi hướng, hồi hướng cho bất cứ ai và nó sẽ trở thành công đức nếu được có tâm Bồ-đề làm nền tảng.

Kết luận

Pháp giới này khó nghĩ bàn, Duyên khởi vận hành chi phối thế gian này khó nghĩ bàn, công hạnh của Bồ-tát khó nghĩ bàn… nhưng dù là gì thì “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Thế giới bên ngoài chỉ là phán ánh của tự tâm. Vì thế cái quyết định hạnh phúc của mỗi người vẫn là thiện nghiệp của chính người ấy.

Do lầm tưởng thế giới này là thực có nên thấy có ta và những thứ của ta, thấy ta và người khác nhau. Cũng do chấp ngã mà thấy ta và người là những thực thể trong thế giới này. Song thế giới này là ảnh tượng do tâm thức của “ta” tạo ra, nên không thể tách rời khỏi “ta” được. Mọi tạo tác, mọi tác động của “ta” vào thế giới đều phản hồi trở lại vào chính “ta” một kết quả nào đó. Giống như ngôi nhà của mình, nếu thường được tu bổ chăm sóc, làm những việc tốt đẹp cho nó thì chúng ta sẽ có được một ngôi nhà đẹp mà mình là kẻ thừa hưởng những tiện nghi do nó mang lại (làm lành gặp lành). 

Nếu xem thế giới chung quanh là đối kháng, và chỉ lo cấu xé gom góp về mình, thì vô tình chúng ta đang phá hoại thế giới của ta và tất yếu sẽ gặp các cảnh giới dữ (làm ác gặp ác). Chính vì thế mà kinh luận khuyên chúng ta bỏ ác làm lành (vì tâm lý chúng ta ai cũng thích sống trong những cảnh giới tốt đẹp). Và cuộc sống của chúng ta chỉ được hạnh phúc thực sự, khi chúng ta biết phát tâm Bồ-đề, học hạnh Bồ-tát, tiêu trừ dần ngã chấp của mình, tâm vị tha rộng mở không còn bờ mé. 

 Chân Hiền Tâm

__________________________

(1) Kinh Trường bộ, phẩm Chuyển luân thánh vương sư tử hống.

(2) Một câu chuyện được nghe kể trong các buổi giảng tại thiền viện Thường Chiếu

(3) Hoa nghiêm kinh thám huyền ký, quyển 7.

 



 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 189049)
01/04/2012(Xem: 34548)
08/11/2018(Xem: 13440)
08/02/2015(Xem: 51658)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.