Phật Đản – Vesak, Đản Sanh Và Đức Phật Xuất Hiện

25/05/201511:02 SA(Xem: 8703)
Phật Đản – Vesak, Đản Sanh Và Đức Phật Xuất Hiện

blank
PHẬT ĐẢN – VESAK, ĐẢN SANH VÀ ĐỨC PHẬT XUẤT HIỆN
 

Minh Kiến – Dhammaghosa

 

blankNhân dịp lễ lớn trong “Rằm tháng Tư” sắp tới, xin chia sẻ một số vấn đề đến nhóm các Phật tử nương Nhờ Ơn Phật ([1]) và các bạn hữu gần xa. Không phải chỉ trong một số chúng ta mà hầu hết những người ngoài truyền thống Bắc Tông  khắp nơi đều tỏ ra dị ứng với cái từ “ Phật Đản” khi gọi tên dịp lễ này.

Để điều trị chứng dị ứng này, nhiều tông phái, tập thể, cá nhân đã tìm tên thuốc khác dùng thay cho từ Phật Đản như Lễ Tam Hợp, Tam Hiệp, Visākha, Vesak, Rằm tháng Tư… Chuyện gì xẩy ra với “Phật Đản” và sự ra đời của các tên gọi trên? Ai đúng ai sai? Ai biết và ai làm? 

  1. A.   CHUYỆN XUNG QUANH CÁI TỪ “PHẬT ĐẢN”

1. Phật Đản là một từ Hán Việt ([2]), hiểu nôm na là ngày chào đời, ngày sinh nhật của đức Phật. Như vậy, Lễ Phật Đảnlễ kỷ niệm tưởng nhớ ngày sinh của Phật.

Sẽ có vấn đề gì không, nếu một nước nào đó, một nhóm văn hóa nào đó, hay một ai đó nhớ tới ngày sinh của đức Phật, rồi tổ chức kỷ niệm ngày sinh của ngài, rồi gọi tên lễ kỷ niệm đó là “Phật Đản”. Tương tự, nếu mình nhớ đến ngày đức Phật nhập Niết Bàn, tức ngày chết của ngài, rồi tổ chức kỷ niệm, mình cũng có thể gọi tên lễ kỷ niệm ngày mất ấy bằng một từ, giả dụ kiểu khôi hài như từ “Phật chết” mà âm Hán Việt có thể đọc là “Phật tử”. Vậy có phải là vấn đề không?

Sẽ không vấn đề gì cả khi ông Tổng thống A ghi hiện trong lý lịch của mình rằng “Tổng thống sinh ngày kia tháng nọ; Tổng thống đậu bằng cử nhân năm 15 tuổi; hay Tổng thống mất ngày nọ tháng kia…”

Sẽ không có vấn đề gì cả khi viết kỷ yếu của Đức Tăng thống Hộ Tông, Đức Tăng thống Hộ Nhẫn sinh ngày tháng năm đó; viên tịch năm tháng ngày kia; hoặc ghi Ngài chào đời… có nhất thiết là phải ghi bằng tên thường gọi của ngài, chẳng hạng như cu Tèo sinh ngày, bé Tí vào học chăn trâu, rồi sau đó mới được phép đổi thành Đức Tăng thống viên tịch?

Nhưng sẽ có vấn đề nếu bạn đứng trước một ai đó và hỏi ngày sinh của họ mà dùng từ không hợp lý. Ví dụ đứng trước Đại tướng B có tên thường gọi là Cún, rồi bạn thẳng thừng hỏi “Ê, thằng Cún, mày sinh ngày nào?” Mặc dù lúc ổng sinh chưa có cái đẳng cấp đại tướng tiểu tướng gì cả nhưng câu hỏi “Đại tướng sinh ngày mấy?” thì bạn vẫn hiểu là đang hỏi thằng Cún và sẽ có ngay ngày sinh nhật một các êm thắm.

Theo kinh điển nguyên thủy, cuộc đời cũng được hiểu như những ví dụ trên; vẫn được chia làm nhiều đoạn như lý lịch, gọi chung là lịch sử đức Phật, lấy đức Phật là chuẩn. Từng gia đoạn trong cuộc đời ngài được phân ra cụ thể như sau: 1) Purimakāla: Những chuyện của Ngài từ trước lúc Đản sanh cho đến lúc Thành Đạo. 2) Pathamabodhikāla: Những sự việc diễn ra sau khi mới Thành Đạo. 3) Majjhimabodhikāla: Những năm hoằng dương chánh Pháp của ngài. 4) Pacchimabodhikāla: Là giai đoạn trước lúc nhập Diệt Niết Bàn 3 tháng. 5) Aparakāla: Những vấn đề xẩy ra sau khi ngài Nhập Diệt.

Theo trên thì có sự phân biệt rõ rang rằng, từ lúc ngài Thành Đạo, lịch sử của ngài thêm từ Giác ngộ (Bodhi) vào trong từng giai đoạn. Nghĩa là sử dụng danh xưng Phật. Còn trước đó thì không và thay bởi danh xưng khác như Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhattha), Ẩn sĩ, đạo sĩ, Bồ Tát… Mặc dù có sự phân biệt rõ rệt nhưng khi nói đến giai đoạn nào trong đời ngài thì cũng mang nghĩa là lịch sử của đức Phật. Bởi lẽ, không ai đi chấp nhận là khi Đản sanh và sau khi Thành Đạo ngài là hai nhân vật khác nhau, hai giấy khai sinh khác nhau cả!

Khi đi sâu vào phân tích chữ Đản thì mới thấy rằng nghĩa đầu tiên của nó không phải là sinh ra, chào đời mà là loan truyền, phóng đại, dõng mãnh… tương đương lời đức Bồ Tát tuyên bố cho thế gian biết về mình lúc Đản sinh gọi là Āsabhivācā ([3]). Nghĩa thứ hai sự to lớn, vĩ đại, đại hùng([4]) như chữ Jayanti sẽ nói ở phần sau. Nghĩa thứ ba của nó mới nói đến chuyện sinh nở!

Như vậy, việc dùng từ Phật Đản để chỉ đức Phật chào đời, đức Bồ Tát chào đời, Thái tử Tất Đạt Đa chào đời… trên thực tế văn hóa và lối nói để hiểu là không có vấn đề gì cả. Vấn đề ở chỗ, bạn có hiểu khi dùng từ hay không hiểu khi phát ngôn. Tức, hiểu Phật Đản là đức Bồ Tát Đản sanh hay hay Phật Đản là một đức Phật từ đâu đó sanh ra.

 

2. Phật Đản nghĩa là đức Phật ra đời, đức Phật thị hiện, đức Phật xuất hiện… – Buddho uppanno ([5]). Tiếng Phạn có nhiều từ diễn đạt sự sinh ra, xuất hiện này: uppatti, uppajjati.([6]) Sanskrit cũng tương tự: uṭpatti. Những từ này nghĩa là sinh ra (be born), ra đời, xuất hiện, thị hiện… nhưng thường dùng cho những nhân vật có phước đức, thanh tịnh.([7]) Đây là nghĩa mà tôi muốn giới thiệu đến quí vị. Với ý nghĩa này thì chữ Phật Đản không chỉ mang nghĩa sinh ra, chào đời, sinh nhật, hay lọt lòng nữa… mà nó mang ý nghĩa của sự hình thành, xuất hiện, thị hiện, thành tựu, chứng đạt, giác ngộ của một vị Phật.

Như lời của thương buôn báo tin cho đức vua Mahākappina và hoàng hậu Anojā rằng “Buddho loke uppanno – đức Phật đã xuất hiện trên thế gian rồi” mà ngài đã vô cùng hoan hỷ đến lặng mình, sửng sốt, hỏi đi hỏi lại đến 4 lần, rồi ban tặng tiền vàng đến 600,000 đồng tiền vàng để cảm ơn tin tốt lành. Sau đó, cả vua và hoàng hậu đều xuất gia theo Phật, chứng ngộ Thánh quả cao thượng.([8])

Hoặc trong bài kinh Akkhaṇasutta, ngài cũng dùng từ xuất hiện: “Tathāgato ca loke uppanno – Đấng Như Lai đã xuất hiện trên thế gian rồi”([9]). Và rất nhiều nơi trong kinh điển cũng sử dụng tương tự. Tăng Chi Bộ, phẩm Một người, ngài cũng xác định ý nghĩa sự xuất hiện (uppati) của ngài trên thế gian rất rõ ràng: “Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, vì an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiênloài người. Người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, bậc Chánh Đẳng Giác.”([10])

Như vậy, nếu dùng từ Buddho uppanno để chỉ Phật Đản, Phật xuất hiện, Phật thị hiện…thì có phải là lợi cả đôi đường chăng! Lúc đó, lễ Phật Đản chuyển tải đầy đủ luôn cả hai sự kiện quan trọng trong cuộc đời đức Phật đó là ngày ngài Đản sanh và ngày ngài Thành Đạo hay thành Phật vậy. 

 

B. BÂY GIỜ GỌI LỄ GÌ CHO PHẢI.

Xin nói sơ qua hình thức lễ “Phật Đản” của một số nước Phật giáo láng giềng cho dễ hiểu ([11]):

- Ở Nepal, mảnh đất trung tâm địa cầu, nơi sinh ra ngài. Lễ “Phật Đản” được tổ chức với tên gọi là Buddha Jayantī tức Sinh nhật đức Phật hoặc Chiến thắng của đức Phật. Không chỉ có tín đồ Phật giáo mà các tôn giáo khác cũng tôn thờ và kỷ niệm ngày này nên nó là một ngày nghỉ hành chính của quốc gia. Jayanti cũng là tên lễ kỷ niệm ngày sinh của thần Krishna (hóa thân của thần Vishnu. Như vậy, tiếng Việt “Phật Đản” mang nghĩa chào đời, Đản sinh là giống với Nepal không sai khác.

- Ở Ấn Độ cũng tương tự, cũng dùng từ Buddha Jayanti. Mà Jayantī trong tiếng Hindu và Nepalese là đồng nghĩa là chiến thắng hoặc sinh nhật.

Mặc dù từ Jayanti này nghĩa gốc là sự chiến thắng, thắng lợi, cao thượng ([12]). Chẳng hạn như: Người chiến thắng ma vương phiền não; người chiến thắng vượt lên trên vô minh ái dục; người anh dùng, bậc đại hung tinh tấn để giải thoát khỏi khổ đau… Tiếng Pāli như “Rājo jayati – đức vua chiến thắng”; hoặc mang nghĩa cao thượng, vạn tuế khi lễ vua là “Jayatu Jayatu”([13]). Do đó, Buddha Jayantī phải được hiểu là kỷ niệm ngày đức Phật chiến thắng tức ngày ngài Thành Đạo như những lễ hội kỷ niệm được tổ chức tại Ấn Độ, Tích Lan và Thái Lan từng tổ chức.([14])

Nghĩa thứ hai là sinh ra, ra đời, chào đời, phát sinh, nảy sinh, hay đản sinh…đồng nghĩa với tiếng Pāli nhiều từ như: Jānayanti, Jānetti, Jāyati, Nibbatteti và cả Uppādo, Uppajjanaṁ, Uppatti… như câu Phật ngôn “Piyato jāyate soko – Ưu sầu sinh ra từ yêu thương hay; hay luyến ái sinh ưu sầu”([15]).

- Ở Myanmar, người ta gọi lễ này là Kasone hay Ka-sone-la-pyae theo tên tháng âm lịch diễn ra lễ là Kasone (tháng thứ hai). Khác với Ấn Độ và Nepal là họ mang nước tưới cây Bồ đề. Việc thể hiện kỷ niệm của họ là nhấn mạnh vào ý nghĩa sự Thành Đạo dưới cội cây Bồ đề của đức Phật. Như vậy, Phật Đản kiểu người dân Myanmar là Phật Đản với nghĩa thứ hai như đã đề cập - Buddho uppanno.

- Tại Tích Lan (Sri Lanka) gọi là lễ Vesak. Vesak là tiếng Singhalese, là ngôn ngữ có nguồn gốc ảnh hưởng sâu sắc của Sanskrit, cho nên Vesak hay Vaisak là một. Lễ này, ngoài những nghi thức tôn giáo, trang trí lễ đài, tụng kinh hành thiền, còn có những hoạt động thiết thực khác như phóng sanh, từ thiện, trao tặng quà cho người nghèo neo đơn, trẻ mồ côi… Màu sắc thấy rõ nét trong lễ là cờ, lồng đèn, đốt nến và những đoàn xe, voi rước Xá lợi Phật nhiễu hành ở những nơi công cộng. Phải chăng Phật giáo Sri Lanka nhấn mạnh đến ý nghĩa Phật nhập Niết Bàn và hướng đến sự cúng dường Giác ngộ là cốt lỏi của lễ?

- Ở Indonesia, ngày này là ngày nghỉ lễ của quốc gia kể từ năm 1983, gọi tên lễ là Waisak, Vaisak từ âm Sanskrit. Trong lễ, người ta hứng nước rước đèn (đuốc lửa) đi nhiễu (Pradaksina). Có thể nói, họ chú trọng vào kỷ niệm sự Giác ngộ (tượng trưng bằng lửa, ánh sáng), còn hình thức nhiễu Pradaksina là thể hiện sự cung kính cao thượng.

- Ở Thái Lan, Lào, Campucha, dịp này gọi tên lễ bằng tiếng Pāli là Visākhapūjā, là tên tháng theo lịch Phật giáo Visākhamāsa. Người dân hiểu rằng, đây là dịp kỷ niệm sự kiện quan trọng trong ngày trăng tròn tháng Visākha, gồm Đản sanh, Thành ĐạoNiết Bàn. Thường gọi dip này là tuần lễ Visākhapūjā vì sẽ tổ chức trang trí lễ đài, trưng bày, phát hành văn hóa phẩm, tụng kinh hành thiền và các hoạt động khác suốt cả tuần lễ. Nổi bật nhất là tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc từ trước đến giờ.

Điều đáng lưu ý là các nước nói trên đều kỷ niệm lễ cùng ngày tức Rằm trăng tròn tháng Visākha theo Phật lịch. Một số nhấn mạnh kỷ niệm Đản sanh, một số nhấn mạnh sự kiện Thành Đạo hoặc Niết Bàn.

- Đối với các nước Đông và Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên, Hà Quốc, Đài LoanViệt Nam, trước kia đều lấy ngày 8 tháng 4 âm lịch kỷ niệm ngày “Phật Đản”. Truyền thống này được thực hiện qua nhiều thế kỷ theo các bộ kinh sách Bắc tông từ đời Đông Hán (Trung Quốc). Tuy vậy, riêng bộ Tây Vực Ký đời nhà Đường thì lại nói rằng ngày Đản sanh nhằm ngày trăng tròn 15. Đây là điểm giống với hệ thống Nam tông. Nhưng nhìn chung vẫn chú trọng vào các nghi lễhình thức kỷ niệm ngày đức Bồ Tát chào đời thể hiện rõ qua tượng “Phật con nít”! Do đó, lễ Phật Đản còn được gọi là Quán Phật Hội (hội tắm Phật); Giáng Đản Hội (hội giáng sinh)… thể hiện qua việc tắm tượng Đản sinh Phật hay Đản sinh tượng, Đản Phật tượng([16]).

- Ở Việt Nam từ năm 1958, ngày Phật Đản được công nhận là ngày nghỉ lễ quốc gia của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, ngày này không còn là ngày nghỉ lễ nữa! Lễ này ở nước ta như đã thấy, thường có thiết trí lễ đài, trang trí xe hoa rước Phật và dĩ nhiên hình ảnh nổi trội nhất trong lễ là lễ đài Đản sanh của đức Bồ Tát Tất Đạt Đa hay vườn Lâm Tỳ Ni. Ngày giờ vẫn âm lịch 8 tháng 4 và tên gọi vẫn “Phật Đản”.

Từ năm 1950, Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức tại Sri Lanka, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật Đản Quốc Tế là Rằm tháng Vishakha và gọi tên lễ này là lễ Vesak theo tiếng Singhalese. Từ năm 1999, lễ này chính thức trở thành lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc. Gọi tắt là Vesak Liên Hợp Quốc.

 

Tóm lại thì gọi dịp này là lễ gì cho phải? Theo tôi thì gọi gì mà chẳng được. Gọi gì cũng đúng, nhấn mạnh ý nghĩa gì cũng đúng cả. Quan trọng là như đã nói, bạn “hiểu khi dùng từ hay không hiểu khi phát ngôn”:

-         Nếu dùng từ Pali là Visākha thì có thể Nam-Bắc tông không chịu nhau.

-         Nếu theo qui ước Quốc tế thì mình nhập khẩu từ Vesak về dùng thay Phật Đản là xong.

-         Nếu dùng từ Tam Hợp hoặc Tam Hiệp thì rất Việt nhưng không giống gì cả hình thức lẫn ý nghĩa với tên lễ của các nước bạn cả. Vì tên này ám chỉ nội dung sự kiện lễ (3 sự kiện trùng hợp, 3 sự kiện hợp lại). Còn các nước bạn ám chỉ thời gian diễn ra lễ là tháng Visākha: Vesak, Vaisak, Visākhapūjā, Visākhapūramī…

-         Nếu dùng từ Rằm tháng Tư thì nghe rất chung và chuyển tải nội dung trăng tròn của tháng Tư nhưng đừng quên rằng tháng Tư là theo âm lịch của Việt Nam hay lịch Tàu. Trong khi đó, tháng Visākhamāsa rơi vào tháng thứ 2 của Myanmar; tháng 6 của lịch Thái Lan, Lào, Campucha; và rơi vào tháng 5 Dương lịch.

-         Nếu chấp nhận nội dung và tên gọi lễ Buddha Jayantī của Ấn Độ và Nepal thì cũng đồng nghĩa rằng, từ Phật Đản của Việt Nam cũng dùng được. Vì Buddha Jayantī là kỷ niệm “ngày sinh của Phật”. Và nếu nói không nên dùng từ Phật Đản thì từ Buddha Jayanti kia cũng phải tiến hành thay đổi! Hoặc ghi nhận Jayanti với nghĩa chiến thắng của đức Phật tức Buddha Jayanti kỷ niệm ngày Thành Đạo của ngài, thì từ Phật Đản của mình không đúng nghĩa, không đúng sự kiện, mặc dù hao sự kiện này cùng ngày.

-         Còn nếu đổi từ Phật Đản thành Bồ Tát Đản sanh cho đúng với ý nghĩa thứ nhất và mong muốn của các học giả thì có lẽ chỉ hợp với lối “hiểu” chứ không thuận lắm cho một cái tên lễ dài 4 từ. Đó là chưa nói đến sự bao hàm đủ nghĩa của lễ. Vì ngày Rằm tháng Visākha đâu chỉ kỷ niệm mỗi sự kiện Bồ Tát Đản sanh! Còn sự kiện Thành ĐạoNiết Bàn, phải thêm một số từ vào nữa chứ. Ba sự kiện này xẩy ra cùng ngày, cùng tháng, chỉ khác khác năm([17]). Cho nên việc đổi từ Phật Đản thành một từ khác chỉ đáp ứng được mục đích dùng cho đúng từ ngữ chứ không có tác dụng thay đổi tên một cuộc lễ.

-         Nhưng nếu hiểu Phật Đản thêm nghĩa thứ hai là “Đức Phật xuất hiện” ngoài nghĩa thứ nhất “Bồ Tát Đản sanh” thì nghiễm nhiên rằng, từ Phật Đản trở thành tên có thể chuyển tải đúng nội dung của ngày Rằm tháng Visākha đến 60-70%.([18])

-         Hay có thể dùng kiểu này lễ Phật Đản - Vesak luôn. Khi đó, Phật Đản chuyển tải 2 nghĩa Đản sanh và Thành Đạo; còn Vesak là từ trung gian vừa thông dụng, mang tính quốc tế, vừa có âm dễ đọc giữa Pāli (Visākha) và Sanskrit (Vaisak), vừa là từ chỉ thời gian tháng Visākha, chuyển tải cả 3 sự kiện.

Vấn đề là ai hiểu, ai làm? Có lẽ người đọc sẽ giúp tôi một tay trong chuyện này!

Cuối cùng, điều muốn nhắn gởi mọi người trong bài viết này là hãy giúp nhau “hiểu” trước đã. Vì hiểu có nghĩa là có nghe, có học, có nghiên cứu hay gọi là Pháp học (Pariyatti). Sau đó mới bắt tay làm, làm cho nội dung dịp lễ này có ý nghĩa, có lợi lạc, gọi là Pháp hành (Patipatti). Điển hình như noi gương đức Bồ Tát về hạnh bố thí trì giới; hành theo hạnh từ bitrí tuệ của ngài; cúng dường ngài bằng cả hương hoa vật phẩm, cả thực hành giáo pháp của ngài để hướng đến Chân-Thiện-Mỹ, giải thoát thanh cao. Đó là nguyên nhân nhận được sự an lạc, hạnh phúc ngay hiện tại cũng như vị lai lâu dài, gọi là Pháp thành (Pativeda)

Khi hiểu, làm và có lợi lạc theo tiến trình thì lúc đó tên gọi cuộc lễ chỉ là từ ngữ chế định; ngày đúng sai chênh lệch cũng chỉ là qui ước; sự lợi lạc phát sinh cho mọi loài, sự vắng lặng an tĩnh trong nội tâm mỗi chúng ta hiện hữu thì lúc đó mới thật sự đúng nghĩa của lễ Phật Đản, Vesak, Visākhapūjā, Buddha Jayantī hay Tam Hợp, Rằm tháng Tư…

Phật Đản – Vesak, Đản sanh hay đức Phật xuất hiện là vậy.

 

Bangkok, 22/5/2559

Minh Kiến - Dhammaghosa



[1] Các Phật tử đại diện Quỹ từ thiện Nhờ Ơn Phật: www.facebook.com/nhoonphat

[2] Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh;

[3] Mahāpadānasutta, Mahāvagga, Dīghanikāya.

[4] Hình-âm-nghĩa đại từ điển, Cao Phụ Thiên, trang 1665; Thuyết văn giải tự chú, Mao Hanh và Mao Trành. trang 99.

[5] Uppanno này là động từ có Paccaya là ‘ta’ đi với ngôi thứ nhất ‘Buddho’ nên dịch là đức Phật xuất hiện rồi, thị hiện rồi, có mặt trên đời rồi.

[6] Rajabandityasathan Dictionary, Pl.2542

[7] NECTEC’s Lexitron Dictionary.

[8] Chuyện ngài Mahākappina, Paṇḍitavagga, Dhammapāda, Khuddaka nikaya, Aṭṭhakathā.

[9] Akkhaṇasutta, Gahapativagga, Aṭṭhakanipāta, Aṅguttara nikaya.

[10] Phần Như Lai, phẩm Một người, Tăng Chi Bộ Kinh I.

[11] Xem thêm: http://www.vi.wikipedia.org/wiki/Lễ_Phật_Đản

[12] Buddhajayantī 2600 years of Buddha’s Enlightenment, Phra Thepvisuddhikavi (Kasem), Thailand.

[13] Phân tíc từ: Jayatu: Ji + a = Jaya; thêm vibhatti chỉ chủ ngữ Ajna-tu: Jaya + tu = Jayatu.

[14] Ministry of Buddhasasana and Religious Affairs, 2012, Sri Sambuddhatva Jayanthi Secretariat.

[15] Pháp cú kinh 213 (Dhammapāda)

[16] Phật Quang Đại Từ Điển, trang 5918.

[17] Trùng ngày Rằm tháng Visakha, khác năm: Đản sanh năm 624, Thành Đạo năm 589 và Niết Bàn năm 543 TCN.

[18] Giả sử bình quân nội dung 3 sự kiện của lễ là Đản sinh 30%, Thành Đạo 30%, Niết Bàn 30% thì tổng thể lễ là 90%.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/05/2017(Xem: 14275)
28/04/2017(Xem: 9808)
10/06/2016(Xem: 11811)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :