Bài kinh Tuấn Mã và Thiền Tông

28/08/20164:43 CH(Xem: 18512)
Bài kinh Tuấn Mã và Thiền Tông

BÀI KINH TUẤN MÃ VÀ THIỀN TÔNG
Nguyên Giác

 

ngua an co
Ảnh minh họa: "Này Sandha, hãy tu Thiền
với sự
Thiền định của con ngựa thuần thục,
chớ có với Thiền định của con ngựa
chưa thuần thục."

Bài viết này sẽ phân tích, trích dịchđối chiếu Kinh Thiền Tập Tuấn Mã trong Kinh Tăng Chi Bộ, cũng như sẽ nói sơ lược về yếu chỉ truyền pháp của Thiền Tông. Tất cả những dòng chữ  được viết nơi đây hoàn toàn không có tính thẩm quyền, chỉ là thêm một nỗ lực khiêm tốn từ một người hậu học kém cỏi muốn làm sáng tỏ lời Đức Phật dạy.

Cơ duyên lớn nhất trong cõi này là được mang thân người, học Kinh Phật, tu thiện hạnh, tập thiền pháp… Không gì đẹp hơn là được ngấm mình trong Phật pháp, nơi từng dòng từng chữ đều mang sức mạnh chuyển hóa, đều mang vị giải thoát từ chặng đầu cho tới chặng cuối.

Khi chúng ta đọc lại Kinh Phật, sẽ thấy Ngài dạy nhiều pháp khác nhau, cũng chỉ là  đưa ra nhiều cửa vào, cũng là tùy bệnh cho thuốc. Và khi tu tập thực sự, sẽ thấy pháp môn nào của  Ngài cũng đẹp tuyệt vời. Tập một ngày là hạnh phúc một ngày, tập một giờ là hạnh phúc một giờ, tập một phút là hạnh phúc một phút. Giải thoát là ngay ở đây và ngay bây giờ. Nhưng giải thoát cũng là thấy tức khắc rằng ngay cái ở đây và bây giờ cũng không có chỗ hiện ra trong tâm của người tỉnh thức.

oOo

Hãy mở ra những trang kinh cực kỳ thơ mộng, nơi đó chúng ta có thể cảm nhận hạnh phúc khi thực tập từng chữ một. Thí dụ Kinh MN 62 - Maha-Rahulovada Sutta, và cả những Kinh khác nữa, khi Ngài Rahula, người con trai của Đức Phật, và chư cổ đức bước theo Đức Phật trên đường giải thoát. Đó là những dòng Kinh đẹp như thơ, và cũng là những lời dạy thực tiễn làm chấn động tận gan ruột người đọc.

Trong kinh Ngài Rahula được dạy rằng hãy thiền tập như đất, để tất cả những ưa và ghét không dính gì trong tâm... vì đất đón nhận tất cả những gì quăng vào mà không phiền muộn; rằng hãy thiền tập như nước, để tất cả những ưa và ghét không dính gì trong tâm... bất kể dân làng đi tới dòng nước giặt rửa mọi thứ dơ và sạch; rằng hãy thiền tập như lửa, để tất cả những ưa và ghét không dính gì trong tâm... hệt như lửa sẽ thiêu ra tro mọi thứ quăng vào dù sạch hay dơ; rằng hãy thiền tập như gió... để tất cả những ưa và ghét không dính gì trong tâm... hệt như gió sẽ thổi bay đi mọi thứ sạch hay dơ; rằng hãy thiền tập như hư không, để tất cả những ưa và ghét không dính gì trong tâm... hệt như hư không không trụ vào bất cứ nơi nào.

Ngài Rahula được dạy thiền tập về tâm từ, về hạnh xả, về quán bất tịnh để rời tâm tham, về quán vô thường để tâm chấp là "có ta" biến mất, về niệm hơi thở, và về vân vân. Kinh đẹp như thơ, và đầy sức mạnh.

Hay là những lời Kinh về thiền pháp Tứ niệm xứ, khi dạy cách niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, niệm về tất cả những gì thấy nghe hay biết… Pháp này được các nhà khoa học, các bác sĩ, các lực sĩ và nhiều giới tinh hoa tại Tây Âu và Hoa Kỳ giữ lấy yếu chỉ Chánh Niệm để dùng như liều thuốc đa năng.

Hay như lời Kinh về Tứ thiền Bát định, nơi đó giữ tâm vào các tầng định.

Hay ngay cả pháp đơn giản, khi Đức Phật dạy Cư Sĩ Mahanama về 6 pháp niệm – rằng hãy Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới, Niệm Thí, Niệm Thiên… và dặn dò là trong khi sống giữa xã hội đời thường, hãy niệm trong khi đi đứng nằm ngồi, trong khi đang làm việc mưu sinh, trong khi đang ngồi nghỉ ở nhà với chung quanh là con cháu.

Cũng tuyệt vời là khi Đức Phật dạy Kinh Kalama, cho phép và mời gọi nghi ngờ, khảo vấn, chất vấn…

oOo

Trong khi đó, cũng tuyệt vời thơ mộng là các dòng kinh bên ngoài Tạng Pali, nhưng chứa đựng cốt tủy của lời Đức Phật dạy – như khi chúng ta đọc Kinh Pháp Bảo Đàn với lời Ngài Huệ Năng dạy rằng bồ đề vốn chẳng phải là cây, gương sáng vốn không đài, xưa nay chưa từng có gì gọi là vật, làm sao mà bụi bám được.

Hay lời dạy cực kỳ thơ mộng trong Lâm Tế Ngữ Lục rằng: “…Đừng để bất cứ nội ngoại vật nào trói buộc, gặp chướng ngại nào cứ đạp bỏ: gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, cho đến gặp gì cũng giết cả. Đó là con đường duy nhất để đi đến giải thoát.”

Và rồi tuyệt vời thơ mộng là khi chúng ta đọc thấy trong Tạng Pali, có một kinh Đức Phật  đã từng khen ngợi rằng cách dạy như Huệ NăngLâm Tế rất mực là giỏi, khi dạy phương pháp những con ngựa giỏi cho nhà Phật. Đó là khi Đức Phật dạy trong Kinh AN 11.10 Sandha Sutta rằng có thiền pháp cho ngựa hoang, và có thiền pháp cho tuấn mã….

Đức Phật nói rằng, thiền tập cho ngựa hoang là niệm về (hay dựa vào niệm về) các đại (đất, nước, gió, lửa), về thân thọ tâm pháp, về những gì thấy nghe hay biết, về các pháp tứ thiền bát định, và về vân vân.

Đức Phật nói rằng thiền tập cho tuấn mã là không niệm về, không dựa  vào bất kỳ niệm nào…

Có phải đó là thiền pháp “đạo nhân vô y” (người học đạo không dựa vào đâu hết) như Lâm Tế đã nói? Đúng như thế.

kinhtangchibo-bia_0Chính Đức Phật đã dạy Ngài Sandha như thế trong Kinh Sandha Sutta - AN 11.10, trong Chương  Mười Một Pháp của Kinh Tăng Chi Bộ. Nơi đây, chúng ta sẽ tham khảo nhiều bản dịch khác nhau. Tất cả các bản dịch (3 bản Anh dịch, 1 bản Việt dịch) thực ra đều có vẻ đẹp ngữ pháp tuyệt vời, đều nên đọc và nên nghiền ngẫm từng chữ một.

Bản dịch của Nyanaponika Thera và Bhikkhu Bodhi viết: “He does not meditate in dependence on earth… in dependence of what is seen, heard, sensed, cognized…” (Vị này không thiền tập dựa vào đất [nước gió lửa…]… không dựa vào những gì được thấy, nghe, cảm thọ, nhận biết…)

Bản dịch của Ni Trưởng Sister Uppalavanna tương tự, viết là “He does not think leaning on, whatever seen, heard…” (Vị này không suy nghĩ dựa vào những gì được thấy, nghe…)

Bản dịch của đại sư Thanissaro Bhikkhu dịch là: “He is absorbed dependent neither on earth, liquid, fire, wind... nor on whatever is seen, heard, sensed, cognized…” (Vị này thiền định không dựa vào đất nước gió lửa… cũng không dựa vào bất cứ những gì được thấy nghe hay biết…

Bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là “Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, nước, lửa, gió, Không vô biên xứ... [cũng không y chỉ vào] cái gì được thấy, nghe, cảm giác, thức tri...

Đó là lời của Đức Phật. Nhưng chỗ này riêng chúng ta không nên khởi tâm phân biệt thấp hay cao, và hãy nghĩ rằng Đức Phật chỉ mượn hình ảnh ngựa hoang, ngựa giỏi… là tùy bệnh cho thuốc.

 

oOo

 

ít nhất ba bản Anh dịch của Kinh Sandha Sutta, và một bản Việt dịch của Ngài Thích Minh Châu. Cả 4 bản dịch này đều có links ở ghi chú (1). Để tránh trùng lập, nơi đây chỉ trích những ý chính để tham khảo.

Bản Anh dịch, ký tên chung của hai đại sư Nyanaponika Thera và Bhikkhu Bodhi, gọi kinh này là: Kinh "A Thoroughbred's Meditation". Bản in trên giấy từ sách “Numerical Discourses Of The Buddha” có bán ở Amazon, in ở các trang 272-274, không có bản online. Kinh này có thể đọc qua trích đoạn online trên tạp chí “Minnesota Buddhist: Bi-Annual Buddhist Newsletter in the Midwest” (trang 2-3).

Bản Anh dịch này viết, phần đầu là về ngựa hoang và phần sau là về ngựa giỏi, trích:

“…He meditates in dependence on earth, in dependence of water, in dependence on fire, in dependence on air, in dependence on the base of the infinity of space, in dependence on the base of the infinity of consciousness, in dependence on the base of nothingness, in dependence on the base of neither-perception-nor-non perception, in dependence on the other world, in dependence on what is seen, hear, sensed, cognized, reached, sought after and examined by the mind. Such is the meditation of a wild colt of a man...

... a good thoroughbred of a man... He does not meditate in dependence on earth…in dependence of what is seen, heard, sensed, cognized, reached, sought after and examined by the mind, and yet he meditates…”

Dịch:

“…Vị này thiền dựa vào đất, dựa vào nước, dựa vào lửa, dựa vào gió, dựa vào không vô biên xứ, dựa vào thức vô biên xứ, dựa vào vô sở hữu xứ, dựa vào phi tưởng phi phi tưởng xứ, dựa vào thế giới khác, dựa vào những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận biết, được tìm tới, được tìm theo và được khảo sát bởi tâm. Như thế là vị đó thiền tập kiểu ngựa hoang…

…một người như con ngựa giỏi… Vị này không thiền dựa vào đất… không dựa vào những gì được thấy, nghe, cảm thọ, nhận biết, tìm tới, tìm theo và được khảo sát bởi tâm. Và như thế, vị đó thiền…”

 

Bản Anh dịch của Ni Trưởng Sister Uppalavanna viết:

“He thinks leaning on earth, water, fire and air. He thinks leaning on the sphere of space, on the sphere of consciousness, on the sphere of nothingness and on the sphere of neither perception nor non-perception. He leans on this world and thinks, on the other world and thinks. Whatever seen, heard, experienced, cognized and sought with the mind, leaning on that too he thinks, he is consumed by those thoughts, is wasted and is destroyed by that. Saddha, these are the thoughts of an infrior man.

...He does not think leaning on earth, water, fire and air. He does not think leaning on the sphere of space, on the sphere of consciousness, on the sphere of nothingness and on the sphere of neither perception nor non-perception. He does not lean on this world and the other world and think He does not think leaning on, whatever seen, heard, experienced, cognized and sought with the mind. Yet, he thinks…. Saddha, when thoroughbred man concentrates in this manner, even Sakka together with the gods and Brahama and his retinue worship him from afar.”

Dịch:

“Vị này suy nghĩ dựa vào đất, nước, lửa và gió. Vị này suy nghĩ dựa vào không vô biên xứ, dựa vào thức vô biên xứ, dựa vào vô sở hữu xứ, dựa vào phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị này dựa vào thế giới này và suy nghĩ, dựa vào thế giới khác và suy nghĩ. Bất cứ những gì được thấy, được nghe, được kinh nghiệm, được nhận biết và được tìm kiếm bởi tâm, cũng dựa vào đó vị này suy nghĩ, vị này chìm vào các suy nghĩ đó, bị hoang phí, và bị phá hủy bởi như thế. Saddha, đó là những suy nghĩ của người thấp kém.

…Vị này không suy nghĩ dựa vào đất nước lửa gió. Vị này suy nghĩ không dựa vào không vô biên xứ, vào thức vô biên xứ, vào vô sở hữu xứ, và phi tưởng phi phi tưởng. Vị này không dựa vào thế giới này và thế giới khác và suy nghĩ. Vị này không dựa suy nghĩ vào bất cứ những gì  được thấy, được nghe, được kinh nghiệm, được thức tri và được tìm kiếm với tâm. Dù vậy, vị đó vẫn suy nghĩ… Saddha, khi một người tu xuất sắc thiền tập như thế này, ngay cả Thiên Chủ Sakka cùng với chư thiênPhạm Thiêntùy tùng đều tôn kính vị này từ xa.”

  

Bản Việt dịch xuất sắc và tế nhị của Hòa thượng Thích Minh Châu, trích nơi đây – tránh nói hình ảnh ngựa dở và ngựa giỏi, chỉ nói là “người thiền tư không thuần thục” và “người hiền thiện thuần thục” -- như sau:

“…Người ấy Thiền tư, y chỉ vào đất, Thiền tư y chỉ vào nước, Thiền tư y chỉ vào lửa, Thiền tư y chỉ vào gió, Thiền tư y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư y chỉ vào đời này, Thiền tư y chỉ vào đời sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, đều ý chỉ vào đấy người ấy Thiền tư. Như vậy, này Sandha là người Thiền tư không thuần thục...

...Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, thiền tư không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy, vị ấy vẫn có Thiền tư. Lại nữa, này Sandha, với vị ấy Thiền tư như vậy, chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên, dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục..."

Tuyệt vời. Đây thực sự là kinh đốn ngộ đốn tu. Trong khi đa số các Kinh trong Tạng Pali đều nói về niệm “cái bây giờ và ở đây” nhưng Kinh  Tuấn Mã ghi rõ lời Đức Phật dạy rằng ngay cả khi niệm “cái bây giờ và ở đây” như thế cũng chỉ là pháp của ngựa hoang, còn ngựa giỏi thì sẽ không niệm về nơi nầy, không niệm về nơi kia, không niệm về đời này, không niệm về đời sau, không niệm về thấy nghe hay biết, không niệm một chỗ nào để y cứ hết… nhưng vẫn là niệm. Cũng nên nhắc lại rằng trong bài “Đức Phật Dạy Pháp Thấy Tánh” chúng ta đã nói về Kinh Pháp Cú - Kệ 348, trong đó Đức Phật dạy “quăng bỏ cả quá khứ, hiện tại, vị lai…” và chàng nghệ sĩ gánh xiếc Uggasena tức khắc trở thành A La Hán.

Nhìn lại lịch sử Thiền Tông, chúng ta tất sẽ khởi lên câu hỏi: Phải chăng, tuấn mã đã bay về phương Đông quy tụ với các ngài Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Năng?

oOo

Tới đây, chúng ta suy nghĩ về các phương tiện truyền pháp của Thiền Tông. Thời rất xưa, như thời Đức Phật cho tới thời của Ngài Huệ Năng, phần lớn truyền pháp chỉ là gỡ chỗ bị kẹt của học nhân, để có thể nhận ra bản tâm, còn gọi là tự tánh. Từ khi Thấy Tánh xong, học nhân sẽ không bị kẹt gì nữa, bao nhiêu khối nghi sẽ biến mất, đọc kinh gì cũng biện biệt được, và tự động tâm không còn dính mắc gì nữa .

Nhưng rồi với thời gian, khi các thiền sư phải dạy cho 500 vị sư, hay khi dạy cho cả ngàn vị sư, hẳn là phải có phương tiện phổ biến, vì không thể nào kèm cặp với từng học nhân. Mỗi vị thầy có thể tìm ra những cách truyền dạy khác nhau. Sẽ tuyệt vời nếu bạn gặp một vị thầy, được dạy pháp chỉ thẳng vào tâm để kiến tánh, và hốt nhiên đốn ngộ. Nhưng đó là cơ duyên hy hữu.

Việt Namtruyền thống Thiền Trúc Lâm. Phật Giáo Tây Tạng có các pháp Mahamudra, Dzogchen. Đều là truyền thống Thiền Tuấn Mã như Đức Phật dạy trong Kinh Sandha Sutta nêu trên.

Nhưng về ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới, chính là Thiền Tông từ Trung Hoa và Nhật Bản, thường là dạy qua 2 phương pháp chính. Đặc biệt, cả 2 phương pháp này để không lưu tâm nơi “cái bây giờ và ở đây” – để nói một cách sơ lược.

Thứ nhất, là pháp Mặc chiếu thiền. Thường được dạy ở Thiền phái Tào Động.

Thứ nhì, tham công án, hay tham thoại đầu. Thường được dạy ở Thiền phái Lâm Tế.

Thế nào là Mặc chiếu thiền?

Thiền sư Thánh Nghiêm (1930-2009) giải thích về Mặc chiếu thiền, qua lời cao đồ là Guo Gu nói trên tạp chí Lion's Roar ngày 12 tháng 8-2016, xin mời đọc và đối chiếu với Kinh Sandha nêu trên:

“The ultimate way to practice silent illumination is to sit without dependence on your eyes, ears, nose, tongue, body, or mind. You sit with­out abiding anywhere, fabricating anything, or falling into a stupor. You neither enter into meditative absorption nor give rise to scattered thoughts. In this very moment, mind just is— wakeful and still, clear and without delusion.” (2)

Dịch:

“Cách toàn hảo để thực tập mặc chiếu là ngồi mà không dựa vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý. Bạn ngồi mà không trụ vào bất cứ nơi nào, không nghĩ tưởng bất cứ gì, cũng không rơi vào hôn trầm. Bạn không nhập định, cũng không để cho khởi niệm tán loạn. Trong khoảnh khắc này, tâm là như thị -- tỉnh giáclặng lẽ, tỏ tường và không ảo giác.”

oOo

 

Vậy, còn pháp tham thoại đầu, hay tham công án? Pháp này là phương tiện của đời sau, có lẽ là từ thế kỷ thứ 10 mới có. Công án là một sự tích, một chuyện xảy ra trong Thiền Tông, mang ý nghĩa khó hiểu với người chưa ngộ. Thoại đầu là một câu khó hiểu. Các vị thiền sư Trung Hoa nhận ra rằng quá ít học trò có thể vào được kinh nghiệm giác ngộ, nên dùng phương tiện, yêu cầu học trò tham công án, hay tham thoại đầu (gọi tắt là: tham thiền), để dùng làm viên gạch dộng cửa. Có khoảng 1,700 công án được dùng để yêu cầu học nhân tham cứu, ghi lại trong các sách, nổi tiếng nhất là hai cuốn Vô môn quan, Bích nham lục…

Cốt tủy của tham thiềnsử dụng “tâm không biết” – một cách để tới chỗ ngộ là dùng “nghi tình.” Vì khi chúng ta khảo sát một vấn đề gì, mà không biết rõ, và không dùng lý luận được, tâm nghi trở thành “sự chăm chú một cách tỉnh thức” mà không dựa vào mắt tai mũi lưỡi thân ý gì hết. Bởi vì cái biết của “tâm không biết” chính là Phật Tánh, còn gọi là bản tâm, hay tâm sơ nguyên. Tâm này xa lìa mọi thấy nghe hay biết do duyên khởi.

Sống với “Tâm không biết, nhưng không có nghĩa là không biết” này là sống với chữ Như trong Kinh Phật. Tới đây, chúng ta có thể dẫn ra một số Kinh trong Tạng Pali

Kinh Bahiya, Đức Phật dạy rằng hãy tập là trong cái thấy chỉ là cái được thấy, trong cái nghe chỉ là cái được nghe… và vượt qua không đời này, không đời sau, không chặng giữa.

Kinh Khemaka, dạy để tâm vô sở trụ (không dính tâm vào đâu cả).

Kinh Kalaka, dạy chớ dựng lập thấy biết, và Đức Phật nói rằng đó là dạy về pháp "Như" tối thượng, không pháp nào cao hơn.

Kinh Cetana, dạy chớ dựng lập ý niệm.

Lời dạy ngắn gọn khác là ở Kinh SA 17, dạy bứng gốc và buông bỏ sắc thọ tưởng hành thức, nghĩa là bứng gốc và buông bỏ mọi hiện tướng của thân tâm.

Kinh Pháp Cú - Kệ 348 đã nêu ở trên.

Kinh Satta Sutta, Đức Phật: “…Con hãy đập vỡ, hãy quăng tứ tán và hãy hủy diệt thức, và làm cho nó không cựa quậy gì nữa. Hãy xóa sổ khát ái với thức – vì xóa sổ thức xong, hỡi sư Radha, là Giải thoát.”

Và rồi quý thầy Thiền Tông tìm ra một phương tiện: trong cái tỉnh thức của nghi tình (tâm không biết), tất cả mọi thứ đều bị quét sạch, nơi đó “tất cả quá khứ, hiện tại, vị lai, tất cả cái nơi đây và nơi kia, tất cả sắc thọ tưởng hành thức…” đều bị nghi tình quét sạch. Và rồi sẽ tới một lúc thấy thực tướng các pháp bằng toàn thân (thấy bằng toàn thân, như lời Ni sư Zenju Earthlyn Manuel nói trong bài “Thiền Tập và Bạo Lực”) chính là không tướng, là vô tướng, là như huyễn, và tri huyễn tức ly…

Như thế, chúng ta tìm thấy một sợi dây xuyên suốt các Kinh Pháp Hoa (với 10 pháp Như Thị), Kinh Kim Cang (vô sở trụ), Kinh Lăng Nghiêm (hãy quăng bỏ kiến văn giác tri, hay “tri kiến lập tri tức vô minh bổn” rằng trên cái thấy biết chớ chồng thêm cái thấy biết nào nữa), Kinh Duy Ma Cật (tất cả pháp bình đẳng, bất nhị), Kinh Địa Tạng (bổn nguyện: dùng nhiều phương tiện làm cho chúng sinh [trong tâm] giải thoát hết cả [quét sạch hết], rồi tự thân chứng thành Phật đạo), Kinh Viên Giác (tri huyễn tức ly), Kinh Bát Nhã Tâm Kinh (thấy Tánh Không trong tất cả các pháp), và rất nhiều kinh khác.

Sau đây là hướng dẫn của Thiền sư Hám Sơn trong bài "Yếu Chỉ Tu Chứng Cho Người Sơ Học" - trích (ghi chú trong ngoặc vuông là của người viết): 

"[hãy chăm chú nhìn vào nơi gốc của niệm]

...Hãy đặt tâm vào quan sát, nhìn xem niệm sinh từ đâu, và niệm diệt về đâu. Nếu ngươi tu tập như thế này, bất kể loại vọng niệm nào sinh khởi, thì chỉ một cái chạm vào thôi là chúng đều sẽ tan ra manh mún. Tất cả sẽ tan đi và biến mất. Ngươi đừng bao giờ chạy theo, hay tiếp diễn lan man vọng niệm...

...Ngay khi niệm khởi lên, hãy thấy nó ngay tức khắc. Khi ngươi nhận ra niệm đó, thì nó sẽ biến mất. Đừng bao giờ tìm cách đè nén các niệm, nhưng hãy cho phép các niệm như nó là, hệt như ngươi nhìn một quả bầu trôi nổi trên mặt nước. Hãy dẹp hết tất cả thân, tâm và thế giới của ngươi, và hãy đơn giản đưa ra trước [tâm] một niệm, hệt như một mũi kiếm xuyên thủng bầu trời. Cho dù là Phật hay Ma xuất hiện, hãy cắt bỏ hết như một cuộn chỉ rối...

[nếu không chăm chú nhìn gốc của niệm được, hãy dùng phương tiện thoại đầu]

...Dù vậy, ngay cả khi phải nói tới pháp tu thì thực sự y hệt như là lựa chọn cuối cùng. Thí dụ như, khi phải dùng tới binh khí, thì chúng thực sự không phải là vật kiết tường. Nhưng chúng được dùng như lựa chọn cuối cùng [trong chiến trận]. Cổ đức đã nói về việc khảo sát Thiền, và đưa ra thoại đầu (huatou). Những cái này, cũng đều là các lựa chọn cuối cùng. Ngay cho dù có vô số công án, thì chỉ riêng dùng câu thoại đầu, “Ai đang niệm Phật đó?” ngươi cũng có thể nhờ nó tăng sức dễ dàng giữa các tình huống phiền não...

...Hãy chăm chú nhìn vào điểm từ đâu mà niệm sinh khởi, và liên tục dấn tới và hỏi, “Nguyên khởi, không có gì bên trong tôi, vậy thì từ nơi đâu mà [trở ngại] tới? Cái gì đây?” Ngươi phải quyết tâm tìm ra tận gốc chuyện này. Cứ liên tục tham như thế, giết sạch tất cả [vọng hiện] mà không để lại một chút dấu vết nào, cho tới khi ngay cả tới quỷ thần cũng phải bật khóc. Nếu ngươi có thể tham thiền như thế, tin mừng sẽ tới với ngươi một cách tự nhiên."(3)

Tất cả những công đức nào trong bài viết này có được, xin hồi hướng khắp pháp giới. Trường hợp có sơ sót nào trong bài, chỉ là vì sở học bất toàn và người viết xin thành tâm sám hối.

GHI CHÚ:

(1) Bản của Nyanaponika Thera và Bhikkhu Bodhi: http://www.mnbv.org/wp-content/uploads/2014/06/MBV_Newsletter_2011_Kathina.pdf

Bản của Ni Trưởng Sister Uppalavanna – http://awake.kiev.ua/dhamma/tipitaka/2Sutta-Pitaka/4Anguttara-Nikaya/Anguttara6/11-ekadasakanipata/001-nissayavaggo-e.html

Bản của Thanissaro Bhikkhu - http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an11/an11.010.than.html

Bản của HT Thích Minh Châuhttp://thuvienhoasen.org/a1267/pham-01-03   

(2) You Are Already Enlightened - http://www.lionsroar.com/you-are-already-enlightened/

(3) Thiền Tập - http://thuvienhoasen.org/p31a14271/bac-truyen

 

 

 









Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 188948)
01/04/2012(Xem: 34455)
08/11/2018(Xem: 13373)
08/02/2015(Xem: 51500)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.