GIỚI THIỆU SÁCH MỚI:
ĐẠO PHẬT PHÁP MÔN VÀ ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT
Tác giả: Thích Nhật Từ | Thích Nhật Đạo giới thiệu
Đầu tiên, xin giới thiệu đôi nét về tác giả. Thượng tọa Thích Nhật Từ sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Thầy thọ giới tỳ-kheo năm 1988. Sau thời gian học Phật học trong nước, thầy đi du học và đã tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học tại Đại học Allahabad, Ấn Độ vào năm 2001… Hiện tại thầy đảm nhiệm khá nhiều vị trí quan trọng trong Giáo hội, có thể kể đến như vai trò Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM kiêm Trưởng Ban quản viện…
Về tác phẩm, “Đạo Phật Pháp Môn và Đạo Phật Nguyên Chất” gồm 7 chương. Trừ chương I, các chương còn lại là những bài giảng của tác giả được phiên tả (ghi chép) lại. Mở đầu, chương I, tác giả trình bày để trả lời cho câu hỏi: “Đức Phật có dạy 84.000 pháp môn không?”. Trong chương này, Thượng tọa đã nhiều lần khẳng định: “84.000 pháp môn là do Phật giáo Trung Quốc đặt ra”. Theo thầy, khái niệm “84.000 pháp môn” không hề có trong kinh điển Pali và thuật ngữ này nên được hiểu là “84.000 pháp uẩn”, tức 84.000 lời pháp, hay lời chân lý. Tác giả cũng đã trình bày chi tiết kèm trích dẫn cụ thể về xuất xứ khái niệm “Pháp uẩn” trong văn học Pali và ý nghĩa con số 84.000 trong Phật giáo.
Tiếp đến, tác giả trình bày về pháp môn duy nhất của Đức Phật là Tứ Diệu Đế với Chánh niệm là nền tảng. Chúng tôi xin lược qua những phần trình bày này để tập trung vào chương V: Đạo Phật pháp môn và Đạo Phật nguyên chất, chương chủ đạo và quan trọng nhất của tác phẩm, theo chúng tôi. Ở chương này, tác giả cho rằng “Đạo Phật Pháp môn còn được gọi là Đạo Phật Tổ sư”. Tác giả đã ví “Đạo Phật Tổ sư sử dụng chìa khóa Pháp môn như ống nhòm”, ống nhòm chỉ là một lăng kính, mà lăng kính thì không toàn diện. Còn “Đạo Phật nguyên chất” là khái niệm được tác giả mượn từ tác phẩm cùng tên của Thiền sư Nhất Hạnh. Theo tác giả “Như Đức Phật đã xác định, Bát chánh đạo là quan trọng nhất trong con đường tâm linh. Việc thực tập Bát chánh đạo phải nhấn mạnh đến ba phương diện đó là Đạo đức, Trí tuệ và Thiền định”. Theo đó, giải thoát là một tiến trình chuyển hóa thân và tâm, như chính lời dạy của Đức Phật: “Này các đệ tử, không có sự giác ngộ thình lình, không có sự chứng đắc thình lình” (kinh Tăng Chi).
Bên cạnh đó, tác giả đặc biệt nêu cao tinh thần phụng sự chúng sinh. Để phụng sự chúng sinh, theo tác giả, Phật giáo Việt Nam cần mạnh dạn trở về Đạo Phật nguyên chất hay Đạo Phật gốc (chương VI).
Quyển sách kết thúc bằng những lời giải đáp của tác giả về Pháp môn tu tập. Tác giả đã chia sẻ quan điểm cá nhân về Tịnh Độ tông, Kim Cang thừa hay Mật tông… Trong bối cảnh Phật giáo hiện nay ở nước ta khi pháp môn Niệm Phật phần nào biến tướng theo chiều hướng xấu, đôi khi mê tín thì những lời dạy của Thượng tọa là những chia sẻ quý báu, có giá trị tham khảo rất lớn.
Tác phẩm còn rất nhiều chia sẻ đầy tâm huyết của tác giả về việc Phật giáo Việt Nam đã “nhập cảng nguyên xi” nghi thức tụng niệm của Phật giáo Trung Quốc, về xây dựng Tịnh độ nhân gian, cải cách Phật giáo… mà trong giới hạn bài viết giới thiệu cuốn sách chúng tôi không đề cập hết được. Mời các bạn tìm đọc để lắng nghe những trăn trở, những sẻ chia của tác giả để hiểu hơn về một Đạo Phật gốc.
Và đọc để hiểu hơn về tác giả - một vị thầy theo chúng tôi là người có tâm lượng rất lớn, đặc biệt luôn ưu tư về vận mạng Phật Pháp - không hoàn toàn phủ nhận vai trò của các pháp môn: “Việc thực tập các pháp môn đều tốt, bởi vì không có pháp môn nào đáp ứng trình độ căn tính, sở trường của tất cả chúng sinh”. Theo đó, “Đáp ứng đúng trình độ, pháp tu thì các pháp môn đều có giá trị”. Nhưng pháp môn chỉ là “con đường hành trì” chứ không phải là tất cả…
Vài lời giới thiệu, “ĐẠO PHẬT PHÁP MÔN và ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT”, tác giả Thích Nhật Từ, NXB. Hồng Đức ấn hành, đối tác liên kết: Công ty Khai Tuệ, 220 trang.
Bình Chánh, ngày 01-10-2017
Thích Nhật Đạo
Đọc sách tại đây:
https://thuvienhoasen.org/a28659/dao-phat-phap-mon-va-dao-phat-nguyen-chat
- Từ khóa :
- Đạo Phật Pháp Môn
- ,
- Đạo Phật nguyên chất